Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mục tiêu của Bộ luật Lao động là gì ?

Thảo Vy, VNTB, 15/102/2019

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 21/10/2019. Tính đến thời điểm hiện tại, dự thảo Bộ luật này vẫn bị chê là ‘tư duy bảo thủ, lạc hậu’.

luat1

Sửa đổi Bộ luật Lao động hướng tới bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp cho người lao động (ảnh : P.Thảo)

Tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, cựu phó tổng biên tập báo Thanh Niên, nhận xét về Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành trung ương khóa XII vừa kết thúc tại Hà Nội vào cuối tuần qua, bằng một câu ngắn gọn : "Vậy là đã rõ : Việt Nam tiếp tục tiến bước lên chủ nghĩa xã hội sau gần 75 năm tự hào vì đã quá độ… ‘tiến một bước’ !".

"Chủ nghĩa xã hội" mà đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đeo đuổi, theo phân tích của cơ quan tuyên giáo, rằng tuy mang nhiều ý nghĩa khác nhau, chủ yếu tập trung vào các nội dung sau : Chủ nghĩa xã hội như là một phong trào lịch sử mang tính chính trị xã hội ; Chủ nghĩa xã hội là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, ở đây, những người cộng sản Việt Nam hiểu chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với chủ nghĩa Mác – Lênin ; Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ; Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản là một chế độ xã hội đối lập với chế độ tư bản mà hình thức xấu xa tàn bạo nhất của nó là chủ nghĩa thực dân, cả chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới.

Tùy vào từng giai đoạn khác nhau mà đảng cộng sản Việt Nam nhấn nhá về từng nội dung như nói ở trên, và dù ở cách nhìn nào thì những người cộng sản Việt Nam vẫn muốn khẳng định về sức mạnh giai cấp của họ, kể cả trong soạn thảo luật.

Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ trình Quốc hội vào tuần sau là một dẫn chứng.

Về mặt ngoại giao, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đăng đàn luôn ra rả rằng Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Những phát biểu trên cương vị đứng đầu đảng cộng sản, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dè dặt hơn khi nói rằng Việt Nam có nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thế nhưng dù là cách nói của vị chức sắc nào của đảng, hay nhà nước thì thế giới vẫn chờ đợi xem thực tế nền kinh tế của Việt Nam có đúng là nền kinh tế thị trường như thông lệ quốc tế hay không ?. Nói một cách khác, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tự nhận mình là nền kinh tế thị trường, và Việt Nam đang đi nài nỉ các quốc gia khác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường ( ! ?).

"Thị trường lao động là nguyên tố đầu vào cơ bản của bất kỳ nền kinh tế nào. Thế nhưng với bộ luật hiện nay chúng ta đang can thiệp quá sâu, quá thô bạo và quá chi tiết vào quan hệ lao động, thì tôi nghĩ là một cái sai ngay từ đầu về tư duy nằm đằng sau bộ luật này, và nó không có tính thị trường, hay nói cách khác trong nhiều phương diện nó còn đi ngược lại với chủ trương, cũng như là đi chậm lại so với Bộ luật Lao động 2012". 

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, có đoạn nhận xét như trên trong tham luận chủ đề "Sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động 2012 đặt trong xu thế của nền kinh tế mới và mục tiêu chính sách của đất nước".

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, về mặt kinh tế thị trường thì nguyên tắc là nhà nước chỉ can thiệp khi nào có thất bại của thị trường. Thế nhưng các nhà soạn thảo bộ luật lao động sửa đổi lại đứng từ góc độ nhà nước phụ mẫu sợ là người lao động làm quá nhiều giờ rồi kiệt sức ; sợ là giới chủ bóc lột lao động quá mức mặc dù hai bên phải thỏa thuận, tức là có rất nhiều cái mà tư duy nằm sau bộ luật này cho thấy đây thể hiện một cách rõ nét của nhà nước phụ mẫu, nhà nước không tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của người lao động cũng như là của người sử dụng lao động khi đã có khế ước về lao động. 

"Cái quan trọng là nhà nước cần phải làm thế nào để hợp đồng lao động và khế ước lao động được thực thi, chứ không phải ngồi nghĩ thay cho người lao động hay ngồi nghĩ thay cho người sử dụng lao động, cái điều đấy nó đi ngược lại nguyên tắc thị trường". Ông Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Nhà báo Nguyễn Hồng Phúc của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, góp lời rằng tư duy soạn thảo nói trên, thật ra chỉ rập khuôn cung cách quản trị đất nước của đảng cầm quyền.

