Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Hiểm nguy đối với tù nhân chính trị"

Ngày 7/8/2020, buổi hội luận về chiến dịch Vận động cho Việt Nam do BPSOS tổ chức tại Thủ đô Hoa Kỳ bước sang ngày thứ 2 với 2 buổi hội đàm, thuyết trình sáng, chiều về tự do báo chí, truyền thông, internet và tù nhân lương tâm đã được nhiều giới chức trong chính phủ Mỹ, các nhà ngoại giao, các nghị sĩ và nhà báo Mỹ-Việt tham dự.

bpsos2

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó có trường hợp của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam với các hội viên như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Tuấn bị bắt giữ.

Trả lời câu hỏi về Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc VETO, cho biết Việt Nam bắt ông Phạm Chí Dũng liên quan đến những bài viết của ông về hiệp định tư do thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Ông nghĩ rằng sau ngày1/8 hiệp định này có hiệu lực, Liên Hiệp Châu Âu sẽ có nhiều dữ kiện thêm vào để can thiệp cho ông Dũng, và điều đó có liên quan đến hai ông Thụy, Tuấn.

------------------

Hiểm nguy đối với tù nhân chính trị

Nhà tù ở Việt Nam là một mối đe dọa thường trực đối với tất cả tù nhân. Riêng đối với những tù nhân chính trị – những người mà theo định nghĩa quốc tế là người bị chính quyền giam giữ vì động cơ chính trị chứ không phải theo luật pháp – thì hiểm nguy còn gia tăng hơn nữa bởi vì họ bị xem là kẻ thù của chính quyền. Khi bị xem là kẻ thù thì tù nhân chính trị sẽ phải đương đầu với cả một guồng máy đàn áp nhà nước dưới sự chỉ đạo của cơ quan an ninh, bao gồm công an địa phương, công an trại giam, viện kiểm sát và tòa án. Tất cả mọi cách đối phó với người tù chính trị đều phải được cơ quan an ninh cho phép thì mới được làm. Tình trạng độc tôn và thường là vô pháp này của cơ quan an ninh đã xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và nhân quyền của tù nhân chính trị. Trong khuôn khổ của bài tham luận hôm nay tôi xin đề cập đến 3 vấn đề chính và sau đó nêu ra một số đề nghị thay đổi.

Việc kết án những tù nhân chính trị

Chúng ta có thể dùng việc xử án những người bất đồng chính kiến làm thước đo cho việc tôn trọng nhân quyền ở tại một quốc gia. Việc xét xử công bằng và mức án tương xứng đối với những người bị chính quyền xem là đe dọa đến quyền lực của họ sẽ nói lên rằng chính quyền có tôn trọng luật pháp của mình và các cam kết về nhân quyền đối với quốc tế hay không. Tại Việt Nam, tòa án đã không đáp ứng được sự chờ đợi đối với cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý và khiến cho bất cứ phán quyết nào đối với các tù nhân chính trị cũng bị xem là bất công. Khi xem cáo trạng đối với những người bảo vệ nhân quyền, chúng tôi không biết hành vi thực sự nào của họ bị xem là có tội theo luật Việt Nam và luật quốc tế. Nếu có một hành vi bị xem là phạm pháp từ nhiều năm trước thì tại sao lúc đó họ không bị bắt ngay ?

Nếu hành vi gần nhất bị xem là phạm pháp thì tại sao tòa án lại không tạo cho họ cơ hội công bằng để phản bác lời cáo buộc ? Việc gom những cái gọi là tội đã gây nghi ngờ rằng việc bắt giam là một sự trả thù. Việc tạm giam quá thời hạn luật pháp qui định, việc ngăn cấm tiếp xúc với thân nhân và luật sư trong giai đoạn tiền xét xử, việc đưa ra ngày xử án ngắn hạn, việc tra tấn, việc ép cung hay mớm cung, việc cản trở luật sư tiếp cận hồ sơ và tù nhân, việc hù dọa và ngăn cản nhân chứng tham gia phiên xử, việc không cho tranh luận thấu đáo về chứng cứ phạm tội tại tòa, v.v… đã chỉ làm gia tăng cảm tưởng rằng an ninh ứng xử tùy tiện, kết quả của phiên xử đã được định sẵn và phiên xử không nhằm chứng minh sự thật mà chỉ có tính cách hình thức. Việc ngăn cản người tham dự phiên xử và các quan sát viên quốc tế cũng như cách chính quyền trả lời sai lệch với cơ quan quốc tế đã tăng thêm hoài nghi về tính chính đáng của phiên xử.

Tôi đơn cử trường hợp của luật gia Nguyễn Bắc Truyển. Ông bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế vào năm 2018 vì bị cho là tham gia Hội Anh em dân chủ. Tòa án đã không chứng minh được Hội Anh em Dân chủ đã có hoạt động nào để "lật đổ chính quyền nhân dân" như lời cáo buộc ngoại trừ lời của các giám định viên không dám ra tranh luận tại tòa. Việc đưa ông Truyển ra trừng phạt khi ông chỉ tham gia vài cuộc thảo luận trong buổi ban sơ của Hội Anh em Dân chủ vào năm 2013-2014 và sau đó không có hoạt động cụ thể nào khác đã cho thấy cách xử lý chọn lọc của an ninh Việt Nam. Lý do sâu xa hơn và rõ ràng hơn đã không được đưa ra, đó là việc ông có các hoạt động tích cực giúp cho nhiều tôn giáo bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong những tháng năm trước ngày bị bắt. Chính quyền đã không đưa ra lý do tôn giáo vì biết rằng tự do tôn giáo là vấn đề nhạy cảm với quốc tế. Và Hội Anh em Dân chủ đã chỉ được dùng như là một cái cớ để ngăn chặn công việc giúp đỡ cho tôn giáo của ông Truyển.

