Vụ Đồng Tâm và nhu cầu phải bảo vệ nhân chứng
Hoàng Hoành Sơn, VOA, 30/09/2020
Vào ngày 7/9/2020, 6 tổ chức xã hội dân sự độc lập và hơn 600 người dân quan tâm đến vụ án Đồng Tâm đã ký tên vào Đơn Yêu cầu Khẩn cấp gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu nhân phiên tòa xét xử 29 người dân Đồng Tâm đang diễn ra từ ngày 7/9 (1). Điều này rất phù hợp với tâm ý nhiều người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại.
Ông Bùi Viết Hiểu tại một phiên xử ở tòa Hà Nội. (Hình : TTXVN)
Có thể nói ông Bùi Viết Hiểu là những người anh em đồng đội vong niên, cùng đồng lòng chung sức với cụ Lê Đình Kình kiên quyết giữ đất canh tác đồng Sênh, không cho rơi vào tay những kẻ tham nhũng tàn ác. Cụ Kình như là hình, ông Hiểu như là bóng, hai ông không rời nhau trong các cuộc họp báo, đấu tranh và kể cả trong lúc cận kề cái chết. Ban đầu khi sự kiện Đồng Tâm diễn ra, nhiều người bị sốc trước cái chết cụ Kình và tập trung nhiều vào cụ Kình, nên vai trò ông Hiểu dường như bị lu mờ đôi chút.
Tuy nhiên, khi phiên tòa xét xử người dân Đồng Tâm diễn ra, vai trò mấu chốt của ông Hiểu trong bối cảnh đấu tranh và nhất là trong biến cố cụ Kình bị bắn chết, lại tỏ hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Chính ông Hiểu là người ngồi bên cụ Kình khi cụ bị bắn trực diện. Dĩ nhiên, chính ông Hiểu cũng bị bắn trọng thương nhưng may mắn thoát chết.
Ông Hiểu khai tại tòa, theo ghi chép của luật sư Ngô Anh Tuấn, trả lời Hội đồng xét xử ngày 8/9, bị cáo Bùi Viết Hiểu cho biết : "Tôi hoàn toàn không đồng ý nội dung bản cáo trạng. Sau khi ông Kình bị chết và chó tha đi thì họ bắn vào chân tôi và bắn thẳng vào ngực tôi nhưng đạn sượt nên không vào tim mà xuống sườn nên không chết. Tôi bị thủng ba lỗ hoành tá tràng, hai lỗ đại tràng" (2).
Những lời khai của ông Hiểu quả là lời chứng mình hùng hồn cho những gì đã xảy ra trong vòng bí mật mà đảng cộng sản Việt Nam đang cố tình che giấu, hầu xuyên tạc đổi trắng thay đen biện minh cho hành vi sát nhân của công an do Đảng cộng sản Việt Nam cầm đầu ra lệnh, để thủ tiêu người đảng viên lão thành lên tiếng cho sự thật.
Ông Bùi Viết Hiểu, hiện 77 tuổi, trước đây đã từng tham gia quân đội, là người có công với cách mạng, thường xuyên sinh hoạt tại Hội Cựu Chiến binh xã Đồng Tâm. Ông cũng là một đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thuộc đảng bộ xã Đồng Tâm.
Và sau lời khai tại tòa của ông, dư luận người dân cả nước và nước ngoài đều lo rằng ông Bùi Viết Hiểu có thể sẽ bị thủ tiêu ngay tại nhà tù cộng sản ; có thể đơn giản là một mũi tiêm thuốc cho đột quị, hoặc chết bí ẩn như biết bao trường hợp chết tại trại giam, nhà tạm giữ mà không hề có cơ quan giam giữ, điều tra nào chịu trách nhiệm.
