Trong chuyến đi Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un lần thứ ba vào tháng 9 vừa qua, để bàn về tiến trình hiệp thương đi đến thống nhất đất nước, người ta chú ý đến những hình ảnh đón tiếp cực kỳ long trọng và các màn biểu diễn các hoạt cảnh sống động đầy ấn tượng mang tính biểu tượng cho khát vọng hòa bình, hòa giải dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Bắc-Nam Triều Tiên.
Tổng thống Nam Hàn (trái) và lãnh đạo Triều Tiên tại Bắc Hàn, 20 tháng Chín, 2018.
Người viết khi ngồi xem một cuốn phim của YonhapNews trên youtube ghi nhận những hình ảnh này, nhất là hình ảnh hai nhà lãnh đạo Bắc-Nam Hàn thân thiết đi bên nhau, tươi cười vẫy tay trước sự cuồng nhiệt đón chào của đám đông hàng trăm ngàn người dân Bắc Triều Tiên, nước mắt tự nhiên ứa ra và lòng cảm thấy đau xót khi nhìn người lại nghĩ đến ta để tự hỏi "Vì đâu Việt Nam ra nông nỗi này ?".
Những nông nỗi gì và làm sao hóa giải những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại, để Việt Nam có được một tương lai tươi sáng tốt đẹp cho dân cho nước, như những nỗ lực của nhà cầm quyền Bắc và Nam Hàn đã và đang cùng hướng tới để đáp ứng khát vọng của nhân dân hai miền Triều Tiên ?
I. Những nông nỗi gì ?
Đó là những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại.
1. Nông nỗi từ quá khứ
Việt Nam đã không bị chiến tranh tàn phá đất nước, giết hại hàng triệu người dân Việt tộc trên cả hai miền đất nước, để lại những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho đất nước, dân tộc và các thế hệ mai sau…
- Nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam đã không tri tình, nhiệt tình, phát động cuộc chiến tranh "Nồi da sáo thịt" kéo dài nhiều năm để cướp chính quyền chính thống quốc gia ở Miền Nam, cộng sản hóa cả nước, để hoàn thành "nghĩa vụ quốc tế cộng sản" cho hai tân đế quốc đỏ Nga-Tàu.
- Nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam theo gương đảng Lao Động Bắc Hàn, sau khi phát động chiến tranh, biết sớm giác ngộ ngừng lại cuộc chiến làm "nghĩa vụ quốc tế cộng sản cho Nga-Tàu" (như Bắc Hàn chỉ sau cuộc chiến 3 năm : 1950-1953) để tập trung nội lực (nhận lực, tài lực trong nước) và ngoại lực (thu hút viện trợ của Liên Xô, Trung quốc và các nước xã hội chủ nghĩa…) xây dựng thử nghiệm mô hình "chế độ xã hội chủ nghĩa" (như Bắc Hàn đã làm…) để chờ cơ may thống nhất đất nước một cách hòa bình (như Bắc Hàn và Nam Hàn đã và đang làm…).
Thực tế, quả là Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh mất cơ hội ngừng cuộc chiến sớm hơn, tuy có trễ, nhưng chưa muộn, để cùng chính quyền chính thống quốc gia ở Miền Nam thực hiện giải pháp thống nhất đất nước một cách hòa bình qua ba giải đoạn,như chúng tôi đã trình bày trong bài viết trước trên diễn đàn này.
Đó là cơ may sau khi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày 27/01/1973. Từ đó và sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần thực thi nghiêm túc bản Hiệp định này, thì giờ đây Việt Nam sau 45 năm (1973-2018). có thể đã có hay sẽ có cơ may thuận lợi thống nhất đất nước một cách hòa bình. Tương tự như Bắc và Nam Hàn, sau 65 ngừng cuộc chiến (1953-2018) cơ may thuận lợi đã đến đó là, Nam Hàn dân chủ đã phát triển kinh tế giầu mạnh, Bắc Hàn độc tài toàn trị cộng sản tuy còn nghèo yếu kinh tế, nhưng mạnh quân sự khi đã có vũ khí hạt nhân trong tay, để có thể chủ động cùng Nam Hàn thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc đi đến thống nhất đất nước một cách hòa bình.Nhất là cơ may đã được các cường quốc có ảnh hưởng tán đồng cho các nỗ lực hòa giải dân tộc, tiến tới thống nhất Triều Tiên bằng con đường hòa bình.
