Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung tướng Tô Ân Xô nhận nhiệm vụ mới tại Văn phòng Chủ tịch nước

RFA, 02/06/2024

Người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô - vừa xác nhận thông thin với báo chí Nhà nước rằng ông đã thôi làm người phát ngôn Bộ Công an để về Văn phòng Chủ tịch nước nhận nhiệm vụ mới. Tuy nhiên ông không cho biết nhiệm vụ mới này là gì.

toanxo1

Trung tướng Tô Ân Xô - Bộ Công an

Đây là thay đổi mới nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Công an sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm được miễn nhiệm chức vụ này và nhận chức Chủ tịch nước vào tháng trước mặc dù trước đó đã có nhiều nhận định cho rằng ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả hai vị trí.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 1/6, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - phó chánh Văn phòng Bộ Công an - cũng cho biết ông Tô Ân Xô do yêu cầu, nhận nhiệm vụ mới nên trước mắt sẽ tạm dừng nhiệm vụ là người phát ngôn Bộ Công an.

Ông Tô Ân Xô đã từng là Giám đốc Công an Bắc Giang vào năm 2018 và vào năm 2019 được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng, đồng thời là người phát ngôn Bộ Công an. Vào tháng 11/2021 ông được bổ nhiệm vào vị trí Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an - một tháng sau chuyến đi Anh công tác cùng Bộ trưởng Tô Lâm. Vào tháng 2/2023 ông thôi giữ chức Chánh văn phòng Bộ Công an nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức danh trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đảm nhiệm nhiệm vụ người phát ngôn Bộ Công an.

Ông Tô Ân Xô từng nổi tiếng cùng Bộ trưởng Tô Lâm vào tháng 10/2021 trong chuyến đi công tác cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Anh. Một đoạn video được đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ có tên biệt danh Salt Bae đăng tải trên tài khoản mạng xã hội cho thấy ông Tô Lâm và Tô Ân Xô đang ăn thịt bò dát vàng tại một nhà hàng hạng sang tại London, Anh. video này đã được vị đầu bếp rút xuống nhưng đã bị lan truyền rộng rãi trên mạng và vấp phải nhiều chỉ trích từ trong nước và quốc tế. Những chỉ trích cho rằng lãnh đạo Bộ Công an đã tiêu xài hoang phi, chi khoảng 2.000 đô la cho một bữa ăn vào khi người dân trong nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh COVID-19.

Nguồn : RFA, 02/06/2024

***************************

Bộ Công an thông tin về những khoản tạm giữ lớn từ hai đại án Phúc Sơn và Thuận An

RFA, 01/06/2024

Bộ Công an Việt Nam đang tạm giữ trên 300 tỷ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng, hơn 1.000 sổ đỏ của Tập đoàn Phúc Sơn ; và 40 tỷ đồng của Tập đoàn Thuận An.

toanxo2

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời báo chí chiều ngày 1/6/2024 - ANTĐ

Thông tin vừa nêu do Phó Chánh Văn Phòng Bộ Công an- Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ Việt Nam thường kỳ tại Hà Nội vào chiều ngày 1 tháng 6.

Ngoài số tiền, vàng, sổ đỏ thu giữ như vừa nêu, đối với vụ án Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư Thương Mại Bất động sản Thăng Long, 23 bị can đã bị bắt giữ và khởi tố theo các tội "vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".

Còn đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan, có 8 bị can bị bắt giữ và khởi tố theo các tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn với người có ảnh hưởng, lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết do tính chất phức tạp của vụ án, phạm vi liên quan nhiều địa phương, khối lượng công việc điều tra rất lớn nên cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-5 vừa qua đã thống nhất đưa 2 vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn của chủ tịch Nguyễn Văn Hậu khiến Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Lê Duy Thành của tỉnh Vĩnh Phúc và hai Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Cao Khoa, Đặng Văn Minh vướng vòng lao lý…

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng có nhiều lãnh đạo cấp cao dính líu như ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ; ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh Bắc Giang…

Nguồn : RFA, 01/06/2024

**************************

Tại sao đề xuất có cảnh vệ cho Bộ quốc phòng như Bộ Công an trong lúc này ?

