Con ngựa thành Troie của Bắc Kinh tại nhà ga Hồng Kông
Libérationhôm nay có bài "Một con ngựa thành Troie của Trung Quốc sắp vào ga Hồng Kông". Trên lãnh thổ vẫn đang bị chấn động vì vụ bắt cóc các nhà xuất bản sách chỉ trích Trung Quốc, quyết định áp dụng luật lệ của Bắc Kinh tại nhà ga tương lai gây lo ngại cho nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ".
Công trường xây dựng nhà ga Tây Cửu Long (West Kowloon) ở Hồng Kông, 21/07/2017. Reuters/Bobby Yip/File Photo
Nếu vụ "Các nhà xuất bản ở Causeway Bay" (Đồng La Loan) từng gây xúc động cho người dân Hồng Kông thì nay lại càng thêm rúng động. Một trong năm chủ nhà sách mất tích hồi mùa thu 2015 rồi xuất hiện một tháng sau đó tại Hoa lục, một lần nữa lại bị bắt cóc.
Ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển, hôm thứ Bảy 20/1 khi đang trên tàu đến Bắc Kinh đã bị mười công an mặc thường phục bắt đi, ngay trước mắt các nhà ngoại giao Thụy Điển đi cùng. Từ đó đến nay, không ai tiếp xúc được với ông, và không hề có được hỗ trợ của luật sư.
Quế Dân Hải sống tại Hoa lục sau khi được ra khỏi nhà tù tháng 10/2017. Đối với tổ chức Văn bút Hồng Kông, vụ bắt cóc ông là "mưu toan dập tắt tiếng nói" của ông và các đồng nghiệp, tại nhà xuất bản chuyên cho ra đời các tác phẩm về mặt trái của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.
Sự kiện này gây chấn động lớn tại Hồng Kông. Cựu thuộc địa Anh lâu nay cho rằng được bảo vệ với tư cách đặc khu, cho đến khi một trong những nhân viên nhà sách ở Causeway Bay tiết lộ việc bị công an Trung Quốc bắt cóc thô bạo ngay trên đất Hồng Kông. Vụ ông Quế Dân Hải lại bị lọt vào móng vuốt của Bắc Kinh gây lo ngại khi mùa thu tới Hồng Kông sẽ khai trương một nhà ga giáp giới với Trung Quốc.
Thật ra tranh cãi đã nổi lên ngay trước khi các máy xúc, máy ủi bắt đầu làm việc tại khu Tây Cửu Long (West Kowloon). Đối với nhiều người, tuyến tàu cao tốc nối liên Hồng Kông và Quảng Châu trong vòng 45 phút chỉ là con ngựa thành Troie của Bắc Kinh. Dù nằm ngay trung tâm Hồng Kông, ở ngõ vào vịnh Victoria, một phần nhà ga sẽ được Trung Quốc "cho thuê" và bị coi là lãnh thổ dưới luật lệ của Hoa lục.
Đất Hồng Kông, luật Trung Quốc
Quốc Hội Trung Quốc đã quyết định như thế vào cuối năm ngoái. Để giao thông được thông suốt, công an, hải quan và nhân viên an ninh Trung Quốc cho đến nay vẫn ở bên kia đường biên, sẽ được triển khai trên bến tàu và khuôn viên nhà ga, phụ trách kiểm tra các tờ khai nhập cảnh và "áp dụng các biện pháp thích hợp nếu vi phạm luật pháp Trung Quốc".
Theo nữ dân biểu đối lập Trần Thục Trang (Tanya Chan), như vậy một khi bước vào khu vực có diện tích khoảng 105.000 mét vuông này, "không thể được đối xử khác với ở Hoa lục, dù đây là đất Hồng Kông". Khách có được tự do truy cập internet như bên ngoài hay không ? Có phải che đi những dòng chữ trên áo thun thuộc loại bị cấm đoán ở Trung Quốc ?
Nhiều khả năng là tất cả sẽ bị kiểm soát chặt chẽ bởi các camera và nhân viên an ninh Trung Quốc, vốn là bậc thầy trong việc theo dõi bằng kỹ thuật số. Bà Trần Thục Trang lo sợ sẽ xảy ra những vụ bắt bớ như vụ ông Quế Dân Hải, hoặc tạm giữ hành chính. Luật sư đoàn Hồng Kông phản đối "biện pháp thụt lùi chưa từng thấy kể từ khi Hiến Pháp Hồng Kông được áp dụng năm 1997".
