Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/10/2020

ASEAN : Làm sao thoát khỏi nanh vuốt của Trung Quốc ?

Trần Bạch Mai - Nguyễn Trường

Liệu các nước Đông Nam Á có rơi vào bẫy của Trung Quốc

Trần Bạch Mai, RFA, 01/10/2020

Truyền thông quốc tế ngày 28/9 dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) khẳng định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte đã đạt được ‘đồng thuận’ để ‘gác lại’ các đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển đang tranh chấp.

bayno1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 – AFP – Hình minh họa

Quan chức ngoại giao Trung Quốc xác nhận thông tin này chỉ vài ngày sau khi Duterte tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng sẽ duy trì phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra năm 2016, trong đó vô hiệu các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông.

Tại hội thảo trực tuyến về quan hệ Trung Quốc-Philippines hôm 25/9, Hoàng Khê Liên cho biết : "Hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Duterte đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc hai bên sẽ thực thi một cách mạnh mẽ nỗ lực gác lại tranh chấp trên biển, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương, tăng cường đối thoại và hợp tác – mục đích là để động lực vững chắc này của quan hệ song phương và cũng là kim chỉ nam cho con đường phía trước có thể được bảo tồn và phát huy.

Lập trường của Trung Quốc về cái gọi là ‘phán quyết trọng tài’ đã rất rõ ràng : chúng tôi không chấp nhận và không công nhận phán quyết này. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng hai bên nên khép lại chương cũ và gác lại những khác biệt".

Tuy nhiên, Hoàng Khê Liên không cho biết hai bên đạt được thỏa thuận như vậy vào thời điểm nào. Hoàng Khê Liên nhắc lại rằng "vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ của quan hệ Trung Quốc-Philippines, hay như Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin nói, ‘chỉ là một viên sỏi nhỏ’ trên con đường dẫn đến mục tiêu kinh tế đôi bên cùng có lợi và chúng ta không được vấp phải viên sỏi nhỏ đó".

Ông cũng chỉ ra rằng số lượng các hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án ở Philippines đã tăng "26,5% trong nửa đầu năm", bất chấp đại dịch Covid-19, và gọi đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình tin tức trực tuyến Viewpoint hôm 27/9, người phát ngôn của Tổng thống Philippines xác nhận hai bên đã thực thi một thỏa thuận để "thực hiện các vấn đề mà chúng tôi có thể tiến hành, bao gồm thương mại và đầu tư" vì hai bên "không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ đang chờ giải quyết". Năm 2018, Bắc Kinh và Manila đã nhất trí về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung.

bayno2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trước cuộc gặp song phương ở diễn đàn Vành Đai Con Đường tại Bắc Kinh hôm 25/4/2019 Reuters

Trong dòng sự kiện đó, ngày 29/7/2020, phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm về quan điểm của họ về vấn đề Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa (CLCS), trong đó khẳng định rằng các yêu sách biển của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế. Trước đó, bất luận các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông, cựu Thủ tướng Najib đã ký kết các thỏa thuận nhiều tỷ USD với Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận thu mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc năm 2016 - thỏa thuận đầu tiên trong lịch sử Malaysia. Hơn nữa, Malaysia và Trung Quốc đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng, nêu bật hợp tác hải quân giữa hai nước. Không giống như ông Najib, người hoan nghênh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh và thúc đẩy quan hệ quân sự hơn nữa, người kế nhiệm ông - cựu Thủ tướng Mahathir - đã tìm cách đàm phán lại về các thỏa thuận với Trung Quốc dưới thời ông Najib. Ông Mahathir cũng nhấn mạnh rằng ông không muốn thấy các tàu chiến xuất hiện tại khu vực Biển Đông tranh chấp và Eo Malacca. Malaysia dường như đã chuyển hướng chính sách đối ngoại từ thời chính phủ ông Najib, vốn theo xu hướng nhân nhượng Trung Quốc, sang chính sách dưới thời chính phủ Mahathir, vốn ủng hộ chính sách đối ngoại "không liên kết", nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và không quân sự hóa các khu vực biển đang tranh chấp.

