Tại sao đặc khu lại có sức quyến rũ với nhà nước Việt Nam, dù có những thiếu sót đã được chứng minh ?
Chính phủ Việt Nam nhìn thấy đặc khu như là nguồn lực quan trọng trong thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và cải cách thế chế. Điều không may là, thời kỳ đầu công nghiệp hóa của Việt Nam đã không được tươi sáng cho lắm, và đặc khu lần này - có thể là một canh bạc.
Tại sao lại là đặc khu ?
Sau ba thập kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thành lập 18 khu kinh tế ven biển với 325 khu công nghiệp được nhà nước hỗ trợ trên toàn quốc. Tất cả được định hình là nơi cung cấp một loạt các ưu đãi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả việc cắt giảm thuế (thậm chí là 0% thuế) đối với một số mặt hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hoặc được miễn, giảm phí thuê đất. Vì phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị tịch thu để công nghiệp hóa vẫn chưa được sử dụng, nên các khu kinh tế hiện có vẫn còn đủ không gian mở cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy tại sao Hà Nội lại muốn nhảy sang đặc khu ?
Một số lý giải về bối cảnh và chính trị trong nước sẽ tạm thời giải thích được quyết tâm của Việt Nam.
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam được truyền cảm hứng và thúc đẩy bởi sự phát triển thần kỳ của một số khu kinh tế tự do ở Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Singapore.
Thứ hai, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước là rất quan trọng trong bối cảnh những thay đổi toàn cầu được thúc đẩy bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Thứ ba, chính quyền các cấp tại Việt Nam dù đưa ra những ưu đãi thuận lợi nhất có thể, nhưng không thu hút được nhiều nhà sản xuất có giá trị cao (về mặt công nghệ, quản lý,...) như họ mong muốn. Trong khi đó, đất đai và tài nguyên khoáng sản cho các ngành công nghiệp truyền thống đang bị khai thác quá mức, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và an ninh con người.
Ngoài ra, nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) mà Việt Nam đã ký gần đây, chẳng hạn như FTA Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ sớm có hiệu lực. Những FTA này sẽ góp phần làm giảm mạnh doanh thu thuế và tăng nợ công ở Việt Nam, lý do nằm ở các cam kết loại bỏ thuế và một số được gọi là ‘bẫy thương mại tự do’. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc khu sẽ mang lại hơn 10 tỷ USD mỗi năm từ thuế và các khoản phí liên quan đến đất đai.
Hơn nữa, kể từ khi Đổi mới (1986), Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận lực lượng sản xuất vật chất và sự tồn tại của các nhà tư bản (tư nhân) là động lực thúc đẩy tiến bộ kinh tế và điều kiện tiên quyết cần thiết cho giai đoạn đầu trong khung xây dựng chủ nghĩa chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa CNXH). Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện tại có những thiếu sót và vẫn không thể đáp ứng nhu cầu lớn cho ‘chủ nghĩa CNXH’ và hội nhập toàn cầu. Tham nhũng tràn lan và thất bại của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - vốn đóng vai trò quyết định và hình thành xương sống của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã nhấn mạnh nhu cầu cải cách thể chế.
Các đặc khu được đề xuất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Đảo Phú Quốc, có thế mạnh địa lý và giàu tài nguyên.
Sự gia tăng các khách sạn sang trọng, sòng bạc và biệt thự tư nhân trong các đặc khu được đề xuất gây ra lo ngại rằng, luật đặc khu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư bất động sản và đầu cơ đất đai. Ảnh Phạm Đức Thuận
Đặc khu không có bản sắc : Một chút của một canh bạc
Một nhóm người ủng hộ Hà Nội cho rằng ‘phát triển các đặc khu là dọn tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu Việt Nam xây dựng tổ nhỏ phù hợp với chim sẻ, phượng hoàng sẽ không đến.’ Nhưng các đặc khu sẽ trông như thế nào và các nhà đầu tư được định nghĩa là ‘phượng hoàng’ ra sao vẫn là những câu hỏi chưa được giải quyết trong dự thảo luật. Những người ủng hộ cũng đồng ý rằng các khu kinh tế tự do phải được thực hiện với ‘thể chế chính trị đặc biệt và các chính sách nổi bật’, thế nhưng dự thảo và luật hiện hành về các khu kinh tế trông rất giống nhau, ngoài thời hạn thuê 99 năm, ưu đãi thuế hào phóng hơn và casino.
Các mục tiêu đã nêu của dự thảo Luật đặc khu khẳng định rằng ưu tiên thúc đẩy các đặc khu bao gồm các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp ‘xanh, công nghệ cao và dựa trên tri thức’. Tuy nhiên, trong thực tế các lĩnh vực không liên quan hoặc thậm chí đối lập như sân golf, khu du lịch, casino và công việc gia công lại nổi bật trong danh sách các doanh nghiệp và ngành được phê duyệt và khuyến khích. Dự thảo luật hiện hành, nếu không được sửa đổi, dường như ưu tiên nhất cho các nhà đầu tư bất động sản và các nhà đầu cơ đất đai, những người đã chi phối trong ba đặc khu, và các công dân trốn thuế.
