Lần đầu tiên, Bắc Kinh trở thành lựa chọn ưa thích của Đông Nam Á so với Washington.
Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á khi sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng gia tăng.
Hôm thứ Ba, một cuộc khảo sát khu vực của một viện chính sách có trụ sở tại Singapore tiết lộ : hơn một nửa dân số Đông Nam Á hiện muốn liên kết với Trung Quốc hơn là với Mỹ nếu ASEAN buộc phải lựa chọn giữa hai siêu cường đối thủ, phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo khảo sát Tình trạng các Quốc gia Đông Nam Á năm 2024 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), 50,5% số người được hỏi đã chọn Trung Quốc và 49,5% còn lại chọn Mỹ nếu ASEAN buộc phải chọn phe. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh vượt qua Washington kể từ khi cuộc khảo sát thường niên này được thực hiện vào năm 2020.
Trong khi đó, kết quả khảo sát năm ngoái là 38,9% chọn Trung Quốc và 61,1% chọn Mỹ.
Cuộc khảo sát hàng đầu của Viện ISEAS – Yusof Ishak thăm dò ý kiến của những cá nhân thuộc khu vực công và tư nhân, cũng như các học giả và nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á. Do đó, nó thể hiện thái độ hiện tại của những người có thể cung cấp thông tin hoặc gây ảnh hưởng đến chính sách về các vấn đề khu vực.
"Dường như đây là sự khởi đầu của một xu hướng mới, vì… đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự [vượt qua Mỹ]", Danny Quah, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết hôm thứ Ba trong một hội thảo trực tuyến về báo cáo thường niên mới nhất. "Nhưng nếu chúng ta xem xét dữ liệu cơ bản, nó lại giống một mô hình bập bênh hơn là một xu hướng".
Trong số 10 quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, khả năng liên kết với Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở những người trả lời khảo sát đến từ Malaysia, với tỷ lệ 75,1%, tiếp theo là Indonesia và Lào, với tỷ lệ lần lượt là 73,2% và 70,6%. Cả ba nước này đều được hưởng lợi đáng kể từ sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, cũng như quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc.
Khi trả lời câu hỏi "Nếu ASEAN buộc phải liên kết với một trong hai đối thủ chiến lược, thì nên chọn bên nào ?", người dân ASEAN cho thấy họ ưa thích Trung Quốc hơn Mỹ (Số liệu tính theo %). Nguồn : Viện ISEAS – Yusof Ishak.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia trong hơn 10 năm qua và đã đầu tư hàng tỷ USD vào các lĩnh vực quan trọng. Năm ngoái, chính phủ Malaysia cho biết nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc Geely, vốn đang nắm giữ 49,9% cổ phần của đối tác địa phương Proton, sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào trung tâm sản xuất xe hơi của Malaysia ở bang Perak, phía tây đất nước.
Bên cạnh đó, nhằm phản ánh quan hệ kinh tế mạnh mẽ của Indonesia, tân Tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto hôm thứ Hai đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trong khu vực do Trung Quốc hợp tác xây dựng.
Trong khi đó, các công ty nhà nước Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện lực ở Lào, quốc gia mà Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư hàng đầu.
Ngược lại, Mỹ đã chứng kiến mức độ ủng hộ của mình bị suy giảm.
Washington nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Philippines và Việt Nam, với tỷ lệ 83,3% và 79%, phần nào phản ánh căng thẳng giữa Philippines và Việt Nam với Trung Quốc do các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác, liên quan đến chính sách Đông Nam Á của Washington, tiết lộ rằng 38,2% số người được hỏi cảm thấy mức độ can dự của Mỹ ở Đông Nam Á đã giảm dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong khi chỉ 25,2% cho rằng sự can dự đã tăng lên.
Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức, một viện chính sách có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra rằng sự sụt giảm niềm tin và nhận thức về việc Mỹ giảm can dự là đáng chú ý, đồng thời nói thêm rằng thành tích của nước này là "thật đáng thất vọng".
Glaser nhận xét "Ở Đông Nam Á hiện nay có mức kỳ vọng cao và mong muốn Mỹ can dự, đặc biệt là thông qua các hình thức hợp tác khác với những gì Mỹ đang cung cấp". Để lấy ví dụ, bà chỉ ra rằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Biden thiếu khái niệm về tiếp cận thị trường Mỹ, bao gồm việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan.
Mức độ ủng hộ theo quốc gia : Người Malaysia, Indonesia chọn Trung Quốc (Số liệu tính theo %). Khảo sát được thực hiện từ ngày 3/1 đến ngày 23/2. Nguồn : Viện ISEAS – Yusof Ishak.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy người dân Đông Nam Á vẫn không muốn chọn phe. Khi được hỏi ASEAN nên ứng phó như thế nào trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ 8% số người được hỏi nói rằng ASEAN phải lựa chọn giữa hai siêu cường vì giữ thái độ trung lập là không thực tế, trong khi 46,8% cho rằng nên ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết để chống lại áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc.
