Những gì xảy xa đối với tiến sĩ Christine Blasey Ford và với thẩm phán Brett Kavanaugh trong cuộc điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện trong những ngày qua cho thấy dù ở cương vị nào đi nữa, dù trí tuệ, thành công hay quyền lực đến mấy, mỗi chúng ta đều là con người với những điểm yếu và những tổn thương tâm lý. Ở cương vị có thẩm quyền và thẩm định khác hẳn cương vị bị đánh giá và phán xét. Cho nên câu nói hãy đặt mình vào vị trí của người khác nhiều khi là châm ngôn của cuộc đời.
Bà Christine Blasey Ford và Thẩm phán Brett Kavanaugh .
Bà Ford, một giáo sư và nhà nghiên cứu về tâm lý, khẳng định trong cuộc điều trần rằng bà đâu có muốn ở đó, rằng bà rất khiếp sợ (terrified), nhưng vì trách nhiệm công dân mà bà phải lên tiếng chia sẻ câu chuyện của bà, trước bao nhiêu lời hăm dọa giết bà, buộc bà phải tạm sống xa nhà trong những ngày qua. Đó là chưa kể những ảnh hưởng của cuộc điều tra và quan sát kỹ lưỡng của cơ quan FBI, trong những ngày tới đối với bà và gia đình [1]. Giọng nói của bà không dấu được nỗi xúc động và run sợ trước cuộc điều trần này, nhất là khi phải đối diện với bao áp lực nặng nề từ truyền thông và dư luận, lắm khi thù nghịch. Cho nên quyết định đồng ý ra điều trần để trình bày câu chuyện của mình là một quyết định khó khăn, cân nhắc và can đảm. Dù kết quả cuộc điều trần này ra sao đi nữa, đời sống của bà Ford và gia đình bà từ nay trở đi sẽ không còn như trước nữa.
Ông Kavanaugh cũng thế. Chính ông cho biết trong 10 ngày qua từ khi công bố các cáo buộc của bà Ford cho đến khi được điều trần vấn đề này vào thứ Năm tuần trước, tên tuổi, uy tín và gia đình của ông bị thiệt hại nặng nề bởi những người cố tình muốn phá hoại ông và gia đình ông. Những hăm dọa hành hung, những điện thư đe dọa với vợ ông, sự tấn công đối với bạn bè ông v.v... Thực hư trong chuyện này thì chưa có kết luận, nhưng điều rõ ràng là không chỉ ông Kavanaugh mà vợ, hai con gái và những người thân của ông cũng bị tổn thương. Cung cách trình bày và trả lời của ông vào thứ Năm vừa qua, cũng như cử chỉ của vợ ông mặc dầu bà chỉ ngồi đó lắng nghe, cho thấy họ đã bị áp lực và ảnh hưởng sâu sắc. Những ngày điều trần trước đó, ông vẫn giữ được sự điềm tĩnh, tính cách cần thiết và quan trọng của một thẩm phán với hàng chục năm kinh nghiệm trong các tòa phúc thẩm, cho dầu có bao câu hỏi có vẻ hóc búa hay thù nghịch. Nhưng đến khi sự kiện bà Ford được đem ra mổ xẻ, nét mặt ông không dấu nỗi âu lo, có lúc ông tỏ vẻ giận dữ và đầy cảm xúc [2].
Điều nên nhớ là nếu chúng ta chỉ nghe, đọc hay thấy trên màn hình về các cuộc điều trần này thì khó thể nào hiểu được tâm trạng của người bị điều trần, trước bao áp lực lớn lao từ đủ mọi phía. Có trí tuệ, tâm lực hay kinh nghiệm thôi cũng chưa chắc đủ khi đối diện với những câu hỏi hóc búa hay các ngôn từ đầy thù nghịch. Trong bối cảnh chia rẽ chính trị và xã hội sâu sắc như hiện nay, một hiện tượng có lẽ phổ biến toàn cầu, người ta dễ dàng bị giao động mạnh, dễ dàng bị lôi cuốn vào các tiểu tiết chưa được kiểm chứng, dễ dàng đi đến kết luận và kết án, thay vì để cho các cơ quan chuyên ngành điều tra với nhiều bằng chứng xác đáng để đưa ra nhận định, kết luận hay đề nghị đúng đắn hơn. Dường như tính cách tự kỹ luật và tự kiềm chế trong quan hệ giữa con người với nhau bị soi mòn trầm trọng trong những thập niên qua, đặc biệt trong những năm gần đây.
Tôi nghĩ khó có ai còn được nguyên vẹn sau cuộc điều trần đầy như thế, nghĩa là không ít thì nhiều bị trầy da tróc vẫy.
Những kinh nghiệm đau thương mà một người từng trãi qua, những chấn thương tinh thần/tâm lý (trauma), như kinh nghiệm sống chết, chẳng hạn, của mình hay của người thân, sẽ khó thể nào phai nhòa trong trong tâm trí của người đó. Và không một ai trong chúng ta bị miễn nhiễm về chấn thương tâm lý này.
