Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 04 octobre 2023 09:16

Armenia và Thượng Karabakh

Không kể những vụ tàn sát lẻ tẻ trước đây khá lâu, năm 1915 đã có một vụ diệt chủng người Armenia, 2 phần 3 người Armenia đã bị người Thổ sát hại trên vùng đất mà hiện tại là lãnh thổ của nước Thổ, khoảng 1,2 triệu người. Để củng cố quyền lực, người Thổ tìm cách tiêu diệt các dân tộc thiểu số không theo đạo Hồi trong đế chế Ottoman, họ coi người Armenia là kẻ thù trong lòng dân tộc của họ…

armenia1

Bản đồ tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan

Cho đến ngày nay, quan hệ giữa nước Armenia và Thổ chẳng bao giờ tốt lành. Thổ không bao giờ chịu công nhận và xin lỗi Armenia vê vụ diệt chủng này. Cũng vì vậy, trong các cuộc xung đột sau này của Armenia với các nước khác, Thổ luôn luôn chống Armenia. Tôi nói như vậy một cách rất tổng quát để các bạn dễ hiểu hơn về những xung đột rắc rối ở vùng này của thế giới.

Nước cộng hòa dân chủ Armenia đầu tiên được thành lập năm 1917, sau sự sụp đổ của đế chế Nga và đến năm 1920, Armenia buộc phải rơi vào vòng tay của Liên Xô.

Tuy nhiên Armenia lại có xung đột kéo dài 1 thế kỷ với Azerbaijan, cũng là một nước thuộc Liên Xô cũ.

1. 1919, cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền ở vùng Thượng Karabakh, còn gọi là Nagorno Karabakh (tiếng Nga Нагорно-Карабах, có nghĩa là trên núi).

2. 1921, Stalin giao Thượng Karabakh cho Azerbaijan. Một quyết định gây thảm họa 100 năm vì ở Thượng Karabakh đa số là người Armenia.

3. 1991, Liên Xô sụp đổ, Thượng Karabakh tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Nagorno Karabakh, còn gọi là Cộng hòa Artsakh, ly khai khỏi Azerbaizan. Vụ ly khai này không được cộng đồng quốc tế công nhận. Quân ly khai với sự hỗ trợ của Armenia đánh nhau với quân của Azerbaijan. Quân đội chính quy của Armenia nhân thể chiếm các vùng đệm, 14% lãnh thổ của Azerbaijan. Hai bên đánh nhau triền miên, nhiều người chết (30.000). Cuộc chiến này kết thúc năm 1994 với sự "can thiệp giảng hòa" của Nga. Một hiệp định ngừng bắn đã được ký kết. Nhưng lúc này quân Thượng Karabakh không những kiểm soát được Thượng Karabakh mà cả các vùng lân cận. Có khoảng nửa triệu người Azerbaijan đã bị đuổi khỏi các vùng này. Do vây, mặc dù có hiệp định ngừng bắn, các cuộc xung đột vẫn thường xuyên xẩy ra.

4. Ngày 27/09/2020 bùng nổ chiến tranh lần thứ 2. Quân Azerbaijan phản công, chiến thắng giành lại được những vùng đất đã bị mất. Nhưng Thượng Karabakh sau vụ này bị tách rời khỏi Armenia chỉ còn mỗi đường hành lang Lachin (Lachin Corridor) nối với Armenia. Cuối 2022, Azerbaijan cắt nốt cái dây rốn này. Ngày 19/09/2023, quân Azerbaijan lại tổng phản công. Quân Thượng Karabakh đại bại. Mặc dù đóng quân ở đây, quân Nga chẳng làm được gì, chẳng can được ai. Không còn được ai hậu thuẫn như trước, bị dao kề cổ, nước Cộng hòa Thượng Karabakh đầu hàng và tự giải thể.

5. Ngày 01/01/2024, nước Cộng hòa Thượng Karabakh chính thức kết thúc sự tồn tại.

armenia2

Đoàn xe chở hàng chục ngàn người Armenia rời vùng Thượng Karabakh vào lãnh thổ Armenia

Trong lúc này đây, đương nhiên là người Armenia lại bị trả thù, bị tàn sát bởi người Azerbaijan. Hàng trăm ngàn người Armenia đang tháo chạy khỏi Thượng Karabakh để sang Armenia tỵ nạn, bỏ lại đằng sau quê hương, mồ mả và tài sản và không hy vọng có ngày trở về.