Trong vụ án giết cụ Kình ở Đồng Tâm, ông Hiểu là một nhân chứng quan trọng cần bảo vệ. Dư luận và các nhà điều tra độc lập đều mong mỏi có một cuộc điều tra toàn diện và tách biệt khỏi bộ công an về việc sát hại cụ Kình và mưu sát ông Hiểu bất thành. Lý do cần điều tra độc lập vì công an, viện kiểm sát, tòa án không thuyết phục được người dân khi họ vừa đá bóng vừa thổi còi, chẳng có tính minh bạch, không có sự khách quan và tiến trình xử án chỉ làm theo kịch bản soạn sẵn. Nhất là tòa án không hề tuân thủ hiến pháp và tiến trình tố tụng ở tòa án. Họ cấm tiệt người thân trong gia đình vào tòa xem diễn tiến dự án.
Ở Việt Nam không hề có tam quyền phân lập. Đất nước này do duy nhất Đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền, không đảng phái đối lập nào được quyền hình thành nên Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp đều do đảng lãnh đạo. Tư – Lập – Hành pháp đều ở dưới sự chỉ đạo dẫn dắt của Đảng cộng sản Việt Nam. Công an tấn công Đồng Tâm, tòa án xử vụ Đồng Tâm, viện kiểm sát đều ở dưới sự hướng dẫn sát sao của các ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Như vậy, có thể xác tín mạng sống của ông Hiểu giờ đây lành ít dữ nhiều. Đảng cộng sản Việt Nam luôn nhắm đạt cho được mục đích bất kể sử dụng phương tiện nào. Thủ tiêu, giam tù, tuyên án vô căn cứ vu khống biến dân lành thành kẻ khủng bố hoặc địa chủ mới rất dễ. Chỉ cần đảng muốn thì ngay một đêm cũng hóa thành liệt sĩ như thường. Trong khi đối với những liệt sĩ xứng đáng nhất cũng mất hàng tháng, hàng năm trời mới được nhà nước công nhận. Chẳng hạn anh hùng Trần Văn Phương hy sinh ở đảo Gạc Ma ngày 14/03/1988 và cả 10 tháng sau anh mới được thăng hàm vượt cấp, truy phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (3). Riêng 3 công an viên chết ở Đồng Tâm chỉ mấy ngày sau đã được phong hàm vượt cấp và cả huân chương chiến công hạng nhất (4).
Nó đủ cho thấy đối với Đảng cộng sản Việt Nam, công trạng đàn áp, giết chóc người dân quan trọng hơn cả công trạng gìn giữ biên giới biển đảo, bảo vệ đất nước. Như thế, hiển nhiên công an là lực lượng đối kháng trực tiếp với người dân, là cánh tay phải của đảng nhắm đàn áp, tiêu diệt nhân dân và chính người dân mới là kẻ thù của đảng. Đúng như André Menras, nhà làm phim người Pháp từng về Đồng Tâm dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân, nhận định : "Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù" (5).
Xét kỹ Hiến pháp và luật đất đai Việt Nam cũng đủ nói lên uy quyền tự do quản lý và tự do thao túng quy hoạch, lấn chiếm theo ý đảng chứ dân chỉ là con rối để đảng cho ăn bánh vẽ. Người dân không hề có tí quyền sở hữu tư riêng nào ở đây trong những câu văn luật đầy dẫy tính hàm hồ và ngụy biện.
Điều 4, Luật Đất đai 2013 quy định : "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này" (6). Sao hay vậy ta ? Toàn dân là chủ sở hữu nhưng lại cần nhà nước trao quyền mới được phép sử dụng, chỉ sử dụng thôi nhé. Còn lại là của toàn dân mà, nhưng toàn dân bị trói tay bịt miệng gật gù trước những chủ nhân ông thực thụ là Đảng cộng sản Việt Nam. Họ toàn quyền hô biến hoặc phù phép cho đất công thành đất tư trong vòng nửa nốt nhạc.
