'Lịch sử sẽ không khoan dung với quyết định về Nhà thờ Bùi Chu'
Cố vấn của Ngân hàng Thế giới, Martin Rama chia sẻ quan điểm cá nhân với BBC News tiếng Việt rằng "lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu", trước hạn định 13/5.
Người thợ mộc làng Hai Giáp đang điêu khắc kèo chuẩn bị cho Nhà thờ Bùi Chu mới
Mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến quan ngại trước tin Nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất ở tỉnh Nam Định với 134 năm tuổi, do "xuống cấp" nên sẽ bị "hạ giải" theo cách dùng từ của giáo phận Bùi Chu, còn dư luận thì hiểu là "dỡ bỏ" vào ngày 13/5 để xây nhà thờ mới.
Những ngày này, việc chuẩn bị tháo dỡ Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu đang được tiến hành, và các thợ mộc làng Hai Giáp đang điêu khắc kèo chuẩn bị cho nhà thờ mới.
Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu xác nhận với BBC rằng "chương trình đại tu theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".
Ông cũng nói thêm : "Việc trùng tu nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó".
"Sửa đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được ?".
"Công việc của Giáo hội thì ai hiểu được thì hiểu. Một vài người không đồng tình thì có thể họ không hiểu công việc phải làm".
Tin mới nhất là Cục Di sản đề nghị kiểm tra việc xây lại nhà thờ Bùi Chu và đề xuất giải pháp bảo tồn nhà thờ chính tòa Bùi Chu.
Trong khi đó, kiến trúc sư Sơn Đặng, người có kinh nghiệm với công tác trùng tu di sản ở Mỹ và Nhật Bản, nói với BBC :
"Đã có thêm các nhóm kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn ghé Nhà thờ Bùi Chu để tiến hành khảo sát sơ bộ".
"Họ đưa ra kết luận : Nền móng của nhà thờ vẫn còn tốt, không có dấu hiệu sụt lún ; hệ khung cột gỗ lim kết cấu chính còn rất tốt ; mái ngói vỡ khiến cho hệ vì kèo gỗ nhiều chỗ thấm nước, cần thay thế những phần đã mục hỏng ; phần trần vôi rơm hai cánh cũng đã hỏng, cần làm mới hoàn toàn ; tường bao mục lớp ngoài, nhưng có thể chống thấm bằng các phương pháp thi công phổ biến. Nhìn chung việc trùng tu rất dễ dàng, không có gì trở ngại về mặt kỹ thuật và cũng không có gì quá tốn kém !".
'Coi trọng di sản'
Hôm 7/5, từ Washington D.C., ông Martin Rama, Cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói với BBC :
"Cuộc tranh luận về việc có nên giữ lại Nhà thờ Bùi Chu hay không thường được đóng khung về mặt lịch sử, tôn giáo hay kiến trúc. Nhưng cốt lõi là về kinh tế, về giá trị của di sản. Vì vậy, tôi sẽ diễn giải vụ này dưới góc độ nhà kinh tế".
Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) bắt đầu được xây dựng năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Một năm sau, nhà thờ khánh thành, với chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 m, tháp cao 35 m. Từ đó đến nay, công trình được tu sửa hai lần năm 1974 và 2000.
"Chúng ta không biết giá trị chính xác của di sản. Giống như thực phẩm hoặc quần áo, di sản ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, nhưng không có một thị trường nào có giá cho nó. Thường thì người ta đo lường về lượng doanh thu du lịch mà di sản có thể tạo ra. Nhưng di sản đáng giá hơn thế, bởi vì nó cũng là bản sắc, vẻ đẹp và niềm tự hào, chứ không chỉ là điểm du lịch".
"Những gì chúng ta biết là một quốc gia sẽ coi trọng di sản hơn khi người dân trở nên giàu có hơn. Khi các quốc gia tương đối nghèo, họ phải đối mặt với nhu cầu cấp bách và bị cám dỗ bởi các giải pháp thực dụng".
Lễ rước kiệu - Ảnh minh họa
"Cần tốn nhiều thời gian để nhận thức di sản đạt được hiệu quả. Ngay cả ở Châu Âu, nơi di sản ngày nay được bảo vệ rất tốt, các công trình đáng chú ý đã từng bị phá hủy thời thập niên 1960 và 1970".
"Tôi không nghi ngờ gì về việc Việt Nam sẽ là một quốc gia giàu có, và các thế hệ tương lai sẽ coi trọng di sản hơn thế hệ hiện tại. Sớm muộn gì trẻ em ngày nay cũng sẽ biết câu chuyện về Nhà thờ Bùi Chu. Và rồi chúng sẽ ngạc nhiên, thậm chí buồn bã, rằng thế hệ phụ huynh của chúng không yêu nhà thờ này đủ để cứu nó".
"Đây là lý do tại sao tôi viết rằng "lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu" trong thư ngỏ gửi Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu".
"Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng hai ngài dành thời gian trả lời thư của tôi. Tôi rất thông cảm với quyết định rất khó khăn mà họ phải đối mặt. Tôi cũng biết rằng họ vô cùng bận rộn trong những ngày này. Ngoài việc thực hiện tháo gỡ và xây lại nhà thờ, họ hiện đang phải đối mặt với các lượt thăm viếng và chất vấn. Tôi cảm thấy tiếc vì có thể mình đã thêm gánh nặng cho họ !".
"Hơn nữa, tôi tin rằng Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu cũng sẽ đau lòng khi thấy Nhà thờ Bùi Chu cũ trở thành cát bụi. Đây là cái nôi của Công giáo ở Việt Nam, một viên ngọc kiến trúc và là trụ cột tâm linh. Tôi nghi ngờ rằng việc phải đành lòng phá hủy nhà thờ theo kế hoạch cũng sẽ gây đau lòng cho chính họ".
"Trong nhiều năm, khi là chuyên gia của Ngân hàng Thế giới làm việc tại Hà Nội, tôi đã cố gắng giúp chính phủ đưa ra quyết định nhằm tối đa hóa giá trị cho đất nước. Trong vụ việc này, quyết định bảo tồn giá trị cho đất nước thuộc về các cha. Tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội gặp họ trực tiếp. Tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng và lòng biết ơn của tôi với họ vì đã xem lá thư của tôi".
Lễ Truyền dầu tại giáo phận Bùi Chu hôm 18/4 là một trong những buổi lễ cuối cùng trước khi nhà thờ được "đại tu" hôm 13/5
'Giải pháp thay thế'
Ông Martin Rama cũng cho biết thêm :
"Nhiều người có thể tán đồng với diễn giải của Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu. Nhưng có thể có những giải pháp thay thế tốt hơn là phá hủy công trình này".
"Tôi hiểu rằng chắc hẳn đã có lúc Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu nghiêm túc cân nhắc việc giữ lại tòa nhà thờ cũ và xây một nhà thờ mới cạnh bên. Nhưng tại thời điểm đó, giáo phận không đủ tiềm lực để có được khu đất cần thiết cho nhà thờ mới. Mọi thứ đã thay đổi. Đức cha và giáo dân không còn cô đơn nữa. Tôi tin rằng có thể huy động sự đóng góp tài chính cho nhà thờ mới".
"Các nhà kinh tế nghĩ về chi phí và lợi ích. Chi phí của nhà thờ mới sẽ thấp hơn, bởi vì xây một công trình trên khu đất trống sẽ ít tốn kém hơn so với việc phá hủy và xây lại nhà thờ trên cùng mảnh đất. Và lợi ích sẽ cao hơn, bởi vì giá trị di sản sẽ không bị mất đi. Nhà thờ cũ có thể được gia cố cho an toàn thông qua việc trùng tu, và nơi thờ phụng sẽ tăng gấp đôi".
"Chi phí cho việc này là dành để mua đất và trùng tu tòa nhà cũ, nhưng tôi tin rằng nhiều nguồn lực và thiện chí sẽ đem lại hiệu quả. Tôi đã chứng kiến sự nhiệt tình của các kiến trúc sư và chuyên gia yêu Nhà thờ Bùi Chu. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ tình nguyện trợ giúp. Tôi sẽ rất vui khi làm điều tương tự".
Tôi rất mong Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu truyền đạt đến giáo dân rằng nhiều người, ở Việt Nam và nước ngoài, quyết tâm giúp đỡ nếu giải pháp cuối cùng là chọn bảo tồn nhà thờ Bùi Chu xinh đẹp".
Trước đó, Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu được tờ Tiền Phong dẫn lời : "Việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu đã được chúng tôi lên kế hoạch cách đây 5 năm (năm 2014). Theo đó, hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu".
"Thời gian gần đây, xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội về việc đại tu nhà thờ. Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến của một số người "ngoại đạo". Đối với việc này chúng tôi sẽ tham khảo, song quyết định sửa chữa trùng tu, đại tu như thế nào cuối cùng vẫn thuộc về tu sĩ và giáo dân... Việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn, tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản… Kế hoạch hạ giải Nhà thờ Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 07/05/2019
********************
Chính quyền Việt Nam ‘vào cuộc’ vụ hạ giải nhà thờ Bùi Chu (VOA, 07/05/2019)
Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, vừa gửi văn bản đến Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định, yêu cầu cơ quan này "khẩn trương kiểm tra" và "đề xuất giải pháp" cho việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu trước ngày 6/5, sau khi dư luận phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu bảo tồn một trong những ngôi thánh đường lâu năm nhất Việt Nam.
Mặt tiền Nhà thờ chính tòa Bùi Chu.
Thông tin về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu đã thu hút sự chú ý của dư luận sau khi Giáo phận Bùi Chu thông báo cho giáo dân về kế hoạch hạ giải ngôi thánh đường 134 năm tuổi vào ngày 13/5 tới để làm nhà thờ mới.
Nhiều trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng đề nghị những người có trách nhiệm tìm cách giữ lại ngôi nhà thờ cổ mà họ cho là một trong những "di sản" kiến trúc và văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Bên trong nhà thờ Bùi Chu.
Trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong ngày 5/4, người đứng đầu Giáo phận Bùi Chu, Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, nói rằng kế hoạch đại tu nhà thờ Bùi Chu đã được lên kế hoạch từ 5 năm trước (năm 2014), và "hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận" về việc đại tu nhà thờ.
Ông cho biết ngôi thánh đường cổ đang đối diện với nguy cơ đổ sụp, mất an toàn, gây nguy hiểm cho tính mạng của giáo dân. Vì vậy, giáo phận phải ưu tiên "đảm bảo an toàn, tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản…".
Vẫn theo lời Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, trước khi đưa ra quyết định đại tu nhà thờ, giáo phận đã tham khảo nhiều nơi, trong đó có quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, và thấy rằng kinh phí trùng tu rất tốn kém.
Báo Tuổi Trẻ cho biết nhiều khu vực của nhà thờ đã bị xuống cấp, vôi vữa bong tróc ẩm thấp.
Trước đó, một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát nhà thờ Bùi Chu vào ngày 29 và 30/4, và kết luận rằng công trình "chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc nhưng kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm".
Nhóm kiến trúc sư trên cùng với hơn 20 kiến trúc sư khác sau đó đã ký đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét chỉ đạo tạm dừng việc "phá dỡ di sản" để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.
Theo lời Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu nói với báo Tiền Phong, một số phần của nhà thờ Bùi Chu được xây dựng chủ yếu từ cát vôi và mật, trần được làm bằng luồng rơm trộn vôi, cát nên "đã hết tuổi thọ", và giáo phận sẽ dựa vào ngôi nhà thờ cũ để đại tu "từ chi tiết nhỏ nhất", nên người dân không lo ngại về diện mạo mới của nhà thờ Bùi Chu.
Giáo phận Bùi Chu là nơi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển Công giáo Việt Nam. Ngôi nhà thờ chính tòa Bùi Chu được xây dựng dưới thời của Giám mục Wenceslao Onate Thuận và được khánh thành vào năm 1885, với lối kiến trúc kết hợp giữa phong cách Baroque của Châu Âu với văn hóa Á Đông, bao gồm nhiều chi tiết điêu khắc cầu kỳ, tinh xảo. Tuy nhiên cho đến nay, ngôi nhà thờ đã được cải tạo hai lần (vào năm 1974 và 2000) vẫn chưa được công nhận là một di sản văn hóa của Việt Nam.
