Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/10/2018

Sự kiện Chu Hảo và bức thư ngỏ 'cải lương' ?

Ánh Liên

Sau sự kiện ông Chu Hảo đề nghị ‘kỷ luật’ vì tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhiều người nhận định sẽ có một ‘trào lưu rời đảng hoặc từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam’. Điều này đã xảy ra, nhưng trào lưu này lại mang tính rải rác và ngắn hạn. Trong khi đó, phía ‘giới tri thức’ khác (nguyên thành viên của IDS) lại đưa một thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ‘đòi rút lại kết luận về Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Kính’ (1).

sukien1

Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Ảnh : getty images

Thư ngỏ này được đánh giá là mềm mỏng và có hơi hướng ‘cải lương’, bản thân Luật sư nhân quyền Hà Huy Sơn đánh giá lá thư này như truyện 108 Anh hùng lương sơn bạc bên Trung Quốc, khi mà ‘108 vị hảo hán bất bình với triều đình chỉ mong muốn được triều đình xem xét lại cho mình, trọng dụng mình, mong sớm có ngày được quy phục’.

Nhiều người đồng ý với quan điểm của vị luật sư này khi nhấn mạnh rằng, đây là một lá thư ngỏ để biểu hiện với Đảng cộng sản Việt Nam rằng, họ ôn hòa và không đối địch (hoặc nặng hơn là chống phá) đối với Đảng cộng sản Việt Nam.

Về phía người viết, nội dung thư ngỏ phản ánh một chút gì đó thương thảo, có ảnh hưởng bởi Phan Châu Trinh (người mà Nguyễn Ái Quốc từng phê phán rằng ‘Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương’), cụ thể hơn, khi ‘ông Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Đình Phùng bị đào mả ném xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đầy biệt xứ và nhiều không kể xiết sự đầu rơi máu chảy’ thì Phan Châu Trinh chủ trương bất bạo động, và trong lá thư gửi cho Chính phủ Pháp (Paul Beau) ông khẳng định rằng : Nếu Chính phủ sẵn lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài, trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, […] thế thì dân được yên nghiệp làm ăn, sĩ thì vui lòng giúp việc cho Chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa ?

Nếu đọc kỹ lại, thì thư ngỏ cũng chỉ là một phiên bản thu nhỏ của ‘Đầu Pháp chính phủ thư’, bởi cả hai cũng chỉ mong muốn sự ‘cởi mở, khoan sức dân’ của đối tượng đang cai trị dân Việt mà thôi. 

Và do đó, nếu đặt bức thư ngỏ vào hiện trạng ‘nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước Châu Âu Châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường’ thì khó có thể phê phán mạnh mẽ nội dung bức thư ngỏ, ít nhất là phương diện nội lực. Vì vậy, trong sự ôn hòa và suy xét một cách kỹ lưỡng nhất, người viết tán đồng quan điểm, của Luật sư Hà Huy Sơn, đó là quan điểm của những người như vậy (nguyên là thành viên IDS) ‘quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam nhưng ko phải là quyết định’. 

sukien2

Một phần nội dung trong thư ngỏ. Ảnh : cắt từ màn hình

Trở lại với phong trào rời đảng, dù mang tính rời rạc và ngắn hạn, nhưng phong trào này đã ghi những dấu ấn nhất định. Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam buộc phải suy ngẫm vì sao một người từng hóa thân cụ Mết mà bảo rằng ‘cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn’, giờ đây lại phê phán đảng kịch liệt. Nhưng mặt khác, tính ngắn hạn cũng để lại nhiều suy ngẫm, tại sao việc ra vào đảng ở nước khác là bình thường, nhưng ở Việt Nam là quyết định ‘quan trọng’ và rằng, tại sao có quá ít người theo đuổi việc ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam lúc này, vốn bị đánh giá là ‘lạm quyền lực’ ?

Đó có phải là ‘trở lực suy nghĩ’ hay là bởi tư lợi gắn với đảng nó lớn hơn cả dân lợi khi rời đảng, hoặc nói cách khác, đảng đã thành công trong việc kết dính lực lượng đảng viên với quyền lợi của đảng một cách xuyên suốt, như một hệ ký sinh trùng ? Điều này đồng nghĩa rằng, cái xã hội của Việt Nam hiện tại, quyền lợi thiết thân với Đảng cộng sản Việt Nam nó không khác gì quyền lợi của nhóm tri thức và nhóm giới dân đối với Chính quyền thuộc địa cuối thế kỷ XIX – đầu XX. Và chính chất kết dính này đã tạo ra cái gọi là con người không còn sống thật với ý muốn của mình, như cách mà Facebooker Nguyễn Hiền Đức trong một phản hồi về sự kiện Chu Hảo đã đề cập, khi người này nhắc lại vở cải lương ‘Người ven đô’, trong đó Tám Khỏe do Út Trà Ôn thủ vai có nói ‘Tui Tám Khỏe tuyên bố ly khai với Việt Cộng’ trái với ý muốn mà nhân vật (bởi Tám Khỏe theo Việt cộng thật).

