Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/09/2018

Thành phố Hồ Chí Minh : hạnh phúc là gì khi hai chữ bình yên chưa có ?

Ánh Liên

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trong một tuyên bố có liên quan đến đề án Đô thị thông minh, ông khẳng định nó sẽ tạo môi trường sống tốt, nâng cao mức sống của người dân.

tphcm1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh : Hoai Nam

'Người dân phải được hạnh phúc, có nhà ở, phải được đáp ứng các nhu cầu của mình, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng', ông Bí thư Thành ủy cho hay.

Cùng lúc đó, báo chí trong nước cũng đưa tin, hai vợ chồng Sài Gòn bị đâm nhiều nhát vì chống lại cướp.

Nếu Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh, thì đồng nghĩa Thành phố Hồ Chí Minh đã không tạo đủ điều kiện cho con người thành phố sống được trong sự bình yên, chưa nói đến hạnh phúc. Và nếu hạnh phúc là bao gồm sự bình yên, thì con đường phấn đấu đến 'hạnh phúc cho dân' sẽ là một chặng đường dài không tưởng.

Người dân cần bình yên, thưa Ngài Bí thư

Đáng ra, thay vì tiến hành một đề án vĩ mô như đô thị thông minh, nơi người dân có thể giao tiếp với nhà nước qua mạng internet, thì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có thể gia tăng hoạt động phòng chống cướp giật trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tăng cường đội tuần tra cấp xã/phường/quận/huyện. Và lúc đó, hẳn nhiều người sẽ tín nhiệm rất nhiều ông Bí thư thành ủy.

Thế nhưng, qua bao đời Chủ tịch, Bí thư, nạn cướp giật ngày càng trở nên hung hăng, với những thủ đoạn tàn bạo, cướp ở khắp mọi nơi từ quận trung tâm ra ngoại thành. Chính quyền thành phố than do 'lực lượng an ninh mỏng, số lượng người nhập cư đông, địa bàn phức tạp', thế nhưng, người dân biết rõ đó là cái cớ truyền thống mà bao năm nay họ luôn tìm cách đổ tội, trong khi phí thuế cho an ninh các cấp vẫn nộp đều đặn hàng năm.

Cùng lúc đó, mại dâm, cờ bạc, tụ điểm massage... luôn được triệt phá thành công, và có hẳn cả một chuyên án phá đường dây bán dâm trị giá 25.000 USD mà các anh chuẩn bị trong 2 năm. Không phải người viết không gthi nhận, nhưng giá như 2 năm đó các anh tiếp tục nỗ lực 'săn trộm cướp' theo nhóm thì hay biết mấy, vì 'trộm cướp' là việc bức thiết mà người dân đòi hỏi phải 'đẩy lùi' hơn nhiều.

Nếu Chính quyền thành phố không lo nỗi 'trộm cướp' thì hãy chuyển sang lo chấn chỉnh và chuyên nghiệp hóa đội ngũ xe buýt trong thành phố. Bởi một người có thể chửi bới thành phố Hà Nội 'ăn hại đái khai' trong nhiều vấn đề, nhưng đối với xe buýt hoạt động trong thành phố, thì họ lại coi đó là tấm gương mà Thành phố Hồ Chí Minh cần học tập theo. Từ xử sự văn minh của tài xế, đến việc không bỏ chuyến, đón khách tại các điểm đúng nơi quy định, hay chất lượng xe không giống như xe hàng, xe chợ của các thập niên trước.

Thế nhưng, ngay cả chuyện xe buýt đến nay vẫn không được cải thiện quá nhiều, và so với hệ thống lẫn tính văn minh xe buýt tại Hà Nội, thì Thành phố Hồ Chí Minh thua xa. Ngoài ra, gần đây một câu chuyện liên quan đến tầng hầm chung cư 145 Nguyễn Trãi (quận 1) bị chiếm dụng, giữ xe gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho cư dân, dù được phản ánh nhiều năm vẫn không được giải quyết, đến mức ông Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phải đăng đàn nêu ý kiến chỉ đạo đủ để hiểu, các vấn đề dân sinh được các cấp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh 'quan tâm' đến mức nào. 

Một trung tâm bị bỏ rơi về dân sinh ?

Thành phố Hồ Chí Minh thời còn là mang tên Gia Đình, hay Sài Gòn thu hút người dân tìm đến vì tính 'tao nhã, sôi động, văn minh, nhân bản' của chính nó, thế nhưng từ khi mang tên Người, thì thành phố lại chắp vá, thiếu văn minh và đầy rẫy cướp giật. Không ai giải thích được là vì sao hay như thế nào ! Chẳng lẽ vì đổi tên không đúng phong thủy hay chính vì sự thờ ơ của các cấp lãnh đạo thành phố qua nhiều đời. 

Trong bối cảnh thành phố đang nóng chuyện vi phạm của các quan chức xoay quanh vấn đề quy hoạch đất đây, thì một lý do có thể đưa ra để giải thích vì sao thành phố mang tên Người ngày một nát về an ninh - trật tự xã hội, phải chẳng đó là vì bản thân các cấp chính quyền thành phố chỉ hứng thú với chuyện 'đổi chác đất đai' nên 'dân sinh' bị bỏ rơi. Một Thủ Thiêm mà có cả một đường dây sai phạm ở các cấp lãnh đạo khác nhau đến nay vẫn còn chưa dứt điểm, để lại cho hàng vạn người một nỗi đau mất đất liệu có phải là minh chứng tốt nhất về 'mối quan tâm thực sự' của chính quyền ?

Thế nên, khi ông Bí thư thành ủy kỳ vọng 'mỗi người dân là một cảm biến xã hội', nó không chỉ cho thấy ông không nắm tốt tình hình dư luận xã hội, mà cho thấy 'quan điểm' của ông luôn trên mây. Nếu nói theo phong cách, đạo đức cách mạng người cộng sản thì ông đang trong mình tư tưởng 'quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân'. Bởi ai là cảm biến xã hội khi mà bản thân xã hội không tạo cho họ an toàn về mạng sống - tài sản, không cho họ cơ sở vật chất văn minh, và không cho họ cả sự công bình.

Trong tháng 08.2018, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết 'sự tồn tại của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đe dọa' do mức độ sụt lún cộng với nước biển dâng tăng dần mỗi năm, nhưng đó là về mặt địa chất, còn về mặt xã hội thì nó lại trượt dài hơn rất nhiều, vì niềm tin từ bị 'sút giảm' thành 'sụp đổ'. Câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu, người từng làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (với thủ đô Sài Gòn) giờ lại là nguyên tắc suy luận về cách nói-và-làm của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại.

Một người lãnh đạo, nhất là tại trung tâm thương mại phía Nam, có thể thiếu nụ cười thân thiện, có thể thiếu trình độ tiếng Anh, có thể thiếu cả học hàm - học vị cao, nhưng nhất thiếu không được thiếu sự quan tâm đến vấn đề dân sinh, không được thiếu sự mạnh mẽ trong giữ lời nói và thực hiện nó. Nếu không, thì anh cũng chỉ là con rối không hơn không kém.

Thành phố Hồ Chí Minh, sau 300 năm phát triển, nhưng sự yên bình và hạnh phúc của nhân dân trở thành một giá trị mơ tưởng, như cách mà nhiều người cộng sản mơ tưởng về XHCN vậy.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 17/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)