Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/02/2017

Người giàu ngày nay, họ là ai ?

Xuân Dương

Khi người giàu có sống cuộc sống vương giả thì hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, không ít người có năng lực nhưng lại không có cơ hội vươn lên.

Khi nói đến người Việt giàu có, tài sản cỡ vài trăm, vài nghìn tỷ không mấy người cho rằng họ làm giàu một cách minh bạch.

Và cũng không mấy người dám quả quyết, rằng sự giàu có của người này, người khác không liên quan gì đến "nhóm lợi ích", đến mối quan hệ "phía sau cánh gà", nhất là với quan chức chính quyền

Như một lẽ tự nhiên, khi một quan chức lộ ra khối tài sản khủng, không ít người lập tức đặt nghi vấn, rằng tiền của mà họ kiếm được có phải bằng trí tuệ, sự nỗ lực bản thân hay từ vị thế quan chức của họ, nói cách khác người ta lập tức nghĩ đến tham ô, hối lộ, ăn của đút,…

Cũng là một lẽ tự nhiên khi có người hôm nay là doanh nhân thành đạt, được vinh danh, được tặng bằng khen, huân chương,… ngày mai ngồi tù vì phạm pháp, vì cấu kết với xã hội đen hoặc quan chức bòn rút công qu kể cả buôn gian bán lận.

Tại sao tâm lý của một bộ phận người Việt ngày nay cứ nghĩ đến người giàu là nghĩ đến mặt tiêu cực, là xem người giàu như một dị biệt mà xã hội cần phải lên án ?

Có nhận định thế này, sau cải cách ruộng đất, người Việt đều nghèo như nhau (chứ không phải đều giàu như nhau), xuất phát điểm về tài sản của mọi tầng lớp cư dân Việt - lấy mốc từ khi hòa bình lập lại (1954) - là tương đồng, bần cố nông được chia một ít ruộng, địa chủ tư sản bị tịch thu gần hết của cải, phần còn lại không khác gì công nhân, nông dân.

giau1

Người giàu ngày nay, họ là ai ? (Minh họa của Economist.com)

Dù nói với ngữ điệu gì thì cũng không thể phủ nhận một sự thật, rằng thể chế mới đã giúp một số người giàu lên rất nhanh, bộ phận còn lại vẫn nghèo nhưng mức độ nghèo có khác so với thời kỳ cải cách. 

Nghèo ngày nay không có nghĩa là đói ăn, đóng khố và mặc áo tơi, nghèo nhưng đa số gia đình có tivi, tủ lạnh, xe máy, gần 100% con cái được học hành trừ một vài nơi ở vùng sâu, vùng xa. 

Điều khác nhau cơ bản là khi người nghèo có xe máy thì người giàu có máy bay, du thuyền. 

Khi người nghèo, trong đó có nhiều công nhân ở các khu công nghiệp tập trung chỉ có thể biết đến thế giới quanh mình qua màn hình tivi thì người giàu du lịch sang châu Âu, châu Mỹ, họ dễ dàng mua cặp vé vài triệu đồng nghe ca nhạc và mở những chai rượu ngoại trị giá vài chục triệu đồng đãi khách.

Vấn đề không phải là sự tái xuất hiện hai tầng lớp : "người giàu - người nghèo" mà nằm ở việc phân chia không công bằng những thành quả đạt được của tăng trưởng kinh tế.

Có người tích lũy (hoặc vơ vét) được rất nhiều của cải trong khi đại bộ phận dân chúng vẫn phải lo ăn từng bữa.

Khi người giàu có cùng với con cái, gia đình họ sống cuộc sống vương giả thì hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, không ít người có năng lực nhưng lại không có cơ hội vươn lên. 

Trong khi đời sống văn hóa, vật chất ở các thành phố, khu đô thị được cải thiện rõ rệt thì cuộc sống của người dân vùng núi cao, hải đảo vẫn hết sức khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông…

Vấn đề cũng còn nằm ở cách thức giáo dục, tuyên truyền được định hướng suốt mấy chục năm qua về một xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh". 

