Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/10/2020

Transcaucasia : mùi thuốc súng Nagorny-Karabakh khó dập tắt

Mai Vân - Thùy Dương

Cuộc chiến Armenia và Azerbaijan : Thế đứng của Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran

Mai Vân, RFI, 01/10/2020

Cuộc chiến đang bùng lên dữ dội ở vùng Thượng Karabakh, còn gọi là Nagorny-Karabakh, có nguy cơ biến thành chiến tranh thực sự và lan rộng, buộc các cường quốc phải cấp tốc tìm cách dập tắt. Vào hôm thứ Ba, 28/09/2020, có tin là cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iran, hai cường quốc khu vực đã bị trực tiếp lôi cuốn vào cuộc xung đột, trong lúc Mỹ và Nga kêu gọi các bên ngưng chiến "ngay lập tức".

caucasie1

Lực lượng người gốc Armenia tại vùng Thượng Karabakh chống lại một cuộc tấn công của quân đội Azerbaijan. Ảnh ngày 29/09/2020 do bộ Quốc Phòng Armenia cung cấp  via Reuters – Armenian Minstry of Defence

Trọng tâm cuộc tranh chấp, từ rất lâu và bùng lên lần đầu tiên cách đây đúng một trăm năm, là một dải đất nhỏ, được quốc tế công nhận là thuộc Azerbaijan, nhưng lại nằm dưới sự cai quản của chính quyền ly khai người gốc Armenia của cộng hòa Arstakh.

Cuộc chiến này có nhiều khả năng lôi vào cuộc nước Nga, ủng hộ Armenia, và Thổ Nhĩ Kỳ, hậu thuẫn của Azerbaijan, và thậm chí cả Iran, nước có thế đứng phức tạp, có quan hệ mật thiết với Azerbaijan về văn hóa, tôn giáo, nhưng theo truyền thống lại có quan hệ gần hơn với Armenia. Trong lúc đó thì Mỹ lại đang nhìn tranh chấp này như là một trắc nghiệm cho vai trò lãnh đạo thế giới của mình, vài tuần trước cuộc bầu cử then chốt ở Hoa Kỳ.

Trong một bài phân tích hôm 29/09/2020, tuần báo Mỹ Newsweek đã tìm hiểu xem các quốc gia nói trên quan hệ thế nào với các bên lâm chiến ở vùng Thượng Karabakh.

Thế đứng của Nga

Nga đã giữ quan hệ chặt chẽ với Armenia từ khi Liên Xô sụp đổ, Moskva và Erevan đều nằm trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung (CSTO). Azerbaijan cùng nằm trong hiệp định phòng thủ hỗ tương này những đã rời đi vào năm 1999.

Tuy nhiên, Moskva vẫn có quan hệ chặt chẽ với Baku, và đại diện Azerbaijan đã tham dự với tư cách quan sát viên cuộc thao diễn Kafkav 2020, do Nga tổ chức cùng với sự tham gia của Armenia, Trung Quốc, Iran, Miến Điện và Pakistan, diễn ra vài ngày trước lúc nổ ra cuộc chiến Armenia-Azerbaijan.

Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga trong 2 thập niên qua đã tìm cách lấy lại ảnh hưởng ở những vùng trước đây thuộc Liên Xô. Trong lúc Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu nỗ lực ngăn chặn Nga ở phía đông Châu Âu, thì một đối thủ khác của Nga, cũng trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã trỗi dậy, và tăng cường hiện diện ở Libya và Syria.

Mới đây đại sứ Armenia tại Moskva Vardan Toganyan trả lời đài truyền hình Nga vào hôm thứ Hai, 28/09, cho là Erevan chuẩn bị chính thức yêu cầu hậu thuẫn quân sự của đồng mình nếu cần.

Thế đứng của Thổ Nhĩ Kỳ

Armenia đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ dấn thân vào cuộc chiến, bắn rơi một chiến đấu cơ Su-25 của nước này với một chiếc F-16 dùng để hướng dẫn cuộc tấn công của lực lượng Azerbaijan. Phủ tống thống Thổ đã bác bỏ lời tố cáo này.

Ankara cũng bác bỏ những nguồn tin cho rằng họ đã chuyển lực lượng nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria qua hỗ trợ cho lực lượng Hồi giáo Azerbaijan chống lại lực lượng Thiên Chúa giáo Armenia và lực lượng ly khai Artsakh, dù rằng Ankara tỏ ý ủng hộ Baku chống lại "mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trong vùng". Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ hiện hoạt động giúp lực lượng Azerbaijan trong cuộc chiến.