Những ai trong chúng ta được sinh trưởng trong một gia đình không bạo lực, không có bạo hành trong nhà, và không bị ngược đãi, dù là lời nói hay hành động, thì đó là điều vô cùng may mắn. Nhưng cho dù mái ấm gia đình có hoàn hảo đi nữa, chúng ta đều chịu ảnh hưởng của môi trường chung quanh, trong khi xã hội nào cũng lắm điều bất toàn. Trong mọi xã hội hiện nay, bạo lực vẫn còn hiện hữu khắp nơi, không ít thì nhiều, kể cả những xã hội văn minh, dân chủ và pháp trị hàng đầu. Các xã hội văn minh lại có những vấn đề khác của nó. Cho nên nếu may mắn không bị ảnh hưởng tiêu cực của gia đình, chưa chắc chúng ta sẽ không bị miễn nhiễm từ ảnh hưởng của xã hội, từ cách cư xử và ứng xử, kể cả bắt nạt (bullying), của thầy cô và bạn bè ở các lớp mầm non đến tiểu học và trung học. Lớn lên khi bắt đầu va chạm với cuộc sống, trưởng thành và có công ăn việc làm vững chãi, dù luật pháp, chính sách hay quy chế có bảo đảm trên giấy tờ đi nữa, sự bất công đối xử và sự bắt nạt tại sở làm không phải vì thế mà biến mất. Nếu không làm công khai, các thủ phạm này vẫn tìm cách làm kín đáo, vẫn đâm sâu lưng, vẫn sử dụng các ngôn từ thâm hiểm để đánh vào điểm yếu hay sự nhạy cảm của người khác. Những kẻ có uy quyền nhưng đầy thủ đoạn và trí trá như thế, tuy chỉ là thiểu số, nhưng chỉ cần tỷ lệ vài phần trăm, vài người trong một trăm người, cũng đủ làm cho chúng ta cảm thấy bất an.
Khi an toàn bị đe dọa, khi sự sợ hãi quá mạnh mẽ lấn áp mọi lý trí, khi các giá trị và nguyên tắc sống của mình bị đe dọa, và sống còn chỉ là sự chọn lựa duy nhất, các biến cố như thế gây chấn động lên tinh thần và để lại những vết thương lòng khó phai nhòa.
Các nhà tâm lý học nghiên cứu về đề tài chấn thương này nhiều thập niên, nếu không phải là cả thế kỷ, qua. Càng ngày khi các kiến thức và khám phá mới về khoa học thần kinh càng gia tăng, nó giúp cho chúng ta đến gần sự thật hơn để tìm hiểu về nguyên nhân, tác động và ảnh hưởng sâu xa của chấn thương đối với sự phát triển và hoạt động của bộ não con người ; đặc biệt ký ức hay bộ nhớ của con người bị ảnh hưởng ra sao khi đối diện với các biến cố đầy đau thương đó.
Nạn nhân, hay chỉ là chứng nhân, của các thiên tai như động đất, cháy rừng, lũ lụt, bão tố, vân vân, hay nhân tai như chiến tranh, khủng bố, hiếp dâm, xâm phạm tình dục, bạo hành, tai nạn xe cộ, vân vân, sẽ trãi nghiệm các chấn thương này. Và chỉ có những người trãi qua chấn thương đó mới thật sự biết được cảm giác ra sao. Tùy theo từng loại chấn thương khác nhau, hậu quả có thể ở tầng cảm xúc, hành vi hay nhận thức, tức khả năng để suy nghĩ và quyết định, hoặc để lại hậu chứng thần lý (neurologic sequelae) [3]. Nghị lực, và khả năng phục hồi, của mỗi người cũng khác nhau, do đó phản ứng và đối phó cũng khác nhau. Có người vượt qua được và trở thành mạnh mẽ hơn. Có người không vượt qua được và phát triển chứng bệnh trầm cảm, chẳng hạn. Có người tìm cách quên nó đi bởi nó quá khủng khiếp trong tâm trí họ, nhưng thỉnh thoảng nó lại hiện về. Nỗi lo âu đó ám ảnh nhiều người cả cuộc đời. 10 phần trăm đàn bà và 4 phần trăm đàn ông bị chấn thương nặng sẽ phát triển thành tình trạng rối loạn tâm lý, hay từ chuyên môn là Rối loạn Căng thẳng Hậu Chấn thương (Post-Traumatic Stress Disorder, PTSD) trong đời mình [4].
Các nhà tâm lý và phái thiền học khuyên chúng ta là dù muốn quên cũng không quên được. Không những thế, nó có thể trở nên tệ hại hơn, trầm trọng hơn nếu cứ tránh né nó. Cách tốt nhất là đối diện trực tiếp với nó, dần dần sẽ khắc phục và vượt qua nỗi căng thẳng và sợ hãi này. Nhưng để làm được điều này, một trong các điều kiện căn bản là một môi trường an toàn trong đó người ta được điều trị bởi các nhà chuyên môn sử dụng các phương pháp khoa học được thử nghiệm là có hiệu quả. Ngoài ra mạng lưới hỗ trợ cho những người này, từ gia đình, bạn bè đến những người quan tâm là rất cần thiết để giúp người ta từng bước khắc phục.
Theo nghiên cứu thì những người từng bị chấn thương, nhất là các chấn thương nghiêm trọng, mất nhiều thời gian để khắc phục, và thường sống hay sống lại (relive) các biến cố, kinh nghiệm này nhiều lần trong cuộc đời. Họ rất dễ bị tổn thương mặc dầu trong thâm tâm họ không nghĩ hay không tin điều đó.
