Quân đội Mỹ lên kế hoạch giả định lấy các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông (RFA, 26/01/2019)
Trang tin Business Insider hôm 24/1 cho biết Thủy quân lục chiến Mỹ đang có một kế hoạch giả định cho phép thủy quân lục chiến Mỹ chiếm các đảo mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông khi có một trận chiến tên lửa lớn ở Thái Bình Dương.
Hình chụp của Hải quân Mỹ hôm 5/3/2018 cho thấy hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng - AFP - Ảnh minh họa
Business Insider trích thông tin từ USNI News cho biết các chỉ hủy Thủy quân lục chiến Mỹ tại một hội thảo thường niên của Hải quân quốc gia đã nói với hãng tin này rằng cách thức vận hành của hải quân hiện tại không phải là cái mà quân đội Mỹ tìm kiếm để có thể chiếm lấy các căn cứ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
USNI News trích lời tướng David Coffman của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết việc lấy các đảo do Trung Quốc kiểm soát là trung tâm của kế hoạch này. Ông nói "các hoạt động hải quân phối hợp là cần thiết để lấy một đảo dù là đảo tự nhiên hay nhân tạo", ý muốn nói đến các tiền tiêu mà Trung Quốc cho xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trung Quốc trong các năm gần đây đã gia tăng các nỗ lực xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và tiến hành quân sự hóa các đảo này bất chấp những phản đối từ Mỹ và các nước khác.
Hoa Kỳ thường xuyên đưa các tàu chiến đi qua vùng nước quanh các đảo này để thách thức các đỏi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng nước đang tranh chấp. Tủy nhiên Trung Quốc luôn phản ứng hoặc bằng cách lên tiếng phản đối hoặc đưa tàu chiến ra để theo dõi.
Một đô đốc hải quân Trung Quốc mới đây còn lên tiếng nói rằng Trung Quốc phải đánh chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ để bảo vệ chủ quyền.
*******************
Mỹ lại điều tàu chiến đi ngang eo biển Đài Loan VOA, 26/01/2019)
Hải quân Hoa Kỳ một lần nữa lại điều tàu chiến đi ngang qua eo biển Đài Loan. Trang mạng navaltoday hôm 25/1 cho biết hai tàu hải quân, khu trục hạm USS McCampbell và tàu tiếp nhiên liệu USNS Walter S. Diehl, đi ngang qua eo biển Đài Loan hôm 24/1. Đây là lần thứ 3 trong 4 tháng qua tàu chiến Mỹ qua lại tuyến đường biển này.
Eo biển Đài Loan
Hãng tin Reuters dẫn lời Thiếu tá Tim Gorman, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, cho biết hoạt động này thể hiện "cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do".
Ông mô tả đây là một "hoạt động thường lệ", phù hợp với luật pháp quốc tế. Thiếu Tá Gorman nhấn mạnh :
"Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu bè qua lại trên không và trên biển, và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn viết trên Twitter : "Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận 'môt quốc gia,hai chế độ.'" Ảnh chụp ngày 2/1/2019
Nhìn từ Đài Loan, việc Hải quân Mỹ điều tàu chiến đi ngang eo biển Đài Loan, được xem là một dấu hiệu ủng hộ của chính phủ Tổng thống Donald Trump đối với Đài Loan, giữa lúc căng thẳng đang tăng giữa hòn đảo tự trị này và Trung Quốc.
Nhưng nhìn từ Bắc Kinh thì việc tàu chiến Mỹ đi qua khu vực nhạy cảm này được coi là một hành động khiêu khích, bởi Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của mình. Trung Quốc không loại trừ giải pháp sử dụng vũ lực để chiếm quyền kiểm soát Đài Loan.
Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều tối thứNăm, Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận hai tàu hải quân Mỹ đang tiến về hướng Bắc, đi ngang qua eo biển giữa Đài Loan và Hoa Lục, theo đúng luật, và Đài Loan đang theo sát hoạt động này "để bảo đảm an ninh trên biển và ổn định khu vực".
Báo Japan Times cho biết vào tháng 12 năm ngóa i, tàu khu trục USS McCampbell – vốn có căn cứ tại Yokosuka, quận Kanagawa, đã từng tham gia các hoạt động FONOB, tức tuần tra để khẳng định quyền tự do hang hải, trên vùng biển gần Vịnh Peter the Great trong biển Nhật Bản, để thách thức yêu sách chủ quyền của Nga.
Tờ báo của Nhật cũng cho biết là một tháng sau đó, USS McCampbell lại tham gia hoạt động FONOB trên Biển Đông, tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách quần đảo Hoàng Sa, quần đảo đang do Trung Quốc kiểm soát, nhưng cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Trong một chuyến công du thăm vùng Châu Á-Thái Bình dương mới đây, Tư Lệnh Hải quân Mỹ, Đô Đốc John Richardson, nói với báo chí rằng hải quân Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc điều một tàu sân bay đi ngang qua eo biển Đài Loan. Ông nói không có qủy định nào hạn chếbất cứ loai tàu nào sử dụng tuyến đường biển này. Nói chuyện với báo chí tại Nhật Bản, Đô đốc Richardson lưu ý rằng Hoa Kỳ coi eo biển Đài Loan là một tuyến đường trong vùng biển quốc tế.
****************
Mỹ lại đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, bất chấp cảnh cáo của Bắc Kinh (RFI, 25/01/2019)
Ngày 24/01/2019, Hoa Kỳ điều hai tàu chiến đến eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển này. Chuyến đi của hai tàu chiến Mỹ diễn ra đúng vào lúc Không quân Trung Quốc tăng cường hoạt động tại một số khu vực sát không phận Đài Loan.
Bản đồ eo biển Đài Loan - Wikimedia Commons
Reutes dẫn thông báo cuối ngày của bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết chuyến đi của hai chiến hạm Mỹ, và xác nhận là lộ trình của các tàu Mỹ tuân thủ các quy định về giao thông hàng hải. Cũng ngày hôm qua, theo một thông báo khác của bộ Quốc Phòng Đài Loan, nhiều chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của Trung Quốc đã bay qua eo biển Ba Sĩ (phía nam Đài Loan, bắc Philippines). Trước đó, hồi đầu tuần, hai máy bay quân sự Trung Quốc cũng bay qua ngả này.