Nhớ lại, sau khi Hội nghị Paris khởi sự ít lâu, người viết lúc đó còn là sinh viên, đã gửi Thư ngỏ đến "Các nhà lãnh đạo hai miền Bắc-Nam", đăng trên Nội san Sinh viên Tiến bộ Luật khoa. Trong thư chúng tôi đã tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo hai Miền Bắc-Nam "Nhân cơ may lịch sử này, cùng nhau tìm ra một giải pháp phù hợp với thực trạng Đất nước và nương theo ý đồ quốc tế có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, để chấm dứt sự đổ máu vô ích cho thế hệ thanh niên chúng tôi trên cả hai Miền Bắc-Nam…".
Trong thư chúng tôi đã dùng biểu tượng hai con tầu Bắc – Nam cùng đi về một bến ; trong một giả định rằng tất cả quý vị lãnh đạo hai miền đang lèo lái hai con tầu ấy đều có chung lòng yêu nước, đều có thiện chí muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước, để đưa dân tộc đến bến vinh quang. Lập luận rằng : Nhưng vì hai con tầu mang hai nhãn hiệu đối nghịch URSS (Bắc) và USA (Nam), đi theo chiều ngược nhau, tạo phản lực, gây thương tích hoặc tử vong cho những hành khách bất đắc dĩ trên hai con tầu ấy là chúng tôi (thanh niên) và nhân dân hai miền nói chung. Lúc ấy, chúng tôi đã mạo muội đề nghị, nếu quý vị không thể cùng nhau tìm ra được con đường chung tốt hơn cho dân tộc, thì xin tạm thời đường ai nấy đi, để chờ cơ may thống nhât Đất nước một cách hòa bình.
Trong khi chờ đợi cơ may ấy, quý vị cố gắng khai thác triệt để mâu thuẫn quốc tế (Chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng sản và Tư bản) để làm lợi cho dân tộc (nhận viện trợ phát triển thay vì vũ khí giết người…). Đồng thời, vận dụng mọi thuận lợi hai bên cùng thể nghiệm hai mô hình chế độ chính trị (Xã hội chủ nghĩa chuyên chính và Cộng hòa dân chủ pháp tri) để trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi, nhân dân hai miền sẽ lựa chọn bằng phương thức dân chủ (lá phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử tự do…) mô hình chế độ chính trị nào thích dụng, có lợi cho đất nước (như Bắc và Nam Hàn đã và đang đi theo chiều hướng này).
Tiếc rằng lời kêu gọi và những đề nghị chân thành thể hiện ước muốn chung của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam thời bấy giờ (cũng như bây giờ) đã không được các nhà lãnh đạo hai miền Bắc-Nam mảy may quan tâm ; chỉ là tiếng kêu lạc lõng trong sa mạc, bị nhận chìm trong tiếng bom gào đạn thét. Vì giải pháp khác đã được ngoại bang sắp xếp và áp đặt. Vì sự vâng phục, lòng háo thắng, đam mê quyền lực và quyền lợi cá nhân và tập đoàn thống trị đã che lấp sự khôn ngoan, hủy diệt lòng yêu nước của quý vị. Vì quý vị đã đặt quyền lợi cá nhân và tập đoàn thống trị trên quyền lợi dân tộc, đất nước và nhân dân…
2. Nông nỗi đến hiện tại
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng bạo lực chiến tranh sau hơn 20 năm (1954-1975) để thống nhất được đất nước hơn 43 năm qua, với cái giá của hàng triệu sinh linh trên cả hai miền Nam - Bắc ; nhưng dân tộc Việt Nam vẫn bị phân hóa do cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng vẫn chưa chấm dứt. Bởi vì mục tiêu tối hậu của ý thức hệ cộng sản và ý thức hệ quốc gia vẫn chưa bên nào đạt được.