Các phát hiện khác của khảo sát bao gồm việc 59,5% số người được hỏi xem Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, vượt xa Mỹ với tỷ lệ 14,3%. Trong khi đó, 43,9% cho rằng Trung Quốc là cường quốc chính trị có ảnh hưởng nhất trong khu vực, so với con số 25,8% của Mỹ.
Quah từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết : "[Báo cáo] là một tuyên bố về sự thật, rằng mọi người nghĩ rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất. Nhưng đồng thời… mức độ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc thực sự là rất cao".
Ông nói thêm, "Việc Trung Quốc được thừa nhận là có ảnh hưởng nhất không có nghĩa là họ được chấp nhận, và kết luận tương tự cũng đúng với Mỹ".
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 3/1 đến ngày 23/2, thu thập câu trả lời từ 1.994 người. Trong số những người được hỏi, 33,7% đến từ khu vực tư nhân ; 24,5% từ chính phủ ; 23,6% từ các học viện, viện chính sách và viện nghiên cứu ; 12,7% từ các tổ chức phi chính phủ và truyền thông ; và 5,6% còn lại là từ các tổ chức khu vực hoặc quốc tế.
Tsubasa Suruga
Nguyên tác : "Majority of ASEAN people favor China over U.S., survey finds", Nikkei Asia, 02/04/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/04/2024
Phó Tổng thống Mỹ gây áp lực lên lãnh đạo Châu Á về vấn đề Biển Đông (VOA, 15/11/2018)
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Nhật Bản hôm 13/11 sau khi tham dự các cuộc hội đàm tại Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore.
Trong khi các lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á bàn thảo nhiều về thương mại ở Singapore hôm 14/11 thì Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại tập trung vào việc giữ cho hải phận của Châu Á rộng mở đối với quốc tế bất chấp sự bành trướng của Trung Quốc. Ông Pence cũng mưu tìm sự hỗ trợ trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn cũng như gây áp lực lên Myanmar về cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya.
Tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nhà lãnh đạo ASEAN bàn thảo về các vấn đề kinh tế và thương mại trong phần lớn thời gian hôm 14/11, cũng như trong cuộc họp với các quan chức từ các nước lớn khác được mời tham dự như Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ đưa các cuộc đàm thoại của ông hôm 14/11 hướng chủ yếu tới vấn đề địa chính trị.
Biển Đông
Phó Tổng thống Pence hôm 14/11 nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng các cuộc tập trận hải quân gần đây ở Châu Á là "bằng chứng của cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo sự tiếp cận tự do và rộng mở của lãnh hải trên toàn khu vực". Cả Ấn Độ và Mỹ đều tìm cách khống chế Trung Quốc trong khi nước này tiếp tục quân sự hóa các đảo trong khu vực biển có tranh chấp ở phía nam của nước này.
Hôm 13/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi ASEAN hợp tác với Trung Quốc trên Biển Đông. Bốn quốc gia ASEAN – gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – đều có tuyên bố chủ quyền hàng hải chồng lấn với Trung Quốc.
ASEAN trong hai thập kỷ qua đã thúc thục Trung Quốc ký một bộ quy tắc ứng xử nhằm giúp ngăn chặn các tranh chấp trên biển. Hai bên bắt đầu trở lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này vào năm ngoái nhưng trong năm nay họ được cho là sẽ không thương thảo về bộ quy tắc này do có những lo ngại về các vấn đề chủ quyền và các biện pháp giải quyết tranh chấp.
"Điều đó phụ thuộc vào Trung Quốc", Termsak Chalermpalanupap, một thành viên của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore nói. "Thực ra thì ASEAN nói rằng việc này có thể được hoàn tất trong vòng một tháng vì chúng ta đã có một bản dự thảo thống nhất cho việc đàm phán. Chúng ta chỉ cần đưa thêm vào một số chi tiết là xong".
Bắc Hàn
Cũng trong cuộc gặp với Thủ tướng Modi, Phó Tổng thống Pence kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn nữa trong các mối quan hệ với Bắc Hàn. Chính phủ Mỹ coi Bắc Hàn là một quốc gia cô lập có tên lửa và vũ khí hạt nhân có thể bắn tới các quốc gia láng giềng là đồng minh của phương Tây.