Ngay sau khi tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan, trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) hôm nay 25/01/2019 đã lên tiếng kêu gọi Washington tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc", và khẳng định Trung Quốc theo dõi sát hoạt động của tàu Mỹ.
Theo giới quan sát, việc Hoa Kỳ cử tàu chiến đến eo biển Đài Loan là một dấu hiệu mới cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Donald Trump đối với Đài Bắc, trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Hôm thứ Năm 17/01/2019, tại Nhật Bản, tư lệnh Hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, tuyên bố không loại trừ việc cử chiến hạm đến khu vực này.
Trước đó ít ngày, tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng) trong cuộc gặp với tư lệnh Hải quân Mỹ ở Bắc Kinh ngày 15/01, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng "bằng mọi giá" bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ, chống lại mọi can thiệp nhằm hậu thuẫn cho Đài Loan độc lập. Đáp lại đe dọa của Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố sẽ bảo vệ nền dân chủ Đài Loan, và kêu gọi hỗ trợ quốc tế.
Cuối năm 2018, tổng thống Mỹ ký Luật Sáng kiến Trấn an Châu Á (Asia Reassurance Initiative Act – ARIA), tái khẳng định các cam kết với Đài Loan, bao gồm việc bán vũ khí để giúp Đài Bắc tự vệ trước Trung Quốc.
Trọng Thành
****************
'Vấn đề lớn nhất' của Mỹ-Trung là Biển Đông ? (BBC, 23/01/2019)
Nhà kinh tế học Panos Mourdoukoutas vừa có bài viết trên Forbes cho rằng "vấn đề lớn nhất" giữa Bắc Kinh và Washington không phải là thương mại, mà chính là mâu thuẫn gia tăng giữa hai nước và về Biển Đông và Châu Phi.
'Vấn đề lớn nhất' của Mỹ-Trung là Biển Đông ?
Trong khi đó, Tiến sĩ Carl Thayer nói ông đồng tình với chuyên gia kinh tế Mourdoukoutas rằng Trung Quốc là "địch thủ" của Hoa Kỳ, tuy nhiên ông Thayer không cho rằng chính sách thương mại mà ông Trump đang theo đuổi liên kết với chiến lược an ninh quốc tế của Hoa Kỳ.
Trong một bài đăng trên Forbes hôm 19/1, ông Mourdoukoutas viết : "Vấn đề này [tranh chấp Biển Đông] có thể kéo dài nhiều năm, nếu không phải là thập kỷ, và nó có thể dẫn đến đối đầu quân sự giữa hai nước".
Biển Đông hiện là mục tiêu hàng đầu cho chương trình nghị sự kinh tế và chính trị của Bắc Kinh - một dự án sẽ đưa Trung Quốc thành nhà lãnh đạo kinh tế lớn tiếp theo của thế giới.
Để làm điều đó, Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố cho rằng nó có những quyền "lịch sử" đối với vùng biển.
"Bắc Kinh bảo vệ các quyền đó bằng cách đe dọa, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, giúp tuyên truyền hơn nữa hiện trạng chính trị Trung Quốc", Mourdoukoutas viết.
Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc ra, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Việt Nam đều đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển có khối lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ đôla đi qua mỗi năm.
Úc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ cũng vẫn mong muốn duy trì sự tự do hàng hải trong vùng biển khu vực.
"Đây chính là nguy cơ đối đầu quân sự tiềm tàng : một tình huống mà có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lên thị trường tài chính và sự hội nhập kinh tế của nước khu vực", Mourdoukoutas lập luận.
Nhà kinh tế học đang giảng dạy tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ còn phân tích rằng Châu Phi cũng là một trọng điểm khác cho sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Quốc kỳ Trung Quốc và Hoa Kỳ treo trên cột buồm của Tàu Bệnh viện 'Hòa bình' khi con tàu bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại Mỹ vào 2015 tại San Diego, California của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh cử các phái đoàn đến các thủ đô Châu Phi mỗi năm, giúp thiết lập các dự án cơ sở hạ tầng và Châu Phi cung cấp cho Trung Quốc tài nguyên kinh tế ở mức rẻ mạt.
Bắc Kinh đang biến Châu Phi thành "một lục địa thứ hai" cho Trung Quốc, Mourdoukoutas nhận định.
Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là nhà "tài trợ" lớn nhất cho Châu Phi theo Viện Nghiên cứu Trung-Phi John Hopkins.
Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ, cũng có nhiều khoản đầu tư vào Châu Phi.
Điều này khiến Trung Quốc tố Nhật Bản "ích kỷ" và áp đặt lên các quốc gia Châu Phi và gây chia rẽ các nước Phi với Trung Quốc.
"Trung Quốc nói Nhật Bản ích kỷ thì thật mỉa mai vì bản chất ích kỷ trong các dự án đầu tư của họ ở Châu Phi. Hầu hết các quốc gia đầu tư ở Châu Phi đều làm vì [lợi ích của chính nước họ]. Thay vì chia rẽ Trung Quốc với các nước Châu Phi, điều này chỉ làm chia rẽ thêm Trung Quốc và Hoa Kỳ.
"Thêm vào đó là những tác động đáng lo ngại từ việc Trung Quốc đang siết chặt Biển Đông, nó đặt nền tảng cho một ngòi thuốc nổ có thể gây nguy hại hơn bất kỳ cuộc chiến thương mại nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc", Mourdoukoutas viết.
Tiến sĩ Carl Thayer nói gì ?
Tiến sĩ Carl Thayer nói ông đồng tình với chuyên gia kinh tế Mourdoukoutas rằng Trung Quốc là "địch thủ" của Hoa Kỳ.
Ông Thayer nói qua bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence (hồi tháng 10/2018) và việc Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành Luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á (ARIA) cho thấy có một sự cạnh tranh đối đầu với Trung Quốc đang gia tăng.