Nói chung xung đột ở đây rất phức tạp. Rất khó có thể nói trên
một trang giấy. Tóm tắt là trong cuộc xung đột này, Nga luôn ủng hộ Armenia, tức là ủng hộ Thượng Karabakh. Thổ thì luôn ủng hộ Azerbaijan. Tương quan lực lượng giữa Nga và Thổ đa thay đổi. Không phải tự nhiên quân đội Azerbaijan trở nên khỏe mạnh và quân đội Armenia tự nhiên trở nên yếu kém. Tình hình thế giới ngày nay với chiến tranh Nga-Ukraine đã tạo nên hoàn cảnh như vậy. Nước Nga kiệt quệ, không còn đủ hơi sức để ủng hộ và bảo vệ Armenia, từ đó dẫn đến sự kiện Armenia, vốn đã nghèo nàn, cũng chẳng còn hơi sức nào để hà hơi tiếp sức cho Thượng Karabakh. Nga và Armenia có Hiệp ước quân sự, hiệp ước An ninh chung. Nhưng qua thực tế đó chỉ là hiệp ước ảo. Qua vụ này, Armenia điên tiết lên đã chuẩn y Quy chế Roma của Tòa hình sự quốc tế (Yêu cầu các nước chuẩn y quy chế này bắt tội phạm chiến tranh Putin).

armenia3

Hàng chụ ngàn người Armenia đang tháo chạy khỏi Thượng Karabakh để sang Armenia tỵ nạn, bỏ lại đằng sau quê hương, mồ mả và tài sản và không hy vọng có ngày trở về.

Tình hình thế giới hiện nay đang rất thuận lợi cho Azerbaijan. Phương tây ("đánh hỗ trợ Ukraine đánh nhau với Nga") chẳng dại gì làm phương hại đến quan hệ với Azerbaizan, vì quốc gia này đang là nguồn cung cấp dầu khí chính cho Liên Âu sau khi ngừng nhập khẩu dầu khí từ Nga. Trước quan hệ địa lý chiến lược này, duy trì quan hệ tốt với Azerbaijan quan trọng hơn là với Armenia, do đó tiếng kêu cứu của người Armenia sinh sống trong vùng Thượng Karabakh trở nên vô vọng, không còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những quốc gia phương Tây như trước đây.

Đánh nhau với Ukraine, ngoài những tổn thất mà tôi không muốn liệt kê vì cần vài trang giấy, Nga lại mất thêm một đồng minh và sẽ còn mất nữa. Cái này đại đế Putin cũng đã lường trước hết rồi.

Hoàng Quốc Dũng

(03/10/2023)

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm

Thượng Karabakh : Nga là mục tiêu chính của Erdogan

Kế hoạch của tổng thống Pháp bài trừ các nhóm "Hồi giáo ly khai" coi chừng là con dao hai lưỡi. Paris-Moskva lo ngại tham vọng của Ankara, nhưng mục tiêu thật sự của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là gì tại Thượng Karabak ? Đây là những chủ đề được bình luận nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay.

karabagh0

Đụng độ giữa lực lượng ly khai được Armenia ủng hộ và quân đội Azerbaijan tại vùng Thượng Karabakh. Ảnh tuyền đầu mặt trận chụp ngày 28/092020.  © Bộ Quốc Phòng Azerbaijan/Handout via Reuters

Y tế, sức khỏe vẫn ngự trị trên trang nhất báo chí Pháp cho dù thời sự quốc tế có nóng bỏng tới đâu. Vào thời điểm đại dịch Covid bùng lại, tăng tốc lây lan, các biện pháp phòng chống lây lan từ mùa hè đến nay theo mô hình "truy nguồn và theo dõi" không đạt hiệu năng như mong muốn. Le Figaro đặt câu hỏi "phải chăng số phận của Paris và một số thành phố lớn đã được định đoạt ?". Thứ Hai tuần sau, chính phủ sẽ thông báo một loạt biện pháp phong tỏa. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, 5 triệu dân ở thủ đô Madrid bắt đầu bị cách ly trở lại cùng với hàng chục thành phố có dân số hơn 100.000, và có tỉ lệ ca lây nhiễm cao.

