Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phu nhân của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh, mới qua đời ngày 15/10/2021 tại miền Nam California, hưởng thọ 91 tuổi. Bà mất đúng 20 năm sau khi ông Thiệu qua đời tại Boston, Hoa Kỳ năm 2001.

ongta1

Ông bà Nguyễn Văn Thiệu và hai người con lớn - © 2021 Buivanphu

Hai mươi năm của chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã có bốn tổng thống : Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương và Dương Văn Minh.

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm có bà Ngô Đình Nhu được cho là "Đệ Nhất Phu nhân" không chính thức, vì bà là vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu, bào đệ của Tổng thống độc thân Ngô Đình Diệm. Thực sự bà Nhu là con người với tham vọng chính trị vì bà là dân biểu quốc hội và đã khuấy động chính trường trong những năm dưới thời Ngô tổng thống.

Sau cú đảo chánh 1/11/1963, trước khi khai sinh Đệ nhị Cộng hòa, những năm 1965-67 có bà Đặng Tuyết Mai cũng sôi nổi vì là tình nhân, rồi trở thành phu nhân của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, là chức vụ như thủ tướng, cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, như một quốc trưởng.

Ngoài ông Kỳ và ông Thiệu, những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa còn có Tổng thống Trần Văn Hương, lãnh đạo một tuần, và Tổng thống Dương Văn Minh lãnh đạo đất nước hai ngày nên người dân không nghe biết đến các vị phu nhân. Ngay cả tướng Minh, sau đảo chánh 1/11/1963 đã làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng và quốc trưởng nhưng người dân cũng ít nghe nói đến phu nhân.

Bà Nguyễn Văn Thiệu là phu nhân của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa từ 1967 đến 1975, nhưng bà không phô trương ồn ào, không can dự vào công việc của chồng mà chỉ làm công tác xã hội, ủy lạo chiến sĩ, giúp người nghèo.

Trong quá khứ, giới truyền thông chống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thường đưa ra cáo buộc những phu nhân của lãnh đạo miền Nam, như bà Nguyễn Văn Thiệu, bà Trần Thiện Khiêm, bà Đặng Văn Quang với những vụ mua quan bán chức hay buôn lậu mà không đưa bằng chứng, chỉ là những lời đồn, như vụ buôn lậu ở Long An với còi hụ xe nhà binh với đồn đãi là bà Thiệu tổ chức. Khi đó vụ việc đổ bể và nhiều thùng rượu mạnh được vội vã đổ hàng ngay trong khu vực Ngã ba Ông Tạ.

Khu vực Ngã ba Ông Tạ từ năm 1974 cũng là bản doanh của Phong trào Chống tham nhũng, do linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu, đặt tại giáo xứ Tân Chí Linh. Phong trào đã đưa ra những bản cáo trạng nhắm vào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân.

Khi hay tin bà Thiệu qua đời, nhiều cư dân vùng Ông Tạ đã nhắc lại những ký ức về bà.

Theo phóng viên báo Tuổi Trẻ Cù Mai Công, một người được sinh ra và sống ở Ngã ba Ông Tạ, viết trên Facebook thì trước 1963 ông bà Thiệu sống trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo, trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), gần Bộ Tổng tham mưu và bà Thiệu cùng với bà Trần Thiện Khiêm thường đi chợ Ông Tạ bằng xích lô đạp, ngang qua nhà ông.

Khi ông Thiệu làm tổng thống, bà Thiệu muốn xây một bệnh viện cho người nghèo thì địa điểm cho Bệnh viện Vì Dân được chọn nằm tại một góc của Ngã tư Bảy Hiền, trên phần đất mà địa dư nằm trong quần thể Ngã ba Ông Tạ.