Tuy nhiên, chính sách thương mại mà ông Trump đang theo đuổi không liên kết với chiến lược an ninh quốc tế của Hoa Kỳ.
"Hoa Kỳ không sử dụng vấn đề thương mại để đạt lợi thế trong vấn đề Biển Đông và ngược lại", ông Thayer nói.
Ông Thayer cũng cho rằng khả năng xảy ra đối đầu quân sự ở khu vực Biển Đông cũng rất thấp.
Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động tuần tra vào năm ngoái với hai hình thức : một là tuần tra tự do hàng hải và hai là tiếp tục sự hiện diện của các tàu tuần tra dưới thời Obama từ Guam, Diego Garcia, Nebraska…
"Điều này cho thấy Mỹ cũng có thể phản ứng và làm Trung Quốc e ngại".
"Nhưng tại thời điểm này, Trung Quốc không cho thấy họ có hứng thú tỏ ra hung hãn. Chúng ta đang nói rất nhiều về thương mại và kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Trung Quốc đang có một vấn đề khác phải quan tâm hơn".
"Và Mỹ cũng không liên kết giữa các hoạt động ở Biển Đông với một chiến lược rộng lớn hơn để gây áp lực với Trung Quốc. Bởi vì thực sự là không có chiến lược gì cả".
"Cuối cùng thì chiến lược đó có thể là gì ? Trung Quốc rút quân khỏi Biển Đông ư ? Phi quân sự hóa ư ? Ngừng tuyên bố chủ quyền ư ? Chẳng có tác dụng gì".
"Hoa Kỳ đã áp lực lên Trung Quốc buộc phải có các hành vi tuân thủ luật lệ và tôn trọng tự do hàng hải nhưng nó chẳng đi đến đâu cả. Trung Quốc chẳng làm bất cứ điều gì".
"Tôi hi vọng trong năm 2019 này, Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hoàn tất việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người sẽ tiếp tục chương trình này".
Ông Thayer cũng cho rằng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trong thời kỳ "tốt đẹp nhất" kể từ sự kiện Giàn khoan HD981 vào 2014.
Năm ngoái, Trung Quốc gây áp lực lên các hoạt động khai thác dầu mỏ trên Biển Đông của Việt Nam, một phải ngừng, một bị bỏ hoang.
"Không một quan chức Việt Nam nào muốn nói về điều này", ông Thayer nói. "Đó là thực trạng hiện tại".
"Việt Nam, nói cách khác, bị cô lập và trơ trọi trong khu vực, là nước duy nhất có xích mích với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông".
Dư luận ở Việt Nam thực sự "rất độc hại" với thái độ chống Trung Quốc, ông Thayer nói.
"Thế hệ trước, vốn đã hi sinh trong các cuộc chiến, sắp trở thành lịch sử, cho nên cần phải tôn vinh những sự hi sinh của họ", ông Thayer bình luận về các bài báo gần đây của báo chí Việt Nam nhân 45 kỷ niệm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.
"Tôi nghĩ, thử thách nghiêm trọng nhất với chính quyền [Việt Nam] là bảo vệ chủ quyền đất nước. Nên việc cho phép các tờ báo nội địa viết bài về Trung Quốc là biện pháp an toàn thôi".
********************
Chiến đấu cơ Trung Quốc lại bay sát Đài Loan (RFI, 23/01/2019)
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, hôm qua, 22/01/2019, các chiến đấu cơ của Trung Quốc lại bay sát Đài Loan để một lần nữa phô trương sức mạnh tại vùng này.
Tiêm kích F-16 của Đài Loan (trái) giám sát oanh tạc cơ Trung Quốc H-6K. Ảnh do bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố ngày 11/05/2018Handout / TAIWAN DEFENCE MINISTRY / AFP
Bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, ra thông báo cho biết, trong số nhiều chiến đấu cơ của Trung Quốc bay trên eo biển Ba Sĩ (Bahsi), có chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 và máy bay vận tải Thiểm Tây (Shaanxi) Y-8, có thể được dùng để do thám. Những máy bay này đã xuất phát từ miền nam Trung Quốc, bay qua eo biển Ba Sĩ, rồi sau đó bay đến vùng tây Thái Bình Dương.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, quân đội Đài Loan đã điều các phi cơ và tàu giám sát đến vùng eo biển Ba Sĩ để "bảo đảm an toàn cho không phận và hải phận quốc gia".
South China Morning Post cho biết là hải quân và không quân Trung Quốc thường xuyên mở các chuyến tuần tra đến vùng hải phận và không phận sát Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn, một nhân vật ủng hộ nền độc lập của hòn đảo này, đắc cử tổng thống Đài Loan năm 2016.
Nhưng việc chiến đấu cơ Trung Quốc bay tuần tra sát Đài Loan lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi tư lệnh hải quân Hoa Kỳ, đô đốc John Richarson, tuyên bố với các phóng viên tại Tokyo rằng Washington không loại trừ khả năng gởi hàng không mẫu hạm đến eo biển Đài Loan.
Vào đầu tháng Giêng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh cáo rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan với Trung Hoa lục địa, và sẵn sàng tiến hành "mọi biện pháp cần thiết" để chống "các thế lực bên ngoài" can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Trước thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, tổng thống Thái Anh Văn trong tháng này đã kêu gọi quốc tế yểm trợ để bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan.
Thanh Phương
Con ngựa thành Troie của Bắc Kinh tại nhà ga Hồng Kông
Libérationhôm nay có bài "Một con ngựa thành Troie của Trung Quốc sắp vào ga Hồng Kông". Trên lãnh thổ vẫn đang bị chấn động vì vụ bắt cóc các nhà xuất bản sách chỉ trích Trung Quốc, quyết định áp dụng luật lệ của Bắc Kinh tại nhà ga tương lai gây lo ngại cho nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ".
