Lãnh đạo mang tính quyết định, trong mọi lĩnh vực, nhất là trong môi trường lắm cạnh tranh, nhiều rủi ro và nghi kỵ chia rẽ. Trong tình huống này, ngoài thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, những người lãnh đạo cần rất nhiều khả năng và kỹ năng khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu về các lãnh đạo xưa nay trong nhiều thập niên qua, các lãnh đạo thành công và xuất sắc đều có điểm chung : trí thông minh cảm xúc.
Thời Lincoln, người ta ghi nhận ông tài giỏi, nhưng chữ "thông minh cảm xúc" không phải là ngữ vựng thời đó.
Lịch sử nhân loại có nhiều lãnh đạo xuất chúng, và họ đã định hình, thay đổi nền lịch sử quốc gia và, ở mức độ nào đó, quốc tế. Abraham Lincoln là một trong những lãnh đạo sáng chói đó, chiếu sáng cho đến tận ngày nay. Thời Lincoln, người ta ghi nhận ông tài giỏi, nhưng chữ "thông minh cảm xúc" không phải là ngữ vựng thời đó.
Nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Lincoln trong nhiều thập niên qua, và cũng như các kiến thức và khám phá mới về ngành lãnh đạo học, sử gia hàng đầu về tổng thống Hoa Kỳ tiến sĩ Doris Kearns Goodwin đã trình bày nhiều điều thú vị về Abraham Lincoln, cũng như ba tổng thống Hoa Kỳ khác là Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt, và Lyndon Johnson trong tác phẩm "Tài lãnh đạo : Trong thời điểm hỗn loạn" (Leadership : In Turbulent Times).
Tiến sĩ Goodwin tóm tắc các đặc điểm trí thông minh cảm xúc của Lincoln như sau : sự đồng cảm, khiêm nhường, nhất quán, tự nhận thức, kỹ luật cá nhân và tinh thần rộng lượng/cao thượng của Lincoln. Cụ thể hơn, Lincoln hiểu rõ nhu cầu cảm xúc của mình và người khác ; biết cách tự chủ cảm xúc và luôn chủ động để thích ứng ; hiểu rõ nhu cầu của xã hội và có và tinh thần phục vụ và đồng cảm cao ; và biết quản lý quan hệ một cách tốt đẹp với những người chung quanh, giải quyết xung đột, làm việc đồng đội và phát triển người khác v.v…
Biết người biết ta để quản lý mối quan hệ tốt đẹp
Lincoln hiểu rõ rằng là người, dù ở bất cứ địa vị này, nhu cầu cảm xúc của mọi thành viên trong nội các của ông đều quan trọng. Do đó, ngay từ ban đầu, Lincoln nhìn thấy được tài năng của Seward, và hiểu được cảm giác bị tổn thương sau khi Lincoln được chọn làm ứng cử viên tổng thống, do đó Lincoln luôn đối xử với Seward một cách kính trọng [*]. Ông thường đi qua bên kia đường, viếng thăm Seward tại nhà, và dành nhiều thời gian để hàn huyên, kể chuyện, cười đùa với nhau những đêm dài. Tình bạn giữa hai người từ đó về sau thật bền vững. Đối với Stanton người chịu trách nhiệm về chiến tranh, Lincoln luôn hiểu trách nhiệm vô cùng nặng nề, và ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giảm bớt gánh nặng và để hỗ trợ tinh thần của Stanton.
Tuy nhiên, Lincoln cũng lo ngại rằng sự thân thiện của ông với Seward và Stanton làm cho người khác ghen tị, hay nghĩ là mình có thiên vị, do đó Lincoln cũng tìm thời gian cho mọi thành viên khác. Lincoln hiểu rõ ai cũng muốn được một lời khen, và ai cũng muốn được khen những việc mình làm. Vì thế nên ông thường viết thư cho các thành viên nội các và bày tỏ lòng tri ân/biết ơn đối với các việc làm của họ.
Tuy rất tình cảm và mềm mỏng, nhưng khi cần cứng rắn, Lincoln cũng rất dứt khoát. Khi quyết định cách chức một người do Chase đề cử vì thấy bất xứng, Lincoln hiểu Chase có thể bực tức về quyết định của mình. Do đó Lincoln mời Chase đến văn phòng, bỏ tay lên vai của Chase một cách thân thiện, và trình bày nguyên do tại sao quyết định này cần thiết. Chase cho biết tổng thống Lincoln luôn đối xử ông tử tế, thân thiện, công bằng, và mục tiêu lúc nào cũng liêm chính, và cho nên ông không bao giờ có sự nghi ngờ nào cả.
Lincoln không để những lấn cấn quá khứ trở thành độc hại, và biết chuyển hóa các thù hận cá nhân thành quan hệ tích cực. Leonard Swett, người bạn của Lincoln, nhận xét rằng một người có chơi xấu, có đối xử tồi tệ với Lincoln đi chăng nữa, nhưng lại là người xứng đáng nhất để nhận lãnh một vai trò nào đó, thì Lincoln sẽ giao nhiệm vụ cho người đó như chính người thân của ông. Được hướng dẫn bởi "nguyên tắc tha thứ", Lincoln nhấn mạnh rằng ông không quan tâm nếu một người nào đó đã làm sai trong quá khứ, điều quan trọng là người đó từ đó về sau không làm sai nữa.
Nguyên tắc này Lincoln đã áp dụng với chính Edwin Stanton. Stanton đã từng phê bình Lincoln trước đây khi Lincoln chỉ mới là luật sư được biết đến trong tiểu bang Illinois. Stanton nhìn Lincoln và sau đó nói với George Harding, đồng nghiệp của ông : "Tại sao ông lại mang con… khỉ dài thòn lòn này đến đây làm chi vậy. Hắn ta chẳng biết gì cả và không thể làm gì tốt cho ông được". Với suy nghĩ này, Stanton gạt Lincoln sang một bên, không thèm xem bản đúc kết một vụ kiện mà Lincoln đã bỏ bao công sức để soạn, không tham khảo ông và cũng không thèm nói một lời nào với ông cả. Tuy bị sỉ nhục như thế, Lincoln đã khao khát được cải thiện chính mình. Ông ngồi trong tòa nguyên tuần để quan sát và học hỏi phương cách biện luận của Stanton. Lincoln công nhận phương pháp làm việc hoàn mỹ của Stanton rằng ông chưa bao giờ "thấy điều gì mà hoàn tất và trau chuốt, và được chuẩn bị kỹ càng đến thế". Tất nhiên Lincoln không quên được sự kiện bị sỉ nhục này nhưng vì tài năng của Stanton nên Lincoln nhận chìm tất cả những oán giận để mời Stanton làm Bộ trưởng Chiến tranh. Tính khí hai người hoàn toàn khác nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau. Lincoln thì đầy trắc ẩn, kiên nhẫn và minh bạch, trong khi Stanton thì trơ trơ, dữ dội và bí mật. Vào cuối quan hệ của họ, Stanton không chỉ kính trọng Lincoln mà còn yêu mến ông nữa.
Lincoln luôn biết đặt chuẩn mực cho sự tương kính và nhân phẩm lẫn nhau, và biết kiềm chế và quản lý cảm xúc tiêu cực của mình. Khi nóng giận với đồng nghiệp, ông ngồi xuống viết ra tất cả vào lá thư, biểu lộ tất cả cơn thịnh nộ của ông vào đó. Nhưng ông để sang một bên cho đến khi nguội xuống, và duyệt lại lá thư mình viết. Khi bước sang thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu sử khám phá ra bao nhiêu lá thư như thế, với chữ viết của Lincoln phía dưới : "chưa bao giờ gửi đi và chưa bao giờ ký tên". Có một câu chuyện lý thú về điều này. Một hôm Stanton bực bội với tướng lãnh của mình, nói cho Lincoln biết ông muốn cho vị tướng lãnh đó biết ông nghĩ gì. Lincoln nói : "Tại sao không làm ? Viết xuống hết đi". Khi Stanton viết xong và đọc cho Lincoln nghe, Lincoln nói : "Xuất chúng. Nhưng Stanton, ông định làm gì với nó ?" Stanton trả lời : "Tại sao ! Dĩ nhiên là gửi đi". Lincoln nói : "Tôi sẽ không làm thế. Thẩy nó vào trong sọt rác". "Nhưng tôi mất hai ngày để viết nó", Stanton trả lời. "Vâng, vâng, và nó đã làm điều tốt đối với ông. Ông cảm thấy tốt hơn, đúng không ? Đó là tất cả điều cần thiết. Cứ thẩy vào sọt rác". Sau khi cằn nhằn, Stanton cũng đã làm như thế.