Hãy xem những vụ án oan sai về đất đai, cưỡng chế thi hành án mà phần lợi luôn thuộc về nhà nước. Hàng chục ngàn người dân vẫn màn trời chiếu đất trước Tết Nguyên Đán như vườn rau Lộc Hưng ; vẫn mất mạng vì 59 ha đất đồng Sênh trồng lúa qua ngày ; hình ảnh những người dân quê vác đơn quỳ bên đường chờ dâng lên đại biểu quốc hội hoặc chính họ "được" công an ẵm lên xe buýt tống trở lại nơi cư trú. Cán bộ tham nhũng hàng ngàn tỷ vẫn thong dong vì hết thời hiệu, dân giữ có rẻo đất cỏn con lại hy sinh đến 3 mạng công an viên để chiếm cho bằng được.
Ai lên tiếng cho công bằng, công lý đều vào tù không lý do, giam giữ tùy tiện với những nguyên cớ chỉ có bộ công an mới hiểu được ; những Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trần Bá Phương, Trần Bá Tư… Nhân dân có thực sự là sở hữu chủ đất đai không vậy ? Hãy nhìn vào các cán bộ giàu có, những tướng tá công an, quân đội là giai cấp đại gia ăn mặc sang chảnh trong thời xã hội chủ nghĩa vô sản này ; những biệt phủ, biệt thự sang trọng của cán bộ nhà nước sẽ hiểu được công trạng bóc lột của những công bộc của thời đại mặt trời tỏa sáng trên đầu Việt Nam hiện nay.
Điều 53 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" (7). Túi tiền dân tộc Việt Nam đều do Đảng cộng sản Việt Nam ất kiểm soát, quyền sở hữu toàn dân là đá trái banh trách nhiệm cho nhân dân, chứ thực tế đảng muốn giải tỏa, muốn ban đất đai cho ban – bộ - nghành nào là quyền của đảng.
Dân không có quyền tư hữu, chỉ có đảng viên mới có độc quyền này. Luật hoặc hiến pháp chỉ là lời quảng cáo xôm tụ ra thế giới. Dân đen bán mặt cho đất bán lưng cho trời hiểu rõ giá trị đồng tiền ; họ chỉ biết cười mếu trước lập luận của những cán bộ tự cho mình là liêm chính, các cán bộ này một tay che trời khi tuyên bố rằng vợ chồng con cái họ ngày lo việc nước, đêm chỉ biết nuôi heo, chạy xe ôm, gia tăng sản xuất tự kiếm tiền xây biệt phủ chứ họ không hề có tham lam của công chi hết.
Vụ Đồng Tâm cũng thế, thật là oan ức cho bộ công an, họ chỉ biết làm theo luật gìn giữ cho quân đội xây tường, chứ thật lòng họ đâu muốn giết dân. Chẳng qua do điêu dân Lê Đình Kình, già tám mấy tuổi vẫn khỏe như vâm, cầm lựu đạn chạy lung tung khiến họ khó xử mà phải bắn hạ thôi.
Theo lập luận của bộ công an tự khi giết được cụ Kình cho đến nay đã qua nhiều lần chỉnh sửa cho hợp hoàn cảnh. Ta có thể suy ra rằng hoặc ông cụ già Kình tựa thanh niên, chạy từ cánh đồng Sênh cách nhà 3 kí lô mét để tấn công lực lượng công an, đang dàn quân bảo vệ xây tường Miếu Môn. Gây sự khiến công an phải tự vệ… Hoặc lý giải công an không làm gì cả, mà anh Chức, anh Công vác dao đâm, xô xuống hố, thong thả đổ xăng đốt nhiều lần và còn nói như báo đảng tường thuật : "thơm quá". Hoặc lý giải vì ông Kình cầm lựu đạn nên công an tự vệ bắn từ phía sau lưng ông cụ…
Vậy thì trường hợp ông Hiểu có cầm lựu đạn đâu ? ông già 77 tuổi Bùi Viết Hiểu có là mối nguy hiểm đến mức công an phải bắn trọng thương ông Hiểu hay không ? Nửa đêm không có lệnh khám nhà, chẳng có lý do gì ập vào nhà dân lúc rạng sáng để rồi lại thanh minh thanh nga do dân, vì dân và tại dân mà ra cả. Vâng, tội ác giết người chỉ có đảng biết, trời biết, đất biết… mà nay vẫn còn ông Hiểu biết, nên nguy cơ ông Hiểu bị giết để bịt đầu mối là rất cao.
