Bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn và vai trò của cố Đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng Hòa
Khi bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, qua đời hôm 15/10/2021 ở Hoa Kỳ, hưởng thượng thọ 91 tuổi, nhiều ý kiến trên mạng xã hội tiếng Việt cho rằng hình ảnh lớn nhất gắn với bà có lẽ là Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) ở Sài Gòn.
Hôn lễ của ông Nguyễn Văn Thiệu và bà Nguyễn Thị Mai Anh năm 1951
Khánh thành cuối năm 1971, bệnh viện Vì Dân, trong mấy năm cuối tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, được mô tả là bệnh viện hiện đại nhất miền Nam, phục vụ người nghèo.
Một mặt, bệnh viện Vì Dân được ca ngợi là công trình phụng sự xã hội, khám chữa bệnh miễn phí - như một số bình luận trên mạng xã hội sau khi có tin bà Mai Anh qua đời.
Đặc biệt, câu chuyện càng được nói đến khi TP HCM vừa trải qua thảm họa y tế với số ca tử vong vì dịch Covid, khiến một phần dư luận có thể có phần lý tưởng hóa những hoài niệm trước 1975.
Mặt khác, trong giai đoạn chính trị rối ren của miền Nam Việt Nam thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có tiếng nói đối lập cáo buộc Bệnh viện Vì Dân là công trình "tồi tệ".
Để cung cấp thêm thông tin về một giai đoạn lịch sử Việt Nam, BBC đã tìm lại các tư liệu cũ đồng thời hỏi các nhân chứng.
Hình tư liệu gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu
Nguồn gốc hình thành bệnh viện
Nói chuyện với BBC, ông Nguyễn Kỳ Phong, một chuyên gia về lịch sử quân sự Việt Nam Cộng Hòa, hiện sống ở Hoa Kỳ, cho biết phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong tư cách chủ tịch Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội đương thời, từ năm 1969 đã vận động một số viên chức y tế, thương gia, và các quốc gia đồng minh hỗ trợ dự án xây dựng một "nhà thương" cho dân nghèo.
Hình phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1970
Về các ý kiến mới nhất gắn vai trò của bà Thiệu với công trình y tế công này, ông Nguyễn Kỳ Phong phân tích với BBC :
"Bà Thiệu mất đi, được nhiều người nhắc đến không phải như một đệ nhất phu nhân, mà như là một người đã có công xây dựng một bệnh viện miễn phí lớn bậc nhất của Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ - Bệnh Viện Vì Dân".
Về quá trình hình thành công trình, ông Nguyễn Kỳ Phong, dựa theo các nguồn tư liệu mà ông đọc, nói rằng bà Thiệu đích thân yêu cầu bác sĩ Phạm Ngọc Toả, một viên chức cao cấp ở Bộ Y tế, để lo công tác thiết kế và trang bị hạ tầng cơ sở về kỹ thuật cho bệnh viện.
"Vấn đề khó khăn là phải tìm mua những dụng cụ y khoa hiện đại để xứng đáng với danh xưng một bệnh viện của quốc gia. Phải tốn một chi phí lớn để có được những dụng cụ y khoa tối tân hiện đại", ông Nguyễn Kỳ Phong phân tích với BBC.
Bà Thiệu cùng ban tham mưu của bệnh viện đã nghĩ ra nhiều phương án gây qũy xây cất cho Bệnh Viện Vì Dân.
Theo báo chí đương thời ghi lại, nhiều cuộc quyên tiền gây qũy bất đắc dĩ được thực hiện : quyên tiền ở hội chợ ; ở các buổi tiếp tân ở dinh tổng thống ; kêu gọi các ngân hàng và tài phiệt gốc Hoa ủng hộ ; tăng giá vé chiếu phim vài ba đồng từng kỳ ; hay các trung tâm giải trí như trường đua ngựa Phú Thọ thỉnh thoảng tổ chức một hai kỳ đua để gây qũy cho bệnh viện.
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao kêu gọi Việt kiều hải ngoại chung tay đóng góp.
Còn theo một bài viết của chính ông Phạm Ngọc Tỏa (nguyên Giám đốc Bệnh viện Vì Dân, qua đời 2017), cái tên Vì Dân là do ông Nguyễn Đình Xướng, Tổng Thư Ký Phủ Tổng thống, đề xuất.
Ông Phạm Ngọc Tỏa cho biết Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội, Chủ tịch hội là bà Nguyễn Văn Thiệu, thành lập bệnh viện.
"Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội chỉ góp phần nhỏ thôi như thỉnh thoảng có tổ chức chợ phiên chẳng hạn, như chợ phiên Đồng Tâm v.v.
