Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/07/2018

Vụ Đặng Văn Hiến : hiển thị một hành vi bội ước của chính quyền

Nhiều tác giả

Vụ xử Đặng Văn Hiến giống vụ Đoàn Văn Vươn : bảo kê tham nhũng ?

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 17/07/2018

Năm 2012 xẩy ra vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng.

dvh1

Đây là hành vi ăn cướp của bọn tham nhũng ở địa phương. Bởi trước đó, ông Đoàn Văn Vươn đã gửi rất nhiều đơn đến các cơ quan thẩm quyền kêu oan việc huyện Tiên Lãng định thu hồi 40 ha đầm tôm của mình là trái pháp luật.Mọi khiếu nại không được giải quyết, Đoàn Văn Vươn kiện lên tòa huyện Tiên Lãng bị tòa xử thua. Đoàn Văn Vươn kiện lên tòa thành phố Hải Phòng, tòa khuyên nếu rút đơn thì xem xét cho thuê đất tiếp.Ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn rút đơn, giáp tết nguyên đán 2012 huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã huy động quân binh chủng hợp thành hàng trăm cảnh sát, quân đội, các loại vũ khí tối tân,xe ủi, chó nghiệp vụ... do đại tá giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca chỉ huy “đánh chiếm” đầm tôm ủi phá sạch nhà, các lều trại của gia đình Đoàn Văn Vươn. Uất ức kìm nén đã lâu, bị kích động quá mạnh, Đoàn Văn Vươn đã nổ súng hoa cải tự chế để chặn cuộc cướp bóc làm một số chiến sĩ quân đội bị thương. Sự việc trở nên nghiêm trọng và nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải xem xét.Cuối cùng, mọi sai phạm dẫn đến cuộc nổ súng là từ chính quyền xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, được nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận là “sai cả lý lẫn tình” tại cuộc họp chính phủ ngày 10/2/2012.

dvh2

Ông Đặng Văn Hiến giả từ gia đình trước khi ra đầu thú

Nếu so với pháp luật, quyền tự vệ của công dân thì Đoàn Văn Vươn vô can, những kẻ chỉ huy phá huỷ nhà cửa, lều lán của gia dình Đoàn Văn Vươn ngay sát ngày tết cổ truyền phải xem xét theo luật hình sự(lời ông Nguyễn Tấn Dũng).



Thế nhưng, cuối cùng chỉ vài quan chức ở xã, huyện bị cách chức, kỷ luật nhẹ, riêng viên đại tá Đỗ Hữu Ca, kẻ có hành vi tàn bạo, thất đức trong vụ này không những không bị kỷ luật gì mà sau đó còn được phong tướng. Điều bất công trắng trợn là bị hại Đoàn Văn Vươn bị tòa thành phố Hải Phòng xử 5 năm tù, tòa phúc thẩm tòa án Nhân dân tối cao ngày 3/7/2013 vẫn y án 5 năm tù.

Sau vụ này dư luận nhận định : Dù biết và thực tế Đoàn Văn Vươn không có tội nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn phải xử ông 5 năm tù chỉ với một lý do duy nhất : Ngăn chặn, răn đe sự phản kháng của nhân dân sau này. Đúng thế, nếu tòa xử công minh như vụ án Nọc Nạn cách đây 90 năm (gia đình nông dân Biện Toại ở Nọc Nạn huyện Giá Rai, Bạc Liêu đánh chết 5 nhân viên nhà nước và người nhà địa chủ cướp đất tương tự vụ Đoàn Văn Vươn nhưng tòa thực dân Pháp xử vô tội) thì sau này dân cứ theo gương Đoàn Văn Vươn thì quan chức sẽ “hết cửa” cướp bóc ? Như vậy có thể kết luận : Vụ xử tù Đoàn Văn Vươn là vụ “bảo kê tham nhũng, cướp bóc”.