Cách đối xử của trại giam đối với tù nhân chính trị

Tất cả những tù nhân chính trị đều bị giam xa nhà mặc dù Bộ công an có những trại giam gần gia đình của họ hơn. Người ở Bắc thì bị chuyển vào Nam, người trong Nam thì bị chuyển ra Bắc. Mục đích là cắt đứt liên lạc xã hội của tù nhân. Nói chung, dù chính quyền phủ nhận việc có tù nhân chính trị nhưng trên thực tế những người tù chính trị vẫn bị giam giữ riêng và bị gọi là tù chính trị. Ở đây cụm từ "tù chính trị" được chính quyền dùng ở đây có nghĩa khác với "tù nhân chính trị" được định nghĩa ở trên và được hiểu như là người phạm tội chính trị, nghĩa là tôi chống lại Đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền.

Đối với an ninh Việt Nam, việc ngăn chặn thông tin đối với tù nhân được xem là quan tâm hàng đầu, dù là tin ra hay tin vào. Thông tin thu thập được trong cuộc thăm gặp, thư viết hay điện đàm về nhà đều được an ninh sử dụng để chống lại tù nhân hay kích động tù nhân khác chống lại một tù đang bị an ninh xem là nguy hiểm. Thông tin của người tù cho thân nhân về việc họ bị đánh đập hay đối xử vô nhân đạo đều bị kiểm duyệt. Tù nhân không có khả năng để tự bảo vệ vì làm đơn khiếu nại thì không được trả lời hay bị xem là có hạnh kiểm xấu và thân nhân không thể bảo vệ họ khi không có tin tức.

Tôi đơn cử trường hợp của tu sĩ Phật giáo Hòa hảo Bùi Văn Thâm. Ông Thâm bị tù vì đã cản trở các nhân viên công an ngăn cản trái pháp luật những tín đồ Phật giáo Hòa hảo đến tham dự lễ giỗ ở đạo tràng của ông vào năm 2017. Tòa cho rằng ông đánh công an dù người công an đó khai không bị ông Thâm đánh. Do đó ông Thâm không chấp nhận một bản án mà tòa không chứng minh được tội của ông. Năm 2018 ông Thâm bị tra tấn và biệt giam cùm chân 10 ngày vì không chấp nhận cưỡng bức lao động ở Trại giam Thạnh Hòa. Hiện nay ông Thâm bị giam ở Trại giam Xuyên Mộc. Từ tháng 10/2019 đến nay ông từ chối không mặc đồ tù, không nhận cơm trại cung cấp cho "phạm nhân" vì ông không xem mình là người phạm tội.

Do đó trại giam Xuyên Mộc đã không cho gia đình ông thăm gặp và cung cấp lương thực khi gặp mặt. Trong thời gian đại dịch Covid-19 có tháng ông không được viết thư, gọi điện thoại về nhà hay nhận thực phẩm tiếp tế hay tiền gửi qua đường bưu điện. Thử hỏi một người ăn chay trường như ông còn có sức để chịu được vào lâu nữa. Ròng rã trong hơn một năm rưỡi qua, gia đình ông đã làm đơn tố cáo việc tra tấn ở Trại giam Thạnh Hòa và gửi hết các cơ quan giám sát trại giam, từ Cục quản lý trại giam, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An và Bộ Công An nhưng bị các cơ quan này đùn đẩy tới lui vô trách nhiệm. Vụ này sẽ minh chứng rằng chính quyền đã dung dưỡng việc tra tấn dù Việt Nam đã tham gia Công ước Chống Tra tấn và sắp phê chuẩn Công ước số 105 về Cấm lao động Cưỡng bức của ILO.

Cách đối xử đối với gia đình tù nhân chính trị

Trong việc bảo vệ cho các tù nhân chính trị thì người thân của họ là khâu yếu thế nhất. Thường họ là đàn bà, là vợ, mẹ, chị hay em và thường không có kinh nghiệm trong việc đối phó với những đàn áp trong khi an ninh thì lại muốn dùng họ để lung lạc tinh thần của người tù. Trong thời gian ở tù thì số phận người tù đã an bài nhưng người thân của họ sẽ bước chân vào một cuộc phiêu lưu đầy gian khổ. Họ phải đứng mũi chịu sào khi không được chuẩn bị để nhận vai trò này. Họ muốn làm tối đa để bảo vệ người tù trong khi năng lực thì có hạn.

Làm sao để có tiền thăm nuôi hàng tháng, để chống lại những sách nhiễu và hăm dọa, để bảo vệ cho gia đình và để vận động cho người thân sớm được tự do là những mối lo có thể trở thành tâm bệnh. Không chỉ có thế, họ chịu những áp lực rất lớn của những người mang tiếng ủng hộ cho người tù, nhiều khi ít thông cảm và muốn biến người tù thành biểu tượng tranh đấu.

Ở đây tôi tránh không đơn cử bất cứ trường hợp nào vì tôi thấy tất cả những người thân của tù nhân chính trị đều là tấm gương của nghị lực, sự khiêm nhường và chịu đựng phi thường.

Tôi chỉ mong những người có lòng cần vô ngã để thông cảm nhiều hơn với phản ứng „khó hiểu" của thân nhân và giúp họ vô điều kiện.

