Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2018

Phải chăng phát ngôn của ông Chủ tịch nước là 'dân túy' ?

Ánh Liên

Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang liên tục có những phát ngôn hợp lòng dân, từ đề xuất trình Luật biểu tình cho đến nhấn mạnh sự tôn trọng tự do tư tưởng, phản biện của nhà khoa học.

bieutinh3

Chủ tịch Trần Đại Quang phát biểu tại lễ ra mắt Sách vàng sáng tạo

Dù ghi nhận sự tiến bộ về mặt tư tưởng của ông Chủ tịch, ít nhất là khá hơn so với thời kỳ ông làm Bộ trưởng Bộ Công an, tuy nhiên, vẫn có nhiều điều cần phải đặt vấn đề lại, đó là liệu ông Chủ tịch nước có thật lòng, và rằng – động lực phát ngôn đó là gì.

Xu hướng của các đời Chủ tịch nước thường phát ngôn mang tính trung dung như chính vị trí này đảm nhiệm. Do đó, khó có thể đánh giá chính xác sức nặng của phát ngôn đó ra sao, trừ trường hợp liên quan đến vấn đề đối ngoại, mà cụ thể là quyền ‘tuyên bố tình trạng chiến tranh’ như Hiến pháp ghi nhận.

Nếu một phát ngôn liên quan đến quyền làm người (nhân quyền) thì phát ngôn này được xem như một nhiệm vụ ‘đối nội’ mà bản thân Chủ tịch nước có ít nhiều liên đới, nhưng vì mang tính ‘ngoại giao’, và trong thực tế thì nhân quyền (về các quyền chính trị - dân sự) ở Việt Nam chỉ đặc tính hình thức, nên phát ngôn cũng thường được đánh giá như là một yếu tố qua đường. Sự nhấn mạnh hay không nhấn mạnh tính nhân quyền, thậm chí cụm từ như ‘tự do tư tưởng’ cũng có thể được xem như một phương pháp xoa dịu mà vị trí Chủ tịch nước có thể mang lại, bởi bản thân chức vụ mang tính ngoại giao, nên các phát ngôn này không đại diện quá nhiều cho sự chuyển đổi, nhưng đồng thời vì là Chủ tịch nước - nên phát ngôn lại có tác dụng khơi mào cho việc trấn an tinh thần giới trí thức, nhất là trong giai đoạn mà bối cảnh quốc gia có quá nhiều sự kiện gây xáo động lòng người như hiện nay.

Điều này có phần hợp lý khi vừa qua, giới trí thức liên tục đưa ra những phản biện và kiến nghị liên quan đến các dự luật như An ninh mạng hay đặc khu. Những dự luật được xem là bước lùi lớn trong quá trình hội nhập và đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam. Dù các ý kiến dù thu hút đông đảo, và có phần tạo nên một tiếng nói chung thống nhất, nhưng nó vẫn chưa có một sức nặng đủ để tác động đến sâu (rộng) đến ý thức của nhóm làm chính trị trong đảng và nhà nước. Ở khía cạnh khác, những ý kiến của giới trí thức lại có tính lan tỏa, và nhằm ngăn chặn sự lan tỏa đó, bản thân Chủ tịch nước sẽ đảm nhận nhiệm vụ ‘xoa dịu’ tình hình và chuyển sang một hướng quan tâm mới mới.

Nếu như Chủ tịch nước không có tính ‘xoa dịu’ nêu trên trong thời điểm vừa qua, thì những phát ngôn liên quan nhân quyền và tự do tư tưởng của Chủ tịch nước cũng nên đặt ra trong tiến trình củng cố lại vị thế chính trị và tiếng nói chính trị, nhất là khả năng về hưu của chính ông Trần Đại Quang (điều mà ông chưa bao giờ nghĩ đến khi tuyên thệ chức danh Chủ tịch nước vào năm 2016). Dường như, khi cuộc chiến đốt lò và cải tổ lại bộ máy Bộ Công an đang diễn ra, thì cùng lúc đó tính đại diện và sự lâu bền trong vị trí chính trị của ông Trần Đại Quang bị tác động mạnh mẽ, nếu đề cập thẳng thì trong cuộc chiến đấu đá chính trị vừa qua, ông Trần Đại Quang gần như lép vế vì những di sản ông để lại trước khi rời bỏ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an bị xem là ‘tiêu cực, tham nhũng, quan liêu’. Những vấn đề của Bộ Công an thu hút sự quan tâm của dư luận và chịu sức ép từ chính dư luận, do đó - khi lên án những sai phạm hay tiêu cực trong Bộ Công an nhiều bao nhiêu thì những chỉ trích đó lại nhằm vào ông Trần Đại Quang bấy nhiêu.

Trước tình cảnh như vậy, và trong cơn bệnh ngặt nghèo, ông Trần Đại Quang cũng có thể vận dụng lại chiêu thức cũ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (người từng khiến dư luận nổi sóng với phát ngôn liên quan đến thúc đẩy Luật biểu tình và mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông – nhưng chính trong thời kỳ này, Luật cũng mắc kẹt ở Chính phủ và Biển Đông liên tục nổi sóng), đó là phát ngôn những gì người dân cần và muốn nghe, mà ở đây là quyền biểu tình và tự do tư tưởng. Những phát ngôn này nhằm thu hút nhân tâm, để hỗ trợ cho vai trò chính trị hơn là một thực tế mong muốn nó diễn ra (ông Đinh La Thăng với một fanpage kêu gọi trả tự do cho ông cũng là một minh chứng cho chiêu thức kéo nhân tâm này). Nếu đặt trong câu nói của ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương trong một bài viết phê phán sự lợi dụng chủ nghĩa dân túy đã nhấn mạnh rằng : Sự mong muốn thực hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.

Có thể thấy, thái độ, cảm xúc, và thậm chỉ là những chỉ dấu hoan nghênh quan điểm của ông Trần Đại Quang trong một nhóm dư luận trên mạng xã hội Facebook phần nào đã cho thấy điều đó, gần như bản thân nhóm dư luận này ‘hào hứng đón nhận các phát ngôn’ đầy dân túy của ông Chủ tịch nước.

Điều này đồng nghĩa điều gì ? Nó sẽ cho thấy những phát ngôn nhân quyền hay kể cả tư tưởng theo hướng ‘trăm hoa đua nở’ cần phải thực sự đánh giá một cách cẩn trọng, bởi nếu không cẩn trọng, thì dễ rơi vào ý đồ của những cá nhân chính trị nhằm mục đích tập hợp sự ủng hộ dư luận để ràng buộc thêm vị trí của mình trong chính trường.

Một ông Chủ tịch nước, từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, nay phát ngôn dường như mang tính nổi bật, dù hoan nghênh, nhưng cần nghi ngờ và thăm dò từng bước. Bởi nhà nước Việt Nam không dễ để ‘mở đường’ về phát ngôn cởi mở nếu như không có lợi ích cho chính nó.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 06/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 657 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)