Nay vụ Đặng Văn Hiến cũng rất giống vụ Đoàn Văn Vươn.

Công ty Long Sơn được chính quyền giao khu đất nhưng không rành mạch gianh giới, Đặng Văn Hiến và bà con chạy đói rách ở miền Bắc vào khai hoang lấy đất sinh sống. Do không có gianh giới rõ ràng nên xẩy ra tranh chấp giữa công ty Long Sơn và Đặng Văn Hiến. Đặng Văn Hiến và bà con đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu chính quyền các cấp can thiệp nhưng cũng như khắp nơi trên đất nước này, không ai giải quyết thỉnh cầu của những người nông dân nghèo khó kia.Trong khi đó công ty Long Sơn ỷ vào chính quyền, tiền bạc, sức mạnh hàng trăm công nhân 8 năm liền ủi phá đánh đập dân gây nên sự phẫn uất dồn nén... Đến lần hàng trăm đầu gấu đến ủi nhà cửa của Đặng Văn Hiến, chủ nhà phẫn uất bắn cảnh cáo không ngăn chặn được sự phá phách và anh ta hạ nòng súng xuống khiến 3 người chết.

Đây rõ ràng là hậu quả của sự tắc trách vô cảm của chính quyền, sự tàn bạo nhẫn tâm của công ty Long Sơn dẫn đến sự tự vệ quá mức của nông dân Đặng Văn Hiến. Dù không chủ động gây tội giết người, gây án mạng trong hoàn cảnh phẫn uất, tự vệ, đã hối hận tự thú, bị hại cũng xin tha cho Đặng Văn Hiến nhưng ngày 12/7/2018 vừa qua tòa phúc thẩm vẫn xử tử hình Đặng Văn Hiến. Đặc biệt sau khi tuyên mức án vô cảm, tàn bạo này chủ tọa phiên tòa luôn nhắc luật sư thay Đặng Văn Hiến làm đơn thỉnh cầu chủ tịch nước tha chết cho tội nhân… Chứng tỏ tòa biết rõ Đặng Văn Hiến không đáng tội chết.

Xét trên mọi góc độ luật pháp, nhân văn…việc xử tử hình Đặng Văn Hiến rõ ràng là không phải theo luật pháp mà là răn đe người dân không được chống lại quan chức, đại gia bằng vũ lực nhằm bảo kê cho tham nhũng, cướp bóc về sau ?

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn VNTB, 17/07/2018

 

**********************

Tử hình Đặng Văn Hiến và ‘cú lừa đáng tởm của bạo quyền chuyên chế’

Trần Tiến Dũng, Người Việt, 16/07/2018

Hôm 12 Tháng Bảy, 2018, tòa án chế độ Hà Nội tuyên y án tử hình anh Đặng Văn Hiến, người nổ súng chống cưỡng chế đất ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông làm 3 người chết, 13 người bị thương.

dvh3

Ông Đặng Văn Hiến trước tòa

Từ bản án bất công này, dư luận nhớ lại những vụ án người nông dân nổi dậy chống lại nhà cầm quyền cướp đất như vụ Đoàn Văn Vươn, Đồng Tâm,…

Thật không thể nhớ hết từ năm 1975, sau gần nửa thế kỷ áp đặt sự cai trị với thứ luật đất đai phi nhân, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã tuyên bao nhiêu bản án xô đầy người nông dân vào tử lộ.

Về án tử hình dành cho nông dân Đặng Văn Hiến, người nông dân này đã bóp cò súng giết chết đám sai nha thừa lệnh đảng và tư sản đỏ xông vào ung vũ lực cướp đất của ông. Tất nhiên ông giết người là sai, nhưng vì sao người nông dân chân chất này lại liều lĩnh ung bạo lực.

