Không tin vào lời đường mật củaVương Nghị trên diễn đàn về Hàng hải hôm 9/11/2021 tại thành phố Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc), cácnước ASEAN "tiền tuyến" với Trung Quốc, kể cả sau khi có Hiệp định "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP), vẫn phải tìm cách đối phó với "chiến thuật vùng xám" của Bắc Kinh ngay trong EEZ của mình. Ngược lại, nước Úc, sau khi nâng quan hệ với ASEAN lên CSP, đang tích cực triển khai "AAFI" đầy triển vọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng Đỉnh ASEAN. Hình minh họa.
Ngày 27/10/2021, lần đầu tiên từ năm 1974, Úc và ASEAN đã họp Thượng đỉnh trong khuôn khổ các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39. Trong Tuyên bố chung, hai bên đồng ý thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi. Để đánh dấu sự kiện này, chính quyền Canberra đã đề xuất sáng kiến "Nước Úc vì tương lai ASEAN" (The Australia for ASEAN Futures Initiative/ AAFI) và thông báo cấp thêm 124 triệu đô-la Úc hỗ trợ các dự án hợp tác ứng phó với các thách thức nảy sinh trong khu vực như an ninh y tế, khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, an ninh năng lượng cũngnhư những ưu tiên trong "Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương" (AOIP).
Nước Úc vì tương lai của ASEAN
Điểm thứ 10 trong nội dung 25 điểm từ Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ngày 27/10/2021 nhân Cấp cao đầu tiên với Úc, tái khẳng định các bên cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy phục hồi khu vực, phù hợp với Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao hai năm một lần ASEAN – Úc đã được thông qua từ tháng 11/2020. ASEAN hoan nghênh việc thực hiện 500 triệu đô-la Úc trong các biện pháp phát triển kinh tế và an ninh mới cho Đông Nam Á, phù hợp với các ưu tiên của ASEAN được xác định trong AOIP và 83 triệu đô-la Úc trong các sáng kiến "Đối tác phục hồi ASEAN – Úc". Đặc biệt, ASEAN hoan nghênh Úc hỗ trợ thực hiện "Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN" (ACRF) và việc thành lập Đơn vị Hỗ trợ ACRF tại Ban Thư ký ASEAN để giúp giám sát và đánh giá việc thực hiện ACRF.
Ngoài nhấn mạnh đến phục hồi kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu, vấn đề Biển Đông được nhắc đến trong điều 24 của Tuyên bố chung Thượng đỉnh, theo đó ASEAN và Úc "tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chiểu theo những quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982)". Đối với Úc, việc nâng tầm quan hệ với ASEAN là "một cột mốc quan trọng nhấn mạnh đến cam kết của Úc đối với vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", theo nội dung trong Tuyên bố chung sau Thượng đỉnh. Dù các mục tiêu chiến lược cụ thể chưa được chi tiết hhóa, Thủ tướng Scott Morrison hứa là Úc sẽ thực thi các điều khoản trong Tuyên bố ngày 27/10/2021.
Hãng Reuters nhận định việc nâng cấp ASEAN – Úc cho thấy Canberra muốn đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, chỉ vài tháng sau khi cùng với Mỹ và Anh, lập ra liên minh AUKUS. Về sự kiện chấn động toàn cầu này, Thủ tướng Morrison nói, mục tiêu chiến lược của Úc không thay đổi, tức là bảo vệ chủ quyền, độc lập và giá trị tự do dân chủ cho nước Úc, trước các đe doạ mới. Theo đánh giá của chính phủ Úc, bối cảnh chiến lược đã thay đổi trên thực tế. Đó là sự đe dọa mỗi ngày một gia tăng từ Trung Quốc, với sự trỗi dậy không hòa bình về mặt kinh tế và quân sự. Do đó, dù không thay đổi mục tiêu chiến lược, nước Úc cần phương tiện tối tân hơn để theo đuổi các mục tiêu chiến lược ấy (đúng như Thủ tướng Morrison từng tuyên bố "We do not change our mind, but we need a new tool"). Đó là lý do vì sao Úc cần có hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân(Đài RFI ngày 23/9/2021).
