Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/07/2018

Một viễn ảnh đáng ngại

Lê Phan

Vladivostok, Nga, 16 tháng Bảy, 2021 : Tái đắc cử, Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Nga hôm nay cho một cuộc họp đầu tiên của khối G3 với Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để phân chia khu vực ảnh hưởng ở Âu Châu và Á Châu.

Trong khi đó, NATO lay lắc, chỉ còn cái bóng của thời oanh liệt cũ, với Hoa Kỳ chỉ còn là một thành viên trên danh nghĩa vì Quốc hội không cho ông Trump rút ra khỏi khối. Nhật Bản mới loan báo chương trình vũ khí hạt nhân sau khi Hoa Kỳ rút khỏi bán đảo Triều Tiên sau một hòa ước chấm dứt Chiến tranh Cao Ly, mặc dầu Bắc Hàn vẫn duy trì khả năng vũ khí hạt nhân. Phần còn lại của Á Châu vội vàng tìm cách để chiều lòng Trung Quốc, bá quyền mới trong vùng.

Mọi sự khởi đầu với một loạt hội nghị thượng đỉnh vào tháng Sáu và tháng Bảy, 2018, và hội nghị G7, hội nghị NATO, và cuộc gặp gỡ của ông Trump với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un cùng lãnh tụ Nga, Putin, đã bắt đầu sự tan rã của ổn định toàn cầu và vị thế của Hoa Kỳ trên trường thế giới.

Résultat de recherche d'images pour "G3 putin, trump, xi"

Một câu chuyện khoa học giả tưởng kiểu 1984 chăng ? Đó là điều chúng ta hy vọng nhưng nó cũng có triển vọng thành sự thật.

Chính sách ngoại giao thường chuyển biến chậm chạp với hậu quả phải nhiều năm hay nhiều thập niên mới thấy rõ. Khi Anh Quốc theo đuổi chính sách “appeasement - nhượng bộ” hồi thập niên 1930 cho phép Hitler bành trướng lãnh thổ không có một sự cản trở nào, chủ xướng bởi Thủ tướng Neville Chamberlain, nó nay bị coi là một trong những lý do tạo nên Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng cũng đừng quên là chính sách này lúc đó được rất nhiều hưởng ứng từ dân chúng, và có vẻ là thực tế.

Chính sách bành trướng của Hitler đã khá rõ vào năm 1936 khi lực lượng Đức Quốc Xã chiếm Rhineland. Hai năm sau, vào tháng Ba, 1938, Hitler chiếm và sát nhập Áo. Ở hội nghị Munich vào tháng Chín năm đó, ông Chamberlain có vẻ đã tránh được chiến tranh bằng cách đồng ý cho Đức chiếm đóng Sudetenland, khu vực nói tiếng Nga của Tiệp Khắc. Thỏa thuận này rồi được gọi là Thỏa Thuận Munich. Về Anh, Hiệp Ước Munich được chào đón ăn mừng. Ông Chamberlain tuyên bố mang lại “Hòa bình cho thời đại chúng ta.” Nhưng Hitler không ngừng ở đó, tháng Ba, 1939, Đức chiếm nốt phần còn lại của Tiệp Khắc. Sáu tháng sau, Đức xâm lăng Ba Lan và sau cùng Anh phải lâm chiến.

Phải mất hơn ba năm sau thì hậu quả của chính sách nhượng bộ của ông Chamberlain mới thấy rõ.

Chỉ nội trong tháng vừa qua, Tổng thống Donald Trump nhiều lần làm suy yếu các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ và làm thân với những nhà độc tài mà chủ đích là tấn công vào các quyền lợi của Hoa Kỳ. Nếu cái đà này tiếp tục, có thể chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của sự phá hoại hệ thống địa lý chính trị được dựng lên từ Đệ Nhị Thế Chiến và hoàn chỉnh sau trong Chiến Tranh Lạnh, và một tương lai bất ổn và đen tối.

Biến cố thực sự dồn dập. Sau khi bắt đầu một cuộc chiến mậu dịch với các đồng minh dân chủ thân thiết nhất của Hoa Kỳ, Tổng thống Trump là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên từ chối ký vào một thông cáo chung của khối G-7 ở hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Sáu ở Canada. Sau đó ông gọi Thủ tướng Justin Trudeau của Canada là “bất lương và hèn yếu.” Canada và Âu Châu đã trả đũa với những thuế quan của chính mình, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp nói là các nền dân chủ G7 phải duy trì nguyên tắc dân chủ dầu cho có Hoa Kỳ hay không, và ngoại trưởng Đức kêu gọi một chiến thuật của Âu Châu để chống lại các chính sách của tổng thống Mỹ.

