Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 05 février 2023 01:10

Từ Bắc Kinh, Tập nhắc khéo ông Tổng

Nhà ngươi chớ quên 16 chữ vàng !

Ngoại giao cây tre của Đảng cộng sản Việt Nam được lý giải là ngoại giao uyển chuyển. Tuy nhiên, thực tế thì chẳng phải uyển chuyển gì cả, mà ngả về Trung Quốc. Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc cả kinh tế lẫn chính trị. Sau Hội nghị Thành Đô 1990, thì đến nay, Bắc Kinh đã có một thế lực thân Bắc Kinh mạnh áp đảo, gần như không có đối thủ.

chuvang0

Thực tế là, từ sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh hồi cuối tháng 10/2022, về nước ông Nguyễn Phú Trọng đã ra tay hạ nhiều quan chức lớn mà theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, thì đó là những nhà kỹ trị có gốc gác Tây học, như ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh.

Chấn động nhất là ông đã loại ông Nguyễn Xuân Phúc vào những ngày cuối năm Nhâm Dần. Ông Phúc được cho là đã có nhiều chuyến đi nổi trội ở các nước Đông Nam Á và Đông Á trong năm 2022. Đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Phúc đi Nhật dự đám tang cố Thủ tướng Shinzo Abe bị phe Tổng đối xử không công bằng với ông, phải đi bằng máy bay thương mại thay vì đi máy bay công vụ. Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến đi Hàn Quốc và ký những văn kiện có lợi cho kinh tế Việt Nam. Điều đó cho thấy, ông Nguyễn Xuân Phúc gần những nước "tư bản" hơn.

Sự sốt sắng của ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Bắc Kinh, khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 mới vừa kết thúc, điều đó cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng "sốt sắng" quá mức cần thiết. Và đáp lại cho sự "sốt sắng" đó, ông Trọng được ông Tập Cận Bình tròng cho Huân chương Hữu nghị. Huân chương này không phải là huy hiệu đeo trên áo, mà nó là sợi dây tròng lên cổ, nó gợi lên hình ảnh Đảng cộng sản Việt Nam bị "thít thòng lọng".

Thực ra hình ảnh Huân chương Hữu nghị chỉ là sự tưởng tượng. Thòng lọng thật là "16 chữ vàng" và "4 tốt". Người dân Việt Nam rất dị ứng với hai cụm từ này, bởi ai cũng hiểu, những từ đó nó buộc Đảng cộng sản Việt Nam phải xem Đảng cộng sản Trung Quốc là anh và họ tự nhận là em. Một mối quan hệ bất bình đẳng, kiểu anh bảo thì em phải "vâng lời".

Tác giả của "16 chữ vàng" và "4 tốt" chính là ông Giang Trạch Dân – người đạo diễn cho Hội nghị Thành Đô năm 1990, kéo Việt Nam trở lại vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Và từ Hội nghị Thành Đô, thì sau đó mới có Hiệp định Biên giới Việt Trung 1999 làm Việt Nam mất nửa thác Bản Giốc và nhiều vùng khác. Thêm vào đó là Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ 2000 làm Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi về lãnh hải.

Ngày 30/11/2022, ông Giang Trạch Dân – tác giả của "4 tốt", "16 chữ vàng" và Hội nghị Thành Đô, Hiệp định Biên Giới Việt Trung, Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ đã qua đời. Có thể nói, ông Giang là người đã trói Đảng cộng sản Việt Nam bằng nhiều dây thòng lọng nhất. Giang là mối hận của người dân Việt Nam yêu nước, đó là thực tế.

Ngày chết của ông Giang, ông Nguyễn Phú Trọng cũng gửi điện chia buồn. Đấy là nghi thức ngoại giao. Tuy nhiên, thay vì cảm ơn liền, đến hơn 2 tháng sau, ông Tập Cận Bình mới viết thư cảm ơn lời chia buồn của ông Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là, trong thư cảm ơn, ông Tập Cận Bình có nhắc lại "16 chữ vàng", một sợi thòng lọng mà chính Giang Trạch Dân đã tròng vào đầu Đảng cộng sản. Đây xem như lời nhắc khéo của ông Tập. Bởi trong nhiều năm qua, vì dân quá phản đối từ đó nên Ban Tuyên giáo cũng ít nhắc cụm từ này trên mặt báo.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã quá già, không biết ông còn là người đứng đầu Đảng được bao lâu ? Và có lẽ Bắc Kinh cũng đang tính bài tìm người thay ông chăng ? Mặc dù ông Trọng đã làm rất tốt công tác thanh trừng, tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng phải tính phương án thay thế. Và chắc ai đã được ông Tổng bí thư Việt Nam chọn và đào tạo, thì người đó sẽ là người đứng đầu Đảng kế tiếp. Việt Nam khó thoát vòng kiềm tỏa của Tàu thật.

 Bảo Trâm (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 05/03/2023

Published in Diễn đàn

Một nhà nghiên cứu đang công tác ở Viện Chính trị học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, chia sẻ với BBC News tiếng Việt về hướng đi trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay.

vietrung1

Ngành may mặc Việt Nam hưởng một số lợi ích vì thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh minh họa

Bà Christina Lai, nhận bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế ở Đại học Mỹ Georgetown, nói phương châm 16 chữ vàng từ 1999 vẫn đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc, dưới thời Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Bà Christina Lai nhận định "16 chữ vàng" này hàm chứa cả góc độ song phương và khu vực.

"Nhìn tới tương lai, cả hai nước đều rất cần duy trì trật tự khu vực ổn định, và phương châm 16 chữ có thể là phương tiện diễn ngôn quan trọng.

"Phương châm này tới nay chưa có gì thay đổi đáng kể.

"Tuy nhiên, vẫn còn sự bất an trong quan hệ Việt - Trung. Căng thẳng đang lên từ sự cạnh tranh Mỹ - Trung, và sự cứng rắn của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa có thể ảnh hưởng tới mức độ định vị lại chính sách Trung Quốc của Việt Nam".

BBC : Từ năm ngoái, giữa căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung, bà có thấy xu hướng gì nổi bật trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ?

Christina Lai : Chính sách của Việt Nam với Trung Quốc phải giữ sự cân bằng tế nhị giữa quan hệ kinh tế khăng khít và căng thẳng trong tranh chấp biển đảo.

Ví dụ, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam mới đây đã chỉ ra sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự o ép chính trị, các biện pháp đơn phương và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc có thể gây hại cho lợi ích an ninh của Việt Nam và ổn định khu vực.

Trong tương lai, chính phủ Việt Nam nên giữ các kênh ngoại giao ổn định với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng gia tăng ở Đông Nam Á.

vietrung2

Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Nội tháng 11/2015

BBC : Một số người đã nói rằng Việt Nam có thể hay sẽ là nước chiến thắng về kinh tế, trong lúc Mỹ tìm cách tách ra khỏi Trung Quốc. Bà nghĩ thế nào ?

Christina Lai : Dựa vào thống kê, dữ liệu có tới nay, Việt Nam quả thật hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhiều trong giai đoạn 2018-19. GDP Việt Nam cũng tăng trưởng 6,7% năm ngoái.

Thương chiến hiện nay đặt ra cả thách thức và cơ hội cho chính phủ Việt Nam.

Ví dụ, số lượng mobile phone, dệt may, đồ gia dụng, trước làm ở Trung Quốc để xuất sang Hoa Kỳ, thì nay đã tăng ở Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam phải thắt chặt kiểm tra xuất nhập khẩu để ngăn ngừa việc hàng hóa Trung Quốc dùng Việt Nam làm trạm trung chuyển rồi xuất sang Mỹ.

Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào việc củng cố tính cạnh tranh của nhân lực, cải thiện cung cấp năng lượng và hạ tầng…

BBC : Trung Quốc mới đây cảnh báo rằng Washington đang đẩy hai nước đến bờ vực "chiến tranh lạnh". Trong tương lai, liệu cạnh tranh Mỹ - Trung có tác động sâu sắc tới chính sách ngoại giao của Việt Nam ?

Christina Lai : Trong mấy thập niên gần đây, Việt Nam luôn duy trì chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược duy trì khoảng cách bằng nhau như vậy có thể khó giữ mãi trong lúc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh.

Trong khi Việt Nam thận trọng để không làm mất lòng Trung Quốc, thì sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm Hà Nội rất lo ngại.

Tuy nhiên, không chắc chắn là Washington và Hà Nội sẽ có thể thắt chặt quan hệ tới mức nào ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Một số người ở Việt Nam nghi ngại Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông.

BBC : Năm 2021 tại Việt Nam sẽ diễn ra Đại hội Đảng 13, với sự chuyển giao lãnh đạo mới. Bà có nghĩ rằng Việt Nam sẽ có tư tưởng và nguyên tắc mới trong quan hệ với Trung Quốc trong 5 năm tới ?

Christina Lai : Nếu chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam diễn ra êm đẹp, chính sách của Việt Nam với Trung Quốc sẽ có sự tiếp nối liên tục.

Mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam chi phối hệ thống chính trị, nhưng Việt Nam nói chung là vẫn "đa nguyên" hơn, theo đó, sự đồng thuận đứng cao hơn cung cách lãnh đạo mạnh. Vì thế, dù cho các lãnh đạo cao cấp mới sẽ là ai, ưu tiên của chính phủ Việt Nam vẫn là duy trì tăng trưởng kinh tế cao và trật tự khu vực ổn định.

Việt Nam sẽ chỉ đề ra nguyên tắc mới trong quan hệ với Trung Quốc nếu họ quyết định từ bỏ chính sách cân bằng và chuyển sang gần với Mỹ trong tương lai.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 02/06/2020

Published in Diễn đàn