Lincoln cũng dễ dàng tha thứ những sự tấn công công khai đối với ông. Khi một lá thư của Montgomery Blair viết không tốt về Lincoln trong những ngày đầu của cuộc chiến được xuất hiện trên báo chí mấy tháng sau, Blair ngượng ngùng mang lá thư đến Nhà Trắng gặp Lincoln và cho biết ông sẵn sàng từ chức. Lincoln cho Blair biết ông không dự tính đọc nó, và không mong muốn trả thù. Lincoln nói với Blair : "Quên nó đi. Và đừng bao giờ nhắc hay nghĩ về nó nữa".
Lincoln cũng luôn bảo vệ đồng nghiệp về những sự đổ lỗi cho nhau. Gideon Welles cho biết Lincoln đã nhiều lần nhận lỗi khi các đồng nghiệp của ông bị người khác tấn công một cách bất công. Khi chiến trận tại Peninsula bị thất bại nặng nề, tướng McClellan đổ lỗi cho Stanton đã không gửi đủ quân số. Vì thế nên Stanton bị công chúng chỉ trích nặng nề, và sau đó yêu cầu Stanton từ nhiệm. Lincoln đã phản bác lại luận điệu của tướng McClellan, rằng tất cả những lính có thể gửi đến mặt trận đã được gửi, và nhấn mạnh : "Bộ tưởng Chiến tranh không thể bị đổ thừa cho những gì ông hoàn toàn không có trách nhiệm". Ông tuyên bố nhận lãnh những gì mà người ta đã đổ lỗi lên cho Stanton. Các sự tấn công lên Stanton sau đó bị dập tắt.
Lincoln đối phó với áp lực bằng cách tìm sự cân bằng và tăng cường năng lượng cho chính mình. Tướng George McClellan đã để cho quân đội của tướng Robert Lee tấn công Potomac vào tiểu bang Virginia. McClellan đã bất tuân lệnh từ trên, từ chối điều động quân vì công khai tuyên bố bản Tuyên ngôn Giải phóng là đáng bị nguyền rủa. Thêm vào đó là sự tấn công của bên bảo thủ về Tuyên ngôn này. Điều đó làm cho bên Cộng hòa thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (cuối năm 1862), tuy vẫn giữa được đa số với khoảng cách mỏng. Khi được hỏi ông nghĩ gì về sự thất thoát trong cuộc bầu cử, Lincoln trả lời rằng "Gần giống như thằng bé tại Kentucky, khi ngón chân bị bể trong lúc chạy đến gặp người yêu. Thằng bé nói nó đủ lớn rồi để mà khóc, và quá đau để mà cười".
Sau tuyên bố này Lincoln đã thay thế McClellan bằng tướng Amrbose Burnside, được biết đến là "tướng chiến đấu/a fighting general". Nhưng tính khí chiếu chiến đã làm tai họa. Vào giữa tháng 12, ngược với cố vấn của Lincoln, Burnside đã lãnh đạo đội quân Potomac vào trong bẫy chết người tại Fredericksburg, làm cho 13 ngàn lính chết hoặc bị thương. Những tin đồn thất thiệt càng làm cho người dân quan tâm. Nhưng điều làm cho Lincoln khổ tâm nhất chính là những cái chết tang thương của người lính, những người gan dạ, đã hy sinh mạng sống của mình cho hạnh phúc và thịnh vượng tương lai của đất nước này. Nó làm cho ông "trầm cảm", và ví rằng nếu có một nơi nào tệ hơn địa ngục thì tôi hiện đang ở đó.
Khi gặp các mối đe dọa kinh hoàng, không có gì làm cho ông nghỉ ngơi và hồi phục bằng việc đến nghệ thuật sân khấu để giải trí. Trong vòng bốn năm, Lincoln đến theatre hơn một trăm lần. Xem các buổi trình diễn này, nó giúp cho Lincoln quên đi mọi ưu phiền, mọi suy nghĩ rắc rối, mọi vấn đề chính trị, đang làm ông bận tâm. Lincoln biết có thể người ta nghĩ thiệt là lạ khi ông đi nghe nhạc kịch/cải lương thường xuyên như thế, nhưng chính ông giải thích : "Lạ, nhưng tôi phải có một chút khuây khỏa từ những lo lắng kinh khiếp này, hoặc nó sẽ giết tôi". Nhưng các sử gia cho rằng đi xem kịch nghệ không chỉ là sự giải thoát cho Lincoln. Ông đến nghe các vở kịch về MacBeth, Lear và Hamlet của Shakespear, để tìm giải pháp cho những gì ông đang gặp phải. Các vấn đề trong các vở kịch này làm ông suy nghĩ, liên tưởng đến các vấn đề ông đối diện.
Qua các vở kịch, phần lớn là thảm kịch này, nó giúp cho Lincoln cảm nhận được những trớ trêu trong cuộc sống. Khi không ngủ được, ông tìm người thân quen, kể chuyện, cười trong đường dây mỏng manh giữa bi kịch và hài kịch trong cốt chuyện, và những tiếng cười đó mang tính "bảo vệ cuộc sống" cho chính mình. Khi người khác buồn ngủ quá không thể mở mắt nỗi thì lúc đó ông mới nhận ra và bảo người ta về đi ngủ. Đọc tụng các kịch bản này là cách để Lincoln chia sẻ các vấn đề chung của con người trong khoảng thời gian bất thường, cô đơn một cách bất nhân.
Ngoài ra, Lincoln cũng tìm mọi cách để tha tội cho những người lính đã bỏ chạy khỏi chiến cuộc hay ngủ quên… Trong khi Stanton và các sĩ quan đề nghị trừng phạt tử hình để duy trì kỷ luật của quân đội, thì Lincoln tìm mọi lý do chính đáng để cứu vớt mạng sống của họ. Khi ông hình dung được người phạm tội đã làm gì và tìm được lý do để tha thứ họ, ông đi ngủ một cách hạnh phúc vì biết rằng họ và gia đình họ sẽ vui mừng khi nhận tin/chữ ký của ông.
Nắm bắt được suy tư và nhiệt độ của môi trường chung quanh
Lincoln nắm bắt thời gian, cơ hội, thử thách và biết khi nào tiến, khi nào lùi. Nhận thức khi nào phải quyết định ra bản Tuyên ngôn Giải phóng là sự quyết định và quyết tâm của chính ông. Thời gian và cơ hội đúng đến thì không thể bỏ qua được. Tuy đầy quyền lực trong tay trong cương vị tổng thống, Lincoln cũng thú nhận rằng ông không thể kiểm soát được sự kiện, mà thật ra sự kiện kiểm soát ông thì đúng hơn. Theo ông nếu ra Tuyên ngôn vào sáu tháng trước thì dư luận sẽ không thuận lợi, và không tồn tại được. Ông ví việc quyết định vào đúng thời điểm là vô cùng quan trọng, giống như người trồng cây lê, nhưng nếu mất kiên nhẫn chờ đợi, thì hái sớm trái không những không ngon mà làm hỏng cả trái lẫn cây. Nhưng nếu kiên nhẫn thì sẽ có trái chín rơi vào bàn tay mình.
Lincoln kiên nhẫn lắng nghe và quan sát sự kiện, và những thay đổi, dịch chuyển trong tư duy của nội các ông cũng như của người dân. Lincoln là người thông minh, sáng dạ/trí, nắm bắt được khi nào gió đổi chiều khi ông đọc cái bài xã luận trên các tờ báo thời đó, sự trao đổi giữa người dân với nhau, và giữa các quân nhân/binh lính với nhau. Lincoln hiểu rằng sẽ có một lực lượng chống đối bản Tuyên ngôn, nhưng họ không đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu này. Lincoln luôn quan sát và nắm bắt cơ hội, thay vì bị cơ hội lôi kéo mình theo, hay bị mất sức vì vấn đề chưa chín mùi, thời gian chưa thuận tiện, hay chưa đủ lực để thay đổi.