Các buổi tiếp tân tại phủ Tổng thống để gây qũy xây cất Bệnh viện Vì Dân mới quyên được nhiều : như mời các nhà tài phiệt gốc Hoa (các ông Trần Thành, Lý Long Thân v.v…), mời các ngân hàng nhân dịp đầu năm. Riêng ngân hàng Việt Nam Thương Tín đang xây cất trụ sở mới còn cho thêm đá cẩm thạch nữa để trang trí bệnh viện. Ngoài ra mỗi vé xi-nê lấy thêm mấy đồng cho Bệnh viện Vì Dân.
Trường đua ngựa Phú Thọ thỉnh thoảng tổ chức một cuộc đua đặc biệt để ủng hộ Bệnh viện Vì Dân. Đông Phương Ngân Hàng ứng trước từng đợt hai chục triệu để xây cất. Đồng bào cư ngụ ở Nouvelle Calédonie về thăm Miền Nam cũng ủng hộ một số tiền lớn (hình như là một triệu đồng thì phải) v.v…
Tóm lại việc gây qũy thành công là nhờ ở thế lực của Phủ Tổng thống. Vì tiền có dư dả nên lúc đầu chỉ định xây 5 tầng lầu cho Khu Điều Trị, sau xây thành bảy tầng".
Trong bài viết rất chi tiết, ông Phạm Ngọc Tỏa cho hay rằng bệnh viện Vì Dân là "một bệnh viện tư thuộc Hội Phụ nữ Phụng sự xã hội dành 25% số giường cho bệnh nhân nghèo (gia đình tiểu công chức, gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ, gia đình nghèo có giấy chứng nhận của khu phố) được giảm phí hay miễn phí tùy trường hợp do sự cứu xét và quyết định của Ban Xã hội hàng ngày tới Bệnh viện Vì Dân làm việc".
"Bệnh nhân nghèo được săn sóc, ăn uống như bệnh nhân hạng trả tiền, chỉ có khác là hưởng thuốc miễn phí do Bộ Y tế hay các tổ chức thiện nguyện cho và nằm phòng 4 giường".
Như vậy, bệnh viện Bình Dân chỉ có một phần là miễn phí, phần còn lại là trả tiền.
"Riêng về dược phòng phải làm hai phòng riêng biệt :
1. Phòng thuốc miễn phí : quản trị các thuốc men do Bộ Y Tế, các cơ quan thiện nguyện cung cấp để phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo.
2. Phòng thuốc trả tiền : cho các bệnh nhân nằm hạng trả tiền, thuốc do các Bác Sĩ Điều Trị kê toa và các Hãng Bào Chế OPV, Trang Hai và Tenamyd cung cấp, nếu các hãng này không đủ món nào thì Bệnh viện Vì Dân có thể mua ở ngoài theo giá thị trường".
Ông Tỏa kể thêm : "Trong giai doạn đầu khi các giường bệnh hạng trả tiền chưa choán hết, lại cho miễn phí, giảm phí rất nhiều, để giữ cho bệnh viện ở mức độ cao việc bảo trì rất tốn kém, đó là nguyên nhân lỗ vốn của giai đoạn này".
Người thiết kế bệnh viện Vì Dân là kiến trúc sư Trần Đình Quyền, người ở lại Việt Nam sau năm 1975.
Trả lời phỏng vấn sau này, ông Quyền kể "cuộc sống ban đầu khó khăn, ông bị nhiều người đe nẹt vì hai "tội" : Đi học bên Mỹ và xây BV cho bà Thiệu".
"Nhờ bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt tạo điều kiện, ông sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước, tham gia nhóm kiến trúc sư gồm các Kiến trúc sư miền Nam giúp cho miền Tây"... theo bài phỏng vấn.
Tranh cãi
Tháng Chín 1974, 'Phong trào chống tham nhũng' của Linh mục Trần Hữu Thanh ra bản "cáo trạng" chống Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó đưa ra cáo buộc về bệnh viện Vì Dân.
Tài liệu này cáo buộc : "Dân được hưởng những gì ? Tiền phòng quá đắt, dân nghèo không mon men vào được. Các phòng miễn phí vào khoảng 100 giường nhưng điều kiện nhập viện rất khó, chưa kể tiền phải tốn thêm cho bác sĩ, thuốc men, nên đại đa số dân nghèo bị gạt ra ngoài."..
Trong cuốn sách sử tiếng Anh của George J Veith vừa ra năm 2021, 'Drawn swords in a distant land : South Vietnam's shattered dreams', có nhắc lại bản cáo trạng của Linh mục Trần Hữu Thanh.
Tuy vậy, các tố cáo thời đó của Linh mục Trần Hữu Thanh chính xác đến mức độ nào, dường như vẫn chưa có ai có thể chứng minh cho tới giờ này.