Mục tiêu tối hậu ý thức hệ cộng sản, thì những người cộng sản Việt Nam đã có cơ hội và thời gian dài trên 43 năm thực hiện mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước vẫn chưa đạt được. Mặc dầu thực tế công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn tại Việt Nam cũng như hầu hết các nước thử nghiệm chủ nghĩa này ; kể cả Liên Xô, nước đầu tiên vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào thực tiễn, từng được cộng sản Việt Nam xưng tụng là "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Mặc dầu thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội khởi sự từ hơn hai thập niên qua (1995-2018). Thế nhưng bề ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố dùng bảng hiệu "Đảng Cộng sản Việt Nam" (ngụy cộng sản) và bảng hiệu chế độ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ) để có trong tay "Công cụ chuyên chính vô sản" (ngụy vô sản) là công an, quân đội,luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường… để trấn áp và bác đoạt các quyền tự do dân chủ, nhân sinh, dân quyền cơ bản của nhân dân ; để duy trì một chế độ độc tài toàn trị sắt máu, bảo vệ độc quyền thống trị cho một đảng độc tôn ; cũng là bảo vệ các ưu quyền, đặc lợi cho một giai cấp thống trị là các đảng viên cộng sản có chức, có quyền, lắm bạc, nhiều tiền cấu kết với nhau.(như đã thể hiện qua cuộc sống của họ trên thực tế không cần nói ra, ai cũng thấy và phẫn nộ…).
Chính từ thực tế trên mà cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộngg tiếp tục diễn ra (giai đoạn chót của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng), dù cuộc chiến tranh Quốc-Cộng đã kết thúc hơn 43 năm rồi. Bởi vì mục tiếu tối hậu của người Việt quốc gia về chính trị là thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị và phát triển kinh thế theo con đường kinh tế thị trường, trong một xã hội nhân bản, khai phóng, có nhiều giai cấp sống chung, cộng đồng đồng tiến, tôn trọng quyền tư hữu, các quyền tự do kinh tế, dân chủ, dân sinh, nhân quyền được tôn trọng, bảo vệ và hành xử…
Nhưng mục tiêu tối hậu này người Việt quốc gia vẫn chưa đạt được. Và vì vậy họ tiếp tục công cuộc chống cộng sản độc tài, phản dân chủ cho đến khi thành đạt mục tiếu tối hậu này. Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam sẽ chấm dứt ngay khi mục tiếu tối hậu này của phía Việt Quốc thành đạt cách này hay cách khác.
Vậy thì…
II. Làm sao hóa giải được những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại ?
Muốn hóa giải những nông nỗi từ quá khứ đến hiện tại, câu trả lời tổng quát là Việt Nam cách nào đó phải được dân chủ hóa.
Vì chỉ có dân chủ hóa mới chấm dứt được phân hóa dân tộc, thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng phát triển toàn diện đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại ; tạo thế và lực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trước họa xâm lăng bất cứ từ đâu tới (trước mắt là hiểm họa xâm lăng từ nước lớn láng diềng Phương Bắc)
Như chúng tôi đã có dịp trình bày trong nhiều bài viết từ nhiều năm qua cho đến lúc này, vẫn là Việt Nam cần được dân chủ hóa để giải quyết mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn) giữa nhà cầm quyền độc tài đảng trị với mọi tầng lớp nhân dân mà quyền làm chủ bị tước đoạt. Từ đó và nhờ đó chấm dứt được cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng kéo dài nhiều thập niên qua làm phân hóa dân tộc.
Bởi vì, ý nguyện của nhân dân và mục tiêu chống cộng của người Việt quốc gia bao lâu nay vẫn là một : dân chủ hóa đất nước. Vì chỉ có dân chủ hóa đất nước thì quyền làm chủ của nhân dân mới được thu hồi trọn vẹn. Từ đó và nhờ đó các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền của mọi tầng lớp nhân dân (chứ không riêng giai cấp thống trị) mới được tôn trọng, bảo vệ và hành xử. Từ đó và nhờ đó mọi tầng lớp nhân dân mới được sống trong "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" thực sự ; chứ không phải chỉ là bánh vẽ như Đảng Cộng sản Việt Nam trưng ra làm khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị nhân dân trước và sau khi "cướp được chính quyền" trên cả nước.