Lincoln hiểu rõ đấu tranh tư tưởng với chính mình là mệt nhất, nhưng phải làm cho đến khi nào ông thấy rõ vấn đề và tự tin với nhận định và quyết định của mình. Cả tiến trình lấy quyết định của ông trong vấn đề này là một thử thách thâm hiểm, quanh co, nhưng khi thấy rằng thời điểm đã đến, ông không còn ngần ngại nào cả, mà chỉ có con đường duy nhất là tiến về phía trước. Khi những người khác nhìn thử thách đối diện là một đe dọa đối với cuộc thử nghiệm của các nhà lập quốc Hoa Kỳ, ông nhìn thấy cơ hội ra đời của một nền tự do mới. Vì tin vào tiến trình và tiến triển này, nó giúp ông không chỉ đọc được mối quan tâm của người dân và còn định hình được nó, từ trong nội các của mình ra đến ngoài xã hội rộng lớn hơn.
Lincoln cũng biết phối hợp tài tình giữa khả năng lãnh đạo giao dịch và chuyển hóa (transactional and transformational leadership). Lãnh đạo giao dịch và chuyển hóa có nhiều yếu tố ngược nhau. Lãnh đạo theo xu hướng giao dịch thì hoạt động một cách thực tiễn. Họ thu hút những người theo họ vì quyền lợi riêng tư, chủ trương có qua có lại, thương lượng, trao đổi, và tưởng thưởng để tìm hỗ trợ và để ảnh hưởng lên hành xử của người chịu lãnh đạo. Lãnh đạo chuyển hóa thì truyền cảm hứng lên người khác, để họ nhận diện được những điều lớn hơn chính họ, từ tổ chức cho đến cộng đồng, vùng miền và đất nước, và trên hết, nhận diện một cách trừu tượng những lý tưởng cao cả của một quốc gia. Các lãnh đạo như thế kêu gọi thực hiện các nguyên tắc đạo đức và các mục tiêu cao cả, nhìn xa hơn những gì đối diện với hiện tại để thấy được tương lai chính đáng để đấu tranh, để nỗ lực thực hiện cho được mục tiêu.
Đối với Lincoln thì những chiến lược mang tính thực tiễn, lãnh đạo giao dịch là chìa khóa, là ốc vít của cổ máy, là công cụ, hay nói chung là mảnh quan trọng đối với lãnh đạo mang tính nguyên tắc và chuyển hóa. Lincoln có tài nói chuyện, thuyết phục và vận động người cho mục tiêu của mình. Lincoln cũng biết rằng không có cơ sở vật chất thì không thể đi xa hay đạt các mục tiêu ngắn hạn trước mặt. Giống như một ca sĩ chuyên nghiệp hát được nốt nhạc thấp nhất và lên được nốt nhạc cao nhất, người họa sĩ vẽ nét chi tiết nhất nhưng cũng điêu luyện trong bức tranh tổng thể, một vận động viên đua xe đạp có nhịp tim từ 30 đến 180 một phút, Lincoln cũng nắm bắt các chi tiết nhỏ như thế, hiểu được động cơ/tâm lý của con người ở tầm thực tế, nhưng không sao lãng các vấn đề chiến lược lớn hơn. Tùy theo nhóm người nói chuyện, Lincoln sử dụng kỹ năng lãnh đạo nào nhiều hơn.
Cho nên Lincoln hiểu rằng nếu người da đen hy sinh cuộc sống của họ cho lý tưởng cao cả hơn, thì vấn đề động viên để họ làm việc đó phải là mạnh mẽ nhất, ngay cả sự hứa hẹn được tự do, được giải phóng. Khi đã hứa, thì phải giữ.
Trong 18 tháng đầu của cuộc nội chiến, chỉ có ba trong mười người lính cho biết họ sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu giải phóng nô lệ, còn phần lớn thì chỉ quan tâm đến việc bảo vệ Union. Được Lincoln lãnh đạo, tỷ số đó thay đổi, và những người lính nhìn nhận việc duy trì Union và giải phóng nô lệ liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời. Làm sao Lincoln làm được điều này ?
Lincoln luôn sẵn sàng tiếp xúc, hiện diện và dễ dàng tiếp cận với mọi thành phần. Lincoln gieo hạt mầm tin tưởng và trung thành trong lòng người lính ở mọi cấp bậc. Lincoln sẵn lòng chia sẻ các món ăn mình có với họ. Ông xem chỗ ngủ của họ ra sao, hỏi thăm gia đình của họ, trò chuyện với họ, và không những thế, khi những người lính của Union hay Confederate bị thương, ông đối xử như nhau. Tất cả những nơi Lincoln đi, ông đều mời gọi lính đến gặp ông nếu họ cảm thấy bị đối xử bất công. Khoảng hai ngàn lính đã nhận lời đến gặp ông, để than phiền, để được nghe kể chuyện, hay chỉ đơn giản để gặp mặt vị tổng tư lệnh. Chủ trương hay chính sách "cửa mở" (open door policy) này là sợi dây nối người dân với quyền lực đang điều hành quốc gia. Những câu chuyện gặp gỡ giữa Lincoln với người lính đã lan rộng trong quân đội, cùng với chủ trương tìm mọi cách để tha tội cho lính, đã thu phục nhân tâm. Các lá thư mà binh lính gửi về cho gia đình họ về sự đồng cảm, trách nhiệm, tử tế, dễ dàng gặp mặt Lincoln, và xem ông như người cha. Họ gọi ông là Cha Abraham, Bác Abe hoặc Cụ Abe. Nỗi đau và khổ hạnh trên khuôn mặt ông làm cho người lính cảm thấy ông cũng như họ, cũng gian truân, đau khổ như họ trong cuộc chiến này. Nhiều người lính đã viết thư bày tỏ họ sẵn sàng chiến đấu cho mục tiêu bảo vệ Union và giải phóng nô lệ. Chính những lá thư này không những thay đổi người lính mà cả gia đình họ nữa.
Người da đen đã nhập ngũ ở một tỷ lệ kỷ lục, hàng chục ngàn người. Nhưng lúc đó vẫn còn nhiều phân biệt, lương lính da đen không bằng da trắng, và họ cũng không thể trở thành sĩ quan. Khi Frederick Douglas trình bày điều này, Lincoln ghi nhận điều đó là phân biệt, và ông hứa họ sẽ được trả lương đồng đều như nhau. Và kết quả là : 200 ngàn lính da đen nhập ngũ, và chiến đấu một cách gan dạ.
Lincoln để tham vọng chung, tập thể lên trên cá nhân. Mùa hè 1864, số lính tử trận, bị bắt hoặc mất tích của cả hai bên đều khủng khiếp. 580 ngàn ở miền Bắc và 470 ngàn ở miền Nam. Nó trở thành một vấn đề/ván cờ chính trị khi bầu cử sắp diễn ra. Đảng Cộng hòa quan ngại có khả năng thua. Người đứng đầu đảng Henry Raymond cảnh báo Lincoln vào tháng Tám 1864 rằng để Cộng hòa có thể thắng thì Lincoln phải bắt đầu thương thuyết hòa bình với phía Confederate, chỉ bàn về thống nhất thôi, vấn đề nô lệ tính sau. Lincoln trả lời tất nhiên ông muốn thắng một nhiệm kỳ nữa, nhưng ông cũng muốn hoàn tất công việc của mình. Lincoln cho biết để thỏa thuận điều kiện hòa bình mà không chấm dứt nô lệ đối với ông là "sự hủy hoại hoàn toàn". Ông thà thua chứ không thể từ bỏ giải phóng nô lệ. Lincoln khẳng định rằng nếu từ bỏ Union và tự do thì ông nên bị lên án đúng lúc và mãi mãi.