Vào ngày 3/5, một nhóm có tên "Bảo vệ di sản Việt Nam" cũng đã gửi thư cho Giáo Hoàng Phanxicô xin ông "giải cứu" ngôi thánh đường mà theo họ là "không thể thay thế" này.
Một cựu tổng biên tập bình luận với BBC rằng việc quy hoạch báo chí "được thực hiện bằng quan điểm coi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng" trong lúc một thư ký tòa soạn bày tỏ quan ngại động thái này "thu hẹp quyền ngôn luận của người dân".
Nghề báo ở Việt Nam đang chịu nhiều thách thức trong lúc lượng người mua báo giấy ngày càng giảm
Làng báo Việt Nam đang xôn xao với chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Theo đó, đến hết năm 2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi thành phố có tối đa có 5 cơ quan báo in, đến năm 2025 "hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch".
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời : "Thủ tướng yêu cầu báo chí phải là tấm gương phản ánh xã hội, định hướng dư luận, tạo niềm tin trong công chúng ; không khai thác quá đà các tin xấu độc, làm xói mòn niềm tin xã hội. Đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông, mà cụ thể là của các đơn vị quản lý báo chí như Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử".
"Nhà nước sẽ tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực, trên cơ sở đặt hàng báo chí, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu".
'Công cụ tuyên truyền'
Nhà báo Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói với BBC hôm 9/4 : "Theo tôi, thực chất đây là một bản kế hoạch cắt giảm các cơ quan báo chí. Phần lớn các cơ quan báo chí trong nước được cấp ngân sách để làm báo".
"Chỉ một số ít các cơ quan báo chí hoạt động theo phương thức thị trường, tự bảo đảm ngân sách hoạt động, có tích lũy".
"Điều bất công là chính sách quản lý của nhà nước với các cơ quan báo chí chẳng những không xác lập được chuẩn mực đánh giá công bằng giữa những các cơ quan báo chí được nuôi hay tự sống, thì chính trong quy hoạch này số phận những tờ báo lớn theo nghĩa uy tín thị trường và quy mô thương mại của nó có thể không còn, nhất là các tờ báo ở Thành phố Hồ Chí Minh như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Kinh Tế Sài Gòn, Phụ Nữ."..
"Thu dọn những tờ báo tự sống được bằng tiền của người mua thì ý nghĩa của quy hoạch là gì ? Tôi không nghĩ đơn giản đó là tinh gọn bộ máy, cắt giảm ngân sách".
"Tôi muốn lưu ý rằng Thành phố Hồ Chí Minh có hẳn một nền công nghiệp báo chí lâu đời, ngay cả trong những năm tháng bao cấp vẫn tồn tại thị trường báo chí. Có lẽ trong cả nước chỉ có Sài Gòn là một thị trường báo chí gần như hoàn chỉnh, cả sản xuất và tiêu thụ".
"Vậy thì nhà nước muốn sắp xếp cái gì ? Dường như nhà nước không ngần ngại coi truyền thông đại chúng không phải là thị trường".
"Quy hoạch báo chí được thực hiện bằng quan điểm coi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng. Công cụ ấy có lúc hình như Đảng thấy sảy tay, cũng bị lợi ích nhóm chi phối. Lần này không chỉ tiếp tục lãnh đạo, trong nhiều trường hợp quy định luôn nội dung đưa tin, thì quy hoạch này giao cho Đảng trách nhiệm chủ báo, mà là chủ của một hệ thống báo lớn và giàu".
Nhà báo Tâm Chánh cũng lý giải thêm :
"Trong nền chính trị một đảng, dư luận xã hội là một công cụ sắc bén của quyền lực. Chính vì vậy trong thực tế, vị trí phụ trách báo chí là một nhân vật có tầm cỡ và có ảnh hưởng trong Đảng. Người đứng đầu Đảng hẳn nhiên không thể bỏ trống mặt trận dư luận này".
"Người đứng đầu chính phủ cũng tìm sự ảnh hưởng đặc biệt với công luận. Nắm giữ dư luận xã hội là một huyết mạch quyền lực của Đảng. Lần này Đảng nắm chặt công cụ đó".
"Có lẽ hiểu được ý chí ấy nên các cơ quan báo chí chọn cách "tranh thủ" vận động, góp ý riêng để tìm được lợi ích cao nhất cho tờ báo của họ. Được tí nào hay tí ấy, còn lại cam chịu như một định mệnh. Vì phải nói một cách thẳng thắn rằng, lĩnh vực báo chí là lĩnh vực quản lý mà các quy phạm của Đảng được sử dụng như một quy phạm pháp luật".
"Nhưng đó là nền báo chí công cụ của Đảng. Báo chí còn đảm đương trách nhiệm bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cho nhân dân. Cơ quan báo chí, tổng biên tập, và nhà báo chịu trách nhiệm luật định về việc này".
"Đó là chưa kể việc ra báo, một chuẩn mực thể hiện quyền tự do báo chí được diễn dịch thành quyền cấp phép của Nhà nước có thể là một cách biến các quyền tự do thành quyền treo trong hệ thống pháp luật".
"Theo tôi, nếu Luật Báo chí về sau được sửa để hiện thực hóá các quyền tự do thì tiến trình sắp xếp này sẽ có thể diễn ra cục diện báo do Đảng làm chủ sở hữu sẽ là hệ thống báo chí mạnh, nếu không nói là mạnh nhất. Nhà nước sẽ bán cho các doanh nghiệp, tập đoàn một số cơ quan báo chí có tiềm lực".
Trên thực tế, bài tính này đã từng được cân nhắc, tính toán nghiêm túc. Sự đầu tư vào thị trường truyền thông của các ông lớn đã diễn ra quanh co bằng chiêu bài hợp tác truyền thông và vụ án AVG nướng đến hai bộ trưởng, hai ông trùm hách nhất về quản lý báo chí, là một nhịp vấp vội vàng chứ không hẳn đã là một kết thúc".
"Trong một nền chính trị đơn nhất, công luận luôn là một công cụ chính yếu để biến hóa "nguồn vốn" chính sách thành thế, thành lực của quyền, của tiền".
"Tất nhiên bài ca 'con kiến kiện củ khoai' sẽ còn truyền nhau trong các đồng nghiệp báo chí để bắt đầu một thời kỳ phân rã không thể tránh khỏi trong các cơ quan báo chí".
"Cái mà rất nhiều lãnh đạo báo chí gọi bằng hai chữ 'đội ngũ' đầy tự hào cũng chẳng cách nào không tan vỡ khi sứ mạng luật định bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho nhân dân đã được thực hiện bằng sự im lặng".
Có ý kiến báo chí ở Việt Nam "là công cụ tuyên truyền của Đảng"
'Chấn động lớn'
Cũng trong hôm 9/4, nhà báo Ngọc Vinh, là một trong các thư ký tòa soạn của báo Tuổi Trẻ, trả lời BBC : "Thực ra, theo như tôi hiểu, bản quy hoạch này đã có từ lâu và được giới báo chí đồn đại bàn tán nhiều trong thời gian qua, dù không công khai tỏ thái độ trên truyền thông".
"Từ tháng 9/2015, ông Nguyễn Bắc Son, lúc bấy giờ là bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã tổ chức một hội nghị để phổ biến đề án quy hoạch này. Ở hội nghị, ông Bắc Son có cho biết, đề án được nghiên cứu, thảo luận và hình thành từ 9 năm trước, tức từ năm 2006. Tính cho tới ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt và công bố, thì thâm niên của đề án này đã kéo dài được 13 năm".
"13 năm để soạn thảo và ban hành một đề án về báo chí, quả là dài. Thế nhưng ta phải hiểu đảng cầm quyền đã thận trọng như thế nào trước một đề án tác động đến toàn bộ nền báo chí Việt Nam như vậy. Chính ông Bắc Son khi ấy cũng thừa nhận "việc thực hiện quy hoạch báo chí là việc lớn, cấp bách, phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng, tác động đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đối tượng... nên phải triển khai thận trọng, từng bước, theo lộ trình".
"Dù là "cấp bách" nhưng khoảng thời gian để "thận trọng" là 13 năm. So với lúc ông Bắc Son phổ biến đề án năm 2015 và bây giờ, khi đã ký duyệt, cơ bản đề án ko có thay đổi gì nhiều. Chỉ có một thay đổi lớn là ông bộ trưởng ngày ấy giờ đã trở thành tù nhân trong trại giam".
"Bản quy hoạch báo chí này đã tạo một chấn động lớn trong giới báo chí nước nhà, tạo ra những cuộc vận động ngầm lâu nay và khi nó được ký duyệt, các "cuộc chạy" lại khởi động. Dĩ nhiên lãnh đạo các tờ báo và các cơ quan chủ quan không ai muốn tờ báo của mình bị biến mất trên bản đồ báo chí nước nhà, nên việc "vận động" là đương nhiên, gấp rút, vì thời gian không còn nhiều. Chỉ sang năm thôi, số lượng các tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị thu hẹp chỉ còn 1/3. Và đến năm 2025, địa phương này chỉ còn duy nhất một tờ báo được phép tồn tại".
"Bản quy hoạch báo chí của Việt Nam, rõ ràng là có một không hai trên thế giới hiện nay. Dù có trí tưởng tượng phong phú nhất, các nhà báo cũng chưa từng nghĩ đến một thực tế là Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và năng động nhất nước, nơi tập trung tinh thần dân chủ nhất nước, một ngày nào đó chỉ còn một tờ báo mà thôi. Rõ ràng, đề án mà chúng ta đang nói đến đã thu hẹp hoạt động của báo chí, và dĩ nhiên thu hẹp quyền ngôn luận của người dân".
Ông Ngọc Vinh phân tích :
"Tôi nghĩ Hà Nội ít bị ảnh hưởng hơn Thành phố Hồ Chí Minh vì số lượng đầu báo đáng đọc ở ngoài ấy ít hơn Sài Gòn. Báo Hà Nội đa số trực thuộc các tổ chức chính trị đầu não nên phần lớn được tồn tại như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Lao Động, các tờ báo của các bộ. Riêng hai tờ báo Thanh Niên và Tiền Phong cùng chung tổ chức Trung ương Đoàn sẽ tồn tại đến hết 2024 trước khi nhập lại thành một vào năm 2025".
"Thành phố Hồ Chí Minh là nơi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đề án quy hoạch báo chí. Tại đây, khoảng trên dưới 15 tờ báo sẽ tranh nhau 5 suất tồn tại từ 2020 đến 2025. Trong số này, dĩ nhiên Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ là hạt nhân và chiếm một suất vì là " tiếng nói của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh". Bốn tờ còn lại sẽ là những tờ báo có lượng bạn đọc đáng kể và có ảnh hưởng đến công chúng, có thể sẽ là Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Pháp Luật, Phụ Nữ hay tờ nào khác…"
"5 suất tồn tại kể trên đến năm 2025 chỉ còn một suất. Chúng sẽ nhập với nhau hay có bốn tờ báo trong số 5 tờ vừa kể sẽ biến mất ? Câu hỏi này rất thú vị với các nhà báo thích dự đoán ở Việt Nam. Có người mạnh miệng cho rằng chỉ còn tờ Sài Gòn Giải Phóng là tồn tại, còn bốn tờ kia sẽ núp bóng Sài Gòn Giải Phóng để trở thành phụ bản của nó, dù tên gọi và đối tượng, cương lĩnh phục vụ của tờ báo cũ sẽ giữ nguyên. Nói cách khác là bình mới rượu cũ…".
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng Nhà nước "sẽ tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực"
'Răm rắp thực hiện'
Nhà báo Ngọc Vinh bình luận thêm với BBC :
"Ước tính, việc quy hoạch báo chí có thể đẩy 4.000 nhà báo có thẻ và khoảng 6.000 nhân viên hành chính trị sự ra đường vì mất việc làm. Tuy nhiên, điều 1 của bản "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025" tiếp tục khẳng định một thực tế như lâu nay : "Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước".