"Chúng tôi cám ơn sự ủng hộ to lớn của Ấn Ðộ cho chiến dịch gây sức ép lên Bắc Hàn", Phó Tổng thống Pence nói. "Nhưng chúng tôi mong muốn có nhiều phương thức hơn nữa để chúng ta có thể cùng hợp tác, thậm chí như Tổng thống (Donald Trump) đang tiến tới một cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo với Chủ tịch Kim với hy vọng rằng chúng ta cuối cùng có thể đem lại một nền hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên".
Washington và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh thứ 2 giữa ông Trump và ông Kim cho dù có tin nói rằng Bắc Hàn đã tích trữ được 60 vũ khí hạt nhân.
Ông Pence dự kiến gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo và tham dự một bữa ăn tối do Thủ tướng Singapore chủ trì.
Rohingya
Trong cuộc họp với lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi hôm 14/11, ông Pence nói ông mong muốn nhận được thông tin về bất cứ sự tiến triển nào trong việc xác định kẻ chịu trách nhiệm cho hành động bức hại những người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Washington "mong muốn một xã hội dân sự phồn vinh, hòa bình và thành đạt ở Miến Điện với một nền báo chí tự do và độc lập", phó tổng thống Mỹ nói và dùng tên trước đây của Myanmar.
"Đây là một thảm kịch đã làm lay động trái tim của hàng triệu người dân Mỹ", ông Pence nói. "Bạo lực và hành động đàn áp của của quân đội và dân quân đã buộc hơn 700.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh ti nạn là không thể biện minh được".
Hơn 730.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh kể từ tháng 8 năm ngoái để trốn chạy cái mà các nhà thanh tra của Liên hợp quốc gọi là thảm họa diệt chủng. Myanamar luôn phủ nhận cáo buộc này và nói rằng chiến dịch của họ là sự phản công tự vệ hợp pháp đối với cái mà họ gọi là những cuộc tấn công khủng bố.
Ông Pence nói Hoa Kỳ "vui mừng nhận được những tin tức cho thấy một vài gia đình đã bắt đầu tìm đường quay trở về quê hương" và phó tổng thống Mỹ nói rõ rằng "điều đó phải được thực hiện bằng phương thức minh bạch và an toàn cũng như tự nguyện".
Nhà lãnh đạo Myanmar hạ thấp giọng và nói với ông Pence rằng "ông nên trao đổi quan điểm để hiểu nhau hơn".
"Chúng tôi đang ở trong vị trí tốt hơn trước đây để giải thích với ông về điều gì đang xảy ra và ghi nhận mọi việc đang diễn tiến ra sao", bà Suu Kyi nói.
Thương mại ASEAN
Hôm 14/11, ông Pence không nói nhiều về thương mại mặc dù ông nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng ông nhìn thấy một "môi trường thương mại công bằng và tương hỗ hơn đang tiến triển".
ASEAN, được thành lập khởi điểm với 5 quốc gia cách đây nhiều thập kỷ, phát huy sức mạnh bằng cách tận dụng một thị trường chung của hơn 600 triệu dân để ký các hiệp định thương mại với thế giới. Các quốc gia ĐNÁ xuất khẩu các mặt hàng sản xuất với giá trị thấp, xuất khẩu lao động và tài nguyên thiên nhiên cho nhiều khu vực trên thế giới.
Trong khi các lãnh đạo của khu vực chủ yếu bàn thảo các vấn đề thương mại ở Singapore thì cuộc họp thượng đỉnh tới hết ngày 15/11 dường như sẽ chỉ đưa ra một thông cáo chung hơn là có các hiệp định to lớn nào, theo nhà nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang Singapore Oh Ei Sun.
Nhà phân tích này nói : "Theo những gì tôi theo dõi, thượng đỉnh ASEAN về cơ bản là cho các nhà lãnh đạo thêm cơ hội gặp nhau song phương hơn là cùng đưa ra một điều gì chắc chắn".
Ralph Jennings
******************
Trump không đi Châu Á : Ảnh hưởng của Mỹ sẽ giảm ? (VOA, 15/11/2018)
Các nhà lãnh đạo Châu Á sẽ tề tựu ở Papua New Guinea trong tuần này vào lúc Mỹ và Trung Quốc đang vận động sự ủng hộ để giành được ưu thế trong cuộc ganh đua ngày càng leo thang để tranh giành ảnh hưởng quân sự và kinh tế trong khu vực.
Ông Trump đã vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có mặt trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thì không.
Thay mặt cho ông Trump là Phó Tổng thống Mike Pence, người sẽ truyền đạt thông điệp đến Châu Á rằng Mỹ sẽ làm đối trọng đáng tin cậy trước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo.
