Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/12/2018

Vụ Việt Nam hủy giao lưu quốc phòng với Mỹ 'chỉ mang tính ngắn hạn'

Ben Ngô

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng vụ Việt Nam hủy giao lưu quốc phòng với Mỹ "chỉ mang tính ngắn hạn" và có thể là "bước đi nhằm phát tín hiệu" trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

myviet1

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm sân bay Biên Hòa hồi tháng 10/2018

Hồi tháng 10/2018, Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra đưa tin Việt Nam "lặng lẽ hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch cho năm 2019, gồm các trao đổi về lục quân, hải quân và không quân.

Tin này khiến giới quan sát đặt nhiều câu hỏi, nhất là sau khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Việt Nam hai lần trong năm 2018, một dấu hiệu quan hệ hai bên tiến triển tốt.

'Quan hệ Việt-Mỹ đang rất tốt'

Trả lời BBC hôm 20/12, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), bình luận : "Theo tôi, sự việc hủy bỏ các hợp tác này chỉ mang tính ngắn hạn thôi. Về căn bản thì quan hệ Việt-Mỹ nói chung và quốc phòng nói riêng đều đang rất tốt, nhất là trong dài hạn".

"Mỹ trong các thảo luận chính sách, đặt trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP), luôn đánh giá cao và coi Việt Nam là một đối tác quan trọng".

"Thực sự thì đúng là trong vấn đề mua bán và trao đổi vũ khí hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam đang có một số vấn đề trục trặc. Việt Nam muốn tiếp cận nguồn cung vũ khí đa dạng hơn trong khi phía Mỹ trước mắt đang thận trọng, muốn Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bảo vệ an ninh biển trước khi tính đến việc mua sắm các loại vũ khí khác".

"Nói chung là hai bên vẫn đang trong quá trình tìm hiểu năng lực và nhu cầu của mỗi bên. Hy vọng chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào năm sau có thể thúc đẩy và gỡ được nút thắt này".

myviet2

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội hồi tháng 1/2018

Ông Phương cũng phân tích thêm : "Theo như tôi thấy, Việt Nam hiện tại ưu tiên vũ khí hệ Nga nhiều hơn, và cũng đang ưu tiên chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, thực tế không phải cứ mua vũ khí hiện đại về là sẽ dùng tốt".

"Ví dụ gần đây là các thông tin về hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mà Việt Nam mua của Israel đang gặp trục trặc do không hợp điều kiện khí hậu và tích hợp hệ thống".

"Do đó Việt Nam sẽ phải xem xét rất kỹ mình sẽ mua loại vũ khí gì, trong bối cảnh eo hẹp ngân sách. Vũ khí hệ Nga cho đến thời điểm hiện tại vẫn là lựa chọn tối ưu, và việc Việt Nam yêu cầu Mỹ xem xét Đạo luật Chống Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (Caatsa) và yêu cầu miễn trừ là điều dễ hiểu".

"Nói tóm lại, việc hủy bỏ một số hợp tác quốc phòng chỉ mang tính ngắn hạn, và tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng có thể đây là bước đi nhằm phát tín hiệu và điều chỉnh một phần quan hệ giữa hai bên cho tới trước chuyến đi của ông Trọng".

'Không làm Bắc Kinh phật ý'

Cùng thời điểm, viết trên trang Nghiên cứu Quốc tế, nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore bình luận : "Quyết định này cũng có thể là một trong những phản ứng của Hà Nội đối với sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc".

"Khi cuộc đối đầu giữa hai người khổng lồ ngày càng trở nên rõ ràng hơn, Hà Nội có thể thấy nhận thấy khó có thể củng cố quan hệ quốc phòng với một cường quốc này mà không làm cho cường quốc kia phật lòng. Đối mặt với rủi ro này, Hà Nội có thể đã chọn trì hoãn hợp tác quốc phòng với Mỹ, ít nhất là tạm thời, để không làm Bắc Kinh phật ý".

myviet3

Tàu tuần dương mang tên lửa USS Antietam (CG-54) đi vào vùng biển bên trong 12 hải lý gần Hoàng Sa

"Tình hình tương đối tĩnh lặng hơn ở Biển Đông trong những tháng gần đây và các động thái ngoại giao của Bắc Kinh, như việc nêu mục tiêu đạt được thỏa thuận với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong vòng ba năm tới, có thể là một yếu tố khác khuyến khích Hà Nội làm chậm lại việc tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ".

"Suy cho cùng, miễn là lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông được đảm bảo, Hà Nội sẽ không muốn từ bỏ chính sách lâu nay trong việc duy trì sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Nói cách khác, nếu Trung Quốc chấp nhận một lập trường mang tính thỏa hiệp hơn đối với tranh chấp Biển Đông, Hà Nội sẽ không sẵn sàng xích lại quá gần Hoa Kỳ", ông Hiệp viết trên trang Nghiên cứu Quốc tế.

Hồi tháng 3/2018, báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam là khách hàng lớn thứ ba của Nga trong buôn bán vũ khí.

Việt Nam đứng thứ ba (10%) trong danh sách mua hàng của Nga, sau Ấn Độ (35%) và Trung Quốc (12%).

Việt Nam cũng là khách hàng thứ ba của Israel (6,3%), sau Ấn Độ (49%) và Azerbaijan (13%).

Với Belarus, Việt Nam là khách hàng số một (26%), tiếp theo là Trung Quốc (26%) và Sudan (23%).

Cộng hòa Czech là đối tác lớn tiếp theo, với Việt Nam là khách hàng thứ ba (11%), sau Iraq (44%), và Mỹ (19%).

myviet4

Hoa Kỳ trừng phạt Trung Quốc vì mua 10 chiếc Sukhoi Su-35 từ Nga

Theo trang DefenseNews, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn thấy Hà Nội bớt các giao dịch vũ khí với Nga và mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng chi phí và sự phức tạp của công nghệ vũ khí Mỹ ó thể khiến quá trình chuyển đổi này gian nan.

Từ năm 2005 đến năm 2014, Hà Nội tăng chi tiêu quân sự lên gần 400%, theo website Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Việt Nam không tăng cường đáng kể việc mua vũ khí Mỹ, ngay cả sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016.

Ben Ngô

Nguồn : VOA, 21/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)