Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2018

Cái nhìn cận cảnh về một thỏa ước vũ khí

Andrew E. Kramer

Mỹ có kế hoạch hủy bỏ hiệp ước với Nga, có thể bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới

cancanh1

Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga, thứ hai từ phải, cạnh là Ngoại trưởng Sergey V. Lavrov, thứ ba từ bên phải, đã gặp John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, thứ ba từ trái sang tại điện Kremlin hôm thứ Ba. Ảnh : Maxim Shipenkov / Agence France-Presse - Getty Images

Trong tuần này, ông John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia (Hoa Kỳ), đang ở thăm Moscow để giải thích cho các quan chức (Nga) về quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí được ký kết hồi năm 1987.

Ông Trump và các trợ lý của ông, đặc biệt là ông Bolton, từ lâu đã bày tỏ sự bất bình đối với hiệp ước này, Hiệp ước giải trừ các tên lửa tầm trung và ngắn hơn (1), vì họ nói rằng phía Nga đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước này và Trung Quốc không phải là một bên ký kết của Hiệp ước.

"Trừ khi Nga đồng hành cùng chúng ta, và Trung Quốc cũng đồng hành cùng chúng ta, và tất cả họ đều đồng hành cùng chúng ta, và trừ khi họ nói, ‘Hãy cùng nhau trở thành những người thông minh và không một ai trong chúng ta phát triển những thứ vũ khí đó", còn nếu không thì Mỹ vẫn có ý định rút ra khỏi hiệp ước này và bắt đầu chế tạo các loại vũ khí hạt nhân mới, ông Trump cho biết như vậy sau một cuộc vận động bầu cử vào hồi tuần trước.

Đáp lại, người phát ngôn của điện Kremlin, ông Dmitri S. Peskov, đã ám chỉ một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi nói rằng Nga cũng sẽ bị buộc phải phát triển vũ khí mới "để khôi phục thế cân bằng trong lĩnh vực này".

Đề xuất và phản ứng của Kremlin đặt ra những câu hỏi tức thời về một hiệp ước đã lỗi thời về kiểm soát vũ khí, một hiệp ước mà có rất những ít người dưới 30 tuổi biết được về sự tồn tại của nó. Liệu là nó có thực sự quan trọng đến nỗi sự chấm dứt hiệu lực của nó sẽ kích hoạt một cuộc đua vũ trang toàn cầu hay không ?

Hiệp ước I.N.F là gì ?

Hiệp ước này giải quyết một cuộc khủng hoảng của những năm 1980 khi Liên xô triển khai ở Châu Âu một loại tên lửa được gọi là SS-20, có khả năng mang ba đầu đạn hạt nhân. Hoa Kỳ đáp trả với việc bố trí các loại tên lửa hành trình và tên lửa Pershing II.

Vào thời điểm năm 1987, Tổng thống Reagan và Mikhail S. Gorbachev, nhà lãnh đạo của Liên Xô tại thời điểm đó, đã ký kết một thỏa thuận cấm các loại vũ khí, tên lửa tầm trung vốn được coi là ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh hạt nhân vì thời gian bay của chúng quá ngắn – vẻn vẹn chưa đầy 10 phút.

Điều này đặc biệt gây quan ngại cho giới lãnh đạo, chỉ huy của Liên Xô vốn có thể bị xóa sổ bởi một cuộc tấn công "bất thần từ trên trời xuống" trước khi nó có thể ra lệnh tấn công đáp trả. Một phần là để khắc phục điểm yếu này, Moscow đã phát triển một loại "ngòi nổ bàn tay chết" để khai hỏa kho vũ khí của mình nhắm vào Hoa Kỳ mà không cần phải có lệnh từ ban lãnh đạo tối cao, loại ngòi nổ này hoạt động dựa trên việc máy tính diễn giải bức xạ và các cảm biến địa chấn mà nó thu nhận được.

cancanh2

Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail S. Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung ở Washington năm 1987. Ảnh : Sovfoto/ Getty Images

Năm 2014, trong cuộc khủng hoảng Ukraina, một tờ báo của chính phủ đã đăng tải một bài báo nói rằng hệ thống sử dụng "trí thông minh nhân tạo" để ra lệnh khởi động chiến tranh hạt nhân này, cho đến nay, vẫn đang ở trong trạng thái hoạt động, mặc dù không được đưa vào chế độ trực chiến trong thời bình.