Phía Dân chủ chọn tướng George McClellan làm ứng viên tổng thống để chấm dứt chiến tranh sớm, nhưng tách rời vấn đề nô lệ ra một bên. Nhưng Lincoln đã thắng vẻ vang, Electoral College có tỷ lệ 212 so với 21, và 7 trên 10 người lính bỏ phiếu cho ông. Họ hiểu bỏ phiếu cho ông có thể kéo dài cuộc chiến, và nhiều rủi ro cá nhân, nhưng họ ủng hộ Lincoln vì ông từng tuyên bố rằng cuộc đấu tranh này "không phải cho hôm nay thôi, mà còn cho mãi mãi về sau". Ông xác định rằng ông chỉ chiếm Nhà Trắng một thời gian tạm thời thôi, và ông là một chứng nhân sống để mọi người thấy con của họ một ngày nào đó cũng có thể đến đây giống như chính ba của họ đã có. Một chính quyền tự do bảo đảm được cơ hội bình đẳng cho các kỹ nghệ, công nghệ và sự thông minh, và rằng mọi người có một số đặc quyền như nhau, với tất cả khác vọng của con người. Với ông đó mới là điều quan trọng để chiến đấu và bảo vệ.
Lincoln biết rằng Sắc lệnh Tổng thống không có giá trị lâu dài, và để bảo đảm nô lệ bị xóa bỏ vĩnh viễn, hiến pháp phải được tu chính. Tu chính Án số 13 được giới thiệu tại quốc hội vào ngày 6 tháng Giêng 1865. Ba tuần sau, khi được biết chỉ thiếu có hai ghế để dành được 2/3 đa số, Lincoln đã tìm mọi cách để sử dụng lãnh đạo giao dịch. Ông hứa hẹn nhiều thứ, kể cả công việc cho gia đình, bạn bè, tha thứ v.v… để chiếm cho được hai phiếu này (xin xem phim Lincoln). Khi Tu chính Án 13 được thông qua, đoàn người kéo đến Nhà Trắng chúc mừng ông. Lincoln tuyên bố đây là một trong các dịp để "chúc mừng quốc gia và toàn thể nhân loại". Nhưng ông cũng nhắc nhở mọi người đừng quên công việc lớn lao trước mặt là nó cần phải được thượng viện thông qua.
Khi được khen ngợi "Người Giải phóng Vĩ đại", Lincoln nhấn mạnh ông thật sự chỉ là công cụ thôi. Người dân và quân đội đã thể hiện tinh thần chống lại nô lệ, do đó mục tiêu mới thành công. Lincoln tuyên bố rằng qua biện pháp này, những hy vọng tốt nhất của ông sẽ được thực hiện. Lincoln không sống để thấy giấc mơ của ông. Nó đã được 3/4 các tiểu bang thông qua vào tháng 12 năm 1865.
Trên hết, đối với Lincoln, lời hứa là tất cả. Khi đến gần ngày 1 tháng Giêng 1863, ngày mà Lincoln hứa sẽ cho thi hành Tuyên ngôn Giải phóng, không khí ngờ vực không biết Lincoln có dám thực thi những gì đã cam kết trong bản Tuyên ngôn Giải phóng không gia tăng, vì nó rất có thể làm cho sĩ quan từ chức và hàng 100 ngàn lính buôn súng. Nhưng những ai biết rõ Lincoln sẽ không đặt câu hỏi như thế. Lincoln đã bị trầm cảm nặng nề vì đã không giữ được lời hứa cưới bà Mary Todd, rồi không phát triển kế hoạch hạ tầng cơ sở nói riêng và kinh tế cho Illinois nói chung làm cho Lincoln trầm cảm đến độ muốn tự tử. Sau bài học này ông rút kinh nghiệm, chỉ hứa hẹn những gì có thể làm được, và quyết tâm thực hiện nó, giúp ông phục hồi và phục hưng sự nghiệp chính trị của ông. Những người hiểu Lincoln như Frederick Douglas thì tin tưởng rằng một khi Lincoln đã hứa rồi thì không rút lại lời hứa. "Nếu ông không dạy cho chúng ta điều gì khác, thì ông đã dạy cho chúng ta tin tưởng vào lời nói của ông", Douglas cam chắc.
Vào ngày đầu của năm mới, Lincoln vui mừng chào đón khách đến Nhà Trắng, hơn 1000 người. Tuy thế ông vẫn có vẻ suy tư, để tâm trí nơi nào đó. Trước đó một ngày, ông triệu tập nội các lần nữa. Kỳ này, ông quyết định thêm một phần quan trọng vào trong bản Tuyên ngôn Giải phóng. Bản mới quyết định sẽ cho người da đen gia nhập quân đội. Lúc ký bản này, chỉ có khoảng độ 12 người chứng kiến. Lincoln tuyên bố trước khi ký : "Tôi chưa bao giờ trong cuộc đời mình cảm thấy chắc chắn làm điều gì hơn là điều tôi sắp sửa ký tên vào văn bản này. Nếu tên tuổi tôi có bao giờ đi vào lịch sử, nó sẽ là hành động này, và toàn bộ tâm hồn tôi trong đó".
Tuy nhiều người theo xu hướng bãi bỏ nô lệ khắp nơi vui mừng với tin này, thành phần Dân chủ lại bắt đầu phản đối và chống đối. Đến nỗi họ còn cổ động lính giải ngũ. Có nơi lính bày tỏ ý kiến rằng họ tham gia để bảo vệ Union, không phải cho nô lệ. Những người bạn thân của Lincoln, kể cả Chánh án Tối cao Pháp viện David Davis, hay Orville Browning, cảnh báo ông về nguy cơ đe dọa của Tuyên ngôn, Lincoln không sờn lòng. Lincoln cũng không quan ngại về việc lính đào ngũ, vì theo ông tin tưởng, số lược lính đào ngũ sẽ không nhiều, và số lượng lính người da đen tham gia sẽ bù đắp vào số bỏ đi. Ông tin tưởng rằng đây là thời điểm đúng, thuận lợi để làm việc này.
Vài lời kết
Tuyên ngôn Giải phóng (Emancipation Proclamation) và Tu Chính án 13 đã dọn đường để xóa bỏ chế độ nô lệ về sau. Trước quốc hội Hoa Kỳ, Lincoln tuyên bố :
"Hỡi các công dân Hoa Kỳ, chúng ta không thể nào tránh được lịch sử… Bằng cách trao tự do cho người nô lệ, chúng ta bảo đảm được tự do cho người tự do…".
Liền sau cuộc nội chiến, Lincoln minh định rằng đã quá đủ mạng sống hy sinh, và "Chúng ta phải dập tắt sự oán giận nếu chúng ta mong đợi hòa thuận và đoàn kết". Đối với thành phần đứng đầu của các nhóm phản kháng, kể cả những người tồi tệ nhất, Lincoln không hề muốn sự giết hại nào. Để tiến trình hòa giải không bị ảnh hưởng tiêu cực, ông muốn họ dời đi nơi khác, vì nếu ở thì họ sẽ phải bị trừng phạt về tội ác của mình. Những người lính của bên thua cuộc được cho về nhà, về với gia đình họ, và được hứa sẽ không hề bị sách nhiễu, nếu họ không làm hại gì sau đó. Tướng Ulysses Grant tường trình cho Lincoln chủ trương như thế, và cho Lincoln biết những người lính bên thua cuộc vẫn tiếp tục được giữ ngựa và súng tự vệ. Sau khi nghe tường trình, mặt ông Lincoln sáng lên vì hài lòng.
Sức mạnh của trí thông minh cảm xúc chính là đắc nhân tâm. Lincoln hiểu rõ nhu cầu cảm xúc của các đồng nghiệp ; không để những lấn cấn quá khứ trở thành độc hại ; chuyển hóa các thù hận cá nhân ; đặt chuẩn mực cho sự tương kính và nhân phẩm lẫn nhau, và biết kiềm chế giận dữ ; bảo vệ uy tín của đồng nghiệp khi có những sự nghi kỵ hay đổ lỗi cho nhau ; tìm sự cân bằng và tăng cường năng lượng khi đối phó với các áp lực ; hiểu rõ uy tín và lời hứa là tất cả ; biết khi nào tiến khi nào lùi ; biết phối hợp tài lãnh đạo giao dịch và chuyển hóa v.v…
Sự vĩ đại của Lincoln nằm ở sự cố gắng học hỏi và tự học hỏi không ngừng, ở tinh thần khiêm nhường hiếm có và luôn sẵn sàng nhận lỗi nếu thấy mình sai để học hỏi, và nhất là ở lòng tốt bụng và tử tế của ông. Trong lịch sử nhân loại hiếm có người lãnh đạo chính trị tối cao nào có được đầy đủ những đức tính này. Có thể vì Lincoln đã từng ném mùi thất bại bao lần, từng bị trầm cảm, bị đối xử tồi tệ, để rồi phải tự vươn lên qua muôn vàn khó khăn nhưng bằng chính công sức và con người thật của mình. Lincoln đã luôn vượt qua được chính mình, và không bao giờ gian dối hay lường gạt bất cứ ai. Ông đã trở thành tấm gương cho toàn dân Mỹ, và thế giới, cho mỗi người tự nhìn ra được sức mạnh thật sự đến từ đâu. Tính cách nhất quán của Lincoln, như sự tinh tế, kiên nhẫn, thận trọng, và đồng cảm, đã truyền cảm hứng và chuyển hóa tất cả các thành viên trong nội các của ông. Đằng sau sự dịu dàng và tử tế của Lincoln, điều chắc chắn là Lincoln là một lãnh đạo cực kỳ phức tạp, tham vọng, cứng đầu và khó hiểu nhất. Những cộng sự của ông có thể chỉ trích, phê phán, làm ông bực mình, tức giận, áp lực lên ông v.v… Và ông chấp nhận tất cả miễn sao họ làm công việc với sự đam mê và khả năng, và cùng nhau góp phần thực hiện mục tiêu chung.