Qua sự kiện điều trần thẩm phán Brett Kavanaugh vào tối cao pháp viện, vấn đề nổi bật là liệu bà Christine Blasey Ford có nhớ đúng hay không, trong khi các nhân chứng khác mà bà nêu ra, có đến bốn người, xác định là họ không nhớ và không hồi tưởng lại (recall) sự kiện này. Như thế thì phải chăng sự kiện đó không xảy ra, hay bà nhớ lầm, hay vấn đề là thế nào ?
Từ ngàn xưa, đối diện với hiểm họa sống còn, từ các loài thú dữ cho đến thiên nhiên hiểm nghèo, và cũng từ chính giữa con người, như gia đình hay bộ lạc với nhau, con người tồn tại và phát triển được cho đến ngày nay phần chính là nhờ khả năng phát hiện được sớm các hiểm nguy từng phút từng giây của mình để đối phó.
Không chỉ từng giây, và không chỉ về mối nguy thôi. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Evian Gordon, nhà nghiên cứu nổi tiếng về khoa học thần kinh, bộ óc của chúng ta dò xét môi trường để nhận diện mối nguy và phần thưởng năm lần trong một giây. Nguyên tắc tổ chức chính của bộ não con người là giảm thiểu mối nguy và tối đa phần thưởng, và điều này xảy ra một cách tiềm thức và cực nhanh [5].
Khi con người bị chấn thương nặng, như rối loạn thần kinh/PTSD (posttraumatic stress disorder), chẳng hạn, gây nên bởi thiên tai hay nhân tai, hai vùng chính của bộ óc con người bị rối loạn chức năng, bao gồm : Amygdala và Prefrontal Cortex (PFC) [6]. Theo tiến sĩ Melanie Greenberg thì Amygdala bình thường có chức năng phát hiện mối nguy trong môi trường và kích hoạt phản ứng "chiến đấu" hay "bỏ chạy" (có khi không quyết định dứt khoát, nó cũng kích hoạt phản ứng đông cứng ; tóm lại là fight, flight or freeze). Nó điều khiển cả hệ thống thần kinh giao cảm giúp cho chúng ta chống chọi với mối đe dọa. Và nó cũng giúp cho chúng ta lưu trữ các ký ức tình cảm hay liên hệ đến mối đe dọa mới. Còn PFC thì được thiết kế để điều chỉnh sự chú ý và ý thức, quyết định phản ứng nào tốt nhất thích hợp nhất cho hoàn cảnh, đề xuất hành vi ý thức tự nguyện, điều nghiên ý nghĩa và tầm quan trọng của cảm xúc đối với các sự kiện, điều chỉnh các cảm xúc, và ngăn cấm hay chỉnh đốn các phản ứng rối loạn. Tóm lại, PFC là phần lý trí, suy nghĩ của bộ óc, biết cân nhắc và lý giải trước khi quyết định chứ không làm theo quán tính.
Khi phát hiện mối nguy, amygdala đề xuất một phản ứng phòng thủ rất nhanh và rất tự động, trong khi đó trung phần của PFC nhận xét mối nguy một cách rõ ràng để tăng cường hay để trấn tỉnh phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy.
Đối với những người từng bị chấn thương nặng như dạng PTSD, theo tiến sĩ Melanie Greenberg, các nghiên cứu cho biết amygdala của họ phản ứng quá mạnh đối với mối đe dọa có thể có (hyper-reactive/hyperactive to potential threat) trong khi đó trung phần của PFC thì bị suy yếu về khả năng điều chỉnh phản ứng đối với mối nguy, và có khó khăn trong việc giảm bớt lo âu và tức giận.
Trong sự kiện thẩm phán Brett Kavanaugh và tiến sĩ Blasey Ford, bà rõ ràng không bị PTSD, nhưng biến cố như bị tấn công tình dục, và tưởng chừng bị giết chết, như bà kể chi tiết trong bài tường trình của mình, nếu có xảy ra, thì khó thể nào quên được, dù cách đây 35 năm. Bà cho biết có bốn nhân vật có mặt ở đó : Brett Kavanaugh, Mark Judge, một nam nhi tên P.J., và một nam nhi khác bà không nhớ tên. Bà nhớ có bạn bà tên Leland cũng tham dự. Tuy nhiên theo Kavanaugh thì cả bốn người được cáo buộc là có mặt ở đó đều cho rằng chuyện đó không xảy ra [7]. Theo tờ New York Times thì chỉ có Kavanaugh là phủ nhận chuyện đó không xảy ra, còn ba người Mark Judge, Leland Keyser và Patrick J. Smith, qua các lời công khai của họ, chỉ nói rằng họ không có nhớ về chuyện này.
Không nhớ không có nghĩa là không xảy ra.
