Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2018

Trump đang làm nước Mỹ nhỏ lại ?

Lữ Giang

Ngày 1/9/2018, khi làm lễ truy điệu cho Thượng nghị sĩ John McCain tại Washington National Cathedral, trước sự hiện diện của khoảng 3.000 quan khách, cô Meghan McCain, con gái của Thượng nghị sĩ McCain đã nói : "Nước Mỹ không cần phải được làm cho vĩ đại trở lại, bởi vì nước Mỹ luôn luôn vĩ đại". 

McCain

Meghan McCain nói : "Nước Mỹ không cần phải được làm cho vĩ đại trở lại, bởi vì nước Mỹ luôn luôn vĩ đại" - Ảnh Wbur News

Còn Giáo sư Danielle Allen, một nhà nghiên cứu về lý thuyết chính trị của Đại học Harvard viết trên tờ Washington Post : "Ngày này qua ngày khác, Trump đang làm cho nước Mỹ nhỏ hơn".

Bình luân gia Gilbert Schramm cũng viết tương tự : "Từ tuần này qua tuần khác, chúng ta thấy đất nước chúng ta trở thành nhỏ hơn" (Week after week we watch our country become smaller)...

Nhưng hôm 15/08/2018, Donald Trump đã ca cải lương trên Twitter : "Tôi đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, chỉ cần nhìn vào thị trường vốn, tỷ lệ thất nghiệp, lực lượng vũ trang và chúng tôi sẽ còn làm tốt hơn nữa". 

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund, viết tắt IMF) và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (Congressional Budget Office, viết tắt là CBO), một cơ quan liên bang độc lập thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, lại công bố những tài liệu cho thấy những gì mà Donald Trump đã khoe khoang về phát triển kinh tế dưới thời ông là không đúng với sự thật và có khi còn trái ngược lại. IMF nói rằng biện pháp áp thuế của Trump có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại dến 430 tỷ USD.

Về đối nội, Trump đã làm nợ công và thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng. Về đối ngoại, với chính sách áp thuế, Trump đã gây rối loạn trên thế giới và thiệt hại cho Hoa Kỳ. Các đồng minh lâu đời của Mỹ đã tách ra khỏi Mỹ, còn các đối thủ của Mỹ lại củng cố và phát triển thế lực để bành trướng và tranh giành chỗ đứng của Mỹ trên thế giới.

Tự nhận là công của mình

Theo công bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm 27/07/2018, mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) của tam cá nguyệt thứ nhì là 4,1%, so với tam cá nguyệt thứ nhất chỉ có 2,2%. Donald Trump ca cải lương ngay : "Đã có tiên đoán từ trước là 3,8% đến 5,3% - không ai nghĩ là tốt đẹp đến thế...".

Hôm 3/8/2018, Bộ Lao động cho biết tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% xuống còn 3,9%. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần tới 3,8% vào tháng 5 vừa qua, một mức thấp nhất trong 18 năm. Tổng thống Trump đắc thắng phát biểu trong một hội nghị tại Texas : "Tỷ lệ thất nghiệp như chúng ta thấy ngày hôm nay lần đầu tiên nằm dưới mức 4% kể từ đầu thế kỷ 21".

1. Tranh luận về những con số

Từ ngày nhận chức đến nay, Trump chưa đưa ra một kế hoạch nào có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Mỹ, ngoại trừ biện pháp cắt giảm thuế cho nhà giàu. Ông cho rằng biện pháp đó sẽ làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng, nhưng các chuyên gia về kinh tế chẳng ai tin điều đó và giả sử như có, thì cũng phải mất ít nhất năm hay bảy năm nữa mới có.

Tất cả những diễn biến kinh tế hiện nay đều chỉ là "di sản" của kế hoạch "Nới lỏng định lượng" (Quantative Easing) với khoảng 7.500 tỷ USD mà Cục Dự trữ Liên Bang (FED) và Tổng thống Obama đã đưa ra để cứu vãn nền kinh tế Mỹ sắp sụp đổ dưới thời Tổng thống Bush (2007-2009). Các chuyên gia cho rằng mức phát triển hiện nay là giai đoạn cuối của chu kỳ.

Một viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc đã viết trên tờ New York Times hôm 6/9/2018 rằng các mục tiêu đang đạt được mặc dù có Trump, chứ không nhờ Trump.