Vài đề nghị

Mục sư Martin Luther King đã nói : "Sự bất công xảy ra ở một nơi sẽ là sự đe dọa cho công lý ở mọi nơi". Đây chính là lý do tại sao mà mọi người phải có bổn phận bảo vệ công lý, nhân quyền cho người Người Bảo vệ Nhân quyền vì họ là người giúp chúng ta giúp cho nhiều người khác, ngay cả trong thời gian bị tù. Tôi xin có một số đề nghị để nghe ý kiến và thảo luận :

1. Vận động loại bỏ và cải thiện những điều luật và cơ chế vi phạm nhân quyền đối với Người Bảo vệ Nhân quyền

2. Bảo trợ cho Người Bảo vệ Nhân quyền bị cầm tù và thân nhân một cách vô điều kiện

3. Thông báo với quốc tế những thông tin cập nhật về trường hợp nhận bảo trợ.

(Theo Vũ Quốc Dụng, veto ! Human Rights Defenders‘ Network)

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 09/08/2020

**********************

Hội luận BPSOS nói về Luật An ninh Mạng và tù nhân lương tâm tại Việt Nam

Giang Nguyễn, RFA, 07/08/2020

Chính quyền Việt Nam trong thời gian qua đã được "khuyến khích" gia tăng đàn áp vì cộng đồng quốc tế không can thiệp, không quan tâm, là nhận xét của ông Karl Horberg, nhân viên thâm niên của Freedom Now, một tổ chức nhân quyền đang can thiệp cho vài trường hợp Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam.

bpsos1

Hội luận về chủ đề "Luật An ninh Mạng và ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt, báo chí và internet".

Ông Horberg chia sẻ như trên tại Hội luận về chủ đề "Luật An ninh Mạng và ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt, báo chí và internet". Đây là buổi sinh hoạt tiếp nối chương trình được gọi là Ngày Vận Động cho Việt Nam của tổ chức Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS) năm nay, bắt đầu vào tuần qua và tiếp diễn qua mạng vào ngày 7/8.

Những diễn giả, gồm đại diện 2 văn phòng Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ John Cornyn và Marco Rubio, cũng như những nhà hoạt động cho quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam trong và ngoài nước. Tất cả đều lên án chính quyền Việt Nam dùng pháp luật để thắt chặt quyền tự do ngôn luận.

Ông Hoberg nói : "Chúng ta có thể khẳng định rằng việc hình sự hoá quá mức những hành vi đáng lý phải được bảo vệ, đã dung dưỡng một tình trạng đàn áp toàn diện của chính quyền. Các vụ bắt bớ đàn áp đã gia tăng đều đặn, kể từ khi Bộ Luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung, và từ khi Luật an ninh mạng mới có hiệu lực. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận được ít nhất 19 trường hợp bị giam giữ và 31 trường hợp bị kết án kể từ đầu tháng 1 đến ngày mùng 5 tháng 9 năm 2019. Đây là con số kết án cao nhất trong các năm gần đây".

Năm 2013, Việt Nam thông qua Nghị Định 72, cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để "chống nhà nước", Nghị định 174, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực internet. Luật An Ninh Mạng, có hiệu lực từ năm 2019, cấm soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin bị cho là chống nhà nước, và yêu cầu các công ty công nghệ như Google, Facebook phải lưu dữ liệu tại Việt Nam.

Theo ông Horberg, khi nói đến chính sách kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam, thì không thể bỏ qua sự đồng lõa của những công ty nói trên.

Trong khi chính quyền Hà Nội dùng quy định luật pháp để dập tắt những tiếng nói độc lập, thì họ thả lỏng để cho dư luận viên và côn đồ của Hội Cờ Đỏ đe dọa những ai chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Trương Minh Tam, luật gia và thành viên Liên minh chống tra tấn Việt Nam chia sẻ :

"Từ nhiều năm này, nhà nước Việt Nam lại dùng chính luật của mình để cho phép, thậm chí khuyến khích những kẻ quá khích, tự do làm và phát tán những thông tin giả mạo sai sự thật nhằm xúc phạm đến danh dự, uy tín của người khác. Chúng ta đã từng biết ở Việt Nam họ đã công khai cho phép thành lập những đội ngũ dư luận viên, hoặc là lúc trước chúng ta vừa nghe Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và mọi người nói tới Hội Cờ Đỏ, và đội ngũ tác chiến đội ngũ AK-47. Thì ở đây họ dùng đạo luật an ninh mạng cho phép họ can thiệp vào các hoạt động truyền đạt thông tin của người dân tới các cơ quan ngoại giao nước ngoài, thì họ dùng chính đạo luật này để khước từ cung cấp danh tính những người xúc phạm nhân phẩm của người khác.."..

Bà Bùi Thị Minh Hằng, nhà đấu tranh từ Việt Nam cũng trình bày về sự mâu thuẫn này từ phía chính quyền Việt Nam :

"Tất cả trang mạng ở Việt Nam, như đài báo có uy tính như BBC, VOA, RFA bị ngăn chặn đường link. Chúng tôi muốn đọc, và tất cả người dân muốn đọc, thì phải biết vượt tường lửa. Nhưng ở những trang như Hội Cờ Đỏ, như AK-47, thì họ sẵn sàng được nhà nước nới lỏng, bật đèn xanh, và để cho lan tràn trên mạng, từ đó họ dùng hệ thống truyền thông bẩn đó để bôi xấu, bôi nhọ và đánh phá, tất cả những tiếng nói hòng bịt miệng những tiếng nói lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam. Những cái trang này không bao giờ bị chặn".

bpsos3

Những thành viên của Hội Nhà báo độc lập đã bị bắt : các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và nhà báo tự do Phạm Thành

Các vị diễn giả, các nhà hoạt động Việt Nam cũng nói, cần phải tiếp tục áp lực lên chính phủ Hà Nội qua những bằng chứng cụ thể, đưa ra quốc tế về hành vi chà đạp nhân quyền.

Các vị diễn giả cho rằng những biện pháp như luật Magnitsky, những chế tài trên những cá nhân có tác động lớn để kiềm chế sự lộng hành của chính phủ, và họ cho rằng cộng đồng quốc tế cần nêu đích danh tên tuổi của những quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền :

Cũng theo ông Karl Horberg :

"Những biện pháp chế tài như luật Magnitsky và biện pháp khác đang được Liên Minh Châu Âu xem xét. Đây là một cách. Đã đến lúc những quan chức vi phạm đó cần bị nêu đích danh để họ bị cắt tài khoản ngân hàng của họ, không cho phép họ làm ăn gì nữa".

