Tổng thống Trump bất ngờ mời Kim Jong-un đến gặp mặt tại Bàn Môn Điếm (RFI, 29/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm 29/09/2019 đã gây bất ngờ lớn khi mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đến gặp ông tại vùng phi quân sự phân chia bán đảo Triều Tiên. Ngay sau khi lời mời được tung ra, Bình Nhưỡng đã nhanh chóng phản ứng, xem đấy là một đề nghi đáng chú ý.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jun-sook tiếp đón dinh tổng thống, Seoul, ngày 29/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque
Lời mời gây sốc đã được tổng thống Mỹ đã gởi đi bằng tin nhắn Twitter từ Osaka, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20. Nội dung tin nhắn rất giản dị : "Sau một số cuộc họp rất quan trọng, gồm cuộc gặp chủ tịch Tập của Trung Quốc, tôi sẽ rời Nhật Bản đến Hàn Quốc cùng tổng thống Moon. Nếu chủ tịch Kim đọc thấy điều này, tội mong gặp ông ấy ở vùng biên giới/phi quân sự chỉ để bắt tay và chào hỏi" (nguyên văn tiếng Anh : just to shake his hand and say hello)
Phát biểu sau đó ít lâu với một số nhà báo, ông Trump còn khẳng định rằng ông thấy "không có vấn đề gì" khi cùng với ông Kim bước qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Lời mời của tổng thống Mỹ trên Twitter đã khiến các nhà quan sát bất ngờ, và nếu được ông Kim Jong-un chấp nhận, thì đấy đây sẽ là cuộc gặp thứ ba giữa hai người, sau hai thượng đỉnh Singapore và Hà Nội.
Dẫu sao chính quyền Bình Nhưỡng đã có phản ứng nhanh chóng trước lời mời qua Twitter của tổng thống Mỹ. Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA đã dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Choe Son Hui nói rằng đề nghị của ông Trump "rất thú vị", nhưng Bình Nhưỡng chưa nhận được thư mời chính thức.
Đối với bà Choe, nếu một cuộc họp diễn ra thì đó sẽ là "một cơ hội đầy ý nghĩa khác để làm sâu sắc thêm quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo và thúc đẩy quan hệ song phương".
Về phần mình, tổng thống Trump đã khẳng định rằng lời mời của ông mang tính tự phát, nhưng một số nhà quan sát đang tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đang chuẩn bị cho một sự kiện gì đó khi thấy là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bất ngờ bỏ buổi tiệc tối bế mạc hội nghị G20 mà không cho biết lý do.
Tổng thống Trump đã đến Seoul, thủ đô Hàn Quốc, vào tối nay 29/06. Theo kế hoach, ông sẽ có cuộc hội đàm với lãnh đạo nước chủ nhà vào ngày mai 30/06 trước khi trở về Mỹ. Vào năm 2017, ông Trump từng dự tính đến vùng này nhưng kế hoạch bị hủy do thời tiết xấu.
Trọng Nghĩa
******************
Trump đề nghị gặp Kim Jong-un cuối tuần này ở khu phi quân sự (VOA, 29/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị một cuộc gặp gỡ vào cuối tuần này với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền bắc nam bán đảo Triều Tiên vào ngày thứ Bảy, và Triều Tiên nói cuộc gặp này sẽ có ý nghĩa trong việc thăng tiến mối quan hệ nếu nó diễn ra.
Tổng thống Donald Trump (trái) đứng cạnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong khuôn viên Dinh Ngói Xanh, tức dinh tổng thống Hàn Quốc, ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/6/2019.
Nếu ông Trump và ông Kim gặp nhau, đây sẽ là lần thứ ba chỉ sau hơn một năm và bốn tháng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của họ đổ vỡ mà không đạt tiến triển nào về những nỗ lực của Mỹ thúc ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên nói một cuộc gặp gỡ vào cuối tuần giữa ông Kim và ông Trump sẽ "có ý nghĩa", mặc dù chưa có đề xuất chính thức.
Ông Trump đưa ra đề nghị gặp ông Kim trong một phát biểu trên Twitter về chuyến đi tới Hàn Quốc. Ông đáp xuống đây vào ngày thứ Bảy sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.
"Trong khi ở đó, nếu Chủ tịch Kim của Triều Tiên nhìn thấy dòng tweet này, tôi sẽ gặp ông ấy tại biên giới/DMZ chỉ để bắt tay và nói xin chào (?) !" ông Trump nói, sau đó nói với các phóng viên rằng lời đề nghị của ông là một ý tưởng bất chợt : "Tôi mới nghĩ ra sáng nay".
"Nếu ông ấy ở đó, chúng tôi sẽ gặp nhau trong hai phút, chỉ có thể như vậy thôi, nhưng vậy cũng tốt", ông nói, nói thêm rằng ông và ông Kim "rất hợp nhau".
Khoảng năm giờ sau lời đề nghị của ông Trump, một quan chức cao cấp của Triều Tiên cho biết một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim tại DMZ sẽ "có ý nghĩa" trong việc thăng tiến mối quan hệ.
"Chúng tôi xem đây là một gợi ý rất thú vị, nhưng chúng tôi chưa nhận được đề xuất chính thức", Choe Son-hui, Phó bộ trưởng ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên nói trong một phát biểu, theo thông tấn xã nhà nước KCNA.
"Nếu một hội nghị thượng đỉnh giữa chắc chắn Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Mỹ diễn ra tại đường phân cách, như ý định của Tổng thống Trump, nó sẽ là một dịp có ý nghĩa nữa để làm sâu sắc thêm mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo và thăng tiến quan hệ song phương", và Choe nói.
Đặc phái viên Hoa Kỳ Stephen Biegun ngày thứ Sáu cho biết Mỹ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Triều Tiên để thực hiện theo đúng thỏa thuận giải trừ hạt nhân mà hai nước đạt được vào năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.
Cả hai bên đã đồng ý thiết lập quan hệ mới và nỗ lực tiến tới giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng 2 do hai bên không thu hẹp được các khác biệt giữa các lời kêu gọi giải trừ hạt nhân của Mỹ và đòi hỏi của Triều Tiên dỡ bỏ chế tài.
Hy vọng và nghi ngờ
Cuộc hòa giải liên Triều lịch sử đã diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào những ngày cuối cùng của tháng 4/2018. Thông điệp hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh kéo dài suốt 65 năm được thể hiện qua những bước chân song hành của hai vị lãnh đạo của Nam và Bắc Hàn làm nức lòng truyền thông thế giới.
Chiếc cầu gãy ở Huế, trận Mậu Thân 16/4/1968 - AP
Và rất vô tình, sự kiện này diễn ra gần kề với ngày tưởng tiệm 30/4/1975, tức 43 năm Việt Nam thống nhất 2 miền Nam Bắc. Nụ cười rạng rỡ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vô hình trung làm chạnh lòng những người Việt Nam trong và ngoài nước. Rất nhiều cảm xúc khác nhau được bày tỏ. Họ chúc mừng người dân Triều Tiên. Họ ca ngợi nỗ lực của hai "chế độ". Họ đặt niềm tin vào cuộc sống hòa bình của người dân Triều Tiên bắt đầu từ đây. Họ đặt câu hỏi về tương lai của những bước chân bước qua lằn ranh biên giới hai miền đất. Dòng nước được hai vị lãnh đạo tưới lên cây cổ thụ có từ năm 1953 không thể làm cho họ tin vào luồng không khí trong lành sẽ đến với người dân Nam Hàn. Họ thẳng thừng buông câu "không tin vào cộng sản".
Một trong rất nhiều những người có suy nghĩ ấy là nhạc sĩ, người lính không quân Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa) ngày trước, Trần Duy Đức. Sau 43 năm, sau thời gian bị giam giữ gọi là ‘tù cải tạo" theo cách gọi của chế độ mới lúc đó, thì niềm tin của ông vào hai từ "cộng sản" hoàn toàn sụp đổ.
"Tôi nghĩ đến thân phận đất nước mình ngày xưa bị mắc lừa cộng sản rồi. Tôi nghĩ thế nên tôi ái ngại cho đất nước Đại Hàn khi người cộng sản Bắc Hàn có mưu kế chuyện đó. Họ đều có ý định hết. Những ý định đen tối. Người cộng sản xưa nay là như thế, mình không ngạc nhiên đâu".
Tương đồng với ý kiến này, là lời khẳng định của 1 vị bác sĩ (ẩn danh) trải qua vỏn vẹn 12 năm học dưới môi trường giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa :
"Đừng đánh tráo khái niệm ngày 30/4 với hòa giải liên Triều. Quá sớm để lạc quan. Và quá ngây thơ để tin vào sự ngay thật của tà quyền. Cứ nhìn lại hiệp định ngừng bắn năm Mậu Thân thì rõ. Cứ nhớ lời cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Boris Yeltsin thì biết cần phải làm gì".
Ngày 19/10/1967, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố miền Bắc Việt Nam ngưng bắn từ 27/01 đến 03/2/1968. Thế nhưng đêm 29 rạng ngày 30/1/1968, đúng thời điểm Giao thừa âm lịch, nhiều đơn vị quân đội và du kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc "Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968", ghi vào lịch sử Cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 và "Dải khăn sô cho Huế".
Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nổi tiếng với câu nói đi vào lịch sử : "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm".
Ở một nơi rất xa, cách nửa vòng trái đất, có một nhận định khác, mang tính lạc quan và hàm chứa thiên hướng tự do được nhà thơ nổi tiếng Du Tử Lê bày tỏ :
"Tôi nghiêng về phía nó hơi lạc quan 1 tí. Căn cứ vào những dữ kiện 2 bên đạt được, tôi nghĩ nhiều phần nó sẽ đi đến kết quả cụ thể.
Ngay cả khi nếu nó không đi đến kết quả cụ thể tôi cũng muốn nói rằng nhân loại mà còn tồn tại đến ngày hôm nay là người ta sống bằng hy vọng. Con người ngoài nhu cầu vật chất, tức bản năng sinh tồn thì người ta còn có nhu cầu tinh thần. Và nếu người ta không có tinh thần lạc quan 1 chút, hay là hy vọng 1 chút thì nhân loại không còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Cảm nhận của tôi có thể sai, nhưng nó là 1 thứ bản năng về tinh thần".
Nói theo một cách khác, "hãy hy vọng", đó là bộc bạch của kỹ sư Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, người di tản vào miền Nam từ năm 1954. Đối với ông, cần có 1 quyết tâm rất cao về vấn đề nhìn thẳng vào sự thật, và nhìn thấy gương của tất cả các nước, ở Đức và bây giờ là Triều Tiên.
"Nhìn quá khứ để dự kiến được tương lai thì tôi cho rằng cũng 1 phương pháp đúng nhưng chúng ta cũng phải hy vọng là thế giới biến chuyển rất nhiều, và cuộc cách mạng công nghệ, dân chủ hóa qua Facebook thì chúng ta có quyền hy vọng".
Tại Bàn Môn Điếm, Nam và Bắc Hàn thoả thuận theo đuổi một hòa bình vĩnh viễn và tiến tới phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên, như thế phải chăng người dân Triều Tiên từ nay có quyền hy vọng về sự hòa hợp về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tất cả những gì hình thành nên đất nước và dân tộc hay không ?
Nhìn lại Việt Nam, đây cũng chính là điều làm cho rất nhiều người Việt Nam trăn trở trong mấy mươi năm qua., về bốn chữ "Hòa hợp hòa giải".
Nhạc sĩ Trần Duy Đức, dù yêu quê hương, yêu con người Việt Nam, yêu những đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể hy vọng vào 1 ngày hòa hợp.
"Tôi khó hy vọng được chuyện đó. Đối với Cộng sản thì không thể hòa giải được với họ. Đừng trông mong. Theo tôi nghĩ thì đó là 1 điều hoang tưởng. Đừng bao giờ nghĩ mình hòa hợp hòa giải được với người Cộng sản. Kinh nghiệm tôi từng tù tội với Cộng sản. Tôi từng sống lại đó 4 năm sau ngày mình mất nước. Ít nhiều tôi hiểu người Cộng sản thế nào".
Theo số liệu thống kê của Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ sau ngày 30/4/1975 cho đến cuối năm 1995, gần 1 triệu người Việt bỏ nước ra đi. Khoảng nửa số ấy đã thiệt mạng trên đường ra đi.
Quan điểm của kỹ sư Đỗ Thái Bình là "không thể sửa lại được quá khứ, vấn đề là nhìn về tương lai". Và ông khẳng định : "Hiện nay chưa có hòa hợp dân tộc".
Tuy, ông khách quan nhìn nhận rằng "lỗi là do cả hai bên", nhưng nếu để nói có một bên cần phải tích cực hơn, thì ông gọi đó là bên "thắng cuộc".
"Theo tôi bên thắng cuộc cần phải có cái nhìn sâu sắc, ít ra cũng phải làm được như Võ Văn Kiệt. Tức là phải tiếp tục có suy nghĩ như Võ Văn Kiệt. Tôi cho rằng những người cầm quyền phải nhìn thẳng vào sự thật để quyết tâm chứ không phải chỉ có vài nghị quyết, hình thức thì vẫn chưa thấy thực tâm".
Nhìn nhận về vấn đề này, riêng đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhà thơ Du Tử Lê cho rằng Việt Nam hiện nay bắt đầu có những cái đổi mới đáng kể. Đó là có 1 số tác phẩm hải ngoại, thuộc về miền Nam đã được in lại.
"Chẳng hạn như trước đây họ lên án cuốn Tự lực văn đoàn nhưng cách đây nhiều năm họ in lại 1 cách trân trọng. Trong cái nhìn của tôi, đời sống, dù là gì đi nữa, chính trị, văn học hay cá nhân thì nó như 1 dòng nước chảy tới, không thể đứng lại hoài".
Ngoài tác phẩm Tự lực văn đoàn, nhà thơ Du Tử Lê còn nhắc đến những tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ và dòng nhạc bolero vốn có nguồn gốc từ Sài Gòn, trước 1975.
Nhà thơ Du Tử Lê đặt hai chữ "định mệnh" của đất nước Việt Nam vào câu trả lời cho sự hòa hợp hòa giải. Trong cái định mệnh đó, có cuộc chiến 43 năm trước :
"Mỗi một đất nước như 1 con người, có định mệnh riêng của nó. Tác phẩm, cuốn sách, bản nhạc còn có định mệnh huống chi là đất nước. Đất nước Việt Nam của mình nó nhiều bi kịch quá".
Để từ đó, ông nói rằng có thể thế hệ của những người như ông sẽ không được nhìn thấy những đổi mới cụ thể ở Việt Nam
"Có thể nó chỉ xảy ra khi tôi đã mất rồi. Nhưng tôi vẫn lạc quan, cho dù sự lạc quan ấy rất dè dặt".
Những ngày cuối tháng 4/2018, khi người dân Nam Bắc Hàn vui mừng với cái bắt tay thoả thuận cùng hướng đến một hòa bình vĩnh viễn, thì với người Việt Nam, 43 năm qua, vẫn còn đâu đó "triệu người vui triệu người buồn" như câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm nào. Nhạc sĩ Lê Minh Bằng đã từng ao ước "Tôi có thân nhân ở bên đầy. Tôi có anh em ở bên kia. Dù Nam Bắc, tôi vẫn mong nước Việt thanh bình", thì "Chuyện 1 chiếc cầu đã gãy" 43 năm qua của người dân Việt Nam liệu có được nối lại như chiếc cầu màu xanh nối liền Nam Bắc Hàn ngày nay hay không ? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Cát Linh
Nguồn : RFA, 30/04/2018