Theo tiến sĩ Ira Hyman, có vài điều cần biết về ký ức (memory) của con người [8]. Thứ nhất, các ký ức đau buồn không thể xóa nhòa được. Chấn thương có những hậu quả quan trọng đối với ký ức. Khi bị kích động cảm xúc mạnh mẽ, người ta trở nên tập trung hạn hẹp, giúp cho họ nhớ những nét chính của sự kiện, ngược lại họ không chú ý bao nhiêu đến các chi tiết ngoài biên. Cho nên theo Hyman thì bà Blasey Ford có thể không nhớ về các khía cạnh khác của sự kiện, như là buổi tiệc diễn ra ở đâu, thời gian và những người tham dự là ai, nhất là khi nó đã mấy chục năm về trước, nhưng bà vẫn sẽ nhớ sự kiện này và thủ phạm là ai. Thứ hai, sự nhận diện sai và ký ức sai khó xảy ra trong trường hợp này. Nghiên cứu cho biết các vụ nhận diện sai thường liên quan đến người lạ, trong khi ký ức sai đòi hỏi sự trình bày các thông tin hoặc đề nghị có tính cách lường gạt, gây hiểu lầm. Tuy nhiên, bà Blasey Ford cho hay bà biết Kavanaugh và Judge trước buổi tiệc đó, nên bà có thể nhận diện họ dễ dàng ở buổi tiệc, sau tiệc, và trong suốt biến cố đó. Thứ ba, bà Blasey Ford có thể có mâu thuẫn trong ký ức, bởi không có ký ức nào hoàn hảo cả, và bộ nhớ của con người không phải là máy quay phim. Thứ tư, chúng ta không thể mong đợi những người khác tại buổi tiệc này nhớ về sự kiện này. Đối với họ, nếu không có biến cố đáng kể nào để họ nhớ về buổi tiệc thì sau năm tháng, nhất là sau 35 năm, nó sẽ đi vào quên lãng, không có gì đáng nhớ cả.
Kavanaugh phủ nhận hành động này. Hyman biện luận rằng có thể nó không xảy ra, có thể ông Kavanaugh thành thật, và cũng có thể ông không còn nhớ sự kiện này trong lúc đã uống quá say, tuy không phải là lý do để biện minh.
Tiến sĩ Jim Hopper, một chuyên gia về chấn thương tâm lý, kể cả các vụ tấn công tình dục và ký ức đau thương, phân tích chi tiết cách bộ óc con người ghi nhớ các sự kiện như thế nào. Hopper đã dành 25 năm nghiên cứu về lĩnh vực này [9]. Ông đã từng huấn luyện các sĩ quan cảnh sát quân sự và dân sự, các công tố viên và các chuyên gia khác, bao gồm cả các cấp chỉ huy tại Fort Leavenworth và Lầu Năm Góc, và dạy cho các bác sĩ tâm thần đang thực tập tại Trường Y Harvard. Theo Hopper thì những người lính và cảnh sát biết rằng các ký ức đau thương thường có nhiều gián đoạn lớn. Họ cũng biết thật là khó khăn hoặc bất khả để hồi tưởng thứ tự của sự việc xảy ra. Đây là sự thật, chứ không phải lý thuyết hay giả thuyết, đối với những người bảo vệ quốc gia này và hàng triệu nạn nhân sống sót sau các vụ xâm phạm tình dục.
Hopper cho biết các nhà nghiên cứu chia tiến trình ghi nhớ của bộ óc thành ba đoạn : mã hóa, lưu trữ và thu hồi.
Mã hóa đề cập đến việc đăng ký tạm thời các cảm giác và suy nghĩ vào bộ nhớ ngắn hạn, có thể duy trì thông tin trong vòng 30 giây. Đối với mọi biến cố mà chúng ta từng trãi, trong từng khoảnh khắc, những gì bộ óc của chúng ta mã hóa là một chức vụ của những gì chúng ta quan tâm để ý đến, cũng như những gì có tầm quan trọng cảm xúc đối với chúng ta. Đây gọi là những chi tiết trọng yếu (central details). Còn những chi tiết khác, không quan trọng đối với chúng ta vào lúc đó, gọi là chi tiết ngoài biên (peripheral details). Khi một sự kiện xảy ra đối với một người, bộ não của họ tập trung vào sự sống còn, những chi tiết quan trọng đối với bộ óc của người đó vào lúc đó, không phải các khía cạnh mà người điều tra sự việc tin rằng họ lẽ ra phải nhớ. Khi một người không nhớ các chi tiết ngoài biên, điều đó không nói lên điều gì cả về sự khả tín của họ.
Lưu trữ là bước tiếp theo. Lưu trữ các chi tiết trọng yếu là mạnh mẽ hơn các chi tiết ngoài biên. Các chi tiết ngoài biên sẽ tan mau nếu không được nhớ lại hay mã hóa lại, phần lớn trong vòng một ngày. Điều mà ai cũng biết là những gì chúng ta tập trung để ý đến và mang tầm quan trọng đối với chúng ta thì chúng ta dễ nhớ hơn qua thời gian. Ngay cả khi chúng ta ngủ, bộ óc của chúng ta vẫn tiếp tục làm công việc sàn lọc các chi tiết được lưu trữ và ưu tiên việc tiếp tục lưu trữ một số chi tiết trọng yếu này, không phải tất cả. Vì thế nên tất cả các ký ức thường rời rạc và không toàn bộ. Vì thế nên tất cả ký ức đều thiếu chi tiết mà đã được mã hóa lúc ban đầu, ngay cả các chi tiết mà đã được lưu trữ một thời gian sau đó.