"Đảng luôn độc quyền việc cơ cấu nhân sự trong bộ máy công quyền. Đảng đã đặt đâu thì phải ngồi đó. Vừa rồi đảng lại nhắc chuyện chống ‘chạy chức, chạy quyền’. Điều đó nói lên việc ‘chức’ không đồng nghĩa với ‘quyền’ ; câu chuyện cái gì cũng phải ‘chờ ý kiến Bộ Chính trị’ là ví dụ. 

Ngay cả vấn đề quyền tự do chọn lựa các tổ chức bảo vệ quyền của người lao động, cũng được dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi xác định là một thứ quyền treo. Nghĩa là mọi chuyện sẽ vẫn chờ ý kiến Bộ Chính trị". Nhà báo Phúc nói.

Xin đừng ngồi đó tưởng tượng rồi nghĩ thay chúng tôi…

Sáng 14/10, phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có một văn bản tiếp tục lên tiếng phản đối một số nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi hứa hẹn sẽ được thông qua ở Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Rộng đường dư luận, xin lược trích như một tham khảo ở nội dung văn bản này.

Theo VASEP, điểm chung giữa các hiệp hội tại Việt Nam như Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn là đều mang "tính mùa vụ". 

Đơn cử như đối với ngành dệt may, da - giày hầu hết chỉ tập trung vào mùa giáng sinh, có nghĩa là chỉ hoạt động sản xuất nhiều khoảng 05 đến 06 tháng/năm. Đây là một thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng tương tự như vậy, đa phần đều phụ thuộc yếu tố mùa vụ, bao gồm cả mùa vụ nguyên liệu và mùa vụ đơn hàng.

Về mùa vụ nguyên liệu, các nguyên liệu thủy sản đều có mùa vụ sản xuất/thu hoạch, ví dụ như tôm nuôi, cá tra nuôi - hai ngành hàng thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay - thường tập trung thu hoạch nhiều nhất vào hai đợt là tháng 5 - tháng 7 và tháng 9 - tháng 10 hàng năm ; nhuyễn thể hai vỏ thường tập trung thu hoạch nhiều vào đầu tháng và giữa tháng (theo con trăng), cá ngừ có hai vụ khai thác : vụ khai thác chính từ tháng 4 - tháng 8 và vụ khai thác phụ từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau...

Về mùa vụ đơn hàng, như khách hàng EU, Nhật, Mỹ hay đặt hàng nhiều vào cuối hè và mùa thu (thường từ cuối tháng 6 đến tháng 10 hàng năm) để chuẩn bị hàng cho lễ Tạ ơn và lễ Noel, Năm mới...

Với thời giờ làm việc là 48 giờ/ tuần như hiện nay các máy móc thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất, tuy nhiên nếu giảm còn 44 giờ/ tuần như yêu cầu của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, sẽ làm cho nhà máy chạy dưới công suất, hoạt động cầm chừng. 

Mặt khác, dù làm việc theo giờ gian 48 giờ/tuần hay 44 giờ/ tuần thì doanh nghiệp cũng phải mất nhiều chi phí cho việc cài đặt, vận hành, duy trì, bảo dưỡng để máy móc được hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy rằng đáng lẽ ra chi phí này là tương ứng với hoạt động sản xuất trong 48 giờ/tuần thì nay với quy định mới chi phí sẽ phải trả tương ứng 44 giờ/tuần khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận do phải thanh toán các các chi phí vận hành.

Mặt khác, vào mùa vụ thu hoạch/khai thác là thời điểm hầu hết hiện nay các doanh nghiệp đều thực hiện quá số giờ làm thêm quy định. Bất cập hiện hành còn chưa được khắc phục thì nay nếu quy định về thời giờ làm thêm giảm 44 giờ/tuần nếu có hiệu lực thi hành, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp tục vi phạm.

Việc giảm giờ làm còn tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Nếu thực hiện quy định của pháp luật theo hướng giảm còn 44 giờ/tuần thì thu nhập của người lao động đương nhiên sẽ bị giảm đi. Điều này buộc người lao động phải đi làm thêm các công việc khác để kiếm sống, gây ra bất ổn thị trường lao động.

Bên cạnh đó, bởi mang đặc thù mùa vụ nên doanh nghiệp có rất ít thời gian khai thác tối đa lợi nhuận. Vào thời điểm mùa vụ là lúc cần tận dụng tối đa thời gian làm thêm giờ để khai thác tối đa hoạt động sản xuất của mình. Đây cũng là lúc người lao động làm việc có cơ hội để tăng thu nhập lo trang trải cho cuộc sống vào những thời điểm không có việc để làm. 

Nhưng thật đáng tiếc, theo dự thảo lần này, quy định về giới hạn giờ làm thêm không đáp ứng được mong muốn đó, doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia về kim ngạch xuất khẩu và cả lợi ích của người lao động khi chính bản thân họ đều có nhu cầu được làm thêm giờ để tăng thu nhập trong thời điểm đó.

"Ngoài thời gian sản xuất trọng tâm, quãng thời gian còn lại người lao động hầu như không có hoặc rất ít việc để làm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn thực hiện nghĩa vụ trả lương đầy đủ để đảm bảo trách nhiệm an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. Với hàng loạt các áp lực trên, nếu giữ nguyên cơ chế theo quy định của dự thảo, rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì không còn đủ vốn để tiếp tục hoạt động". Văn bản của VASEP nhận định.

Xem ra đứng dưới góc độ toàn thể của nền kinh tế, thì đây là dự thảo sửa đổi bộ luật cần được dừng lại, chưa sẵn sàng đưa ra Quốc hội.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 15/10/2019

*******************

Người lao động đình công : Lỗi do đâu ?

RFA, 14/10/2019

Sáng 14/10, sau hơn 5 ngày nhận được giấy chấm dứt hợp đồng lao động từ ban lãnh đạo công ty VMEP thuộc tập đoàn SYM, hàng trăm công nhân (trong đó có 150 công nhân bị sa thải) đã giăng khẩu hiệu "Phản đối công ty sa thải người lao động trái pháp luật" và đình công trước cổng công ty.

luat2

Công nhân đình công trước cổng nhà máy VMEP sáng 14/10/2019. Ảnh chụp màn hình video FB Nguyễn Thị Tâm.

Lý do sa thải không thuyết phục

Đa số người lao động tại công ty VMPE cho rằng, lý do công ty sa thải 150 người lao động là do công ty phải thay đổi công nghệ sản xuất nên cần cắt giảm lao động từ 145-160 công nhân, là không thuyết phục.

Trong một đoạn video được chia sẻ trên Facebook Nguyễn Thị Tâm đăng tải sáng ngày 14/10, một công nhân tham gia đình công cho biết tình trạng công nhân đình công xảy ra từ ngày 12/10, sau khi người lao động bị cho thôi việc mà không có lý do chính đáng :

"Trước đó ngày 3/10 có họp với các ban ngành, các lãnh đạo ở quận. Trong cuộc họp có Liên đoàn Lao động quận, UBND quận, Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội quận, lý do của công ty là thay đổi cơ cấu công nghệ nhưng mà Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội đưa ra là thay đổi cơ cấu gì, công ty mua máy móc, thiết bị gì, công ty không giải thích được".

Cũng theo giải thích của người công nhân này, trong buổi làm việc, phía công ty có cam kết đảm bảo người lao động nhận được đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật. Nhưng, đến sáng ngày 9/10, công ty lại ra một thông báo, chấm dứt hợp đồng với 149 công nhân.

Điều này tuy khiến nhiều người lao động khá ngỡ ngàng, nhưng họ vẫn làm theo trình tự, như lời anh công nhân VMEP :

"Hôm mùng 10 người lao động có đưa ý kiến lên công đoàn hỏi ý kiến lãnh đạo công ty nhưng lãnh đạo công ty không nói được rõ nguồn gốc chấm dứt 150 người lao động đấy nên người lao động bức xúc yêu cầu phía công ty trả lời thích đáng".

Đến sáng ngày 12/10, sau khi lãnh đạo công ty VMEP tiếp tục im lặng trước yêu cầu giải thích lý do tại sao cắt giảm lao động từ phía công nhân, gần 150 công nhân bị cho nghỉ việc cùng với những công nhân đang còn hợp đồng đã tiến hành đình công đòi quyền lợi. Họ còn lý giải việc đình công phản đối công ty cũng là do trong số 150 công nhân bị sa thải, có nhiều người đã gắn bó với công ty từ 10 đến 25 năm, họ đã qua tuổi lao động để có thể đi tìm việc làm khác, vì vậy, nếu không được tiếp tục làm việc, cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn vì sự sa thải "vô cớ" này…

Từ Thái Lan, ông Đoàn Huy Chương, một người thường xuyên đấu tranh cho quyền lợi công nhân trong nước nhận định :

"Ở đây có sự sai trái là theo Luật Lao động thì những người bị thôi việc hoặc chuyển đổi công tác phải được báo trước hoặc phải được bồi thường một cách thỏa đáng giữa Luật Lao động hoặc theo sự thỏa thuận giữa chủ lao động và công nhân".

Dựa theo luật để khiếu kiện

Chúng tôi cũng đã trao đổi thêm với Luật sư Nguyễn Văn Hậu để tìm hiểu rõ hơn về Luật Lao động của Việt Nam hiện nay. Ngày 14/10, luật sư Hậu cho biết lý do phía VMEP đưa ra và cách làm của công ty quả thật không đúng với Luật lao động của Việt Nam. Ông phân tích :

"Khi mà chấm dứt một hợp đồng đối với người lao động thì tôi cho rằng Luật Lao động Việt Nam quy định rất rõ : trường hợp người lao động không hoàn thành nhiệm vụ ; bị xử lý kỷ luật ; nghỉ không có lý do. Trong trường hợp đình công mà hợp pháp, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm người sử dụng lao động không được sa thải người tham gia đình công. Trong quy định của luật cũng nói rất rõ".

Theo tin từ các báo, ông Lý Đức Chung – Chủ tịch Công đoàn Công ty VMEP cho biết phần đông các công nhân đều là những người đã gắn bó với công ty khá lâu, có người làm gần 20 năm. Trong đó, hơn 2/3 số 150 người đã quá tuổi lao động, do đó rất khó để xin việc làm khác, ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Với kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh cho quyền lợi người lao động, ông Đoàn Huy Chương cho rằng :

"Trong những năm gần đây, đa phần những người bị chấm dứt hợp đồng như vậy là những người đã có thâm niên trong công ty đó bởi vì họ muốn cắt giảm tiền chẳng hạn như tiền bảo hiểm, tiền trợ cấp, tiền thâm niên của công nhân nên thường xảy ra việc cắt hợp đồng".

Ngoài ra, ông Chương cũng cho rằng những lời ông Lý Đức Chung nói với truyền thông trong nước chỉ là hành động để công đoàn trấn an người lao động. Ông lập luận :

"Lên tiếng không phải vì muốn bảo vệ quyền lợi người lao động mà muốn người lao động lắng dịu xuống, đừng mất an ninh trật tự. Như chúng ta thấy cuộc đình công của hơn 150 người ở công ty VMEP đã có lực lượng công an và công đoàn xuống nhưng cũng không đưa ra một cái cụ thể nào để giải quyết cho công nhân".

Được biết, sau khi nhận được đơn khiếu nại của công nhân VMEP, trong ngày 12/10, đại diện Công đoàn và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo công ty VMEP và họ hứa sẽ giải quyết quyền lợi của công nhân theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, hôm 14/10, nhiều công nhân cho biết, họ vẫn hoang mang khi đến nay cả phía công ty hay cơ quan chính quyền vẫn chưa có phương án rõ ràng để giúp đỡ họ.

Trước sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, theo kinh nghiệm của mình ông cho rằng cần dựa theo luật định để khiếu kiện tiếp :

"Ở Việt Nam có Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cần có kiểm tra để xử lý coi họ có sử dụng lao động đúng với Luật Lao động 2012 hay không, có báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi họ có phương án vì thay đổi công nghệ nên sắp xếp lại lao động. Trong trường hợp xử lý không được, người lao động có thể kiện ra tòa để quyết định sa thải như vậy là bất hợp pháp, buộc họ phải nhận người lao động vào làm việc và phải trả lương ngày người đó không được làm việc".

Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cũng cho rằng công ty VMEP cần phải đối thoại với công nhân. Trước nhiều ý kiến còn cho rằng lý do sa thải công nhân là do công ty có kế hoạch di dời nhà máy để xây chung cư, hoặc công ty đang gặp khó khăn khi phải thay đổi công nghệ thì phải có phương án và phải đối thoại với người lao động. Từ đó mới có những bước giải quyết tiếp theo :

"Cơ quan lao động địa phương sẽ mời doanh nghiệp này lên, anh không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phù hợp với luật Việt Nam. Đặc biệt đối với những nhà đầu tư của người Đài Loan này, với số lượng lao động Việt Nam này thì theo luật họ phải tiếp nhận và phải có phương án để xử lý".

Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội gửi Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 67 cuộc đình công diễn ra. Trong đó 82% vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI. Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Bộ cũng thừa nhận trong báo cáo rằng, một trong những nguyên nhân khiến đình công xảy ra là do việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động còn hạn chế, thiếu thực chất và nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật.

Nguồn : RFA, 15/10/2019

Published in Diễn đàn

Với những nội dung liên quan phần ‘công đoàn’ trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, ‘công đoàn độc lập’ không hề hiện diện.

laodong1

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chưa bao giờ tổ chức cho công nhân biểu tình, nếu không muốn nói là làm ngược lại - tức cơ quan này chỉ điểm cho công an bắt bớ những công nhân biểu tình. 

"Về vấn đề tổ chức công đoàn và công đoàn cơ sở của người lao động, tôi thấy Bộ Luật Lao động sửa đổi ghi không rõ là qui định này dành cho Tổ chức Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hay cho cả tổ chức công đoàn cơ sở của người lao động ?

Nếu chỉ qui định cho hệ thống Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì trong các doanh nghiệp trừ doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp dân doanh khác sẽ còn lại rất ít đoàn viên, thậm chí là không có đoàn viên nào cả".

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May sông Hồng, thắc mắc như vậy trong phát biểu tại "Hội thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) : Những tác động bất lợi và kiến nghị" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào tuần qua.

"Công đoàn cơ sở" là tên gọi khác được dùng thay cho "Công đoàn độc lập" ở dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

"Đóng cửa đi ăn mày mà thôi !"

Ông Bùi Đức Thịnh tự giới thiệu là ‘đã từng có thời gian khá dài tham gia Quân đội thời chống Mỹ, nhiều năm làm công tác chính trị chuyên nghiệp Đảng, Đoàn tại Nam Định, gần nửa thế kỷ tuổi Đảng và làm tại doanh nghiệp từ lúc sơ khai đến giờ, đã trên 31 năm’.

"Sở dĩ muốn giới thiệu như vậy để mọi người hiểu rằng, trong con người và trong cuộc đời tôi luôn hòa trộn của quá nhiều cảm xúc. Liên tục những ngày vừa qua, chúng tôi phải nghe, phải chứng kiến quá nhiều những cuộc tranh luận nảy lửa của các vị ‘học giả’ ở trên Trời trên TV, cùng với một lực lượng nhân sự hùng hậu và tiêu tốn quĩ thời gian khổng lồ, chỉ để tranh cãi mỗi một việc là thêm hay bớt đi mấy giờ làm việc trong mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm, rồi nghĩ đến nghỉ Tết Lễ mấy ngày... mặc dù những ngày ấy còn xa lắc, xa lơ.

Xin thưa, những cuộc tranh luận ấy, giới doanh nghiệp chúng tôi lúc đầu còn chú ý lắng nghe, nhưng sau cứ như ù tai đi, mệt mỏi và chán vô cùng, chẳng muốn tham gia gì nữa vì có ai nghe đâu. Vậy nên cứ để mặc các vị ‘học giả’ kia ở trên Trời tiếp tục tranh cãi cho đến khi nào cạn kiệt sức lực thì thôi... Thưa, nếu ở doanh nghiệp chúng tôi chỉ cần mấy cuộc cãi vã mà không hồi kết như vậy thì chỉ còn nước là "đóng cửa đi ăn mày mà thôi". Đây là câu nói cửa miệng thường trong các cuộc họp của chúng tôi".

Ông Bùi Đức Thịnh ngao ngán nhận xét về các quan chức trong bộ máy ‘Đảng – Nhà nước’ của Việt Nam.

Cần chấm dứt cách nghĩ "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân"

Hiến pháp 2013, Điều 4.1 ghi : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Tại sao lại có cách nghĩ của dáng dấp cuộc đấu tranh giữa một bên là giới chủ với một bên là đại diện người lao động ?

