Hàng loạt giáo hạt, giáo xứ biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng (RFA, 10/07/2048)
Những ngày qua, Dự luật Đặc khu kinh tế dù đã buộc phải lùi việc thông qua để chờ cơ hội thực hiện thông qua việc bịt miệng người dân bằng Luật An ninh mạng. Nhưng với tinh thần yêu nước và lo lắng cho giống nòi, lãnh thổ và an ninh quốc gia, người dân khắp nơi vẫn không hề yên tâm với việc cho nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc thuê đất Việt Nam.
Đặc biệt, cái gọi là Luật An ninh mạng đã thông qua bởi cái gọi là "Quốc hội" thông qua, nhằm bóp miệng người dân, tước đoạt quyền tự do ngôn luận – một quyền cơ bản của người dân – đã tạo nên sự lo ngại và làn sóng phản đối ngày càng dâng cao trong xã hội.
Dù những cuộc biểu tình khắp nơi đã bị đàn áp và dìm trong bạo lực, bắt bớ nhưng không thể làm nhụt chí đấu tranh ôn hòa của người dân khắp nơi thể hiện tinh thần yêu nước, sự cảnh giác và mất lòng tin với đảng Cộng sản.
Dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bằng nhiều ngón đòn bẩn thỉu như canh giữ, ngăn cấm, tuyên truyền về "Dự luật bán nước" và "Luật bịt miệng" – Tên do người dân gọi Dự luật và Luật mới được thông qua – nhưng người dân đã thêm cảnh giác và tinh thần đấu tranh vẫn hừng hực dâng cao.
Chúa Nhật, 17/6/2018, một cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn người dân, nhiều linh mục và tu sĩ Giáo hạt Văn Hạnh, tỉnh Hà Tĩnh để phản đối các dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Hàng Linh mục và giáo dân trong Giáo hạt đã về tập trung đông đủ tại Giáo xứ Văn Hạnh mang theo băng rôn, phản đối những việc làm bán nước, hại dân của nhà cầm quyền.
Mỗi giáo hạt bao gồm nhiều giáo xứ với hàng ngàn giáo dân. Giáo hạt Văn Hạnh bao gồm 14 Giáo xứ với 44.000 giáo dân tại khu vực Thành phố Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và Lộc Hà. Vì vậy, tác động của những cuộc biểu tình đối với người dân ở đây hết sức lớn lao.
Hàng ngàn người đã diễu hành trên đường với các khẩu hiệu trên tay đòi hủy bỏ Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu trong tiếng hát "Trả lại cho dân" được phát qua hệ thống truyền thanh. Người dân hết sức phẫn nộ với Dự luật bán nước và bịt miệng này.
Cuộc biểu tình đã làm cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lúng túng và huy động rất đông cảnh sát, công an các loại vào những ngày sau đó canh chừng ở các ngả đường. Tất nhiên là họ chưa dám liều lĩnh vào làng để trấn áp tinh thần người dân.
Tiếp nối tinh thần đó, Chúa Nhật ngày 8/7/2018, đồng loạt nhiều giáo hạt, giáo xứ khắp hai tỉnh Nghệ An và Quảng Binh đã xuống đường tuần hành với hàng chục ngàn giáo dân.
Tại Nghệ An, Giáo hạt Đông Tháp bao gồm 10 Giáo xứ và 25.000 giáo dân tại khu vực Huyện Diễn Châu, đã tập trung tuần hành mang theo băng rôn, cờ phướn phản đối Dự luật Đặc khu bán nước và Luật An ninh mạng. Những tấm băng rôn của người dân nêu rõ : "Không cho Trung Cộng thuê đất, dù chỉ một ngày" đã nói lên tinh thần và ý chí người dân.
Đoàn người đã đi qua nhiều làng mạc, đường bộ và nhiều khu vực người dân đang sợ hãi và im lặng trước thảm họa bán nước, đã thức tỉnh nhiều người dân khắp nơi.
Cùng ngày, cũng tại Nghệ An, Giáo hạt Bảo Nham bao gồm 11 giáo xứ và 25.000 giáo dân tại 3 huyện như Yên Thành, Nghi Lộc và Đô Lương đã đồng loạt xuống đường phản đối nhà cầm quyền tìm cách bán nước và bịt miệng người dân nhằm để bán nước trót lọt. Đoàn người đã biểu thị tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ cũng như quyền con người qua việc phản đối Dự luật và Luật nói trên.
Đoàn người đã tạo nên một khí thế sôi nổi và tác động mạnh mẽ đến tinh thần người dân vùng này.
