Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/08/2018

Tại sao dân Úc từ chối nền Cộng hòa Đại nghị ?

Nguyễn Quang Duy

Chưa đầy 11 năm nước Úc đã có 6 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.

Nhân Thủ tướng Malcolm Turnbull vừa bị áp lực của nội bộ đảng Tự Do phải từ chức, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chính trị để rút ra những bài học cho tương lai Việt Nam.

uc1

Tân Thủ tướng Sciott Morrison và cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull Úc - Ảnh minh họa

Hệ thống chính trị Úc

Ngày 1/1/1901, Úc trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh Vượng Chung, Nữ hoàng Anh Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia.

Tổng Toàn quyền đại diện cho Nữ hoàng có quyền ký các đạo luật và quyền giải tán chính phủ.

Quốc hội Liên bang bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Luật Liên bang phải được cả hai Viện thông qua và phải có chữ ký của Tổng Toàn quyền.

Quốc hội vừa làm luật (lập pháp) vừa lo việc hành pháp. Đảng nào chiếm được đa số ghế hay tạo được liên minh có đa số ghế tại Hạ Viện sẽ được đứng ra thành lập chính phủ.

Chính phủ gồm toàn những dân biểu và nghị sĩ. Các dân biểu và nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền bầu cho 1 dân biểu làm lãnh đạo đảng và vị này trở thành Thủ tướng.

Đó là đầu mối của các cuộc khủng hoảng lãnh đạo gần đây.

Diễn biến cuộc đảo chánh tuần qua

Từ khi thắng cử 2/7/2016 mọi kết quả thăm dò Thủ tướng Malcolm Turnbull đều được công chúng ủng hộ ở vị trí thủ tướng nhiều hơn so với thủ lãnh đạo đối lập Bill Shorten.

Nhưng các cuộc thăm dò gần đây đảng đối lập lại được cử tri ủng hộ với tỉ lệ cao hơn ủng hộ chính phủ.

Đồng thời chính phủ đã thua nặng trong các cuộc bầu cử Hạ Viện bổ sung vào tháng 7 vừa qua.

Nhiều dân biểu đảng cầm quyền lo lắng bị mất ghế trong lần bầu cử sắp tới nên sáng 21/8/2018 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton công khai thách thức quyền lãnh đạo của Thủ tướng Turnball nhưng không thành.

Mặc dù ông Turnbull hứa không trừng phạt những người bỏ phiếu chống lại ông nhưng 13 thành viên trong nội các đồng loạt xin từ chức.

Ông Turnbull hứa nếu nhận được chữ ký bất tín nhiệm của 43 dân biểu và nghị sĩ đảng Tự do ông sẽ từ chức thủ tướng. Khi ông Dutton có trong tay 43 chữ ký ông Turnbull chính thức rút lui.

Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison cùng Ngoại trưởng Julie Bishop là hai người cùng cánh với ông Turnbull tuyên bố ra tranh cử với ông Peter Dutton.

Vòng đầu bà Julie Bishop không đủ phiếu nên bị loại. Vòng bầu kế tiếp ông Scott Morrison thắng cử Thủ tướng với số phiếu 45-40.

Từ góc nhìn chính trị ông Turnbull thuộc cánh cấp tiến bị ông Dutton thuộc cánh bảo thủ thách thức quyền lực với ý định đảo chánh.

Biết cánh ông Dutton quyết giành quyền bằng mọi giá dễ gây đổ vỡ cho đảng Tự Do nên ông Turnbull khôn khéo chuyển giao quyền lực cho người cùng cánh là ông Scott Morrison.

Cánh đảo chánh nay hài lòng họ có một lãnh tụ mới với thêm hy vọng sẽ giữ được ghế của họ trong lần bầu cử tới.

Nhưng kết quả thăm dò mới nhất cho thấy cử tri Úc vô cùng phẫn nộ vì cử tri đã bầu cho ông Turnbull và vẫn tiếp tục tín nhiệm ông trong vai trò thủ tướng lãnh đạo đất nước.