Dưới thời chính phủ Liên minh Hy vọng (PH) của Thủ tướng Mahathir, Sách trắng quốc phòng (DWP) 2020 đầu tiên của Malaysia được công bố, trong đó nêu bật tầm nhìn chiến lược của Malaysia. Đặc biệt, văn bản này xác định các yêu sách biển của Malaysia tại Biển Đông là quan tâm an ninh hàng đầu của họ. Theo đó, công hàm của Malaysia thể hiện quan điểm cứng rắn nhất của Malaysia tại Biển Đông trong thời gian gần đây và đặt nó là ưu tiên hàng đầu trong DWP.

Cuộc khủng hoảng chính trị năm 2020 tại Malaysia, từ đó đã dẫn tới việc chỉ định Thủ tướng đương nhiệm Muhyiddin Yassin, kéo theo một số bất ổn nhất định trong quan điểm của Malaysia tại Biển Đông. Trong cuộc gặp của ông Yassin với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 7/9/2020, hai bên có trao đổi quan điểm về Biển Đông, tuy nhiên chưa rõ các bên bàn luận gì.

Trước đó, trong một cuộc họp vào tháng 9/2019, cựu Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã nhất trí với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về việc tiến hành đàm phán song phương trực tiếp.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã hối thúc Kuala Lumpur đạt được bước đi đột phá này, tuy vậy, đã một năm qua, thỏa thuận này vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.

Trung Quốc và Malaysia duy trì liên lạc về cơ chế đàm phán 1-1, song không cho biết phạm vi hoặc chi tiết cơ chế. Mục đích của Trung Quốc là tìm cách áp đặt cơ chế đối thoại song phương với từng bên tranh chấp, triển khai chính sách "gác tranh chấp cùng khai thác" của họ. Bắc Kinh cũng áp dụng chính sách này với Brunei, Philippines và Việt Nam.

Từ năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã có các cuộc đàm phán tương tự, cụ thể là việc phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và cùng khai thác các nguồn tài nguyên cá ở Vịnh Bắc Bộ. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 9/9. Chỉ tính đến cuối năm 2019, Nhóm công tác về vùng biển cửa ngoài Vịnh Bắc Bộ giữa 2 nước đã tổ chức 11 vòng đàm phán về vấn đề cùng khai thác ở các vùng biển liên quan.

Chính sách "gác tranh chấp cùng khai thác" của Trung Quốc đã bị nhiều học giả trên thế giới phản bác rất nhiều. Mặc dù Trung Quốc đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn khẳng định khu vực khai thác chung "chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung Quốc". Trên biển Đông, dù rất muốn khai thác chung, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách "đường lưỡi bò" chiếm gần 80% biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với hai khu vực khác là Pratas và Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa và quần đảo Trung Sa. Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa hiển nhiên thuộc quyền chủ quyền của nước khác.

Một nhân vật nắm rõ công tác hoạch định chính sách của Malaysia nói : "Quan điểm chính thức của chúng tôi là cởi mở với điều này, song chúng tôi đã cố gắng hòa hoãn nhiều nhất có thể. Đại dịch đã cho chúng tôi một lý do chính đáng để ngăn chặn nó. Chúng tôi không nghĩ rằng đây sẽ là một thỏa thuận có lợi với chúng tôi, đặc biệt là khi nhìn sang trường hợp Philippines và Việt Nam".

Một người thông thạo chính sách khác của Malaysia nhất trí với quan điểm trên, cho rằng việc thiết lập cơ chế tham vấn song phương "là một tiền lệ nguy hiểm". Ông nói : "Chúng tôi muốn các cuộc thảo luận với Trung Quốc ở hình thức đa phương, không phải song phương. Hình thức song phương là những gì Trung Quốc muốn… Rốt cuộc, họ đang đưa chúng tôi dấn sâu từng bước một".