Đó là sự phản kháng cuối cùng của một con người bị dồn vào chân tường không lối thoát. Không ai có thể thản nhiên đứng nhìn những tài sản của mình bị phá, cướp, không ai chấp nhận tương lai của gia đình bị cùng quẫn. Những phát súng của Đặng Văn Hiến là bi kịch của người phản ứng tự vệ, quyết liều mạng cố giữ lấy mảnh đất sinh tồn cho mình và gia đình, thái độ và hành động đó khó tránh được.

Đã vào đường cùng, lối thoát duy nhất của họ là chống trả vì họ không còn tin vào công lý, tin vào thứ luật đất đai gọi là sở hữu toàn dân nhưng thực chất là sở hữu của đảng và đám cường quyền ăn theo đảng.

Thảm kịch của người nông dân và các gia đình sai nha bị người nông dân này giết là bằng chứng cho thấy, khi quốc thổ bị đảng chiếm đoạt thì công lý về quyền sở hữu công dân không hề tồn tại với đất nước và dân tộc này.

dvh4

Vợ ông Đặng Văn Hiến (giữa) đau đớn khi nghe tòa y án tử hình dành cho chồng mình. (Hình : Soha)

Nếu là người sống trong nước, không ai còn lạ việc hệ thống tham quan và tầng lớp tư sản đỏ làm giàu từ đất đai, hay nói rõ hơn là sự cấu kết dựa vào luật đất đai của chế độ để phất lên. Thật mỉa mai thay cho cái gọi là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, trong khi thực chất toàn bộ quốc thổ Việt Nam là của đảng Cộng Sản Việt Nam, với vài triệu người đã chiếm lấy cả quốc thổ làm tài sản riêng.

Gần đây, không kể đến vụ nông dân tự thiêu, các vụ tự vận vì mất đất, mất nhà sau khi khiếu kiện hàng chục năm trời không kết quả. Chỉ cần vụ một đảng viên cấp cao ở Sài Gòn ngang nhiên đồng ý thực hiện thương vụ công ty Tân Thuận (công ty của đảng) bán 32ha đất tại Phước Kiểng, Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai, thì biết bản chất quốc thổ Việt Nam đã bị cướp thành tài sản riêng tùy tiện bán mua như thế nào.

Thêm nữa nếu nhìn thấu đáo thì việc ồn ào dư luận mất bản đồ hay thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh chỉ sau một chữ ký của quan chức cao cấp đảng là thành dân vô gia cư, đến mồ mả ông bà cũng không có chỗ lưu vong.

Dư luận rất đúng khi cho rằng : hầu hết tài sản kinh khủng của cán bộ đảng cao cấp, tài sản của các đại gia đỏ đều từ quốc thổ cướp đoạt hoặc đền bù với giá rẻ mạt mà có. Không kể phần đất đai, nhà cửa của người di tản, vượt biên, bị đánh tư sản sau khi đảng chiếm được miền Nam, thì toàn bộ tài sản quốc thổ của cả nước mà đảng đoạt được từ tay người dân là vô số kể.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thứ luật kéo dài hệ thống bất nhân khắp đất nước, thứ luật tạo mọi điều kiện cho bạo quyền cường hào gây ra đau thương tang tóc cho lương dân. Hãy nhìn tất cả tư sản đỏ và tham quan đang ngạo nghễ, phè phỡn, khoe tài sản đất đai đoạt được với giá đền bù rẻ mạt thì rõ.

Nếu hôm nay gia đình ai đó vẫn còn bình yên sống trên mảnh đất gầy dựng từ mồ hôi xương máu của mình không có nghĩa là ngày mai, ngày kia hay ngày sau của con cháu họ không bị đạp đuổi tước đoạt.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân chính là cú lừa gạt đáng tởm nhất của bạo quyền chuyên chế.

Trong suốt lịch sử dân tộc, chỉ thời đại này mọi người Việt Nam mới phải sống trong vòng vây lừa gạt bằng “luật pháp”. 