Một cách khác để đưa vấn đề vi phạm nhân quyền lên dư luận quốc tế là việc bảo trợ các tù nhân lương tâm.

Trong phần hai của buổi Hội luận, Dân biểu Alan Lowenthal từ California, cho biết ông đang nhận bảo trợ cho tù nhân trẻ Nguyễn Văn Hóa, từng là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do, đang bị giam tù với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước.

Và còn nhiều tù nhân lương tâm khác, như những thành viên của Hội Nhà báo độc lập, ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy, và ông Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Dũng bị bắt từ năm ngoái và ông Thụy vào tháng 5, ông Tuấn vào tháng 6 vừa qua, nhưng theo ông Ngô Thái Văn, đại diện hải ngoại của Hội, cho đến nay họ vẫn chưa đưa gặp luật sư và gia đình.

Hai nhân viên đại diện của hai văn phòng Thượng nghị sĩ Marco Rubio và John Cornyn ghi nhận và hứa sẽ theo dõi sự việc này.

bpsos4

Kết luận buổi hội luận, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành tổ chức Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền VETO ! đã tha thiết kêu gọi những ai quan tâm đến quyền tự do biểu đạt nói riêng và nhân quyền nói chung, hãy hổ trợ các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và các gia đình của họ :

"Cái cách mà những người ngoại nhà tù giúp hữu hiệu nhất, là chúng ta nhận sự bảo trợ đó, chúng ta cố gắng hết lòng với họ. Có những cái họ không thể vượt qua được, những khó khăn mà họ đang gặp phải. Chúng ta không trong hoàn cảnh đó, chúng ta nên thông cảm với họ. Nên lời kêu gọi của tôi lưu tâm đến số phận tù nhân chính trị… chúng ta nên giúp mà không đặt điều kiện để giúp đỡ cho họ như thế nào để vừa ý của chúng ta".

Giang Nam

Nguồn : RFA, 07/08/2020

Published in Diễn đàn

Cần phân biệt người đào tị, người tị nạn, và các cựu thuyền nhân không quy chế 

Vì ngày càng có thêm người Việt đến Thái Lan xin tị nạn, chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ một số vấn đề để tránh cho đồng bào những vấp váp và hụt hẫng không cần thiết.

daoti1

Thái Lan là đất tạm dung cho khoảng 6 nghìn người chạy thoát sự đàn áp ở quốc gia gốc và con số này ngày càng tăng. Họ được gọi là "người đào tị"

Quy chế "người đào tị" và quy chế "người tị nạn"

Thái Lan là đất tạm dung cho khoảng 6 nghìn người chạy thoát sự đàn áp ở quốc gia gốc và con số này ngày càng tăng. Họ được gọi là "người đào tị" (asylum seeker). Để được sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc, những người này phải ghi danh với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees, hay UNHCR). Sau cuộc sơ vấn, UNHCR cấp cho họ thẻ xác nhận tình trạng đào tị để sử dụng tạm trong khi chờ đợi cuộc phỏng vấn chính thức nhằm xác định tư cách "người tị nạn" (refugee). Chỉ những ai đã được công nhận là người tị nạn thì mới được cấp thẻ tị nạn bởi UNHCR và mới có cơ hội định cư ở một quốc gia thứ ba.

Những ai bị từ chối tư cách tị nạn có quyền kháng cáo. Nếu kháng cáo thành công, UNHCR sẽ lật ngược quyết định ban đầu và công nhận tư cách người tị nạn của đương đơn. Hồ sơ kháng cáo không thành công sẽ bị đóng lại và UNHCR ngưng bảo vệ cho đương đơn. Trong một số ít trường hợp hi hữu, UNHCR có thể mở lại một hồ sơ đã bị đóng để tái xét khi có thông tin hoặc diễn tiến mới.

Ở đây chúng tôi gọi chung tất cả những ai đến Thái Lan lánh nạn là "người lánh nạn", bao gồm những người đào tị, những người tị nạn và cả những người đã bị đóng hồ sơ xin tị nạn.

Các nhu cầu của người đào tị hoặc người tị nạn ở Thái Lan

Dựa trên kinh nghiệm hoạt động ở Thái Lan từ năm 2008 đến nay, chúng tôi phân loại 6 nhu cầu theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp như sau.

Cao nhất và cấp thiết nhất là an toàn cá nhân. Vì Thái Lan không ký Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho nên ngay cả những người đào tị và người tị nạn đang được UNHCR bảo vệ vẫn bị chính phủ Thái xem là thành phần di dân bất hợp pháp và có thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Những người bị bắt và đã bị giao cho Trại giam Di trú (Immigration Detention Center, hay IDC) thì sẽ bị giam vô hạn định, cho đến khi họ chấp nhận hồi hương hoặc, nếu đã được công nhận là người tị nạn, được một quốc gia thứ ba nhận định cư.

Kế đến là nhu cầu trợ giúp pháp lý để chuẩn bị cho cuộc sơ vấn và phỏng vấn của UNHCR. Được chuyển sang quy chế người tị nạn là mối quan tâm thường trực của những ai còn trong quy chế đào tị vì chỉ khi ấy mới được tiếp tục hưởng sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc, được trợ giúp phần nào về đời sống và y tế, và có triển vọng, dù mong manh, sẽ được định cư ở một quốc gia thứ ba.

Xếp hạng thứ ba là nhu cầu sinh kế. Vì bị xem là di dân bất hợp pháp, các người lánh nạn đều không được phép đi làm. Họ phải làm lậu và do đó không có nguồn sinh kế ổn định cho gia đình.