Tại Quảng Bình, nơi nổi tiếng sắt máu và bạo lực bất khoan nhượng với người giáo dân, điển hình qua vụ Tam Tòa cách đây 9 năm, Giáo hạt Hòa Ninh với 24.000 giáo dân trong 9 giáo xứ, tại thị trấn Ba Đồn đã đồng loạt ra quân biểu tình chống Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu.
Những người biểu tình đã cầm trên tay và hô vang các khẩu hiệu : "Cho Trung Cộng thuê đất là bán nước", Phản đối Luật An ninh mạng bịt miệng người dân" và "Công an phải bảo vệ người dân thực hiện quyền hiến định của mình".
Đoàn người diễu hành với cờ ngũ sắc trên đường đã tạo nên những hình ảnh đẹp và thức tỉnh người dân. Các linh mục cùng với các giáo dân đã biểu thị tinh thần yêu nước của mình một cách chính đáng và sôi nổi.
Qua các cuộc biểu tình, điều người ta thấy rõ ràng là dù với những mưu hèn, kế bẩn được đưa ra thi thố, dù dùng bạo lực và sự dối trá để tuyên truyền, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng không thể dập tắt được tinh thần yêu nước của người dân và không dễ đánh lừa được họ.
Chúng ta cảm ơn những linh mục, giáo dân đã vững vàng bước lên vượt qua mọi nỗi sợ hãi để đòi lại quyền con người, quyền được mở miệng và bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.
Họ đã làm thay cho điều mà gần 100 triệu người dân Việt Nam phải làm nếu không muốn cơ đồ đất nước rơi vào tay ngoại bang bằng những hành động, văn tự bán nước của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Hình ảnh những cuộc biểu tình tại các Giáo hạt vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình :
Tại Giáo hạt Văn Hạnh :
Tại Giáo hạt Đông Tháp :
Tại Giáo hạt Bảo Nham :
Tại Giáo hạt Hòa Ninh :
Ngày 9/7/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
*********************
Dù bị trấn áp, bắt bớ, khởi tố, Giáo Phận Vinh vẫn xuống đường mạnh mẽ (CaliToday, 10/07/2018)
Nhiều năm trở lại đây, giáo dân ở Gíao phận Vinh được dư luận khắp nơi đánh giá là ngọn cờ đầu của cả nước trong việc đoàn kết, mạnh mẽ xuống đường bày tỏ quan điểm chính kiến đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước những vấn đề hệ trọng của đất nước và dân tộc…
Các Linh mục và giáo dân giáo hạt Đông Tháp- Giáo phận Vinh vào sáng ngày 10/7/2018 (ảnh : Facebook Nguyễn Thị Hương)
Cứ tưởng những trận hành hung đối trước đợt trấn áp, bắt bớ và khởi tố người biểu tình với cáo buộc tội gây rối trật tự công cộng thì người dân sẽ sợ hãi không dám bày tỏ chính kiến phản đối phản đối Formosa, phản đối dự thảo Luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là dự thảo Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng 2018…nhưng không. Vẫn còn đó miền Trung hừng hực khí thế với hình ảnh giáo dân ở Gíao phận Vinh liên tiếp mấy ngày qua, có khoảng hàng ngàn giáo dân ở các giáo xứ như Giáo xứ Mỹ Khánh, Giáo hạt Hòa Ninh, Giáo hạt Đồng Tháp… đã đoàn kết xuống đường mạnh mẽ để phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng 2018, nói thay tiếng nói nhức nhói của triệu triệu người dân Việt Nam.
Khi mà Luật An ninh mạng 2018, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam yêu cầu các công ty mạng Intrernet quốc tế như là Google, Facebook… vào Việt Nam phải đặt máy chủ để kiểm soát và phải cung cấp thông tin cá nhân của người dùng khi nhà cầm quyền yêu cầu đã khiến không chỉ giới trí thức mà người dân sinh hoạt mạng bình thường nhất cũng nhận thấy quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt gọi chung là tự do Internet bị xâm phạm đặc biệt là đối với những tiếng nói chỉ trích, phê bình Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Quy định của Luật An ninh mạng 2018, cũng đã cho thấy bất cứ ai cũng sẽ trở thành nạn nhân bị lạm quyền của các cá nhân, cơ quan công lực đơn cử như những cá nhân, tổ chức thương mại có thể bị tống tiền, bị làm lộ bí mật thông tin thương mại. Nguy hiểm nếu những thông tin thương mại này được những cá nhân công quyền cấu kết với những cá nhân, tổ chức thương mại của Trung Quốc thì khi đó sẽ dẫn đến hậu quả là tiếp tay loại trừ những cá nhân, tổ chức thương mại Việt Nam khiến nền kinh tế Việt Nam từ lâu đã lệ thuộc kinh tế Trung Quốc nay càng lệ thuộc hơn.