Suy cho cùng, thì nhân vật ‘Tám khỏe’ dù ly khai thật hay giả với Việt Cộng đi chăng nữa, thì nó vẫn là dấu ấn hơn là dấu mốc tạo ra sự kiện, tương tự cho việc từ bỏ đảng hiện nay. Và chính vì lý do này cho thấy rằng, việc ly khai ở đâu, với số lượng bao nhiêu người không quan trọng bằng việc họ đã thực sự ly khai. Còn những người với ly do riêng còn ở lại, thì cũng là cơ sở để đánh giá được rằng, tính hữu dụng của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn, hoặc phương thức tranh đấu, cải tạo lại Đảng cộng sản Việt Nam ‘tốt như xưa’ vẫn còn tồn tại, và đây cũng là đặc trưng của một xã hội đa nguyên theo cách nói nào đó.

Và có lẽ vì lý do đó mà Facebooker Võ Văn Tạo trong một phản hồi trên trang cá nhân của mình đã bày tỏ : Việc ở lại, hay từ bỏ đảng, là tùy thuộc quan điểm, hoàn cảnh, tính cách, động cơ, quyền cá nhân của từng đảng viên. 

Cần nhắc lại, nhà văn Nguyên Ngọc đã có tuyên bố ra khỏi đảng, trong bối cảnh ông Chu Hảo vẫn giữ quyền im lặng...

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 28/10/2018

******************

 (1) Thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam

Thư ngỏ

Gửi Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo

Kính gửi :

– Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

– Đồng kính gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam

Qua báo chí ngày 25/10/2018, chúng tôi được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mới có sự đánh giá về ông Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nguyên thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS – là "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" và "chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy". Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận : "vi phạm khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật".

Chúng tôi cho rằng sự quy kết như vậy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Không chỉ riêng chúng tôi, mà hầu hết những ai đã từng được đọc những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, từng đọc và nghe những ý kiến phát biểu của ông Chu Hảo về tình hình đất nước đều trân trọng những điều bổ ích mình thu nhận được, đều đánh giá cao sự phấn đấu không mệt mỏi của ông Chu Hảo noi gương bậc tiền bối Phan Châu Trinh xả thân cho sự nghiệp "khai dân trí, chấn dân khí" – một đòi hỏi vô cùng cấp thiết cho sự bảo vệ và phát triển đất nước ta lúc này.

Làm sao có thể sớm thực hiện được dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà lại bóp nghẹt những nỗ lực mở mang dân trí ? Chính vì lẽ này, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo.

Chúng tôi đồng thời kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên khuyến khích các nhà xuất bản trong nước làm những việc như Nhà xuất bản Tri Thức đang làm, động viên phong trào ham học, ham đọc sách trong cả nước, cùng nhau phát huy ý chí và trí tuệ sớm khắc phục được tình trạng tụt hậu hiện nay, đưa nước ta tiến nhanh theo con đường dân tộc và dân chủ.

Chúng tôi rất mong thư ngỏ này được nhân dân và trí thức cả nước hưởng ứng bằng mọi cách, cùng chung tay đẩy mạnh nỗ lực chung nâng cao dân trí của nước nhà.

Làm tại Hà Nội, ngày 27/10/2018

Nguyên thành viên của IDS kí tên :

– Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải

– Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Thái Lan

– Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng IDS

– Phạm Chi Lan, nguyên Phó Viện trưởng IDS, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

– Nguyên Ngọc, nhà văn

– Tương Lai, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam

– Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc

– Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ

– Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ

_____

Chúng tôi, những người đã ký tên, trân trọng đề nghị trí thức trong và ngoài nước và đông đảo nhân dân quan tâm đến sự nghiệp của đất nước cùng ghi tên tiếp vào Thư ngỏ này : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

*******************

Thư ngỏ

Nguyễn Trung, 27/10/2018

Kính gửi bạn bè gần xa,

Tôi là Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin thưa với bạn bè gần xa như sau :

Một thời gian sau khi có bức thư ngày 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sau khi các anh Lê Hồng Hà (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an), anh Hà Sỹ Phu (tức Nguyễn Xuân Tụ) và anh Nguyễn Kiên Giang bị bắt và bỏ tù về tội "làm lộ bí mật nhà nước" – lí do thật là 3 anh đã đọc và giữ bản sao bức thư 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do một ai đó trong những người ở cương vị được nhận thư chuyển cho đọc, – tôi hiểu ra những hệ lụy của bức thư và những khó khăn gây ra cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngay lâp tức tôi trình bầy bằng thư và nói miệng với Thủ tướng quyết định cá nhân của tôi : Vì không thể chấp nhận cách bức thư 09/08/1995 bị đối xử như vậy, tôi quyết định từ chức trợ lý Thủ tướng, và xin nghỉ hưu ngay tức khắc.