Giữa đêm 3 ngàn công an dám tấn công vào nhà dân như thế, lấy gì bảo đảm họ không dám thủ tiêu ông Hiểu lần nữa hoặc lần thứ "n" để che giấu tội lỗi cho bằng được ? Ông Hiểu bị bắn bởi công an, ông bị điều tra bởi công an, ông bị giam giữ trong trại giam do công an quản lý. Lấy gì làm tin nếu ông Hiểu chết bất đắc kỳ tử trong trại giam với biết bao lý do : tự thắt cổ, tự sát bằng dao rọc giấy, tự uống thuốc đột quỵ, tự làm bầm tím cơ thể và tự làm mình dừng thở vân vân và vân vân. Hoặc có thể ông tự mình làm lủng hoành tá tràng bằng mấy phát đạn như khi ông ở cùng phòng với cụ Kình cũng nên.
Bộ luật hình sự năm 2015, điều 40 quy định : không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên (8). Nhưng khi tấn công vào nhà cụ Lê Đình Kình, công an vẫn bắn thẳng tim cụ già, và bắn luôn ông Bùi Viết Hiểu 77 tuổi, tay không nắm hung khí nào. Những người cao tuổi thuộc diện dễ bị tổn thương, yếu sức không thể tấn công ai, không thể gây nguy hại cho ai. Tại sao kẻ thủ ác đã giết cụ Kình vẫn cố tình bắn luôn cả ông Hiểu ? Nó rõ ràng là âm mưu thủ tiêu nhân chứng.
Chúng ta đều hiểu rõ ràng theo pháp luật Việt Nam hiện tại : Nếu muốn tấn công vào nhà người dân như ở Đồng Tâm, công an phải có đầy đủ bằng chứng hợp lệ và đúng tiêu chuẩn về việc đối phương có tàng trữ vũ khí từ trước, bắt cóc con tin hay lý do gây nguy hại nào đó ghê gớm. Ở đây, giữa đêm khi dân lành ngủ say, họ đã nổ súng tấn công không khác gì Tàu lạ đã bất thình lình nổ súng vào các chiến sĩ ở đảo Gạc Ma năm 1988. Không cảnh báo, không tuyên chiến, không chơi đẹp cho đối phương biết trước mà chỉ là đánh lén. Và khi đánh lén như thế, dân không biết ai lại ai, ngỡ rằng kẻ cướp nên họ tự vệ là chính đáng.
Một lực lượng hùng haậu, đầy đủ khí giới, có áo giáp có súng giảm thanh và cả chó nghiệp vụ chỉ để tấn công những người dân tay không vũ khí, hoặc có tấc sắt chỉ là cây gậy inox dùng để chống đi lại ; hoặc tay không mà vẫn bị bắn như ông Hiểu. Thế giới sẽ đánh giá thế nào về lực lượng này. Người dân có xúc cảm gì với bộ công an xem nhân dân như kẻ thù này ? Cộng thêm biết bao luận chứng hở sườn cách thô bỉ như ta đã thấy xuyên suốt tiến trình vụ án Đồng Tâm.
Trong giai đoạn này, nếu ông Hiểu chết trong trại giam của công an thì chỉ có một lời giải đáp duy nhất là ông bị thủ tiêu bịt miệng, giết người diệt khẩu, sát nhân loại bỏ nhân chứng chứ chẳng có lý do nào khác. Người dân cả nước và thế giới đang chờ xem động tĩnh từ phía công an. Có lẽ bộ công an với thành tích giết dân chẳng ghê tay và đã được đảng bao che thoát bao tội sát nhân kể từ khi cộng sản nắm quyền đến nay, họ sẽ tìm một phương thế êm thắm để ông Hiểu ra đi vĩnh viễn. Nhưng hoàng thiên hữu nhãn. Hồn thiêng cụ Kình vẫn còn sống mãi với dãy Trường Sơn tinh thần trên quê hương đất nước. Thêm một sự hy sinh của ông Hiểu chỉ làm gia tăng thêm tội lỗi cho Đảng cộng sản Việt Nam và giúp chất chứa nỗi căm phẫn trong lòng con dân đất Việt và sẽ có lúc biến thành hành động.