Hopper nhấn mạnh một điều khác cũng cần nên biết mà ảnh hưởng đến sức mạnh lưu trữ : Tầm quan trọng cảm xúc của chi tiết đó mang tính tích cực hay tiêu cực. Tiến hóa đã chọn duy trì bộ óc thiên vị khi mã hóa những gì tiêu cực hơn để giúp chúng ta tồn tại trong một thế giới có nhiều kẻ thù và các nguy hiểm nghiêm trọng khác. Nói cách khác, những gì bi quan tiêu cực dễ được ghi nhớ hơn lạc quan tích cực. Quan trọng hơn hết, những gì còn lưu trữ trong bộ óc của chúng ta là tùy thuộc vào phản ứng của chúng ta : khiếp sợ, lo lắng hay kích hoạt cảm xúc vào lúc đó. Các nghiên cứu hàng thập niên qua cho biết lo lắng và tổn thương làm gia tăng sự lưu trữ đặc biệt của các chi tiết trọng yếu đối với ngoài biên. Do đó có những chi tiết, như nhìn thấy khuôn mặt của kẻ thù khi viên đạn bay xuyên vào lồng ngực của họ, sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí nhớ của mình.
Ký ức, dù trọng yếu, cũng phai dần nếu không được thu hồi hay tái mã hóa. Những ký ức có vẻ đầy chi tiết trước đây qua thời gian trở nên trừu tượng hơn. Có thể chúng ta nhớ điểm chính của câu chuyện và một vài chi tiết trọng yếu. Việc thu hồi ký ức, như khi chúng ta nhớ hay kể lại câu chuyện, thì bộ óc của chúng ta tìm cách sắp xếp các mảnh rời lại với nhau một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo Hopper thì các ký ức của những trải nghiệm đầy căng thẳng và đau thương, nhất là các chi tiết trọng yếu, không phai theo thời gian. Có người kể lại các chấn thương đau đớn nhất trong đời họ, nghe tưởng chừng như các câu chuyện trừu tượng hời hợt, trong đó nhiều chi tiết có vẻ bị thất thoát. Lý do : Thường là vì họ không muốn nhớ nó, và chưa cảm thấy an toàn để nhớ nó. Có người bị dầy vò đau đớn cố gắng tránh nó, có lúc thành công có lúc không, trong nhiều năm hay nhiều thập kỷ.
Theo hai nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, tiến sĩ Hyman và Hopper, nói trên, thì ký ức là lĩnh vực vô cùng phức tạp, nhưng trong câu chuyện này, bà Blasey Ford có vẻ khả tín.
Tuy thế, chúng ta cần phải chờ xem cuộc điều tra của FBI sẽ kết luận ra sao trong vài ngày tới. Các chuyên viên FBI có tay nghề và kinh nghiệm cao được huấn luyện và trang bị cho các tình huống khó khăn. Như cựu giám đốc FBI James Comey chia sẻ, mặc dầu chỉ có một tuần để điều tra và mặc dầu họ sẽ không tự kết luận, mà chỉ tóm tắc trình bày của mọi nhân chứng trong một bản báo cáo có tên/số 302, và tổng hợp tất cả các phỏng vấn này trong một tóm tắt điều hành (executive summary) cho Nhà Trắng, các chuyên viên FBI sẵn sàng đối với trách nhiệm này và sẽ tìm sự thật, nói thật với quyền lực [10].
Sau cùng, hiểu về chấn thương và ký ức trong chuyện này sẽ giúp cho chúng ta, dù là một công dân bình thường, hay là một chuyên viên điều tra vụ án thuộc FBI, hay là một thượng nghị sĩ nằm hay không nằm trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nắm bắt cách ghi nhớ sự kiện của bộ óc con người và cách mỗi người đối phó ra sao khi đối diện với hiểm nguy. Nó cũng giúp cho chúng ta hiểu biết và cảm thông hơn đối với các nạn nhân của mọi vụ bạo hành, hay những người còn sống sốt sau các biến cố đau thương. Những người đã bị chấn thương nặng hay bị các cú sốc nặng thì bộ óc của họ đã không còn như trước, đã bị tổn thương và hư hại ít nhiều. Điều này cũng giúp cho chúng ta cảm thông và thương kính đối với những người lính Việt Nam Cộng Hòa, có người đã chiến đấu trên 20 năm rồi sau đó cũng có người đã bị tù đầy có khi 10 đến 15 năm, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần không bút mực nào tả xiết. Những kiến thức này cũng giúp cho chính người Việt Nam hiểu rõ hơn những nguy hại và cản trở lớn lao trong việc phát triển quốc gia nếu đất nước tiếp tục bị cai trị bởi các chế độ chuyên sử dụng bạo lực, dối trá và ảo tưởng.
Phạm Phú Khải
(Úc Châu, 02/10/2018)
Tài liệu tham khảo :
1. Lauren Gambino, "Christine Blasey Ford offers powerful testimony in the #MeToo era ", The Guardian, 28 September 2018.
2. Vì thế mà người ta đã nêu ra những câu hỏi về tinh thần trung lập của ông, tính cách ứng xử, và qua đó nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Tòa án Tối cao mà uy tín hiện đang thử thách rằng liệu định chế này, cái mà trước nay luôn tận tụy với pháp luật chứ không phải với chính trị, có bị đe dọa không nếu ông được thượng viện phê chuẩn. Xin đọc thêm bình luận của Adam Liptak, "A Bitter Nominee, Questions of Neutrality, and a Damaged Supreme Court ", The New York Times, 28 September 2018.