Khi một quốc gia có quá nhiều hận thù và chia rẽ, lãnh đạo như Abraham Lincoln là chìa khóa, là giải pháp. Nhưng kiếm được một người như vậy trong những thời điểm như thế không hề dễ. Các nghiên cứu về lãnh đạo học cho biết tài lãnh đạo, nhất là thông minh cảm xúc, ai cũng có thể học hỏi, tập luyện và trau dồi. Nhưng hai câu hỏi : lãnh đạo được sinh ra hay được cấu tạo thành, và thời thế tạo anh hùng hay anh hùng định hình thời thế, vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi và khó có thể khẳng định dứt khoát hiện nay ; nhất là qua một tác nhân lịch sử tầm lớn như Abraham Lincoln.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 26/08/2019
Chú thích :
[*] Ba vai trò quan trọng hàng đầu gồm Ngoại giao, Ngân khố/Kinh tế, và Công lý thì Abraham Lincoln chọn ba người từng là đối thủ của ông trong cuộc chạy đua thành ứng viên tổng thống trong Đảng Cộng hòa : William Seward, Salmon Chase, và Edward Bates. Lincoln cũng chọn một luật sư cực kỳ giỏi, tuy trước đây từng coi thường chế giễu ông, Edwin Stanton, làm Bộ trưởng Chiến tranh.
Tài liệu tham khảo :
Các tài liệu và dữ kiện chính về Abraham Lincoln trong bài này là từ hai tác phẩm sau đây :
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals : The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.
Ngày này 157 năm về trước, Tuyên ngôn Giải phóng đã được quyết định và thông qua bởi nội các của tổng thống Abraham Lincoln.
Ngày 22/09/1862 : Tổng thống Lincoln ban hành Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ
Hai tháng trước đó, vào cuối tuần tháng 7 năm 1862, Lincoln đã triệu tập cuộc họp nội các lịch sử để công bố bản thảo Tuyên ngôn Giải phóng của mình.
Trước đó nữa, vào tuần cuối của tháng Sáu năm 1862, cuộc nội chiến Hoa Kỳ lúc đó đang ở giai đoạn vô cùng gây cấn. Quân đội của tướng George McClellan thuộc Hiệp Chủng Quốc (Union) tấn công thủ đô của phía Liên bang (Confederacy) nhưng đã bị đẩy lùi tại Richmond. Bên Union phải rút lui. Cuộc tấn công này làm cho 16 ngàn lính bị chết, bị bắt hoặc bị thương. Sự kiện này làm cho Lincoln lo lắng, bởi vì lá bài cuối đã được sử dụng nhưng không hiệu quả. Lincoln nhận thấy đây là lúc ông cần thay đổi chiến lược/thuật.
Khi quân đội Union rút về lại sông James (James River), Lincoln liền viếng thăm binh lính, nhất là những người bị thương tích, để nâng đỡ tinh thần của họ, và cũng để củng cố tinh thần của chính mình. Cuộc viếng thăm bất ngờ của Lincoln đã làm tăng tinh thần của binh lính ngay lập tức.
Nhưng điều khác Lincoln mong muốn trong chuyến viếng thăm này là gặp gỡ binh lính, đặt câu hỏi và qua đó thu thập thông tin trực tiếp từ họ. Nhờ thế mà ông biết được cặn kẽ hơn về mối quan hệ giữa chiến tranh và vấn đề nô lệ. Ngay từ ban đầu, mặc dầu ông khinh ghét vấn đề nô lệ, mục tiêu hàng đầu của Lincoln lúc đó vẫn là duy trì sự thống nhất của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lincoln thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc về sự phức tạp khác nhau của người dân, kể cả vấn đề cho rằng nô lệ đã được Hiến pháp công nhận, nhất là những bang đã từng công nhận nó. Đây là hai thử thách lớn lao cho bất cứ một lãnh đạo nào.
Sau khi nói chuyện với lãnh đạo và binh lính bên phía quân sự, Lincoln mới nhận thức rõ ràng rằng bên phía Confederacy đã khai dụng nô lệ một cách tối đa cho mục tiêu chiến tranh của họ. Nô lệ được dùng để đào hầm, xây dựng thành trì kiên cố cho phía Confederacy. Họ được sử dụng để lái xe ngựa, nấu ăn, chạy bàn, và phụ tá bệnh viện. Trên mặt trận, họ sửa soạn cho các vấn đề nông nghiệp : trồng trọt, nâng cao mùa màng và thu nhặt bông gòn. Nô lệ cũng được dùng làm các việc duy trì nông trại và các hoạt động đồn điền. Các công việc của nô lệ giúp cho phía Confederacy sử dụng mọi lực lượng còn lại để chiến đấu. Theo nhận định của Lincoln thì nô lệ đã được dùng để làm sức mạnh cho bên kia. Câu hỏi Lincoln đặt ra là bên này cần phải quyết định làm gì với yếu tố này để nó phục vụ cho mình, hay hủy hoại mình ! Nếu bên Confederacy bị tước đoạt nô lệ, miền Bắc lúc đó đang ở thế bất lợi, cho nên có thể thu được vị thế có lợi về quân sự, cần thiết cho thời điểm đó.
Lincoln nhìn ra được rằng giải phóng nô lệ có thể được xem là "vấn đề quân sự tuyệt đối cần thiết cho sự cứu rỗi đối với Union". Giải phóng nô lệ, tuy "mặt khác là vi hiến" đối với phía Confederacy, nhưng có thể trở thành một hành động hợp pháp đối với phía Union. Lincoln phân tích rằng việc bảo vệ vấn đề nô lệ một cách hợp hiến có thể phản bác bằng quyền hiến định về chiến tranh của vị tổng tư lệnh, tức quyền tổng thống khi đất nước đang có chiến tranh. Tuy suy luận như thế, Lincoln vẫn e ngại việc tung "vũ khí giải phóng" như một nghị định quân sự một chiều. Trước đây, Lincoln đã từng cảnh báo các nhà luật sư trẻ trong lúc ông hành nghề luật về những mối nguy của những kẻ đội lốt bạo chúa, sẵn sàng ngụy biện cho các phương thức quá đà của mình. Sử dụng biện pháp này, Lincoln hiểu, là khá nguy hiểm, nhưng nó gần như là cách cuối cùng khi các biện pháp khác đã được áp dụng nhưng thất bại. Thật ra ông cũng đã tìm những phương thức khác. Trước đó bốn tháng, Lincoln gửi thông điệp đến quốc hội yêu cầu họ ủng hộ bốn tiểu bang ranh giới Missouri, Kentucky, Delaware và Maryland, nếu các tiểu bang này từ từ chấp nhận chính sách xóa bỏ nô lệ, thay vào đó họ sẽ được bồi thường 400 đô la mỗi nô lệ. Ông khẩn khoản yêu cầu các nhà lập pháp tại các tiểu bang đó chấp thuận đề nghị này. Nhưng họ vẫn từ chối, biện luận rằng làm như thế chỉ làm tăng thêm sự nổi loạn của các tiểu bang ly khai, kéo dài chứ không làm ngắn đi chiến tranh.