Về sự gia tăng của GDP ở quý hai năm nay là 4,1% được Trump ca tụng là "tốt đẹp đến thế". Nhưng nhìn vào bản tổng kê về sự thăng trầm của GDP từ 2010 đến 2018 vừa được công bố, chúng ta hấy rằng ngay dưới thời Tổng thống Obama, có lúc GDP đã sụt xuống còn 0,5% nhưng cũng có lúc đã tăng lên đến 5,5% (2010) hay 5,6% (2014), v.v.

my2

Sự tăng giảm của GDP từ 2010 đến 2018 - MSN.com

Các chuyên gia nói rằng sở dĩ GDP quý 2 năm nay tăng cao hơn quý 1 là vì nông gia Mỹ đã vội bán đậu nành để tránh biện pháp áp thuế mới của Trump sắp áp dụng. GDP trung bình cuối năm rồi cũng chỉ khoảng 3%.

Tỷ lệ thất nghiệp trước đây cũng có lúc đã tăng đến 10%, nay hạ xuống còn 3,9%, nhưng theo các chuyên gia, đó là một dấu hiệu của lạm phát sắp xảy ra. Trong cuốn "Đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp", (Trade-Off between Inflation and Unemployment), kinh tế gia A.W. Phillips cho biết có thể mua một mức độ thất nghiệp thấp hơn nếu sẵn sàng trả giá bằng một tỷ lệ lạm phát cao hơn.

Dự trù lạm phát từ 2% đầu năm nay, sẽ tăng lên 2,1% ở cuối năm và 3% vào năm 2020. Nhưng cũng có tài liệu cho biết mức lạm phát hiện nay đã lên đến 2,9%, một mức cao nhất trong vòng 6 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Lãi suất dưới thời Obama là 0%. Vì sự gia tăng lạm phát nói trên, FED đã phải tăng lãi suất 7 lần để làm giảm khối lượng tiền tệ lưu hành, tránh lạm phát xảy ra. Sau khi nâng lãi suất thêm 0,25% vào ngày 13/06/2018, lãi suất hiện nay là 1,75% - 2%.  

2. Trump muốn đối đầu với FED

Trump chẳng hiểu gì về điều hành kinh tế, nên ông đã chỉ trích FED về gia tăng lãi suất. Hôm 20/08/2018 ông nói : "Tôi không hài lòng với việc ông ấy (Jerome Powell) tăng lãi suất. Tôi không hài lòng. FED nên hỗ trợ tôi phần nào". Trump nói sẽ chỉ trích FED nếu cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất.

Đài VOA của Mỹ cho rằng trong những thập niên vừa qua, các Tổng thống Mỹ hiếm khi phê phán FED bởi vì FED là cơ quan độc lập, có nhiệm vụ làm cho nền kinh tế Mỹ ổn định. Ông Trump đã tách mình ra khỏi truyền thống này và nói rằng ông sẽ không né tránh chỉ trích nếu FED tiếp tục nâng lãi suất.

Dĩ nhiên, FED cũng chẳng quan tâm đến những phê phán của ông, vì FED hành động vì quyền lợi của nước Mỹ chớ không vì ý muốn của bất cứ tổng thống nào. Lãi suất có thể sẽ được FED tăng thêm 2 lần trong năm nay và 3 lần trong năm 2919.

Làm nợ công và thâm thủng ngân sách tăng cao

1. Nợ công Mỹ gia tăng mạnh

Giữa tháng 2/2018, Tổng thống Trump đã ký quyết định tăng nợ trần. Quyết định này có hiệu lực vào đầu tháng 3 và đã đẩy mức nợ công thêm 1.000 tỷ USD, chạm ngưỡng 21.000 tỷ. Cho đến ngày 15/3, tổng số nợ công đã đạt mức 21.031 tỷ USD.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi tháng 6 đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính Mỹ khi dự báo nợ công của nước này đang tiến tới mức cao nhất trong lịch sử và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong 30 năm tới. Theo CBO, nợ công của chính phủ liên bang sẽ ở mức 78% GDP trong năm tài chính này, mức cao nhất trong gần 70 năm, trước khi lên tới 152% vào năm 2028.

Ông Keith Hall, Giám đốc CBO, nhận định nguy cơ nợ công tăng cao gây rủi ro lớn cho Mỹ và đặt ra những thách thức đáng kể đối với những nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, nợ công có thể khiến Mỹ gặp khó khăn hơn khi đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính thông qua giảm thuế hoặc tăng chi tiêu ngân sách.