La Croix hôm nay lo ngại : phong trào thể thao tại Pháp suy yếu, vì các phòng tập đóng cửa. Không phải chỉ có những vùng "đỏ" bị tác hại, mà trên toàn quốc nhiều liên đoàn thể thao thể dục mất hàng loạt hội viên.

Thượng Karabakh : bàn đạp của tổng thống Erdogan

Chiến sự ở vùng Thượng Karabakh ngày càng sôi động và đẫm máu. Lò lửa oán thù giữa hai nước Armenia và Azerbaijan tại Kavkaz cũng là nơi mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ muốn duy trì nguyên trạng, người muốn phát huy ảnh hưởng. Theo Le Monde, Paris và Moskva "quan ngại" hành động quân sự của Ankara.

Sau Syria, Lybia, vấn đề di dân và thăm dò dầu khí ở Địa Trung Hải, vùng Thượng Karabakh trở thành vấn đề mới gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu. Với trợ giúp của các cơ quan tình báo, tổng thống Pháp biết rõ Ankara huy động hàng ngàn chiến binh từ Syria qua Libya hỗ trợ cho chính quyền Tripoli. Ông còn thận trọng chưa bình luận về hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng Thượng Karabakh, nhưng trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Putin tối thứ Tư, hai bên "đồng ý hợp tác gây áp lực để đi đến ngưng bắn" và cũng theo Putin, Moskva sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Tuy nhiên, thái độ của Nga làm cho Le Monde phải đặt nghi vấn : Moskva có thực tâm hay không ? Tại sao tình báo Nga không nắm được tình hình ở khu vực then chốt chiến lược này ? Hay là Nga "dung thứ" cho Azerbaijan khai chiến ? Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, phải chăng tổng thống Erdogan vì lòng tự cao tự đại mà có hành động xem thường quyền lợi của Nga ?

Đồng minh của Ankara, chế độ Azerbaijan, với tài nguyên dầu khí dồi dào, trong vòng 10 năm từ 2009-2018 đã chi ra 20 tỷ đô la tăng cường quân bị, so với 4 tỷ của Armenia. Trong tham vọng phục hận, tái chiếm những vùng đất bị mất từ sau Thế chiến thứ nhất, tổng thống Aliev đặt điều kiện hòa bình : "Armenia phải triệt thoái quân đội khỏi vùng tranh chấp, trao trả lãnh thổ của Azerbaijan cho Azerbaijan". Ngược lại, đối với Armenia, Thượng Karabakh là lãnh thổ "thiêng liêng".

Tranh giành thế lực : Nơi nào có Nga, nơi đó có Thổ

Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược thật sự của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là gì ? Theo phân tích của Le Figaro, Ankara dùng quân sự để "đẩy Nga" ra khỏi khu vực.

Nhật báo thiên hữu tìm cách trả lời câu hỏi này. Trong sơ đồ củng cố một chế độ dân tộc chủ nghĩa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xem Azerbaijan, nơi cư dân nói một thứ tiếng bà con với tiếng Thổ là quốc gia bạn hữu. Bên kia biên giới là "kẻ thù chung". Sự can thiệp của Ankara vào cuộc chiến, ngoài lý do chính trị, chinh phục cử tri đang mất dần tin tưởng vào đảng cầm quyền AKP, còn nhằm mục tiêu kinh tế. Khi tuyên bố sẵn sàng giúp Baku tái chiếm lãnh thổ, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn vào ống dẫn dầu nối liền Azerbaijan, Gruzia đến thành phố Ceyhan của Thổ. Đây là "vấn đề sinh tử", theo tuyên bố của một quan chức cao cấp trong bộ Năng lượng với phóng viên.

Mục tiêu sâu xa hơn nữa, theo chuyên gia Richard Giragosian, thuộc Viện nghiên cứu Khu vực RSC, ở thủ đô Erevan, đó là sau Syria, Libya và gần đây nhất là Địa Trung Hải, tổng thống Erdogan xem vùng Kavkaz là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ nới rộng ảnh hưởng. Quyết tâm của Thổ còn cho thấy cuộc đọ sức giữa Ankara và Moskva trên các chiến trường khác, từ Syria cho đến Libya, nơi nào có Nga, nơi đó có Thổ. Cũng theo chuyên gia Richard Giragosian, đối tượng của Ankara không phải là Armenia. Erdogan muốn lợi dụng chiến tranh ở Thượng Karabakh để giành lại vai trò "cố vấn quân sự và nguồn cung cấp vũ khí" số một cho Baku. Nói cách khác, đây là cuộc tranh giành thế lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển "300 chiến binh Syria đánh thuê" từ Libya sang tăng cường cho Azerbaijan trong vùng chiến sự.