Khó khăn hơn là, dự thảo Luật đặc khu không đưa ra bất kỳ ý tưởng đột phá nào vượt ra ngoài khung thiết kế dành cho các đặc khu tương tự ở 13 quốc gia khác trên thế giới, mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã nghiên cứu. Kết quả là, luật không hình thành một bản sắc riêng biệt cho Việt Nam. Việc khuyến khích các nhà đầu tư có thể là yếu tố quan trọng trong việc đưa đặc khu vào cuộc sống, nhưng mô hình đặc khu lại không còn là một mô hình thành công trong nền kinh tế toàn cầu theo hướng tri thức ngày nay - trong đó minh bạch, liêm chính và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Cần nhắc lại, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có ý định phát triển đặc khu. Ít nhất ba đặc khu đang được hình thành ở Myanmar, trong khi Campuchia và Lào đang trải qua những tác động phụ từ các khu đặc khu của họ (có xu hướng biến thành các vùng đất của Trung Quốc). Vì vậy, Việt Nam có cơ hội suy nghĩ lại và xác định loại đặc khu nào sẽ được xây dựng trong nước : đặc khu theo phong cách Trung Quốc, các khu chế xuất, hay các khu công nghiệp dựa trên tri thức thực sự ? Lựa chọn giữa ba điều này sẽ không dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Hà Nội cần phải suy nghĩ lớn - và khác biệt - khi nói đến các khu kinh tế tự do. Không có ý tưởng mới, chính sách và chiến lược thận trọng để thu hút FDI, các khu công nghiệp Việt Nam có thể không phải là điểm nóng của các đầu tư đặc biệt và cạnh tranh toàn cầu.
Liệu các di sản hiện tại của khu kinh tế có những bài học cho Việt Nam ?
Không thiếu những người hoài nghi về kế hoạch phát triển đặc khu của Việt Nam. Thật vậy, những lời chỉ trích chung về dự thảo Luật đặc khu thường xoay quanh các vấn đề an ninh và lãnh thổ quốc gia, nợ công tăng lên và các cuộc tranh luận về mô hình hành chính được đề xuất trong luật. Sự phức tạp và thất bại của nhiều đặc khu trên toàn thế giới chứng minh có những rủi ro đáng kể mà chính phủ Việt Nam cần phải tính đến một cách cẩn trọng. Do đó, thay vì tập trung vào triển vọng tương lai, việc xem xét lại các vấn đề di sản do các khu kinh tế hiện có sẽ mang lại nhiều bài học quý báu cho các nhà lãnh đạo Việt Nam xem xét cách tiếp cận hiện tại của họ đối với các khu kinh tế.
Thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh rằng chính phủ của ông muốn Việt Nam chủ động tham gia vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng vị trí các đặc khu được đề xuất có phải là vị trí tốt để khởi đầu cuộc cách mạng ở Việt Nam ? Xương sống của các khu kinh tế thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và UAE nằm ở vị trí địa lý của họ, nơi xác định dòng vốn FDI. Ở Việt Nam, rất ít trong tổng số 325 khu kinh tế hiện tại thành công nhờ sự gần gũi với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. hật vậy, thật khó để thấy bất kỳ logic nào đằng sau sự lựa chọn của Việt Nam đối với các đặc khu, tất cả đều bị cô lập về mặt địa lý, trong khi cơ sở hạ tầng địa phương và các cấp độ kinh tế xã hội vẫn chưa được phát triển, cũng như không phù hợp với các hoạt động kinh tế công nghệ cao. Một số thậm chí còn nói về những địa điểm được lựa chọn này là ‘sai’, vì các đặc khu được đề xuất nằm trong khu vực nhạy cảm về địa vật lý : Vân Đồn ở Vịnh Bắc Bộ, nơi ngư dân Trung Quốc chiếm ưu thế ; Bắc Vân Phong nằm sát cạnh bờ Biển Đông ; và Phú Quốc bên cạnh Khu Kinh tế đặc biệt Sihanoukville (của Trung Quốc) ở Campuchia. Với các chính sách miễn giảm tiền thuê đất dài hạn kéo dài hàng thập kỷ và các chính sách miễn thị thực được quy định trong dự thảo Luật đặc khu, Trung Quốc chắc chắn là thu được lợi ích lớn nhất từ khu vực này, đặc biệt - Việt Nam là khu vực được người Trung Quốc ưu tiên mua đất trong những năm gần đây.
Trong khi chờ đợi 'phượng hoàng', các đặc khu được đề xuất ở Việt Nam đang lấp đầy bởi các quán bar và sòng bạc theo kế hoạch. Hình ảnh : casino Vinpearl Phú Quốc.