Đặt câu hỏi với một số người trẻ : "Theo anh/chị thế nào là công bằng xã hội ?", đa số trả lời : "Công bằng nghĩa là mọi người phải được đối xử như nhau".

Hiểu vấn đề như thế là chưa đầy đủ.

Lẽ ra cần phải trang bị cho dân chúng cách nhìn đa chiều về bất kỳ sự kiện nào, cần phải dạy cho công dân từ lúc còn học phổ thông - kể cả khi đã trưởng thành - rằng lịch sử phát triển của xã hội loài người từ xưa đến nay không bao giờ có sự công bằng đúng nghĩa. 

Kẻ mạnh luôn bắt nạt kẻ yếu, biên giới các quốc gia luôn biến động, các tộc người dù màu da khác nhau vẫn có xu hướng muốn nô dịch, đồng hóa tộc người khác, người khôn luôn hưởng lợi hơn người dốt,… 

Cần phải chỉ cho mọi người hiểu, để tồn tại mỗi người cần phải phấn đấu, phải bươn chải để mình không phải là kẻ vừa dốt vừa yếu. 

Trong cùng một bệnh viện, người ít tiền phải nằm chung 2 người một giường, người có tiền nằm phòng tự nguyện mỗi người một giường hoặc tìm đến bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, bệnh viện tư.

Con em lao động chỉ có thể học các trường do nhà nước xây dựng còn con cái người giàu (trong đó có không ít cán bộ lãnh đạo đương chức) lại du học nước ngoài ngay từ bậc phổ thông ? 

Vậy thế nào là "mọi người phải được đối xử như nhau" ? 

Đó là trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng. 

Không thể có chuyện một cựu quan chức ở thủ đô do "phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt" nên được đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, còn mấy thanh thiếu niên ở Tiên Lãng - Hải Phòng cướp một cái mũ và một cái nón (trị giá 60.000 đồng) thì bị kết án tổng cộng 94 tháng tù giam.

Cần phải báo động về một xu hướng nhận thức, rằng "công bằng, dân chủ, văn minh" nghĩa là mọi người hoặc phải giàu như nhau (hoặc cùng nghèo như nhau), phải được hưởng thụ như nhau trong khi năng lực của mỗi cá nhân lại hết sức khác biệt. 

Sự ngộ nhận này tích tụ lâu dài qua nhiều thế hệ đã khiến không chỉ người dân mà cả một số quan chức cũng có tư tưởng ỷ lại, hễ khó khăn là yêu cầu trung ương hỗ trợ

Một số lãnh đạo địa phương xem việc điều tiết ngân sách từ các địa phương làm ăn khá cho địa phương mình là thể hiện sự ưu việt của thể chế, là nghĩa vụ của tỉnh bạn, là việc làm đương nhiên để đảm bảo tiêu chí "công bằng" ?

Cũng có người khi nhận thấy mình kém người ta là phản ứng, là "ném đá" mà không biết rằng sự không "bằng nhau" vốn là đặc tính của tự nhiên, của vũ trụ mà xã hội loài người buộc phải chấp nhận.

Mặt trời quá nóng mà sao Hỏa thì quá lạnh, biển quá nhiều nước mà sa mạc thì khô cằn, người thì "đẹp từng milimets" trong khi người khác lại như Chung Vô Diệm.

Có người sinh ra với chỉ số IQ khá cao nhưng có người ngay từ lúc sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ. 

Đòi hỏi sự công bằng cho mọi tầng lớp cư dân là mục tiêu mà một xã hội nhân văn hướng tới song để làm được, không phải dễ, thậm chí có ý kiến nói là không. 

Vấn đề của "Người dẫn dắt" là làm sao chỉ cho dân chúng biết vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của họ, đừng tạo cho họ ảo tưởng làm thì thế nào cũng được nhưng hưởng là phải do/theo ý mình muốn. 