2. Gia tăng thâm hụt ngân sách

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách tài khóa năm 2016 của chính quyền Obama, kết thúc ngày 30/9 ở mức 587 tỷ USD, đã tăng lên 666 tỷ USD năm 2017 và sẽ vượt thu tới 804 tỷ USD trong năm 2018. Trong năm 2019, số thâm hục sẽ lên tới 981 tỷ USD.

Những người chỉ trích chính sách kinh tế của Trump nói rằng khoản thâm hụt ngân sách này là kết quả của gói giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD mà Tổng thống Trump đưa ra cho Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Ông Trump đã phản bác lại rằng việc cắt giảm thuế này sẽ có tác dụng cân bằng lại ngân sách khi sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ được củng cố trong những năm kế tiếp.

Nhưng CBO cho biết thâm hụt ngân sách của nước này sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2020 do việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Khi bị chỉ trích về thâm hụt ngân sách quá lớn, ông Trump nói : "Chúng ta sẽ có quân đội mạnh nhất mà chúng ta từng có. Chúng ta chăm lo cho quân đội theo cách chưa từng có trước đây".

Để giảm bớt các chỉ trích về chi tiêu, Trump đã cho cắt giảm gần 15 tỷ USD tiền của Chính phủ chưa sử dụng cho bảo hiểm y tế của trẻ em và các chương trình khác, tức lấy của nhà nghèo đem cho nhà giàu.

Làm cho nước Mỹ nhỏ lại

Sau khi chế độ Liên Xô sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới lưỡng cực trở thành đơn cực, một mình Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Nhưng từ khi Donald Trump lên nắm chính quyền và áp dụng chính sách "Nước Mỹ trước hết" (America first), nước Mỹ bắt đầu nhỏ lại dần.

1. Thâm hụt mậu dịch : công cụ của Mỹ

Về thương mại, Trump đã coi thâm hụt mậu dịch như là một hình thức "ăn cắp" của Hoa Kỳ và đòi phải trả lại công bằng. Mặc dầu các chuyên gia đã giải thích cho ông biết trong bang giao và thương mại quốc tế, thâm hụt mậu dịch còn mang nhiều ý nghĩa khác, nên từ lâu Hoa Kỳ đã khai thác nó để giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới và đem về cho Hoa Kỳ những mối lợi to lớn.

Một thí dụ cụ thể : Thâm hụt mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ 2017 lên đến -38,3 tỷ USD. Khi tranh cử, Trump liệt Việt Nam vào danh sách các nước bị đánh thuế nặng. Nhưng sau khi đắc cử, các chuyên gia khuyến cáo, nếu bị đánh thuế nặng Việt Nam sẽ bỏ Mỹ và đứng hẳn về phía Trung Quốc, Mỹ sẽ mất luôn cả vùng Đông Nam Á, nên họ đã không cho Trump tăng thuế Việt Nam. 

Trung Quốc là nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ lớn nhất, nhưng hiện có hàng trăm công ty Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc, sản xuất vô số hàng Mỹ "Made in China" với giá rẻ để bán tại thị trường nội địa có trên 1 tỷ dân, bán ra các nước Châu Á và bán về Mỹ..., hàng năm đưa về cho nước Mỹ những khoản lợi tức lớn. Nếu đem các công ty này về sản xuất tại Mỹ với hàng giá cao hơn nhiều, ai sẽ mua loại hàng đó ? 

2. Biến đồng minh thành kẻ thù

Trong cuộc phỏng vấn của CBS News ngày 15/07/2018 tại Helsinki Donald Trump đã tuyên bố rằng Liên Âu là kẻ thù (I think the European Union is a foe) và cho rằng "họ thực sự đã lợi dụng chúng tôi", vì thâm thùng mậu dịch với Liên Âu khá lớn.

Ngày 31/05/2018 Chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Châu Âu, Canada và Mexico kể từ ngày 1/6. Hôm 2/7/2018, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cảnh báo rằng 300 tỷ USD hàng hóa Mỹ sẽ bị áp thuế trả đũa trên toàn cầu nếu Tổng thống Trump thực thi lời đe dọa dựng hàng rào thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu vào Mỹ và cho biết sẽ đưa nội vụ ra trước Tổ chức Thương mại thế giới (WHO). Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Liên Âu bắt đầu.