Kế đến là nhu cầu giáo dục cho trẻ em. Ở Thái Lan mọi trẻ em đều được đến trường. Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ em bị trục trặc giấy tờ hoặc gia đình không đủ khả năng tài chính cho phí vận chuyển mỗi ngày cho các em đến trường.

Kế đến là nhu cầu y tế khẩn cấp. Vì bị xem là di dân bất hợp pháp, người xin tị nạn ở Thái Lan không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế công cộng. Thậm chí nhiều bệnh viện và phòng mạch bác sĩ không chữa trị cho họ vì sợ phạm luật.

Cuối cùng, một số người xin tị nạn muốn tiếp tục lên tiếng cho những người còn ở lại, như là các thân nhân, các đồng đạo, các đồng hương tiếp tục bị bách hại ở trong nước.

Hoạt động của BPSOS-PSPF ở Thái Lan

Trước những nhu cầu kể trên, BPSOS phối hợp với tổ chức phi chính phủ Thái Lan là People Serving People Foundation (PSPF) để hỗ trợ cho những người đến Thái Lan xin tị nạn từ Việt Nam và từ một số quốc gia khác (Campuchia, Lào, Pakistan…). Văn phòng hỗn hợp này hiện có 12 nhân viên, được chia làm 3 toán.

1. Toán quản trị hồ sơ (Case Management Team) gồm 3 hân viên toàn thời do một luật sư kiêm cán sự xã hội người Thái quản lý. Ưu tiên của toán này là bảo vệ sự an toàn cho những người đào tị và người tị nạn. Khi được báo động có người vừa mới bị cảnh sát Thái bắt, toán này phối hợp ngay với UNHCR để vận động cảnh sát Thái trả tự do thay vì đưa đương sự vào Trại Giam Di Trú. Trong thời gian qua, toán này đã phối hợp với các tổ chức bạn để can thiệp cho các trẻ em và các bà mẹ được tại ngoại sau khi bị bắt giam. Toán này cũng lo tìm sự trợ giúp y tế cho những hoàn cảnh ngặt nghèo, giải quyết vần đề giáo dục cho trẻ em, phiên dịch cho những ai không rành tiếng Anh hay tiếng Thái…

2. Toán pháp lý, có tên là Center for Asylum Protection (CAP), gồm 3 luật sư toàn thời dưới sự quản lý từ xa của một cựu thẩm phán và cũng là cựu cố vấn trưởng Sở Di Trú Hoa Kỳ. Toán pháp lý hướng dẫn cho các người đào tị chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn với UNHCR. Khi cần thiết, luật sư còn giúp họ soạn lời khai để nộp cho UNHCR trước cuộc phỏng vấn. Luật sư của CAP thường tham dự các cuộc phỏng vấn của UNHCR để bảo đảm rằng giới chức phỏng vấn không bỏ qua các tình tiết quan trọng. Trong một số trường hợp hãn hữu, toán CAP giúp tìm quốc gia định cư cho những người đã có quy chế tị nạn và đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo hay hiểm nguy. BPSOS-PSPF đang tuyển thêm 1 luật sư người Thái để chuyên đối tác với chính phủ Thái vì UNHCR đang trong tiến trình bàn giao thủ tục cứu xét quy chế tị nạn cho Sở Di Trú Thái.

3. Toán phát triển xã hội dân sự (Civil Society Development -CSD), gồm 3 nhân viên toàn thời tập trung vào các lĩnh vực : tìm các khoản trợ cấp khẩn cấp cho một số trường hợp hội đủ tiêu chí của những tổ chức cấp ngân khoản, kết nối một số hồ sơ dễ bị tổn thương với các mạnh thường quân ở hải ngoại, huấn luyện kỹ năng tương thân tương trợ cho các nhóm lánh nạn, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc với các phái đoàn quốc tế để chia sẻ về hiện tình ở Việt Nam…

Nguyên tắc hoạt động

Là một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, chúng tôi hành xử dựa trên những quy tắc rõ rệt. Trước hết là quy tắc bảo mật thông tin. Chúng tôi không bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân của những người nhận sự trợ giúp của chúng tôi. Nếu có ai tuyên bố rằng họ có thể lấy thông tin từ BPSOS về những hồ sơ của người lánh nạn thì đó là sai sự thật.

Chúng tôi không thiên vị. Sự trợ giúp của chúng tôi được cứu xét dựa theo nhu cầu của từng cá nhân hoặc gia đình đối chiếu với các ưu tiên theo thứ tự kể trên. Chúng tôi hiểu rằng trong cộng đồng người lánh nạn có những nhóm có thể mâu thuẫn với nhau; chúng tôi tuyệt nhiên không đứng về nhóm nào, và cũng tuyệt nhiên không lôi kéo bất kỳ ai.

Quy tắc thứ ba là chúng tôi không có người "gác cổng", nghĩa là không một ai có thẩm quyền ngăn cản sự tiếp cận của bất kỳ ai muốn yêu cầu sự trợ giúp của chúng tôi.

Quy tắc thứ tư là chúng tôi hành động theo lương tâm và tinh thần trách nhiệm của chính mình chứ không do sự chi phối của áp lực từ bên ngoài.