"Lời ca rực máu và lửa ra đời từ trong cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1871 : ‘Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn’... hay ‘Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích gông cùm, còn được thì được cả thế giới tự do...’. Xin thưa, điều ấy đúng với thời điểm lịch sử xa xưa ấy, còn bây giờ đã hoàn toàn khác biệt rồi, bởi nếu không có giới chủ, không thể có công nhân và ngược lại, nếu không có công nhân, không thể có giới chủ và nếu không có cả hai thì thế giới chỉ sẽ quay lại thời kỳ hoang dại mà thôi.

Quan hệ giữa giới chủ và với công nhân hiện nay là mối quan hệ hữu cơ, không thể đối lập hay tách rời, ngoài công việc, còn là tình thương yêu đồng loại, thương yêu con người rất sâu đậm nữa. Các cuộc tranh luận của một số vị ‘học giả’ kia, dường như đang muốn hình thành và thúc đẩy thành một cuộc đấu tranh mang tính đối kháng giữa hai chủ thể ấy.

Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng về sự an toàn, an ninh, hẹp là trong từng doanh nghiệp, rộng là lan ra toàn xã hội, khi có lực lượng nào đó kích động, dẫn dắt... Thế cho nên, giữa cả hai phía nhất định phải tự tìm được tiếng nói chung mà không cần phải dùng đến biện pháp lobby, vận động hành lang nào khác.

Bởi không ai có thể quyết định thay cho sự sinh tồn của giới chủ cũng như của người lao động bằng chính họ. Qui luật sinh tồn, diệt vong hay đào thải của các doanh nghiệp cũng giống như qui luật giá trị trong kinh tế học vậy, tự bản thân nó tức khắc biết cách hiệu chỉnh mỗi khi quan hệ chủ - thợ ấy gặp trục trặc trên cơ sở có sự tham chiếu của pháp luật.

Người lao động sẽ tìm được giá trị và những nhu cầu cuộc sống của mình thông qua giới chủ, thông qua doanh nghiệp nơi họ làm việc bởi rất nhiều người lao động trực tiếp còn là cổ đông của doanh nghiệp nữa, họ vừa là vai trò người chủ, vừa là vai trò người lao động, vậy chẳng lẽ họ tự bóc lột, tự đày đọa chính bản thân mình hay sao ?

Ngược lại, thông qua tinh thần, thái độ làm việc của người lao động, chính là thước đo về giá trị văn hóa, về sức mạnh vật chất và uy tín của doanh nghiệp - Điều này vô cùng quan trọng, quyết định cho sự sinh tồn, phát triển hay lụi tàn đối với một doanh nghiệp".

Ông Bùi Đức Thịnh biện giải.

Ai cũng rõ, chỉ ‘Đảng – Nhà nước’ là…

Ông Bùi Đức Thịnh nói rằng chỉ cần để người chủ và đại diện nguời lao động, hay tất cả người lao động trong doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, cởi mở với nhau thì mọi việc trở lên rất nhanh chóng và nhẹ nhàng, "chứ đâu phải chỉ tập trung ở mấy người ngồi tít trên Trời cao cùng với những cuộc tranh luận bất tận, nhưng cực kỳ xa lạ với cuộc sống này".

Ông Bùi Đức Thịnh khẳng định : "Tổng thể các cuộc thảo luận dân chủ giữa giới chủ với đại diện người lao động hay tất cả người lao động trong các doanh nghiệp được tập hợp lại, dù doanh nghiệp tôi hàng vạn người, vẫn có thể làm được.

Dù ngành Dệt- May Việt Nam có cả triệu người, chúng tôi vẫn có thể làm được. Toàn bộ các doanh nghiệp khác của đất nước với hàng chục triệu người, chúng tôi vẫn có thể làm được. Ý chí thống nhất cao độ đó giữa giới chủ với người lao động, sẽ là nền tảng để hình thành nên khung pháp lý và đạo đức tiêu chuẩn trong toàn xã hội, thật đơn giản nhưng ai cũng hài lòng bởi thấy trách nhiệm và giá trị đích thực của mình trong đó".