"Chủ nghĩa chuyên chế và sự hung hăng không có chỗ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và tôi biết tầm nhìn này được Mỹ và Nhật chia sẻ", ông Pence phát biểu hôm 13/11 ở Tokyo sau cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Tuy nhiên, các nước nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc muốn tìm kiếm sự đảm bảo của phía Mỹ chắc chắn sẽ xem sự vắng mặt của ông Trump là sự bẽ mặt, các phân tích gia cho biết.
Với việc bỏ qua hội nghị thượng đỉnh APEC và hai cuộc gặp thượng đỉnh khác ở Singapore trong tuần này, ông Trump có nguy cơ để lại ấn tượng rằng ông không xem khu vực này là ưu tiên quan trọng mà ông nhất định phải có mặt, các nhà phân tích chính sách đối ngoại nói.
Quan ngại càng chồng chất lên nỗi lo sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không lâu sau khi vào Nhà Trắng. Hiệp định này do người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama cổ súy và thúc đẩy.
Thay vào đó, ông Trump nhấn mạnh vào các hiệp định thương mại riêng rẽ với từng nước mà ông tin rằng Mỹ có thể tận dụng lợi thế nước lớn và các đòn bẩy của mình, các trợ lý Nhà Trắng cho biết.
Các phái đoàn đến Port Moresby ở Papua New Guinea dự hội nghị sẽ mục kích trực tiếp sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nơi tổ chức họp là trung tâm hội nghị được người Trung Quốc xây dựng và bỏ tiền. Các đoàn xe sẽ chạy trên con đường sáu làn xe do Trung Quốc làm bằng tiền vay của Trung Quốc.
Ông Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu quan chức của chính quyền George W. Bush, nhận xét : "Nếu như 80% cuộc đời là phải có mặt thì Hoa Kỳ đã bị mất 80% khi tổng thống không đến. Không có phó tổng thống nào có thể thay đổi được thực tế đó nếu các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đều được nguyên thủ của họ đại diện".
"Kết luận ở đây là sự vắng mặt của Tổng thống Trump củng cố cảm nhận rằng cam kết của Mỹ đối với Châu Á đang thoái giảm trong ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên", ông nói.
Ông Trump cũng mất cơ hội tận dụng nghi thức chụp hình chung để tạo dựng mối quan hệ.
"Theo nghi thức, Phó Tổng thống sẽ được xếp ở hàng sau ở đâu đó, trong khi ông Tập Cận Bình sẽ được xếp đứng ngay cạnh chủ nhà", ông Victor Cha, nguyên giám đốc các vấn đề Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nói.
Các quan chức Nhà Trắng nêu lý do ông Trump không đi Châu Á là lịch trình kín mít. Ông Trump mới vừa trở về Mỹ sau chuyến đi Pháp hai ngày và cuối tháng này sẽ bay đến Buenos Aires để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20. Dự kiến ông sẽ có cuộc gặp ông Tập Cận Bình ở Argentina.
Các trợ lý của ông Trump cũng nói rằng ông Pence có quan hệ thân cận với ông Trump và có thể phát biểu thay Tổng thống khi ông đại diện cho nước Mỹ ở nước ngoài.
Hoa Kỳ và các đồng minh đang phối hợp các nỗ lực để ngăn chặn điều mà các quan chức ở Washington và những nơi khác tin là nỗ lực của Bắc Kinh giành ảnh hưởng đối với các nước nhỏ thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường, một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế.
**********************
Trung Quốc phản hồi đòi hỏi của Mỹ về cải tổ thương mại (VOA, 15/11/2018)
Trung Quốc đã gửi một văn bản hồi đáp những đòi hỏi của Mỹ về những cải cách thương mại rộng khắp, Reuters loan tin dẫn ba nguồn tin của chính phủ Mỹ.
Cờ Hoa Kỳ - cờ Trung Quốc - Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi Nhóm 20 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới tề tựu tại Argentina vào cuối tháng này.
Ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỉ đôla để buộc Bắc Kinh nhượng bộ theo một danh sách những đòi hỏi mà sẽ thay đổi các điều khoản thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã đáp lại bằng cách áp thuế nhập khẩu của riêng họ lên hàng hóa của Mỹ.
Ông Trump đã nhiều lần đả kích Bắc Kinh về việc đánh cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp công nghiệp, đặt rào cản với doanh nghiệp Mỹ và gây thâm hụt thương mại cho Mỹ.
Mỹ đã tuyên bố sẽ không bắt đầu đàm phán về thương mại cho đến khi nhìn thấy một phản ứng cụ thể từ Trung Quốc trước những đòi hỏi của họ.
Một nhóm quan chức Mỹ do Thứ trưởng Tài chính David Malpass dẫn đầu đã thảo luận các vấn đề thương mại với một nhóm quan chức Trung Quốc thông qua một cuộc họp truyền qua video hôm thứ Ba, một phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm thứ Tư.