Mặt khác, muốn củng cố vai trò dẫn dắt thì phải đặt lợi ích của số đông lên trên lợi ích của chính mình hay "nhóm" của mình.

Nếu chỉ vì mình hay "nhóm" của mình thì hậu quả không tránh khỏi là tạo sự hoài nghi, kích thích sự phẫn nộ của số đông. 

Tâm lý người Việt hiện nay được hình thành trong bối cảnh mà thể chế nhà nước - như lời ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương - bị các "nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn" [1].

Niềm tin bị suy giảm trong khi sự hoài nghi, bức xúc tăng cao vừa là môi trường vừa là chất xúc tác khiến người ta dễ nghi ngờ, không tin vào bất cứ ai, bất cứ phát ngôn hay động thái nào kể cả khi đó là sự thật. 

Sự mất phương hướng của một bộ phận dân chúng một phần là do những gì họ tiếp xúc hàng ngày, phần khác chính là do cách giáo dục, tuyên truyền nặng về lý thuyết, về lý tưởng, không phù hợp với thực trạng xã hội.

Biểu hiện của thói nghi ngờ, dễ nổi khùng của người Việt rõ nhất là ở lớp trẻ, động tí là túm tóc, lột quần áo, động tí là vác dao, mã tấu đâm chém nhau. 

Cuồng si trước thần tượng, vô cảm trước nỗi bất hạnh và giả dối không còn là biểu hiện cá biệt, ngay cả Bí thư Thành đoàn một thành phố trực thuộc trung ương - đại biểu Quốc hội vẫn có thể giả dối trong học tập thì làm sao để người ta không nghi ngờ, không đặt câu hỏi về uy tín và vị trí lãnh đạo của vị đại biểu được dân chúng ủy quyền thay mặt mình.

Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội là một tất yếu lịch sử, vấn đề là người ta làm giàu như thế nào và bị nghèo như thế nào.

Làm ăn chân chính mà giàu có thì không có gì phải bàn, ngược lại còn phải khuyến khích, phải vinh danh vì dân có giàu thì nước mới mạnh.

Lãnh đạo sáng suốt đương nhiên hiểu đạo lý đó và nói chung dân chúng cũng hiểu đạo lý đó. 

Thế thì sao lại để tâm lý hoài nghi người giàu lan tỏa trong xã hội ? Và liệu tâm lý hoài nghi ấy có phải là thói xấu của người Việt hiện đại ?

Bằng cách nào gia đình bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (em, mẹ, con…) thâu tóm gần toàn bộ quyền hành ở một doanh nghiệp vốn thuộc sở hữu nhà nước - Công ty Điện Quang - sau khi cổ phần hóa ?

(Gia đình bà Thoa sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp) [2].

Sẽ không có gì đáng nói nếu việc thâu tóm hơn 1/3 vốn điều lệ tại Điện Quang được thực hiện minh bạch, hợp pháp, nhưng ngay cả như thế cũng cần phải làm rõ, cả về phía cá nhân lẫn cơ chế, chính sách để dân chúng không phải chờ đợi.

Những tín đồ của Chủ nghĩa Mác, không thể không biết nhận định này : "nếu tỷ suất lợi nhuận lên đến 300% thì tự treo cổ mình nhà tư bản cũng sẵn sàng làm".

Tất nhiên chẳng nhà tư bản nào dại gì mà tự treo cổ mình, vậy nên họ sẽ tìm cách lũng đoạn nhà nước, khiến chính quyền phải ban hành các "lệnh bài miễn tử" cho họ. 

Một trong những phương thức lũng đoạn nhà nước là kết nạp các thành viên bộ máy công quyền vào đội ngũ tư bản hoặc ngược lại, tìm cách biến mình thành thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước.

Con trai một vị Bí thư tỉnh ủy bỏ doanh nghiệp về làm Giám đốc sở, bà Hồ Thị Kim Thoa "bỏ" doanh nghiệp về làm Thứ trưởng hay một ông Tổng Giám đốc "bỏ" Cienco4 về làm Phó Chủ tịch tỉnh.