3. Ana Nogales, "Trauma ", Psychology Today, 19 February 2014.
4. Melanie Greenberg, "How PTSD and Trauma Affect Your Brain Functioning ", Psychology Today, 29 September 2018.
5. Kristen Hansen, "Traction", Published by Kristen Hansen, October 2017. Có thể tìm hiểu thêm từ cuốn sách của Evian Gordon, "Integrative Neuroscience", Harwood Academic Publishers, 2000.
6. Melanie Greenberg, "How PTSD and Trauma Affect Your Brain Functioning", Psychology Today, 29 September 2018. Nạn nhân, hay chỉ là chứng nhân, của các thiên tai như động đất, cháy rừng, lũ lụt, bão tố, vân vân, hay nhân tai như chiến tranh, khủng bố, hiếp dâm, xâm phạm tình dục, bạo hành, tai nạn xe cộ, vân vân, sẽ trãi nghiệm các chấn thương này. Tùy theo từng loại chấn thương khác nhau, hậu quả có thể ở tầng cảm xúc, hành vi hay nhận thức, tức khả năng để suy nghĩ và quyết định, hoặc để lại hậu chứng thần lý (neurologic sequelae). Xin đọc thêm Ana Nogales, "Trauma", Psychology Today, 19 February 2014.
7. Karen Yourish and Troy Griggs, "Brett Kavanaugh Testimony : Three Inconsistencies the F.B.I. Investigation Could Address", the New York Times, 28 September 2018.
8. Ira Hyman, "A Supreme Court Nominee, A Sexual Assault, and Memory", Psychology Today, 24 September 2018.
9. Jim Hopper, "Traumatic Memories : Tools to Evaluate the Senate Testimony", Psychology Today, 28 September 2018.
10. James Comey, "The F.B.I. Can Do This", the New York Times, 30 September 2018.
Có lẽ ít có lần đề cử thẩm phán vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nào mang tính căng thẳng và gây cấn như đối với thẩm phán Brett Kavanaugh kỳ này. Có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn nằm trong bối cảnh chính trị của Hoa Kỳ hơn là chính cá nhân ông Kavanaugh.
Ứng viên tối cao pháp viện, Brett Kavanaugh và khung hình là bản Hiến Pháp Mỹ.
Trước hết cần nói về vai trò ngày càng quan trọng của ngành tư pháp.
Giáo sư Kermit Hall chia sẻ rằng triết gia người Pháp Alexis de Tocqueville, trong chuyến tham quan Hoa Kỳ đầu thế kỷ 19, đã có nhận định vào thời điểm đó rằng "Tôi không rõ có quốc gia nào trên thế giới này cho đến nay tổ chức quyền lực tư pháp trong cung cách giống như người Mỹ không… Một quyền lực tư pháp mang tính áp đặt hơn lại không bao giờ được cấu tạo bởi người dân" [1].
Chỉ có vài pháp viện khác trên thế giới có quyền lực về bề rộng và về hoạt động giống như Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Hall cho rằng Tối cao Pháp viện là sản phẩm của Hiến Pháp Hoa Kỳ, và là một trong các định chế mới ấn tượng nhất, nhưng đồng thời ít được tranh luận nhất, được hình thành từ Hội nghị Philadelphia năm 1787. Trong các nỗi quan tâm của các phái đoàn đến Philadelphia lúc đó có ý tưởng pháp quyền (the rule of law) bị đe dọa nghiêm trọng, do đó các nhà định hình Hiến pháp ban đầu muốn xây dựng một ngành tư pháp mạnh mẽ để bảo toàn các chuẩn mực mới của nền pháp luật toàn quốc và để mang lại một số hạn chế đối với các mong muốn phổ biến quá đà.
Tuy quan niệm và mong muốn xây dựng ngành tư pháp như thế, mãi cho đến năm 1935 Tối cao Pháp viện mới có tòa nhà riêng của mình. Tạp chí Economist biện luận rằng ngày hôm nay Tối cao Pháp viện chiếm vị thế trọng tâm nhưng ngày càng không thể đứng vững được (untenable) trong đời sống người Mỹ [2].
Nó là tâm điểm vì phần lớn đến từ sự bế tắc. Khi Quốc hội (tức Lập pháp) không thể thông qua các dự luật đơn giản, thuần tuý mang tính thương lượng chính trị với nhau, thì quyền lực của chính nó tràn sang Hành pháp và Tư pháp. Các vấn đề chính trị như phá thai hay hôn nhân đồng tính lại trở thành các vấn đề mang tính pháp lý, được dàn xếp bởi chín thẩm phán, trong đó không một ai được dân bầu lên.
Nó không thể đứng vững được là do vị thế thiên vị ngày càng gia tăng của pháp viện. Không phải lúc nào nó cũng như thế. Trước đây các tổng thống thuộc đảng Cộng hoà đã bổ nhiệm ba thẩm phán cấp tiến nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, gồm Earl Warren, William Brennan và Harry Blackmun, và kể cả Anthony Kennedy, mặc dầu ông Kennedy, người mới vừa quyết định về hưu, được xem là người giữ phiếu quyết định nhưng xoay chiều khi cần (swing vote). Trong khi đó, bốn thẩm phán có lập trường bảo thủ hiện nay đều do các tổng thống của Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, và bốn thẩm phán cấp tiến đều do các tổng thống của Đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Tiến trình đề cử thì ngày càng trở nên độc hại. Cộng hòa đổ lỗi cho thủ thuật của Dân chủ qua cuộc điều trần của Robert Bork, một ứng viên mà tổng thống Ronald Reagan đề cử. Dân chủ thì đổ lỗi cho Cộng hòa qua sự kiện cựu tổng thống Barack Obama đề cử thẩm phán Merrick Garland vào năm 2016. Cộng hòa lúc đó chiếm đa số ở thượng viện, do đó có quyền quyết định khi nào diễn ra cuộc điều trần. Họ đã ngâm tôm cuộc điều trần này bởi vì cuối năm 2016 diễn ra bầu cử lại một phần ba thượng viện, toàn hạ viện và bầu cử tổng thống. Ứng cử viên Cộng hoà Donald Trump, trong một cuộc vận động bầu cử lúc đó, đã phát biểu : "Quý vị phải bầu cho tôi… Quý vị biết tại sao không ? Thẩm phán Tối cao Pháp viện. Không có chọn lựa nào khác". [3]. Dân chủ mất cơ hội chọn thẩm phán theo quan điểm của mình.