Quan hệ xấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia bắt nguồn từ thời cuối đế chế Otttoman, với vụ thảm sát người Armenia và dân tộc thiếu số khác sau Thế Chiến Thứ Nhất, mà nhiều nước xem là một cuộc diệt chủng. Từ ngữ này đã chia rẽ cộng đồng quốc tế. Azerbaijan, nguồn cung cấp dầu hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực bác bỏ cách đánh giá này của sự kiện.

Mặc dù có nhiều bất đồng, tranh chấp khu vực, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng làm việc với nhau hầu vãn hồi hòa bình ở Syria và Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua tên lửa Nga S-400.

Quan điểm của Iran

Thông tin trên các mạng xã hội hôm thứ Ba 29/09, cũng đặt Iran vào trọng tâm cuộc chiến Armenia – Azerbaijan. Trong một clip chưa được xác định, cho thấy như là phòng không Iran đã bắn hạ một chiếc drone của Azerbaijan bay vào không phận Iran.

Cả Iran và Azerbaijan đều có đông dân Hồi giáo hệ phái Shia, nhưng Azerbaijan lại có quan hệ thân thiết với Israel, kẻ thù của Iran.

Iran cũng là nước có một cộng đồng người Azerbaijan đông đảo, có lẽ còn đông hơn người ở Azerbaijan. Vì vậy, Tehran rất thận trọng trước những phong trào ly khai tìm cách thoát khỏi chính quyền trung ương.

Cùng lúc thì Iran cũng xích lại gần Armenia. Trong tháng qua, sứ quán Iran ở Baku đã phủ nhận tin trên mạng là xe vận tải của Iran đã chở vũ khí Nga sang cho các đồng minh Nga ở Kafkav.

Iran cũng có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ mà ảnh hưởng đang gia tăng. Iran đã đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến hiện nay.

Vai trò của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ, có quan hệ tốt với cả Armenia và Azerbaijan, cũng đã đề nghị hỗ trợ cho việc vãn hồi hòa bình với tư cách đồng chủ tịch Nhóm Minsk (cùng với Nga và Pháp) trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Châu Âu OSCE. Những thành viên thường trực khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và cả Armenia, Azerbaijan, Belarus, Phần Lan, Đức, Ý và Thụy Điển.

Tuy nhiên trong lúc tổng thống Trump chạy nước rút trong cuộc vận động tranh cử, những thông điệp chính của chính quyền Mỹ về đối ngoại tập trung vào hai nước : Trung Quốc và Iran, bị xem như hai kẻ thù hàng đầu, và lơ là những nơi khác.

Trước cuộc tranh luận tối thứ Ba, Biden đã gởi đi một tin nhắn Twitter cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump "cần phải kêu gọi lãnh đạo Armenia và Azerbaijan xuống thang ngay lập tức". Ông cũng yêu cầu "các nước khác – như Thổ Nhĩ Kỳ - đứng ngoài cuộc tranh chấp này".

Mai Vân

Nguồn : RFI, 01/10/2020

***********************

Thượng Karabakh : Nga và Pháp kêu gọi Armenia và Azerbaijan đình chiến

Thùy Dương, RFI, 01/10/2020

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "đình chiến hoàn toàn" giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan. Điện Kremlin sáng sớm hôm nay 01/10/2020 thông báo như trên sau cuộc điện đàm hôm qua của hai nguyên thủ Pháp - Nga.

caucasie2

Một hố bom do không quân Azerbaijan oanh kích vùng Martakert, Thượng Karabakh. Ảnh do bộ Ngoại Giao Arménia công bố ngày 30/09/2020.  via Reuters – Armenian Foreign Ministry

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Nga cho biết hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga đã thảo luận về các biện pháp mà nhóm Minsk có thể tiến hành để làm giảm căng thẳng trong vùng và tìm giải pháp ngoại giao giải quyết xung đột. Còn theo phủ tổng thống Pháp, cả hai ông Putin và Macron đều chia sẻ mối lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ điều lính đánh thuê Syria đến vùng Thượng Karabakh.

Về chuyện có lính đánh thuê nước ngoài ở Thượng Karabakh, tiếp sau Armenia, hôm qua đến lượt bộ Ngoại Giao Nga tố cáo về việc các chiến binh Syria và Libya thuộc các nhóm võ trang bất hợp pháp đã được đưa đến vùng Thượng Karabakh. Moskva phản đối sự hiện diện của các lực lượng khủng bố và lính đánh thuê tại vùng này.

Theo AFP, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm qua đã đề nghị với đồng nhiệm Armenia và Azerbaijan là Moskva sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, kể cả ở cấp ngoại trưởng 3 nước Nga, Armenia và Azerbaijan để tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Về tình hình tại chỗ, bất chấp lời kêu gọi hưu chiến của quốc tế, chính quyền hai nước hôm qua đều tỏ rõ quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt đêm hôm qua giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 01/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân, Thùy Dương
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)