Doanh nhân Châu Thị Thu Nga, Đặng Thị Hoàng Yến, Hoàng Hữu Phước,… trở thành đại biểu Quốc hội, tỷ phú Donald Trump thành Tổng thống Mỹ còn Rex Tillerson trở thành ngoại trưởng Mỹ… chính là ví dụ về việc các doanh nhân tìm cách nắm giữ quyền lực nhà nước.

Có vị chủ tịch tỉnh khi đương chức sở hữu hàng trăm héc ta cao su, có quan chức sở hữu nhiều triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp lại là con đường mà giới chủ tư bản kết nạp "thành viên mới".

Tầng lớp người giàu mới nổi ngày nay, một số là doanh nhân, số còn lại không biết nên gọi là gì ?

Theo ngôn ngữ thời xa xưa, người sở hữu hàng trăm héc ta cao su, hàng chục bất động sản, khu nghỉ dưỡng, ngân hàng, nhà máy, công ty,… được gọi là "địa chủ, tư sản". 

Tuy nhiên trong số "nhà giàu mới" có những người sở hữu khối tài sản trị giá nhiều trăm tỷ lại là cán bộ, công chức, họ đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không ai trong số đó ghi thành phần trong lý lịch là "địa chủ" hoặc "tư sản".

Gọi họ là "địa chủ, tư sản" e rằng hơi "bất kính" vì theo lời một vị Thiếu tướng quân đội - ông Nguyễn Xuân Tỷ : "Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa". 

Một khi họ "kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa" mà gán cho họ thành phần "địa chủ, tư sản" là không "phải phép". 

Thiếu tướng Tỷ đã không sai khi sử dụng cụm từ "Cán bộ" để gọi tầng lớp này, nguyên văn ý kiến của ông như sau :

"Làm "Cán bộ" mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng…".

Xóa bỏ tầng lớp "quý tộc cũ" để rồi lại hình thành tầng lớp "quý tộc mới" dù là nghịch lý song lại là sự thật không thể phủ nhận. Và cũng là một sự thật khi lớp "quý tộc mới" giàu có gấp nhiều lần so với lớp "quý tộc cũ".

Sự khác nhau, có chăng là ở chỗ ngày nay tài sản (hợp pháp) của người giàu được pháp luật bảo vệ và họ cũng cảnh giác hơn khi không ít người cất giấu tài sản bằng cách đầu tư ra nước ngoài, một số còn có hai quốc tịch như trường hợp một vị đại biểu Quốc hội mới bị hủy tư cách. 

Một trong những cách đầu tư khôn ngoan ra nước ngoài là cho con cái du học, du học xong không về nước, ở lại một thời gian rồi xin nhập quốc tịch, sau đó yên chí với mác "Việt kiều yêu nước" mỗi khi về thăm quê cha đất tổ !

Thời gian qua, số doanh nhân nổi đình nổi đám một thời bị đưa ra trước vành móng ngựa không ít : Bầu KiênHà Văn ThắmPhạm Công Danh,… một số đang bóc lịch, kẻ chuẩn bị lĩnh án. 

Theo chiều ngược lại, số quan chức cấp cao vi phạm, dù đã nghỉ hưu như các ông Vũ Huy HoàngTrần Văn TruyềnTrần Xuân GiáPhí Thái Bình,… có bao nhiêu người bị xử lý hình sự ? 

Là quan chức nhà nước nhưng lại được "kết nạp" vào hàng ngũ "địa chủ, tư sản" thì không thể không quan tâm đến "tỷ suất lợi nhuận 300%".

Thế nên bảo họ ngừng làm giàu khi trong tay vừa có quyền, vừa có tiền e là phải xem xét lại những nguyên lý cơ bản.

Lỗi ở đây là do cơ chế, là "lỗi hệ thống" bởi chúng ta đang vận hành một cơ chế thị trường khác với các nước tư bản, bởi chúng ta chưa có những đạo luật như "Đạo luật chống xung đột lợi ích tài chính áp dụng với quan chức các cơ quan hành pháp" ở nước Mỹ.