Theo bản Hiến Pháp này, luật Trung Quốc không được áp dụng tại Hồng Kông, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi. Ngay cả 8.000 lính Trung Quốc đóng tại đây cũng phải tôn trọng. Luật sư đoàn Hồng Kông cảnh báo ý định áp đặt luật lệ của Bắc Kinh trên lãnh thổ Hồng Kông "làm phương hại sâu sắc lòng tin của người dân địa phương cũng như của quốc tế trong việc duy trì Nhà nước pháp quyền và nguyên tắc Một đất nước, hai chế độ" ở thị trường tài chính này.
Giáo sư Eric Chung nhận định đây là một loạt vi phạm Hiến Pháp và xâm phạm tư pháp Hồng Kông, lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng sức mạnh áp đặt tại đặc khu. Ông giải thích : "Trong tương lai, nếu có những quy định đi ngược lại Hiến Pháp, tòa án của chúng tôi vẫn không thể ngăn cản một khi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc cho rằng phù hợp". Như vậy Tây Cửu Long sẽ trở thành án lệ, mở ra cánh cửa cho nhiều dự án để Hoa lục xâm nhập về kinh tế và nhân sự vào Hồng Kông.
TPP tái sinh dù không có Mỹ
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Hiệp định TPP tái sinh mà không có Hoa Kỳ". Mười một quốc gia còn lại trong Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương đã quyết định đi tiếp dù nước Mỹ đã rút lui, và việc ký kết dự định diễn ra vào tháng Ba tới.
Sau thời gian còn lưỡng lự, nay thủ tướng Justin Trudeau đã quyết định là Canada ở lại với TPP. Ông cho biết : "Chúng tôi đã có được những tiến triển ý nghĩa về các điểm bất đồng đã nhận ra bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam hồi tháng 11". Cùng ngày tại Tokyo, bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi vui mừng thông báo các nhà đàm phán của 11 nước đã đạt được thỏa thuận, "một quyết định lịch sử đối với đất nước chúng tôi và tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Tuy vậy Les Echos cho biết vẫn còn những bất đồng riêng giữa một số đối tác với nhau. Hôm 16/1, chính phủ Úc đã nộp đơn kiện Canada lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì nhiều tỉnh của Canada hạn chế nhập cảng rượu vang, mà theo phía Úc là không phù hợp với các quy định của GATT.
Hoa Kỳ và trận chiến thương mại với châu Á
Cũng về kinh tế, Les Echos đề cập đến việc "Washington tiến hành cuộc chiến thương mại chống lại châu Á". Tổng thống Donald Trump đã thông qua việc thiết lập hàng rào hải quan về mặt hàng máy giặt và pin mặt trời, theo khuyến cáo của bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Bắc Kinh và Seoul đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước WTO.
Cuộc chiến thương mại như vậy đã bước vào giai đoạn cụ thể. Hai nhà sản xuất pin mặt trời Suniva và SolarWorld, và hãng điện lạnh Whirlpool của Mỹ phàn nàn về các loại hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Thuế hải quan từ nay sẽ đánh đến 30% giá trị sản phẩm trong năm đầu, và đến năm thứ tư giảm còn 15% đối với pin mặt trời, mà theo Hiệp hội kỹ nghệ năng lượng đã đe dọa 23.000 việc làm và hàng tỉ đô la đầu tư trên đất Mỹ. Đối với máy giặt, thuế đánh 20% trên 1,2 triệu sản phẩm nhập khẩu đầu tiên, số còn lại sẽ bị đánh đến 50%.
Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong tố cáo "Hoa Kỳ đặt chính trị lên trên các tiêu chuẩn quốc tế". Trong nhiều năm qua để tránh đối đầu, LG và Samsung đã dần dà chuyển dịch sản xuất sang những nước không nằm trong tầm ngắm của Washington. Những chiếc máy giặt bị chính quyền Donald Trump trừng phạt còn được lắp ráp tại các nhà máy ở Việt Nam, Thái Lan, và hai nước này có thể cũng sẽ cùng với Hàn Quốc đứng ra kiện tại WTO.