Theo Linh mục Phạn Văn Lợi ở Huế, luật An ninh mạng 2018 của Việt Nam về hình thức nó cũng giống như bao luật An ninh mạng của các nước văn minh trên thế giới nhưng sự khác biệt ở đây là mức độ áp dụng. Linh mục Lợi chia sẻ :
"Đó là dẹp yên tất cả những gì đụng chạm tới nhà nước, đụng chạm tới Đảng cộng sản Việt Nam, tức là họ sẽ cấm cản tất cả những ai mà họ cho rằng nói xấu chế độ, nói xấu lãnh tụ hoặc gây hoang mang vì truyền bá những tin tức…"
Cũng theo Linh mục Lợi, riêng dự thảo luật Đặc khu bị người dân Việt Nam nói chung phản đối mục đích chính không phải thời hạn cho nhà đầu tư nước ngoài đến Đặc khu thuê đất, mà bởi vì nó đang cho thấy mối đe dọa đến độc lập chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trước mộng bành trướng của Trung Quốc.
"Luật đặc khu thì ta đã biết, ba cái nơi Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phòng và Phú Quốc yếu tố kinh tế không mấy quan trọng bằng yếu tố quốc phòng, kết hợp với Vũng Áng và Tây Nguyên sẽ thành "bàn tay năm ngón" túm lấy Việt Nam"- Lời của Linh mục Lợi.
Cho nên người giáo dân ở Giáo phận Vinh cũng là người Việt Nam, cũng cùng chung số phận phải lo lắng trước viễn cảnh bị xâm phạm quyền sinh hoạt mạng, viễn cảnh sống trên một đất nước bị mất chủ quyền lãnh thổ.
Người giáo dân ở Giáo phận Vinh cầu nguyện trong các buổi thánh lễ hoặc xuống đường phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng 2018 là thể hiện quyền bày tỏ chính kiến, quyền biểu tình chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, những quyền cơ bản này của người giáo dân Giáo phận Vinh đang bị xúc phạm, xuyên tạc nghiêm trọng bởi những truyền thông "bẩn" đứng về phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khi cho rằng người giáo dân đã lợi dụng việc bày tỏ chính kiến để gây rối trật tự cộng cộng, chống Đảng và Nhà nước.
Linh mục Phan Văn Lợi bác bỏ những luận điệu xúc phạm, xuyên tạc này :
"Dĩ nhiên não trạng của những người cộng sản này hễ thấy ai nói khác với Đảng chứ chưa nói chống thì họ cũng đã cho là chống rồi. Chúng ta biết những cuộc biểu tình là một trong những sinh hoạt rất bình thường ở thế giới văn minh này. Biểu tình là cách thức để người dân bày tỏ thái độ với những chính sách của nhà cầm quyền, biểu tình bên phía công giáo luôn trật tự vì người công giáo được dạy là phải ôn hòa, tiếp nữa những cuộc biểu tình của những giáo dân ở các giáo xứ Giáo phận Vinh luôn có một ông Cha đi đầu cho nên những cuộc biểu tình này luôn ôn hòa, bất bạo động…".
"Những cuộc biểu tình của giáo dân ở giáo phận Vinh là một trong những điều kiện chính đáng để Nhà nước thấy được quyền của người dân, tiếng nói chính đáng của người dân, không được vu cáo rằng đó là những hoạt động gây rối".
Luật An ninh mạng 2018 được Quốc hội cộng sản Việt Nam hiện tại thông qua, chính thức được áp dụng vào ngày 1/1/2019. Còn luật Luật Đặc khu sẽ quyết định vào kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội cộng sản Việt Nam, hiện tại ở một số tỉnh, thành Việt Nam xuất hiện một số cá nhân làm "nhiệm vụ" tuyên truyền Luật Đặc khu đến người dân dọn đường dư luận cho Luật Đặc khu được thông qua. Tuy vậy, dù có thế nào thì người viết tin tưởng rằng ; ngày nào tiếng nói phản kháng của người dân Việt Nam vẫn còn, "ngọn cờ tiên phong" đoàn kết xuống đường của giáo dân Gíao phận Vinh vẫn còn thì ngày đó đất nước và dân tộc này vẫn trường tồn, tự do dân chủ và nhân quyền chắc chắn sẽ đến.
Quê Hương