Khác hẳn với bầu không khí vài ba tháng trước chỉ thuần túy bị nghi ngờ nhưng không có bằng chứng, giờ đây Chính phủ Slovakia đang phải hứng chịu búa rìu từ báo chí Đức – những tờ báo mang đẳng cấp quốc tế và có uy tín trên thế giới, chẳng hạn như Frankfurter Allgemeine Zeitung, kéo theo sự ‘tham chiến’ của nhiều tờ báo Mỹ và các nước khác, tạo nên một sức ép ghê gớm về việc cấp thiết phải minh bạch việc Slovakia có tiếp tay cho Bộ Công an Việt Nam để ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam hay không.
Lời chỉ trích nghiêm khắc của Tổng thống Slovakia Andrej Kiska (phải) đối với Cảnh sát trưởng Milan Lučanský (trái) vào một ngày tháng Bảy nóng rẫy của năm 2018. Ảnh : Slovak Spectator
Đó là nguồn cơn dẫn đến sự xuất hiện của Tổng thống Slovakia Andrej Kiska trong một chế độ chính trị mà thực quyền nằm trong tay thủ tướng.
Tháng Bảy năm 2018, trong cuộc gặp với Cảnh sát trưởng Milan Lučanský, Tổng thống Andrej Kiska đã chỉ trích giới cảnh sát nước này về thái độ thiếu trách nhiệm trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Bối cảnh cuộc gặp có vẻ không còn đường lùi trên diễn ra hơn hai tháng sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini vớiThủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào đầu tháng Năm năm 2018. Trong khi bà Merkel phàn nàn về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với chi tiết một đoàn cán bộ công an cấp cao của Việt Nam dường như đã lợi dụng lòng hiếu khách và sự nhẹ dạ của Chính phủ Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Slovakia, rồi dùng máy bay này để ‘vận chyển’ Trịnh Xuân Thanh bay qua không phận Ba Lan về Hà Nội…, thì báo chí Đức nêu ra một câu hỏi rất khó chịu với Peter Pellegrini : ‘Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?’.
“Vụ án này đã trở thành một vụ bê bối quốc tế” – Tổng thống Andrej Kiska nói, “Việc này có thể có hậu quả nghiêm trọng về sự tin tưởng trong quan hệ giữa Slovakia và Đức”, tờ Nhật báo The Slovak Spectator của Slovakia thuật lại như thế.
Năm ngoái, truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam là tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Trong đoàn của ông Tô Lâm lại có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Khi đó, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cũng như Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng mới đây, vào thời điểm kết thúc phiên tòa thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – sớm hơn dự kiến gần cả tháng do Nguyễn Hải Long rốt cuộc đã quyết định thú tội bắt cóc để được hưởng mức án 3 năm 10 tháng tù giam, thay vì phải ‘bóc lịch’ đến 7 năm rưỡi, phía Cảnh sát Đức đã nêu công khai về một cuộc họp chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam là Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Kaliňák ở Bratislava vào tháng Bảy năm 2017 dường như ‘chỉ có một mục đích’, cụ thể là ‘di chuyển ông Thanh tương đối suôn sẻ từ khối Schengen về đến Việt Nam’.
Thì ra lời khẳng định ‘không liên quan’ vào năm 2017 của Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák lại tương phản hoàn toàn với hình ảnh chính ông ta thủ vai diễn viên chính trong vở kịch ‘trung chuyển Trịnh Xuân Thanh’.
Tại thời điểm tháng Bảy năm 2018, báo chí Đức tự tin viết rằng ‘gần như không còn nghi ngờ’ rằng một máy bay của chính phủ Slovakia đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng chính vào thời gian nước sôi lửa bỏng hiện thời, Cựu bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák lại chạy một đường vòng lắt léo khi từ chối những tuyên bố rằng ông biết về vụ bắt cóc khi ông tại chức, bỏ lại một di sản bê bối chính trị mang tầm cỡ quốc tế mà chẳng biết trách nhiệm sẽ trút lên đầu quan chức nào mang trọng trách của Slovakia.