Vô hình chung, trang tranh luận của Le Figaro dành hai bài, hai tác giả khác nhau, một nhà báo và một chuyên gia, đồng cảnh báo : không thể đối thoại với Putin. Tổng thống Pháp là nhà lãnh đạo Châu Âu cuối cùng trong số những người ước mơ hòa hợp với nước Nga của Putin trước khi bỏ cuộc, nhận định của nhà báo nữ Laure Mandeville. Vì sao ? Chuyên gia chính trị quốc tế Latvia Andris Spruds giải thích : Châu Âu đừng ngây thơ nữa, bởi vì Nga là một "mãnh thú xã hội" khác biệt. Trên mọi hồ sơ, phải mạnh mới đối thoại với Putin được.

Tổng thống Pháp công bố chiến lược chống Hồi giáo chính trị

Nước Pháp cũng đang đối đầu với xu hướng Hồi giáo cực đoan lũng đoạn xã hội như những "tế bào ung thư", lời của Le Figaro. Trong bối cảnh này, sau nhiều lần lưỡng lự, hôm nay, tổng thống Emmanuel Macron thông báo kế hoạch đối phó gọi là "nền Cộng hòa ra tay". Phản ứng của báo chí ra sao ?

Hồ sơ này được xem là rất tế nhị cho xã hội Pháp. "Chủ thuyết ly khai" người ta nói gì thế ? tựa của La Croix. Nhật báo công giáo cảnh báo coi chừng gây bất bình cho các cộng đồng tôn giáo, kể cả Hồi giáo, chỉ muốn gìn giữ bản sắc mà không hề có ý "ly khai" chế độ Cộng hòa.

Cùng chiều hướng, Libération thiên tả cảnh báo : Macron trong chiếc bẫy "chủ thuyết ly khai". Vừa chống Hồi giáo cực đoan, vừa không công kích cộng đồng tín đồ đạo Hồi, tổng thống đi trên một sợi dây mong manh.

Trái lại, Le Figaro dường như đại diện cho tiếng nói từ lâu mong chờ Nhà nước có biện pháp "cắt khối u ung thư" đe dọa xã hội Pháp. Theo nhật báo thiên hữu, thứ Sáu (hôm nay) sau 7 tháng cam kết, tổng thống Macron trình bày chi tiết chiến lược và phương châm "Nền Cộng hòa ra tay" để chống Hồi giáo chính trị và Hồi giáo cực đoan. Nhưng muốn hiệu quả thì phải "nói mạnh, đánh đúng". Nhưng thế nào là mạnh và đúng ? Ở điểm này, báo thiên hữu đồng thuận với hai đồng nghiệp thiên tả và công giáo : tổng thống làm người đi dây.

Nói mạnh, tức là phải tố cáo không khoan nhượng nguy cơ đe dọa của Hồi giáo chính trị. Tổng thống đã tham khảo ý kiến của các cộng đồng tôn giáo khác để tránh cho họ bị thiệt hại dây chuyền. Phải quân bình : sau diễn văn phải có hành động và kết quả. Đừng để dân chúng có cảm nghĩ chính phủ nói nhiều làm ít. Nhưng cũng theo Le Figaro, nhiệm vụ khó khăn nhất là làm sao đánh đúng mục tiêu : đóng cửa cơ sở giảng đạo, trường giáo lý, cơ sở thương mại, kiểm soát nguồn tài chính từ bên ngoài của Hồi giáo cực đoan.

Ai bảo Ấn Độ là một nước dân chủ ?

Ấn Độ của thủ tướng Modi và nước Mỹ của tổng thống Donald Trump đang đi vào một vòng xoáy nguy hiểm, tuy với những mức độ khác nhau. Le Monde chia sẻ với độc giả mối lo âu này.

Phải nói là Le Monde không nhẹ tay chút nào với các nhà độc tài hoặc các thế lực muốn đánh phá nền dân chủ.