Hiện nay Cộng hòa chiếm tỷ lệ 51 – 49 ở thượng viện, trong đó 47 thuộc Dân chủ, và hai thượng nghị sĩ độc lập. Đảng nào có hơn 50 ghế thượng viện là coi như nắm phần quyết định việc bổ nhiệm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện. Cũng vì thế nên Trump đã thành công trong việc đề cử thẩm phán Neil Gorsuch vào Tối cao Pháp viện năm ngoái. Việc Trump đề cử thẩm phán Brett Kavanaugh, người đã và đang được điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ tuần qua, có lẽ sẽ không gặp khó khăn nào đáng kể mặc dầu vào giờ phút cuối, một người phụ nữ ẩn danh đã cáo buộc ông Kavanaugh từng xâm phạm tình dục đối với bà khi còn là học sinh [4]. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Dianne Feinstein đã đưa vấn đề này ra bàn cãi vào thứ Năm 13 tháng 9 vì cho rằng những lời cáo buộc này rất nghiêm trọng về tính cách của thẩm phán Kavanaugh.
Vì các tranh chấp và thủ thuật chơi nhau giữa hai đảng, như trình bày trên, Đảng Dân chủ sẽ không dễ dàng thông qua cuộc điều trần này, hay bỏ qua cơ hội đặt vấn đề khi có thêm các thông tin tiêu cực về Kavanaugh [5]. Tuy nhiên Carl Hulse thuộc báo New York Times nhận định rằng trước đây hai thẩm phán Clarence Thomas và Neil Gorsuch đã phải đối diện với bao điều cáo buộc về cung cách hành xử của họ trong giai đoạn cuối của cuộc điều trần, nhưng họ cuối cùng cũng được vào Tối cao Pháp viện ; do đó ngoại trừ các cáo buộc này chồng chất lên, Kavanaugh cũng sẽ ngồi vào ghế Tối cao Pháp viện thôi [6].
Thế nhưng vào lúc viết bài này thì vấn đề trở nên rắc rối hơn cho ông Kavanaugh. Người phụ nữ ẩn danh đó quyết định công khai danh tánh của mình trên báo Washington Post, kể chi tiết về vụ hành hung đó khoảng năm 1982, lúc bà chừng 15 tuổi, ông Kavanaugh chừng 17 tuổi. Bà tên là Christine Blasey Ford, 51 tuổi, hiện là một giáo sư nghiên cứu và giảng dạy tâm lý tại trường đại học Palo Alto, tiểu bang California [7]. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jeff Flake thuộc tiểu bang Arizona cho biết ông chưa sẵn sàng bỏ phiếu "Yes" cho đến khi ông biết thêm về vụ bà Ford [8]. Theo dự trù thì Đảng Cộng hòa muốn bỏ phiếu thông qua đề cử này vào thứ Năm 20 tháng 9, trong khi Đảng Dân chủ muốn hoãn lại và muốn có thêm thời gian.
Như đã trình bày trên, tiến trình tuyển chọn thẩm phán, từ đề cử bởi tổng thống đương nhiệm đến điều trần tại thượng viện, mang đầy tính đảng phái, thiên vị, do đó hoàn toàn không tốt cho ngành tư pháp và cho toàn nước Mỹ. Theo tạp chí Economist thì nó có khả năng làm què quặt ngành tư pháp vì hai cách. Một, nếu chỉ khi nào một tổng thống có đa số ở thượng viện mới có thể bổ nhiệm thành công một ghế trống ở Tối cao Pháp viện thì rất có khả năng là phần lớn thời gian tòa án không thể hoạt động với toàn lực của mình. Hai, tính chính nghĩa của tòa án phụ thuộc vào uy tín của nó như là một trọng tài trung lập khả tín.
Thẩm phán Kavanaugh, trong cuộc điều trần tuần qua, đã khẳng định lập trường rằng ông sẽ làm việc cùng với tám thẩm phán còn lại trong Tối cao Pháp viện như là một thành viên của đội (team player), và cương quyết dựa vào hiến pháp và pháp luật của Hoa Kỳ trong mọi quyết định của mình. Tuy thế, ông cũng khó thuyết phục phía Dân chủ hay những người khác rằng quyết định của ông sẽ hoàn toàn khách quan, không bị ảnh hưởng về các quan điểm có vẻ bảo thủ của mình.