Chúng ta hãy cùng dõi theo người nhân chứng này nhé.
Hoàng Hoành Sơn
Nguồn : VOA, 30/09/2020
Tài liệu tham khảo :
(1) https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/09/08/1458-don-yeu-cau-khan-cap-ve-vu-an-dong-tam/
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54067925
(3) http://cand.com.vn/van-hoa/Khanh-Hoa-dat-ten-duong-hai-Anh-hung-liet-si-hy-sinh-tren-dao-Gac-Ma-598869/
(5) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54113726
(6) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bat-dong-san/Luat-dat-dai-2013-215836.aspx
(7) https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx ?itemid=28814
**********************
Quan ngại về khẩu súng Đức MP5 dùng trong vụ sát hại cụ Lê Đình Kình
Giang Nguyễn, RFA, 28/09/2020
Tờ nhật báo Đức, TAZ, ngày 15/9 đưa tin trên báo mạng cũng như báo in về bản án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, hai anh em chịu mức án nặng nhất trong 29 người bị xét xử trong vụ lực lượng cảnh sát tấn công dân xã Đồng Tâm. Đặc biệt, bài báo TAZ đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của khẩu súng dùng để giết cụ Lê Đình Kình, cha của ông Công và Chức, trong phòng ngủ của ông rạng sáng ngày 9/1/2020.
Khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kinh ở Đồng Tâm sáng 9/1/2020 có nguồn gốc Đức
Tờ TAZ trích dẫn luật sư phát biểu tại phiên tòa rằng cụ Kình "đã bị sát hại bởi những phát súng từ súng tiểu liên loại MP5 của cảnh sát nhắm vào cụ. Điều này cũng đã được chứng minh bằng vỏ đạn từ hiện trường vụ án. Nhà sản xuất MP5 là công ty vũ khí Đức Heckler & Koch".
Ông Lê Trung Khoa, tổng biên tập của báo mạng ThờiBáo.de, từ Berlin cho biết :
"Sau khi tờ TAZ biết được thì họ đã hỏi hãng sản xuất đó tại sao lại bán cho Việt Nam, và nếu không bán thì tại sao Việt Nam có ? Thì hãng trả lời họ không hề bán một khẩu súng MP5 nào cho Việt Nam trực tiếp, vì Việt Nam là một nhà nước vi phạm nhân quyền và họ không được phép bán. Nhưng họ có công nhận rằng, họ có bán cho một số nước bản quyền để sản xuất MP5, nhưng với lý do chỉ được sản xuất cho nội địa thôi, không được xuất khẩu".
Theo tờ TAZ những khẩu súng MP5, có thể nhập vào Việt Nam từ quốc gia thứ ba một cách bất hợp pháp, vì trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Heckler & Koch được cho phép cấp bản quyền sản xuất súng MP5 cho 6 quốc gia.
Báo TAZ đặt câu hỏi với công ty Heckler & Koch, liệu súng MP5 nhập vào Việt Nam đã vi phạm bản quyền thỏa thuận của Đức với các quốc gia thứ ba. Phát ngôn nhân ông Marco Seliger trả lời rằng, "Giấy phép luôn phải tuân thủ theo các điều kiện đặc biệt do Chính phủ Liên bang Đức áp đặt, bao gồm lệnh cấm chuyển giao hoặc xuất khẩu". Giấy phép chỉ cho phép sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước mà thôi, không được phép xuất khẩu, bài báo nói tiếp.
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết :
"Tôi cũng tìm hiểu những thông tin của tổ chức chuyên thống kê về buôn bán vũ khí trên thế giới. Đặc biệt có tài liệu của Liên Hiệp Quốc, và tôi đưa lên tờ báo, thấy rằng Việt Nam từ những năm nhập lô đầu tiên đã nhập hơn 900 khẩu súng MP5 từ Đức. Tuy nhiên họ không nhập qua đường Đức, mà lại nhập qua đường Pakistan, hoặc qua đường Thổ Nhĩ Kỳ".