Vậy Việt Nam phải dân chủ hóa như thế nào ? - Như chúng tôi đã đề nghị nhiều lần, có hai cách dân chủ hóa đất nước :
1. Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền độc tôn trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" tự nguyện, tự giác, chủ động thực hiện một tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Đây là cách dân chủ hóa đất nước một cách hòa bình có lợi nhất cho dân cho nước, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ ra khôn ngoan hơn, biết dừng lại đúng lúc. Trong sự chuyển đổi êm dịu này, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có thể bảo vệ được quyền và lợi cho một tập đoàn thống trị trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi chế độ từ độc tài toàn trị độc đảng qua dân chủ pháp trị đa đảng ; Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng và tiếng nói trên chính trường (tương tự như ở Nga và các nước cựu cộng sản Ðông Âu). Nghĩa là, ở cuối quá trình chuyển đổi, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động kết thúc quá trình bằng sự tự giác từ bỏ độc quyền thống trị, một mình đi bước trước hay cùng với các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc, dân chủ thiết lập một thể chế chính trị dân chủ pháp trị trên nền tảng "nhất nguyên dân tộc" (khác nhất nguyên xã hội chủ nghĩa phi dân tộc) và đa đảng.
Trên thực tế, hành động cụ thể khả tín là Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động tự mình tuyên bố tu chỉnh hay hủy bỏ toàn bộ bản hiến pháp hiện hành, làm bản hiến pháp mới hay sửa đổi biến cải bản hiến pháp hiện hành thành bản hiến pháp dân chủ đa đảng ; song song với việc trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và chấm dứt mọi hành vi bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến hay vì lý do tôn giáo. Ðồng thời, điều chỉnh các văn kiện lập pháp và lập quy cho phù hợp với thể chế dân chủ đa đảng, song song với việc thực thi, tôn trọng, bảo vệ các quyền tự do dân chủ, dân sinh và nhân quyền cơ bản.
Tất cả nhằm hình thành khung cảnh dân chủ đa nguyên, tiền đề chế độ dân chủ pháp trị và tạo niềm tin cho các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc dân chủ (về sự thực tâm của người cộng sản) để bước vào sân khấu chính trị tranh cử với đảng cộng sản (nếu còn giữ nguyên tên đảng) hay đảng của những cựu đảng viên cộng sản (nếu biến thể thay tên khác). Trong điều kiện này, các chính đảng thuộc mọi khuynh hướng có thể nắm quyền bằng phương thức dân cử thông qua các cuộc ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do. Nếu đảng cộng sản vẫn là một chính đảng mạnh, được nhân dân tín nhiệm, họ vẫn có thể tiếp tục nắm quyền. Tất nhiên, dù đảng cộng sản nắm quyền hay bất cứ chính đảng nào khác cũng phải cai trị theo hiến pháp và luật pháp chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng đã được ban hành.
2. Hai là, nếu những người cộng sản Việt Nam ngoan cố bám lấy quyền hành, trong điều kiện lượng dân chủ đã tích lũy thừa đủ, thì họ sẽ bị lật đổ bằng chính sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nghĩa là, vào thời điểm mà, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không còn là mâu thuẫn với một vài giai cấp trong xã hội, mà trở thành mâu thuẫn đối kháng với mọi giai cấp, với toàn xã hội. Giai cấp cầm quyền (là Đảng Cộng sản Việt Nam) sẽ bị cô lập, sẽ tạo ra tiền đề sụp đổ cho chế độ mà chính lãnh tụ cộng sản Nga Vladimir Lenine đã chỉ ra rằng, khi "tình thế cách mạng chín muồi" cách mạng quần chúng nhằm lật đổ chính quyền sẽ nổ ra và nhất định thắng lợi.
Bởi vì, trong tình thế này thì chính sức mạnh vùng lên của nhân dân bị áp bức, bóc lột đã đạt đến biên độ"tức nước vỡ bờ", sẽ giật sập chế độ. Vì lúc đó các công cụ bảo vệ chế độ chuyên chính cộng sản (quân đội, công an…) sẽ đứng về phía nhân dân, sẽ quay súng bắn vào đầu những kẻ cầm quyền độc tài ngoan cố hay sẽ bỏ chạy để mặc làn sóng biểu tình của nhân dân ào lên đè bẹp giai cấp cầm quyền bằng sức nặng của toàn khối nhân dân, chứ không cần sức mạnh của bạo lực quân sự.