Vẫn theo ông Bùi Đức Thịnh, trong doanh nghiệp, "xin nói nôm na là tay làm, hàm nhai ! Tay ngừng làm, hàm ngừng nhai !. Giản đơn vậy thôi nhưng đó là một chân lý sống, một triết lý sống. Rời bỏ chân lý ấy, doanh nghiệp sẽ sụp đổ, người lao động sẽ rơi vào cảnh bần hàn. Không ai thương doanh nghiệp cả, không ai nuôi doanh nghiệp cả. Doanh nghiệp tự đi vay, tự trả tiền thuê đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, sau khi trả nợ, trả tiền công, rồi nộp đủ các loại thuế, phí, còn lại ít nào, gọi là tích lũy".

Ở Việt Nam hiện tại, hàng hóa đầu ra thì luôn bấp bênh, giá cả từ người đặt hàng luôn mỗi ngày một giảm vì sức ép từ thị trường tiêu thụ. Khi hàng hóa như vậy, đầu tư như vậy thì lấy đâu ra năng suất cao để mà có thu nhập cao, để mà tích lũy tài chính dồi dào sẵn sàng bù đắp cho người lao động mỗi khi thị trường thất bát, gió mưa chẳng thuận...

Chẳng có ai viết đơn xin gia nhập vào công đoàn của nhà nước đâu…

Ông Bùi Đức Thịnh nói thẳng : "Khi tổng giám đốc doanh nghiệp nói với Chủ tịch công đoàn là nên vận động để kết nạp một số công đoàn viên vào hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vì từ trước tới nay chẳng có ai viết đơn, cũng chẳng kết nạp ai.

Câu trả lời của Chủ tịch công đoàn là : Thưa, không ai muốn viết đơn và không ai muốn vào tổ chức ấy cả bởi họ sẽ mất ngay đi 1% tiền lương là kinh phí công đoàn mà chẳng đem lại cho họ bất cứ lợi ích nào. Đấy là một thực tế mà không mệnh lệnh hành chính nào có thể bắt buộc được họ.

Khi không còn tổ chức công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phần kinh phí công đoàn 2%/ quĩ lương của doanh nghiệp tất yếu sẽ bị xóa bỏ. Còn nếu với tổ chức công đoàn cơ sở của người lao động, kinh phí hoạt động của họ sẽ do các đoàn viên tự nguyện đóng góp mà doanh nghiệp không được quyền can dự hay dùng các biện pháp nào khác về kinh tế, tài chính thao túng, chi phối. Lẽ đương nhiên cũng sẽ không thể có bóng dáng của thứ 2% kinh phí công đoàn vô lý kia nữa".

Cụm từ ‘công đoàn cơ sở’ mà ông Thịnh nhắc đến chính là tên gọi khác của ‘công đoàn độc lập’ mà dường như ở dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động vì lẽ gì đó đã chọn dùng ‘từ thay thế’ như vậy.

Theo ông Bùi Đức Thịnh, qui định về số thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cùng chế độ tiền lương của họ trong doanh nghiệp quá rườm rà, không luật nào qui định chi tiết đến như thế cả và sẽ gây thêm rất nhiều phức tạp cho doanh nghiệp.

"Thực tế ở doanh nghiệp, cán bộ công đoàn có hoạt động gì đâu, mà nếu có họp, cũng chẳng có nội dung gì cụ thể để các công đoàn viên cần nghe mặc dù chủ doanh nghiệp không hề cản trở, thậm chí còn luôn khuyến khích hoạt động công đoàn trong mối quan hệ tương hỗ với doanh nghiệp.

Việc kỷ luật cán bộ công đoàn cũng phải bình đẳng như bất cứ người lao động nào khác trong doanh nghiệp, mà không có miễn trừ một khi người đó vi phạm kỷ luật lao động, hay không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong một số thời hạn qui định.

Khi cán bộ công đoàn ở công đoàn cơ sở không làm việc mà vẫn được doanh nghiệp trả lương thì ngay lập tức, cộng đồng đoàn viên sẽ hạ bệ ngay, vì cho đó là sự bất công và đang bị chủ thao túng. Họ chỉ được hưởng phụ cấp từ chính kinh phí của các công đoàn viên tự nguyện đóng góp để làm công việc chung của công đoàn do qui chế của công đoàn cơ sở qui định.

Như vậy, qui định trong dự thảo chỉ đúng với hệ thống tổ chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chứ không thể đúng với hệ thống các tổ chức công đoàn cơ sở của người lao động mà chúng ta đang triển khai thực hiện theo các Công ước Quốc tế..".. Ông Bùi Đức Thịnh, nhận định.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 23/09/2019

Published in Diễn đàn