Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2018

An ninh quốc gia Việt Nam : Mong manh dưới "bom nước" tỉ m³ chờ nổ

Võ Thị Hảo

Hiểm họa khi lý trí bị vô hiệu hóa

15-17/8/2018, Bắc bộ đang và sẽ còn mưa rất to. Dự báo lũ trên các sông. Dự báo lũ quét và sạt lở đất đá, đường giao thông...

Đều là lạnh buốt lưng. Lại không thể không nói đến "bom nước".

Bởi sinh mạng nhiều triệu dân và an ninh quốc gia đều liên quan trực tiếp đến các đập thủy điện. Còn thêm hàng ngàn đập, hồ chứa thủy lợi khác sẽ bị nguy ngập. Sẽ tiếp tục lũ quét và sạt lở đất.

vode1

Sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai : Cấp 1.

Bom nước hàng tỉ m³ vẫn luôn chực chờ nổ trên đầu dân Việt Nam dù nhà cầm quyền đã luôn nhận được nhiều cảnh báo nghiêm trọng và sự thực là vô số thảm họa đã xẩy ra nhưng họ không thức tỉnh và hành động như người quản lý còn lý trí.

Nắng mưa là chuyện đương nhiên của trời. Hàng ngàn đời nay con người vẫn sống hài hòa với nắng mưa. Nhưng không bao giờ có "bom nước". "Bom nước" do nhà quản lý Việt Nam tạo ra, treo trên đầu dân, nguy hiểm có khi hơn cả bom nguyên tử.

Những người còn lý trí không thể làm vậy.

Ngay cả những kẻ được hưởng lợi riêng do thủy điện thì cũng đang mất lý trí khi đặt an ninh quốc gia, trong đó là tính mạng không chỉ của đồng bào và đất nước mà cả chính họ, dưới những quả bom nhiều tỉ m³ nước chực chờ nổ tung.

Cách quản lý của thể chế độc tài Việt Nam đã vô hiệu hóa mọi giám sát, khiến cho mỗi quan chức là một chúa tể, cả gan làm bất chấp thủ đoạn bạo tàn, miễn là có lợi trước mắt, vì họ chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm và khi xẩy ra sự cố thì tiền sẽ mua được cả hệ thống bảo kê tập thể.

Lý trí của dân và của nhà khoa học, của những người cảnh bảo đã bị những bàn tay tham lam ấy ngăn chặn, đọa đày, phỉ báng bởi hàng ngàn "vu cáo viên" ăn lương dân, bởi đám tuyên giáo "tàn sát báo chí" theo lệnh trên và ý muốn của họ : cấm cản, kỷ luật, tước thẻ hành nghề, đuổi việc, đóng cửa những tờ báo còn dám đưa tin về sự thật.

Khi lý trí bị vô hiệu hóa, điều gì sẽ xẩy ra ?

Bất cẩn và lạc hậu trong bảo vệ an ninh quốc gia

Quốc gia Việt Nam liệu có thể còn an ninh, khi tự treo trên đầu là hàng ngàn quả bom nước ?

Theo số liệu từ cơ quan quản lý, Việt Nam hiện có khoảng 7.000 hồ và đập với dung tích lớn. Trong đó có gần 1.000 công trình thủy điện đã, đang vận hành hoặc đang đầu tư xây dựng và 6.648 hồ chứa nước thủy lợi. Qua kiểm tra, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều xây đắp bằng đất, xây dựng từ rất lâu, có nguy cơ cao xẩy ra sự cố như tràn hoặc vỡ đập. Chưa kể mấy chục tỉ m³ nước của các đập thủy điện, riêng dung tích tồng của các hồ chứa thủy lợi là đã 13,5 tỉ m³ nước, phân bổ tại 45 tình thành, trong đó có 702 hồ chứa lớn, có 3 hồ liên quan đến An ninh quốc gia.

Nguy ngập là hiện đang có ít nhất 1.200/6.648 đập, hồ chứa nước thủy lợi bị hư hại. Hầu hết các hồ chứa nước nhỏ đều không đảm bảo khả năng chống lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ lớn bất thường, cực đoan như hiện nay. Nhiều hồ xây dựng không hoàn chỉnh, thiếu duy tu sửa chữa, mất an toàn.

Đặc biệt, thiếu hệ thống quan trắc, giám sát, đường quản lý không có hoặc không đảm bảo cho xe cơ giới vào ứng cứu khi sự số xẩy ra. Về tổ chức quản lý, khai thác vận hành : ở cấp huyện, xã chưa đáp ứng năng lực, nhiều huyện không có cán bộ thủy lợi, hầu hết các xã không có cán bộ được đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý an toàn đập nên rất nguy hiểm. Chưa nói đến việc áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý an toàn đập, nhiều hồ đã bị ban quản lý đánh mất hồ sơ nên không thể theo dõi vận hành, thiết kế cảnh báo an toàn.

Về các đập thủy điện, không thể hình dung nổi nếu xẩy ra thảm họa. Riêng lượng nước đang treo trong đập tại 6 nhà máy thủy điện được nằm trong danh mục công trình an ninh quốc gia của Việt Nam : Thủy điện Sơn La - dung tích hồ chứa : 9,26 tỷ m³ nước ; Thủy điện Hòa Bình 9, 3 tỉ m³ nước, Thủy điện Lai Châu 1.215 triệu m³, Thủy điện Ialy 779,02 triệu m³ ; Thủy điện Trị An 2,765 tỷ m³ ; Thủy điện Tuyên Quang khoảng 1.500 triệu m³ (1).

Những cảnh báo dưới đây đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn phải nhắc lại, vì cho đến ngày hôm nay, chúng vẫn nguyên tính thời sự và chúng ta sẽ còn phải lặp lại một khi nhà cầm quyền còn chưa thay đổi :

"Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 40 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người"- phát biểu của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội ông Nguyễn Văn Khá năm 2002, khi dự án thủy điện Sơn La được đưa ra Quốc hội.

"Có lẽ, phát biểu nghị trường của ông Khá vào thời điểm này hoàn toàn chưa mất đi giá trị cảnh báo, khi sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, Lào đang gây ra một trong những hình ảnh khủng khiếp còn hơn cả chiến tranh" (2).

Thủy điện Hòa bình có sức chứa 9,3 tỉ m³ nước. Ngày 10, 11/10/2017, chỉ mưa lớn 1, 5 ngày mà lượng nước về hồ tới vận tốc 15.000m³/s, tới mức báo động đỏ. Khi phải xả cùng lúc 12 cửa đáy hoặc bị vỡ đập, thảm họa sẽ là : "Nếu hồ Hòa Bình không an toàn thì là thảm họa của đất nước. Tôi có mặt ở đó, nước xả cùng lúc 8 của đáy, xả nhiều nhất trong 30 năm qua, nước đã vượt qua cửa van tum. Nếu các cây gỗ to va vào gây hư hại cửa van tum thì tác hại không lường được" (Ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai).

Nếu vỡ đập thuỷ điện Hoà Bình thì toàn bộ 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ ven sông Hồng sẽ bị cuốn trôi ra biển chỉ trong một ngày. Và Hà Nội sẽ ngập dưới 30 mét nước tính từ chỗ cao nhất của nhà ga Hàng Cỏ (3).

Cửa van quyết định sống chết của hàng chục triệu người, chốt của "quả bom" 9,3 tỉ m³ nước mà mong manh đến mức chỉ cây gỗ va vào cũng có thể bị vỡ, sau chỉ 1,5 ngày mưa ! Thực trạng cho thấy, năm 2017, thủy điện Hòa Bình chưa vỡ chẳng qua là do "ông trời thương mà ngừng mưa" !

Như vậy, chỉ riêng một trong 6 đập trên bị vỡ, trong chốc lát có thể cuốn phăng đi cả thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ, chưa kể các đập khác thường có liên quan từ đầu đến cuối nguồn mỗi con sông.

Nguy hiểm biết bao, khi hàng ngàn đập nước lớn nhỏ, đã nứt, vỡ, xuống cấp, không có hệ thống và công cụ quản lý đủ kiến thức và năng lực mà vẫn tiếp tục được khai thác vận hành. Đó là những "trái bom giết người" đang ở tình trạng đã giết, đang giết hoặc đang chực chờ giết mỗi ngày.

Cũng qua vấn đề "bom nước", nhà cầm quyền Việt Nam đã rất bất cẩn và lạc hậu trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngoài việc các công trình quân sự, lương thực, vũ khí khí tài dành để bảo vệ an ninh cho Việt Nam đang nằm dưới vùng hạ du các đập nước và sẽ bị xóa sạch khi tràn, vỡ đập, ai cũng nhận thấy là quá dễ để kẻ thù của Việt Nam, như Trung Quốc - chỉ cần nhẹ nhàng bấm nút vài quả "bom nước" cũng đủ để xóa sạch từng vùng, miền, thậm chí phần lớn nước Việt Nam.

Bất chiến tự nhiên thành, không tốn lấy một viên đạn. Đó là một thủ đoạn quá hấp dẫn. Và lại đổ cho ông trời như lâu nay.

Chiến tranh nước – chiến tranh thủy điện là kiểu chiến tranh mới, đã nằm trong mưu đồ và hành vi của Trung Quốc nhưng nhà cầm quyền Việt Nam chưa quan tâm hoặc vờ như không biết. An ninh quốc gia mà để ở tình trạng "trứng để đầu gậy" vậy ư ?

Vô hiệu hóa những "bom nước" hoàn toàn nằm trong tầm tay và trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tháo dỡ hàng loạt đập thủy điện để bảo vệ dân và an ninh quốc gia là khuynh hướng không thể cưỡng lại của thể giới..

Châu Âu và Mỹ đã tháo gỡ rất nhiều đập và thay thế bằng điện gió, điện mặt trời... Chỉ riêng Mỹ, tính đến đầu năm 2016 đã tháo dỡ 1.300 đập..

Bao giờ nhà cầm quyền Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng quản lý an ninh quốc gia theo kiểu "vô hiệu hóa lý trí" như vậy, để hàng ngàn "bom nước" hủy hoại Việt Nam đang là những "quả trừng mỏng được tung hứng trên đầu gậy của những kẻ làm xiếc vô tâm" ? !

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 15/08/2018 (vothihao's blog)

(1) http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/871222/-cong-bo-quyet-dinh-cong-t...  và công bố của các nhà máy thủy điện

(2) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/loi-canh-bao-gui-tu-xepian-xe-nam-n...

(3) http://kul.vn/thuy-dien-hoa-binh-dac-biet-nhu-the-nao-ma-khi-vo-se-bien-...

Quay lại trang chủ
Read 588 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)