Vì sự khác biệt quá sâu sắc trong xã hội Mỹ, và bao nhiêu quốc gia khác, về các vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua, từ các giá trị tôn giáo như phá thai đến các vấn đề chính trị bản sắc (identity politics) như hôn nhân đồng tính, cho nên nếu trước đây Tối cao Pháp viện phần lớn quyết định theo tuyệt đối, nhất trí với nhau, về nhiều vấn đề thì ngày nay không còn như thế nữa.
Với bốn thẩm phán bảo thủ, bốn thẩm phán cấp tiến, thì Kavanaugh, nếu được thượng viện thông qua, sẽ góp phần làm nghiên cán cân về phía bảo thủ. Ngoài ra, việc tổng thống Trump đề cử thẩm phán Kavanaugh cũng chính nó gây nhiều tranh cãi. Trump đang bị cho là có âm mưu vi phạm luật liên bang, và những người chung quanh Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đang được điều tra có liên hệ như thế nào với Nga. Hiện giờ thì chưa rõ nhưng rất có thể Tối cao Pháp viện sẽ phải quyết định Trump có phải bị bắt buộc làm chứng trong cuộc điều tra này, hoặc có phải bị truy tố, và có được quyền tha thứ cho mình không v.v… Quan điểm của Kavanaugh liên quan đến các vấn đề này mang tính quyết định về cách tòa án quy định quyền hạn của tổng thống.
Khác với Tối cao Pháp viện Úc, ràng buộc trong hiến pháp rằng các thẩm phán phải về hưu ở tuổi 70, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không giới hạn tuổi tác. Thẩm phán Kavanaugh hiện nay chỉ mới có 53 tuổi. Nếu được thượng viện thông qua, và nếu có sức khỏe, ông có thể tại nhiệm trong hai ba thập niên tới, và sẽ ảnh hưởng lớn lao lên nền tư pháp tới đây. Đảng Dân chủ không hề yên tâm về điều này, không chỉ vì khác quan điểm mà còn vì khá bực mình với Đảng Cộng hòa vì lẽ ra một ghế của Tối cao Pháp viện thuộc về thẩm phán Garland.
Tư pháp trong một nền dân chủ đích thực phải thực sự độc lập, vô tư/công bình (không bị chính trị hóa) và khả tín mới có thể hoàn thành sứ mạng công lý lớn lao của mình. Nó phải được sự tin tưởng cao cả thì mới phục vụ tối hảo cho mọi công dân dưới hiến pháp và pháp luật đó.
Tối cao Pháp viện có quyền quyết định nếu Lệnh Hành pháp (Executive Order) hay các bộ luật từ Lập pháp có hợp hiến không. Nghĩa là trách nhiệm và quyền hạn rất lớn và rất nặng về, trên cả hai ngành kia. Vì thế việc chính trị hóa ngành từ pháp của Hoa Kỳ trong thời gian qua, qua việc các tổng thống chỉ đề cử người có cùng quan điểm chính trị với đảng, đã làm giảm đi khả tín và tính lưỡng đảng (phi chính trị) của nền tư pháp. Như thế nó có thể làm giảm đi niềm tin của người dân Mỹ về nền công lý của quốc gia. Điều đó đã làm cho nhiều người chuyên môn quan tâm đệ trình một số cải tổ triệt để hoặc ôn hòa hơn.
Giới hạn nhiệm kỳ mỗi thẩm phán trong vòng 18 năm thay vì suốt đời là một đề nghị. Hoặc thay phiên mỗi 9 thẩm phán trong số 180 thẩm phán liên bang phục vụ trong vòng hai tuần, nhưng điều này sẽ gây nhiều khó khăn và cản trở về mặt hành chánh. Một cách khác nữa là số thẩm phán gia tăng lên 15 người, bởi trong hiến pháp không quy định bao nhiêu, số 9 hiện nay chỉ là theo thông lệ, kể từ năm 1869. 5 được Dân chủ đề chọn, 5 từ Cộng hòa, và 5 còn lại do các thẩm phán bầu chọn nhau. Dù kết quả ra sao đi nữa, cải tổ sâu sắc ngành Tư pháp hiện nay là điều hợp lý để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi sự năng động và thách thức không ngừng trong đời sống chính trị của người Mỹ hiện nay và tương lai.
Úc Châu, 17/09/2018
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 17/09/2018
Tài liệu tham khảo :
1. Kermit L. Hall, "The Law of the Land : The History of the Supreme Court", Course Guide, Utah State University, Recorded Books, 2003 ; trang 7.
2. "America’s highest court needs term limits ", The Economist, Leaders, 15 September 2018.
3. "How America’s Supreme Court became so politicised ", The Economist, Briefing, 15 September 2018.
4. "Brett Kavanaugh denies sexual misconduct in high school ", US & Canada, BBC, 14 September 2018.
5. "Ðảng Dân chủ quyết chận đề cử của TT Trump vào Tối cao Pháp viện ", VOA, 4 September 2018.
6. Carl Hulse, "New Kavanaugh Disclosure Shows Little Sign of Impeding His Nomination ", The New York Times, 15 September 2018.
7. Emma Brown, "California professor, writer of confidential Brett Kavanaugh letter, speaks out about her allegation of sexual assault ", The Washington Post, 16 September 2018.
8. Sheryl Gay Stolberg, "Brett Kavanaugh’s Confirmation in Turmoil as Accuser Comes Forward ", The New York Times, 16 September 2018.