Với công việc rất bề bộn mỗi ngày của một tổng thống, Lincoln không còn nhiều thì giờ để tìm một giải pháp tối ưu. Ngoài các việc chính thức khi cánh cửa của nhà Trắng mở vào buổi sáng, Lincoln phải tiếp đón bao nhiêu quan khách cũng như những người muốn đến thăm Nhà Trắng. Ông gần như không còn bao nhiêu thì giờ để nghỉ ngơi, huống gì suy nghĩ đến các vấn đề phức tạp khác. Nhưng vì nhận thức rất rõ tầm quan trọng cho một giải pháp như thế, Lincoln đã tìm thời gian và nơi chốn để suy nghĩ. Lincoln tìm đến Nhà Lính (Soldiers’ Home) như một nơi trú ẩn an toàn để ông có thể tập trung suy nghĩ về các vấn đề phức tạp, nhất là vấn đề và giải pháp về nô lệ.
Việc gì đến cũng phải đến. Một tháng sau trận đánh thất bại tại Richmond, Lincoln đã triệu tập nội các của ông vào ngày 22 tháng Bảy năm 1862. Phía cấp tiến gồm Edwin Stanton và Salmon Chase ngồi bên phải của Lincoln. Phía bảo thủ Caleb Smith, Montgomery Blair và Edward Bates ngồi bên trái. Phía ôn hòa gồm Gideon Welles ngồi đàng trước và William Seward, ngồi trung tâm, và cũng là điểm tựa vây quanh Lincoln. Mọi người ngồi im lặng lắng nghe Lincoln đọc bản thảo Tuyên ngôn Giải phóng.
Cuối cùng ông đi đến một câu văn mà đã thay đổi lịch sử Hoa Kỳ và nhân loại :
… Là Tổng tư lệnh của quân đội và hải quân của Hoa Kỳ, tôi tuyên bố rằng ngày đầu của tháng Giêng năm 1863, tất cả những ai bị giam cầm như nô lệ trong bất cứ tiểu bang nào mà trong đó quyền lực hiến pháp không được công nhận, tuân phục và duy trì một cách thực tế, thì từ đó, và mãi mãi về sau, có thể được tự do.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Lincoln thắt chặt hai vấn đề Hiệp Chủng Quốc và nô lệ chung lại thành một sức lực duy nhất, mang tính chuyển hóa và đạo đức. Khoảng 3 triệu rưỡi người nô lệ, bao nhiêu đời sống ở phía Nam, được hứa hẹn tự do. Chỉ 80 chữ thôi, trong Tuyên ngôn Giải phóng này, có khả năng thay thế pháp luật về quyền sở hữu tài sản và nô lệ mà đã ngự trị tại quốc hội Hoa Kỳ, Hạ viện lẫn Thượng viện, ba phần tư thế kỷ qua.
Cũng cần ghi nhận rằng nghị quyết này không bao hàm, tức không có hiệu lực đối với, hơn một nửa triệu nô lệ hiện đang sống tại các tiểu bang lân cận. Các tiểu bang này chưa tham chiến nên quyền lực chiến tranh của tổng thống không thể được sử dụng để giải thoát nô lệ tại đây. Nhưng nếu họ quyết định đứng về phía Nam/Confederacy thì nó cũng sẽ được áp dụng đối với họ.
Mặc dầu Lincoln cho biết rõ rằng ông đã dứt khoát tư tưởng về vấn đề này trong cuộc họp nội các lịch sử này, ông vẫn mong muốn được biết các phản ứng của thành viên nội các, ủng hộ hay chống đối. Trước đó, một số người cho rằng tiến trình lấy quyết định của Lincoln là quá chậm chạp, thiếu quyết đoán, vân vân, nhưng thật ra trong đầu ông suy nghĩ về ưu điểm của từng vấn đề và các khía cạnh quan trọng cần thiết. Ông đã chuẩn bị kỹ và hiểu rõ tư duy của mỗi thành viên đến độ ông biết họ sẽ hỏi gì và sẵn sàng trả lời mọi ý kiến phản đối của họ. Nhưng khi Lincoln đã đi đến quyết định rồi, vấn đề còn lại không phải là cái gì mà là khi nào : khi nào sẽ thực hiện.
Edwin Stanton, Bộ trưởng Chiến tranh, và Edward Bates, Bộ trưởng Tư pháp, hai thái cực trong nội các, lại là hai người ủng hộ Tuyên ngôn Giải phóng của Lincoln. Stanton thấy rõ lợi ích chiến lược nó sẽ mang lại. Bates đồng tình hoàn toàn nhưng yêu cầu phải có kế hoạch đối phó với những người nô lệ/da đen được giải phóng.
Bộ trưởng Hải quân Gideon Welles thì lưỡng lự và im lặng, vì nhìn thấy cả hai mặt vấn đề : tầm vóc của vấn đề và những kết quả bất định của nó, nhất là khi sử dụng quyền lực chiến tranh một cách quá thái như thế. Welles cũng lo ngại những người sở hữu nô lệ có thể vì đường cùng mà nỗ lực chống lại làm kéo dài thêm chiến tranh. Bộ trưởng Nội vụ Caleb Smith cũng giữ im lặng, nhưng nói riêng với phụ tá của mình rằng nếu Lincoln đề xuất tuyên ngôn này thì ông sẽ "từ nhiệm, về nhà và chống đối lại Tuyên ngôn". Montgomery Blair thì cực lực phản đối Nghị định này, bởi ông lo ngại sẽ đẩy các tiểu bang biên giới với phía Nam, hiện đang trung thành với Union, về phía Confederacy. Hơn nữa ông cũng lo ngại nó có thể làm mất sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
Lincoln cho biết ông đã cân nhắc mọi khía cạnh mà Blair đưa ra, nhưng kết luận rằng tầm quan trọng của vấn đề nô lệ vượt xa vấn đề chính trị của đảng phái. Ông nhắc nhở rằng ông đã liên tục nỗ lực tìm một sự thỏa thuận chứ không muốn áp đặt, nhưng các nỗ lực này không đưa đến kết quả nào. Lincoln cho biết đây là quyết định của ông, và ông là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về nó. Tuy thế Lincoln vẫn chấp nhận để Blair đề nạp các phản đối của mình trên giấy hẳn hoi.
Nói chung Lincoln chấp nhận mọi ý kiến trái chiều và phản đối nêu ra, nhưng cam kết rằng đã đến lúc phải hành động. Khi buổi họp gần kết thúc, Ngoại trưởng Seward nêu một câu hỏi chính đáng về thời gian. Seward cho rằng Tuyên ngôn này có thể bị dư luận suy diễn rằng đây là "một tiếng thét sau cùng của chúng ta, trên đường rút lui". Seward biện luận rằng tốt hơn thì nên chờ cho đến khi chiến thắng ở về phía mình, và chỉ cần treo bảng Tuyên ngôn lên trên cổ nó thôi.
Sau này Lincoln chính thức công nhận rằng ông thật sự chưa nghĩ đến khía cạnh này. Vì đề nghị của Seward quá hợp lý nên Lincoln đồng ý để bản nháp Tuyên ngôn sang một bên, chờ đến khi điều kiện thuận lợi, một chiến thắng lớn, rồi công bố. Trong thời gian đó ông thỉnh thoảng sửa đổi vài chỗ, bỏ chữ này thêm câu kia, và mong chờ thời điểm thuận lợi nhất đến để hành động.
Lincoln chờ đợi hai tháng trong lo lắng tột cùng. Cuối cùng thì tin vui cũng đến, với cái giá trả quá đắc, khi quân đội của tướng Robert Lee từ Maryland và Pennsylvania bị đẩy lùi. Trận đánh Antietam đã làm cho 23 ngàn lính chết trong một ngày, làm cho cả hai bên choáng váng và kiệt quệ tinh thần. Năm ngày sau chiến thắng Antietam, Lincoln lại triệu tập cuộc họp nội các vào thứ Hai, 22 tháng Chín năm 1862.
Trong suốt hai tháng qua sau khi đọc Tuyên ngôn Giải phóng nháp lần đầu với nội các của mình, Lincoln đã nói chuyện riêng với từng thành viên trong nội các và ghi nhận mọi góp ý chính đáng của họ.