"Như thế thì dễ hiểu, sẽ không có một phản ứng hay sự chống đối nào xảy ra cả. Lãnh đạo các tờ báo sẽ răm rắp thực hiện vì không ông nào muốn bị mất ghế. Lâu nay, dù biết về bản quy hoạch nhưng chẳng có tờ báo nào dám lên tiếng phê phán hay góp ý kế hoạch đó, ngoại trừ vài tiếng nói lẻ tẻ của một ít nhà báo trên mạng xã hội".
"Nếu có, thì họ chỉ tận dụng vài kẽ hở nào đó của bản quy hoạch, để "chạy thuốc" nhằm tìm kiếm một chút ưu thế cho tờ báo của mình trong quá trình tồn tại, chẳng hạn như, thay vì bị khai tử, hãy cho tôi cơ hội được tồn tại dù là dưới hình thức phụ bản cho tờ báo khác…"
"Theo tôi, rất khó mà có thay đổi gì trong tình hình hiện nay vì báo chí là một thế lực quan trọng có thể thay đổi một chế độ hay một quốc gia. Các tuyên bố của các lãnh đạo cho thấy, Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ báo chí, không để nó bị tư nhân hóa dưới bất kỳ hình thức nào và họ chưa sẵn sàng nới lõng tự do cho báo chí.
"Dĩ nhiên những người làm báo ở Việt nam luôn muốn được tự do làm báo, được tự do thể hiện chính kiến quan điểm của mình. Họ càng được tự do bày tỏ và biểu đạt sự thật thì báo chí càng có lợi và dân chúng cũng có lợi, xã hội cũng có lợi. Vì bị hạn chế và kiểm soát khá ngặt nghèo nên giờ đây báo chí, nhất là báo in giảm độc giả nhanh chóng".
"Và đó là cơ hội của mạng xã hội. Những vị lãnh đạo báo chí cũng từng lên tiếng khẳng định thực tế này và kêu gọi báo chí không được để mạng xã hội vượt mặt. Thế nhưng, điều kiện cần để báo chí có thể cạnh tranh sòng phẳng với mạng xã hội là quyền tự do biểu đạt chứ không phải là bản quy hoạch báo chí mà ta đang chứng kiến".
"Từ những yếu tố đó, tôi muốn nói rằng việc kiềm hãm sức mạnh vô biên của báo chí chỉ có hại chứ không có lợi cho đất nước".
"Sở dĩ tôi chọn nghề làm báo vì từng đọc một câu nói, được cho là của một tổng thống Mỹ. Ông ấy nói rằng, nếu buộc phải chọn một giữa tổng thống và báo chí thì ông ấy sẽ chọn báo chí. Tôi nghĩ, nước Mỹ được hùng mạnh như ngày hôm nay là nhờ những người cầm quyền có tư tưởng như vậy. Tôi ước mong sao, một ngày nào đó, tại Việt nam cũng sẽ có một lãnh tụ, một nguyên thủ dám nói và dám thực hiện những điều như thế".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 09/04/2019
Trong cuộc trò chuyện dịp cuối năm Âm lịch với BBC Tiếng Việt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trải lòng về những ngày Tết trong tâm tưởng, về những tin đồn bủa vây quanh tên tuổi của anh.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là khách mời từ Việt Nam xuất hiện trong chương trình Facebook live cuối năm Mậu Tuất của BBC Tiếng Việt.
Nhân vật thường được gọi là Mr. Đàm tự nhận mình "là ca lạ của showbiz Việt" khi trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt trong show Facebook live được thực hiện tại Bangkok, Thái Lan hôm 1/2.
Tết thời chưa nổi tiếng
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kể : "Tôi nhớ hoài Tết năm đầu tiên không có bố mẹ bên cạnh, năm tôi 19 tuổi, còn ngây thơ. Đó là một cú sốc lớn, vì không còn lì xì, không có quần áo mới như những bạn trẻ khác".
"Khi bước vào nghề làm tóc, tôi tự hứa với lòng mình rằng không bao giờ cho phép mình nghèo để có cái Tết cô đơn và buồn như vậy nữa !".
Trả lời một câu hỏi của bạn đọc, anh cho hay : "Tôi đã từng có những cái Tết mà má tôi ở nơi xa, trong lúc tôi làm tiệm tóc đến tận giao thừa rồi về nhà".
"Những cái Tết vào cuối thập niên 1990 đó tôi không tận hưởng trong lúc nhìn đường phố vắng hoe, tôi còn đi xe đạp. Tôi trông chờ ai đó lì xì mà không có, chỉ có mình lì xì cho mình thôi".
"Đó là những cái Tết mà tôi tự chơi, tự làm, tự ăn Tết một mình theo cách của một người không có tiền, tự bơi trong cuộc sống".
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc "khoe trang trí nhà của dịp Tết", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói : "Tôi để những hình trang trí nhà cửa lên trang cá nhân và phóng viên lấy lại đăng lên báo chí".
"Thật sự những khán giả của Hưng quan tâm, muốn biết tất cả những gì liên quan đến Hưng".
"Mấy năm trước, Hưng mở rộng cửa nhà để khán giả của mình vào chụp hình trang trí Noel, Tết như một cách san sẻ niềm vui với mọi người".
Về Mỹ Tâm và chuyện ca hát
Trả lời về đồn đoán về mối quan hệ với ca sĩ Mỹ Tâm : "Hưng và Mỹ Tâm không rẻ tiền để dùng chuyện tình cảm để PR show diễn".
Bài Thánh Ca Buồn - Đàm Vĩnh Hưng & Mỹ Tâm - Courtesy of Rạng Đông, 06/06/2016
"Trong 20 năm qua, Hưng và Mỹ Tâm hợp nhau về giọng hát, vóc dáng. Cả hai nổi lên cùng lúc, có sự gắn liền và là người tình của nhau trên sân khấu cho đến nay".
Trả lời câu hỏi về việc có muốn làm nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói : "Tôi không muốn làm nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân".
"Với tôi, chữ ưu tú là phải thật ghê gớm, siêu đẳng mà Hưng thì không. Nghệ sĩ nhân dân còn ghê gớm hơn".
"Tôi thấy mình không có cửa vào danh vị cao quý này. Vả lại, thường thì các danh hiệu này trao cho người già".
"Hưng không muốn già !"
"Nói thật Hưng tự nhận không đủ tài năng, tiêu chuẩn và đạo đức để xét các danh hiệu đó".
"Nhưng nếu có danh hiệu "nghệ sĩ của nhân dân" thì Hưng nhận ngay, tất nhiên là nói đùa thôi !".
Đàm Vĩnh Hưng tự nhận anh "là ca lạ của showbiz Việt" trong show Facebook live của BBC Tiếng Việt
Chuyện làm từ thiện và bị phản đối ở Mỹ
Cũng trong show Facebook live, đề cập những bàn luận về chuyện làm từ thiện ở Mỹ, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói : "Có những người comment chuyện Hưng làm từ thiện thế này thế kia".
"Hưng khẳng định làm từ thiện theo ý mình, bằng tiền túi của mình. Mình thích thì mình làm".
"Lần đó, qua Mỹ, đoạn gần Hollywood, Hưng thấy trời lạnh, người ta nằm ngồi mà mấy cái miếng đắp rách bươm, trông rất tội nghiệp".
"Thời điểm ấy cũng là dịp lễ Tạ ơn, tôi thấy mình đã tới Mỹ 15 năm, kiếm tiền được, nên rủ những người bạn thân thiết cùng đi phát mền cho người ta vui, mà lòng mình cũng nhẹ".
"Còn tại sao chỉ trích là không làm từ thiện ở Việt Nam thì tôi thấy ở Việt Nam đã có rất nhiều người làm từ thiện, chứ không ngồi bàn luận về việc người khác đi làm từ thiện".
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng nói anh "lên tiếng lần cuối" về chuyện bị cộng đồng người Việt tại bang California, Mỹ, biểu tình phản đối khi anh sang Mỹ diễn.
"Chuyện này bắt đầu từ một hình ảnh năm đó Hưng được chọn làm "thanh niên tiên tiến" tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nói chuyện với giới trẻ về việc không đua xe, dùng ma túy, cờ bạc".
"Vì mình có sức ảnh hưởng, nhiều fan, nói chuyện thì giới trẻ sẽ nghe".
"Để vào hội trường thì tôi phải đeo thẻ. Khi xong việc, tôi chụp hình cùng những người khác. Hình lan truyền và người ta thấy tôi đeo thẻ thì nói tôi thành viên hội này hội kia".
"Thế là người Việt bên đó biểu tình thôi".
"Chừng ấy năm bị biểu tình bên ngoài rạp, nhưng Hưng vẫn hát trong sân khấu".
"Hưng xác định đó là việc ai người ấy làm. Mọi người muốn làm gì thì làm, tại một đất nước tự do mà".
"Còn việc nói Hưng mặc áo và cầm cờ đỏ ? Hưng ở nước Việt Nam thì đó là lá cờ mà nước Hưng đang ở mà ?".
Anh cũng nói "xin phép không bàn luận về cờ vàng" vì đó là "vật thiêng liêng của người khác".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 04/02/2019
Giới quan sát ở Việt Nam và hải ngoại đưa ra dự báo với BBC rằng trong năm Kỷ Hợi, chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "sẽ tiếp tục được mở rộng", "có nhiều tin vui về đầu tư nước ngoài" nhưng nhìn chung, các biến chuyển "vẫn sẽ có và giữ tốc độ chậm chạp".
Nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong một sự kiện giao lưu văn hóa Việt-Trung ở Hà Nội hồi tháng 12/2018
'Tin vui về đầu tư nước ngoài'
Trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói : "Về kinh tế, năm 2019 sẽ thấy cụ thể hơn về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Nếu căng thẳng không được giải quyết, mà còn gia tăng hơn nữa, thì khả năng Trung Quốc phá giá thêm nhân dân tệ (CNY) sẽ cao hơn, gây thêm sức ép lên VND".
"Bên cạnh đó, việc CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, các loại rào cản thuế quan được cắt giảm, sẽ gây áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam (có thể làm tăng nhập khẩu), lại càng tăng áp lực lên VND. Như vậy lại có khả năng làm giảm giá trị VND so với USD. Áp lực này có thể giảm bớt nếu như chính phủ Việt Nam thu hút được thêm đầu tư nước ngoài".
"Theo như tôi thấy, trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung chưa có chiều hướng suy giảm, năm 2019 này có thể Việt Nam sẽ có nhiều tin vui về đầu tư nước ngoài, sẽ thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển dịch sang Việt Nam, nhằm giảm rủi ro kinh doanh".
"Trong tình hình này, khi các điều kiện vĩ mô ít có biến động, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn ổn định như 2018".
"Về tỷ giá giữa USD, CNY và VND cho 2019, có lẽ CNY sẽ mất giá hơn so với VND, và VND sẽ mất giá hơn so với USD giống như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tôi đoán là biên độ phá giá sẽ không cao. Điều này cũng cho thấy là việc dùng đồng thời CNY và VND ở các tỉnh phía Bắc là một giải pháp chấp nhận được".
"Và ngược lại phán đoán của nhiều người trước đây khi nói rằng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vòng 3 đến 6 tháng kể từ ngày áp dụng chính thức chính sách này ngày 12/10/2018, đến nay chúng ta không thấy có xáo trộn gì đối với nền kinh tế Việt Nam".
Người dân làng Vũ Đại, tỉnh Hà Nam, bên nồi cá kho cổ truyền thường được nhiều người đặt mua dịp Tết
"Về công nghiệp 4.0, chúng ta nghe Việt Nam nói rất nhiều nhưng ta thấy phải cố gắng trên thực tế nhiều hơn nữa".
"Theo số liệu của World Bank (Ngân hàng Thế giới), năm 2015, chi tiêu công về nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 0,37% của GDP. Rất thấp so với Hàn Quốc (4,23%), Trung Quốc (2,07%), và chỉ hơn một nửa của Thái Lan (0,63%)".