Thứ hai, cũng không có quy trình chuẩn hóa về cách tiến hành các đặc khu. Quản lý kém ở phần lớn các khu kinh tế và khu công nghiệp hiện có của Việt Nam, đứng đầu bởi sự suy thoái môi trường nghiêm trọng và chất thải rắn, không còn nghi ngờ gì nữa là một trở ngại lớn. Tồi tệ hơn, có bằng chứng rõ ràng về sự bất cẩn trong việc chuẩn bị của chính phủ cho các dự án FDI. Sự bất lực của chính quyền tỉnh trong các dự án kinh tế nước ngoài càng chứng minh việc thiếu các chính sách giảm thiểu rủi ro và đáp ứng cần thiết cho bất kỳ canh bạc kinh tế nào.
Khi nói đến các đặc khu được đề xuất, ước tính chi phí khoảng 60 tỷ USD (khoảng 1/3 GDP của Việt Nam vào năm 2017), nhưng sự hưởng lợi của người dân Việt Nam từ đặc khu còn mơ hồ. Tương tự như vậy, không có câu trả lời rõ ràng về cách chính phủ có kế hoạch đối phó với nợ công tăng lên do cơ sở hạ tầng chuyên sâu và đầu tư ban đầu, rối loạn xã hội, cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực kinh tế, ngược đảo doanh nghiệp (chuyển giá doanh nghiệp ? - corporate Inversion) và trốn thuế. Số tiền được chi cho các đặc khu có thể đi một chặng đường dài hướng tới hiện đại hóa các trung tâm kinh tế hiện có, xây dựng cơ hội mới, hợp tác mới và tương lai mới cho những người bị bỏ lại phía sau. Chính phủ có nhận ra những vấn đề này ?
Cuối cùng, là câu hỏi : Đặc khu sẽ đưa đến mối liên hệ đáng kể nào giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ?
Việt Nam đang đi trong nền kinh tế toàn cầu và những gì đang xảy ra trong hệ thống giáo dục của Việt Nam chắc chắn có ý nghĩa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với sự hỗ trợ lớn về mặt xã hội và tài chính, nhưng những scandal gian lận gần đây đã châm ngòi cho sự phản ứng kịch liệt của người dân và sự ngờ vực về những cải cách giáo dục liên tiếp được chính phủ bảo trợ (vốn lãng phí hàng tỷ USD trong hàng thập kỷ qua). Mặt khác, nó phản ánh hậu quả không thể tránh khỏi (mặt tối) của chính sách tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào các ngành công nghiệp FDI, chế biến xuất khẩu và ngành công nghiệp cần nhiều lao động. Mặc dù chính sách như vậy dẫn đến một số tiến bộ đáng kể trong nền kinh tế, nhưng cuối cùng một nghịch lý có thể nhìn thấy là : có quá nhiều khu kinh tế được xây dựng nhưng quá ít không gian cho sinh viên Việt Nam được đào tạo về khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Maths) - STEM.
Kết quả là, hàng chục nghìn người có bằng STEM tốt nghiệp hàng năm chỉ để có những cơ hội việc làm rất hạn chế. Công việc chân tay (Blue-collar jobs) chiếm ưu thế ở các khu vực kinh tế của đất nước, nơi dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi lao động chi phí thấp và các ưu đãi lớn (về thuế). Chiến lược FDI này dẫn đến lo ngại, nền giáo dục tốt nhất có thể dẫn đến triển vọng việc làm tồi tệ hơn, khi tỷ lệ thất nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp đại học xuất hiện ngày một nhiều. Đặc biệt, gần đây, vụ bê bối kỳ thi quốc gia, trong đó không ít người nằm trong khâu tuyển sinh đã tìm cách nâng cao điểm số của một số người - vốn tìm một chỗ ngồi trong trường đại học tốt nhất, đặc biệt là Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân.
Với scandal gian lận này, rõ ràng là có sự không phù hợp trong nền giáo dục, vốn tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao hơn và mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại đang tạo ra sự nhiều các công việc cấp thấp. Nói cách khác, có một sự mất cân bằng giữa tăng trưởng ngắn hạn và cam kết phát triển bền vững. Rõ ràng, chính phủ Việt Nam đang rất cần có hiệu quả kinh tế tiến bộ để duy trì sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, những đánh giá đầy khả quan về ‘những thành tựu’ của Việt Nam trong phát triển kinh tế trong những thập kỷ qua và chiến lược FDI hiện nay được đóng khung trong luật đặc khu phải được xem xét lại.
Khi dân số vẫn đang già hóa nhanh chóng, thập kỷ tới chắc chắn là thời gian quan trọng quyết định tương lai của đất nước. Đó là cơ hội mà Việt Nam không thể lãng phí.
Nguyễn Minh Quang
Nguyên tác : SEZs in Vietnam: What’s in a Name? The Diplomat, 14/09/2018
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 16/09/2018
Nguyễn Minh Quang là giảng viên trường Đại học Cần Thơ và là người đồng sáng lập Diễn đàn Môi trường Mekong. Các nghiên cứu của ông bao gồm chính trị Việt Nam, an ninh môi trường đồng bằng sông Cửu Long và kinh tế chính trị. Ông hiện là bằng tiến sĩ, và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội Quốc tế, Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan.