Trung tướng Tô Ân Xô nhận nhiệm vụ mới tại Văn phòng Chủ tịch nước
RFA, 02/06/2024
Người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô - vừa xác nhận thông thin với báo chí Nhà nước rằng ông đã thôi làm người phát ngôn Bộ Công an để về Văn phòng Chủ tịch nước nhận nhiệm vụ mới. Tuy nhiên ông không cho biết nhiệm vụ mới này là gì.
Trung tướng Tô Ân Xô - Bộ Công an
Đây là thay đổi mới nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Công an sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm được miễn nhiệm chức vụ này và nhận chức Chủ tịch nước vào tháng trước mặc dù trước đó đã có nhiều nhận định cho rằng ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả hai vị trí.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 1/6, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - phó chánh Văn phòng Bộ Công an - cũng cho biết ông Tô Ân Xô do yêu cầu, nhận nhiệm vụ mới nên trước mắt sẽ tạm dừng nhiệm vụ là người phát ngôn Bộ Công an.
Ông Tô Ân Xô đã từng là Giám đốc Công an Bắc Giang vào năm 2018 và vào năm 2019 được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng, đồng thời là người phát ngôn Bộ Công an. Vào tháng 11/2021 ông được bổ nhiệm vào vị trí Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an - một tháng sau chuyến đi Anh công tác cùng Bộ trưởng Tô Lâm. Vào tháng 2/2023 ông thôi giữ chức Chánh văn phòng Bộ Công an nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức danh trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đảm nhiệm nhiệm vụ người phát ngôn Bộ Công an.
Ông Tô Ân Xô từng nổi tiếng cùng Bộ trưởng Tô Lâm vào tháng 10/2021 trong chuyến đi công tác cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Anh. Một đoạn video được đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ có tên biệt danh Salt Bae đăng tải trên tài khoản mạng xã hội cho thấy ông Tô Lâm và Tô Ân Xô đang ăn thịt bò dát vàng tại một nhà hàng hạng sang tại London, Anh. video này đã được vị đầu bếp rút xuống nhưng đã bị lan truyền rộng rãi trên mạng và vấp phải nhiều chỉ trích từ trong nước và quốc tế. Những chỉ trích cho rằng lãnh đạo Bộ Công an đã tiêu xài hoang phi, chi khoảng 2.000 đô la cho một bữa ăn vào khi người dân trong nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh COVID-19.
Nguồn : RFA, 02/06/2024
***************************
Bộ Công an thông tin về những khoản tạm giữ lớn từ hai đại án Phúc Sơn và Thuận An
RFA, 01/06/2024
Bộ Công an Việt Nam đang tạm giữ trên 300 tỷ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng, hơn 1.000 sổ đỏ của Tập đoàn Phúc Sơn ; và 40 tỷ đồng của Tập đoàn Thuận An.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời báo chí chiều ngày 1/6/2024 - ANTĐ
Thông tin vừa nêu do Phó Chánh Văn Phòng Bộ Công an- Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ Việt Nam thường kỳ tại Hà Nội vào chiều ngày 1 tháng 6.
Ngoài số tiền, vàng, sổ đỏ thu giữ như vừa nêu, đối với vụ án Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư Thương Mại Bất động sản Thăng Long, 23 bị can đã bị bắt giữ và khởi tố theo các tội "vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".
Còn đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan, có 8 bị can bị bắt giữ và khởi tố theo các tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn với người có ảnh hưởng, lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết do tính chất phức tạp của vụ án, phạm vi liên quan nhiều địa phương, khối lượng công việc điều tra rất lớn nên cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-5 vừa qua đã thống nhất đưa 2 vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn của chủ tịch Nguyễn Văn Hậu khiến Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Lê Duy Thành của tỉnh Vĩnh Phúc và hai Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Cao Khoa, Đặng Văn Minh vướng vòng lao lý…
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng có nhiều lãnh đạo cấp cao dính líu như ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ; ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh Bắc Giang…
Nguồn : RFA, 01/06/2024
**************************
Tại sao đề xuất có cảnh vệ cho Bộ quốc phòng như Bộ Công an trong lúc này ?
RFA, 29/05/2024
"Cần quy định quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ cho cả Bộ trưởng Công an và Quốc phòng, vì lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội".
AFP Photo
Đó là đề xuất của Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt – Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi mới được truyền thông loan trong ngày 24/5.
Quân đội so kè với Công an ?
Việc bổ sung thêm quyền cho Bộ quốc phòng được cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho rằng sẽ "rườm rà". Ông Trí chia sẻ ý kiến với RFA hôm 29/5/2024 :
"Tôi nghĩ đã có hẳn một Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an, thì có nghĩa hoạt động cảnh vệ đấy là hoạt động đặc thù của Bộ Tư lệnh đấy. Chứ còn bên Bộ Quốc phòng từ rất lâu đã có một lực lượng gọi là Kiểm soát quân sự, thế thì cứ duy trì hoạt động như từ trước đến nay, tại sao lại phải vẽ ra thêm những lực lượng. Bởi vì đã vẽ thêm thì sẽ có chức năng nhiệm vụ, lực lượng, phương tiện hoàn toàn mới… nếu thế nó sẽ rườm rà".