Bệnh viện Vì Dân được khánh thành năm 1971. Nhiều cư dân trong khu vực đã được chữa trị miễn phí nên dân quanh vùng gọi đó là "Bệnh viện Bà Thiệu" hay "Nhà thương Bà Thiệu". Đó là một cơ sở y tế rộng lớn, hiện đại với 400 giường bệnh. Tôi đã đi qua nơi này mỗi ngày trong những năm học cấp ba ở trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định.

ongta2

Bệnh viện Vì Dân được khánh thành năm 1971

Vùng Sài Gòn – Gia Định khi đó đã có các bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Học, Nhi Đồng nằm ở nhiều vị trí. Khi bệnh viện Vì Dân được mở ra thì tầm hoạt động bao trùm một vùng rộng lớn để phục vụ dân chúng, có thể nói là từ Hòa Hưng, Ngã ba Ông Tạ ra đến Hóc Môn, Trung Chánh theo đường Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng 8). Còn theo đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) nối dài Võ Tánh là từ cư xá Lữ Gia qua Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, tới Ngã tư Phú Nhuận.

Một người dân đã hồi tưởng về nơi này :

"Tôi cũng dân gốc Ông Tạ, hồi nhỏ sống và đi học ở Ông Tạ, lớn lên lấy vợ cũng đem về Ông Tạ và có con cũng ở Ông Tạ. Khi Bệnh viện Vì Dân đang xây, tôi 13 tuổi, chỉ nghe người ta nói nên biết đó là ‘bệnh viện của bà Thiệu’, nhưng nhiều lần đi học trường Nghĩa Hòa về ngang, ngó lên mấy chữ VÌ DÂN to đùng trên nóc bệnh viện, tôi không hiểu, cứ tự nghĩ trong đầu : ‘Tên nghe kỳ !’

Sáng Mùng 2 Tết năm 1973 bố tôi xuất hành lấy hên đầu năm, khi về đến nhà thì than nhức đầu và ngả mình lên chiếc ghế bố, miệng tự dưng á khẩu. Đến chiều chúng tôi nhờ xe Lam đưa bố tôi vào Bệnh viện Vì Dân. Hóa ra bố tôi bị đứt mạch máu não. May mà các bác sĩ tận tình chạy chữa, nên bố tôi vẫn giữ được tánh mạng, nhưng cũng bị liệt nửa người, chỉ chống gậy đi đi lại lại trong nhà, chín năm sau thì mất.

Những ngày vào thăm bố trong bệnh viện, vào cổng phụ trên đường Lê Văn Duyệt, bây giờ là Cách Mạng Tháng 8, có cảnh sát áo trắng mũ lưỡi trai đứng gác, tôi mới hiểu ý nghĩa của hai chữ ‘vì dân’, nghĩa là ‘vì người nghèo’. Nhưng cũng chỉ là hiểu nghĩa đen vậy thôi, rồi quên mất. Hôm nay, nghe tin bà Mai Anh mất, tôi nhớ lại chuyện xưa, rồi nghĩ đến chuyện nay, tự dưng thấu suốt được cái nhân ái to lớn ẩn trong hai chữ ‘Vì Dân’ đơn giản và cụt lủn mà ngày xưa tôi đã chỉ thấy kỳ !

Xin cúi đầu tạ ơn người Phụ nữ có gương mặt phúc hậu và một trái tim nhân ái. Cầu mong Bà được an nghỉ đời đời nơi nước Chúa

ongta3

Trên trang Facebook của Hội Đồng Hương Ông Tạ nhiều người nhắc đến bà Thiệu và công trình của bà.

Hà Trần nhớ lại : "Tôi sanh con đầu lòng tại Bệnh Viện Vì Dân. Tôi là giáo viên nên cũng được không tốn lệ phí, cũng được cho tiền sữa, được chăm sóc chu đáo, 3 bữa ăn một ngày. Mong Bà ra đi thanh thản và nguyện xin Chúa đón nhận trên đường Bà về Quê Trời."

Khánh Vũ không quên một kỷ niệm : "Em gái út của tôi được hạ sinh hồi đầu năm 1974 tại bệnh viện Vì Dân, lúc đó tôi chỉ là chú nhóc 7 tuổi, được ba đưa vào bệnh viện thăm má, thăm em bé mấy ngày liền. Tôi đã phóng cẳng thả giàn chạy chơi trong bệnh viện. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi thang máy là ở bệnh viện Vì Dân này đây. Viết ra đây một thoáng kỷ niệm về một nơi bà Mai Anh đặt dấu ấn, đã và sẽ được người đời trân trọng nhắc nhở mãi về sau…".