Vì sự trung thành với Lincoln quá mạnh mẽ nên Ngoại trưởng Seward không phản đối Tuyên ngôn này. Nhưng ông đề nghị nên sửa một chút. Thay vì nói rằng chính quyền này (của Lincoln) thôi thì nên sửa lại thành chính quyền này và mọi chính quyền tương lai "công nhận và duy trì" sự tự do của người nô lệ. Lincoln cho biết ông không thể hứa thay cho các chính quyền tương lai mà ông không bảo đảm được. Nhưng sau cùng Lincoln cũng đã nghe lời khuyên của Seward và sửa lại đoạn văn này.
Khi bản Tuyên ngôn này xuất hiện trên báo chí ngày hôm sau (23 tháng Chín năm 1862), tất cả thành viên nội các, từ nhiều khuynh hướng khác nhau, đều đứng đàng sau Tổng thống Lincoln.
Làm sao Lincoln có thể thuyết phục được một nội các đa dạng trong quan điểm, đầy tham vọng, thích biện luận, đố kỵ và đầy tài năng để họ dịch chuyển quan điểm và ủng hộ Lincoln ?
Câu trả lời tốt nhất, theo bà Doris Kearns Goodwin, có thể tìm ra được từ trong những điều mà ngày hôm nay chúng ta gọi là trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) : sự đồng cảm, khiêm nhường, nhất quán, tự nhận thức, kỹ luật cá nhân và tinh thần rộng lượng/cao thượng của Lincoln.
Lincoln tuyên bố : "Khi nào mà ông vẫn còn ngồi đây (tổng thống), tôi sẽ không sẵn sàng trồng gai trong tâm hồn của bất cứ người nào". Trong mọi cuộc tiếp xúc hàng ngày với thành viên nội các, không bao giờ có chỗ nào dành cho cung cách hành xử có ý đồ xấu, cho sự ganh ghét ác cảm hay sự thù ghét riêng tư. Ông cổ võ cho mọi thành viên tranh luận với nhau, nhưng sẽ rất "buồn phiền" nếu thấy họ tấn công nhau ở công cộng. Cách bắn tỉa đó không chỉ là sai, đối với ông, mà còn tệ hơn, sai đối với quốc gia. Với các thử thách lớn lao trước mặt, ông yêu cầu mọi người đối xử với nhau lịch thiệp, đứng đắn. Mục tiêu chung ông đặt lên trên hết, lên hàng đầu của mọi hành động, để hình thành nội các và ràng buộc mọi người hành xử ở tiêu chuẩn cao với nhau.
Hơn 150 năm về trước, Lincoln đã đạt được các tài năng lãnh đạo xuất chúng mà ngày nay các nhà lãnh đạo và tâm lý học gọi chung là trí thông minh cảm xúc. Lincoln đã đi trước thời đại của ông rất xa. Các đức tính này cụ thể là gì, và nó đã giúp Lincoln như thế nào, trong cuộc khủng hoảng nội chiến Hoa Kỳ, sẽ được bàn sâu trong bài tiếp.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 22/09/2019
Tài liệu tham khảo :
Phần lớn nội dung bài này dựa vào hai tác phẩm của tiến sĩ Doris Kearns Goodwin sau đây :
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals : The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.
Một năm trước khi qua đời, nhà văn Leo Tolstoy người Nga, được xem là một trong những đại văn hào lớn nhất của mọi thời đại, đã nhận định như sau về vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln.
Đài tưởng niệm Abraham Lincoln tại thủ đô Washington.
"Sự vĩ đại của Napoleon, Caesar hay Washington chỉ như ánh trăng bên cạnh mặt trời của Lincoln. Tấm gương của ông là phổ quát cho toàn nhân loại và tồn tại hàng ngàn năm… Ông lớn hơn cả quốc gia của ông, lớn hơn tất cả các Tổng thống cộng lại… và là một tính cách vĩ đại, ông sẽ sống cho đến khi nào thế giới còn tồn tại" - Leo Tolstoy, Abraham Lincoln, The World, New York, 1909.
Xin mở ngoặc một chút để nói về Tolstoy. Ngoài các tác phẩm nổi tiếng của Tolstoy như "Chiến tranh và Hòa bình" và "Anna Karenina" v.v…, một tác phẩm khác có tên "Vương quốc của Thượng đế nằm trong chính bạn" (the Kingdom of God is within you), là một cuốn sách kinh điển về "bất bạo động" (non violence) dựa trên nền tảng giá trị của Thiên Chúa giáo. Tolstoy đã mất 30 năm để hoàn tất tác phẩm này. Tác phẩm đã tác động sâu xa lên Mahatma Gandhi, và bao người khác, và dẫn dắt công cuộc đấu tranh giành độc lập thành công cho Ấn Độ vào cuối thập niên 1940s. Trước khi Tolstoy mất, Tolstoy và Gandhi cũng đã trao đổi thừ từ với nhau, nhất là khi Gandhi đọc được một lá thư mà Tolstoy đã viết cho Tarak Nath Das năm 1908, có tên "Một lá thư gửi đến một người Ấn Độ giáo". Lá thư này đã truyền cảm hứng cho Gandhi, để ông dịch sang Ấn ngữ cho người dân mình đọc, và từ đó Gandhi tìm đến Tolstoy tham khảo và khuyên nhủ cho cuộc đấu tranh cho Ấn Độ, dựa trên con đường bất bạo động. Sau này khi viết hồi ký, chính Gandhi cũng ghi nhận ảnh hưởng của Tolstoy về triết lý sống và đấu tranh trong cuộc đời của ông, nhất là tác phẩm "The Kingdom of God is within you" đã "để lại một ấn tượng vĩnh cửu lên tôi". Đây cũng là con đường mà cụ Phan Châu Trinh cách đây hơn 100 năm, và các xu hướng vận động dân chủ Việt hiện nay, đang nỗ lực thực hiện.
Tolstoy không đơn độc trong nhận định về Lincoln. Trong các cuộc khảo sátvới các chuyên gia/học thuật về lĩnh vực lịch sử, chính trị và pháp luật, thì Lincoln là tổng thống luôn đứng hàng đầu : có lúc nhất, nhì hoặc ba, thay phiên nhau với hai vị tổng thống khác là George Washington, và Franklin (Delano) Roosevelt. Cả ba vị tổng thống Hoa Kỳ Washington, Lincoln và Roosevelt đều là những người lãnh đạo quốc gia trong những thời điểm khủng hoảng nhất và thử thách nhất : Washington được biết qua cuộc cách mạng Hoa Kỳ ; Lincoln qua cuộc nội chiến ; Roosevelt qua Thế Chiến II [1]. Hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng trong nền chính trị nội địa Hoa Kỳ mà còn tác động sâu xa lên chính trị thế giới, trong đó hai yếu tố quan trọng toàn cầu mà sau này gọi là dân chủ (cấp tiến) và trật tự (thế giới). Quan niệm dân chủ vào lúc đó đồng nghĩa với việc người dân có khả năng tham gia và điều hành mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và nền chính trị của quốc gia mình.
Ở trên, Tolstoy không chỉ đánh giá cao về Lincoln trong nền chính trị, hay bản xếp hạng về tài năng, của các lãnh đạo Hoa Kỳ, mà còn trên bình diện lịch sử nhân loại toàn cầu.
Đã bao nhiêu sách viết về Lincoln. Mỗi tác phẩm, hiển nhiên, đào sâu về các góc cạnh khác nhau về Lincoln. Nhiều sử gia nhận định rằng ngoài Chúa Giê Su, không có một nhân vật lịch sử nào trên thế giới được viết về nhiều như thế. Vào năm 2012 đã có khoảng 15 ngàn cuốn sách viết về Lincoln. Và nó vẫn chưa dừng ở đây. Vào năm 2012, một triễn lãm trưng bày bảy ngàn cuốn sách viết về Lincoln chồng lên nhau đã có đường kính 2,44 mét và cao 10,4 mét (8 x 34 feet). Các nhà tâm lý học và lãnh đạo học ngày nay luôn xem Lincoln là mẫu mực lãnh đạo, nhất là trong thời điểm khủng hoảng và chia rẽ quốc gia.