Ðây không chỉ là lý luận Marx - Lenin về đấu tranh cách mạng mà là một thực tế đã xẩy ra tại Liên Xô vào đầu thập niên 1990, khi nhân dân Liên Xô bao vây viện Duma (Hạ viện). Lúc ấy, dân chúng ào lên, quân đội, công an, mật vụ vốn là công cụ bảo vệ nền chuyên chính vô sản Xô viết thiết lập hơn 70 năm ở đất nước này(1917-1991), đã bỏ chạy. Chế độ Xô viết đã sụp đổ tan tành, kéo theo sau đó sự tiêu vong cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, để cùng hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa đảng, với cơ cấu kinh tế thị trường tự do như hiện nay,
III. Kết luận
Nỗ lực và ý hướng chung của các nhà lãnh đạo chế độ Bắc Hàn độc tài cộng sản và chế độ Nam Hàn dân chủ pháp trị là nhắm thành đạt hai mục tiêu : hòa giải dân tộc và thống nhất đất nước một cách hòa bình. Đây là một tiến trình không đơn giản và có thể kéo phải mất một thời gian nhất định, vì mới khởi sự giai đoạn 2 (Hiệp thương để hòa giải dân tộc, cân bằng phát triển kinh tế…) để kết thúc giai đoạn 3 (thống nhất đất nước…).
Trông người lại nghĩ đến ta, Việt Nam thì đã thống nhất hơn 43 năm rồi, nhờ đó hòa giải dân tộc theo nghĩa hài hòa giữa nhân dân hai miền Bắc cộng sản – Nam quốc gia thì như đã được xóa mờ qua thực tế sống chung ; nên có thể không còn là một trở ngại. Nghĩa là Việt Nam không còn vấn đề"hòa giải và hòa hợp dân tộc" mà chỉ còn vấn đế"hóa giải những nâu thuẫn về lãnh đạo dân tộc", là mâu thuẫn giữa "độc tài toàn trị" với "dân chủ pháp trị".
Mâu thuẫn đối kháng này có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn, vì không cần sự thương thảo song phương để tìm sự đồng thuận của đôi bên (như Bắc và Nam Hàn đang làm), mà hệ tại một bên là đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay "đơn phương, tự nguyện, tự giác, từ bỏ chế độ độc tài toàn trị cộng sản" (tự diễn biến, tự chuyển đổi) chủ động thực hiện dân chủ hóa đất nước theo một tiến trình hòa bình, tịnh tiến một cách phù hợp với tình hình thực tiễn, để duy trì sự ổn định chính trị, an toàn xã hội, tránh xáo trộn bất lợi cho đất nước (diễn biền hòa bình).
Người viết thành tâm mong muốn, Đảng Cộng sản Việt Nam cần khởi động tiến trình này càng sớm càng tốt, để giải quyết dứt điểm "cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng" kéo dài nhiều thập niên qua làm phân hóa và suy yếu dân tộc. Nhất là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tin mới từ Hội Nghị Trung ương 8 đang họp tại Hà Nội cho hay sẽ kiêm nhiệm Chủ tịch nước nay mai.
Từ vị thế tập trung quyền lực này và uy thế áp đảo trong nội bộ đảng, người dân mong rằng, nếu chưa thể là một Mikhail Gorbachev của Việt Nam, vì hạn chế tuổi tác (đã 74 tuổi rồi) và "Vòng Kim Cô Đỏ" của ngoại bang còn xiết chặt, mong ông chuẩn bị tiền đề cho sự ra đời của một Gorbachev thuộc thế hệ con cháu.
Từ đó và nhờ đó mới thống nhất được toàn lực quốc gia, để tập trung trí tuệ, nhân lực, tài lực nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại khắp nơi vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Đồng thời, tạo được thế lực bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đập tan mọi cuộc xâm lăng bất cứ từ đâu tới.
Houston, ngày 3/10/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 10/10/2018