Nền dân chủ Ấn bị trôi dạt. Từ New Delhi, thông tín viên Sophie Landrin nhập đề bằng câu chế giễu bộ trưởng bộ Quân lực Pháp : Đến thủ đô Ấn Độ ngày 10/09/2020 để dự lễ chuyển giao các chiến đấu cơ Rafale đầu tiên cho Ấn Độ, Florence Marly, trong diễn văn khen ngợi Ấn Độ là "nền dân chủ lớn nhất thế giới". Lời khen quá đáng và chối bỏ sự thật : Ấn Độ tuy đông dân hạng nhì thế giới, tuy có bầu cử tự do, nhưng không phải là một nền dân chủ. Theo nhà báo Pháp, dân chủ gì mà chính phủ thủ tướng Modi "hình sự hóa" các tiếng nói đối lập, các cuộc biểu tình phản kháng ?

Ngay một nữ diễn viên điện ảnh có tên tuổi cũng bị cảnh sát sách nhiễu suốt 5 tiếng đồng hồ, vì đứng chung với một nhóm sinh viên biểu tình và không tuyên bố gì. Một số đoạn nói chuyện riêng tư cũng bị cảnh sát công bố lên mạng cho báo chí thân chính phủ tham gia đánh hội đồng.

Danh sách đàn áp rất dài, nhiều máu đổ, nhiều người đi tù và nhiều người chết, xin để cho độc giả tìm đọc thêm trên báo chí.

Tổng thống siêu cường Hoa kỳ, sau cuộc tranh luận thô bạo với đối thủ Joe Biden được bình luận như thế nào ? Alain Frachon tóm lược trong năm chữ : "Donald Trump chống dân chủ". Nhà phân tích Pháp chia sẻ mối âu lo của một nữ đồng nghiệp và bạn Mỹ : Tôi lo lắm, không biết các định chế chính trị có cầm cự được hay không ? Không một ngày nào mà tổng thống lại không có một hành động gây lo ngại.

Liệu Donald Trump sẽ tiếp tục thêm bốn năm ? Theo Le Monde, chủ nhân Nhà Trắng không tìm cách chinh phục cử tri ngoài thành phần ủng hộ vô điều kiện. Ông không cần được đa số phiếu mà chỉ cố làm sao để thắng ở một vài bang lưỡng lự, nếu nghiêng một chút về đảng Cộng hòa, sẽ cho ông đa số đại cử tri.

Hàng không dân dụng quốc tế có tương lai rực rỡ ?

Covid thì Covid, kinh tế vẫn phải tiếp tục sinh hoạt, Les Echos thông báo một số tin khích lệ.

Đó là hệ thống viễn thông thế hệ 5 hay 5G ở Pháp trở thành sự thật. Chiến dịch đấu giá sẽ đem lại cho ngân sách Nhà nước 2,8 tỷ euro. Kể từ cuối năm nay, các công ty trúng thầu có thể làm quảng cáo tìm khách hàng.

Trang ý kiến, nhà báo Bruno Trévidic, chuyên gia về giao thông hàng không của nhật báo kinh tế dự báo : Cho dù đại dịch làm khốn đốn, một tương lai tươi sáng đang chờ hàng không dân dụng. Trước hết là kinh nghiệm trong quá khứ, trải qua bao nhiêu khủng hoảng từ "sốc" dầu hỏa, chiến tranh vùng Vịnh, khủng bố tòa tháp đôi… đến đại dịch SARS, hành khách sử dụng máy bay vẫn tăng : từ một tỷ người đầu thập niên 2000 lên 4,5 tỷ trong năm 2019 và dự trù lên đến 8,2 tỷ, vào năm 2037.

Thêm vào đó, mọi thông số đều thuận lợi : dân số thành thị, dân số địa cầu ngày càng đông. Thứ hai là dân trung lưu ngày càng nhiều và hàng không là phương tiện để thăm viếng gia đình. 

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Cuộc chiến Armenia và Azerbaijan : Thế đứng của Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran

Mai Vân, RFI, 01/10/2020

Cuộc chiến đang bùng lên dữ dội ở vùng Thượng Karabakh, còn gọi là Nagorny-Karabakh, có nguy cơ biến thành chiến tranh thực sự và lan rộng, buộc các cường quốc phải cấp tốc tìm cách dập tắt. Vào hôm thứ Ba, 28/09/2020, có tin là cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iran, hai cường quốc khu vực đã bị trực tiếp lôi cuốn vào cuộc xung đột, trong lúc Mỹ và Nga kêu gọi các bên ngưng chiến "ngay lập tức".

caucasie1

Lực lượng người gốc Armenia tại vùng Thượng Karabakh chống lại một cuộc tấn công của quân đội Azerbaijan. Ảnh ngày 29/09/2020 do bộ Quốc Phòng Armenia cung cấp  via Reuters – Armenian Minstry of Defence

Trọng tâm cuộc tranh chấp, từ rất lâu và bùng lên lần đầu tiên cách đây đúng một trăm năm, là một dải đất nhỏ, được quốc tế công nhận là thuộc Azerbaijan, nhưng lại nằm dưới sự cai quản của chính quyền ly khai người gốc Armenia của cộng hòa Arstakh.