Theo ông Trí, nếu bây giờ để cho Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng cảnh vệ nữa, thì lại một loạt các cơ quan khác hoặc những địa phương khác cũng đòi như vậy… thì sẽ là không nên.
Trước đó, vào tháng 11 năm 2022, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017. Ngoài ra, Bộ Công an còn muốn sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng cũng thuộc diện được cảnh vệ…
Lúc bấy giờ, theo Bộ Công an Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao, nên cần thiết được bảo vệ như yếu nhân.
Trở lại với đề xuất hôm 24/5, ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 29/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :
"Trường hợp này có vẻ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không muốn lép vế với Bộ trưởng Bộ Công an. Dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, cho nên cũng dễ hiểu khi bên phía Bộ Công an ưu tiên ghi thẳng vào luật đặc quyền của Bộ trưởng Công an. Nhưng đó là lúc ông Tô Lâm còn làm Bộ trưởng bộ Công an. Bây giờ ông Tô Lâm rời ghế thì Bộ Quốc phòng mới dám lên tiếng xin ghi thêm tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phía sau Bộ trưởng bộ Công an. Tức là quân đội không muốn lép vế với công an, nhưng sợ Tô Lâm nên không dám nói ra. Tới khi Tô Lâm vừa rời ghế Bộ trưởng bộ Công an là phía quân đội lên tiếng ngay lập tức".
Ngoài ra theo ông Quân, điều này cũng cho thấy có sự đấu đá giữa công an và quân đội, tuy cùng theo một đảng nhưng lại chia ra làm nhiều phái, giành giật cạnh tranh nhau từng chi tiết. Ông Quân cho rằng, điều này rất nguy hiểm cho người dân và đất nước, vì công an có trách nhiệm bảo vệ an ninh xã hội, quân đội thì phải bảo vệ Tổ quốc. Hai phe đều sống bằng tiền thuế của dân mà đấu nhau thì ai bảo vệ quê hương, dân tộc ?
Lực lượng cảnh vệ bảo vệ yếu nhân ở Hà Nội năm 2019 (Ảnh minh họa). AFP.
Cạnh tranh quyền lực ?
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi mới đây, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, ban soạn thảo luật nên bổ sung thêm cụm từ Bộ trưởng Quốc phòng vào sau Bộ trưởng Công an bởi lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội. Thực tế, sĩ quan quân đội hiện nay cũng triển khai nhiều biện pháp cảnh vệ.
Nhận định về đề xuất trên, một cựu đại uý công an không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 29/5/2024 nói với RFA :
"Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ Công an là giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở trong nước, còn Bộ Quốc phòng là vòng ngoài. Bộ Công an thì có điều tra truy tố, cơ quan điều tra là của Bộ Công an, khởi tố giam giữ cũng là Bộ Công an. Còn quân đội có điều tra xét xử riêng của Bộ Quốc phòng, chỉ làm những việc liên quan đến Bộ Quốc phòng. Bây giờ chế độ cảnh vệ theo như tôi nghĩ đang có sự cạnh tranh quyền lực".
Theo vị cựu đại úy Công an này, Bộ Quốc phòng đang lấn sân vào mặt an ninh, an toàn, xã hội... và vì thế ngân sách nhà nước đương nhiên phải trả thêm cho những chi phí này. Ông nói tiếp :
"Thực tế bây giờ mà nói bảo vệ yếu nhân, tức là những nguyên thủ quốc gia, hoặc lãnh đạo cấp cao… cái đó thuộc về đội cảnh vệ của Bộ Công an. Bộ trưởng Quốc phòng cũng có lực lượng an ninh riêng bảo vệ rồi. Còn Bộ Công an bảo vệ yếu nhân như tứ trụ, Bộ Quốc phòng bây giờ lấn sân qua bảo vệ thì cùng lắm chỉ bảo vệ ông Bộ trưởng với ông Thứ trưởng, chứ không bảo vệ gì khác hơn. Bộ Quốc phòng đi bảo vệ yếu nhân thì đâu có được.
Cựu đại úy này cho rằng, đây là vấn đề cạnh tranh nhau để rút tiền của đất nước, muốn thêm khoản chi cho Bộ Quốc phòng. Vì Bộ công an đang hưởng được chi ngân sách quá nhiều, thành ra Bộ Quốc phòng muốn cạnh tranh.
Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Vào ngày 28/11/2023, dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cụ thể bổ sung nội dung "Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này".
Nguồn : RFA, 29/05/2024