Từ 5/11/2021, Ngoại trưởng Úc đã đi vòng quanh bốn nước Đông Nam Á nhằm thuyết phục các chính phủ rằng, kế hoạch của Canberra về đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ khiến Úc trở thành một đối tác có năng lực hơn, chứ không nhằm khuấy động xung đột. Bà Marise Payne thực hiện chuyến công du bốn quốc gia bao gồm Malaysia và Indonesia, cả hai đều dấy lên lo ngại rằng thỏa thuận AUKUS có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và đặt ra các vấn đề về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cũng giống như Thủ tướng Morrison, Ngoại trưởng Payne đã tìm cách trấn an những người đồng cấp rằng, quyết định mua 8 tàu ngầm hạt nhân của Úc được thúc đẩy bởi việc đánh giá lại nhu cầu về năng lực quốc phòng của nước này, chứ không phải là sự thay đổi chính sách của Canberra trong khu vực.
Ngoại trưởng Payne tuyên bố với truyền thông quốc tế rằng, AUKUS là một "cam kết chúng tôi theo đuổi một cách minh bạch", tạo ra sự tương phản rõ ràng so với việc chạy đua vũ trang của Trung Quốc. Tầm nhìn của Úc vẫn nhất quán : Đó là một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và an toàn, hùng cường và thịnh vượng, đồng thời bảo vệ và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, bất kể quy mô của mỗi nước", bà Payne nói trước khi đến Malaysia. Bà lập luận AUKUS sẽ "biến chúng tôi thành đối tác có năng lực hơn, có thể đóng góp tốt hơn vào an ninh và ổn định của khu vực chúng ta". Bà Payne kết luận : "Việc tăng cường khả năng quốc phòng là điều mà chúng tôi đang theo đuổi một cách minh bạch và với mục đích rõ ràng là hỗ trợ an ninh của chúng tôi và hỗ trợ tầm nhìn khu vực này.
Trung Quốc nói và làm không tương thích
Trung Quốc muốn nâng cấp mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời đã thông báo trước về cuộc Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11 này. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động của nó ở một khu vực mà Úc và Hoa Kỳ cũng đang tranh giành ảnh hưởng. Quan hệ CSP sẽ tiến xa hơn các hiệp định thương mại, nếu chúng phù hợp với luật pháp quốc tế, và cũng là cấp độ quan hệ cao nhất có thể giữa các chính phủ. ASEAN đã hợp tác với Trung Quốc ở một mức độ nào đó về an ninh, vì ASEAN là thành viên thường trực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đề xuất nâng cấp quan hệ lên CSP được Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra bên lề Cấp cao ASEAN lần thứ 39 và được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nêu ra trong bài phát biểu chính thức, tại đó Singapore về cơ bản, ủng hộ việc Trung Quốc nâng cấp quan hệ với khối ASEAN.
Bản đề xuất nâng cấp có tên gọi chính thức là "Hiệp ước Chiến lược Toàn diện", được cho là đặt trên các nền tảng sâu rộng hơn mối quan hệ hiện tại của Bắc Kinh với toàn khối và diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với Lãnh đạo ASEAN. Một cuộc họp để thảo luận về việc nâng cấp được cho là sẽ diễn ra vào tháng này với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, người cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia ASEAN đều sẵn sàng ngay lập tức để tán thành một động thái như vậy. Thái Lan đã thể hiện một cách tiếp cận thận trọng, với phát ngôn viên chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana nói rằng, Bangkok muốn có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để đảm bảo "hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế" trước khi chính thức làm sâu sắc hơn quan hệ với Bắc Kinh.