"Vì vậy, tôi hy vọng là năm 2019 và các năm tiếp theo, Việt Nam bứt phá, tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu không thì tương lai công nghiệp 4.0 sẽ còn rất xa vời".
"Năm Kỷ Hợi, tôi hy vọng là Việt Nam sẽ có nhiều hành động thực tế hơn là diễn văn. Về nghiên cứu ở các trường đại học, cần phải thông thoáng hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vì theo như tôi biết, "công nghiệp 4.0" không chỉ liên quan đến khoa học tự nhiên và công nghệ".
"Về các dự án đặc khu kinh tế, hy vọng là chính phủ Việt Nam trân trọng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, trước khi trình Quốc hội thông qua. Vì đến nay, các thông số được đưa ra (mà chúng ta tiếp cận được, nhất là về khu Vân Đồn) bị nhìn nhận là không logic về mặt kinh tế, có thể sai lệch, và thậm chí rất phiêu lưu".
"Dù rằng theo ý tôi, nên chăng Việt Nam tạo cơ chế đặc thù cho khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận, cần đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng ở vùng này vì đây là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Khi ở đây phát triển thông thoáng thì sức lan tỏa sẽ mạnh hơn nữa".
"Chúng ta đã thấy tác hại vừa qua của việc kém linh hoạt trong đầu tư hạ tầng cơ sở ở vùng này như sân bay Tân Sơn Nhất, metro…".
Tinh thần ái quốc được truyền thông nhà nước đẩy mạnh trong mỗi giải bóng đá
Tư pháp 'biến chuyển chậm chạp'
Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói với BBC : "Với tư cách luật sư, tôi quan tâm nhiều đến các biến chuyển trong hoạt động tư pháp nước nhà".
"Theo đó, qua quá trình thương thảo về các hiệp định đa phương CPTPP hoặc EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam) đã tác động đến nghị trình lập pháp ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Chúng ta chứng kiến hàng loạt sự tu chính luật pháp theo hướng tích cực, tiệm cận hơn với những chuẩn mực pháp lý quốc tế, nhất là trong lãnh vực tài phán tư pháp, cụ thể qua các đạo luật về tố tụng dân sự, hình sự".
"Tuy rằng bên cạnh đó, có phát sinh thêm các quy định hạn chế sự hành nghề luật sư. Nhưng tựu trung, sự tu chính luật pháp vẫn là điều tích cực đáng được ghi nhận".
"Duy có điều, sự chuyển biến từ văn bản luật pháp cho đến thực tế quá chậm chạp và ít phát huy tác dụng trong cuộc sống. Bởi lẽ, hoạt động tư pháp vẫn được điều hành bởi những viên chức tư pháp thủ cựu làm việc theo quán tính và tư duy cũ. Đồng thời, thực tế rằng hoạt động tư pháp cũng chưa bảo đảm được tính chất tài phán độc lập".
"Theo đó, trong năm mới Kỷ Hợi, tôi tin rằng sự biến chuyển vẫn sẽ có và cũng vẫn giữ tốc độ chậm chạp như thế. Mỗi năm gồm có 12 tháng, thời gian đó chưa đủ dài để tạo nên chuyển biến tích cực cần thiết cho đất nước".
"Tôi vẫn bảo lưu quan điểm là giải pháp căn cơ và duy nhất cho sự biến chuyển mạnh mẽ chỉ có một : Bảo đảm thiết chế nhà nước pháp quyền. Mà điều đó dường như nằm ngoài tầm tay với của chính quyền hiện nay".
Nhà quan sát nói dân chúng "chỉ bức xúc, phản kháng với những gì liên quan đến cuộc sống thiết thân của họ chứ không phải ý thức hệ hay khái niệm dân chủ, tự do dễ bị chụp mũ là phản động"
'Đối phó tình thế'
Nhà văn Nguyễn Viện nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh : "Nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã qua được một nửa chặng đường, những ý tưởng về khởi nghiệp và kiến tạo là một chủ trương đúng trong bối cảnh một Việt Nam đang vươn dậy".
"Ông Phúc cho thấy đã có những nỗ lực làm mới tinh thần làm việc của bộ máy hành chánh bằng những tuyên bố đầy nhiệt huyết, dù đôi lúc khôi hài. Tuy nhiên, giữa ý chí có vẻ tốt đẹp ấy lại tương phản với một thực tế tồi tệ".
"Thối nát và bất hợp lý là một nan đề không dễ giải quyết, khi quốc gia được điều hành bởi một cơ chế chồng chéo, lẫn lộn giữa lãnh đạo chính trị và hành chánh công quyền".
"Nó tạo ra một bộ máy điều hành thiếu ý thức phục vụ và trách nhiệm. Sự tham lam không được kiểm soát dẫn đến nhũng nhiễu tràn lan và đục khoét vô tội vạ tài sản quốc gia. Mặc dù đã có những cố gắng diệt trừ tham nhũng của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhưng cái căn bản của tệ nạn vẫn không thể giải quyết, đó là vấn đề cơ chế tạo ra tham nhũng".
"Bên cạnh đó, những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn xã hội vẫn không có cách giải quyết tận gốc như quyền tư hữu đất đai, những đòi hỏi về nhân quyền…".
"Nhìn một cách khái quát hơn, chúng ta thấy đó là những vấn đề thuộc về sự chính danh, mà sau mấy chục năm đổi mới, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay, thiếu dứt khoát và nhất quán trong vấn đề lý luận, ý thức hệ".
"Hệ lụy của tình trạng "hồn Trương Ba, da hàng thịt" trong cái gọi là "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" ấy sẽ chỉ làm phung phí thời gian, tài nguyên quốc gia vào cái "tự ái" của Đảng và những lợi ích bất chính của một nhóm người".
"Mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều các hiệp định, công ước quốc tế, từ kinh tế đến nhân quyền…, nhưng xem ra đó chỉ là những cam kết không thực chất, người dân không thụ hưởng được gì từ những ưu đãi thương mại. Đặc biệt với những cam kết liên quan đến những quyền cơ bản của công dân như tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình…".
"Nó chỉ chứng tỏ là những biện pháp đối phó với tình thế hơn là một thiện tâm hòa nhập với văn minh nhân loại".
"Trên một tổng thể đầy trái khoáy của tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược với những tư duy còn nặng tính ban phát của thời kỳ bao cấp, sinh lực quốc gia vẫn bị kìm hãm bởi những quy định vừa lỗi thời vừa phản động, dự báo của tôi cho năm Kỷ Hợi cũng sẽ không có gì để hồ hởi, phấn khởi".
"Tôi nhận thấy một khi lợi ích được đặt trên danh dự thì mọi "chỉ số hạnh phúc" chỉ là sự dối trá. Khi chính quyền gặp khó khăn, thì nhân dân sẽ bị khó khăn gấp bội".
"Chúng ta đang nhìn thấy thuế má được tận thu một cách triệt để như thế nào. Mọi sai lầm trong chính sách đều đổ lên đầu nhân dân hứng chịu".
"Với xu thế dân chủ và những đòi hỏi chính đáng của người dân càng ngày càng được bộc lộ một cách công khai và mạnh mẽ, Kỷ Hợi sẽ là một năm "giông bão" cho những ước mơ thiện lành. Phong trào đấu tranh cho dân chủ hay tổ chức xã hội dân sự sẽ bị càn quét, bởi chính quyền không xem đó là những tiếng nói lành mạnh, góp phần vào sự cân bằng trong cuộc sống xã hội, mà e ngại những thực thể tiến bộ ấy như những "thế lực thù địch" đe dọa sự tồn tại độc đoán của mình".
"Nhưng dẫu sao, tôi vẫn tin, cái bất hợp lý sẽ bị đào thải. Một lo lắng khác không thể tránh được, đó là những biến động trên Biển Đông. Sự thật là chúng ta đang mất dần biển đảo. Làm thế nào tránh được một xung đột quốc tế mà Việt Nam rất dễ trở thành quân cờ thí như cuộc chiến tranh vừa qua ?"
"Theo cảm nhận của tôi, bi kịch của một dân tộc không phải ở chỗ nó yếu hay mạnh, to hay nhỏ mà là sự mất tự tin".
'Dân chúng còn bức xúc'
Một nghiên cứu sinh ở Mỹ đề nghị ẩn danh, nói với BBC : "Nhìn từ diễn biến năm 2018, theo tôi dự đoán, chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục được mở rộng, một phần để lấy lại uy tín của Đảng, phần khác để củng cố quyền lực của ông Trọng và những người cùng phe nhóm. "
"Nhiều quan chức cao cấp sẽ được luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc ngược lại để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII vào đầu năm 2021. Người kế nhiệm ông Trọng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn".
"Trong bối cảnh đó, Luật An ninh mạng cùng với các công nghệ hiện đại sẽ được sử dụng để kiểm duyệt thông tin, ngôn luận và đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Báo chí cũng sẽ bị siết chặt hơn".
"Tinh thần dân tộc sẽ được chính quyền kích động và sử dụng như một công cụ để cải thiện tính chính danh".
"Chuyện chính quyền tận dụng tinh thần dân tộc không có gì mới ở Việt Nam. Khi chính quyền không thành công trong việc mang lại cuộc sống thịnh vượng cho dân chúng bằng thể chế và chính sách tốt, họ sẽ tìm cách thổi phồng thành tích hoặc thổi phồng lòng tự hào để dân chúng cảm thấy yêu nước hơn".
"Đồng thời, các công cụ tuyên truyền sẽ đánh đồng đất nước với chế độ và khiến dân chúng tin rằng chính Đảng là người mang lại niềm tự hào đó, khiến dân chúng phải biết ơn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sự thiếu vắng tư duy phản biện và cách tiếp cận tri thức theo kiểu nhồi nhét một chiều từ khi còn đi học là mảnh đất màu mỡ cho tinh thần và chủ nghĩa dân tộc, kể cả ở trạng thái cực đoan".
"Dân chúng chỉ bức xúc và phản kháng với những gì liên quan đến cuộc sống thiết thân, quyền lợi hàng ngày của họ chứ không phải ý thức hệ hay khái niệm dân chủ, tự do vừa trừu tượng, chung chung, lại dễ bị quy kết, chụp mũ là phản động, chống phá. Đồng thời, chưa xuất hiện một tổ chức đối lập thực sự nào cùng với cương lĩnh và chính sách đủ thuyết phục để thu hút sự ủng hộ của dân chúng".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 05/02/2019
Nhà báo và chuyên gia nói với BBC rằng hàng loạt vụ tai nạn giao thông chết người tại Việt Nam thời gian qua "là hậu quả của những chính sách về giao thông suốt mấy mươi năm qua, liên quan đến hạ tầng giao thông, nhập và sản xuất xe máy giá rẻ tràn lan, quy hoạch đô thị, giáo dục..".
Truyền thông Việt Nam nói vụ tai nạn làm 8 người chết ở Hải Dương xảy ra tại "điểm đen về giao thông"
Bình luận này được đưa ra ngay sau tin hôm 22/1, Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã ký quyết định khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 8 người chết trong lúc đang đi viếng nghĩa trang.
Truyền thông Việt Nam ghi nhận tài xế xe tải "khai nhận sử dụng ma túy đá" trước khi gây ra vụ này.
"Tài xế xe tải/container nghiện ma túy" đang là nguyên do chính được các báo Việt Nam chỉ ra đầu tiên mỗi khi tường thuật về các vụ tai nạn giao thông chết người trong thời gian qua.
Hôm 23/1, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông-Vận Tải công khai danh sách những tài xế nghiện ma túy để các doanh nghiệp nắm được thông tin khi tuyển dụng, theo báo Zing.
Trên mạng xã hội, có nhà báo đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần tuyên bố tai nạn giao thông là thảm họa quốc gia để từ đó có những giải pháp lâu dài cũng như biện pháp cấp bách, tương ứng với mức thảm họa, thực sự đồng bộ, thực sự có hiệu quả nhằm hạn chế bớt đau thương..".
Nguyên do và trách nhiệm của ai ?