Đạo luật này bắt buộc giới chức các cơ quan hành pháp không được phép có thu nhập từ việc kinh doanh.

Ví dụ cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs Hank Paulson phải bán hết cổ phiếu công ty của ông trước khi trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 2006 [3].

Ngày 16/2/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "yêu cầu Ủy ban Kiểm tra trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung liên quan đến thông tin về tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa". 

Có thể nói người dân được đón nhận thêm một tín hiệu đáng mừng.

Nói "đáng mừng" không phải là nghi ngờ, là quy kết bà Thoa phạm tội mà ở khía cạnh phản ứng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước thông tin truyền thông đăng tải.

Cũng như vụ Trịnh Xuân Thanh, "thông tin về tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa" là do truyền thông phát hiện trước khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Phản hồi tích cực, nhanh chóng của các vị lãnh đạo cấp cao giống như luồng gió mới tạo nên những con sóng. 

Người dân mong muốn nhiều hơn thế, mong muốn khí phách của bà Triệu Thị Trinh "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người" sẽ được phát huy trong công cuộc phục hưng đất nước ngày nay.

Để có thể "cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình" thì không thể chỉ làm một số việc đơn lẻ. 

Vai trò của đảng cầm quyền là lãnh đạo về đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng của quốc gia chứ không phải là xử lý một vài cán bộ, công chức.

Không thể vụ việc nào cũng phải chờ ý kiến của Tổng Bí thư thì các bộ phận chức năng mới vào cuộc. 

Sự chuyển biến của các cơ quan bảo vệ pháp luật dường như chậm hơn nhiều so với những gì mà ban lãnh đạo cao cấp mong muốn.

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng : "cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh" [3].

Điều này đúng với các vụ cướp của, giết người, tội phạm ma túy,… nhưng với một số quan chức có biểu hiện nghi là phạm tội thì hình như nhận định của ông Nguyễn Đình Quyền chưa chính xác lắm ?

Vấn đề không phải chỉ là xử lý các đối tượng phạm tội mà còn là xử lý chính các quan chức chịu trách nhiệm thực thi công vụ khi họ không thực hiện đầy đủ những quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Thực tế cho thấy còn nhiều, rất nhiều vụ việc, dù có ngót trăm bài báo, như vụ 146 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), vụ chìm ca nô tại Cần Giờ, vụ "chiếm đoạt tài sản tại công ty trách nhiệm hữu hạn L&M Foundation Specialist Việt Nam" (gọi tắt là Công ty L&M Việt Nam) ở Thành phố Hồ Chí Minh, dù có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, dù quá hạn nhiều tháng so với mốc thời gian Thủ tướng đặt ra song vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Người Nga từng bị sốc khi Liên Xô tan rã, của cải thuộc sở hữu toàn dân bỗng chốc biến thành của riêng bằng con đường cổ phần hóa.

Liệu Việt Nam có tránh được vết xe mà nước Nga đã đi qua, liệu sự giàu có của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nhờ lao động tích lũy mà có hay nhờ cách thức chỉ người trong cuộc mới biết ? 

Trả lời câu hỏi này chính là giải tỏa nỗi bức xúc của dân chúng, xóa tan nghi ngờ về sự giàu có của quan chức và cũng là cách để những người giàu bằng con đường chân chính tự hào khẳng định mình là người giàu.

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 24/02/2017

Tài liệu tham khảo :

[1]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx

[2]http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nha-nuoc-thoai-sach-von-gia-dinh-thu-truong-thoa-nam-bao-nhieu-co-phan-dien-quang-20170221135846989.htm

[3]http://www.baogiaothong.vn/lam-tong-thong-donald-trump-co-duoc-kinh-doanh-d175983.html

[4]http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/co-quan-dieu-tra-viet-nam-thuoc-hang-gioi-nhat-the-gioi-2906619.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Dương
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)