Trao xong thư từ chức và quyết định cá nhân về nghỉ hưu, từ hôm sau trở đi tôi không đến nhiệm sở cơ quan nữa.

Sau đó tôi được mời với tư cách chuyên gia tham gia Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Văn phòng Chính phủ (gọi tắt là Tổ Kinh tế đối ngoại, do Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân làm tổ trưởng, làm nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề  kinh tế đối ngoại). Sau một thời gian, tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại giải thể theo quyết định của Văn phòng Chính phủ. Ngày 21/11/2006 đảng ủy Văn phòng Chính phủ làm hồ sơ chuyển đảng tịch của tôi về đảng ủy Quận Ba Đình – nơi tôi cư trú ; nhân dịp này tôi đã xin nghỉ sinh hoạt đảng với lý do đưa ra là tuổi tác, lý do không nói ra : Tôi muốn làm người tự do. Từ đó tôi không còn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và không tham gia sinh hoạt đảng.

Cả hai câu chuyện xin thưa trên đây đều là chuyện riêng tư cá nhân của tôi, và cho đến nay tôi lặng lẽ sống như vậy.

Thế nhưng mấy ngày qua, Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam có kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phụ trách nhà xuất bản Tri Thức. Án kỉ luật đưa ra nhiều lý do, nhưng theo tôi mục đích thật là nhằm trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, đồng thời qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước – những người ngày đêm mong mỏi góp phần mở mang dân trí nước nhà cho sự nghiệp xây dựng dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Tình thế nói trên buộc tôi viết thư ngỏ này nói ra 2 chuyện riêng tư cá nhân mà ngay từ đầu tôi đã có ý thức xếp lại một bên. Hôm nay sở dĩ phải thưa thốt như thế, cốt chỉ để biểu thị sự đoàn kết của tôi với Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, và đồng thời bầy tỏ sự bất bình với kết luận sai trái của Ban Kiểm tra Trung ương.

Đất nước ta đang đứng trước thách thức cực kỳ hiểm nghèo chưa từng có sau 43 năm độc lập thống nhất, song cơ hội cũng vô cùng to lớn, do bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay tạo ra. Tôi đã nhiều lần viết ra trên công luận chia sẻ suy nghĩ của mình về nội dung này với cả nước, kể cả với Đảng Cộng sản Việt Nam – người có trách nhiệm ràng buộc pháp lý và đạo lý không thể thoái thác về hưng vong và thịnh suy của đất nước. Bài mới đây nhất là "Đại hội XIII…" [1].

Tôi tự hỏi, trước tình hình và nhiệm vụ của đất nước như nêu trên, chẳng lẽ không có việc nào đáng làm hơn là từng ly từng tí chăm lo vun đắp sự quần tụ của dân tộc như chăm lo cho con ngươi của mình, khơi dậy ý chí và trí tuệ cả nước, tất cả với nỗ lực hợp quần cao nhất, quyết giành bằng được một vị thế đáng sống cho quốc gia trong thế giới hỗn loạn hôm nay hay sao - nhất là lúc này khu vực Biển Đông đang cận kề miệng hố chiến tranh! - mà lại đi làm những việc chia rẽ dân tộc, phân tán nỗ lực đất nước như kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo hay sao ? Ban Kiểm tra Trung ươngchẳng lẽ vô cảm hết mức, hay không thấy gì trước những thách thức sống còn đối với vận mệnh đất nước, mà lại đưa ra một quyết định kỉ luật như vậy hay sao ?

Tôi mong cả nước cùng nhau suy nghĩ và tìm câu trả lời, để nhân dân cả nước chúng ta nhất trí hành động. Nhất là mong Đảng Cộng sản Việt Nam với trách nhiệm ràng buộc không thể thoái thác của mình đối với đất nước cũng cùng suy nghĩ như vậy, để cùng với nhân dân cả nước nhất trí hành động !

Nguyễn Trung

Viết tại Hà Nội – Võng Thị, ngày 27/10/2018

[1] https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/9545-d-i-h-i-xiii

Quay lại trang chủ
Read 955 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)