Cuộc chiến này có nhiều khả năng lôi vào cuộc nước Nga, ủng hộ Armenia, và Thổ Nhĩ Kỳ, hậu thuẫn của Azerbaijan, và thậm chí cả Iran, nước có thế đứng phức tạp, có quan hệ mật thiết với Azerbaijan về văn hóa, tôn giáo, nhưng theo truyền thống lại có quan hệ gần hơn với Armenia. Trong lúc đó thì Mỹ lại đang nhìn tranh chấp này như là một trắc nghiệm cho vai trò lãnh đạo thế giới của mình, vài tuần trước cuộc bầu cử then chốt ở Hoa Kỳ.

Trong một bài phân tích hôm 29/09/2020, tuần báo Mỹ Newsweek đã tìm hiểu xem các quốc gia nói trên quan hệ thế nào với các bên lâm chiến ở vùng Thượng Karabakh.

Thế đứng của Nga

Nga đã giữ quan hệ chặt chẽ với Armenia từ khi Liên Xô sụp đổ, Moskva và Erevan đều nằm trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung (CSTO). Azerbaijan cùng nằm trong hiệp định phòng thủ hỗ tương này những đã rời đi vào năm 1999.

Tuy nhiên, Moskva vẫn có quan hệ chặt chẽ với Baku, và đại diện Azerbaijan đã tham dự với tư cách quan sát viên cuộc thao diễn Kafkav 2020, do Nga tổ chức cùng với sự tham gia của Armenia, Trung Quốc, Iran, Miến Điện và Pakistan, diễn ra vài ngày trước lúc nổ ra cuộc chiến Armenia-Azerbaijan.

Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga trong 2 thập niên qua đã tìm cách lấy lại ảnh hưởng ở những vùng trước đây thuộc Liên Xô. Trong lúc Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu nỗ lực ngăn chặn Nga ở phía đông Châu Âu, thì một đối thủ khác của Nga, cũng trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã trỗi dậy, và tăng cường hiện diện ở Libya và Syria.

Mới đây đại sứ Armenia tại Moskva Vardan Toganyan trả lời đài truyền hình Nga vào hôm thứ Hai, 28/09, cho là Erevan chuẩn bị chính thức yêu cầu hậu thuẫn quân sự của đồng mình nếu cần.

Thế đứng của Thổ Nhĩ Kỳ

Armenia đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ dấn thân vào cuộc chiến, bắn rơi một chiến đấu cơ Su-25 của nước này với một chiếc F-16 dùng để hướng dẫn cuộc tấn công của lực lượng Azerbaijan. Phủ tống thống Thổ đã bác bỏ lời tố cáo này.

Ankara cũng bác bỏ những nguồn tin cho rằng họ đã chuyển lực lượng nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria qua hỗ trợ cho lực lượng Hồi giáo Azerbaijan chống lại lực lượng Thiên Chúa giáo Armenia và lực lượng ly khai Artsakh, dù rằng Ankara tỏ ý ủng hộ Baku chống lại "mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trong vùng". Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ hiện hoạt động giúp lực lượng Azerbaijan trong cuộc chiến.

Quan hệ xấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia bắt nguồn từ thời cuối đế chế Otttoman, với vụ thảm sát người Armenia và dân tộc thiếu số khác sau Thế Chiến Thứ Nhất, mà nhiều nước xem là một cuộc diệt chủng. Từ ngữ này đã chia rẽ cộng đồng quốc tế. Azerbaijan, nguồn cung cấp dầu hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực bác bỏ cách đánh giá này của sự kiện.

Mặc dù có nhiều bất đồng, tranh chấp khu vực, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng làm việc với nhau hầu vãn hồi hòa bình ở Syria và Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua tên lửa Nga S-400.