Công trường xây dựng nhà ga Tây Cửu Long (West Kowloon) ở Hồng Kông, 21/07/2017. Reuters/Bobby Yip/File Photo
Nếu vụ "Các nhà xuất bản ở Causeway Bay" (Đồng La Loan) từng gây xúc động cho người dân Hồng Kông thì nay lại càng thêm rúng động. Một trong năm chủ nhà sách mất tích hồi mùa thu 2015 rồi xuất hiện một tháng sau đó tại Hoa lục, một lần nữa lại bị bắt cóc.
Ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển, hôm thứ Bảy 20/1 khi đang trên tàu đến Bắc Kinh đã bị mười công an mặc thường phục bắt đi, ngay trước mắt các nhà ngoại giao Thụy Điển đi cùng. Từ đó đến nay, không ai tiếp xúc được với ông, và không hề có được hỗ trợ của luật sư.
Quế Dân Hải sống tại Hoa lục sau khi được ra khỏi nhà tù tháng 10/2017. Đối với tổ chức Văn bút Hồng Kông, vụ bắt cóc ông là "mưu toan dập tắt tiếng nói" của ông và các đồng nghiệp, tại nhà xuất bản chuyên cho ra đời các tác phẩm về mặt trái của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.
Sự kiện này gây chấn động lớn tại Hồng Kông. Cựu thuộc địa Anh lâu nay cho rằng được bảo vệ với tư cách đặc khu, cho đến khi một trong những nhân viên nhà sách ở Causeway Bay tiết lộ việc bị công an Trung Quốc bắt cóc thô bạo ngay trên đất Hồng Kông. Vụ ông Quế Dân Hải lại bị lọt vào móng vuốt của Bắc Kinh gây lo ngại khi mùa thu tới Hồng Kông sẽ khai trương một nhà ga giáp giới với Trung Quốc.
Thật ra tranh cãi đã nổi lên ngay trước khi các máy xúc, máy ủi bắt đầu làm việc tại khu Tây Cửu Long (West Kowloon). Đối với nhiều người, tuyến tàu cao tốc nối liên Hồng Kông và Quảng Châu trong vòng 45 phút chỉ là con ngựa thành Troie của Bắc Kinh. Dù nằm ngay trung tâm Hồng Kông, ở ngõ vào vịnh Victoria, một phần nhà ga sẽ được Trung Quốc "cho thuê" và bị coi là lãnh thổ dưới luật lệ của Hoa lục.
Đất Hồng Kông, luật Trung Quốc
Quốc Hội Trung Quốc đã quyết định như thế vào cuối năm ngoái. Để giao thông được thông suốt, công an, hải quan và nhân viên an ninh Trung Quốc cho đến nay vẫn ở bên kia đường biên, sẽ được triển khai trên bến tàu và khuôn viên nhà ga, phụ trách kiểm tra các tờ khai nhập cảnh và "áp dụng các biện pháp thích hợp nếu vi phạm luật pháp Trung Quốc".
Theo nữ dân biểu đối lập Trần Thục Trang (Tanya Chan), như vậy một khi bước vào khu vực có diện tích khoảng 105.000 mét vuông này, "không thể được đối xử khác với ở Hoa lục, dù đây là đất Hồng Kông". Khách có được tự do truy cập internet như bên ngoài hay không ? Có phải che đi những dòng chữ trên áo thun thuộc loại bị cấm đoán ở Trung Quốc ?
Nhiều khả năng là tất cả sẽ bị kiểm soát chặt chẽ bởi các camera và nhân viên an ninh Trung Quốc, vốn là bậc thầy trong việc theo dõi bằng kỹ thuật số. Bà Trần Thục Trang lo sợ sẽ xảy ra những vụ bắt bớ như vụ ông Quế Dân Hải, hoặc tạm giữ hành chính. Luật sư đoàn Hồng Kông phản đối "biện pháp thụt lùi chưa từng thấy kể từ khi Hiến Pháp Hồng Kông được áp dụng năm 1997".
Theo bản Hiến Pháp này, luật Trung Quốc không được áp dụng tại Hồng Kông, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi. Ngay cả 8.000 lính Trung Quốc đóng tại đây cũng phải tôn trọng. Luật sư đoàn Hồng Kông cảnh báo ý định áp đặt luật lệ của Bắc Kinh trên lãnh thổ Hồng Kông "làm phương hại sâu sắc lòng tin của người dân địa phương cũng như của quốc tế trong việc duy trì Nhà nước pháp quyền và nguyên tắc Một đất nước, hai chế độ" ở thị trường tài chính này.
Giáo sư Eric Chung nhận định đây là một loạt vi phạm Hiến Pháp và xâm phạm tư pháp Hồng Kông, lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng sức mạnh áp đặt tại đặc khu. Ông giải thích : "Trong tương lai, nếu có những quy định đi ngược lại Hiến Pháp, tòa án của chúng tôi vẫn không thể ngăn cản một khi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc cho rằng phù hợp". Như vậy Tây Cửu Long sẽ trở thành án lệ, mở ra cánh cửa cho nhiều dự án để Hoa lục xâm nhập về kinh tế và nhân sự vào Hồng Kông.
TPP tái sinh dù không có Mỹ
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Hiệp định TPP tái sinh mà không có Hoa Kỳ". Mười một quốc gia còn lại trong Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương đã quyết định đi tiếp dù nước Mỹ đã rút lui, và việc ký kết dự định diễn ra vào tháng Ba tới.
Sau thời gian còn lưỡng lự, nay thủ tướng Justin Trudeau đã quyết định là Canada ở lại với TPP. Ông cho biết : "Chúng tôi đã có được những tiến triển ý nghĩa về các điểm bất đồng đã nhận ra bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam hồi tháng 11". Cùng ngày tại Tokyo, bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi vui mừng thông báo các nhà đàm phán của 11 nước đã đạt được thỏa thuận, "một quyết định lịch sử đối với đất nước chúng tôi và tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Tuy vậy Les Echos cho biết vẫn còn những bất đồng riêng giữa một số đối tác với nhau. Hôm 16/1, chính phủ Úc đã nộp đơn kiện Canada lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì nhiều tỉnh của Canada hạn chế nhập cảng rượu vang, mà theo phía Úc là không phù hợp với các quy định của GATT.
Hoa Kỳ và trận chiến thương mại với châu Á
Cũng về kinh tế, Les Echos đề cập đến việc "Washington tiến hành cuộc chiến thương mại chống lại châu Á". Tổng thống Donald Trump đã thông qua việc thiết lập hàng rào hải quan về mặt hàng máy giặt và pin mặt trời, theo khuyến cáo của bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Bắc Kinh và Seoul đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước WTO.
Cuộc chiến thương mại như vậy đã bước vào giai đoạn cụ thể. Hai nhà sản xuất pin mặt trời Suniva và SolarWorld, và hãng điện lạnh Whirlpool của Mỹ phàn nàn về các loại hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Thuế hải quan từ nay sẽ đánh đến 30% giá trị sản phẩm trong năm đầu, và đến năm thứ tư giảm còn 15% đối với pin mặt trời, mà theo Hiệp hội kỹ nghệ năng lượng đã đe dọa 23.000 việc làm và hàng tỉ đô la đầu tư trên đất Mỹ. Đối với máy giặt, thuế đánh 20% trên 1,2 triệu sản phẩm nhập khẩu đầu tiên, số còn lại sẽ bị đánh đến 50%.
Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong tố cáo "Hoa Kỳ đặt chính trị lên trên các tiêu chuẩn quốc tế". Trong nhiều năm qua để tránh đối đầu, LG và Samsung đã dần dà chuyển dịch sản xuất sang những nước không nằm trong tầm ngắm của Washington. Những chiếc máy giặt bị chính quyền Donald Trump trừng phạt còn được lắp ráp tại các nhà máy ở Việt Nam, Thái Lan, và hai nước này có thể cũng sẽ cùng với Hàn Quốc đứng ra kiện tại WTO.
Còn Trung Quốc, nước sản xuất 60% động cơ điện gió và 71% pin mặt trời trên thế giới, bày tỏ "hết sức bất bình". Bắc Kinh cảnh báo "sẽ cùng các thành viên WTO khác kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình", tuy nhiên không nói rõ sẽ hành động như thế nào.
"Cancer SEEK" giúp phát hiện sớm 8 loại ung thư
Trên lãnh vực y học, Le Monde cho biết các nhà nghiên cứu Úc-Mỹ đã có được một công cụ đầy hứa hẹn mang tên "Cancer SEEK", một xét nghiệm máu giúp phát hiện 8 loại ung thư khác nhau.
Việc thử máu tương đối ít tốn kém, khoảng 500 đô la, giúp phát hiện sớm các u ác đang tiềm ẩn trong cơ thể, sẽ làm giảm đi số trường hợp tử vong vì ung thư. Tám loại ung thư có thể tìm ra là ung thư buồng trứng, gan, dạ dày, tụy tạng, thực quản, trực tràng, phổi và vú, trong đó năm loại đầu có tỉ lệ phát hiện từ 69% đến 98%. Tám loại này là nguyên nhân của 60% trường hợp tử vong vì ung thư ở Mỹ, làm 360.000 người chết mỗi năm.
Thi tú tài, siêu thị, thánh chiến : Tựa chính báo Pháp
Libération dành trang nhất và ba trang trong cho việc cải cách cuộc thi tú tài, một vấn đề rắc rối và tốn kém mà xưa nay chưa ai dám đụng đến. Chính phủ Pháp hôm nay 24/01/2018 bắt đầu nghiên cứu việc cải cách dự trù áp dụng vào năm 2021 : đơn giản hóa cách tổ chức, giảm số môn thi, tăng các cuộc kiểm tra thường kỳ. Đây là một thử thách chính trị, theo tờ báo thiên tả.
Về kinh tế xã hội, Le Monde chạy tựa "Siêu thị : Kế hoạch của Carrefour đối phó với cuộc cách mạng Amazon". Để vực dậy chuỗi siêu thị Carrefour, tân tổng giám đốc Alexandre Bompard dự định giảm 2.400 nhân viên, tiết kiệm 2 tỉ euro, tăng gấp sáu lần đầu tư vào kỹ thuật số… trong bối cảnh cuộc chiến giá cả và sự lên ngôi của thương mại điện tử làm các nhà phân phối lớn của Pháp chao đảo. Đặc biệt từ thứ Hai đầu tuần tại Hoa Kỳ, Amazon đã khai trương siêu thị của tương lai : không còn quầy tính tiền, không quét mã vạch các món hàng, trả tiền tự động.
Les Echosgọi đây là "Cú sốc Bompard", dù không có siêu thị Carrefour nào bị đóng cửa. Ông Bompard chủ trương cung cấp các loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, sinh thái, đáp ứng với yêu cầu cao của người tiêu dùng.
Trang nhất La Croix đăng ảnh một ly đầy những viên đường trắng, trên nền hồng ngọt ngào, nhân bộ phim "Sugarland" được đưa ra trình chiếu hôm nay. Bộ phim tài liệu này cảnh báo nguy cơ của thành phần đường trong thực phẩm. Tờ báo đặt câu hỏi : "Đường có thực sự là chất độc ?"
Nhìn sang Trung Đông, Le Figaro đặt vấn đề "Biết làm gì với quân thánh chiến Pháp bị bắt ở Irak và Syria ?". Tranh cãi nổ ra về tương lai năm chục quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mang quốc tịch Pháp bị bắt ở Trung Đông : nên tổ chức xét xử tại chỗ hay đưa họ về nước ?
Tờ báo cánh hữu Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề "Những kẻ phản quốc" cho biết đến nay đã có khoảng 300 quân thánh chiến Pháp chết tại các vùng chiến sự, 680 người sống sót và 500 trẻ em. Có nên tin những người cho biết đã hối hận và muốn trở về ? Công tố viên trưởng Paris François Molins không hề tin tưởng chút nào, còn con cái của những người này, theo ông là những quả bom nổ chậm.
Thụy My
Theo nhận định của chúng tôi, Bắc Kinh đã và đang thực hiện đối sách hai mặt trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, mà chúng tôi tạm gọi là đối sách “Lá mặt, lá trái” để thủ lợi.