RFA, 29/05/2024

"Cần quy định quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ cho cả Bộ trưởng Công an và Quốc phòng, vì lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội".

toanxo3

Lực lượng cảnh vệ bảo vệ yếu nhân ở Hà Nội năm 2019 (Ảnh minh họa). AFP Photo

Đó là đề xuất của Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt – Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi mới được truyền thông loan trong ngày 24/5.

Quân đội so kè với Công an ?

Việc bổ sung thêm quyền cho Bộ quốc phòng được cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho rằng sẽ "rườm rà". Ông Trí chia sẻ ý kiến với RFA hôm 29/5/2024 :

"Tôi nghĩ đã có hẳn một Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an, thì có nghĩa hoạt động cảnh vệ đấy là hoạt động đặc thù của Bộ Tư lệnh đấy. Chứ còn bên Bộ Quốc phòng từ rất lâu đã có một lực lượng gọi là Kiểm soát quân sự, thế thì cứ duy trì hoạt động như từ trước đến nay, tại sao lại phải vẽ ra thêm những lực lượng. Bởi vì đã vẽ thêm thì sẽ có chức năng nhiệm vụ, lực lượng, phương tiện hoàn toàn mới… nếu thế nó sẽ rườm rà".

Theo ông Trí, nếu bây giờ để cho Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng cảnh vệ nữa, thì lại một loạt các cơ quan khác hoặc những địa phương khác cũng đòi như vậy… thì sẽ là không nên.

Trước đó, vào tháng 11 năm 2022, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017. Ngoài ra, Bộ Công an còn muốn sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng cũng thuộc diện được cảnh vệ…

Lúc bấy giờ, theo Bộ Công an Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao, nên cần thiết được bảo vệ như yếu nhân.

Trở lại với đề xuất hôm 24/5, ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 29/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :

"Trường hợp này có vẻ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không muốn lép vế với Bộ trưởng Bộ Công an. Dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, cho nên cũng dễ hiểu khi bên phía Bộ Công an ưu tiên ghi thẳng vào luật đặc quyền của Bộ trưởng Công an. Nhưng đó là lúc ông Tô Lâm còn làm Bộ trưởng bộ Công an. Bây giờ ông Tô Lâm rời ghế thì Bộ Quốc phòng mới dám lên tiếng xin ghi thêm tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phía sau Bộ trưởng bộ Công an. Tức là quân đội không muốn lép vế với công an, nhưng sợ Tô Lâm nên không dám nói ra. Tới khi Tô Lâm vừa rời ghế Bộ trưởng bộ Công an là phía quân đội lên tiếng ngay lập tức".

Ngoài ra theo ông Quân, điều này cũng cho thấy có sự đấu đá giữa công an và quân đội, tuy cùng theo một đảng nhưng lại chia ra làm nhiều phái, giành giật cạnh tranh nhau từng chi tiết. Ông Quân cho rằng, điều này rất nguy hiểm cho người dân và đất nước, vì công an có trách nhiệm bảo vệ an ninh xã hội, quân đội thì phải bảo vệ Tổ quốc. Hai phe đều sống bằng tiền thuế của dân mà đấu nhau thì ai bảo vệ quê hương, dân tộc ?

toan4

Lực lượng cảnh vệ bảo vệ yếu nhân ở Hà Nội năm 2019 (Ảnh minh họa). AFP.

Cạnh tranh quyền lực ?

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi mới đây, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, ban soạn thảo luật nên bổ sung thêm cụm từ Bộ trưởng Quốc phòng vào sau Bộ trưởng Công an bởi lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội. Thực tế, sĩ quan quân đội hiện nay cũng triển khai nhiều biện pháp cảnh vệ.

Nhận định về đề xuất trên, một cựu đại uý công an không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 29/5/2024 nói với RFA :

"Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ Công an là giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở trong nước, còn Bộ Quốc phòng là vòng ngoài. Bộ Công an thì có điều tra truy tố, cơ quan điều tra là của Bộ Công an, khởi tố giam giữ cũng là Bộ Công an. Còn quân đội có điều tra xét xử riêng của Bộ Quốc phòng, chỉ làm những việc liên quan đến Bộ Quốc phòng. Bây giờ chế độ cảnh vệ theo như tôi nghĩ đang có sự cạnh tranh quyền lực".

