Dịp kỷ niệm quốc khánh, nhà cầm quyền tăng cường triệt phá bằng nhiều biện pháp nên biểu tình không nổ ra được. Biểu tình ở Đức Phổ Quảng Ngãi với 31 người bị bắt hôm 2/9 mang tính chất khác, đó là về vấn đề của địa phương. Người dân ở đây xuống đường phản đối nhà máy xử lý rác thải. Sự việc này kéo dài từ hơn 1 tháng nay.
Rào kẽm gai trước Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn - Ảnh minh họa - Hình facebook
Ở các tỉnh thành còn lại, biểu tình không nổ ra được nhưng việc bắt bớ, đàn áp vẫn xảy ra, đặc biệt là Sài Gòn.
Trong bài viết trước, chúng tôi có thông tin về Ngô Thanh Tú và Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương ở Nghệ An bị bắt. Xin nêu rõ hơn trường hợp Ngô Thanh Tú : Khoảng gần 15g ngày 30/8, Ngô Thanh Tú chở người bạn đi từ xã Cam Phước Đông xuống thành phố Cam Ranh. Anh bị 2 tên chạy trên chiếc Exiter Yamaha chặn lại. Tú quay đầu bỏ chạy được hơn 100m thì chúng đuổi kịp. Anh bị 6 -7 tên bao vây, tước điện thoại, cưỡng bức lên xe đưa về trụ sở Công an thành phố Cam Ranh. Tại đây, 4 tên liên tục đánh đập buộc anh phải thừa nhận Facebook của mình nhưng không được. Tra tấn anh đến hơn 19h chúng đưa anh về công an tỉnh Khánh Hòa tra khảo. Hôm sau chúng đưa anh trở lại Cam Ranh và tiếp tục tra tấn rồi đem thả ở một ngã tư.
Sau đây là những thông tin bắt bớ, đàn áp chúng tôi mới nhận được :
- Trưa 2/9, khi Lê Tùng (fbker Tung Le) live stream ở nhà thờ Đức Bà và bị bắt. Công an phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 giam giữ Tùng gần 2 ngày để thẩm vấn. Tùng cho biết tại phường bị công an đánh, vu khống cho Tùng lấy đồ của khách. Tới tối hôm sau, 3/9 mới thả Tùng ra. Trang fb Tung Le bị mất kiểm soát.
- Ngày 3/9, Nguyễn Thanh Loan vừa rời khỏi nhà để đi siêu thị thì bị an ninh canh sẵn từ trước bám sát ép vào lề đường. Chúng cưỡng bức cô lên một chiếc xe thùng rất thô bạo, giật điện thoại đưa về phường Thanh Lộc. Tại đây, chúng xét hỏi giấy tờ, kiểm tra chi tiết nhật ký điện thoại.
- Vào lúc 20g20’ tối, có thông tin fbker Thanh Sang bị giữ ở Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức nhưng an ninh chưa cho về, với lý do nghi ngờ Thanh Sang tham gia vào một toán cướp !? Cho đến hôm nay 5/9 chưa có thông tin gì thêm về Thanh Sang
- Nguyễn Văn Diệu Linh sáng 2/9/2018 khi lên công an phường làm việc theo "lệnh" mời thì lên cơn đau tim, phải đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Thủ Đức trong sự canh giữ cẩn mật của an ninh.
- Sáng 3/9, anh Ngô Văn Dũng (Facebooker Biển Mặn) một nhà báo tự do ở Tp Buôn Ma Thuột, Daklak bị công an bắt tại Phường Bến Nghé, Quận 1, Sài Gòn trong khi đang livetream để đưa tin lên Facebook. Ngày 4/9, vợ anh Ngô Văn Dũng đã xuống Sài Gòn để tìm chồng.
- Ngày 4/8, ông Huỳnh Công Thuận đi làm về gần đến nhà bị khoảng gần 10 tên côn đồ chặn đánh. Ông bỏ xe chạy đến nơi có nhà dân kêu cứu. Xe ông bị lấy mất chìa khóa trước khi chúng rút đi. Ông bị thương thích khá nặng, người nhà phải đưa đi bệnh viện quận 2 cấp cứu.
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới : Huỳnh Công Thuận, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Thanh Loan, Lê Tùng, Thanh Sang. Hình facebook
- Ngày 1/9, anh Trần Phương ở quận Bình Tân bị công an bắt tại tư gia, bị tịch thu một số đồ đạc mặc dù không có lệnh. Anh bị đưa về giam đồn công an 104/73 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Tới cuối ngày 4/9, anh vẫn chưa được thả.
- Trần Hữu Đạo một thầy giáo dạy cấp 3 Thị xã Thái Hoà - Nghệ An cho biết : Vào lúc 8h36’ ngày 4/9, trên đường đi dạy, anh bị côn đồ tấn công sau khi xuống xe bus ở điểm dừng Phùng Nhâm - Thị xã Thái Hòa. 1 chiếc taxi Mai Linh theo sát. Liền ngay đó có 3 tên côn đồ ra khỏi xe ập tới bất ngờ từ sau lưng khóa tay và bịt mồm anh đưa lên xe. Trên xe, chúng liên tục đánh anh rất tàn bạo. Tới đoạn vắng, chúng lôi anh vào chân núi. Chúng khóa tay, đè anh úp mặt xuống bùn, dậm lên lưng và đá ngang hông. Chúng phá nát điện thoại và cả sim cả điện thoại của anh, bỏ anh ở đấy rồi rút.