Hôm 23/1, nhà báo Nguyễn Trung Bảo, cựu thư ký tòa soạn báo Một Thế Giới, nói với BBC : "Khó hay gần như không thể ban bố tai nạn giao thông là thảm họa quốc gia được. Vì có quốc gia nào mà không cần đến giao thông và có tai nạn giao thông đâu. Ban bố thảm họa quốc gia sẽ đi kèm theo các biện pháp hạn chế, nếu vậy thì hạn chế giao thông sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế".
"Cũng không thể trách hay đổ toàn bộ trách nhiệm cho một ông bộ trưởng hay một ông thủ tướng được. Phải thấy tình trạng giao thông hiện nay nó là hậu quả của những chính sách về giao thông suốt mấy mươi năm qua. Liên quan đến hạ tầng giao thông, nhập và sản xuất xe máy giá rẻ tràn lan, quy hoạch đô thị, giáo dục...".
- Năm 2018, Việt Nam ghi nhận xảy ra 18.232 vụ tai nạn giao thông khiến 8.125 người chết, 5.124 người bị thương nặng, 9.070 người bị thương nhẹ.
- Trong bốn ngày nghỉ Tết dương lịch 2019, Việt Nam ghi nhận 111 người chết, 54 người bị thương, chưa tính thiệt hại về tài sản do tai nạn giao thông.
"Do vậy có thể thấy việc truyền thông hướng trách nhiệm cho tài xế mỗi khi xảy ra một vụ tai nạn là dễ và cụ thể nhất. Nhưng, vậy là chưa đủ. Phải thấy giới tài xế chạy ngày chạy đêm để đáp ứng yêu cầu của chủ xe mới có lương".
"Còn chủ xe thì phải xoay vòng cho được đồng vốn, kiếm lợi nhuận... trong khi đó các thứ phí, giá nhiên liệu, các loại phí tiêu cực trên đường... và đặc biệt là họ phải è cổ ra nuôi hệ thống BOT đặt sai chỗ đang ngày đêm hút máu nhân dân".
"Chính những áp lực ấy khiến giới tài xế phải chạy vượt quá sức chịu đựng của người bình thường rồi tìm tới chất kích thích sau đó là các vụ tai nạn khủng khiếp".
Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh với nhiều người dân Việt Nam mỗi khi ra đường
'Bề nổi của tảng băng'
Cũng trong hôm 23/1, một chuyên gia giao thông ở Hà Nội đề nghị ẩn danh, nói với BBC : "Quy tai nạn giao thông do tệ trạng cấp bằng lái có khuất tất hoặc 70 % cánh lái xe chơi ma túy là mới chỉ nhìn thấy bề nổi của tảng băng".
"Vấn đề chính mà không thấy báo nào ở Việt Nam đề cập là dường như Bộ Giao thông-Vận Tải đã bất khả trong việc cấp bằng lái xe, an toàn xe. Ngoài ra là thực trạng quản lý giao thông đường bộ đáng báo động".
"Trong vụ mới nhất ở Hải Dương, chúng ta thấy cây cầu vượt dành cho người đi bộ lại có thể bị "lỗi thiết kế" khiến người dân bị đưa ngay xuống đường, nơi thường xuyên có lưu lượng xe tải chạy qua ngay đúng khúc cua bị khuất tầm nhìn của lái xe".
"Và rồi tình trạng người đi đường thấy công an hiện diện trên đường gần như chỉ để "làm luật" chứ không phải để giúp các phương tiện an toàn hơn khi đi lại".
Tàu SE19 tông xe tải, trật bánh ở Thanh Hóa
Hồi tháng 5/2018, báo Dân Trí đưa tin : "Với tư cách người đứng đầu ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng xin lỗi các nạn nhân, gia đình nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra những ngày qua. Bộ trưởng Thể cũng xin chịu mọi hình thức kỷ luật từ Đảng và Nhà nước".
Ông Thể được báo này dẫn lời nói các vụ tai nạn giao thông xảy ra "có nguyên nhân chủ yếu là do con người và do yếu tố chủ quan" nên "cần phải phân tích làm rõ, rà sóa t và có giải pháp giải quyết dứt điểm, đồng thời áp dụng công nghệ kỹ thuật vào vận hành, khai thác và vào hoạt động cứu hộ tai nạn".
Tuy vậy, tính từ thời điểm đó đến nay, vấn nạn giao thông dường như không có gì cải thiện. Báo Người Lao Động hôm 23/1 ghi nhận : "Dù ngành chức năng và các địa phương vẫn liên tục rầm rộ ra quân, liên tục mở cao điểm kiểm sóa t, kiểm tra xử lý và liên tục báo cáo tai nạn giao thông giảm trên nhiều tiêu chí thì con số từ 20-30 người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong rất nhiều năm qua. "
"Dù doanh nghiệp vận tải đã phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng để triển khai các chủ trương gắn thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện vận tải theo yêu cầu của ngành giao thông, rốt cuộc thì "xe điên" vẫn nghênh ngang lưu thông và chỉ lộ diện khi gây tai nạn".
Giới chức Thái Lan xử lý thế nào ?
Để rút tỉa kinh nghiệm, dường như giới chức Bộ Giao thông-Vận Tải có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng đang phải đau đầu xử lý vấn nạn giao thông.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan hiện xếp thứ hai trên thế giới về tử vong do tai nạn đường bộ, sau Libya. Ước tính có 24.000 người thiệt mạng trên đường phố Thái Lan mỗi năm và 73% trong số này là người đi xe máy.
Thống kê của WHO cũng cho thấy, Thái Lan có 36,9 triệu xe các loại giao thông trên đường bộ - con số này tăng 30% trong 5 năm qua.
Người dân Thái Lan dùng "Tuần lễ chết chóc" để mô tả vấn nạn giao thông trong hai mùa lễ lớn trong năm, mừng năm mới Dương lịch và Tết Songkran vào giữa tháng Tư.
Chính phủ Thái Lan từng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nạn nhân tử vong trên đường phố, khuyến cáo người dân không được chạy quá tốc độ quy định, hoặc lái xe trong tình trạng say rượu.
Để tuyên truyền về giao thông đến công chúng, một xưởng đóng quan tài còn mời các nhà báo đến ghi nhận chuyện nhân công phải hối hả đóng quan tài cho mỗi mùa lễ.
Số liệu thống kê nghiệt ngã về cái chết và thương tích trên đường phố Thái được ghi nhận trên truyền thông thường là không ít hơn so với năm trước.
Vấn nạn giao thông trở thành thử thách đáng kể với chính phủ trong bối cảnh Thái Lan hòa bình và ngày càng thịnh vượng trong nhiều thập kỷ và đạt được nhiều thành quả trong các lĩnh vực khác như y tế và cơ sở hạ tầng.
Năm 2011, chính phủ thời điểm đó tuyên bố 10 năm tiếp theo là "Thập kỷ hành động về an toàn đường bộ của Thái Lan".
Năm 2012 được tuyên bố là "Năm người đi xe máy đội mũ bảo hiểm 100%".
Năm 2015, Cục Phòng chống Thảm họa được giao trọng trách đảm bảo an toàn đường bộ bên cạnh việc xử lý các vấn đề như lũ lụt và lở đất. Cơ quan này đã mạnh dạn tuyên bố mục tiêu kéo giảm 80% tử vong do tai nạn giao thông.
Nhưng xem ra những nỗ lực này đều thất bại.
Chính phủ Thái Lan cũng đang đối mặt với thách thức khi giải quyết vấn nạn giao thông
Bà Ratana Winther, giám đốc quốc gia của Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á lý giải với BBC : "Nhìn chung, đường xá tại Thái Lan rất tốt, nên mọi người có xu hướng chạy rất nhanh. Vì vậy, sát thủ số một là tốc độ".
"Thực thi pháp luật là vấn đề mấu chốt", bà Winther nói.
"Đó là một thách thức đòi hỏi phải có sự đồng bộ. Mức phạt do vi phạm luật giao thông cần phải đủ lớn để mọi người sợ nó. Và các chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông phải được tiến hành liên tục, không chỉ vào mùa cao điểm. Sau đó, chúng ta cần chuyển sang các vấn đề như cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ".
Ông Nikorn Chamnong, cựu thứ trưởng Giao thông-Vận tải, bây giờ là nhà vận động an toàn giao thông Nikorn Chamnong đi xa hơn.
"Chúng ta cần thay đổi DNA của đất nước", ông nói với BBC News, "Giáo dục về an toàn giao thông ngay trong trường học là điều quan trọng nhất".
Bên cạnh đó, ông kiến nghị Quốc hội Thái Lan thông qua 10 đề xuất thay đổi đối với luật Giao thông, trong đó có quy định bắt buộc thắt dây an toàn đối với người ngồi ghế phía sau trên xe hơi...
Ông Liviu Vedrasco, chuyên gia an toàn đường bộ tại Tổ chức Y tế Thế giới, có ý kiến khác : "Cách tốt nhất để cắt giảm lượng người chết kinh hoàng trên đường là tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương nhất. Thống kê cho thấy lượng người đi xe máy chiếm 80% số ca tử vong".
"Nếu quý vị không thể giảm số lượng xe máy trên đường, điều tốt nhất có thể làm là có làn đường riêng cho loại xe này. Chỉ cần tăng tỷ lệ đường có làn riêng cho xe máy thì có thể tạo ra sự thay đổi lớn".
Dường như ý kiến của ông không được giới chức lắng nghe.
Đến thời điểm hiện tại, người nước ngoài đến Thái Lan vẫn thấy xe máy chạy xen kẽ với các loại phương tiện khác trên đường và phó mặc mạng sống của họ cho số phận.
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 24/01/2019
Một luật sư phân tích với BBC về điều ông cho là "sự bất nhất" của chính quyền khi công bố mức "hỗ trợ 7 triệu đồng/m2"cho người dân Vườn rau Lộc Hưng trong lúc nhà hoạt động nói người dân sẽ "không chấp nhận" mức này.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng thu gom đồ đạc còn sót lại sau vụ cưỡng chế
Theo truyền thông Việt Nam, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo chính sách hỗ trợ người dân ở Vườn rau Lộc Hưng. Cụ thể là "sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu đất công trình công cộng ở phường 6".
Động thái này được đưa ra sau khi chính quyền thông báo đã hoàn thành việc cưỡng chế 112 căn nhà "xây trái phép" ở khu vực này hôm 8/1.
"Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội, từ đó sẽ báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể", theo báo Thanh Niên.
Đến sáng 9/1, toàn bộ khu vực Vườn rau Lộc Hưng đã bị phá hủy hoàn toàn
'Ở nhờ trên chính đất của mình'
Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC hôm 14/1 :
"Để nói chuyện hôm nay thì phải nhìn lại chuyện cũ. Theo tìm hiểu của tôi, đất Vườn rau Lộc Hưng có diện tích khoảng gần 5 hecta, nhưng sau này vườn rau bị thu hẹp và thành một khu dân cư với nhiều nhà mới, nhà xây dạng nhiều phòng trọ, được sang tay đổi chủ nhiều lần. Nhưng cũng còn những cư dân sinh sống cố cựu từ năm 1955 đến nay".
"Sau ngày 30/4/1975, người dân ở đây cũng nộp thuế trồng rau. Thuế được chia làm hai mùa, sáu tháng mùa nắng và sáu tháng mùa mưa. Trong đó sáu tháng nắng thì họ phải nộp thuế gấp đôi sáu tháng mưa".
"Người dân đã ba lần đăng ký kê khai việc sử dụng đất qua các thời kỳ, nhưng chỉ nhận được sự im lặng của cơ quan hữu quan. Vậy là họ trở thành người ở nhờ trên chính đất của họ vì không được cấp sổ đỏ, cũng như không được chuyển nhượng, thừa kế. Tất nhiên, họ cũng không được cấp phép xây dựng".
"Phía nhà nước thì cho là đất của mình, phía người dân thì cho là đất của họ, hai bên đã bất hợp tác như thế kéo dài hơn 40 năm nay".
"Ngày 4 và ngày 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế của quận bất ngờ đến cưỡng chế tháo dỡ hơn 100 căn nhà xây cất không phép của người dân mà không bằng quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, không bằng các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính trong việc xây dựng và cũng không bằng "quyết định cưỡng chế", mà chỉ với "thông báo cưỡng chế" trong thời gian 90 ngày. Thông báo cưỡng chế lại chỉ do chủ tịch phường ký tên.."..