Trong trường hợp Philippines, Cựu thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio, cho rằng Duterte bị đang bị Trung Quốc "dắt mũi, bỏ qua phán quyết mà chẳng được gì". ông ta phát biểu trên báo chí rằng : "Duterte gác lại phán quyết đảm bảo các khoản cho vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD mà Bắc Kinh đã hứa cho các khoản vay và đầu tư, chỉ có chưa đến 5% thành hiện thực khi nhiệm kỳ của ông Duterte chỉ còn chưa đầy hai năm nữa. Với tình hình đại dịch và tình trạng trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, Duterte không thể mong đợi gì hơn nữa từ Trung Quốc".

Có lẽ các quốc gia Đông Nam Á tham gia trực tiếp trong tranh chấp biển Đông cần thận trọng trước âm mưu và dã tâm này của Trung Quốc.

Trần Bạch Mai

Nguồn : RFA, 01/10/2020

*************************

Lãnh đạo Việt Nam cần đặt chủ quyền biển đảo và lợi ích dân tộc trên hết

Nguyễn Trường, RFA, 01/10/2020

Sự "tấn công" của Trung Quốc vào vùng Biển Đông đầy tranh cãi và tranh chấp không phải là một hiện tượng mới. Đó là một chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm đưa một vùng biển rộng lớn vào tầm ảnh hưởng của mình. Mục đích của chiến lược này chủ yếu là nhằm khai thác một cách độc quyền các nguồn tài nguyên. Gần đây hơn, vụ Trung Quốc phóng các tên lửa tầm trung vào vùng Biển Đông thể hiện một sự quyết đoán hơn nữa, chủ yếu nhằm phản ánh sức mạnh và sự đe doạ của họ đối với vùng biển tranh chấp này. Hành động như vậy của Trung Quốc là một nỗ lực thể hiện sự thống trị chiến lược của họ đối với toàn bộ khu vực Biển Đông.

bayno3

Một người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013 - Reuters

Trung Quốc hiểu rõ ràng rằng việc sở hữu một quân đội và hải quân hùng mạnh sẽ giúp nước này trở nên đáng gờm trong các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa hải quân sau khi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tính đến nay, Trung Quốc sở hữu 360 tàu chiến, vượt qua hải quân Mỹ với 297 tàu. Nước này dự kiến có tổng cộng khoảng 400 tàu chiến vào năm 2025 và 425 tàu vào năm 2030. Trong khi đó, năng lực của đội tàu, máy bay và vũ khí của Hải quân Trung Quốc có thể so sánh với các hải quân lớn của Phương Tây. Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc đang hiện đại hóa trên nhiều lĩnh vực, bao gồm bảo trì và hậu cần, học thuyết, chất lượng nhân sự, giáo dục - đào tạo, và các cuộc tập trận, đồng thời lực lượng này đang nhanh chóng giải quyết những khiếm khuyết và mở rộng Lực lượng cảnh sát biển của mình.

Hiện nay, có những bằng chứng cho thấy Biển Đông đang nhanh chóng bị quân sự hóa. Trong khi Mỹ tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong năm nay, thì Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động quân sự, thể hiện ở việc quân đội nước này có phản ứng đối đầu với các tàu hải quân Mỹ đi qua Hoàng Sa và Trường Sa. Tình hình này đang làm tăng nguy cơ khiến quan hệ Mỹ-Trung "khủng hoảng" hơn do vấn đề Biển Đông.