- Một số fbker khác : Trần Đình Châu, Bang Lĩnh, Xuân Hồng cũng có tin bị bắt nhưng chưa rõ thông tin.
- Những người nêu trên là những người có liên hệ với những anh em hoạt động nên thông tin được đưa lên mạng xã hội. Đó chỉ là một phần nhỏ, còn số bị bắt không ai biết đến rất nhiều. Có một thông tin rất đáng chú ý. Theo Fbker Trần Bang, một người bị bắt trưa 2/9 đưa vào Tao Đàn được thả vảo tối hôm sau, kể lại như sau :
Tính đến 23g đêm ngày 02/09/2018, có khoảng 45 người đã bị bắt nguội tại trung tâm Sài Gòn và sau đó đã bị đưa về công viên Tao Đàn, Quận 1.
Có một chị mang thai 4 tháng bị đánh vào mặt 4, 5 cái vì đã mặc áo in "Phản đối đặc khu". Khi bị mọi người phản đối, lũ côn đồ đã ngưng tay. Không rõ danh tính của chị này.
Đến khoảng 23g30' cùng ngày, số người bị bắt được đưa về các địa phương hay được trả tự do cũng không rõ.
- Bắt nhầm "quân ta" : Có câu chuyện khá thú vị do fbker Nguyễn Tín kể. Sáng 2/9/2018 dư luận viên Nguyễn Duy Quốc xuống đường tìm những người biểu tình để tấn công. Trong lúc tìm kiếm người đi biểu tình đã dừng lại chụp hình trước nhà thờ Đức Bà nên bị các lực lượng bố ráp tại đây bắt giữ.
Quá trình điều tra khám xét trong người thì phát hiện Quốc mang theo một bình xịt hơi cay. Sau đó Quốc được đưa về công an phường để điều tra và giam giữ tại đó.
Tìm hiểu về Quốc thì dư luận viên này có lập nhiều kênh Youtube có tên gọi giống các trang đưa tin lề tự do như "Tiếng Dân", "Diễn đàn Dân chủ tiến bộ" với nick đăng ký chủ yếu là DLV. Quốc có bị đánh không, đã được thả chưa thì chưa rõ.
Tới ngày 4/9, việc siết chặt an ninh vẫn duy trì. Một số nhà vẫn bị canh giữ. Nhà cô giáo Ngô Thu ở Thủ Đức bị ném đá.
Canh nhà cô giáo Ngô Thu, một bức ảnh ấn tượng nhất trong những ngày vừa qua. Hình facebook
Fbker Lễ Ngọc kể, sáng 4/9, vào lúc 8g30 anh từ cửa ngõ Bình Dương phóng xe thẳng qua Phạm Văn Đồng xuyên qua Bạch Đằng phi lên Tân Sơn Nhất rồi vòng qua Hoàng Văn Thụ, tới Trường Chinh, thấy lực lượng cộng lực đông khủng khiếp. Lực lượng này còn bố trí dọc đường Cách mạng tháng 8 tới công viên Lê thị Riêng. Fbker Lê Mỹ Hạnh cho hay có người dân tưởng có biểu tình nên mang nước đồ ăn ra ủng hộ rồi cầm điện thoại chụp hình cũng bị bắt luôn.
Như vậy, số người bị bắt trong dịp 2/9 lên tới khoảng 85 người (tính cả số bị bắt trong cuộc biểu tình ngày 2/9 ở Đức Phổ, Quảng Ngãi). Không tính đến 4 người bị khởi tố trước 2/9 mà chúng tôi đã thông tin.
Cho đến hôm nay 5/9 chưa biết hết thông tin những ai được thả, những ai còn bị giam giữ.
Như vậy, xét trên cả nước thì Sài Gòn bị bố ráp căng thẳng hơn cả. Điều này có thể giải thích bằng cuộc xuống đường lên tới hàng chục nghìn người vào hôm 10/6 mà nhà cầm quyền hoàn toàn không lường trước được, đành bất lực. Cuộc biểu tình ngày 10/6 vẫn là nỗi ám ảnh đối với họ. Đến nay khó có thể giải thích được một cách thuyết phục câu hỏi tại sao ? Ai tổ chức và làm cách nào mà có được số lượng xuống đường đông như thế. Nếu không có sự tổ chức, tức là không có "thế lực thù địch" - theo cách nói của nhà cầm quyền, để đổ trách nhiệm thì việc tự phát xuống đường chỉ có thể nói lên là lòng dân đã sôi sục, thực tế này còn đáng sợ hơn nhiều. Nếu như vào những năm 2011 - 2012, Hà Nội là nơi đi đầu cả nước về biểu tình thì đến nay, vai trò ấy là Sài Gòn. Sài Gòn âm ỉ, chất chứa một điều gì đó rất khó đoán chính xác, lúc nào cũng có thể bung ra.
Biện pháp của nhà cầm quyền vẫn thế. Công khai ngăn chặn biểu tình - một quyền hiến định, bắt ai, đánh đập như thế nào vẫn là tùy thích. Đó là những hành vi phi luật pháp, hay nói cách khác là luật rừng.
(Tóm lược và tổng hợp từ thông tin của giới đấu tranh trên mạng xã hội)
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 05/09/2018 (nguyentuongthuy's blog)