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và chồng (giữa) tại nơi từng là căn nhà mới xây của vợ chồng bà ở Vườn rau Lộc Hưng
"Tất cả những điều đó khiến người dân ở đây không có đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính trong lúc nhà cửa của họ thì bị san phẳng, không còn có thể nhìn lại vị trí nhà của mình nằm ở đâu nữa chỉ sau vài ngày".
"Đến khi dư luận phản ứng dữ dội, Ủy ban Nhân dân phường lại ra thông báo "hỗ trợ" cho người dân trực tiếp canh tác trồng rau 7.055.000 đồng/m2, nghĩa là những người sang nhượng đất và cất nhà sau này mặc nhiên bị loại khỏi danh sách "hỗ trợ".
"Thông báo về việc "hỗ trợ" ghi "người canh tác từ trước đến ngày 3/1/2019" nghĩa là đất canh tác đã biến thành đất nhà ở thì không được "hỗ trợ". Nghĩa là phần đất đó có thể xem như người dân bị mất trắng".
"Theo các văn tự mà người dân ở đây có được, nguồn gốc đất ở đây thuộc sở hữu của Hội Truyền giáo, sau này là của Toà Tổng giám mục".
"Năm 1955, người dân di cư từ miền Bắc vào đã được Toà tổng Giám mục cho họ thuê để trồng rau, có trả tiền thuê hàng năm. Sau tháng 4/1975, phía Giáo hội không đòi lại đất thuê và cũng không tranh chấp với người thuê".
"Như vậy, khu đất này thuộc quyền sử dụng đất của người dân ở đây một cách lâu dài, trước khi có luật Đất đai, và cũng không thuộc trường hợp nhà nước trưng thu, trưng mua. Mà có sự hiểu lầm là đất của đài Phát tín thuộc chế độ cũ nên mới xem đất đó thuộc quyền sử dụng của Nhà nước và tự đưa ra dự án xây nhà cho cán bộ nhân viên ngành bưu điện, sau đó là dự án nhà cao tầng giữa ngành bưu điện với công ty tư nhân, và nay là cụm trường học..".
"Và bây giờ, chính quyền ra thông báo mà không cần biết người sử dụng đất ở đây có chấp nhận "bồi thường" hay không, chưa nói đến việc chỉ là "hỗ trợ", Luật sư Phạm Công Út nói với BBC.
Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đi thăm người dân Vườn rau Lộc Hưng hôm 6/1
'Sẽ không chấp nhận'
Hôm 14/1, nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, người lui tới Vườn rau Lộc Hưng từ 5 năm qua, nói với BBC :
"Theo tôi, với thông báo "hỗ trợ", chính quyền vẫn cố tình làm ngơ và đánh lạc hướng đòi hỏi thực sự của bà con Lộc Hưng hơn 10 năm nay".
"Từ khi bà con bắt đầu phản đối và khiếu kiện quy hoạch có từ năm 2002. Yêu cầu duy nhất mà đến nay bà con vẫn nhất quán là "công nhận quyền sở hữu" của bà con ở khu đất này dựa theo giấy tờ gốc và luật Đất đai 1993. Những năm trước Nhà nước đã liên tục đưa người xuống ra giá đền bù, 8 năm trước là mức 3 triệu đồng/m2 nhưng bà con không đồng ý".
"Người dân khu vực này lập luận rằng Nhà nước phải công nhận tính hợp pháp của họ trước. Còn mức đền bù như thế nào thì bàn sau".
"Nhưng trong đợt này, chính quyền lấy lý do cưỡng chế xây trái phép, sau đó cưỡng ép người dân phải chấp nhận mức giá mà họ đưa ra. Dường như trong vụ này, Nhà nước vẫn cố tình đánh tráo vấn đề công nhận. Do vậy họ không dùng từ "đền bù" mà dùng từ "hỗ trợ".
"Theo như tôi hiểu, đa phần người dân ở đây sẽ không chấp nhận mức "hỗ trợ" như họ đã từng không chấp nhận mức đền bù 8 năm trước".
"Họ chỉ yêu cầu nhất quán một điều là Nhà nước phải làm đúng luật trước khi đưa ra những mức thỏa thuận. Đó là điều Nhà nước đang cố tình làm ngơ".
"Theo tôi, để xử lý vụ này, chính quyền hãy sòng phẳng và công khai đối thoại với người dân. Nếu chỉ biết dùng bạo quyền để cưỡng hành thì chỉ gieo thêm mầm móng cho sự rối loạn xã hội".
Cả chục ngôi nhà tại Vườn rau Lộc Hưng bị phá hủy hôm 4/1
'Quốc hữu hóa đất đai'
Trước đó, hôm 6/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, Thành phố HCM bình luận với BBC :
"Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước "xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý". Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền "quốc hữu hóa" đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ".
"Đối với người dân thì họ suy nghĩ rất đơn giản và rất chính đáng rằng đất của họ khai hoang, nhận chuyển nhượng từ người khác thì Nhà nước phải thừa nhận đó là tài sản của họ. Nhà nước chỉ thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước về đất đai chứ không được thực hiện với tư cách là chủ sở hữu đối với đất đai".
"Nghĩa là Nhà nước không có quyền thu hồi của người này để giao cho tổ chức, cá nhân khác. Bất kể đất thu hồi đó được sử dụng vào mục đích công cộng hay kinh doanh thương mại. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, nhà nước buộc phải trưng dụng, trưng thu, trưng mua thì phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân".
"Đất nước này là của chung nên nhà nước không thể buộc những người có đất bị thu hồi phải hy sinh cho lợi ích quốc gia bằng cách buộc họ nhận tiền đền bù với giá thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần trong khi những người khác thì không".
Trong một diễn biến khác, báo Pháp Luật Việt Nam của Bộ Tư pháp hôm 13/1 đăng ý kiến bạn đọc : "Cưỡng chế vào dịp cận kề Tết là điều không nên chút nào. Một gia đình xây dựng nhà trên đất công, họ sinh sống ở đó khá lâu, cuộc sống cũng khốn khó, giờ cận kề Tết huy động lực lượng đến đập phá tan tành quả là điều không hay ho gì. Người thi hành công vụ họ cũng không muốn làm, còn gia đình bị cưỡng chế thì mất nơi an ấm để ăn Tết".
"Dù có thể là họ sai, nhưng khi cơ quan công quyền làm đúng thì người dân bị hụt hẫng đến nhường nào. Đó là khi ngày cận Tết họ mất đi mái nhà, mất đi nơi thờ cúng, mất đi sự đoàn viên".
Khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong khu vực có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.
"Tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến nay", theo website của Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình hồi tháng 8/2018.
Người dân Lộc Hưng nói suốt 20 năm qua, họ đã xin kê khai và làm giấy tờ thủ tục xin sử dụng đất nhưng không được giải quyết dù đã hai lần có văn bản từ văn phòng thủ tướng chính phủ.
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 14/01/2019
Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng vụ Việt Nam hủy giao lưu quốc phòng với Mỹ "chỉ mang tính ngắn hạn" và có thể là "bước đi nhằm phát tín hiệu" trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm sân bay Biên Hòa hồi tháng 10/2018
Hồi tháng 10/2018, Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra đưa tin Việt Nam "lặng lẽ hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch cho năm 2019, gồm các trao đổi về lục quân, hải quân và không quân.
Tin này khiến giới quan sát đặt nhiều câu hỏi, nhất là sau khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Việt Nam hai lần trong năm 2018, một dấu hiệu quan hệ hai bên tiến triển tốt.
'Quan hệ Việt-Mỹ đang rất tốt'
Trả lời BBC hôm 20/12, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), bình luận : "Theo tôi, sự việc hủy bỏ các hợp tác này chỉ mang tính ngắn hạn thôi. Về căn bản thì quan hệ Việt-Mỹ nói chung và quốc phòng nói riêng đều đang rất tốt, nhất là trong dài hạn".
"Mỹ trong các thảo luận chính sách, đặt trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP), luôn đánh giá cao và coi Việt Nam là một đối tác quan trọng".
"Thực sự thì đúng là trong vấn đề mua bán và trao đổi vũ khí hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam đang có một số vấn đề trục trặc. Việt Nam muốn tiếp cận nguồn cung vũ khí đa dạng hơn trong khi phía Mỹ trước mắt đang thận trọng, muốn Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bảo vệ an ninh biển trước khi tính đến việc mua sắm các loại vũ khí khác".
"Nói chung là hai bên vẫn đang trong quá trình tìm hiểu năng lực và nhu cầu của mỗi bên. Hy vọng chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào năm sau có thể thúc đẩy và gỡ được nút thắt này".
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội hồi tháng 1/2018
Ông Phương cũng phân tích thêm : "Theo như tôi thấy, Việt Nam hiện tại ưu tiên vũ khí hệ Nga nhiều hơn, và cũng đang ưu tiên chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, thực tế không phải cứ mua vũ khí hiện đại về là sẽ dùng tốt".
"Ví dụ gần đây là các thông tin về hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mà Việt Nam mua của Israel đang gặp trục trặc do không hợp điều kiện khí hậu và tích hợp hệ thống".
"Do đó Việt Nam sẽ phải xem xét rất kỹ mình sẽ mua loại vũ khí gì, trong bối cảnh eo hẹp ngân sách. Vũ khí hệ Nga cho đến thời điểm hiện tại vẫn là lựa chọn tối ưu, và việc Việt Nam yêu cầu Mỹ xem xét Đạo luật Chống Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (Caatsa) và yêu cầu miễn trừ là điều dễ hiểu".
"Nói tóm lại, việc hủy bỏ một số hợp tác quốc phòng chỉ mang tính ngắn hạn, và tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng có thể đây là bước đi nhằm phát tín hiệu và điều chỉnh một phần quan hệ giữa hai bên cho tới trước chuyến đi của ông Trọng".
'Không làm Bắc Kinh phật ý'
Cùng thời điểm, viết trên trang Nghiên cứu Quốc tế, nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore bình luận : "Quyết định này cũng có thể là một trong những phản ứng của Hà Nội đối với sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc".
"Khi cuộc đối đầu giữa hai người khổng lồ ngày càng trở nên rõ ràng hơn, Hà Nội có thể thấy nhận thấy khó có thể củng cố quan hệ quốc phòng với một cường quốc này mà không làm cho cường quốc kia phật lòng. Đối mặt với rủi ro này, Hà Nội có thể đã chọn trì hoãn hợp tác quốc phòng với Mỹ, ít nhất là tạm thời, để không làm Bắc Kinh phật ý".
Tàu tuần dương mang tên lửa USS Antietam (CG-54) đi vào vùng biển bên trong 12 hải lý gần Hoàng Sa
"Tình hình tương đối tĩnh lặng hơn ở Biển Đông trong những tháng gần đây và các động thái ngoại giao của Bắc Kinh, như việc nêu mục tiêu đạt được thỏa thuận với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong vòng ba năm tới, có thể là một yếu tố khác khuyến khích Hà Nội làm chậm lại việc tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ".
"Suy cho cùng, miễn là lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông được đảm bảo, Hà Nội sẽ không muốn từ bỏ chính sách lâu nay trong việc duy trì sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Nói cách khác, nếu Trung Quốc chấp nhận một lập trường mang tính thỏa hiệp hơn đối với tranh chấp Biển Đông, Hà Nội sẽ không sẵn sàng xích lại quá gần Hoa Kỳ", ông Hiệp viết trên trang Nghiên cứu Quốc tế.
Hồi tháng 3/2018, báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam là khách hàng lớn thứ ba của Nga trong buôn bán vũ khí.
Việt Nam đứng thứ ba (10%) trong danh sách mua hàng của Nga, sau Ấn Độ (35%) và Trung Quốc (12%).
Việt Nam cũng là khách hàng thứ ba của Israel (6,3%), sau Ấn Độ (49%) và Azerbaijan (13%).