Tỷ lệ công chúng ủng hộ Thủ tướng Scott Morrison ở vị trí thủ tướng bây giờ ít hơn so với thủ lãnh đạo đối lập Bill Shorten rất nhiều 33-39.

Đảng đối lập cũng được cử tri ủng hộ với tỉ lệ cao hơn ủng hộ chính phủ rất nhiều 56-44. Với tỷ lệ chênh lệch này đảng đối lập sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử sắp tới.

Nếu chính phủ không làm dân hài lòng thì bằng lá phiếu người dân sẽ lật đổ chính phủ dành cơ hội quản trị đất nước cho một chính phủ mới.

Luật chơi chính trị đã thế. Thay đổi luật chơi cần thay đổi hiến pháp, muốn thay đổi hiến pháp lại cần thay đổi thể chế từ quân chủ sang cộng hòa.

Dẫn đến tranh luận thể chế Cộng hòa

Ngày 11/11/1975 là ngày nặng nề nhất cho nền Quân chủ Đại nghị tại Úc khi Tổng Toàn quyền John Kerr sử dụng quyền Hiến pháp truất phế cựu Thủ tướng Lao Động Gough Whitlam (1972-1975).

Câu chuyện bắt đầu từ một thỏa thuận vay 4 tỷ mỹ kim từ các quốc gia Trung Đông mặc dù đã bị các giới chức chính phủ và Quốc hội phản đối Tổng trưởng Ngân khố Jim Cairns và Bộ trưởng khoáng sản và năng lượng Rex Connor vẫn tiếp tục bí mật thương lượng.

Việc đổ bể, Thủ tướng Whitlam sa thải cả hai ông. Nhưng thủ lãnh đối lập Malcolm Fraser thừa cơ hội chặn ngân sách không cho Thượng viện thông qua, rồi làm áp lực buộc ông Whitlam tổ chức bầu cử, gây bế tắc chính trị.

Bất ngờ Tổng Toàn quyền John Kerr cho triệu hồi hai ông Whitlam và Fraser, dùng quyền hiến pháp truất phế ông Whitlam, đưa ông Fraser lên thay.

Quyết định của Tổng Toàn quyền John Kerr bị cho là không đúng vì sự việc nên được giải quyết thông qua đàm phán chính trị.

Việc đã rồi ông Fraser cho tổ chức bầu cử với kết quả Liên đảng Tự do và Quốc gia thắng và ông Fraser lên làm thủ tướng.

Cộng hòa Đại nghị chế

Khi đảng Lao Động trở lại cầm quyền năm 1982 tranh luận về một nền cộng hòa cho nước Úc trở thành một đề tài chính trị luôn được quan tâm.

Năm 1993, Thủ tướng Lao động Paul Keating tái đắc cử ông tuyên bố muốn có một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1999.

Khi đảng Tự Do lên cầm quyền, Thủ tướng John Howard theo phe bảo hoàng quyết định triệu tập Hội nghị Lập hiến vào năm 1998.

Thủ tướng Howard đưa ra ba mô hình cộng hòa để thảo luận : (1) Tổng thống trực tiếp do dân bầu, (2) Tổng thống bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, và (3) Tổng thống được bổ nhiệm bởi một hội đồng do Thủ tướng đề cử.

Trong Hội Nghị, phái bảo hòang lập luận vị Tổng ToànQuyền là trọng tài cho quá trình đàm phán chính trị vì thế chính thể quân chủ lập hiến là cơ sở vững chắc cho nền dân chủ tại Úc.

Những người cổ vũ cộng hòa thì cho rằng đã đến lúc Úc phải hoàntoànđộc lập với Nữ hoàng Anh và Anh Quốc.

Phái cộng hòa cấp tiến cho rằng Hiến Pháp không còn hợp thời phải sửa đổi toàn diện hệ thống Westminster và thực hiện một chính thể Cộng hòa với Tổng thống trực tiếp do dân bầu.

Sau nhiều tranh luận cuối cùng Hội Nghị Lập Hiến đã quyết định chọn mô hình Cộng Hòa Đại Nghị, tổng thống được bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, để đưa ra trưng cầu dân ý.

Theo mô hình này Tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ tương tự như vai trò Tổng Toàn quyền hiện nay. Hệ thống chính trị không có gì thay đổi thực quyền vẫn nằm trong tay các dân biểu nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền.

Phái cộng hòa cấp tiến đã bỏ phiếu trắng trong Hội Nghị và trong trưng cầu dân ý đã vận động chống lại mô hình này.

Chiến dịch vận động

Chiến dịch YES (ủng hộ chính thể cộng hòa đại nghị) đưa ra những điểm cần thay đổi và chỉ có nền cộng hòa mới có thể đáp ứng được.

Để vận động NO (giữ nguyên thể chế quân chủ) các nhóm bảo hòang tập trung đề cao thành quả nước Úc đã gặt hái được.

Đồng thời tạo nỗi lo âu về sự bất ổn khi phải thay đổi thể chế chính trị. Khẩu hiệu của họ là "Nếu hệ thống hiện tại không vỡ, không cần phải sửa".

Người Úc vốn không thích thay đổi. Cho đến nay chỉ có 8 trong số 44 đề xuất đưa vào một cuộc trưng cầu đã được đồng thuận thông qua. Nên chiến dịch vận động NO thành công ở chỗ giữ được các cử tri thuộc phái "bảo thủ".

Thành phần cộng hòa cấp tiến đưa ra một số lập luận kêu gọi cử tri chọn NO vì :

Thứ nhất, muốn thực sự cộng hòa mọi công dân phải được bình đẳng về chính trị và phải được bầu trực tiếp Tổng thống.

Thứ hai, mô hình trưng cầu dân ý là một mô hình phi dân chủ với một "nền cộng hòa của các chính trị gia" vì chỉ có họ mới có quyền bầu vị Tổng thống và các cuộc khủng hoảng chính trị do tranh giành quyền lực sẽ tiếp tục thường xuyên xảy ra.

Thứ ba, thay vì chỉ thay đổi chính thể cần viết lại một Hiến Pháp hoànmới cho nước Úc cộng hòa ; và

Thứ tư, chỉ có mô hình Cộng Hòa Tổng thống chế mới lợi ích thực sự cho nước Úc vì thế cần từ chối mô hình lần này để sửa sọan trưng cầu dân ý vào lần tới.

Với sự tích cực vận động của cánh bảo hòang và cánh cộng hòa cấp tiến, cuối cùng 55% dân Úc đã từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.

Nói tóm lại tại Úc thể chế đại nghị là nguyên nhân tạo ra dân chủ bè cánh dễ gây khủng hoảng chính trị và người Úc rất thất vọng với mô hình này.

Tổng thống chế mỗi nước mỗi khác

Ở Mỹ Tổng thống có toàn quyền bổ nhiệm và quyền cách chức các thành viên trong nội các, nên Tổng thống dễ dàng chọn người có chuyên môn, có khả năng và có thể làm việc chung.

Quốc hội và Nội các cũng không có quyền để làm áp lực đến độ Tổng thống phải từ chức như chuyện vừa xảy ra tại Úc.

Hiến pháp Mỹ đưa ra một mô hình tam quyền phần lập rõ ràng. Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp kiểm tra và giám sát lẫn nhau, tạo ra sự cân bằng giữa ba nhánh nhờ thế Tổng thống không thể trở nên độc tài.

Tổng thống Mỹ không được phép phục vụ quá 2 nhiệm kỳ hay quá 8 năm vì cầm quyền càng lâu càng dễ trở nên độc tài.

Ở Nga, Tổng thống chỉ không được làm quá 2 nhiệm kỳ liên tục, nên hai ông Vladimir Putin và ông Dmitry Medvedev thay nhau nắm hai chức vụ Tổng thống và Thủ tướng. Không khác gì độc quyền chính trị.

Tổng thống Putin bị nhiều người chỉ trích là độc tài. Gần đây nhất là chiều 25/8/2018 ông Putin ra lệnh bắt lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny vì trước đây đã tổ chức cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay bầu cử tổng thống.

Ở Pháp Tổng thống có quyền chọn Thủ tướng. Nhưng Quốc hội có quyền bãi nhiệm Thủ tướng, nên Tổng thống bị buộc phải chọn một Thủ tướng được đa số Quốc hội tán thành.

Mô hình này cũng đã từng dẫn đến khủng hoảng chính trị : Tổng thống François Mitterrand phải liên tiếp giải tán quốc hội nhưng cuối cùng phải làm việc với Thủ tướng Jacques Chirac một người thuộc liên minh khác.

Thủ tướng Jacques Chirac quyết định hầu hết các chính sách trong nước. Tổng thống Mitterrand chỉ còn giữ ngoại giao và quốc phòng.

Trong trường hợp trên thực quyền lập pháp và hành pháp nằm trong tay Thủ tướng và Liên Minh nắm Quốc hội Pháp.

Tại miền Nam Việt Nam trước đây Tổng thống do dân trực tiếp bầu, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng làm phụ tá chia sẻ trách nhiệm về hành chánh.

Tổng thống có quyền thay Thủ tướng mới, cải tổ toàn bộ hay một phần Chính phủ.

Hiến pháp miền Nam phân biệt tam quyền rõ rệt và khuyến khích hệ thống chính trị tiến tới chế độ lưỡng đảng tranh quyền như tại Mỹ.

Ưu điểm của chế độ lưỡng đảng là dễ hình thành và thông qua các chính sách mang tầm vóc chiến lược quốc gia.

Tại Mỹ đảng viên gia nhập đảng chỉ để bầu chọn người đại diện cho quyền lợi và niềm tin của mình, đảng viên không có bất cứ quyền lợi, nghĩa vụ hay bó buộc nào liên quan đến đảng mình ghi danh.

Nhờ phương cách sinh hoạt chính trị này dân Mỹ thường rất quan tâm đến sinh hoạt chính trị nhưng lại không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, không cực đoan chính trị, dễ đồng thuận, dễ thỏa hiệp và rất thực dụng.

Miền Nam trước đây có chương trình Công dân Giáo dục dạy từ bậc tiểu học đến trung học giúp học sinh hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của công dân trong đó có quyền bầu cử, tranh cử và tham gia chính trị.

Các quốc gia Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ hiện nay đều theo chính thể cộng hòa. Kinh nghiệm thực tế từ các quốc gia này sẽ giúp ích rất nhiều cho một thể chế hậu cộng sản tại Việt Nam.

Kết

Trên diễn đàn BBC gần đây luật sư Nguyễn Văn Đài và nhà báo Phạm Đoan Trang đều đồng ý xem chính trị như trò chơi.

Tại Việt Nam trò chơi này vẫn nằm trong tay tầng lớp cầm quyền cộng sản. Tranh giành quyền lực là chuyện thâm cung bí sử, thứ dân đừng hòng biết đến, đừng nói đến chuyện xen vào nội bộ đảng cộng sản.

Bởi thế các quốc gia cộng sản đều thúi từ trong ruột thúi ra và cuối cùng bị lịch sử đào thải.

Nếu xem chính trị là trò chơi thì mọi người dân, ở mọi trình độ, mọi tầng lớp và ở mọi nơi đều phải có cơ hội bình đẳng tham gia thì mới thực sự là trò chơi dân chủ.

Muốn xây dựng một thể chế thực sự dân chủ người dân phải có quyền ra luật chơi gọi là luật Hiến pháp.

Muốn thế Việt Nam cần theo đúng quy trình người dân, cả trong và ngoài nước, bầu một Quốc hội Lập hiến soạn ra một Hiến Pháp mới và nếu được mang ra trưng cầu dân ý trước khi ban hành.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 27/08/2018

Nguyễn Quang Duy

Quay lại trang chủ
Read 736 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)