Những cựu thuyền nhân Việt Nam

Ở Thái Lan, ngoài các người Việt lánh nạn còn có một số cựu thuyền nhân, gồm 2 thành phần. Thành phần thứ nhất gồm một số rất ít đồng bào đã đến Thái Lan trước năm 1992 và đã bị đóng hồ sơ tị nạn từ dạo ấy ; năm 1996 họ trốn thoát cưỡng bức hồi hương và ở lại Thái Lan cho đến giờ. Vì đã rời khỏi Việt Nam từ lâu, họ không thể dẫn chứng diễn tiến nào mới làm lý do để yêu cầu UNHCR mở lại hồ sơ xin tị nạn. Họ bị xem là thành phần không quy chế. Triển vọng duy nhất của họ là sống bất hợp pháp vô thời hạn ở Thái Lan. Năm 2012, chính phủ Canada ký Thỏa Thuận Thư (Memorandum of Onderstanding - MOU) với Liên Hội Người Việt Canada để mở chương trình ngắn hạn dành riêng cho những người như vậy. Vì lý do nào đó, một số người hội đủ điều kiện vẫn còn sót ở Thái Lan. Tuy hoàn cảnh của những đồng bào này đáng thương tâm, họ không bị nguy hiểm cận kề như nhiều người vừa chạy sang Thái Lan lánh nạn. BPSOS-PSPF đang dồn nguồn lực có hạn để can thiệp và bảo vệ cho những người xin tị nạn này, cho nên thành phần cựu thuyền nhân như kể trên không là đối tượng phục vụ của chúng tôi. 

Thành phần thứ hai gồm những cựu thuyền nhân đã hồi hương nhưng sau này quay trở lại Thái Lan. Họ không nằm trong tiêu chuẩn của Thỏa Thuận Thư năm 2012 kể trên của chính phủ Canada vì đã từng hồi hương. Ngược lại, ngay khi mới trở lại Thái Lan họ có thể nộp đơn theo thủ tục của UNHCR để xin cứu xét tư cách tị nạn. Nếu những người này đến với chúng tôi, họ sẽ được cư xử y như tất cả những người xin tị nạn khác.

Nguồn : machsongmedia.com, 30/06/2019

Published in Diễn đàn

Hôm 27/03/2018, BPSOS công bố tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" bằng tiếng Anh. Tập hồ sơ này cùng với 2 phụ đính, là 2 bản báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai, đã được tải lên trang mạng dvov.org. Chúng tôi mong rằng các tài liệu này sẽ hữu ích cho công cuộc vận động bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam nói chung và cho các giáo xứ Công giáo đang là mục tiêu tấn công bởi các Hội Cờ Đỏ nói riêng.

Các thời điểm quan trọng

Công bố tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" lúc này có tác dụng chuẩn bị cho 3 sự kiện sắp đến :

(1) Hội nghị Thượng đỉnh đánh dấu 20 năm hoạt động của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) trong tháng 4 ;

(2) Cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam vào tháng 5 tại thủ đô Hoa Kỳ ;

(3) Buổi kiểm điểm định kỳ đối với Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về Quyền dân sự vá chính trị (ICCPR) vào tháng 7 tại Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi, và chúng ta cùng nhau, sẽ vận động để đưa hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" vào nội dung của các sự kiện này. Song song, chúng tôi, và chúng ta cùng nhau, sẽ vận động để "Hội Cờ Đỏ" được đưa vào các bản phúc trình về nhân quyền và về tự do tôn giáo quốc tế, sẽ được công bố vào tháng 5 và tháng 6, cũng như bản phúc trình của Ủy hội USCIRF, sẽ được công bố vào tháng 5.

bpsos1

Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế và hồ sơ "Hội Cờ Đỏ", Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 27/03/2018 (ảnh BPSOS)

Cách nào để vận động ?

Chúng tôi đã phổ biến tập hồ sơ này đến nhiều trăm tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự ở trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đến khoảng một chục tòa đại sứ ở Hà Nội của các quốc gia dân chủ.

Những người ở Việt Nam, nếu có dịp tiếp xúc với các nhân viên tòa đại sứ hay các phái đoàn ngoại quốc, cũng xin tùy nghi sử dụng các tài liệu này và kêu gọi họ đặt vấn đề trực tiếp với chính quyền Việt Nam : Report on Red Flag Association : An emerging threat to Catholic communities in Vietnam.

Phụ đính 1 -- Báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc : Vietnam Continued to Persecute Catholics in Nghe An Province in 2017.

Phụ đính 2 -- Báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Kẻ Gai : Individual Complaints and Model Questionnaire of the UN Special Rapporteur on Freedom of Religion or Belief.

Các tổ chức của người Việt ở hải ngoại cũng thế. Xin tùy nghi sử dụng các tài liệu kể trên trong quốc tế vận.

Nội dung vận động

Khi ký kết một công ước quốc tế về nhân quyền, quốc gia thành viên cam kết 2 điều :

(1) Tôn trọng, nghĩa là tự mình không vi phạm nhân quyền của người dân ;

(2) Bảo vệ, nghĩa là phải ngăn chặn và trừng phạt thành phần thứ 3 vi phạm nhân quyền của người dân.

Trách nhiệm bảo vệ quan trọng không kém trách nhiệm tôn trọng. Bởi vậy, khi một chế độ, vì muốn tránh tiếng, nên mượn tay của thành phần ngoài chính quyền để đàn áp dân của mình thì vẫn là vi phạm.

Thực ra làm vậy là hạ sách. Nó cho chúng ta bước đệm thuận tiện hơn để vận động quốc tế can thiệp. Chẳng hạn, chúng tôi đề nghị chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu nhà nước Việt Nam điều tra các cáo buộc về Hội Cờ Đỏ và truy tố thủ phạm theo đúng luật quốc gia, và có câu trả lời tại buổi đối thoại nhân quyền vào tháng 5 tới đây.

Nếu phía Việt Nam có thái độ bao che thì phía Hoa Kỳ tự động sẽ nhìn ra. Đó là chứng cứ để chúng tôi đảy tiếp bước chế tài cá nhân các giới chức liên luỵ theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, hoặc chế tài tập thể bằng sự chỉ định CPC (quốc gia đặc biệt quan tâm) đối với chế độ ở Việt Nam. Tôi đề nghị người Việt ở trong và ngoài nước hãy dùng "Hội Cờ Đỏ" làm bước đệm cho công cuộc quốc tế vận. Đi 2 bước ngắn dễ hơn là tiến 1 bước dài.