Cuối năm 2018, một học giả được xem là sử gia hàng đầu chuyên về các tổng thống Hoa Kỳ, tiến sĩ Doris Kearns Goodwin, đã cho ra đời tác phẩm "Tài lãnh đạo : Trong thời điểm hỗn loạn (Leadership : In Turbulent Times). Sau năm thập niên nghiên cứu về nhiều tổng thống Hoa Kỳ, tiến sĩ Goodwin đã cho ra đời nhiều tác phẩm thật giá trị và lôi cuốn, trong đó có cuốn này. Trước đó, bà Goodwin đã từng được biết đến qua nhiều tác phẩm lịch sử giá trị, như Thời điểm Không Bình thường (No Ordinary Time) về Franklin Roosevelt và Eleanor Roosevelt, đoạt giải Pulitzer về lịch sử năm 1995. Hoặc "Đội của những đối thủ" (Team of Rivals) xuất bản năm 2005, được giải thưởng của Hội Lịch sử New York. Đây là một trong các tác phẩm được cố tổng thống Barrack Obama yêu chuộng nhất vì trong đó có vô số các bài học cho mọi lãnh đạo mọi thời đại. Tác phẩm này được dựa vào để làm thành phim Lincoln do Steven Spielberg đạo diễn và trình chiếu năm 2012.
Đọc các tác phẩm của các sử gia Mỹ và Anh, như Jill Lepore, Martin Gilbert, Jean Edward Smith, Arthur Meier Schlesinger Jr, Stephen Kotkin, v.v…, và đặc biệt Doris Goodwin, tôi thật sự yêu thích và say mê lịch sử, hơn trước nữa. Tài liệu dồi dào và tra cứu kỹ lưỡng : họ phải đọc hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, cuốn sách khác nhau, và phải tự tìm đến bao nguồn dữ liệu đồ sộ gốc để tra cứu, kiểm chứng, và cho ra một cái nhìn khác. Cách viết rõ ràng, chi tiết, lôi cuốn như kể chuyện, nhưng đơn giản hóa ngôn từ : mặc dầu được đào tạo hàn lâm, và các đề tài này thường phức tạp, đa chiều và gây tranh cãi, họ luôn tìm cách sử dụng ngôn ngữ giản dị dễ hiểu khi viết (plain English). Đây là kỹ năng rất khó, chứ không hề dễ, đạt được [2]. Trên hết là phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, lý luận khách quan và khoa học, để từ đó đưa ra góc nhìn khác hoặc mới, phản biện các lý luận không xác đáng hay bằng chứng không xác thực, chẳng hạn [3].
Riêng về tác phẩm "Tài lãnh đạo : Trong thời điểm hỗn loạn", tiến sĩ Goodwin nói về bốn tổng thống Hoa Kỳ : Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt (FDR) và Lyndon Johnson (LBJ). Đọc xong tác phẩm này, tôi hiểu được thêm và sâu vì sao Hoa Kỳ vĩ đại. Đơn giản bởi vì văn hóa chính trị của quốc gia này, tất nhiên không chỉ riêng những tổng thống tài ba nói trên. Nhưng phải công nhận vai trò của lãnh đạo là quan yếu trong mọi thời đại, nhất là khi thử thách lớn hơn cơ hội, chia rẽ lớn hơn đoàn kết. Những người như Washinton, Lincoln, và Roosevelt, đều có tài năng lãnh đạo xuất chúng vào các thời điểm khủng hoảng của mình. Cuộc cách mạng, nội chiến Hoa Kỳ và Thế Chiến II đã làm thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ mà ba vị tổng thống này đã góp phần định hình. Lincoln và Roosevelt đều trãi qua những nghịch cảnh lớn lao tưởng chừng như vùi dập họ, con đường chính trị tưởng chừng như chấm dứt. Nhưng không ! Họ đã vượt qua được chính mình để trở thành vĩ đại, để quốc gia họ trở thành vĩ đại.
Ngày nay chúng ta biết đến một vĩ nhân Lincoln qua nhân cách, tài lãnh đạo (vừa thực dụng vừa lý tưởng), tính khiêm nhường, lòng trắc ẩn, tham vọng lớn, tinh thần tha thứ, tài hùng biện, viễn kiến/tầm nhìn rất xa v.v… Phần lớn các tài năng này không phải do bẩm sinh, mà đến từ sự kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm, tò mò, tự học/chủ, cầu tiến và cố gắng không ngừng nghỉ của Lincoln. Trên hết, tất cả những người lãnh đạo thành công được sử sách ghi nhận đều được bảo bọc, thương yêu, khuyến khích và hướng dẫn, bởi người mẹ, cha hoặc cả hai. Tình yêu thương, lòng tin tưởng, và sự dẫn dắt của cha/mẹ là nguồn lực quan trọng mang tính quyết định đối với sự thành bại của con em mình.
Có người từng cho rằng Lincoln là một nhân vật có một không hai trong lịch sử. Điều đó có lẽ đúng. Sẽ không có một Lincoln thứ hai trong lịch sử. Nhưng di sản của Lincoln, bao gồm những bài học và giá trị ông để lại cho đời, và nhất là tài lãnh đạo thể hiện qua trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) rất độc đáo của ông, đều mang tính phổ quát để mọi người trên khắp thế giới thuộc bất cứ sắc tộc hay tôn giáo nào, cũng có thể học hỏi và tôi luyện được. Mahatma Gandhi và Nelson Mandela, chẳng hạn, đều có một số đức tính trên, và đều phải trãi qua bao nghịch cảnh, thất bại và lắm khi tuyệt vọng, nhưng họ phải nỗ lực quyết tâm không ngừng để vươn lên. Tất cả các yếu tố con người này cần phải được khuyến khích, hướng dẫn và luyện tập không ngừng, như chính Lincoln đã ý thức thực hiện, từ lúc còn rất nhỏ.
Nhưng tại sao đại văn hào Leo Tolstoy, và nhiều nhà nghiên cứu học giả khác, nhận định vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là một trong những anh hùng vĩ đại nhất ?
Úc Châu, 15/07/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 21/07/2019
Ghi chú :
[1] Một người khác, Woodrow Wilson, là tổng thống vào thời điểm Thế Chiến I, và tuy Hoa Kỳ có những đóng góp quan trọng vào kết quả của cuộc chiến này, Hoa Kỳ chỉ tham gia vào hai năm cuối trước khi Thế Chiến I chấm dứt. Tuy nhiên Wilson đã thất bại trong việc thuyết phục quốc hội Hoa Kỳ thông qua hiệp ước Versailles và tham gia vào Liên đoàn Quốc gia (the League of Nations). Do đó Wilson chỉ được xếp hạng thứ 11 trong bản đánh giá này.
[2] Nói chung cách viết luận văn ở các trường đại học Tây phương, ngoài nguyên tắc không được đạo văn, là bốn chữ C về truyền thông (Four Cs in Communication) : toàn diện/đầy đủ (comprehensive), xúc tích (concise), lập luận vững chắc (cogent) và rõ ràng (clear). Cũng có những phiên bản khác nhau về điều này, thay vì các chữ trên, thì là compelling, complete, correct, courteous, credible, consistent, creative v.v…
[3] Xin nhấn mạnh ở đây rằng khi nói đến yếu tố khách quan, nó luôn là tương đối, bởi vì đã là người, ai trong chúng ta cũng đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của môi trường gia đình, nhà trường/giáo dục, xã hội, truyền thống và văn hóa mà chúng ta sinh ra và trưởng thành. Những gì một con người tiếp thu từ lúc sinh ra đời cho đến khi lớn lên không nhất thiết lúc nào cũng đúng, cũng khách quan khoa học, do đó trong mỗi chúng ta đều có ít hay nhiều định kiến vô thức (unconscious bias) mà chúng ta hoàn toàn không biết và không hiểu vì sao có nó.
Tài liệu tham khảo :
Ngoài các tài liệu từ các links ghi nhận trong bài, các tài liệu và dữ kiện chính về Abraham Lincoln trong bài này là từ các nguồn sau đây :
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals : The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.
3. Kevin Hillstrom, Laurie Collier Hillstrom, Lawrence W. Baker, American Civil War : Almanac, American Civil War Reference Library, UXL 2000.
4. Các học giả, nghiên cứu về tâm lý và lãnh đạo viết về Abraham Lincoln trên tạp chí Psychology Today cũng được sử dụng trong bài này và các bài tới (sẽ được liệt kê trong phần tài liệu tham khảo, khi được sử dụng).