Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/10/2021

Hai năm vụ Essex : Vượt biên vào Anh, người Việt gặp gì ?

Hoàng Ngọc Anh

Tròn hai năm kể từ ngày 39 người Việt Nam được phát hiện chết trong container tại hạt Essex trên đường vào Anh Quốc bất hợp pháp từ cảng Zeebrugge của Bỉ.

anh1

Người dân thị trấn Folkestone tưởng niệm 39 người Việt chết trong xe tải đông lạnh hồi tháng 10/2019

Đối với những thân nhân của những người đã khuất, cũng như những người đã chứng kiến tận mắt chiếc container đông lạnh trong cái ngày định mệnh đó thì vẫn sẽ là nỗi ám ảnh dài trong kí ức của họ.

Nhập cư bất hợp pháp theo một hình thức mới

Tuy nhiên, dù đó là một thảm kịch kinh hoàng đến từ bàn tay tham lam của những kẻ buôn người, nhưng con số về những người nhập cư bất hợp pháp Anh vẫn không hề giảm. Giờ đây những kẻ buôn người đã lựa chọn một cách thức khác để đưa người bất hợp pháp vào Anh.

Đó là họ mua những chiếc thuyền nhỏ, hoặc xuồng cao su để đưa người nhập cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh Quốc từ eo biển English Channel, theo BBC  đã có khoảng 17,063 người đến Anh theo hình thức này tính từ đầu năm 2021, con số này cao hơn gấp đôi so với 8460 người vào năm ngoái.

Trong những người nhập cư theo hình thức này có cả những người Việt Nam, tôi đã may mắn có nhiều cuộc trò chuyện với những người Việt đi xuồng đến Anh và hiện đang sống trong những khách sạn tại London được cung cấp bởi Clearsprings Ready Homes một trong những đối tác của Bộ Nội Vụ (Home Office) bên cạnh Serco và Mears Group.

anh2

Một phụ nữ người Việt mang thai được cứu trợ ở Calais, Pháp sau khi chiếc xuồng chở 60 người gặp nạn trên biển khi tìm đường vượt sang Anh. Hình chụp tháng 4/2021.

Những khó khăn không tưởng

Theo như chia sẻ của họ, có những cung đường khác nhau để đến Anh, điểm xuất phát là Việt Nam và điểm dừng chân đầu tiên có thể là Ba Lan, Nga hay là Cộng Hòa Séc, sau một chặng đường dài đầy khó khăn, và vất vả từ Việt Nam theo lời mật ngọt từ những người buôn người, khoảng sau 3 tháng họ đặt chân đến Đức hoặc Bỉ và điểm cuối cùng sẽ là Pháp ; vì đại dịch Covid-19 họ đã phải nằm ở Pháp mà không thể sang Anh ngay, cả năm trời chờ đợi và tìm mọi cách để mưu sinh, từ đi làm phụ bếp, bốc vác hàng, thợ xây hay bất kì nghề nào giúp họ kiếm tiền để sống.

Sau khi đại dịch Covid-19 tạm ổn, họ đưa cho những kẻ buôn người số tiền 6000 bảng Anh để có thể đi xuồng từ Pháp sang Anh, đây là lựa chọn tối ưu và rẻ tiền. Trong khi nếu muốn đi container sang an toàn và không phải trong những thùng lạnh, họ phải trả số tiền lên đến 18,000 bảng Anh, một con số quá lớn đối với họ.

Ngay khi xuồng hay thuyền họ đến gần bờ biển Anh, họ đều được cảnh sát biển đưa vào bờ và đến trại tị nạn và ở đó nhiều tháng trời, chỉ khi có Bộ Nội Vụ thu thập đủ thông tin và được đưa đến các khách sạn tạm thời.

Khó khăn không dừng lại ở đây, những người đang xin tị nạn như họ rất khó để kiếm việc làm vì phải sau 12 tháng kể từ quyết định đầu tiên của Bộ Nội Vụ, người xin tị nạn mới được xin giấy phép đi làm và nghề nghiệp phải nằm trong danh sách những ngành nghề đang thiếu hụt tại Anh (shortage occupation lists).