Hiệp ước này cấm các tên lửa hành trình trên đất liền hoặc tên lửa đạn đạo với tầm bắn trong khoảng từ 311 dặm đến 3.420 dặm. Thỏa thuận này không bao gồm các loại vũ khí được phóng đi từ các thiết bị phóng trên không hoặc trên biển, chẳng hạn như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ và tên lửa Kalibr của Nga được bắn từ tàu mặt nước, từ tàu ngầm hoặc từ máy bay, và dễ dàng nhắm tới các mục tiêu trong các khoảng cách tương tự.

Nước Nga có thực sự lừa dối hay không ?

Chắc chắn có vẻ là như vậy. Lần đầu tiên trong năm 2014, chính quyền Obama đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina ngày càng leo thang, gia tăng căng thẳng. Các quan chức Mỹ cho biết rằng Moscow đã công khai triển khai một tên lửa bị cấm mà phương Tây gọi là SSC-8, một loại tên lửa hành trình được phóng đi từ các bệ phóng đặt trên đất liền đe dọa các quốc gia Châu Âu.

Ngay trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã lập luận rằng Nga đã vi phạm hiệp ước vì nó đã triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật bị cấm được thiết kế để đe dọa Châu Âu và các quốc gia thuộc Liên xô cũ mà nay đã liên kết với phương Tây. Nhưng lo ngại lớn nhất của chính quyền Trump có thể là ở Châu Á, nơi mà hiệp ước được ký kết trong những năm 1980 này đã hạn chế, đã trói tay Hoa Kỳ trong việc bố trí, triển khai các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên đất liền để ứng phó với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra một khu vực ảnh hưởng (của Trung Quốc) và kìm giữ không cho lực lượng hải quân (của Trung Quốc) thâm nhập vào Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc, mặc dù không phải là một bên ký kết của hiệp ước, hôm thứ Hai vừa rồi, đã làm nghiêng cán cân, khi nói rằng họ cũng phản đối việc Hoa Kỳ đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước.

Tại Moscow, ông Bolton, trong khi nói chuyện trên đài phát thanh "Tiếng vọng Moscow" đã trả lời rằng "Trung Quốc không phải là một bên tham gia vào thỏa thuận này nhưng lại muốn duy trì hiện trạng của nó".

Nước Nga đã phản ứng như thế nào ?

Nói một cách ngắn gọn, (nước Nga đã phản ứng) bằng một sự cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang và các mối đe dọa mang tính khải huyền khác (ý nói đến ngày tận thế - người dịch).

Hồi đầu tháng Mười (2018), khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp ước này, Tổng thống Vladimir V. Putin đã suy nghĩ về một ngày tận thế hạt nhân ("nuclear Armageddon"), khi nói rằng phía Nga sẵn sàng khởi động một cuộc phản công vì biết rằng họ sẽ lên thiên đường trong một cuộc chiến hạt nhân.

Ông Putin nói "Những kẻ gây hấn nên biết rằng đòn giáng trả là không tránh khỏi và họ sẽ bị hủy diệt. Chúng tôi, những nạn nhân của sự gây hấn, sẽ đi thẳng lên thiên đàng như những người tử đạo trong khi họ (những kẻ gây hấn) sẽ chỉ nằm đó mà kêu khóc".