Không ngưng ở đây

Hoàn tất tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" không có nghĩa là xong việc. Chúng tôi tiếp tục cập nhật tập hồ sơ này mỗi khi có sự việc gì mới xảy ra. Do đó, chúng tôi kêu gọi đồng bào ở trong nước giúp theo dõi thật sát mọi hoạt động của các thành viên Hội Cờ Đỏ và gửi cho chúng tôi thông tin cập nhật mỗi khi họ có hành động mang tính cách hăm doạ, bách hại hay khủng bố. Xin gửi thông tin đến địa chỉ email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

Đồng thời, chúng tôi mong rằng tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ", kể cả 2 phụ đính, sẽ được nhiều người, nhiều nhóm, nhiều tổ chức dùng làm tài liệu mẫu để thực hiện các hồ sơ tương tự. Ở đây có 2 loại hồ sơ : (1) Báo cáo sự kiện ; (2) tường trình tình trạng.

Báo cáo sự kiện tập trung vào một vụ đàn áp nhân quyền cụ thể, bao gồm thông tin chi tiết về diễn tiến, thủ phạm, và nhân chứng cùng với hình ảnh và tài liệu làm chứng cứ, chứng từ. Hai phụ đính về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và nhắm vào Giáo xứ Kẻ Gai là ví dụ cho loại báo cáo sự kiện.

Tường trình tình trạng là hồ sơ mô tả tổng quát tình trạng đàn áp nhân quyền, phân tích căn nguyên và trình bày hậu quả. Tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ mà chúng tôi công bố ngày hôm qua là một ví dụ. Nó trình bày lai lịch của các Hội Cờ Đỏ, chủ trương và phương cách hoạt động của họ, cũng như thái độ của chính quyền đối với họ và đối với nạn nhân của họ.

Khả năng thực hiện 2 loại báo cáo vi phạm nhân quyền này sẽ giúp cho người dân ở trong nước, với sự hỗ trợ của đồng bào của họ ở hải ngoại, đối phó một cách hiệu quả và nhanh chóng đối với mọi nhân tố đàn áp, kể cả đến từ chính quyền hay đến từ các thành phần được chính quyền mượn tay. Khi mà nhất nhất các vi phạm cam kết quốc tế về nhân quyền đều bị báo cáo, thì chế độ sẽ khó hứa một đằng nhưng làm một nẻo, còn chúng ta sẽ dễ hơn để vận động chế tài.

Để tiện cho người dân ở trong và ngoài nước mà không rành tiếng Anh, chúng tôi kêu gọi sự tiếp tay của những quý vị nào có thể giúp dịch 3 tài liệu kể trên sang tiếng Việt.

Mọi liên lạc với chúng tôi, xin gửi về Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

Ngày 28 tháng 3, 2018

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia, 28/03/2018

Bài liên quan :

Mối đe dọa mới nổi nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam"

Ngày 27 tháng 3, 2018

Hôm nay tổ chức BPSOS, qua Đề Án Tự Do Tôn Giáo, công bố tập tài liệu về "Hội Cờ Đỏ : Mối đe dọa mới nổi nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam".

Tại buổi họp với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Sáng nay, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, đã trao tập tài liệu này tận tay Đại Sứ Lưu Động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback.

Trong 18 trang, tài liệu này trình bày quá trình hình thành của các "Hội Cờ Đỏ" ở Tỉnh Nghệ An và lan dần ra Hà Nội và Tỉnh Đồng Nai.

"Các Hội Cờ Đỏ là một hiện tượng mới ở Việt Nam : nhân tố không thuộc chính quyền đang vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt là nhắm vào các cộng đồng Công giáo nào đặt vấn đề về cách chính quyền giải quyết thảm họa do Nhà Máy Gang Thép Formosa gây ra".

bpsos2

Buổi họp mặt Hội cờ đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017. Courtesy FB Thanh Niên Công Giáo

Tài liệu cho biết, trước đây công an Việt Nam thường dùng các thành phần xã hội đen hay thành viên của các đoàn thể ngoại vi của Đảng Cộng Sản để đàn áp tôn giáo và các người vận động cho nhân quyền. Khi bị quốc tế lên án, chính quyền Việt Nam biện bác rằng đấy là quần chúng tự phát.

Ngược lại, các thành viên Hội Cờ Đỏ đã khoe rằng họ có tổ chức, có chương trình hành động, và có sự phối hợp. Thậm chí, ngày 29 tháng 10 vừa qua, khoảng 700 thành viên thuộc nhiều Hội Cờ Đỏ đã tụ tập để ra mắt "Liên Minh Hội Cờ Đỏ" ngay sát cạnh nhà thờ Văn Thai, một giáo họ Công giáo ở Nghệ An mà đã nhiều lần bị các thành viên Hội Cờ Đỏ khủng bố tinh thần.

Bản báo cáo nhận định rằng, qua các hành vi và hoạt động của chúng, các Hội Cờ Đỏ cho thấy họ có 3 mục tiêu chính :

(1) Ngăn chặn nạn nhân của thảm họa môi sinh trong việc nộp đơn kiện hay biểu tình phản đối Nhà Máy Gang Thép Formosa ;

(2) Chia rẽ những người không Công giáo với các giáo dân Công giáo, và kêu gọi tảy chay việc giao thương với các làng Công giáo ;

(3) Hăm dọa các giáo dân bằng cách bôi bẩn các lãnh đạo tinh thần của họ, tấn công các người có uy tín trong cộng đồng của họ, và xâm phạm chỗ ở và nơi thờ phượng của họ.