Với Belarus, Việt Nam là khách hàng số một (26%), tiếp theo là Trung Quốc (26%) và Sudan (23%).
Cộng hòa Czech là đối tác lớn tiếp theo, với Việt Nam là khách hàng thứ ba (11%), sau Iraq (44%), và Mỹ (19%).
Hoa Kỳ trừng phạt Trung Quốc vì mua 10 chiếc Sukhoi Su-35 từ Nga
Theo trang DefenseNews, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn thấy Hà Nội bớt các giao dịch vũ khí với Nga và mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng chi phí và sự phức tạp của công nghệ vũ khí Mỹ ó thể khiến quá trình chuyển đổi này gian nan.
Từ năm 2005 đến năm 2014, Hà Nội tăng chi tiêu quân sự lên gần 400%, theo website Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Việt Nam không tăng cường đáng kể việc mua vũ khí Mỹ, ngay cả sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016.
Ben Ngô
Nguồn : VOA, 21/12/2018
Luật sư Võ An Đôn trao đổi với BBC về chuyện tại sao ông khởi kiện bộ trưởng Tư pháp và việc mưu sinh nuôi vợ cùng ba con sau một năm kể từ ngày bị tước thẻ hành nghề.
Luật sư Võ An Đôn : 'Người ta sống được thì mình sống được'
Hôm 4/12, Luật sư Võ An Đôn thông báo ông đã nộp đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp bác toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Võ An Đôn về việc bị xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh này, theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm 13/12, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn nói :
"Đến nay đã nửa tháng từ ngày tôi nộp đơn kiện bộ trưởng Tư pháp nhưng tôi chưa nhận được phản hồi, dù theo luật thì tòa án phải trả lời trong 5 ngày".
"Dựa vào thực tế của nghề luật ở Việt Nam, tôi tự biết khả năng mình thắng kiện trong vụ này không bao giờ xảy ra, vì tòa không thể nào bác quyết định của bộ trưởng".
"Từ trước đến nay đã có một số luật sư bị tước thẻ hành nghề nhưng chưa có ai đi kiện".
"Tôi muốn là người đầu tiên đi kiện bộ trưởng Tư pháp là để cho người dân biết bộ mặt thật của luật pháp Việt Nam".
"Bên cạnh đó, tôi muốn giới lãnh đạo Liên đoàn Luật sư và Bộ Tư pháp phải dè chừng khi treo thẻ một người mà không có căn cứ nếu không muốn bị kiện tiếp".
"Tôi cũng nghĩ đến khả năng mình bị tước thẻ mãi mãi nhưng sẽ vẫn chiến đấu cho vụ này".
"Thấy người dân nghèo bị quan chức chính quyền ức hiếp, tôi ra tay giúp họ miễn phí thì bị chính quyền tìm mọi cách trù dập nên tôi mới nghèo như hôm nay".
Luật sư Võ An Đôn nói với BBC rằng 'ông bị tước thẻ nên phải làm nông mưu sinh'
Cuộc sống sau khi bị tước thẻ
Luật sư Võ An Đôn cũng nói với BBC : "Sau khi bị tước thẻ, tôi vẫn cố gắng tư vấn pháp luật cho người dân trong một số vụ án dân sự".
"Ngoài ra, tôi mưu sinh bằng việc làm nông, làm vườn, chăn nuôi để nuôi vợ và ba con từ 2 đến 7 tuổi".
"Nói chung là giống như bất kỳ người dân nông thôn nào khác ở Việt Nam".
"Người ta sống được thì mình sống được, dù trước khi có thu nhập ổn định thì mình đỡ hơn, còn nay thì phải tính toán mọi khoản chi tiêu trong nhà kỹ hơn".
Cắt cỏ cho bò ăn là công việc khá khác lạ cho một luật sư
Trả lời câu hỏi của BBC về việc luật sư ở Việt Nam có nên bày tỏ chính kiến, và nếu có thì phải chuẩn bị tâm lý thế nào và sẽ gặp những rủi ro gì về nghề nghiệp, ông Đôn đáp :
"Theo tôi là luật sư thì phải biết bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề của xã hội. Vì hơn ai hết, luật sư được xem là thành phần tri thức, khi thấy những hiện tượng tiêu cực, bất công, vi phạm pháp luật, trái đạo đức thì mình phải có nghĩa vụ lên tiếng, để mọi người biết đâu là đúng, đâu là sai".
"Luật pháp và chính trị được ví như hình với bóng, làm luật sư nghĩa là làm chính trị mà không dám bày tỏ chính kiến của mình, làm ngơ với các tiêu cực xã hội, chỉ biết kiếm tiền làm giàu cho bản thân, thì thật là hổ thẹn với lương tâm và với mọi người".
"Luật sư Việt Nam muốn bày tỏ chính kiến thì phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, với những rủi ro thường gặp phải sau đây : bị an ninh thường xuyên theo dõi, bị tước thẻ luật sư, bị đi tù".
"Tôi rất muốn các con của tôi sau này lớn lên thì sẽ theo nghề luật, vì nghề luật là nghề tôi đam mê từ thuở nhỏ. Hơn nữa, nghề luật giúp người học hiểu biết về pháp luật, mà pháp luật thì điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội".
"Người học luật có kiến thức tổng quát rộng, họ biết cách xử sự trong cuộc sống hàng ngày, biết đâu là đúng, đâu là sai nên hành vi của họ rất chuẩn mực".
"Mình làm nghề luật thì có điều kiện giúp người khác về mặt pháp lý và đấu tranh cho sự công bằng của xã hội, để xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn".
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2108 viết :
"Trong sáu clip trả lời phỏng vấn của người có tên là Thanh Tâm trên tài khoản Facebook "Thanh Tâm Nguyễn", ông Đôn đã nhân danh giới luật sư có nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn với nội dung không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, nói xấu thể chế chính trị. Bộ Tư pháp cho rằng những phát biểu của ông Đôn trong những clip này đã phủ nhận giá trị, vai trò của hệ thống pháp luật và hoạt động tố tụng Việt Nam ; phủ nhận vị trí, vai trò của nghề luật sư và đội ngũ luật sư Việt Nam. Ông Đôn không đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cho các nội dung đã nói".
Hồi tháng 11/2017, báo Việt Nam dẫn lời đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên giải thích quyết định tước thẻ luật sư là vì ông Đôn "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam".
Blogger, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy tâm tình với BBC về cuộc sống và công việc buôn bán cà phê ở Buôn Hồ trước ngày ra tòa hôm 22/11.
Nữ blogger cho biết bây giờ bà mưu sinh nhờ bán cà phê sạch qua mạng
Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk dự kiến xử sơ thẩm bà Thục Vy về cáo buộc tội "Xúc phạm quốc kỳ" theo Điều 276 Bộ luật Hình sự 1999.
Bà Thục Vy được biết đến như người sáng lập tổ chức Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, với mục tiêu cổ vũ các giá trị của nhân quyền và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là nữ giới.
Thông cáo do tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty) phát đi hồi tháng 8/2018 viết : "Thông qua hoạt động và viết blog ủng hộ quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số và nhân quyền nói chung, bà Huỳnh Thúc Vy đã làm việc không mệt mỏi để vạch trần các hành vi vi phạm. Vì điều này, bà và gia đình đã phải hứng chịu sự giám sát, đe dọa và quấy rối không ngừng".
Bà thường xuyên viết blog về các vụ đàn áp nhân quyền bao gồm cả những vụ đàn áp nhắm tới các sắc dân thiểu số ở Việt Nam.
Bà hiện đang sinh sống cùng chồng và con gái 25 tháng tuổi tại làng Hà Lan A ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Hôm 12/11, bà Thục Vy nói với BBC : "Từ khi có con nhỏ, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc con nên công việc chung có xao nhãng đôi phần, việc viết lách không còn đều đặn như trước".
"Tuy vậy, trong lòng tôi, khao khát được sống có ích càng cháy bỏng hơn. Vì giờ mình đã có con, những việc mình làm không chỉ cho chính bản thân mình, bạn bè và cộng đồng nữa, mà còn cho một con người bé bỏng mang huyết thống của mình".
"Tôi nhận thấy công việc và cuộc sống của mình không những mang lại lợi-hại cho con mà còn là tấm gương cho con trưởng thành".
"Có nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra đến khi hai, ba tuổi, tôi mới thấu hiểu rằng để một con người được sinh ra và lớn lên tốn rất nhiều tâm huyết và công lao của cha mẹ, bà con và xã hội".
"Bởi vậy, nếu một người lớn lên không làm được điều gì to lớn hơn bản thân mình thì thật bội ơn những gì mình được nhận hưởng".
"Lý tưởng về nhà nước pháp trị, xã hội tự do dân chủ của tôi cũng chỉ bắt nguồn từ nhận thức : Muốn sống có ích, muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng, thứ lợi ích thiết thực nhưng lâu bền và mang tính gốc rễ chứ không chỉ có lợi ích vật chất".
Blogger Huỳnh Thục Vy và con gái 25 tháng tuổi
BBC : Trải nghiệm đặc biệtcủa một người vốn quen với cuộc sống ở thành phố nay sống ở buôn làng là gì ?
Huỳnh Thục Vy : Làng Hà Lan A ở Buôn Hồ trong mắt những người chưa từng đặt chân đến là một làng quê vùng rừng núi. Nhưng không phải, theo hiểu biết của tôi, đây là một giáo xứ Công giáo do ông Ngô Đình Diệm khai mở từ 1954, một vùng đất đai trù phú.
Hiện tại, tôi có cảm nhận, mức sống và trình độ dân trí của người dân trong làng Hà Lan A này cao hơn hẳn mức trung bình trong cả nước. Theo tôi, đó là nhờ : Ông bà tổ tiên người Công giáo tỵ nạn Cộng sản ; cuộc sống của người dân chỉ phụ thuộc vào việc sản xuất cây công nghiệp (hồ tiêu, cà phê) nên họ khá độc lập về kinh tế, không quá sợ hãi chính quyền ; con cái họ sinh ra, lớn lên coi trọng việc buôn bán và nông nghiệp, không trông mong vào làm công chức trong hệ thống chính quyền.
Có lẽ nhờ những yếu tố đó nên nhận thức của họ độc lập hơn và phi Cộng sản. Đa phần người trong làng có smartphone để truy cập Internet.
BBC : Có phải một trong những thử thách đáng kể nhất với nhà hoạt động ở Việt Nam là việc mưu sinh khi mà công chuyện làm ăn, kiếm tiền của họ thường bị làm khó dễ ? Bà vượt qua thử thách này thế nào ?
Huỳnh Thục Vy : Đúng vậy, đó là thử thách khá lớn. Việc tôi mở kho chứa hàng và trưng bảng hiệu của công ty cà phê AmaRin Coffee của mình ở Sài Gòn từng bị công an gây khó dễ. Họ bắt tôi phải dỡ bảng hiệu công ty xuống. Việc thuê nhà ở của vợ chồng tôi và các em tôi ở Sài Gòn nhiều lần không ổn vì công an gây áp lực cho các chủ nhà trọ.
Họ canh giữ chặt chẽ vào các cuối tuần không cho em trai tôi đi giao hàng cho khách, thậm chí còn nhiều lần đến đập phá chỗ trọ của em tôi. Những sách nhiễu trong cuộc sống hằng ngày và thử thách trong việc mưu sinh đã buộc em trai tôi phải sang Thái Lan xin tỵ nạn. Còn vợ chồng tôi về quê chồng (Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) sinh sống và thay vì bán hàng cà phê sạch có mặt bằng trưng bày thì tôi bán hàng qua mạng. Cuộc sống của vợ chồng tôi đến nay tạm ổn trong sự ủng hộ và bao bọc của bà con giáo xứ Vinh Đức, làng Hà Lan A. Nhưng dường như chính quyền lại muốn bứng tôi ra khỏi mảnh đất lành này, khỏi Tây nguyên, nơi có những người giáo dân ủng hộ tôi và có các anh chị em người Thượng cần Thục Vy làm tiếng nói cho họ.
BBC : Bà trù liệu khả năng phiên tòa ngày 22/11 sẽ kết thúc thế nào và nếu đó là một bản án tù giam thì sao ?
Huỳnh Thục Vy : Tôi tin rằng mục đích của chính quyền và công an Đăk Lăk là dùng thủ tục tố tụng và phán quyết của vụ án này để : Đe dọa người dân nơi tôi đang sinh sống. Người dân ở đây yêu mến và ủng hộ tôi. Họ nhìn thấy người dân bảo vệ tôi trong buổi biểu tình chống luật Đặc khu ngày 10/6/2018 nên họ lo sợ đó sẽ là tiền lệ bất lợi cho họ trong thời gian tới ; kiềm chân tôi để ngắt các liên kết của tôi với bạn bè người sắc tộc Tây nguyên bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ; dùng bản án để áp lực tinh thần gia đình tôi nhằm thúc giục tôi đưa ra lựa chọn rời khỏi Việt Nam.
Chắc họ nghĩ rằng một bản án tù giam 3 năm là vừa đủ để các mục đích trên của họ được thành đạt. Bản án giam tối đa 3 năm đủ nhẹ để không gây tiếng tăm trong cộng đồng quốc tế, họ không thích có một trường hợp Mẹ Nấm thứ hai nữa. Và bản án giam cũng đủ nặng để áp lực tôi bỏ nước ra đi trong thời gian việc thi hành án bị tạm hoãn vì tôi có con nhỏ dưới 3 tuổi. Họ nghĩ rằng thời gian một năm sắp tới bị kiềm chân ở nhà bằng lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú, và chờ con nhỏ đủ 3 tuổi để bị tống giam, tôi sẽ tìm cách bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Người bào chữa cho tôi trong phiên tòa sắp tới, Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho tôi nhiều sự ủng hộ về tinh thần hơn là lời khuyên pháp lý cụ thể vì tôi đã có những chủ kiến riêng của mình trong vụ án này.
Huỳnh Thục Vy và luật sư Lê Công Định, người cùng bị đưa ra xét xử với ông Trần Huỳnh Duy Thức hồi năm 2010
BBC : Được biết bà từng viết trên trang cá nhân : "Nếu mình có thể nhắn với anh Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, mình sẽ nói : Anh ơi, đồng ý ra đi đi..". Bà có bình luận gì về lựa chọn đi hay ở lại của người tù là nhà hoạt động/giới bất đồng ?
Huỳnh Thục Vy : Tôi tin rằng, một người tài giỏi như Trần Huỳnh Duy Thức nếu chọn ra khỏi Việt Nam thì ông sẽ vẫn có những vận động hữu ích cho đất nước. Nhưng tôi cũng vô cùng trân quý nhiệt huyết của ông muốn làm ngọn đuốc giữ ấm mãi tinh thần người đấu tranh trong nước và rọi sáng góc tối tăm Việt Nam cho cộng đồng quốc tế thấy rõ.
Bằng tình cảm chân thật bình thường, tôi ủng hộ ông ấy ra đi, bằng lý trí xét đoán lợi hại trong công cuộc chung, tôi muốn ông ở lại Việt Nam.
BBC : Theo bà dự đoán, tình hình của giới hoạt động tại Việt Nam sẽ thế nào sau ngày 1/1/2019, khi luật An ninh mạng có hiệu lực ?
Huỳnh Thục Vy : Theo tìm hiểu của tôi, từ nửa năm nay, dù luật An ninh chưa có hiệu lực, nhiều facebooker đã bị vô hiệu hóa tài khoản hoặc bị gỡ post Facebook.
Tuy không là người bi quan nhưng tôi tin rằng tình trạng bóp nghẹn tự do ngôn luật sẽ còn tồi tệ hơn trong vài tháng tới. Một loạt các nhà bất đồng chính kiến đã bị tống giam sau 2/9/2018 vì bị nghi ngờ tổ chức biểu tình chống Nhà nước. Đến giờ, thân nhân của họ và công luận vẫn chưa biết an nguy của họ giờ ra sao. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thể sẽ ngày càng tệ hơn nên giới hoạt động buộc phải có những giai đoạn "nín thở qua sông" để bảo toàn lực lượng.
BBC : Trong hành trình vận động cho quyền con người tại Việt Nam 10 năm qua, bà tự hào mình đã làm được những gì và còn tiếc vì điều gì chưa làm được ?
Huỳnh Thục Vy : Tôi nghĩ rằng, so với nhiều nhân vật trong giới đấu tranh khác, những việc tôi làm được không bằng một nửa. Nhưng tôi có may mắn được nhiều anh chị em tiếp sức, trợ giúp nên công việc khá trôi chảy. Tôi tiếc là mình chưa có đủ sức khỏe và sự trưởng thành về tinh thần đủ để hoạt động năng nổ hơn và liên kết với những anh chị em trong nước nhiều hơn nữa trong các hoạt động chung.
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 12/11/2018
Câu chuyện về Huỳnh Thục Vy nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.
Một nhà quan sát nói với BBC rằng thử thách lớn nhất của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam tới đây là "làm sao dung hòa được các quyền lợi đối nghịch của các bên tham gia", trong lúc một nhà hoạt động cho rằng nhiệm vụ trước mắt là giải nghĩa cho công nhân hiểu công đoàn "không làm chính trị".
Công nhân xưởng may tại Việt Nam (hình chỉ có tính minh họa)
Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang xem xét thông qua CPTPP, truyền thông nói Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có "tổ chức khác cạnh tranh" và tránh đề cập đến khái niệm "công đoàn độc lập".
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh hôm 5/11 dẫn lời : "Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình".
"Trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định thật sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện".
"Đặc biệt, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp".
'Chỉ còn trên lý thuyết'
Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh nói với BBC hôm 6/11 : "Trong quá trình tham gia đàm phán TPP và sau này là CPTPP, Việt Nam thừa biết sẽ phải thay đổi rất nhiều luật lệ trong nước để phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nhưng Việt Nam vẫn luôn chần chừ để mua thời gian không thực hiện những cam kết của mình".
"Điển hình là năm 2012, Việt Nam vẫn thông qua luật Công đoàn dù biết rằng đang trong giai đoạn chót để thông qua TPP. Ở thời điểm kết thúc đàm phán TPP, ngoài cam kết chung trong chương 19, do áp lực của Mỹ, Việt Nam buộc phải ký riêng với Hoa Kỳ một bản phụ lục để phía Mỹ có thể giám sát tiến trình tuân thủ này nhưng Việt Nam đã xin được triển hạn thi hành điều khoản này từ 3 đến 5 năm".
"Nhưng khi chính quyền Trump đã rút ra khỏi TPP cho nên, điều kiện giám sát này cũng bị mất luôn mà chỉ còn cam kết chung của tất cả mọi thành viên theo chương 19 của Hiệp định CPTPP".
"Như thế thì khả năng Chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do nghiệp đoàn chỉ còn trên lý thuyết vì trong 10 nước thành viên còn lại của CPTPP không có ai có đủ trọng lượng để áp lực Việt Nam thực thi điều này. Đó là chưa kể đến Việt Nam sẽ viện dẫn trường hợp đặc biệt để kéo dài thời gian thực hiện cam kết".
"Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội Việt Nam có thể thông qua Hiệp định CPTPP để có thể hưởng lợi về kinh tế trước mắt và từ từ, có thể là 3 đến 5 năm nữa, Chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi một số luật, trong đó có luật Công đoàn 1992 để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới".
Ông Vũ Đức Khanh, từ đảng Dân chủ Việt Nam ở hải ngoại, nói thêm : "Tôi nghĩ Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ đương nhiệm không có lý do gì phải lo sợ các lực lượng nghiệp đoàn tự do, độc lập với họ".
"Thứ nhất, Đảng đã có một quá trình kinh nghiệm đấu tranh công đoàn gần 90 năm từ những năm đầu của cách mạng từ năm 1929".
"Thứ hai, một bộ máy Đảng và Nhà nước độc quyền như hiện nay thì tại sao lại phải sợ cạnh tranh với những tổ chức chỉ mới vừa được thành lập và tập tễnh bước vào sân chơi".
"Và thứ ba, việc các nghiệp đoàn này đào tạo được một lãnh đạo xứng tầm quốc gia và quốc tế cũng phải đòi hỏi ít nhất gần một thế hệ, có nghĩa là phải mất khoảng 20 năm".
"Về phần công đoàn Nhà nước, họ buộc phải thay đổi một cách toàn diện để tồn tại. Chấp nhận quy luật cạnh tranh để sinh tồn".
Công nhân Công ty Pouchen Việt Nam đình công hôm 24/3/2018
"Thử thách lớn nhất của họ là làm sao luôn là người đại diện chân chính và thiết thực đối với tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt trong bối cảnh khi Nhà nước lại đóng vai trò của giới chủ nhân kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường đa thành phần".
"Quyền lợi của đảng chính trị cầm quyền, của Nhà nước trực tiếp làm kinh tế, của tầng lớp tư bản ngoại quốc và tư sản dân tộc, và của người lao động cần phải được các lãnh đạo công đoàn cân nhắc. Sự sống còn của họ đã bắt đầu nằm trong tay của người lao động khi tầng lớp này thực hiện quyền lựa chọn".
"Còn đối với các nghiệp đoàn độc lập, tự do, thử thách lớn nhất và trước mắt của họ là làm sao có thể dung hòa được các quyền lợi đối nghịch của các bên tham gia".
"Để tồn tại, lãnh đạo các nghiệp đoàn độc lập, tự do phải đạt được tính chính danh từ người lao động đã lựa chọn họ".
"Đồng thời, họ phải chứng tỏ rằng họ không nguy hại cho Đảng mà ngược lại có thể là đối tác chiến lược. Riêng đối với giới chủ doanh nghiệp dù đó là doanh nghiệp quốc doanh, tư doanh trong nước hay các nhà đầu tư nước ngoài, các vị lãnh đạo này cũng cần phải học bài học "hợp tác" mà quên đi "đấu tranh giai cấp". Vì đơn giản là nếu không có tư bản đầu tư thì sẽ không có người lao động".
Gia đình nhà hoạt động công đoàn Minh Hạnh tố bị khủng bố
'Cái nhìn lạc quan'
Cùng ngày 6/11, ông Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động công đoàn, nói với BBC : "Việc cho lập công đoàn độc lập là tin vui cho giới hoạt động công đoàn, đem lại cái nhìn lạc quan".
"Tuy vậy, cũng có lo ngại về một dạng mang danh nghĩa là "công đoàn độc lập" nhưng thực chất là có sự điều hành của Nhà nước".
"Cần nhìn nhận thực tế là luật Lao động chưa phù hợp với công nhân Việt Nam nên cần phải sửa đổi một số điều luật".
"Tôi nghĩ thách thức trước mắt của giới hoạt động là hướng dẫn cho người lao động biết rõ quyền lập công đoàn độc lập".
"Đại đa số công nhân có thể vẫn chưa hiểu công đoàn độc lập nếu có thì giúp ích được gì cho họ và có khác gì công đoàn Nhà nước".
"Điều mấu chốt là giải nghĩa cho công nhân hiểu công đoàn "không làm chính trị" như cách họ bị tuyên truyền lâu nay".
Ông Chương, người từng thụ án 7 năm tù giam vì hoạt động đòi hỏi quyền lợi cho công nhân, cũng nói thêm với BBC : "Tôi cũng như những nhà hoạt động công đoàn khác nhận thấy có thể học hỏi mô hình công đoàn Ba Lan và Úc".
"Quan trọng là tìm hiểu cái nào thích hợp với tình hình ở Việt Nam và điều chỉnh thế nào".
"Mặt khác, giới hoạt động công đoàn cũng cần thời gian để củng cố tổ chức chặt chẽ hơn trong lúc tăng cường thay đổi nhận thức cho công nhân".
Trong một bài viết trên BBC hồi tháng 2/2016 khi có những đàm phán về TPP, nhà quan sát Nguyễn Quang Duy từ Úc nhận định : "Một cách cơ bản các công đoàn phải thực sự phát xuất từ công nhân, phải do công nhân lập ra, được công nhân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân".
"Những người lãnh đạo công đoàn phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ".