Nhà ngươi chớ quên 16 chữ vàng !
Ngoại giao cây tre của Đảng cộng sản Việt Nam được lý giải là ngoại giao uyển chuyển. Tuy nhiên, thực tế thì chẳng phải uyển chuyển gì cả, mà ngả về Trung Quốc. Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc cả kinh tế lẫn chính trị. Sau Hội nghị Thành Đô 1990, thì đến nay, Bắc Kinh đã có một thế lực thân Bắc Kinh mạnh áp đảo, gần như không có đối thủ.
Thực tế là, từ sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh hồi cuối tháng 10/2022, về nước ông Nguyễn Phú Trọng đã ra tay hạ nhiều quan chức lớn mà theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, thì đó là những nhà kỹ trị có gốc gác Tây học, như ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh.
Chấn động nhất là ông đã loại ông Nguyễn Xuân Phúc vào những ngày cuối năm Nhâm Dần. Ông Phúc được cho là đã có nhiều chuyến đi nổi trội ở các nước Đông Nam Á và Đông Á trong năm 2022. Đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Phúc đi Nhật dự đám tang cố Thủ tướng Shinzo Abe bị phe Tổng đối xử không công bằng với ông, phải đi bằng máy bay thương mại thay vì đi máy bay công vụ. Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến đi Hàn Quốc và ký những văn kiện có lợi cho kinh tế Việt Nam. Điều đó cho thấy, ông Nguyễn Xuân Phúc gần những nước "tư bản" hơn.
Sự sốt sắng của ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Bắc Kinh, khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 mới vừa kết thúc, điều đó cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng "sốt sắng" quá mức cần thiết. Và đáp lại cho sự "sốt sắng" đó, ông Trọng được ông Tập Cận Bình tròng cho Huân chương Hữu nghị. Huân chương này không phải là huy hiệu đeo trên áo, mà nó là sợi dây tròng lên cổ, nó gợi lên hình ảnh Đảng cộng sản Việt Nam bị "thít thòng lọng".
Thực ra hình ảnh Huân chương Hữu nghị chỉ là sự tưởng tượng. Thòng lọng thật là "16 chữ vàng" và "4 tốt". Người dân Việt Nam rất dị ứng với hai cụm từ này, bởi ai cũng hiểu, những từ đó nó buộc Đảng cộng sản Việt Nam phải xem Đảng cộng sản Trung Quốc là anh và họ tự nhận là em. Một mối quan hệ bất bình đẳng, kiểu anh bảo thì em phải "vâng lời".
Tác giả của "16 chữ vàng" và "4 tốt" chính là ông Giang Trạch Dân – người đạo diễn cho Hội nghị Thành Đô năm 1990, kéo Việt Nam trở lại vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Và từ Hội nghị Thành Đô, thì sau đó mới có Hiệp định Biên giới Việt Trung 1999 làm Việt Nam mất nửa thác Bản Giốc và nhiều vùng khác. Thêm vào đó là Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ 2000 làm Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi về lãnh hải.
Ngày 30/11/2022, ông Giang Trạch Dân – tác giả của "4 tốt", "16 chữ vàng" và Hội nghị Thành Đô, Hiệp định Biên Giới Việt Trung, Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ đã qua đời. Có thể nói, ông Giang là người đã trói Đảng cộng sản Việt Nam bằng nhiều dây thòng lọng nhất. Giang là mối hận của người dân Việt Nam yêu nước, đó là thực tế.
Ngày chết của ông Giang, ông Nguyễn Phú Trọng cũng gửi điện chia buồn. Đấy là nghi thức ngoại giao. Tuy nhiên, thay vì cảm ơn liền, đến hơn 2 tháng sau, ông Tập Cận Bình mới viết thư cảm ơn lời chia buồn của ông Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là, trong thư cảm ơn, ông Tập Cận Bình có nhắc lại "16 chữ vàng", một sợi thòng lọng mà chính Giang Trạch Dân đã tròng vào đầu Đảng cộng sản. Đây xem như lời nhắc khéo của ông Tập. Bởi trong nhiều năm qua, vì dân quá phản đối từ đó nên Ban Tuyên giáo cũng ít nhắc cụm từ này trên mặt báo.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã quá già, không biết ông còn là người đứng đầu Đảng được bao lâu ? Và có lẽ Bắc Kinh cũng đang tính bài tìm người thay ông chăng ? Mặc dù ông Trọng đã làm rất tốt công tác thanh trừng, tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng phải tính phương án thay thế. Và chắc ai đã được ông Tổng bí thư Việt Nam chọn và đào tạo, thì người đó sẽ là người đứng đầu Đảng kế tiếp. Việt Nam khó thoát vòng kiềm tỏa của Tàu thật.
Bảo Trâm (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 05/03/2023