Lá mặt là Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền. Do đó vẫn đã, đang và sẽ có thêm nhiều mâu thuẫn giả tạo trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ; và để giải quyết những mâu thuẫn này đảng và nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phải tỏ ra có nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực thuyết phục, áp lực theo đường lối ngoại giao thông thường hay đặc biệt, chứ không thể ra lệnh, ép buộc đảng và nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên như một công cụ. Nhưng tất cả chỉ là những động tác giả nhằm che đậy “Lá trái”.
Lá trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc toàn diện. Từ quá khứ trong chiến tranh ý thức hệ, đến hiện tại trong chiến lược toàn cầu mới, Bình Nhưỡng chỉ có chủ quyền trên nguyên tắc,lệ thuộc toàn diện chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng vào chế độ Bắc Kinh trên thực tế. Chính sự lệ thuộc này đã biến Bình Nhưỡng thành công cụ chiến lược một thời của Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự sống còn chế độ Bình Nhưỡng hoàn toàn tùy thuộc vào cách ứng xử của chế độ Bắc Kinh.
Hiện tại thực hiện đối sách “Lá mặt, lá trái” trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh bề ngoài bao lâu nay luôn tỏ ra không tán đồng, chống đối cầm chừng và tham gia có mức độ, lúc mạnh, lúc yếu,các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Thế nhưng bên trong, từ lâu dường như chính Trung Quốc đã là nước duy nhất hay là chính yếu bên cạnh một vài nước khác (như Nga, Iran…) vẫn lén lút bao che, hổ trợ, cung cấp phương tiện, nguyên liệu hay làm thay để Triều Tiên có được và trở thành nước có vũ khí hạt nhân với hai ý đồ :
- Một là để Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân hù dọa theo kiểu “Chén sành đổi chén kiểu” để “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước giàu có trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc tế nói chung (nhận viện trợ để đổi lại việc ngưng các cuộc thử nghiệp hạt nhân…, tạo thế để không bị các nước lớn “Bắt nạt”,trừ Trung quốc (không bắt nạt mà phải vâng lời)
- Hai là để Bắc Kinh có điều kiện và cơ hội được quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, phải cầu cạnh như một nước duy nhất có ảnh hưởng quyết định được đối với Bình Nhưỡng, để có thế làm cao giá mặc cả thủ lợi, khi được yêu cầu làm áp lực hay đứng ra làm trung gian triệu tập các hội nghị đa phương hat song phương với Bình Nhưỡng. Ví dụ các hội nghị sáu bên (Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc với Bắc Triều Tiên) trong quá khứ ; hay hội nghị tay đôi giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong tương lai, để giải quyết vấn đề thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thế nhưng sau đôi ba lần hội nghị đa phương bất thành, nay tình hình thực tế trong vùng ngày một căng thẳng khi Bình Nhưỡng bất chấp lệnh trừng phạt gia tăng mức độ của Liên Hiệp Quốc và các động thái quân sự có tính cảnh cáo, răn đe của Hoa Kỳ, tiếp tục thử nghiệm nhiều lần vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ; mà lần gần nhất có tính thách thức là vào đúng ngày dân Mỹ đốt pháo bông mừng quốc khánh July.4th vừa qua, Kim Jong Un đã bắn thử tên lửa ICBM rớt trên mặt biển Nhật Bản. Cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo này được đánh giá là thành công và có khả năng đưa đầu đạn nguyên tử đến Alaska và đảo Guam của Hoa Kỳ. Phải chăng vì vai trò trung gian vẫn còn giá trị lợi dụng đối với Trung Quốc, hay chưa đến lúc đủ lợi cho phép công cụ của mình chấp nhận bất cứ giải pháp nào liên quan đến thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng, nên chưa có kết quả chung cuộc ?
Chẳng thế mà mới đây, qua các cuộc gặp bên lề Hội nghị G-20 ở Hamburg (7 và 8 Tháng Bảy) ở Đức quốc, hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin cùng đề nghị một cách hòa giải giữa Tổng Thống Trump với Kim yong Un, là Bắc Hàn ngưng chế tạo thêm bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo ; đổi lại, Mỹ và Nam Hàn sẽ ngưng tập trận chung và rút giàn phi đạn chống hỏa tiễn THAAD đi chỗ khác. Phải chăng đây là sáng kiến của họ Tập được Putin tán đồng ; có thể là kết quả toan tính thủ lợi gì đó giữa hai người đứng đầu hai cựu cường quốc cộng sản Nga-Hoa, sau ba lần gặp nhau trong vòng sáu tháng qua ?
Tất cả những suy luận trên đây của chúng tôi đều dựa trên quan sát diễn biến các sự kiện lịch sử và thực tế : Rằng một chế độ độc tài toàn trị nhỏ yếu, tự cô lập trong nhiều thập niên qua (1948-2017) với thế giới bên ngoài, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, đa số nhân dân sống trong cảnh lầm than, chết đói, chết lạnh thường xuyên ; tương phản với đời sống sa hoa, no thừa của giai cấp thống trị và những thành phần dân chúng được tuyển chọn để có hình ảnh tốt đẹp khoa trương tuyên truyền lừa bịp với thế giới bên ngoài ; thì làm sao có thể tự tồn trong nhiều thập niên qua, lại có thể tự chế tạo ra được vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm trung, tâm xa, cũng như trang bị nhiều khí tài quân sự hiên đại phô trương sức mạnh quân sự, quốc phòng của Bình Nhưỡng …nếu không có vai trò chủ yếu nuôi sống, hổ trợ mọi mặt chế độ này của Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi cho rằng chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên tồn tại được trong nhiều thập niên qua là dựa chủ yếu vào Trung Quốc và việc chế độ Bình Nhưỡng có được vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo không phải do khả năng tự thân nghiên cứu, điều chế, tích lũy chất liệu chế tạo vũ khí hạt nhân và các nguyên liệu chế tạo các tên lửa tầm trung và tầm xa.