Đã đến lúc các nước ASEAN cần có lập trường vững chắc của riêng mình hoặc đồng lòng với Mỹ, Australia, Nhật Bản, và Ấn Độ.

bayno4

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng các tàu chiến khác của hải quân nước này tập trận ở Biển Đông vào tháng 12/2016 Reuters

Các nước Đông Nam Á cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng đại dịch để tiến tới và củng cố hơn nữa các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đây cũng sẽ là thời điểm thuận lợi để có được một số lợi ích từ Mỹ nhằm đối phó với một đối thủ như Trung Quốc về lâu dài, đặc biệt trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Do sự chênh lệch lớn về sức mạnh và năng lực hải quân, các nước Đông Nam Á chỉ còn cách tự trang bị tốt hơn để kiểm soát các động thái của Trung Quốc trong các EEZ của họ.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của mình. Tháng 6 vừa qua, ASEAN đã bày tỏ lập trường ủng hộ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ công ước này. Nỗ lực của Việt Nam nhằm củng cố vị thế của ASEAN trong năm 2020 có thể là điều đúng đắn, song Brunei - quốc gia sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2021 - có thể sẽ không duy trì được động lực chống lại Trung Quốc.

Trong nhiều thập niên, Brunei đã dựa vào nguồn dự trữ dầu mỏ để duy trì nền kinh tế và chế độ quân chủ cầm quyền. Tuy nhiên, khi dự trữ trong nước không còn đủ để duy trì đất nước trong tương lai, Brunei phải tìm ra những hướng đi mới để duy trì nền kinh tế.

Trung Quốc đã tung ra chiến lược "tấn công quyến rũ", tận dụng nền kinh tế đang suy giảm của Brunei thông qua các khoản đầu tư và các dự án cơ sở hạ tầng.

Với 6 tỉ USD đầu tư vào một nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng địa phương, cùng với những lời hứa hẹn thúc đẩy hợp tác thương mại và nông nghiệp, Trung Quốc đã thực sự "mua" được sự im lặng của Brunei về Biển Đông cho đến bây giờ.

Là thành viên giàu thứ hai trong ASEAN, điều quan trọng nhất đối với Quốc vương Hassanal Bolkiah là duy trì nền kinh tế để đảm bảo sự ổn định của Vương quốc Brunei.

Brunei có các yêu sách đối với rạn san hô Louisa Reef, bãi ngầm Chim Biển (Owen Shoal) và bãi cạn Vũng Mây (Rifleman Bank). Tất cả đều được quốc gia này tuyên bố là những thực thể thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei vào năm 1984.

Tuy nhiên, Brunei lại là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia yêu sách không khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo này và cũng không có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở đây.

Trong tuyên bố được phát ngày 20/7/2020, Bộ Ngoại giao Brunei nhấn mạnh nước này luôn cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Tuy nhiên, "Các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình".

Brunei đang cố gắng cân bằng giữa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và tiếp tục mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc khi nhắc đến giải quyết song phương thay vì đa phương.

Các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc được lên kế hoạch triển khai trong năm 2021 có thể sẽ bị trì hoãn. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn được Trung Quốc áp đặt những cách giải thích của riêng họ về COC. Tệ hơn là xu hướng này có thể khiến các nước không còn nỗ lực tăng cường can dự vào khu vực. Theo như thực tế hiện nay, các nước Đông Nam Á đang phải tự mình hành động.

Cho đến nay, Trung Quốc thường áp dụng chiến lược chia rẽ và chinh phục đối với các thành viên ASEAN, đặc biệt là với các bên tranh chấp ở Biển Đông như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, trung lập và thân thiện với tất cả các bên là điều làm nên hiệu quả của ASEAN. Liệu ASEAN có thể hiệu chuẩn lại một lần nữa hay không ?

Trường hợp Philippines là một thí dụ.

Chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Duterte cam kết trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9/2020 rằng Manila sẽ duy trì phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016. "Phán quyết hiện là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và ngoài tầm với của các chính phủ muốn buông lỏng hoặc không thừa nhận", ông Duterte nói. "Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực chống lại phán quyết này", ngày 25/9/2020, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte đã đạt được "đồng thuận quan trọng" về việc "gạt tranh chấp trên biển sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại, hợp tác".

