Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/08/2018

Việt Minh cướp chính quyền, 73 năm nhìn lại : Cả nước bị lừa

Phạm Cao Dương

Đoàn quân Việt Minh đi

Xe nhà phất phới

Dắt họ hàng làng nước ra làm quan.

Cùng chung sức phá két xây nhà mới,

Đứng đều lên may vá cho thật sang.

(Lời hát nhái bài Tiến Quân Ca thời 1945)

Trước khi vào đề

Cách đây đúng 73 năm, hai biến cố lớn đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, đã đưa dân tộc Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng : Biến cố 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền, và Biến cố 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập.

cm1

Chính phủ Trần Trọng Kim ngày 17/04/1945

Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền của Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản lãnh đạo, từ đó tới Cuộc chiến ba mươi năm, đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1975. Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất hai lý do :

Thứ nhất : Người Pháp đã bị nguời Nhật loại trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ sau ngày 9/3/1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Tiếp theo đến lượt người Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp. Sau này khi người Pháp muốn trở lại, người ta vẫn có thể dùng các phương tiện ngoại giao để điều đình nhưng với một tư thế hoàn toàn khác trước như Thủ tướng Trần Trọng Kim đã dự trù và viết trong hồi ký của ông.

Thứ hai : Chính quyền của Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim không phải là một chính quyền tệ hại, như bị cộng sản tuyên truyền, trái lại gồm toàn những trí thức ưu tú đương thời, có khả năng, nhiệt tâm và sự hiểu biết cần thiết để điều hành đất nước, khác với các chính quyền sau đó. Chính quyền này đã và đang thực hiện được nhiều công trình quan trọng như thu hồi và cụ thể hóa nền độc lập và thống nhất quốc gia, thiết lập những cơ chế căn bản cho một chế độ dân chủ, tự do trong một tuần lễ được báo chí đương thời mệnh danh là Tuần lễ của các quyền tự do, đặc biệt và tồn tại cho đến tận ngày nay là công cuộc Việt hóa và xây dựng nền giáo dục quốc gia... dù chỉ mới cầm quyền được trên dưới bốn tháng, trong khi những gì chính quyền cộng sản cho đến tận ngày nay vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.

Tất cả những sự kiện kể trên người viết ít nhiều đã ghi lại và đã giải thích tương đối đầy đủ, với những chú thích rõ ràng trong tác phẩm Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 30/8/1945, do Nhà xuất bản Amazon in và phát hành. Độc giả có thể liên lạc với nhà xuất bản này, tìm đọc thêm. Trong bài này người viết chỉ xin ghi lại những nhận định về hai biến cố kể trên của những nhân vật liên hệ hay biết chuyện, đặc biệt là hai người vừa mới qua đời trong tháng Tám vừa qua : Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả Hồi Ký Của Một Thằng Hèn và cựu Đại tá, Nhà Báo Quân Đội Nhân Dân Bùi Tín.

Nhạc sĩ Tô Hải và cựu Đại tá Bùi Tín

Nhạc sĩ Tô Hải và cựu Đại tá Bùi Tín là hai nhân vật đã có dịp theo dõi và tham gia cuộc sống trong thời gian hai biến cố kể trên xảy ra, đã phục vụ chính quyền cộng sản trong Quân Đội Nhân Dân, trong văn nghệ và báo chí, sau đó đã đổi thái độ.

cm2

Nhạc sĩ Tô Hải và cựu Đại tá Bùi Tín là hai chứng nhân của Cách Mạng Tháng 8

Ngày 11/8/2018 vừa qua, hơn một tuần lễ trước ngày có thể coi là mở đầu cho định mệnh của hai ông, hai ông cùng qua đời. Câu hỏi được đặt ra là hai ông đã nhận định ra sao về ngày 19/8/1945 này ?