Kaliňák còn bày tỏ quan điểm của ông ta về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên một mạng xã hội : tên của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách hành khách sử dụng máy bay do chính quyền Việt Nam cung cấp ; không có bệnh nhân nào được vận chuyển trên máy bay, hoặc một ai bị trói hoặc có cử động bị hạn chế theo bất kỳ cách nào khác ; mọi người đều có hộ chiếu ngoại giao.
“Làm thế nào những chính trị gia như chúng ta có thể đối mặt với hàng trăm ngàn người đang kêu gọi một Slovakia tử tế, một Slovakia, nơi quyền lực chính trị sẽ không bị lạm dụng, khi chúng ta không nhìn vào những gì đã được nói đến !” – Tổng thống Andrej Kiska thốt lên đầy bức bối và có thể cả giận dữ.
Khi đã được xác nhận rằng Slovakia cung cấp máy bay của chính phủ, sau đó được sử dụng để bắt cóc cựu quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, hiển nhiên một lời giải thích thuyết phục về tất cả những nghi ngờ và phản đối hoặc hình phạt đối với những người có trách nhiệm là điều mà Tổng thống Andrej Kiska đang mong đợi và hối thúc.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 03/08/2018
********************
Bộ trưởng công an Tô Lâm là ‘thủ phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ (Người Việt, 02/08/2018)
Trong một diễn biến bất ngờ, hôm 3 Tháng Tám 2018, tờ báo Taz, một cơ quan truyền thông độc lập của Đức, lần đầu tiên đăng bài báo bằng tiếng Việt cập nhật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm (phải) họp với Robert Kalinak, bộ trưởng Nội vụ Slovakia tại Hà Nội ngày 3 Tháng Sáu, 2017. (Hình : Website Chính Phủ cộng sản Việt Nam)
Điều đáng chú ý nhất là bài báo này nêu đích danh Thượng tướng, Bộ trưởng công an cộng sản Việt Nam Tô Lâm là ‘thủ phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, với sự tiếp tay của bộ trưởng Nội vụ Slovakia’.
Bài báo với tựa đề ‘Trịnh Xuân Thanh – Lời chào thân ái từ Hà Nội’ viết rằng :
“Vào Thứ Tư sau hôm xảy ra vụ bắt cóc, ở khách sạn Borik có một buổi tụ họp ly kỳ : Chủ nhà là bộ trưởng Nội vụ Slovakia hồi đó, ông Robert Kalinak. Bốn khách Việt Nam có mặt, trong đó có tướng Hưng [Trung Tướng Đường Minh Hưng, tổng cục phó Tổng Cục An Ninh– Bộ Công An] – người được cho là giữ vai trò điều phối vụ bắt cóc tại Berlin, và một vị tướng hai sao khác của Bộ Công An [cộng sản Việt Nam]. Người dẫn đầu phái đoàn là Tô Lâm, bộ trưởng công an Việt Nam”.
“[Sau cuộc họp], chiếc phi cơ A319 đang chờ họ tại cửa VIP của sân bay để đi về Moscow. Lúc 14 giờ 46 phút, chuyến bay SSG004 cất cánh, có 12 hành khách ngồi trong phi cơ, tất cả đều mang hộ chiếu ngoại giao. Các nhà điều tra tin chắc rằng, một nguời trong đó là nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Tất nhiên là anh ta không được mang tên thật của mình”, báo Đức viết.
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức hôm 2 Tháng Tám đăng tin Trịnh Xuân Thanh bị hai mật vụ Việt Nam xốc nách đưa lên máy bay của chính phủ Slovakia và bộ trưởng Nội vụ Slovakia giúp bộ trưởng Công an trong vụ này. (Hình chụp màn hình)
Trong khi đó, tờ Thời Báo của người Việt ở Đức (thoibao.de) nêu rõ hơn : “Bộ Trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi – Các nhà điều tra Đức cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đã bị thương và bị cho uống thuốc có chất ma túy”.
Thời Báo cũng dẫn lại tin đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức cáo buộc ông bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak “đã giúp ông Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia”.
Tờ Taz của Đức lần đầu tiên đăng bài báo bằng tiếng Việt cập nhật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (Hình : Chụp qua màn hình)
“Các nhà điều tra Đức cho rằng Trịnh Xuân Thanh đi bằng một hộ chiếu ngoại giao Việt Nam dưới tên giả. Sau đó cánh cửa đóng lại và máy bay cất cánh theo hướng Moscow. Các chiêu đãi viên hàng không sau đó đã kể lại rằng họ đã phải giao tất cả điện thoại di động của họ cho phi công trưởng Slovakia – để chắc chắn rằng không có ảnh nào được chụp,’ tờ báo của nhà báo Lê Trung Khoa tường thuật.
Trong một diễn biến khác, ông Robert Kalinak được Slovak Spectator, tờ báo tiếng Anh duy nhất của Slovakia dẫn lời trong bài phỏng vấn đăng hôm 2 Tháng Tám, 2018 : “[Chính phủ] Việt Nam có thể đã lợi dụng lòng hảo tâm của chúng tôi. Slovakia đã làm mọi thứ có thể để giúp điều tra vụ bắt cóc [Trịnh Xuân Thanh]. Chúng tôi đã bày tỏ sự phẫn nộ về vụ bắt cóc này. Vụ này xảy ra trên lãnh thổ Đức. Tôi chỉ có một câu hỏi : Nếu ông Thanh bị truy nã quốc tế, tại sao tên ông ta không có trong hệ thống thông tin Schengen, nơi hiển thị tên của những tội phạm bị truy nã ?”.
Ông Kalinak cũng nói trong cuộc phỏng vấn : “Họ [ông Tô Lâm và giới chức công an cộng sản Việt Nam] yêu cầu chúng tôi giúp một vụ và chúng tôi nhận lời. Sự hào phóng của chúng tôi có thể đã bị lợi dụng. Tôi không thể tưởng tượng rằng bộ trưởng [Tô Lâm] sẽ đích thân tham gia vào một vụ hỗn độn như vậy”.
“Ông ấy [Tô Lâm] nói với tôi rằng đoàn Việt Nam đã nhỡ chuyến bay hay một điều đại loại như thế, và anh ấy hỏi tôi có thể giúp cấp máy bay đưa họ đến Moscow không. Tôi không có lý do gì để nghi ngờ ông ta”.
“Chúng tôi đã đón ông ta và theo lịch trình thì ông Lâm bay từ Prague đến Vienna. Nhưng rồi toàn bộ lịch trình đã bị thay đổi. Nếu những gì phía Đức nói là sự thật, rằng có một người bị còng tay hoặc bị khống chế, chúng tôi chắc chắn đã nhận ra và có phản ứng. Tuy vậy, hôm ấy không có người nào như vậy. Hơn nữa, phía Đức đã thẩm vấn tất cả nhân viên sân bay, phi hành đoàn và nhân viên của khách sạn Bôrik. Tôi tiếp tục giữ quan điểm : vụ này là giữa Đức và Việt Nam, và một cái gì đó ám muội. Họ [Hà Nội] đã không nêu tên ông ta [Trịnh Xuân Thanh] là người đang bị truy nã quốc tế trong hệ thống thông tin Schengen’, tờ Slovak Spectator viết thêm.
“Theo tờ theguardian của Anh, hồi Tháng Ba, 2018, ông Robert Kalinak, một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Slovakia Robert Fico, buộc phải từ chức sau vụ ám sát một nhà báo. Nhà báo này đang điều tra sự dính líu giữa chính phủ Slovakia và mafia của Ý. Vụ ám sát làm dấy lên các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Liên quan đến vụ này, trong phiên tòa diễn ra tại Berlin, ông Nguyễn Hải Long bị tuyên phạt 3 năm 10 tháng tù giam về tội “Hoạt động gián điệp chống lại nhà nước Đức” và “Trợ giúp cưỡng đoạt tự do” đối với ông Trịnh Xuân Thanh và người ở cùng ông Thanh thời điểm đó là bà Đỗ Thị Minh Phương.
Ông Long vừa đệ đơn kháng án và yêu cầu đổi luật sư biện hộ. Hành động này làm dấy lên suy đoán có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam.
Ông Long trước đó đã thừa nhận “tiếp tay cho mật vụ Việt Nam” và nhận tội để được miễn giảm án tù theo lời tư vấn của luật sư. (T.K.)