Đi thẳng từ sự đổ vỡ ở G7, Tổng thống Trump bay đến Singapore trong cuộc họp đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ và một lãnh tụ của Bắc Hàn với không có một sự nhượng bộ nào từ phía Bắc Hàn. Trong cuộc gặp gỡ riêng giữa hai người, ông Trump đơn phương đồng ý đình chỉ các cuộc tập trận hỗn hợp Hoa Kỳ-Nam Hàn – vốn đã là đòi hỏi lâu nay của Bắc Hàn và Trung Quốc – mà không hỏi ý kiến đồng minh Nam Hàn, và không được một cái gì trao đổi cả. Việc này xảy ra sau khi có tin là tổng thống đang tìm cách rút quân ra khỏi Nam Hàn. Trong khi tổng thống không đòi được một thành quả gì ngoài những tấm hình với một trong những nhà độc tài tàn bạo nhất thế giới, tổng thống đã có vẻ thán phục ông Kim Jong-un, nhận xét một cách hơi ghen tức “Khi ông ta nói nhân dân của ông ta ngồi thẳng lên chú ý… Tôi muốn dân của tôi cũng làm như vậy”.

Tuần rồi, tổng thống tiếp tục từ bỏ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ với NATO, nói “NATO có ích lợi gì đâu…” và được nói đã đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO nếu các quốc gia khác không chi thêm tiền. Trên đài Fox, tổng thống đã bác bỏ điều quan trọng nhất của NATO, điều 5 của hiến chương vốn khẳng định tấn công một quốc gia thành viên là tất công toàn thể liên minh.

Khi một phát thanh viên của Fox News hỏi liệu Hoa Kỳ có đem quân đi bảo vệ Montenegro, hội viên mới nhất của NATO hay không, ông bảo không. NATO có thể còn tồn tại nhưng điều quan trọng nhất của liên minh, sự hiểu ngầm là liên minh sẽ chống trả nếu một đồng minh bị tấn công, đã bị bác bỏ. Tổng thống Putin không dám tiến lên chiếm lại ba quốc gia vùng Baltic mà ông vẫn coi là của Nga, cũng như ông coi Ukraine và bán đảo Crimea là của Nga, chỉ vì ông ngại điều 5 của NATO.

Trên con đường báo tố đó tổng thống tới Anh nơi ông đã gặp một những cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ. Đúng như lối hành xử của ông, trước khi gặp Thủ tướng Theresa May, ông cho thâu một cuộc phỏng vấn với báo The Sun, chỉ trích người chủ nhà đang đón tiếp ông về chính sách Brexit trong khi bà đang gặp khó khăn trong nội bộ đảng Bảo Thủ. Ông cũng lập lại luận điệu kỳ thị sắc tộc nói là di dân dã “thay đổi văn hóa, tôi nghĩ đó là một điều rất tiêu cực cho Âu Châu”. Thủ tướng May, bực mình, đã công khai trả lời “Chúng tôi có một lịch sử đáng tự hào chào đón những người muốn đến đất nước chúng tôi”. Một nhà bình luận Anh hỏi “Không hiểu tổ tiên của tổng thống là gì nếu không phải là di dân. Hay chỉ tại vì tổng thống là di dân da trắng nên chuyện đó là tốt”. Vào lúc này, liên hệ Anh Mỹ chả còn có gì là đặc biệt nữa.

Rồi tổng thống gặp ông Vladimir Putin. Trong một cuộc họp báo mà đến cả những nhà báo lão luyện, phóng viên Tòa Bạch Ốc của các cơ quan truyền thông, đã phải sửng sốt nhìn nhau, tổng thống nói ông tin vào ông Putin hơn là vào các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Trước đó, ông đã đòi cho phép Nga trở lại tham gia vào khối G7 và ông đã từng đồng ý với ông Putin là Crimea là của Nga. Chưa kể là trước khi gặp ông Putin, ông đã bảo liên hệ xấu giữa Hoa Kỳ và Nga là lỗi của các chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm và cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller mà ông gọi là một cuộc “săn phù thủy gian lận”.

Và tất cả chỉ trong hơn một tháng.

Từ Âu Châu sang Á Châu, tổng thống đã phá hủy những liên minh với các quốc gia dân chủ, trong khi làm bạn với các nhà độc tài. Ông gửi ra những chỉ dấu cho các đồng minh của Hoa Kỳ là họ không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ được nữa, và rằng Hoa Kỳ sẽ không cản trở nếu Trung Quốc hay Nga chiếm những gì họ muốn. Tổng thống đã khẳng định một cách rõ ràng ông nghĩ gì khi ông gọi Liên Hiệp Âu Châu là “kẻ thù” – dầu cho sau đó ông thêm kẻ thù kinh tế – trong khi ông Putin là “một kẻ cạnh tranh tốt”.

Cố Thủ tướng Chamberlain theo đuổi chính sách dung nhượng (appeasement) với Hitler vì ông nghĩ Hitler cũng là một người tử tế như mình và vì dân chúng Anh đã quá chán chiến tranh. Tổng thống Trump theo đuổi chính sách làm thân với những kẻ độc tài vì ông thán phục những lãnh tụ mạnh và chê các lãnh tụ dân chủ là “yếu ớt”.

Nhưng dầu cho vì lý do nào chăng nữa, con đường đi đến tương lai rồi đây chắc chắn sẽ bạo động hơn, đen tối hơn, và sẽ là do sự điều khiển của khối G3 trong đó Hoa Kỳ có lẽ là cường quốc yếu nhất. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 22/07/2018

(theo The Guardian)

Quay lại trang chủ
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)