Người viết xin vắn tắt ghi lại sau đây để người đọc tiện theo dõi và hiểu rõ hơn quan điểm của hai ông, đồng thời cũng xin ghi thêm một vai chi tiết liên quan tới ngày 19/8/1945 ít được mọi người biết tới hay chỉ biết mơ hồ, trong đó có chuyện tấm ảnh của Tướng Cọp Bay Chennault ký tặng Hồ Chí Minh, chuyện Việt Minh lấy đồ trong cung vua đem ra chợ bán, chuyện bốn tấn bạc người Nhật trả lại cho Chính Phủ Việt Nam, chuyện Việt Minh tịch thu của cải của nhà giàu...

Nhạc sĩ Tô Hải

Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng.

Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ?

Nhạc sĩ Tô Hải, sinh năm 1927, tác giả bài ca Nụ Cười Sơn Cước và Hồi Ký Của Một Thằng Hèn. Ở vào thời điểm tháng Tám 1945, Tô Hải 18 tuổi, mới qua tuổi thiếu niên, bước sang tuổi thanh niên và đã có bằng tú tài. Mãi 54 năm sau, đến ngày 19 tháng 8 năm 2009, người nhạc sĩ này mới có dịp ghi lại những gì ông còn nhớ và ghi trên trang mạng riêng của mình, trong tuần ký số 17, với tiểu đề "Tớ đúng là một tên gà mờ", nguyên văn xin được trích như sau :

Như tớ đã thú thật, trong tuần ký số 16 là tớ chỉ viết về những gì tớ đã tham gia hoạt động thật sự cho những tổ chức có thật trong những ngày nhốn nháo tù mù đó. Cho nên do không được hân hạnh có nhiều tư liệu như các friends, tớ chỉ mong muốn các nhà viết sử sẽ dựa vào những tư liệu có thật, không phán đoán, phê phán vô bằng cớ, không cắt gọt xuyên tạc… cùng tớ bạch hóa cái chặng đường từ 9/3/45 đến ngày ra mắt chính phủ Cách Mạng lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì chính phủ có cái cờ vàng, quẻ ly đó mà chính bản thân tớ và cả các ông "to" trong chính phủ từng cất cao, với câu ca "Này thanh niên ơi !" nó… biến đi đâu ? Nhìn ra đường phố, hôm nay 19/8/2009 ai cần biết cần hát cái bài "Mười chín tháng tám ! Chớ quên là ngày khởi nghĩa" nữa rồi !

Thế đấy ! chỉ qua những tài liệu văn bản thu thập được chỉ trong có một tuần, so với lúc tớ viết tuần kí số 16, thì tớ đã tự trả lời được rất nhiều câu hỏi, để cỏ thể đủ khả năng kết luận vì sao ? Tại ai ? Cụ thể là :

Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to "Đả đảo Phát xít Nhật !" "Việt Nam muôn năm !" Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may là tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe "Tỉu cái là ma lồng pào !" khi bị Việt Minh giải tán !...

Cựu Đại tá Bùi Tín

Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn".

Khác với nhạc sĩ Tô Hải, như một nhà báo và một nhà lý luận chính trị, sau khi định nghĩa từ ngữ "cướp", nguyên đại tá Bùi Tín, trong bài viết trên trang mạng của ông, đã đặt vấn đề nghiên cứu sâu thêm sự kiện lịch sử của thời gian này để trả lời câu hỏi Tổng Khởi Nghĩa hay Cách Mạng Tháng Tám, hay Cướp Chính Quyền, gọi sao cho chính xác ? Đặt câu hỏi nhưng ông đã lập tức trả lời ngay sau câu hỏi do ông đặt ra và trả lời một cách khẳng định :

Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn", vì "cách mạng" là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Ông lý luận nguyên văn như sau :

Gọi là cách mạng trước hết là không chính xác. Cách mạng là một cuộc thay đổi chế độ trong đấu tranh quyết liệt, thường có bạo lực chống đối, giằng co nhau, có đổ máu, như cách mạng ở Pháp, ở Hoa Kỳ mà ông Hồ chí Minh đã dẫn ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó cả Đông dương thuộc Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp thua trận đã đầu hàngphát xít, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại bị quân Đồng minh là quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Quân đội Trung Hoa vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam.

Việt Nam trở thành đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Do sức ép của quần chúng xuống đường theo lời hiệu triệu của Mặt Trận Việt Minh do đảng cộng sản Đông Dương tổ chức ra. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui "từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do".

Những nhân chứng khác

Đoàn Thêm

Đoàn Thêm sinh năm 1915, lúc đó 30 tuổi, cử nhân luật khoa, công chức cao cấp của Phủ Toàn Quyền trước đó và là tác giả của hồi ký Những Ngày Chưa Quên, xuất bản năm 1969 tại Saigon, người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội do Tổng Hội Công Chức tổ chức nhằm mừng độc lập hoàn toàn, thâu hồi toàn vẹn lãnh thổ và ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim.

Sau đây là nguyên văn lời tường thuật về những gì đã xảy ra trong cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 năm 1945 của Đoàn Thêm 24 năm sau :

Trước Nhà Hát Lớn, 15 giờ ngày 17/8, trời kéo cơn mưa, nhưng hàng vạn công chức đã sắp thành đoàn đứng chặt đường Paul Bert, kéo dài suốt Hàng Trống. Dân chúng tới xem, chen chúc trên các ngả phụ cận, Bobillot, Amiral Courbet.

Trên bao-lan Nhà Hát, cờ ba vạch gãy Quẻ Ly được từ từ đưa lên, trong tiếng đồng ca vang dội Tiếng gọi Thanh-Niên... Mây xám giãn dần ; chợt thấy giọng ai như của L. béo ngập ngừng qua ống phóng thanh : "mặt trời tỏ, một điềm vui… Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để `mừng cho chủ- quyền đã thâu hồi toàn-vẹn, và hoan hô Chánh-phủ Trần-Trọng-im…".

Hoan-hô ! V.N. độc-lập muôn năm !

Hoan-hô VM !

Những tiếng sau là của kẻ nào lén vào hàng ngũ công-chức. Những người quanh đó sửng-sốt ngơ-ngác… Còn đa-số vẫn mải reo to : Hoan hô V.N. muôn năm !

Rồi đoàn biểu-tình được lịnh chuyển bước tuần-hành qua nhiều đường lớn, nhưng mỗi lúc những tiếng lạ tai khi nãy lại được gào thét nhiều hơn. Tới ngã sáu Cửa-Nam, vài anh áo cộc quần đen, chắc chắn không phải là công-chức, vừa chạy vừa phất là cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng, anh khác giơ một vật ít thấy có cỏ thời đó là khẩu súng lục, bắn vài phát chỉ-thiên như để thị-uy : anh em hãy cùng chúng tôi hô Mặt Trận Giải Phóng muôn năm !

Vài công-chức, có lẽ hoảng sợ quá, đành "muôn năm" theo một các gượng-gạo và máy-móc. Mấy cảnh binh đứng cạnh dọc đường lấm lét hỏi nhau với vẻ kinh ngạc, nhưng không can thiệp, tuy nhiều đám người khác trên các vỉa hè cũng nắm tay giơ chào như Phát-xít Ý, và hoan hô một đoàn-thể mà nhân-viên công-lực cũng không biết là gì.

Nhưng cần chi biết ? Hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn người cứ việc "muôn năm" mãi cho tới khi giải-tán, vào khoảng sáu bảy giờ chiều.

Ông tham Đ dừng lại hỏi ông phán N : tưởng là bìểu-tình hoan-hô Trần-Trọng-Kim, mà chẳng thấy ai kêu cụ Trần cả ? V.N. chứ sao lại mặt-trận VM ? Một số ông nữa xen vào câu chuyện : ai bảo hoan-hô như thế, bây giờ còn băn khoăn ? Người ta hô, thì làm sao khác được ? – Thôi, nó bắn, ông mất hết vía rồi !

Mất vía còn ít. Như thế này thì mất cả những gì đáng quí hơn tâm hồn tham phán. Đó là cảm-tưởng sám ngắt như trời mây phủ, nó theo đuổi tôi trên lối về nhà. Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc khó ngủ, vi đầu óc rối ren như cảnh đã mục-kích ban trưa, và như cảnh hỗn độn mà tôi ngại cho những ngày sắp tới.

Cựu Hoàng Bảo Đại :

Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn.

Đó là câu nói đầu tiên cựu Hoàng đế Bảo Đại nói với cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim khi hai người lần đầu tiên gặp lại nhau ở Hương Cảng năm 1946 và được Trần Trọng Kim ghi lại trong hồi ký của ông. Cả hai người đều không giải thích gì thêm nhưng sau này khi kể lại lý do khiến ông thoái vị, trong hồi ký của mình, cựu Hoàng viết :

Tôi không biết một lãnh tụ nào của họ, thế mà họ đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, trong khi lời kêu gọi của tôi gửi cho Tổng thống Truman, cho Thống chế Tưởng Giới Thạch, cho Quốc vương Anh, cho Tướng de Gaulle lại im lìm, không có hồi âm. Họ có súng đạn, phương tiện, còn tôi thì không có cả khả năng để tập hợp những bậc trung thần và những người thân cận xưa nay bỗng câm như thóc, hay có âm mưu chống lại tôi… Họ đã chiếm được quyền hành không mất một mảy lông, và tôi bị bơ vơ trong một kinh thành chết.

Tất cả như tập họp lại cho họ, đầy bí hiểm. Sự thành công không thể chối cãi này, phải chăng là một dấu hiệu chứng tỏ họ đã nhận được thiên mệnh của Trời ?

Độc giả cần để ý tới câu "họ đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp" mà người viết bài này đánh đậm. Thực sự thì chuyện Việt Minh "đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp" chỉ là chuyện bịa đặt, tuyên truyền, phóng đại, không có thật. Không có liên lạc nào chính thức giữa Việt Minh với Đồng minh mà chỉ có chuyện Hồ Chí Minh được các nhân viên cấp thấp, Đại úy Archimedes Patti và Trung úy Charles Fenn, của cơ quan Tình Báo Chiến Lược Mỹ ở Côn Minh, thuê làm tình báo cung cấp tin tức về thời tiết, về các phi công Mỹ bị bắn hạ ở biên giới Hoa-Việt và hoạt động của Quân Đội Nhật.

Chuyện tấm hình của Tướng Cọp Bay Chennault tặng Hồ Chí Minh

cm3

Tướng Claire Lee Chennault, người sáng lập đội Cọp Bay

Hồ Chí Minh trong thời gian này, ngày 29 tháng 3 năm 1945, lúc 11 giờ, qua sự giới thiệu của Fenn có đến gặp Tướng Claire Lee Chennault, Chỉ huy trưởng Không đoàn Cọp Bay (Flying Tigers) hoạt động ở Hoa Nam, lấy cớ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông đối với viên tướng này. Điều kiện được Trung úy Fenn đưa ra là Hồ Chí Minh không được yêu cầu tướng Chennault điều gì cả.

Nhưng với bản tính khôn lanh, Hồ Chí Minh đã nhân dịp xin Chennault một tấm hình làm kỷ niệm kèm với chữ ký của viên tướng này (để sau này làm bằng chứng cụ thể cho cuộc gặp gỡ để lòe bịp mọi người).

Chuyện này được cả Fenn lẫn Patti kể lại trong các sách nửa hồi ký, nửa khảo cứu của hai ông (Fenn, tr. 78 ; Patti, tr. 58) và sau này được các tác giả khác, trong đó có Dixee Bartholomew-Feis với cuốn OSS và Hồ Chí Minh, đã được dịch sang tiếng Việt, lập lại.Patti cho rằng tấm hình này đã trở thành quan trọng sinh tử (of vital importance) đối với Hồ Chí Minh vì chỉ ít tháng sau, Hồ Chí Minh đã hết sức cần nó để thuyết phục những người quốc gia còn rất dè dặt về chuyện ông được người Mỹ hỗ trợ.

Theo Patti, đó là một mưu tính thiếu căn cứ nhưng đã mang lại hiệu quả. Vua Bảo Đại tin theo vì bị ảnh hưởng của những người chung quanh ông như Phạm Khắc Hòe, Tạ Quang Bửu hay Hồ tá Khanh, Trần Đình Nam, Nguyễn Hữu Thí trong Nội các, trong đó Phạm Khắc Hòe lại chính là người được Nhà Vua giao cho trách nhiệm đi tìm hiểu xem Hồ Chí Minh là ai ?

Từ cướp chính quyền đế cướp tài sản ?

Những chuyện khác xảy ra sau ngày 19/8/1945 :

Cách mạng hay cướp phá ?

Của cải trong cung bị Việt Minh lấy đem ra chợ bán và bốn tấn bạc người Nhật trả cho Triều Đình Huế biến đâu mất : Những của cải trong cung mà Đổng lý Phạm Khắc Hòe đã làm kiểm kê kèm theo biên bản để giao cho nhà cầm quyền mới mà Bộ trưởng Lê Văn Hiến là đại diện, không ai biết là có còn đã và còn đầy đủ hay đã bị thủ tiêu, tẩu tán ngay sau đó. Nên để ý là Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương khi bị buộc phải từ bỏ Hoàng Cung ra đi không được mang theo món gì. Còn Hoàng thái hậu Từ Cung thì "chỉ có quần áo và mấy cuốn kinh Phật".

Câu hỏi được đặt ở đây là biên bản kiểm kê của cải trong cung do Đổng lý Phạm Khắc Hòe làm và giao cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến có được đưa về Hà Nội trình chính phủ hay không ? và nếu có thì Cục Lưu Trữ Trung Ương ở Hà Hội có còn giữ được biên bản này hay không ?

Câu trả lời nhiều phần là không. Nên để ý là các báu vật của Triều đình Huế theo Phạm Khắc Hòe được giữ ở phía sau Điện Cần Chánh, chưa kể tới những thứ khác mà sau này Thủ tướng Trần Trọng Kim đã ghi lại trong hồi ký của ông :

Ở trong hoàng thành, Việt Minh cho người vào lấy những bảo vật và y phục của các vua chúa đời trước đem ra chợ bán. Khi quân Nhật sắp hàng có đưa trả lại cho chính phủ Việt Nam bốn tấn bạc bằng thoi chở vào để trong cung, số bạc ấy không biết về sau ai lấy mất.

Độc giả nên để ý sáu chữ "Việt Minh cho người vào lấy" và bảy chữ "không biết về sau ai lấy mất". Câu hỏi được đặt ra là hai tiếng Việt Minh ở đây là nhằm chỉ những người nào ? Cá nhân hay Mặt trận ? Trung ương hay địa phương Huế và Thừa Thiên hay Thuận Hóa ? Tố Hữu và Tôn Quang Phiệt phải biết chuyện này. Có điều là sau biến cố này, Vua Bảo Đại đã trở thành một thứ vô sản thứ thiệt vì trong khi ở Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông đã phải nhờ cựu Đổng Lý Phạm Khắc Hoè, khi ông này có dịp vào Huế, xin tiền bà Nam Phương và bà Nam Phương thì lại xin tiền chị gái của mình. Sau này, khi bị Hồ Chí Minh bỏ rơi ở phi trường Trùng Khánh, ông chỉ còn có trơ trọi một mình với một va-ly quần áo. May cho ông là có một doanh gia người Tàu cho ông về tá túc. Điều này cho thấy nhà vua trong chế độ quân chủ cổ truyền ở Việt Nam trên lý thuyết tuy là sở hữu chủ tối cao của mọi thứ ở trong nước nhưng thực sự thì cá nhân ông chẳng sở hữu gì cả mà là quốc gia, là nhà nước.

Ai lấy tiền trong Kho bạc ở Nam Kỳ ?

Một điều ít ai biết là tình trạng thất thoát của cải và tiền bạc này cũng xảy ra luôn ở Nam Kỳ. Theo Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu trong hồi ký Gió Mùa Đông Bắc của ông :

[…] tối ngày 5 tháng 9, để tìm cách trấn an dân chúng, Trần Văn Giàu đăng đàn diễn   thuyết ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo, nhưng không thuyết phục được dân chúng phải chấp nhận những gì y nói, nhất là khi Giàu cho biết là Kho Bạc hiện thiếu 7 triệu đồng. Dân chúng hoang mang : 7 triệu đồng ai lấy mà bây giờ mới thấy thiếu.

Chưa hết, trong sinh hoạt văn hóa, ngoài các sách vở, tài liệu ở các văn khố, thư viện đã nói ở trên, còn các sách vở, tài liệu tàng trữ trong các văn phòng các bộ và các thư viện của các tư gia, trong đó có thư viện Long Cương (?) của Thượng thư Cao Xuân Dục và các thư viện mang danh hiệu nhà vua, sau này đã bị phân tán hay đem ra chợ bán hoặc đem lên khu dùng làm giấy quấn thuốc hút mà nhà chuyên sưu tầm đồ cổ Vương Hồng Sển thỉnh thoảng lại kể cho học trò của mình hay những người trẻ tới thăm ông nghe với một vẻ mặt và giọng nói đầy u hoài, tiếc nuối.

Để kết luận, người viết xin quý vị độc giả cho phép vượt ra ngoài sử học thuần túy gửi tới quý vị nhận định sau đây :

Bảy mươi năm đã trôi qua. Bảy mươi năm bằng cả một đời người được coi như là thọ. Tính theo thế hệ, bảy mươi ba năm là tương xứng với gần ba thế hệ. Đã đến lúc người ta cần phải xét lại những gì đã xảy ra bảy mươi ba năm trước, không thể mãi mãi bị lừa. Sự thực lịch sử phải là sự thực, sự thực đầy đủ và trọn vẹn. Người viết tin tưởng rằng với trí thông minh, sự sắc bén, tinh thần trách nhiệm, nhất là lòng can đảm vốn có của người Việt, dù là người Việt ở bất cứ nơi nào, ở trong nước hay ở hải ngoại, miền đất mới mà tác giả trong nhiều bài viết gọi là Siêu Quốc Gia Việt Nam, tất cả đều sớm nhận thức ra chân lý của lịch sử, không để một thế hệ nào tiếp tục bị lừa thêm nữa.

Ở thời điểm 1945, điều người ta tin chuyện mắt Bác Hồ có hai con ngươi là đúng và sau đó, năm 1946, chuyện Anh hùng Lê Văn Tám mà Sử gia Phan Huy Lê, theo lời trối trăng của nguyên Bộ trưởng Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, cải chính là không hề có, là còn có thể hiểu được.

Ở thời điểm 2018 của thế kỷ 21, tất cả cần phải được xét lại. Cuộc luân lạc mười lăm năm của Nàng Kiều của Thi hào Nguyễn Du đã được coi là dài. Dân tộc Việt Nam đã luân lạc tới bảy mươi ba năm.

Còn hai năm nữa là đúng bảy mươi lăm năm, gấp năm lần thời gian luân lạc của Thúy Kiều. Thời gian gần ba phần tư thế kỷ này không lẽ chưa đủ hay sao ?

Phạm Cao Dương

Tháng Tám 2018

-------------------------

Tác giả Phạm Cao Dương, Giáo sư Tiến sĩ Sử học, cựu Giáo sư các trường đại học Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Sau 1975, ông là Giáo sư chuyên vế Văn hóa và Lịch sử Việt Nam tại một số đại học Mỹ, trước khi nghỉ hưu.

Quay lại trang chủ
Read 942 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)