Thực tế, theo suy đoán của chúng tôi, có thể là Trung Quốc từ lâu đã âm thầm huấn luyện nhân sự, cung câp kỹ thuật, chất plutonium và các nguyên vật liệu (hoặc Trung Quốc đã làm thay tất cả rồi bán lại hay viện trợ) để Bình Nhưỡng có được vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo. Trong giai đoạn đầu mọi sự chuẩn bị có thể đã được thực hiện ngay trên đất Trung Quốc để tránh sự phát hiện của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và quốc tế. Sau đó, bước vào giai đoạn thử nghiệm, bắt đầu thiết lập cơ sở chế tạo ở nội địa Bắc Triếu Tiên để rồi vào thời điểm thích hợp bắt đầu cho thử nghiệm như chuyện đã rồi, cố ý lộ ra cho Hoa Kỳ và quốc tế biết, để khởi sự thực hiện ý đồ dùng vũ khí hạt nhân để hù dọa, “tống tiền” Hoa Kỳ và quốc tế ( với Bình Nhưỡng) và thực hiện đối sách hai mặt “Lá mặt lá trái” để thủ lợi (với cả Bắc Kinh).
Nhớ lại thời điểm thích hợp đó được khởi sự đầu tiên vào đúng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ July 4Th năm 2006, Bắc Hàn đã phóng thử ít nhất là 6 tên lửa trong đó có 5 tên lửa tầm trung và một tầm xa Taepodong-2 mà tầm bắn là 6000 Km, tức có thể phóng tới nhiều phần đất của Hoa Kỳ. Ba tháng sau, vào ngày Mùng 9 tháng 10 năm 2006 Bắc Hàn lại thực hiện một cuộc thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên tại một địa điểm phía Bắc của tỉnh Hamkyon,một vùng thuộc Miền Đông Bắc xa xôi của Bắc Hàn, cách biên giới Trung Quốc khỏang 120Km.
Theo thống tấn xã Bắc Hàn KCNA thì vụ nổ lúc đó được thực hiện ngầm dưới đất và đã thành công mà không có sự rò rỉ phóng xạ. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp, nhưng không đạt được thống nhất về một biện pháp chế tài mạnh mẽ nào đối với Bắc Hàn vì có sự ngăn cản của Nga và Trung Quốc. Trung quốc dù cũng lên án việc thử vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn kêu gọi Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán và không chấp nhận biện pháp trừng phạt quân sự đối với Bắc Hàn. Phát ngôn nhân Bộ Ngọai Giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu khi đó nói “ Chúng tôi kiên quyết phản đối dùng quân sự để giải quyết việc trang bị vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên. Đó là quan điểm trước sau như một của chúng tôi”. Mãi sau này, khi Bình Nhưỡng gia tăng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Bắc Kinh mới miễn cưỡng tham gia nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (lá mặt), song vẫn ngầm hổ trợ (lá trái)
Thế nên từ đó đến nay Bắc Triều Tiên đã tiếp tục thực hiện đến cả chục cuộc thử nghiệp hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, bất chấp mọi biện pháp trừng phạt gia tăng cường độ của Liên Hiệp Quốc. Trong khi Bắc Kinh thì vẫn tiếp tục đối sách lập lờ hai mặt “lá mặt lá trái”.
Đến đây có lẽ ai cũng hiểu,vì sao chế độ Bắc Triều Tiên dám ngoan cố và tiếp tục có hành động ngang ngược, thách thức quốc tế như vậy, nếu không phải vì Bắc Kinh đã, đang và tiếp tục là chỗ dựa vững chắc của Bình Nhưỡng ? Và như thế mọi biểu hiện mâu thuẫn trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, nhất là trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, bao lâu nay đều mang tính giả tạo. Vì nó không đúng với thực chất mối quan hệ bao lâu nay,giữa một cường quốc đại Hán theo chủ nghĩa bá quyền (Trung Quốc) đất rộng (9.632.790 km2), người đông, (khoảng trên 1 tỷ 300 triệu) đầy tham vọng bá quyền ; với một tiểu nhược quốc láng giềng có “sông liền sông, núi liền núi” (Bắc Triều Tiên), đất hẹp (122.762 km2), ít người (khoảng 40 triệu) tự cô lập với thế giới, từ quá khứ đến hiện tại luôn lệ thuộc mọi mặt và đã chấp nhận là công cụ của cường quốc này để sống còn.
Tất nhiên, hơn ai hết các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã biết và chắc phải biết thực chất mối quan hệ Trung-Triều và vai trò của Trung Quốc trên hồ sơ hạt nhận Bắc Triều Tiên. Chẳng thế mà vào Tháng Tư năm nay, khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Florida, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “tuýt” rằng ông sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc : Không tấn công thương mại nước Tàu nữa ; để đổi lại, họ Tập sẽ dạy bảo Kim Jong Un đừng đi quá trớn.Thế những kết quả trao đổi này vẫn chưa xảy ra trên thực tế. Phải chăng Bắc Kinh muốn mà cả đòi hỏi thêm nữa sự nhượng bộ của Washington, tỷ như đòi Hoa Kỳ và Nam Hàn phải ngưng tập trận chung và rút giàn phi đạn chống hỏa tiễn THAAD đi chỗ khác, rồi mới “Bảo Kim Yong Un” ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, rồi “ép” phải ngồi vào bàn hội nghị để đi đến giải pháp chung cuộc trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên ? Nếu giả như Bình Nhưỡng không nghe (hay làm bộ không nghe), Bắc Kinh sẽ “Cắt hoàn toàn nguồn máu” nuôi sống Bình Nhưỡng bấy lâu nay, để chứng tỏ hiệu quả do uy lực, cũng là công sức của mình tạo ra trong việc mặc cả, trao đổi lợi ích với Hoa Kỳ ?
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 26/07/2017
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh (RFA, 12/01/2017)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Bắc Kinh hôm 12/1/2017. Photo courtesy of tuoitre.vn
Ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam, chiều hôm nay đến Bắc Kinh trong chuyến công du lân bang Trung Quốc kéo dài 4 ngày.