Thủ tướng Singapore cũng tuyên bố rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, có thể sẽ có hiệu lực vào năm 2022. RCEP bao gồm các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cùng với Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. RCEP có hiệu lực sau khi được 15 quốc gia phê chuẩn. Các nước Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Brunei đã hoàn thành việc phê chuẩn. Nay phải có thêm ba thành viên ASEAN nữa phê chuẩn, cộng thêm một thành viên đối tác khác trước khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Trung Quốc cũng đã chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một khối bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Quan hệ CSP liệu có hy vọng gắn kết ASEAN với Trung Quốc hơn nữa ? Trong bối cảnh "kết nối kép" như thế,liệu thương mại có hỗ trợ tìm ra giải pháp và cho phép các tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết ?
Cả trên trên tuyên bố lẫn hành động, rõ ràng, ASEAN, trong đó đặc biệt là Việt Nam, hẳn nhiên coi trọng quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc. Còn những căng thẳng do các hành động lấn lướt và bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông (như hàm ý trong phát biểu ở trên của Thái Lan) thì cả Việt Nam lẫn ASEAN tiếp tục đấu tranh bằng con đường ngoại giao. Nhẫn nhịn nhưng vẫn nhìn thẳng vào hạn chế của CSP khi cả Việt Nam lẫn ASEAN đều nhận thức trong nhiều trường hợp, tuyên bố và hành động của Trung Quốc không tương thích, đặc biệt về Biển Đông. Có những quan ngại ngày càng gia tăng khi chính sách quốc phòng và an ninh của Trung Quốc"đang làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trong vùng".
*
Giữa hai đầu chiến tuyến như vậy, Việt Nam và ASEAN có thể và sẽ phải cùng thiết kế một lộ trình hành động thế nào đó để một mặt vẫn giữ được vai trò trung tâm của khối, mặt khác, tận dụng được tối đa lợi thế do các quan hệ CSP từ Úc và Trung Quốc mang lại ? Tất nhiên, ASEAN biết rất rõ, phương trình để giải bài toàn này từ nay lại xuất hiện thêm một loạt các biến số mới, khốc liệt hơn, mà trong quan hệ hàng chục năm trước đây với Trung Quốc, Mỹ và phương Tây, trong đó cả với Úc, không hề có. Mâu thuẫn Trung – Mỹ leo thang, Covid-19, AUKUS, lại thêm "bóng ma" Miến Điện, tất cả những nhân tố này đang tái định hình khung cảnh địa-chiến lược của Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng. Trong bối cảnh ấy, các CSP vừa tuyên bố với Trung Quốc và Úc vẫn duy trì quan hệ giữa ASEAN với Bắc Kinh và Cabarra như các "status quo" (các nguyên trạng như cũ) hay sẽ có đột biến ? Câu hỏi này chỉ có tương lai mới trả lời được.
Trong các nước ASEAN có lẽ Việt Nam và Philippines "thấm đòn" và "ngấm đòn" hơn các thành viên khác, từ các hoạt động xâm lấn liên tục của Trung Quốc mấy năm qua. Vì vậy, có lẽ đây cũng là những thành viên có tinh thần cảnh giác cao, không ảo tưởng, kể cả khi Trung Quốc ký CSP với ASEAN. Việt Nam và ASEANnên tìm hiểu xem tại sao Trung Quốc chủ động nâng quan hệ với ASEAN trước cuộc gặp Thượng đỉnh Trung – Mỹ ?
Trong khi đó, với Trung Quốc, Việt Nam vẫn tiếp tục phản đối tàu cá Trung Quốc hoạt động ở cụm Sinh Tồn. Khoảng vài chục tàu cá Trung Quốc trở lại hoạt động ở đá Ba Đầu (Whitsun Reef), thuộc cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền. Theo hình ảnh của Planet Labs, được trang RFA trích ngày 3/11, hàng chục tàu cá Trung Quốc hoạt động ở phía bắc cụm Sinh Tồn. Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) nhận thấy số tàu Trung Quốc đến khu vực này ngày càng tăng,khoảng 40 tàu vào tháng 8/2021 lên thành hơn 150 tầu vào tháng 10, theo hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10.