Theo chia sẻ của cô Lan (tên đã được thay đổi) quê gốc ở Nghệ An, là một người mẹ đơn thân (single mom) sống trong khách sạn của Bộ Nội Vụ tại London, số tiền hàng tuần cô nhận được là 40 bảng từ thẻ ngân hàng do Migrant Help cung cấp. Số tiền đó chỉ đủ cho cô trang trải chi phí sinh hoạt hàng tuần, đi kèm với đó là ba bữa ăn hàng ngày miễn phí nhưng đó đều là những món ăn rất khó ăn cho khẩu vị người Việt nói chung, cũng như những vật dụng cho việc chăm sóc con nhỏ từ xe đẩy, bình sữa và hàng tuần sẽ có một hộp sữa bột cho con của cô. Sau 1 năm thì cô cũng được Bộ Nội Vụ chuyển đến nhà cư trú tạm ở rìa London cách Stratford khoảng hai tiếng đi tàu.

anh3

Lực lượng Biên phòng Anh tuần tra bờ biển để chặn các xuồng hay thuyền nhỏ mà người xin tỵ nạn dùng để vượt biển từ Pháp sang Anh

Một chia sẻ khác của anh Đức (tên đã được thay đổi) mới đến khách sạn của Bộ Nội Vụ được vài tháng, bên cạnh những khó khăn khi khó có thể ăn những thức ăn ở khách sạn, khoản tiền hỗ trợ đối với mỗi cá nhân người trưởng thành không có người phụ thuộc.hàng tuần chỉ là 8 bảng/1 tuần. Nếu cô Lan còn được sự giúp đỡ từ những người bạn là những người mẹ đơn thân (single mom) ở đó trước đây, thì anh Đức còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Theo anh chia sẻ, bên cạnh khó khăn về vật chất, rào cản ngôn ngữ cũng là vấn đề chính của anh, anh không biết dùng các phần mềm (app) trên điện thoại thông minh (smartphone) để tìm đường và dùng các phương tiện công cộng để đi lại, cũng như không đọc hiểu những sản phẩm được bán tại các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị ; trong khi, vốn tiếng Anh giao tiếp còn hạn chế, khiến cho thời gian đầu, anh gặp vô vàn khó khăn gần như giam mình trong phòng chỉ nói chuyện với người thân ở Việt Nam, và chờ đợi sự giúp đỡ từ những người quen tại Anh.

Dù họ nhận được sự giúp đỡ đến từ các tổ chức hỗ trợ người tị nạn như Migrant Help, British Red Cross (Hội chữ thập đỏ tại Anh), nhưng như thể là không đủ để lấp khoảng trống trong họ.

"Thông tin bất đối xứng"

Cuộc sống tại Anh Quốc thực sự không đẹp như những lời kẻ buôn người vẽ ra cho những người nhập cư bất hợp pháp, bên cạnh những nguy hiểm và rủi ro trong hành trình dài đó, điểm đến cuối cùng cũng chưa mang lại cho họ giấc mơ đẹp, sẽ còn nhiều thử thách và chặng đường dài nữa sẽ phải đi, những món nợ và áp lực tìm việc đang thực sự đè nặng lên tâm trí của họ vào lúc này. Không có những công việc kiếm mấy nghìn bảng một tháng, hay một cuộc sống dễ dàng như họ tin vào lời kẻ buôn người.

Hơn nữa, đang giữa đại Covid -19, mặc dù vaccine đã được triển khai mạnh mẽ nhưng số ca nhiễm vẫn đang không ngừng tăng, khi ngay trong tuần này đã ghi nhận số ca nhiễm vượt ngưỡng 50,000 ca một ngày khiến chính phủ Anh có thể xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế.

Thị trường lao động ở Anh Quốc đang thực sự cần những lái xe để vận chuyển hàng cho những dịp lễ Halloween, Giáng sinh khi lao động từ các nước Châu Âu không còn ở lại Anh nhiều. Nhưng vấn đề cấp phép lao động cho những người xin tị nạn tại Anh vẫn bỏ ngỏ, khiến cho nhiều người đang chờ kết quả tị nạn tại các khách sạn trên toàn Anh trở nên điêu đứng hơn bao giờ hết.

Rõ ràng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức quốc tế và chính quyền để ngăn cản tình trạng nhập cư bất hợp đang diễn ra tại Anh, đã và đang hủy hoại cuộc sống của nhiều người bởi những khoản nợ, với những chuyến đi đầy rủi ro bởi họ đang tin vào lời của những kẻ buôn người, mà thiếu đi những thông tin chính thống từ tổ chức và chính quyền.

Tôi nghĩ rằng, rào cản ngôn ngữ và không có sự giúp đỡ từ người thân sẽ luôn luôn là rào cản lớn đối với bất kì ai muốn một cuộc sống lâu dài ở một đất nước mới, do cho chúng ta rời Việt Nam đến sống tại một đất nước mới theo cách này hay cách khác.

Hoàng Ngọc Anh

Nguồn : BBC, 23/10/2021

Hoàng Ngọc Anh hiện đang sống tại Anh Quốc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Ngọc Anh
Read 344 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)