Trần Tiến Dũng

******************

Dư luận Việt Nam tiếp tục ‘nóng’ vụ ông Đặng Văn Hiến bị y án tử hình (Người Việt, 15/07/2018)

Mạng xã hội ở Việt Nam hôm 15 Tháng Bảy tiếp tục quanh chiến dịch kêu gọi mọi người ký đơn, thỉnh nguyện thư gửi Chủ Tịch Nước cộng sản Việt Nam Trần Đại Quang xin ân xá cho ông Đặng Văn Hiến, người nông dân nổ súng chống cưỡng chế đất ở tỉnh Đắk Nông vừa bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình.

dvh5

Ông Đặng Văn Hiến tại phiên tòa phúc thẩm hôm 12 Tháng Bảy, 2018. (Hình : Zing)

Vụ nổ súng xảy ra hồi Tháng Mười, 2016, làm ba người chết, 13 người bị thương, liên quan đến việc ông Hiến chống cưỡng chế đất sau khi công ty Long Sơn được nhà cầm quyền tỉnh Đắk Nông cho thuê 1,079 hécta đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Sau vụ nổ súng, ông Hiến được một số phóng viên vận động ra đầu thú.

Theo luật pháp Việt Nam, sau khi án tử hình đã tuyên, ông Đặng Văn Hiến có bảy ngày để xin chủ tịch nước ân xá, giảm án.

Hôm 15 Tháng Bảy, tin cho hay bố ruột và vợ con ông Hiến đã tới Hà Nội gửi “Đơn xin ân giảm” tại Phủ Chủ Tịch Nước.

Trong số những người mới nhất bày tỏ sự ủng hộ việc ký đơn xin ân xá cho ông Hiến có MC Phan Anh ở Hà Nội với lập luận được anh này chia sẻ trên trang cá nhân : “Tôi ủng hộ xin chủ tịch nước ân xá cho ông Đặng Văn Hiến dựa trên những thông tin đa chiều về cả quá trình, nguyên nhân dẫn tới vụ việc đau lòng này. Có rất nhiều sự đồng thuận khác mà chúng ta có thể đọc được trên báo chí. Đặc biệt là ý kiến xin giảm án cho ông Hiến từ gia đình các nạn nhân.”

Cùng thời điểm, nhiều Facebooker cũng share một post của blogger Bạch Hoàn, cựu phóng viên VTV : “Tôi tin rằng, chủ tịch nước có thừa nhạy cảm chính trị để hiểu rằng, niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp hiện nay đang khiêm tốn đến nhường nào. Lẽ nào, những người nắm trong tay quyền định đoạt sống chết của công dân Đặng Văn Hiến, không nhìn thấy lòng dân bây giờ đang không khác nào một cánh đồng cỏ khổ trong mùa nắng bỏng. Chỉ cần một que diêm thôi là đã đủ để thổi bùng lên đám cháy lớn. Hãy nhìn vào lòng dân để đo vận nước. Cho một phận người khốn khổ cơ hội được sống cũng là cho chính quyền một cơ hội nhận được nụ cười của dân thay vì những lời oán thán…”

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, một số blogger không đặt niềm tin vào hiệu quả của chiến dịch thu thập chữ ký cũng như đơn xin ân xá cho ông Hiến.

Một trong số đó, nhà hoạt động Hoàng Dũng ở Sài Gòn viết trên trang cá nhân : “Rất nhiều người đặt niềm tin, hy vọng vào chữ ký ân xá cho Đặng Văn Hiến của chủ tịch nước. Thứ nhất : chẳng có gì đảm bảo điều đó xảy ra. Nếu nó không xảy ra, Hiến chết và ta nói : ‘Ồ, tôi rất tiếc !’ Thứ hai : Chính hệ thống đó dung dưỡng cho bọn cướp đất, xử tử người chống lại và hệ thống đó lại rón tay làm phúc ban mạng sống cho nạn nhân. Chính trị Việt Nam rất thú vị.”