Đến năm 2014, báo Lao Động có bài với tựa "Bà Mai Anh ngồi ở Phủ Đầu Rồng điều hành các đường dây buôn lậu".
Bài báo này tố cáo bệnh viện Vì Dân , có đoạn trích như sau :
"Nguồn thuốc men, thiết bị y tế lấy từ ngân khố Chính phủ dành cho quân đội. Thực chất, đây là sân sau tiêu thụ các loại thuốc Tây nhập khẩu, sản xuất, bào chế trong nước của vợ chồng Thiệu, kết hợp với ông trùm thuốc Tây, dược phẩm miền Nam là Nguyễn Cao Thăng. Trong suốt những năm từ 1967 - 1975, Bệnh viện Vì Dân của bà Thiệu mang về số lợi nhuận kếch xù cho bà. Gần như rất hiếm hoi người nghèo, nếu không quen thân, mà chỉ dòng họ các quan bà mới được trị bệnh theo tiêu chuẩn "100 giường bệnh miễn phí". Nhiều người lắc đầu nói đó là "bệnh viện Vì Tiền" !"
Không rõ đây có phải là quan điểm lịch sử chính thống tại Việt Nam hiện nay về bệnh viện Vì Dân hay không.
Sau khi bà Nguyễn Thị Mai Anh qua đời ngày 15/10/2021, một số không nhỏ người dùng mạng tại Việt Nam công khai bày tỏ tình cảm, sự thương tiếc với bà nhưng lại chưa thấy báo chí ở Việt Nam đưa tin này.
Trang Viettimes ban đầu có bài, nhưng sau đó không còn truy cập được bài viết.
Nhớ về bà Nguyễn Văn Thiệu
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kiêm cố vấn của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Tâm tư tổng thống Thiệu (2010).
Trả lời BBC, ông Tiến Hưng cho biết đang viết một bài về bà Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có phần nói về bệnh viện Vì Dân như sau :
"Còn bà thì hay nói đến Bệnh Viện Vì Dân. Đối với bà thì đây là một niềm vui lớn và nó còn ghi dấu ấn trong tâm trí. Đây cũng là một di sản quý hóa mà bà để lại cho người dân, nhất là những người nghèo. Chúng tôi đã có dịp tới thăm nhà thương này và thấy nó được xây cất theo tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị rất hiện đại, với 400 giường bệnh. Người khám bệnh và chữa bệnh luôn được miễn phí. Các bác sĩ, y sĩ, y tá được chọn lọc cẩn thận. Ngoài ra, lại còn những sinh viên y, dược, xung phong làm việc từ thiện".
Theo ông Tiến Hưng, "bà kể là sở dĩ nảy ra ý muốn xây một bệnh viện là vì bà hay vào nhà thương Chợ Rẫy thăm bệnh nhân. Nhiều khi thấy hai người phải chen chúc nhau nằm trên một cái giường nhỏ, làm bà hết sức mủi lòng. Vì vậy đã bỏ ra nhiều công sức đi vận động để xây nhà thương như là một bước đầu để cải thiện nền y tế Việt Nam".
Ông Nguyễn Tiến Hưng viết : "Tài trợ cho bệnh viện này hoàn toàn không dính dáng gì đến ngân sách quốc gia mà do sự đóng góp của những cơ quan từ thiện, những người có hảo tâm trong nước cũng như ngoại giao đoàn. Bà nói tới sự đóng góp đặc biệt của bốn tòa Tòa Đại sứ : Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Hà Lan. Bà đi vận động xây nhà thương là do sự đam mê công tác xã hội, hoàn toàn không có mục đích chính trị như một số người đồn thổi".
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hòa và là em họ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói với báo Người Việt :
"Điều đáng trân trọng nhất là bà tham gia rất nhiều công tác xã hội, trong đó đáng nhớ là bà chủ xướng việc xây dựng Bệnh Viện Vì Dân để phục vụ người dân tại Sài Gòn vào năm 1971 đồng thời chăm lo cho Trường Quốc Gia Nghĩa Tử nhằm nuôi dưỡng con cái của các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà".
Dù có những quan điểm khác nhau về công trình này, nhưng nhiều người Việt, khi nhớ lại, vẫn xem bệnh viện Vì Dân là một dấu ấn đẹp trong lịch sử.
Ông Nguyễn Kỳ Phong kết luận :
"Những người thân cận với bà Thiệu nói dù là vợ của tổng thống, nhưng bà thích phục vụ những vấn đề xã hội hơn. Có lẽ nhiều người nhớ về bà Nguyễn Văn Thiệu như là người lập ra bênh viện Vì Dân hơn là một đệ nhất phu nhân".
Lê Quỳnh
Nguồn : BBC, 22/10/2021