Thành viên của các Hội Cờ đỏ đã lăng mạ các tu sĩ Công giáo, khủng bố tinh thần giáo dân, hành hung những người tham gia biểu tình đòi công lý, đập phá nhà ở và doanh nghiệp trong các xứ đạo, la ó và ném đá để gây xáo trộn các buổi lễ và sinh hoạt tại nhà thờ…

Bản báo cáo đưa ra 4 đề nghị cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và 2 đề nghị cho các định chế Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Phần phụ đính của tài liệu gồm 2 bản báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc của Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai.

bpsos3

Trang bìa của tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ

Ts. Thắng cho biết là BPSOS đã nhận được thông tin từ nhiều nguồn ở Việt Nam và hải ngoại.

"Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và mừng là đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều người để hình thành một cách nhanh chóng tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ", Ông nói.

Tập tài liệu này đã được tải lên trang dvov.org, trang mạng của BPSOS để đưa thông tin về Việt Nam đến với quốc tế : Red Flag Associations: An emerging threat to Catholic communities in Vietnam.

 

Nguồn : http://machsongmedia.com

Published in Diễn đàn
lundi, 05 février 2018 21:26

BPSOS lập Quỹ Công Lý

Dùng Tòa án Hoa Kỳ để đối phó các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam

.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch BPSOS

Ngày 5 tháng 2, 2018

Hôm nay BPSOS công bố Quỹ Công Lý, tiếng Anh là Legal Justice Fund, là quỹ pháp lý để đưa ra tòa án Hoa Kỳ các cá nhân và tổ chức đã hoặc đang làm công cụ cho chính sách đàn áp nhân quyền ở Việt Nam. Quỹ có vốn khởi đầu là 50.000 Mỹ kim, trong đó 30% là do BPSOS trích quỹ ứng trước, và phần còn lại do một số nhà hảo tâm cam kết đóng góp. Mục tiêu của BPSOS là nâng mức vốn này lên 100.000 Mỹ kim trong vòng 3 tháng.

"Mục đích của chúng tôi là giúp các nạn nhân của chế độ cộng sản nay đang ở Hoa Kỳ đòi công lý tại tòa án Hoa Kỳ", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, nói.

Trong năm qua, BPSOS đã chọn ra một số hồ sơ để bắt đầu nghiên cứu và hội ý với luật sư cho các vụ kiện sẽ khởi xướng trong năm 2018, mà đối tượng bao gồm :

- Một tổ chức và một số chức sắc tôn giáo quốc doanh làm công cụ cho chính sách đàn áp tôn giáo ;

- Một số công ty quốc doanh và tư nhân, và ngân hàng nhà nước làm công cụ hay phương tiện cho chính sách cướp đoạt tài sản của một cộng đồng giáo dân Công giáo ;

- Một số giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về hành vi tra tấn.

Càng tiếp cận cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thì chế độ ở Việt Nam càng phải chịu sự kềm tỏa của luật pháp Hoa Kỳ. Như vậy, Nghị Quyết 36 của Đảng cộng sản Việt Nam đang tạo cơ hội cho người Việt ở Hoa Kỳ bắt các thủ phạm và tòng phạm trả giá, trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, cho các vi phạm nhân quyền của chế độ ở Việt Nam. Đó là mục đích của Quỹ Công Lý.

"Khác với vận động Hành pháp và Lập pháp, vốn tùy thuộc nhiều vào sự hưởng ứng của các giới chức chính quyền, chỉ cần có luật sư đại diện là chúng tôi nắm chủ động trong các vụ kiện tại tòa án Hoa Kỳ", Tiến sĩ Thắng giải thích.

BPSOS thường được biết đến qua các cuộc vận động Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ và công cuộc quốc tế vận. Thực ra, trong hơn 20 năm qua BPSOS đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực Tư Pháp.

Từ năm 1995 đến giờ, BPSOS đã khởi xướng hay tham gia 13 vụ kiện, gồm 11 vụ ở Hoa Kỳ và 2 vụ ở ngoài Hoa Kỳ và đã thu về được trên 2 triệu Mỹ kim tiền bồi thường cho chính BPSOS hoặc cho các nạn nhân của chế độ. Các bị đơn bao gồm Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (2 lần), 3 công ty đa quốc gia, 2 công ty quốc doanh Việt Nam, một tổ chức Hoa Kỳ, một tờ báo Việt ngữ và một số cá nhân có hành vi phỉ báng. Gần đây nhất, năm 2016 BPSOS được bồi thường trên 150.000 Mỹ kim bởi một công ty năng lượng đa quốc gia.

"Chúng tôi trích một phần từ số tiền bồi thường này để lập Quỹ Công Lý và thực hiện ngay một số vụ kiện mà chúng tôi đã nghiên cứu trong năm qua", Tiến sĩ Thắng nói.

Quỹ Công Lý là một quỹ luân lưu – sau khi trích vốn để thực hiện một vụ kiện thì lập tức phải nâng trở lại mức 100.000 Mỹ kim để sẵn sàng cho vụ kiện kế tiếp. Quý đồng hương có thể đóng góp cho Quỹ Công Lý qua trang mạng https://www.bpsos.org  hoặc bằng cách gửi ngân phiếu đề cho "BPSOS/Quỹ Công Lý" và gửi về :

BPSOS/Quỹ Công Lý

6066 Leesburg Pike, Suite 100

Falls Church, VA 22041 USA

BPSOS tiếp tục tổ chức gây quỹ tài trợ cho những hoạt động quốc tế như bảo vệ nạn nhân buôn người và đồng bào tị nạn, can thiệp cho các tù nhân lương tâm, và xây dựng nội lực cho các cộng đồng người dân ở Việt Nam. BPSOS vẫn tiếp tục các cuộc vận động Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ. Quỹ Công Lý không thay thế những hoạt động và nỗ lực kể trên.

Nguồn : http://machsongmedia.com

Published in Diễn đàn