Tại sao Duterte thay đổi lập trường ? Bất chấp đại dịch Covid-19, những hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án ở Philippines trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng 26,5%, là bằng chứng cho thấy mối quan hệ kinh tế đã thay đổi lập trường chính trị của Philippines.

bayno5

29 thỏa thuận đã được ký kết ngày 20/11/2018 giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm 2 ngày tới Philippines (Nguồn : Reuters)

Nhưng thực tế như thế nào ? Duterte gác lại phán quyết để đảm bảo nhận được các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD Bắc Kinh cam kết, chưa đến 5% trở thành hiện thực, trong khi nhiệm kỳ của Duterte chỉ còn chưa đầy hai năm. Xem ra Duterte thích đếm vịt trời hơn những gì mà Philippines đã đối phó với Trung Quốc trong quá khứ và nó sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Mỹ bày tỏ sẵn sàng tăng cường hỗ trợ các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua việc chuyển giao các thiết bị như radar, máy bay không người lái và tàu tuần tra nhằm giúp giám sát tốt hơn các hoạt động của Trung Quốc trong EEZ của các nước này, đặc biệt là hoạt động đánh bắt trái phép cũng như sự hiện diện của các tàu chính phủ Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ đã hỗ trợ thêm cho Việt Nam một tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực cho cảnh sát biển Việt Nam. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thách thức Bắc Kinh khi giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Hai nước đã ký kết một Bản ghi nhớ chung (MOU). Có thể thấy, thành phần chính của MOU giữa Hà Nội và Washington bao gồm các hỗ trợ trực tiếp chống lại hành vi đe dọa ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác để đảm bảo duy trì bền vững tài nguyên biển, chống lại các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố : "Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế biển của riêng họ. Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế".

Việt Nam cần một "đại chiến lược" bền vững nếu như muốn có một chính sách độc lập đối phó với Trung Quốc.

Thứ nhất, "Một đại chiến lược" về kinh tế không phụ thuộc vào cường quốc nào, mà đầu tiên trong đó cần phải làm triệt để là không phải chờ đón đại bàng bay vào làm tổ mà phải lót sẵn tổ bằng những biện pháp cụ thể để triệt phá lợi ích nhóm, tham nhũng, quan liêu cửa quyền và bất nhất trong chính sách.

Thứ hai, "Một đại chiến lược" về quốc phòng và quân sự thực sự cần hướng tất cả các thể chế vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xảy ra một cuộc chiến tranh thông thường ; đầu tư mạnh vào năng lực tấn công chính xác cả trong môi trường đất liền, trên biển và trên không, với sự hỗ trợ của các năng lực phi quân sự và trong không gian mạng ; đồng thời phải củng cố mối quan hệ với các đối tác quốc phòng trong khu vực để có được nhận thức chung về không gian mạng, trên không và trên biển ; và cần hợp tác với Mỹ với tư cách là một đối tác đáng tin cậy cùng chung tầm nhìn.

Để đạt được các mục tiêu này, lãnh đạo Việt Nam cần phải thực sự đặt lợi ích của dân tộc và chủ quyền biển đảo của đất nước lên trên hết. Mặc dù các lãnh đạo Việt Nam luôn tuyên bố "chủ quyền biển đảo là thiêng liêng", "không đánh đổi chủ quyền bằng bất cứ thứ gì", "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Tuy nhiên trong thực tế thì có rất nhiều thứ mà người dân lo ngại. Với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều người dân tin rằng, Trung Quốc đang ráo riết can thiệp vào chính trị nội bộ của Việt Nam trong khi một bộ phận lãnh đạo Việt Nam đang tập trung cho Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới và một bộ phận vẫn ôm khư khư lập trường về tư duy chính trị quốc tế không khác tư duy chính trị quốc tế thời chiến tranh lạnh, điều đó thể hiện trong nhiều phát biểu của lãnh đạo cấp cao vừa qua.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 01/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Bạch Mai, Nguyễn Trường
Read 729 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)