Qua những bài viết, Thoibao.de dẫn nguồn từ số liệu của cơ quan đăng ký vũ khí của Liên Hiệp Quốc (UNROCA) nêu rõ vào năm 2016 Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Việt Nam 915 khẩu súng MP5, phiên bản A3. Khẩu súng MP5 là súng tiểu liên 9 mm do Đức thiết kế vào thập niên 1960 bởi nhóm kỹ sư thuộc hãng Heckler & Koch của Tây Đức.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, liệu súng do Đức sản xuất đã được chuyển qua một quốc gia thứ ba sang Việt Nam, Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận điều này. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức qua điện thư gửi Đài Á Châu Tự Do nêu rõ :
"Chính phủ Liên bang theo đuổi chính sách xuất khẩu vũ khí hạn chế và có trách nhiệm. Chính phủ Liên bang quyết định việc cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho từng trường hợp, tùy theo tình hình tương ứng sau khi xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng chính sách an ninh và đối ngoại. [...] Trong quá trình ra quyết định, sự tôn trọng nhân quyền ở nước tiếp nhận đóng vai trò quan trọng. Nếu có đủ nghi vấn rằng vũ khí được giao bị sử dụng để trấn áp nội địa hoặc cho các hành vi vi phạm nhân quyền dài hạn và có hệ thống khác, thì việc cấp giấy phép trên cơ bản sẽ không được chấp thuận".
Bộ Ngoại giao Đức không bình luận về nguồn gốc của khẩu súng dùng để sát hại cụ Kình.
Tại phiên xét xử vụ án Đồng Tâm, nhân chứng, cũng là bị cáo, Ông Bùi Viết Hiểu xác minh về loại súng, khi ông nói người bắn đứng trước cụ Kình khoảng một mét, nòng súng "to như cổ tay", nhắm thẳng vào ngực cụ Kình.
Nhà báo Lê Trung Khoa nói thêm : "Không hiểu vì sao Việt Nam lại nhập được 1.000 khẩu súng MP5 với danh sách rõ ràng giấy trắng mực đen mà Liên Hiệp Quốc có thống kê. Ngoài ra con số súng mà không được thống kê, tôi nghĩ rằng còn gấp nhiều lần như thế. Cái đó phía Đức hoặc phía Châu Âu họ cũng phải tìm hiểu dần dần những thông tin đó từ đâu ra và số lượng thế nào về Việt Nam".
Nhiều người Việt tại Đức quan tâm vụ việc cho biết sau khi tờ báo TAZ đi tin, đã có rất nhiều người Đức quan sát tình hình Việt Nam tỏ vẻ bất bình và phản đối việc bán súng hoặc bán công nghệ để giết người cho những nước độc đảng như Việt Nam.
Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng hòa liên bang Đức, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, không riêng gì người Việt Nam tại Đức bức xúc trước hiện tượng này :
"Thứ nhất, nước Đức là nước pháp quyền. Mọi hành sự của chính phủ Đức dựa trên căn bản pháp lý. Thứ nhì, ngoài ra nước Đức còn là chế độ đa nguyên. Những việc làm của chính phủ Đức đều bị giám sát bởi các đảng đối lập. Cho đến bây giờ, Đảng Xanh, đại diện là bà Katja Keul, đã lên tiếng đầu tiên với tờ báo TAZ. Bà nói rằng, chính phủ Đức phải xem xét lại việc cấp phép, sản xuất súng Đức ngoài nước Đức, vì người ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được toàn bộ vũ khí sẽ được bán đi đâu. Khi báo chí đặt vấn đề, về khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kình do Đức sáng chế, có lẽ trong thời gian tới các đảng đối lập sẽ chất vấn chính phủ Đức về vấn đề này".