Theo vị cựu đại úy Công an này, Bộ Quốc phòng đang lấn sân vào mặt an ninh, an toàn, xã hội... và vì thế ngân sách nhà nước đương nhiên phải trả thêm cho những chi phí này. Ông nói tiếp :

"Thực tế bây giờ mà nói bảo vệ yếu nhân, tức là những nguyên thủ quốc gia, hoặc lãnh đạo cấp cao… cái đó thuộc về đội cảnh vệ của Bộ Công an. Bộ trưởng Quốc phòng cũng có lực lượng an ninh riêng bảo vệ rồi. Còn Bộ Công an bảo vệ yếu nhân như tứ trụ, Bộ Quốc phòng bây giờ lấn sân qua bảo vệ thì cùng lắm chỉ bảo vệ ông Bộ trưởng với ông Thứ trưởng, chứ không bảo vệ gì khác hơn. Bộ Quốc phòng đi bảo vệ yếu nhân thì đâu có được.

Cựu đại úy này cho rằng, đây là vấn đề cạnh tranh nhau để rút tiền của đất nước, muốn thêm khoản chi cho Bộ Quốc phòng. Vì Bộ công an đang hưởng được chi ngân sách quá nhiều, thành ra Bộ Quốc phòng muốn cạnh tranh.

Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Vào ngày 28/11/2023, dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cụ thể bổ sung nội dung "Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này".

Nguồn : RFA, 29/05/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Liệu có thể loại bỏ ‘quyền anh, quyền tôi’ cản trở đất nước như bấy lâu nay ?

RFA, 13/08/2020

"Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước".

quyen1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ, hôm 12/08/2020. RFA Edited / chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu vừa nêu hôm 12/08/2020, tại phiên họp Chính phủ về các dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/08/2020, nói :

"Giữa các bộ với nhau có thẩm quyền theo quy định pháp luật rồi, thì Thủ tướng hay bất kỳ ai cũng phải tôi trọng. Còn trách nhiệm thủ tướng là phải điều hành xem lợi ích nào cần cân nhắc, chứ họ nói quyền họ thì đúng chứ có sai gì đâu. Vì thẩm quyền là theo hiến pháp, ví dụ Bộ công an làm gì, Bộ Văn hóa làm gì, Bộ Y tế làm gì... Trách nhiệm người đứng đầu chính phủ phải điều chỉnh, thí dụ lúc này dịch Covid-19 là ưu tiên ổn định chữa bệnh cứu người... thì thu hẹp thẩm quyền Bộ văn hóa như sinh hoạt văn hoá tập trung... Tôi nghĩ trách nhiệm của Thủ tướng như nhạc trưởng, phải điều tiết, phải cân nhắc lợi ích giữa các ban ngành, để đưa ra quyết định cuối cùng. Chứ còn ai cũng có quyền theo quy định pháp luật, thì trách nhiệm của họ phải nói ra".

Ông Phúc nêu lên vấn đề ‘quyền anh, quyền tôi’, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trình bày báo cáo tóm tắt Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Theo Thủ tướng, an toàn giao thông là vấn đề rất quan trọng vì ‘tính mạng con người là trên hết’, cái gì có lợi cho dân thì làm, không quyền anh, quyền tôi...

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/08/2020 qua e-mail, cho rằng ‘anh’ và ‘tôi’ là ông Phúc muốn nói Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải. Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết tiếp :

"Nghe qua cảm nhận được ông Phúc có lòng vì dân, vì sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều câu nói của ông thì mới phát hiện ra cái ẩn chứa bên trong là sự hời hợt, sáo rỗng và thiếu sự chặt chẽ.

Ở Việt Nam có một cách hành xử khác lạ so với nhiều nước là việc soạn thảo luật do cơ quan hành pháp đảm nhận hoàn toàn. Ngành nào soạn luật cho ngành đó. Nghe qua và kém hiểu biết thì thấy hợp lý, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bất cập của việc "vừa đá bóng vừa thổi còi". Vì thế mà có quyền anh quyền tôi trong việc soạn thảo hoặc kiểm soát, xử lý tình huống giữa hai bộ nói trên".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc lại rằng, cơ quan hành pháp không phải muốn làm gì thì làm dù rằng họ cảm thấy việc đó có lợi. Họ chỉ được làm những việc luật pháp cho phép, có quy định õ ràng. Vì vậy khi làm luật phải phân biệt rõ quyền hạn của các bên. Nói "không quyền anh quyền tôi" là không chuẩn xác về hiểu biết pháp luật. Ông viết thêm :

"Ông Phúc thích làm nhanh, đi đầu, vì thế ông phản ứng với những điều mà ông cho là "làm chậm trể sự phát triển của đất nước". Cái nhanh của ông Phúc được dân gian nói đến trong cụm từ "nhanh nhẩu đoảng". Ông không thấm thía câu châm ngôn "Dục tốc bất đạt".