Những người khác thì kiềm chế hơn.

cancanh3

"Những kẻ gây hấn nên biết rằng đòn giáng trả là không tránh khỏi và họ sẽ bị hủy diệt"., ông Putin, cho trao đổi điều này với ông Lavrov. "Chúng tôi, những nạn nhân của sự gây hấn, sẽ đi thẳng lên thiên đàng như những người tử đạo trong khi họ (những kẻ gây hấn) sẽ chỉ nằm đó mà kêu khóc". Abgr : Sergei Karpukhin / Reuters

Sergey V. Lavrov, Bộ trưởng ngoại giao Nga, nói với các nhà báo trước một cuộc họp với ông Bolton rằng "Bất kỳ một hành động nào trong lĩnh vực này cũng đều sẽ gây ra những phản ứng".

Phản ứng này bao gồm từ những cảnh báo chính thức về một cuộc chạy đua vũ trang mới, từ những chuyên gia không thuộc lĩnh vực chuyên môn này đe dọa rằng Nga sẽ phát triển một loại bom bay không người lái cỡ nhỏ để tấn công Hoa Kỳ, cho đến những hàm ý cho rằng động thái này là một sự hù dọa trong đêm trước của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai, ông Peskov, người phát ngôn của điện Kremlin, đã phủ nhận sự thể rằng Nga đã vi phạm hiệp ước, khi nói rằng "ngược lại" chính Mỹ mới là người đã vi phạm tinh thần của nó. Nga lập luận rằng các đơn vị đánh chặn tên lửa (antimissile batteries) của Mỹ ở Châu Âu có thể được sử dụng để phóng đi các vũ khí tấn công, và các máy bay không người lái vũ trang Hoa Kỳ vẫn bay trong trần bay của các tên lửa hành trình vốn bị cấm bởi hiệp ước này.

Châu Âu nhìn nhận vấn đề này ra sao ?

Mặc dù các tên lửa tầm trung mới của Nga đe dọa Châu Âu, nhưng chính các nhà lãnh đạo Châu Âu lại là những người đã lớn tiếng phản đối nhất trong việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước về tên lửa này.

Bộ trưởng ngoại giao Đức, Heiko Maas, trong một tuyên bố đã nói rằng hiệp ước này đã "là một trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh Châu Âu của chúng tôi", trong khi nhiều nhà phân tích đã lưu ý rằng vấn đề này có tiềm năng tạo ra một mâu thuẫn mới giữa Hoa Kỳ và Châu Âu tại một thời điểm căng thẳng sâu sắc trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

cancanh4

Bộ trưởng ngoại giao của Đức, Heiko Maas, cho biết Hiệp ước INF là 'một trụ cột quan trọng của kiến ​​trúc an ninh Châu Âu.'  Ảnh : Gent Shkullaku / Agence France-Presse - Getty Images

Maja Kocijancic, người phát ngôn của Liên minh Châu Âu về các vấn đề đối ngoại và an ninh, trong một tuyên bố, cho biết rằng, "Hoa Kỳ và Liên bang Nga cần phải tiếp tục tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng để bảo tồn Hiệp ước I.N.F.", bởi vì "thế giới không cần đến một cuộc chạy đua vũ trang mới".

Nhưng với việc Nga chuẩn bị triển khai một loại tên lửa siêu thanh vốn không bị hạn chế bởi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có, với việc Trung Quốc triển khai các loại tên lửa tầm trung và với việc Hoa Kỳ đáp trả bằng cách cải sửa các loại tên lửa để triển khai tại Châu Á, nhiều chuyên gia có ý kiến cho rằng thế giới đã sẵn sàng hòa nhập vào làm một.

Andrew E. Kramer

Nguyên tác : The I.N.F. Treaty, Explained, The New York Times, 23/10/2018

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 03/11/2018

(1) tên đầy đủ là Treaty Between the United States of America and the Union of Soviet Socialist Republics on the Elimination of Their Intermediate-Range and Shorter-Range Missiles, thường được gọi là Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty (INF) Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung (người dịch)

Quay lại trang chủ
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)