Bác sĩ Mỹ Lâm nói dư luận tại Đức vốn đã chú ý đến những vi phạm pháp luật từ phía chính phủ Việt Nam :
"Quan trọng không kém, là Đại tướng Công an Tô Lâm, là một nhân vật đang bị tòa án Đức truy tố trong việc chủ mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng 7 năm 2017. Bản án truy tố Tô Lâm còn nằm đó, nay Tô Lâm lại nhúng tay vào việc điều 3 ngàn cảnh sát cơ động trang bị vũ khí có nguồn gốc công nghệ của Đức, đặc biệt vũ khí được mua trái phép để giết hại người dân trong nước. Thì đây là một hành động tội ác của Tô Lâm đối với chính phủ Đức. Và quan hệ ngoại giao giữa Đức với Việt Nam vì cộng sản Việt Nam dùng vũ khí Đức, thì có thể đó là một lý do để chính phủ Đức mạnh miệng can thiệp vì lý do nhân đạo vào quá trình tố tụng tại Việt Nam, đặc biệt vào sự việc minh bạch và công bằng cho người dân Việt Nam. Và có thể họ đề nghị hủy án xử tử cho những người con Lê Đình Kình".
Tổng biên tập Thời Báo Lê Trung Khoa nói, sự kiện súng Đức dùng để sát hại một cụ già sẽ không phải là một trường hợp riêng lẻ dễ dàng mở rồi đóng.
"Sau vụ Đồng Tâm, họ phát hiện, hóa ra là trang thiết bị quân sự của Đức đã được trang bị cho cảnh sát cơ động và đã dùng lâu nay. Và không biết họ đã đàn áp bao nhiêu vụ, bắn chết bao nhiều người nữa".
Ông nói thêm :
"Cứ tưởng chừng thì nó là việc nhỏ, nó không lớn lắm với cả hơn 1.000 súng. Nó không phải là số lượng nhiều đối với cả số lượng súng nhập hàng ngày, hàng tháng về Việt Nam. Thế nhưng nó lại đánh dấu, Việt Nam làm vậy rõ ràng có một hình thức nhập khẩu và tiêu thụ súng đạn bất hợp pháp ... Và tôi biết được, có những cơ quan trách nhiệm, thậm chí cơ quan tình báo của Đức, của một số nước theo dõi. Với uy tín trên thị trường quốc tế, đầu tiên là Việt Nam sử dụng vũ lực để tấn công một cái làng trong đêm khi người dân đang ngủ là sai trái. Đồng thời dùng vũ khí mua lậu. Thì những người mua bán, nhũng công ty kinh doanh vũ khí sẽ dè chừng với Việt Nam. Tất nhiên nó sẽ làm suy yếu việc Việt Nam tiếp cận với những vũ khí hiện đại của phương Tây trong thời gian tới. Vụ này mới bắt đầu thôi, có thể vào Quốc Hội Đức, vào Hội Nghị Châu Âu".
Bs Hoàng Thị Mỹ Lâm cho biết Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Đức đang chuẩn bị một lá thư yêu cầu Bộ Ngoại giao Đức làm sáng tỏ vụ việc này. Đồng thời, Liên Hội đưa ra 5 yêu cầu đối với chính phủ Việt Nam. Thứ nhất yêu cầu tòa án Hà Nội phải xét xử minh bạch và công bằng ; tiếp đến phản đối việc tra tấn dã man các tù nhân, đặc biệt 15 người Đồng Tâm trong tù hiện nay ; phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức ; chính phủ phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định EVFTA ; thứ năm yêu cầu thực thi việc thực nghiệm hiện trường vụ án Đồng Tâm để xác định sự minh bạch và công bằng cho những người đang bị xử án.
Bà nói thêm rằng vụ Đồng Tâm là một vụ tranh chấp đất đai giữa nhà nước và dân. Việc tranh chấp đưa đến sự việc giết cụ già 84 tuổi và tử hình hai người con là vi phạm nhân đạo và nhân quyền được qui định theo EVFTA.
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 28/09/2020