Ông Joschka Fisher, cựu ngoại trưởng Đức, đã tuyên bố : "Rốt cuộc thì Châu Âu phải trở thành một thế lực độc lập".

3. Đồng minh và đối thủ kết hợp chống Trump

Khi Donald Trump gọi Liên Âu là kẻ thù và ăn cắp của Mỹ, Liên Âu phải đi tìm đối tác khác để làm ăn, Nga nhảy vào liền. Trước hết, Liên Âu gia tăng về nhập khẩu khí đốt từ Nga. Hiện nay, Nga đang xây dựng hai dự án ống dẫn để đưa khí đốt từ Nga đến các nước Liên Âu.

- Dự án thứ nhất là "Dòng chảy Phương Bắc 2" (North Stream 2) dài hơn 1.200 km, sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2019. 

- Dự án thứ hai có tên là "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" gồm hai nhánh với công suất 15,75 tỷ m3 nhánh/năm.

Nhánh thứ nhất cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018. Nhánh thứ hai cung cấp cho các nước Nam Âu và Đông Nam Âu sẽ hoạt động năm 2019. Theo Ủy ban Châu Âu (EC), hiện nay Liên Âu đang nhập khẩu 69% khí đốt để đáp ứng nhu cầu của mình, trong đó có 37% nhập khẩu từ Nga, 33% từ Na Uy và 11% từ Algeria.

Về thương mại, Đức đứng dầu trong việc phát triển thương mại với Nga. Số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 5/3/2018 cho thấy sau khi Trump gây chiến, ngoại thương của Đức với Nga đã tăng trưởng mạnh. Trong năm 2017, Đức xuất khẩu số hàng hóa trị giá 25,9 tỷ euro sang Nga, và nhập khẩu gần 32 tỷ euro từ Nga.

Tại Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã âm thầm đứng lên thay thế Mỹ. So với Donald Trump, Tập Cận Bình là con cáo già, còn Trump chỉ là con cừu non háu đá. Các nhà phân tích cho biết trước những tuyên bố áp thuế của Trump, Tập Cận Bình có 5 phương cách hữu hiệu để chống lại, trong đó có biện phá giá đồng nhân dân tệ và bán trái phiếu nợ Mỹ trên thị trường, nhưng Tập Cận Bình chỉ phản ứng giới hạn để tình hình đừng trở nên quá nghiêm trọng. Trong khi đó, Tập đi tiếp thu các thị trường trong vùng đang bị Trump đe dọa trừng phạt và mở rộng thị trường mới.

Hiện nay, hầu hết các nước trong vùng Đông Nam Á đã bỏ Mỹ đi theo Trung Quốc như Philippines, Mã Lai, Brunei, Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh và Sri Lanka, còn Việt Nam và Indonesia chơi trò bắt cá ba tay. Trung Quốc đã bỏ ra 1.000 tỷ USD để xây dựng hạ tầng cơ sở nối liền Nam Châu Á qua Ấn Đô Dương, tới Trung Đông và Châu Phi. Ngày 3/9/2018 vừa qua, 53 lãnh đạo Châu Phi đã đến dự thượng đỉnh "Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi" lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Trung Quốc nay đang trở thành cường quốc số 1 ở Châu Phi.

Trump đang gây thiệt hại

Hôm 12/9/2018, hơn 60 tập đoàn công nghiệp Mỹ tuyên bố thành lập một liên minh nhằm công khai phản đối chính sách của Trump được cho là gây hậu quả vượt xa so với dự kiến. Đa số thành phần của Liên Hiệp là các công ty hàng đầu như ExxonMobil, Chevron, Hiệp hội Các tập đoàn bán lẻ Mỹ như Amazon, Macy Walmart, Target, Autozone, v.v. Liên minh cho rằng chính sách áp thuế của Trump đã làm căng thẳng thương mại leo thang, sẽ gây phương hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định trong một báo cáo ra ngày 16/07/2018 : "Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 430 tỷ USD, trong đó Mỹ 'đặc biệt dễ tổn thương' nếu cuộc chiến tranh thuế quan leo thang xa hơn".

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde phát biểu rằng trong cuộc chiến thương mại xuất phát từ tăng thuế nhập khẩu, không ai là người chiến thắng, và nhìn chung cả hai bên đều thua.

Ngày 17/9/2018

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 910 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)