Sau khi chuyến công du Hoa Kỳ của ông Đỗ Bá Tỵ vào cuối tháng Bảy năm 2018 gây nghi ngờ trong giới quan sát chính trị về vai trò của ông Tỵ không biết về thực chất là Phó chủ tịch quốc hội hay ‘Đại tướng’ thay mặt cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, chỉ hai tuần sau đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ khẳng định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (phải) gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan vào tháng Bảy năm 2018. Ảnh : VOV
Như vậy, phải mất đến hai năm kể từ lúc Tổng thống Mỹ Barak Obama bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng Năm năm 2016, Bộ Quốc phòng Việt Nam mới thỏa thuận được hợp đồng đầu tiên mua vũ khí của Mỹ, giá trị gần 100 triệu USD, dù chưa được tiết lộ là bao gồm các loại vũ khí nào.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm với VOA : "Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam hiện có 24 trường hợp trong chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài với tổng trị giá là 69,7 triệu đôla".
Theo VOA Việt Ngữ, các vụ này đã được thông báo cho Quốc hội Mỹ và đang trong các giai đoạn khác nhau để triển khai và chuyển giao cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 tới 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cho phép Việt Nam mua các mặt hàng quân sự, trong đó có các thiết bị điện tử quân sự, trị giá 25 triệu đôla thông qua chương trình Mua bán Thương mại Trực tiếp. Mua bán Quân sự Nước ngoài (FMS) và Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS) là hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác. Cụ thể, FMS là một chương trình chuyển giao giữa hai chính phủ. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua đơn đặt hàng, rồi đối tác trả tiền cho thiết bị và Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng hệ thống của mình để mua rồi chuyển cho đối tác. Trong khi đó, theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị…
Chỉ có điều, những bản hợp đồng đầu tiên của Việt Nam mua vũ khí Mỹ chưa đầy 100 triệu USD – chỉ bằng chưa đầy 1/% so với giá trị các hợp đồng thương mại, dù trên danh nghĩa mà chưa có cơ sở nào để coi là thực chất, mà Thủ tướng Phúc hoan hỉ mang đến Washington tháng Năm năm 2017 để lấy lòng Tổng thống Trump.
Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Mười Một năm 2017, một dấu hỏi lớn vẫn tồn tại : Vì sao trong khi ông Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ mãn nguyện với giá trị thỏa thuận thương mại được ký kết giữa hai nước trong chuyến đi này lên tới 12 tỷ USD (tuy chưa biết có thật hay không, hoặc nếu là thật thì có được thực hiện hay không), đã chẳng có một thỏa thuận nào và càng không hiện ra hợp đồng nào về việc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, cho dù Tổng thống Trump đã trổ "ngón nghề" về đàm phán, và Bloomberg còn dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Mỹ khi "chào hàng" tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ thậm chí nói ông Phúc "còn chần chờ gì nữa" khi ông (Trump) đã lên nắm cương vị đứng đầu nước Mỹ được 10 tháng rồi ?
Chẳng lẽ sau hàng loạt chuyến đi Mỹ trong năm 2017 của các tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng, và Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng quốc phòng có liên quan đến việc mua vũ khí, Việt Nam lại chẳng nhìn ngó một cơ hội mười mươi mà Tổng thống Mỹ mang đến tận Hà Nội ?
Thực ra, giới quân sự Việt Nam vẫn còn nặng lòng với vũ khí Nga. Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp đến 90% vũ khí chủ lực cho Việt Nam.
Nhưng từ khoảng năm 2013 đến nay và đặc biệt gần đây, đã xuất hiện quan điểm trong giới chuyên gia quốc phòng rằng sẽ rất rủi ro nếu Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một hay một số ít các đối tác, vì vậy Việt Nam nhất thiết phải đi tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và bổ sung thêm vào biên chế những khí tài có xuất xứ "ngoài Nga".
Trong thời gian Trump ở Việt Nam vào tháng 11/2017, một số tờ báo nhà nước cũng có xu hướng cổ vũ cơ chế mua bán vũ khí với Mỹ như "Quân đội Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Mỹ thể hiện thiện chí muốn cung cấp những vũ khí tối tân nhất theo yêu cầu của chúng ta".
Những tờ báo này cũng khuyến nghị rằng nếu có mong muốn mua thêm các vũ khí phương Tây vào thời điểm này, Việt Nam nên tập trung vào cải thiện năng lực cảnh giới điện tử, giám sát hàng hải và chống ngầm – điểm yếu lớn nhất hiện nay của hải quân. Máy bay tuần tiễu P-3C Orion hay SC-130J Sea Hercules (biến thể nâng cấp từ dòng máy bay vận tải hạng trung C-130) sẽ là một miếng ghép hoàn hảo cho năng lực phòng thủ, bảo vệ lãnh hải của Việt Nam. Một yếu tố khác cũng khá quan trọng là giá thành của C-130J lẫn SC-130J đều không quá đắt, phù hợp với ngân sách mà Việt Nam có thể đáp ứng cho công tác đào tạo, huấn luyện cũng như duy trì, nâng cấp. Ngoài ra, với mối quan hệ đang cực kỳ nồng ấm với Nhật Bản, trong trường hợp Mỹ bán máy bay nhưng không trang bị vũ khí, cũng không quá khó khăn để Việt Nam có thể tìm kiếm sự thay thế từ các đối tác Nhật (với nền công nghệ quốc phòng hùng mạnh và cũng sử dụng vũ khí hệ Mỹ-NATO).
Và nếu điều kiện tài chính cho phép, Việt Nam cũng có thể xem xét mua thêm 1 hoặc 2 phi đội tiêm kích F-16 đã qua sử dụng và được nâng cấp lên chuẩn Block 52 của Mỹ, như là một giải pháp lý tưởng để tăng cường sức mạnh không quân trong bối cảnh những cựu binh én bạc MiG-21 (khoảng 100 chiếc) mới nghỉ hưu và khoảng trống vẫn chưa được lấp đầy. Bên cạnh đó, phương án này cũng giúp không quân Việt Nam dần làm quen, trước khi sử dụng nhiều hơn các thế hệ máy bay chiến đấu của phương Tây…
Một trong những bằng chứng quan tâm đến vũ khí phương Tây là sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm mua vũ khí sát thương, Việt Nam đã âm thầm mua chịu nửa tỷ USD tín dụng quân sự của Ấn Độ và hỏa tiễn của Israel – đều là những đồng minh quân sự của Mỹ.
Từ khá lâu nay, nội bộ Việt Nam không còn nói về ‘Mỹ là kẻ thù số một’, cho dù giới bảo thủ trong đảng và lực lượng vũ trang vẫn âm thầm ghét Mỹ.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 05/08/2018