Chuyến đi được truyền thông chính phủ Hà Nội nói là ‘định hướng phát triển lành mạnh, lâu dài cho quan hệ Việt- Trung, củng cố cục diện ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.’
Thông tấn xã Việt Nam loan tin sau cuộc hội đàm diễn ra ngay chiều nay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa hai nước. Trong đó có tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc đến năm 2025.
Ngay trước khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc lần này, tờ Hoàn Cầu Thời báo - cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản ở Hoa Lục hôm qua có bài bình luận về thông tin Việt Nam và Ấn Độ đang bàn thảo việc New Dehli bán tên lửa địa không Akash cho Hà Nội.
Nội dung bài bình luận nêu quan ngại của Bắc Kinh đối với việc New Dehli muốn tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội, cho rằng bất cứ biện pháp nào của Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác quân sự với Việt Nam để chống lại Trung Quốc đều gây ‘rối loạn’ cho khu vực và Bắc Kinh sẽ không khoanh tay ngồi yên.
Chiều nay, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khi được phóng viên hãng thông tấn Reuters hỏi về tin mua hỏa tiễn Akash của Ấn Độ, ông này nói sẽ chuyển câu hỏi đến cơ quan chức năng, đồng thời nhắc lại chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Hà Nội và việc mua sắm vũ khí là bình thường để bảo vệ đất nước.
RFA tiếng Việt
********************
Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn 'định hướng lớn' (BBC, 12/01/2017)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng uống trà tại Bắc Kinh cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm đầu năm 2017
Lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn về quan hệ hợp tác và phát triển 'lành mạnh, ổn định' và nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước, truyền thông Việt Nam loan tin về cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc gặp diễn ra ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm chính thức kéo dài bốn hôm, 12-15/1/2017, của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hai vị đứng đầu đảng cộng sản hai nước "vui mừng về đà phát triển lành mạnh" giữa hai đảng, hai nước, và "sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân hai nước" trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn, báo Tin tức tường thuật.
Nội dung trao đổi giữa hai Tổng bí thư bao gồm việc bàn về "các định hướng lớn" trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc "duy trì hòa bình, ổn định trên biển", Thông tấn xã Việt Nam nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc 'sẽ làm hết sức mình' ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017, trong khi phía Việt Nam bày tỏ ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về "Một vành đai, một con đường" trong năm 2017.
Kiểm soát bất đồng trên biển
Hai nhà lãnh đạo đảng Việt Nam và Trung Quốc nhấn mạnh việc 'tuân thủ nhận thức chung' giữa lãnh đạo cao cấp hai bên trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Các nhà phân tích trông đợi rằng chuyến đi của ông Trọng sẽ làm tốt đẹp trở lại quan hệ song phương vốn bị tác động bởi những tranh chấp ở Biển Đông vào thời điểm chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực trong thời gian tới đây chưa biết sẽ ra sao.
Căng thẳng đã leo thang tại vùng châu Á - Thái Bình Dương từ hai tháng nay, điều sẽ ảnh hưởng mạnh tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng như các nước khác ở vùng Đông Nam Á, ông Trang Quốc Thổ, trưởng khoa Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói.
Hai Tổng bí thư cùng cho rằng chủ đề trên biển là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt-Trung, không chỉ có tác động lớn tới quan hệ chính trị song phương mà còn ảnh hưởng tới cục diện và tình hình khu vực, thế giới.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý ; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC)," VietnamNet đưa tin.
Cũng hôm thứ Năm, báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam tường trình cuộc Hội đàm và dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam cho biết trong buổi gặp mặt, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Lễ tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Sảnh Bắc của Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, sau đó, buổi trao đổi diễn ra bên trong Đại Lễ Đường.
Kết thúc buộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã cùng dự lễ ký kết một số văn bản hợp tác.
Tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình còn có các ủy viên Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Lật Chiến Thư, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng kể sau khi tái đắc cử chức vụ Tổng bí thư đảng sau Đại hội lần thứ 12.
Tình trạng ô nhiễm trên một trục lộ Bắc Kinh, ngày 05/01/2017. Reuters
Bất lực vì thủ đô Trung Quốc và hơn 20 thành phố lớn bị ô nhiễm mức độ đỏ suốt nhiều tuần lễ, chính quyền Bắc Kinh thông báo "giải pháp mới". Các biện pháp này như thế nào, hãng AP tường thuật.
Trong cuộc họp với lực lượng cảnh sát hôm thứ bảy 07/01/2016, chủ tịch thành phố Bắc Kinh, Thái Kỳ, thông báo một loạt biện pháp chống tệ nạn khói bụi bao trùm thủ đô, một thảm họa môi trường và sức khỏe. Các biện pháp này gồm đóng cửa 500 nhà máy, canh tân 2.500 công xưởng , cấm 300.000 xe hơi gây ô nhiễm vào thủ đô kể từ tháng hai.
Tuy nhiên, biện pháp được xem là "mũi nhọn" để đạt chỉ tiêu giảm 30% lượng than tiêu thụ trong năm 2017 này là thành lập đội cảnh sát môi trường "chống nướng thịt ngoài trời, đốt nhiên liệu thực vật…", theo bản tin của Tân Hoa.
Ô nhiễm đã trở thành một đại nạn cho Trung Quốc, hậu quả của chính sách chạy theo tỷ lệ tăng trưởng bằng mọi giá. Khi ô nhiễm không khí lên đến báo động đỏ là phải đóng cửa trường học, công xưởng, phi trường ngưng hoạt động. Trong lần báo động hồi tuần này, chính quyền đã tịch thu cả vỉ nướng thịt trong các nhà hàng.
Theo AP, vấn đề nan giải của chính quyền Trung Quốc là không trừ được căn nguyên của nạn ô nhiễm. Nguồn cội đó là hàng ngàn nhà máy chạy bằng than và lượng xe hơi quá nhiều và quá cũ kỹ. Không ra biện pháp triệt để để bài trừ ô nhiễm thì bị dân chúng lên án, óa n than, còn dẹp hết các công ty thải khói bụi thì tăng trưởng kinh tế giảm xuống.
Tú Anh