Có một số việc cần làm nhanh nhưng việc nào cũng làm nhanh cả thì lợi bất cập hại. Có vài việc dân cần nhanh như chống lại sự hủy hoại môi trường, khắc phục các nỗi oan sai, có những luật dân rất cần như luật lập Hội, luật biểu tình thì ông Phúc im hơi lặng tiếng.

Ông Phúc được nhiều người phong cho danh hiệu "Thủ tướng nổ". Câu nói về quyền anh quyền tôi cũng là một loại nổ (nhưng không to lắm) mà thội".

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/08/2020, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng, lời nói của ông Phúc, biểu hiện tình trạng hiện nay ở trong ban lãnh đạo chính phủ. Ông nói tiếp :

"Từ trước đến giờ thì dù rằng khi nội bộ của đảng có sự không đoàn kết, nhưng khi có những việc chung, ví dụ những chính sách áp dụng cho đất nước, tôi chưa nói đến chuyện chính sách đó đúng hay sai, có lợi hay có hại cho đất nước... nhưng trước những chính sách chung đó, họ thường đoàn kết nhất trí, và mọi sự mất đoàn kết đều được gập lại hết. Nhưng bây giờ khi một ông Thủ tướng phải nói đến tình trạng ‘quyền anh, quyền tôi’ thì tức là vấn đề không nhất trí trong nội bộ đảng đã trở thành nguy cơ rồi. Vì vậy tôi cho rằng, việc ông Phúc nói cũng không giúp gì cho sự phát triển trong giai đoạn này".

quyen2

Đại diện Bộ công an Thượng tướng Bùi Văn Nam (phải) và Trung tướng Hoàng Xuân Chiến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại buổi tranh luận giành quyền kiểm soát biên giới. Courtesy chinhphu.vn

Thời gian gần đây, việc tranh giành thẩm quyền kiểm soát công việc giữa các Bộ ngành tại Việt Nam thường được báo chí đăng tải. Mới nhất là việc Bộ Công an giành quyền kiểm soát biên giới với Bộ Quốc phòng.

Bộ Công an đã đối đầu với Bộ Quốc phòng để giành quyền kiểm soát biên giới, khi tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tràn lan và dịch bệnh bùng phát không truy được nguồn gốc tại Đà Nẵng.

Phía Bộ Công an đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng đã không kiểm soát tốt biên giới nên làm nguồn bệnh xâm nhập. Còn phía Bộ Quốc phòng thì trình Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ‘quy định bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Bộ đội Biên phòng cũng chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.. ở khu vực biên giới, cửa khẩu.’

Theo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương nơi có biên giới để duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ công an thì lại cho rằng, hiện nay vấn đề quản lý an ninh trật tự tại Việt Nam không giống ai, khi cả cơ quan công an và quân đội cùng quản lý, nên khó xử lý trong những vụ việc cụ thể. Bộ đội biên phòng quản lý xuất nhập cảnh biên giới và trên biển, còn công an quản lý 5 cửa khẩu hàng không.

Liệu có vấn đề tranh giành quyền lực đặt trên lợi ích của người dân trong việc này ?

Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định thêm :

"Tôi thấy xưa nay quy định rõ, trách nhiệm biên phòng thuộc lực lượng biên phòng và bộ đội chịu trách nhiệm biên giới. Còn công an cửa khẩu thì chịu trách nhiệm xuất nhập cảnh, cái này có luật quy định rõ rồi. Cụ thể thì mình phải xem xét thêm bên nào đúng, bên nào sai, dù bên nào thì đều là lực lượng vũ trang do đảng lãnh đạo, chứ đâu phải anh này to hơn anh kia, không thể nói tôi giỏi hơn anh hay anh giỏi hơn tôi... Ví dụ trong bệnh viện tôi, y tá trách nhiệm gì, bác sĩ trách nhiệm gì... quy định rõ rồi, không thể nói ai tốt hơn, luật đã quy định thì cứ thế mà làm".

Liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vấn đề ‘quyền anh, quyền tôi’ ngoài việc tranh giành thẩm quyền kiểm soát giữa các Bộ ngành, có còn muốn nói đến việc các nhóm lợi ích làm cản trở sự phát triển của đất nước ?

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng, rõ ràng là có vấn đề lợi ích nhóm trong câu nói của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :

"Chúng ta đều thấy nó như một quy luật, trước mỗi kỳ đại hội, kỳ nhân sự, thì chúng ta lại thấy sự mất đoàn kết, mâu thuẫn trong ban lãnh đạo. Và qua những cuộc ‘chống tham nhũng’ như vừa rồi rất là mạnh mẽ, nhưng thực chất đều là thanh trừng phe nhóm, của những người không cùng cánh với nhau. Theo tôi nghĩ, rõ ràng đây là sự va chạm giữa các nhóm lợi ích".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, việc thừa nhận ‘các nhóm lợi ích’ đã có từ lâu nhưng đến bây giờ các quan chức mới dám nói ra, chứ không phải là chuyện mới mẻ gì. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bản thân đảng cộng sản Việt Nam là một nhóm khổng lồ, bản thân chính quyền là nhóm khổng lồ, nhưng trong nhóm khổng lồ, lại chia thành nhiều nhóm khác nhau, mà các nhóm đó lại có nhiều lợi ích chồng lấn lên nhau và cũng có lợi ích riêng.

Nguồn : RFA, 13/05/2020

***********************

Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo "nóng" sau khi phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh lậu bị nhiễm Covid-19

RFA, 14/08/2020

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), vào tối ngày 14/8, phát đi cảnh báo "nóng" mới về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, gây nguy cơ lây lan Covid-19 trong phạm vi thành phố.

quyen3

Một góc trung tâm mua sắm ở Hà Nội ngày 14/8/2020. AFP

Truyền thông trong nước cho biết HCDC ban hành cảnh báo "nóng" vừa nêu, ngay sau khi Bộ Y tế công bố 1 ca mắc Covid-19 mới, bệnh nhân số 912 ở Thành phố Hồ Chí Minh là một người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép qua biên giới phía Bắc vào Việt Nam cùng với 7 người khác. Nhóm 8 người Trung Quốc này di chuyển bằng ô tô vào Thành phố Hồ Chí Minh và được đưa đi cách ly tập trung vào ngày 30/7. Kết quả xét nghiệm của nhóm 8 người Trung Quốc được thông báo là cả 3 lần đều âm tính. Tuy nhiên, đến ngày 12/8, sau lần xét nghiệm thứ 4, một người trong nhóm này bị dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Ca nhiễm Covid-19 ở nhóm người nhập cảnh trái phép vừa nêu được ghi nhận là trường hợp đầu tiên được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

HCDC cảnh báo các cơ quan chức năng, cộng đồng và toàn xã hội phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép một cách hiệu quả và phải có chế tài thật nặng đối với nhóm người nhập cảnh trái phép, cần xem xét xử lý hình sự đặc biệt đối với những ai tiếp tay cho nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. HCDC cho rằng nếu như bỏ lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép bị mắc Covid-19 thì hậu quả sẽ rất nặng nề và nỗ lực chống dịch không đạt được kết quả như mong muốn.

Trong cùng ngày 14/8, Bộ Y tế cũng có công văn gửi đến các cơ quan y tế của các tỉnh và thành phố, đề nghị tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng và cách ly ca bệnh nghi ngờ tại bệnh viện.

Nội dung công văn của Bộ Y tế đề cập đến ca nhiễm COIVD-19 số 867 đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Sau hai lần được CDC Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu, đến ngày 11/8 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Bệnh nhân số 867 được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19 vào ngày 12/8. Bệnh nhân này được nói là trú ngụ ở tỉnh Hải Dương và đã đi lại nhiều nơi trước khi được phát hiện mắc bệnh.

Qua trường hợp bệnh nhân số 867, Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ bệnh viện trên cả nước thực hiện nghiêm các công điện và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế ban hành.

Additional Info

  • Author RFA tồng hợp
Published in Diễn đàn