Facebooker Lâm Mạnh Di thì viết ngắn gọn trên Facebook : “Xin lỗi, cần xin được ân xá là Trần Đại Quang và cái đảng lưu manh cộng sản Việt Nam. Không phải ông Đặng Văn Hiến.”

Không bày tỏ sự ủng hộ hay phản đối chiến dịch kêu gọi ân xá cho ông Hiến, Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân : “Ngoài Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (đã ý kiến về vụ anh em Đoàn Văn Vươn nổ súng tại Tiên Lãng), Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân (đối thoại với đại diện dân oan Thủ Thiêm), các vị lãnh đạo khác của Việt Nam có vẻ không muốn bày tỏ đồng cảm với dân oan Việt Nam ? Hay họ cho rằng, ‘dân oan’ không có ở Việt Nam, chỉ là sản phẩm tuyên truyền của những thế lực thù địch ? Có lẽ Ban Tuyên giáo của đảng cộng sản Việt Nam, nếu muốn tham mưu cho ban lãnh đạo Việt nam tốt, cần nghiên cứu, bàn thảo thẳng thắn đề tài này.” (T.K.)

************************

Tử hình Đặng Văn Hiến, công lý đã không đứng về phía người tận khổ (Người Việt, 14/07/2018)

Lời tòa soạn : Hôm 12 Tháng Bảy, 2018, phiên xử phúc thẩm của Tòa Án Cấp Cao tại Sài Gòn tuyên y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, người nông dân nổ súng chống cưỡng chế đất ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Vụ nổ súng xảy ra hồi Tháng Mười, 2016, làm 3 người chết, 13 người bị thương, liên quan đến việc ông Hiến chống cưỡng chế đất sau khi công ty Long Sơn được nhà cầm quyền tỉnh Đắk Nông cho thuê 1,079 hécta đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Sau vụ nổ súng, ông Hiến được một số phóng viên vận động ra đầu thú. 
Bản án tử hình dành cho ông Đặng Văn Hiến đã tạo nên làn sóng bất bình và bất an trong dư luận tại Việt Nam, đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook, như bài viết dưới đây của Facebooker Lam Hồng Nguyễn.

*******************

dvh6

Vợ ông Đặng Văn Hiến bật khóc sau khi nghe tòa tuyên y án tử hình chồng mình. (Hình : Zing)

Facebook Lam Hồng Nguyễn

Một bản án thật sự là công lý, ngoài chuyện giữ gìn kỷ cương luật pháp, bắt kẻ phạm tội phải chịu trừng phạt tương xứng với tội lỗi đã gây ra, nó còn mang nhiều ý nghĩa khác.

Bản án có thể là sự xoa dịu nỗi đau cho xã hội. Bản án cho kẻ này cũng là bài học răn đe với kẻ khác, giảm thiểu nguy cơ lặp lại tội lỗi trong cộng đồng. Bản án cho kẻ thủ ác là sự an ủi cho nạn nhân và gia đình của họ. Bản án còn là sự răn đe, giáo dục đối với kẻ phạm tội, bắt họ tâm phục khẩu phục để sám hối về hành vi của mình, giúp cuộc đời họ trở nên tốt hơn sau khi chịu hình phạt. Đó là cách góp phần ngăn ngừa ý định, hành vi phạm tội của kẻ khác có thể nảy sinh trong cộng đồng. Một bản án khi tuyên, nếu thỏa mãn được các ý nghĩa đó, hẳn đó là khi công lý được thực thi hoặc trả lại.

Y án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, bản án đã không đáp ứng được các ý nghĩa đó. Đối với người nghèo, đối với anh Hiến, gia đình, người thân của anh và cả chính người thân của những nạn nhân đã thiệt mạng, công lý vẫn xa vời.