Chung Nguyen : "Bệnh viện Vì Dân tôi biết khi còn rất trẻ vì gia đình tôi ở khu Ông Tạ. Tôi có bà chị họ sinh đẻ ở đó, chị là vợ một quân nhân thường thôi chứ không phải cấp úy hay tướng tá gì hết. Sau một tuần lễ ở bệnh viện quay trở về nhà, chị không phải đóng một đồng tiền lệ phí nào cho bệnh viện, chị còn được cho tiền và 10 mét vải may tã cho em bé, 10 hộp sữa bò và thuốc men cho cả hai mẹ con…".

Còn Thien Nguyen, một học sinh nghèo, nhớ lại ngày nhận học bổng : "Bà đã trao tiền học bổng học sinh nghèo, học giỏi cho tôi cả năm lớp 9. Mẹ đã dắt tôi đi nhận tại hội trường Viện Quốc gia Âm nhạc…".

Nhà thơ Bùi Chí Vinh là cư dân quận 3 Sài Gòn thời trước 1975, khi hay tin bà Thiệu qua đời đã làm bài thơ, với những câu :

Cô Bảy Mỹ Tho cùng tuổi với má tôi

Má tôi chết trước cô 3 năm ở một xứ sở buồn như địa ngục

Cô chết lưu vong nhưng cũng có những tháng ngày hạnh phúc

Thượng thọ 90 còn gì nữa để ngậm ngùi

"Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời"

Cô đã thuộc lòng lời ca thánh yêu thương khi ngồi trong lớp học

Khi trở thành Đệ nhất Phu nhân cô càng biết rơi nước mắt

Xây bệnh viện Vì Dân miễn phí giúp người nghèo

Là phụ nữ miền Tây cô không thích nói nhiều

Công, dung, ngôn, hạnh như Kiều Nguyệt Nga trong thơ Đồ Chiểu

Cô đi không hậu ủng tiền hô, cô đến không slogan khẩu hiệu

Thăm viện dưỡng lão, trại cô nhi như thăm viếng người nhà

Cô Bảy Mỹ Tho ơi, làm sao không nén nổi xót xa

Bệnh viện Vì Dân của cô ngày xưa bây giờ "Vì Quan" mà phục vụ

Dân còn không có ăn thì lấy gì mà thuốc men, mà giường nằm, mà lót tay đủ thứ…

Cách bệnh viện Vì Dân vài trăm mét là trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, nơi dành cho học sinh là con em của tử sĩ và thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Tuy bà Thiệu không phải là người khai sinh ngôi trường, nhưng bà luôn quan tâm giúp đỡ cho trường và các em học sinh.

vidan3

Bà Thiệu không phải là người khai sinh ngôi trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, nhưng bà luôn quan tâm giúp đỡ cho trường và các em học sinh.

Bà Tranh Nguyễn, người cùng xóm với tôi ở Ngã ba Ông Tạ và là cựu học sinh nội trú của trường Quốc Gia Nghĩa Tử, hiện ở tiểu bang Texas, chia sẻ : "Bà Thiệu là người đã dành rất nhiều tâm huyết cho trường. Khi xây xong bệnh viện Vì Dân bà đã đưa mấy chục học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử đi học điều dưỡng để về làm cho bệnh viện. Bà còn có nhiều gắn bó dành cho thương binh, cô nhi, quả phụ. Học sinh của trường luôn coi bà là nghĩa mẫu".

Khi hay tin bà Thiệu từ giã cõi đời, bà Tranh viết mấy vần thơ tưởng nhớ :

Chúng con là đám trẻ sớm mồ côi

Từ bốn phương lòng đang hướng về Cội

Cùng chung tay thắp một nén nhang trầm

Quyện theo gió bay về bên Nghĩa Mẫu

Muốn nói nhiều nhưng bây giờ không thể

Vì chúng con lòng thổn thức bi thương

Quốc Gia Nghĩa Tử một ngôi trường

Không sáng lập nhưng Mẹ đã dày công vun đắp

Cho chúng con những đứa trẻ mồ côi

Những đứa trẻ còn cha không lành lặn

Một tương lai, một cuộc sống no đầy…

Bệnh viện Vì Dân một điều còn hiện hữu

Dù hôm nay đã đổi chủ thay tên

Nhưng trái tim của nhiều người đất Việt

Vẫn ghi lòng công của Mẹ… Mẹ ơi

Mẹ ra đi để lại luống ngậm ngùi

Lòng thương nhớ bao giờ nguôi hả Mẹ !!?

(19/10/2021)

Bà Thiệu quê quán ở Mỹ Tho, sinh năm 1931 trong một gia đình công giáo có mười chị em và bà là người con thứ 7 nên có tên "Cô Bảy Mỹ Tho". Cô Bảy kết hôn với trung úy Nguyễn Văn Thiệu năm 1951 và có ba người con là Nguyễn Thị Tuấn Anh, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long.

ongta4

Bà Thiệu quê quán ở Mỹ Tho, sinh năm 1931 trong một gia đình công giáo có mười chị em và bà là người con thứ 7 nên có tên "Cô Bảy Mỹ Tho". Ảnh Getty Images 

Cuối tháng 4/1975, trong lúc tình hình quân sự và chính trị tại Việt Nam trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và vài ngày sau ông rời Việt Nam qua Đài Loan, rồi sang Anh quốc sống ở London gần 20 năm trước khi qua Mỹ định cư ở vùng Boston. Sau khi ông Thiệu mất, bà dọn về nam California sống với con trai cho đến khi lìa trần.

Xin chia buồn cùng tang quyến. Nguyện xin cho linh hồn Christine được an nghỉ bên Chúa Kitô trên Thiên Đàng.

Bùi Văn Phú

Nguồn : VOA, 28/10/2021

Published in Diễn đàn

Bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn và vai trò của cố Đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng Hòa

Khi bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, qua đời hôm 15/10/2021 ở Hoa Kỳ, hưởng thượng thọ 91 tuổi, nhiều ý kiến trên mạng xã hội tiếng Việt cho rằng hình ảnh lớn nhất gắn với bà có lẽ là Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) ở Sài Gòn.

vidan1

Hôn lễ của ông Nguyễn Văn Thiệu và bà Nguyễn Thị Mai Anh năm 1951

Khánh thành cuối năm 1971, bệnh viện Vì Dân, trong mấy năm cuối tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, được mô tả là bệnh viện hiện đại nhất miền Nam, phục vụ người nghèo.

Một mặt, bệnh viện Vì Dân được ca ngợi là công trình phụng sự xã hội, khám chữa bệnh miễn phí - như một số bình luận trên mạng xã hội sau khi có tin bà Mai Anh qua đời.

Đặc biệt, câu chuyện càng được nói đến khi TP HCM vừa trải qua thảm họa y tế với số ca tử vong vì dịch Covid, khiến một phần dư luận có thể có phần lý tưởng hóa những hoài niệm trước 1975.

Mặt khác, trong giai đoạn chính trị rối ren của miền Nam Việt Nam thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có tiếng nói đối lập cáo buộc Bệnh viện Vì Dân là công trình "tồi tệ".

Để cung cấp thêm thông tin về một giai đoạn lịch sử Việt Nam, BBC đã tìm lại các tư liệu cũ đồng thời hỏi các nhân chứng.

vidan2

Hình tư liệu gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu

Nguồn gốc hình thành bệnh viện

Nói chuyện với BBC, ông Nguyễn Kỳ Phong, một chuyên gia về lịch sử quân sự Việt Nam Cộng Hòa, hiện sống ở Hoa Kỳ, cho biết phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong tư cách chủ tịch Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội đương thời, từ năm 1969 đã vận động một số viên chức y tế, thương gia, và các quốc gia đồng minh hỗ trợ dự án xây dựng một "nhà thương" cho dân nghèo.

vidan3

Hình phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1970

Về các ý kiến mới nhất gắn vai trò của bà Thiệu với công trình y tế công này, ông Nguyễn Kỳ Phong phân tích với BBC :

"Bà Thiệu mất đi, được nhiều người nhắc đến không phải như một đệ nhất phu nhân, mà như là một người đã có công xây dựng một bệnh viện miễn phí lớn bậc nhất của Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ - Bệnh Viện Vì Dân".

Về quá trình hình thành công trình, ông Nguyễn Kỳ Phong, dựa theo các nguồn tư liệu mà ông đọc, nói rằng bà Thiệu đích thân yêu cầu bác sĩ Phạm Ngọc Toả, một viên chức cao cấp ở Bộ Y tế, để lo công tác thiết kế và trang bị hạ tầng cơ sở về kỹ thuật cho bệnh viện.

"Vấn đề khó khăn là phải tìm mua những dụng cụ y khoa hiện đại để xứng đáng với danh xưng một bệnh viện của quốc gia. Phải tốn một chi phí lớn để có được những dụng cụ y khoa tối tân hiện đại", ông Nguyễn Kỳ Phong phân tích với BBC.

Bà Thiệu cùng ban tham mưu của bệnh viện đã nghĩ ra nhiều phương án gây qũy xây cất cho Bệnh Viện Vì Dân.

Theo báo chí đương thời ghi lại, nhiều cuộc quyên tiền gây qũy bất đắc dĩ được thực hiện : quyên tiền ở hội chợ ; ở các buổi tiếp tân ở dinh tổng thống ; kêu gọi các ngân hàng và tài phiệt gốc Hoa ủng hộ ; tăng giá vé chiếu phim vài ba đồng từng kỳ ; hay các trung tâm giải trí như trường đua ngựa Phú Thọ thỉnh thoảng tổ chức một hai kỳ đua để gây qũy cho bệnh viện.

Cùng lúc, Bộ Ngoại giao kêu gọi Việt kiều hải ngoại chung tay đóng góp.

Còn theo một bài viết của chính ông Phạm Ngọc Tỏa (nguyên Giám đốc Bệnh viện Vì Dân, qua đời 2017), cái tên Vì Dân là do ông Nguyễn Đình Xướng, Tổng Thư Ký Phủ Tổng thống, đề xuất.

Ông Phạm Ngọc Tỏa cho biết Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội, Chủ tịch hội là bà Nguyễn Văn Thiệu, thành lập bệnh viện.

"Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội chỉ góp phần nhỏ thôi như thỉnh thoảng có tổ chức chợ phiên chẳng hạn, như chợ phiên Đồng Tâm v.v.

Các buổi tiếp tân tại phủ Tổng thống để gây qũy xây cất Bệnh viện Vì Dân mới quyên được nhiều : như mời các nhà tài phiệt gốc Hoa (các ông Trần Thành, Lý Long Thân v.v…), mời các ngân hàng nhân dịp đầu năm. Riêng ngân hàng Việt Nam Thương Tín đang xây cất trụ sở mới còn cho thêm đá cẩm thạch nữa để trang trí bệnh viện. Ngoài ra mỗi vé xi-nê lấy thêm mấy đồng cho Bệnh viện Vì Dân.

Trường đua ngựa Phú Thọ thỉnh thoảng tổ chức một cuộc đua đặc biệt để ủng hộ Bệnh viện Vì Dân. Đông Phương Ngân Hàng ứng trước từng đợt hai chục triệu để xây cất. Đồng bào cư ngụ ở Nouvelle Calédonie về thăm Miền Nam cũng ủng hộ một số tiền lớn (hình như là một triệu đồng thì phải) v.v…

Tóm lại việc gây qũy thành công là nhờ ở thế lực của Phủ Tổng thống. Vì tiền có dư dả nên lúc đầu chỉ định xây 5 tầng lầu cho Khu Điều Trị, sau xây thành bảy tầng".

Trong bài viết rất chi tiết,  ông Phạm Ngọc Tỏa cho hay rằng bệnh viện Vì Dân là "một bệnh viện tư thuộc Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội dành 25% số giường cho bệnh nhân nghèo (gia đình tiểu công chức, gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ, gia đình nghèo có giấy chứng nhận của khu phố) được giảm phí hay miễn phí tùy trường hợp do sự cứu xét và quyết định của Ban Xã hội hàng ngày tới Bệnh viện Vì Dân làm việc".

"Bệnh nhân nghèo được săn sóc, ăn uống như bệnh nhân hạng trả tiền, chỉ có khác là hưởng thuốc miễn phí do Bộ Y tế hay các tổ chức thiện nguyện cho và nằm phòng 4 giường".

Như vậy, bệnh viện Bình Dân chỉ có một phần là miễn phí, phần còn lại là trả tiền.

"Riêng về dược phòng phải làm hai phòng riêng biệt :

1. Phòng thuốc miễn phí : quản trị các thuốc men do Bộ Y Tế, các cơ quan thiện nguyện cung cấp để phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo.

2. Phòng thuốc trả tiền : cho các bệnh nhân nằm hạng trả tiền, thuốc do các Bác Sĩ Điều Trị kê toa và các Hãng Bào Chế OPV, Trang Hai và Tenamyd cung cấp, nếu các hãng này không đủ món nào thì Bệnh viện Vì Dân có thể mua ở ngoài theo giá thị trường".

Ông Tỏa kể thêm : "Trong giai doạn đầu khi các giường bệnh hạng trả tiền chưa choán hết, lại cho miễn phí, giảm phí rất nhiều, để giữ cho bệnh viện ở mức độ cao việc bảo trì rất tốn kém, đó là nguyên nhân lỗ vốn của giai đoạn này".

Người thiết kế bệnh viện Vì Dân là kiến trúc sư Trần Đình Quyền, người ở lại Việt Nam sau năm 1975.

Trả lời phỏng vấn sau này,  ông Quyền kể "cuộc sống ban đầu khó khăn, ông bị nhiều người đe nẹt vì hai "tội" : Đi học bên Mỹ và xây BV cho bà Thiệu".

"Nhờ bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt tạo điều kiện, ông sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước, tham gia nhóm kiến trúc sư gồm các Kiến trúc sư miền Nam giúp cho miền Tây"... theo bài phỏng vấn.

Tranh cãi

Tháng Chín 1974, 'Phong trào chống tham nhũng' của Linh mục Trần Hữu Thanh ra bản "cáo trạng" chống Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó đưa ra cáo buộc về bệnh viện Vì Dân.

Tài liệu này cáo buộc :  "Dân được hưởng những gì ? Tiền phòng quá đắt, dân nghèo không mon men vào được. Các phòng miễn phí vào khoảng 100 giường nhưng điều kiện nhập viện rất khó, chưa kể tiền phải tốn thêm cho bác sĩ, thuốc men, nên đại đa số dân nghèo bị gạt ra ngoài."..

Trong cuốn sách sử tiếng Anh của George J Veith vừa ra năm 2021, 'Drawn swords in a distant land : South Vietnam's shattered dreams', có nhắc lại bản cáo trạng của Linh mục Trần Hữu Thanh.

Tuy vậy, các tố cáo thời đó của Linh mục Trần Hữu Thanh chính xác đến mức độ nào, dường như vẫn chưa có ai có thể chứng minh cho tới giờ này.

Đến năm 2014, báo Lao Động có bài với tựa  "Bà Mai Anh ngồi ở Phủ Đầu Rồng điều hành các đường dây buôn lậu".

Bài báo này tố cáo bệnh viện Vì Dân , có đoạn trích như sau :

"Nguồn thuốc men, thiết bị y tế lấy từ ngân khố Chính phủ dành cho quân đội. Thực chất, đây là sân sau tiêu thụ các loại thuốc Tây nhập khẩu, sản xuất, bào chế trong nước của vợ chồng Thiệu, kết hợp với ông trùm thuốc Tây, dược phẩm miền Nam là Nguyễn Cao Thăng. Trong suốt những năm từ 1967 - 1975, Bệnh viện Vì Dân của bà Thiệu mang về số lợi nhuận kếch xù cho bà. Gần như rất hiếm hoi người nghèo, nếu không quen thân, mà chỉ dòng họ các quan bà mới được trị bệnh theo tiêu chuẩn "100 giường bệnh miễn phí". Nhiều người lắc đầu nói đó là "bệnh viện Vì Tiền" !"

Không rõ đây có phải là quan điểm lịch sử chính thống tại Việt Nam hiện nay về bệnh viện Vì Dân hay không.

Sau khi bà Nguyễn Thị Mai Anh qua đời ngày 15/10/2021, một số không nhỏ người dùng mạng tại Việt Nam công khai bày tỏ tình cảm, sự thương tiếc với bà nhưng lại chưa thấy báo chí ở Việt Nam đưa tin này.

Trang Viettimes ban đầu có bài,  nhưng sau đó không còn truy cập được bài viết.

Nhớ về bà Nguyễn Văn Thiệu

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kiêm cố vấn của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Tâm tư tổng thống Thiệu (2010).

Trả lời BBC, ông Tiến Hưng cho biết đang viết một bài về bà Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có phần nói về bệnh viện Vì Dân như sau :

"Còn bà thì hay nói đến Bệnh Viện Vì Dân. Đối với bà thì đây là một niềm vui lớn và nó còn ghi dấu ấn trong tâm trí. Đây cũng là một di sản quý hóa mà bà để lại cho người dân, nhất là những người nghèo. Chúng tôi đã có dịp tới thăm nhà thương này và thấy nó được xây cất theo tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị rất hiện đại, với 400 giường bệnh. Người khám bệnh và chữa bệnh luôn được miễn phí. Các bác sĩ, y sĩ, y tá được chọn lọc cẩn thận. Ngoài ra, lại còn những sinh viên y, dược, xung phong làm việc từ thiện".

Theo ông Tiến Hưng, "bà kể là sở dĩ nảy ra ý muốn xây một bệnh viện là vì bà hay vào nhà thương Chợ Rẫy thăm bệnh nhân. Nhiều khi thấy hai người phải chen chúc nhau nằm trên một cái giường nhỏ, làm bà hết sức mủi lòng. Vì vậy đã bỏ ra nhiều công sức đi vận động để xây nhà thương như là một bước đầu để cải thiện nền y tế Việt Nam".

Ông Nguyễn Tiến Hưng viết : "Tài trợ cho bệnh viện này hoàn toàn không dính dáng gì đến ngân sách quốc gia mà do sự đóng góp của những cơ quan từ thiện, những người có hảo tâm trong nước cũng như ngoại giao đoàn. Bà nói tới sự đóng góp đặc biệt của bốn tòa Tòa Đại sứ : Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Hà Lan. Bà đi vận động xây nhà thương là do sự đam mê công tác xã hội, hoàn toàn không có mục đích chính trị như một số người đồn thổi".

Ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hòa và là em họ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói với báo Người Việt :

"Điều đáng trân trọng nhất là bà tham gia rất nhiều công tác xã hội, trong đó đáng nhớ là bà chủ xướng việc xây dựng Bệnh Viện Vì Dân để phục vụ người dân tại Sài Gòn vào năm 1971 đồng thời chăm lo cho Trường Quốc Gia Nghĩa Tử nhằm nuôi dưỡng con cái của các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà".

Dù có những quan điểm khác nhau về công trình này, nhưng nhiều người Việt, khi nhớ lại, vẫn xem bệnh viện Vì Dân là một dấu ấn đẹp trong lịch sử.

Ông Nguyễn Kỳ Phong kết luận :

"Những người thân cận với bà Thiệu nói dù là vợ của tổng thống, nhưng bà thích phục vụ những vấn đề xã hội hơn. Có lẽ nhiều người nhớ về bà Nguyễn Văn Thiệu như là người lập ra bênh viện Vì Dân hơn là một đệ nhất phu nhân".

Lê Quỳnh

Nguồn : BBC, 22/10/2021

Published in Diễn đàn