Quan điểm của Iran

Thông tin trên các mạng xã hội hôm thứ Ba 29/09, cũng đặt Iran vào trọng tâm cuộc chiến Armenia – Azerbaijan. Trong một clip chưa được xác định, cho thấy như là phòng không Iran đã bắn hạ một chiếc drone của Azerbaijan bay vào không phận Iran.

Cả Iran và Azerbaijan đều có đông dân Hồi giáo hệ phái Shia, nhưng Azerbaijan lại có quan hệ thân thiết với Israel, kẻ thù của Iran.

Iran cũng là nước có một cộng đồng người Azerbaijan đông đảo, có lẽ còn đông hơn người ở Azerbaijan. Vì vậy, Tehran rất thận trọng trước những phong trào ly khai tìm cách thoát khỏi chính quyền trung ương.

Cùng lúc thì Iran cũng xích lại gần Armenia. Trong tháng qua, sứ quán Iran ở Baku đã phủ nhận tin trên mạng là xe vận tải của Iran đã chở vũ khí Nga sang cho các đồng minh Nga ở Kafkav.

Iran cũng có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ mà ảnh hưởng đang gia tăng. Iran đã đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến hiện nay.

Vai trò của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ, có quan hệ tốt với cả Armenia và Azerbaijan, cũng đã đề nghị hỗ trợ cho việc vãn hồi hòa bình với tư cách đồng chủ tịch Nhóm Minsk (cùng với Nga và Pháp) trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Châu Âu OSCE. Những thành viên thường trực khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và cả Armenia, Azerbaijan, Belarus, Phần Lan, Đức, Ý và Thụy Điển.

Tuy nhiên trong lúc tổng thống Trump chạy nước rút trong cuộc vận động tranh cử, những thông điệp chính của chính quyền Mỹ về đối ngoại tập trung vào hai nước : Trung Quốc và Iran, bị xem như hai kẻ thù hàng đầu, và lơ là những nơi khác.

Trước cuộc tranh luận tối thứ Ba, Biden đã gởi đi một tin nhắn Twitter cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump "cần phải kêu gọi lãnh đạo Armenia và Azerbaijan xuống thang ngay lập tức". Ông cũng yêu cầu "các nước khác – như Thổ Nhĩ Kỳ - đứng ngoài cuộc tranh chấp này".

Mai Vân

Nguồn : RFI, 01/10/2020

***********************

Thượng Karabakh : Nga và Pháp kêu gọi Armenia và Azerbaijan đình chiến

Thùy Dương, RFI, 01/10/2020

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "đình chiến hoàn toàn" giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan. Điện Kremlin sáng sớm hôm nay 01/10/2020 thông báo như trên sau cuộc điện đàm hôm qua của hai nguyên thủ Pháp - Nga.

caucasie2

Một hố bom do không quân Azerbaijan oanh kích vùng Martakert, Thượng Karabakh. Ảnh do bộ Ngoại Giao Arménia công bố ngày 30/09/2020.  via Reuters – Armenian Foreign Ministry

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Nga cho biết hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga đã thảo luận về các biện pháp mà nhóm Minsk có thể tiến hành để làm giảm căng thẳng trong vùng và tìm giải pháp ngoại giao giải quyết xung đột. Còn theo phủ tổng thống Pháp, cả hai ông Putin và Macron đều chia sẻ mối lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ điều lính đánh thuê Syria đến vùng Thượng Karabakh.

Về chuyện có lính đánh thuê nước ngoài ở Thượng Karabakh, tiếp sau Armenia, hôm qua đến lượt bộ Ngoại Giao Nga tố cáo về việc các chiến binh Syria và Libya thuộc các nhóm võ trang bất hợp pháp đã được đưa đến vùng Thượng Karabakh. Moskva phản đối sự hiện diện của các lực lượng khủng bố và lính đánh thuê tại vùng này.

Theo AFP, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm qua đã đề nghị với đồng nhiệm Armenia và Azerbaijan là Moskva sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, kể cả ở cấp ngoại trưởng 3 nước Nga, Armenia và Azerbaijan để tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Về tình hình tại chỗ, bất chấp lời kêu gọi hưu chiến của quốc tế, chính quyền hai nước hôm qua đều tỏ rõ quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt đêm hôm qua giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 01/10/2020

Additional Info

  • Author Mai Vân, Thùy Dương
Published in Diễn đàn