Còn Trung Quốc, nước sản xuất 60% động cơ điện gió và 71% pin mặt trời trên thế giới, bày tỏ "hết sức bất bình". Bắc Kinh cảnh báo "sẽ cùng các thành viên WTO khác kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình", tuy nhiên không nói rõ sẽ hành động như thế nào.
"Cancer SEEK" giúp phát hiện sớm 8 loại ung thư
Trên lãnh vực y học, Le Monde cho biết các nhà nghiên cứu Úc-Mỹ đã có được một công cụ đầy hứa hẹn mang tên "Cancer SEEK", một xét nghiệm máu giúp phát hiện 8 loại ung thư khác nhau.
Việc thử máu tương đối ít tốn kém, khoảng 500 đô la, giúp phát hiện sớm các u ác đang tiềm ẩn trong cơ thể, sẽ làm giảm đi số trường hợp tử vong vì ung thư. Tám loại ung thư có thể tìm ra là ung thư buồng trứng, gan, dạ dày, tụy tạng, thực quản, trực tràng, phổi và vú, trong đó năm loại đầu có tỉ lệ phát hiện từ 69% đến 98%. Tám loại này là nguyên nhân của 60% trường hợp tử vong vì ung thư ở Mỹ, làm 360.000 người chết mỗi năm.
Thi tú tài, siêu thị, thánh chiến : Tựa chính báo Pháp
Libération dành trang nhất và ba trang trong cho việc cải cách cuộc thi tú tài, một vấn đề rắc rối và tốn kém mà xưa nay chưa ai dám đụng đến. Chính phủ Pháp hôm nay 24/01/2018 bắt đầu nghiên cứu việc cải cách dự trù áp dụng vào năm 2021 : đơn giản hóa cách tổ chức, giảm số môn thi, tăng các cuộc kiểm tra thường kỳ. Đây là một thử thách chính trị, theo tờ báo thiên tả.
Về kinh tế xã hội, Le Monde chạy tựa "Siêu thị : Kế hoạch của Carrefour đối phó với cuộc cách mạng Amazon". Để vực dậy chuỗi siêu thị Carrefour, tân tổng giám đốc Alexandre Bompard dự định giảm 2.400 nhân viên, tiết kiệm 2 tỉ euro, tăng gấp sáu lần đầu tư vào kỹ thuật số… trong bối cảnh cuộc chiến giá cả và sự lên ngôi của thương mại điện tử làm các nhà phân phối lớn của Pháp chao đảo. Đặc biệt từ thứ Hai đầu tuần tại Hoa Kỳ, Amazon đã khai trương siêu thị của tương lai : không còn quầy tính tiền, không quét mã vạch các món hàng, trả tiền tự động.
Les Echosgọi đây là "Cú sốc Bompard", dù không có siêu thị Carrefour nào bị đóng cửa. Ông Bompard chủ trương cung cấp các loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, sinh thái, đáp ứng với yêu cầu cao của người tiêu dùng.
Trang nhất La Croix đăng ảnh một ly đầy những viên đường trắng, trên nền hồng ngọt ngào, nhân bộ phim "Sugarland" được đưa ra trình chiếu hôm nay. Bộ phim tài liệu này cảnh báo nguy cơ của thành phần đường trong thực phẩm. Tờ báo đặt câu hỏi : "Đường có thực sự là chất độc ?"
Nhìn sang Trung Đông, Le Figaro đặt vấn đề "Biết làm gì với quân thánh chiến Pháp bị bắt ở Irak và Syria ?". Tranh cãi nổ ra về tương lai năm chục quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mang quốc tịch Pháp bị bắt ở Trung Đông : nên tổ chức xét xử tại chỗ hay đưa họ về nước ?
Tờ báo cánh hữu Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề "Những kẻ phản quốc" cho biết đến nay đã có khoảng 300 quân thánh chiến Pháp chết tại các vùng chiến sự, 680 người sống sót và 500 trẻ em. Có nên tin những người cho biết đã hối hận và muốn trở về ? Công tố viên trưởng Paris François Molins không hề tin tưởng chút nào, còn con cái của những người này, theo ông là những quả bom nổ chậm.
Thụy My