Không ai có thể bênh vực, biện hộ gì được cho hành vi mà anh Hiến đã gây ra. Hình phạt cao nhất giành cho Hiến cũng không trả lại được sự sống cho 3 nạn nhân đã thiệt mạng. Bản án tử hình cho Hiến không phải là một hình phạt nặng, nhưng đó là hình phạt không hợp lý và cũng không giúp đem lại công lý hay đạo lý. Nó chỉ khiến cuộc đời có thêm một nạn nhân, nhiều nạn nhân.

Hiến phạm tội khi anh, gia đình anh, cộng đồng của anh bị tước đoạt quyền lợi, bị chà đạp quyền sống, bị đẩy vào đường cùng. Chính tòa án đã công nhận điều đó, khi tuyên công ty Long Sơn có tội. Gia đình các nạn nhân cũng đã có đơn xin giảm án cho Hiến, không đòi hỏi sự trừng phạt nặng nhất để thỏa mãn sự trả thù. Họ nhìn thấy rõ, kẻ gây tội đồng thời cũng chính là một nạn nhân cùng quẫn. Anh Hiến được chính người thân nạn nhân của mình cảm thông và chia sẻ. Đáng tiếc, tòa án đã không giành cho anh sự cảm thông và chia sẻ đó.

Đặng Văn Hiến phạm tội nghiêm trọng, nhưng trong lương tâm xã hội, dư luận và công luận, anh luôn được nhìn như một nạn nhân. Chưa từng có bất kỳ ai đòi phải tuyên cho Hiến bản án là cái chết. Ngược lại, dư luận xã hội đồng thuận tuyệt đối, mong cho anh bản án nhẹ nhất có thể, để cả lý lẫn tình vẫn còn hiện hữu. Không ai muốn có thêm một nạn nhân phải chết. Y án tử hình Hiến, xã hội nhận thêm một vết thương, một nỗi đau lương tâm. Y án tử hình Hiến, lương tri đang bị giễu nhại, công lý đang trở nên méo mó.

Vụ án đồng Nọc Nạn Tháng Tám năm 1928, Tòa Đại Hình Cần Thơ đã tuyên tha bổng cho hầu hết các bị can. Tòa án thực dân đã thừa nhận vị thế nạn nhân của các thủ phạm. Sau 90 năm, tòa án “Xã Hội Chủ Nghĩa” đã không nhìn được điều đó. Ý nghĩa nhân đạo không tồn tại trong bản án phúc thẩm vừa tuyên cho Hiến. Đó là một bước thụt lùi về khía cạnh nhân văn của nền tư pháp.

Trước, trong và sau phiên tòa, hàng trăm, hàng ngàn bài báo đã lên tiếng đòi, kiến nghị, xin giảm án cho Hiến. Gia đình nạn nhân, các luật sư cũng đã làm đủ mọi cách để án cho Hiến nhẹ hơn. Nhưng vô vọng. Luật pháp đã không hề nghe thấy nhưng tiếng kêu từ lương tâm xã hội.

Pháp đình không phải là nơi công lý được thực thi. Công lý đã không đứng về phía người tận khổ.

Vẫn còn một cơ hội cuối : Chủ tịch nước sẽ sẽ đồng ý với đơn xin ân xá cho Đặng Văn Hiến. Chỉ có điều đó mới xoa dịu được nỗi đau từ vết thương mà gia đình nạn nhân, thủ phạm và cả xã hội đang mang. Bằng ngược lại, án tử hình cho Đặng Văn Hiến sẽ cứa vào lương tâm, công lý và xã hội thêm một vết thương, một nỗi đau mới, dai dẳng và khốc liệt.

Khánh kiệt niềm tin, cái ác, tội lỗi khi đó sẽ khó loại trừ hay ngăn chặn. Xã hội cũng giống như một con người. Sống với cơ thể mang một vết thương không bao giờ khép miệng, cơn đau luôn hành hạ, làm sao biết khi nào con người sẽ bộc phát lao vào những hành động rồ dại và điên loạn ? (Lam Hồng Nguyễn)

Quay lại trang chủ
Read 867 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)