Ông Phùng Xuân Nhạ ‘bị quy trách nhiệm cho bê bối thi cử 2018’
BBC, 09/09/2022
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Phùng Xuân Nhạ đang chờ hình thức kỷ luật sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản tuyên bố ông Nhạ chịu trách nhiệm cho nhiều vi phạm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu rà roát công tác tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018
Hôm 8/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo nói Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm.
"Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách ; thực hiện một số dự án đầu tư công ; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa ; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và năm 2021, một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự".
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã gây chấn động vì một số vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Mức án 21 năm tù trong vụ Sơn La
Ngày 29/5/2020, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.
Nhóm bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" :
1. Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) 9 năm tù.
2. Đỗ Khắc Hưng (cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 3 năm tù.
3. Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu) 8 năm tù.
4. Đinh Hải Sơn (cựu cán bộ Đội Giáo dục, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
5. Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) 30 tháng tù.
Nhóm bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" và "Nhận hối lộ" :
1. Lò Văn Huynh (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) 5 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 15 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt của hai tội 21 năm tù.
2. Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) 4 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt cả hai tội 19 năm 6 tháng tù.
3. Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) 4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 6 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt của hai tội là 10 năm tù.
Nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ" :
Nguyễn Minh Khoa (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La) 8 năm tù.
Trần Văn Điện (trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) 9 năm tù.
Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) 3 năm tù, cho hưởng án treo.
Lò Thị Trường (trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) 30 tháng tù, cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, các bị cáo Huynh, Nga và Sọn nhận hối lộ gần 2,8 tỷ từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa, Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), Trần Văn Điện và Lò Thị Trường (cùng trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) để nâng điểm thi cho các thí sinh đỗ đại học.
Đối với bị cáo Trần Xuân Yến, tòa nhận định trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, bị cáo Yến đã chỉ đạo bị cáo Nga nâng điểm cho 13 thí sinh.
Ngoài ra, bị cáo Yến còn chỉ đạo bị cáo Nga xóa dữ liệu sửa điểm trên máy tính sau khi Đoàn Thanh tra của Bộ Giáo dục và đào tạo lên làm việc.
Tại phiên phúc thẩm tháng 11 năm đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của các bị cáo và tuyên y án sơ thẩm.
Gian lận thi cử ở Hòa Bình
Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, ngày 21/5/2020, đã tuyên án đối với 15 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại Hòa Bình.
Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tuyên Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, cựu Trưởng phòng Khảo thí) 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, cựu Hiệu phó trường nội trú huyện Lạc Thủy) lĩnh 3 năm tù cùng tội danh trên. Ngoài ra, ông Tuấn còn chịu 7 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt, bị cáo lĩnh 10 năm tù.
Bị cáo Khương Ngọc Chất (45 tuổi, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) lĩnh 6 năm tù ; bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (46 tuổi, cựu Phó phòng Khảo thí) lĩnh 3 năm tù.
11 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 18 tháng tù treo đến 5 năm tù giam về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và đưa hối lộ.
Gian lận thi cử ở Hà Giang
Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, ngày 26/2/2020, đã xử phúc thẩm vụ án gian lận thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hà Giang.
Trước đó, ngày 25/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tuyên phạt Nguyễn Thanh Hoài – nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang (Phòng khảo thí) án 8 năm tù, Vũ Trọng Lương – nguyên Phó Phòng khảo thí 7 năm tù ; Triệu Thị Chính - nguyên Phó GĐ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang - 24 tháng tù.
Bị cáo Lê Thị Dung – nguyên sĩ quan Công an tỉnh Hà Giang bị tuyên 2 năm tù ; bị cáo Phạm Văn Khuông – nguyên Phó GĐ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang nhận 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử quyết định giảm án cho bà Triệu Thị Chính từ 24 tháng xuống còn 15 tháng tù.
*********************
Đảng Cộng sản Việt Nam ‘sẽ kỷ luật cựu Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ’
BBC, 08/09/2022
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa thông báo đã phát hiện nhiều vi phạm dưới thời Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ.
Ông Phùng Xuân Nhạ
Sinh năm 1963, ông Phùng Xuân Nhạ từng là Ủy viên Trung ương khóa 12, Bộ trưởng Giáo dục từ 2016 tới tháng 4/2021, và hiện vẫn đang là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Nhưng ngày 8/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo cơ quan này vừa họp xong từ ngày 6 tới 8/9.
Trong các nội dung thảo luận có các vi phạm tại Bộ Giáo dục và Đào tạo thời ông Nhạ, tức nhiệm kỳ 2016-2021.
Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói :
"Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách ; thực hiện một số dự án đầu tư công ; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa ; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và năm 2021, một số cán bộ, đảng viên trong Ngành bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự".
"Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đồng chí : Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng ; Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng và một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định : "Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về giáo dục và đào tạo ; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, nguồn lực của xã hội ; gây bức xúc trong Nhân dân ; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Giáo dục, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".
Theo quy định hiện nay, Ban Bí thư quản lý cấp Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương.
Như vậy Ban Bí thư, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, sắp tới sẽ quyết định mức độ kỷ luật với ông Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hãy trả lời : Học sinh nghỉ học để tránh dịch Covid-19, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp phổ thông trung học có lùi lại không ? Quy chế thi như thế nào ?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh minh họa
Một số địa phương đã bắt đầu thực hiện việc cách ly dân cư tính theo tuyến đường, khu phố. Điều đó cho thấy tất cả những người độ tuổi đi học đều không thể đến trường.
Tuy nhiên tính đến ngày cuối tuần 7-3, dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đứng bên ngoài của yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống lây lan dịch Covid-19 – còn có tên virus corona chủng mới SARS-CoV-2.
Trong lúc đó thì trước đe dọa dịch bệnh lây lan, lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo trước mắt các cấp ngành tổ chức xác định vị trí để đưa toàn bộ những người cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 (tức ca thứ 17, Nguyễn Hồng Nhung) đang có mặt tại Hải Phòng vào khu cách ly ở xã An Đồng, huyện An Dương. Tạm thời tổ chức phong tỏa để rà soát, giám sát sức khỏe tại hai khu vực là thôn Tân Lập, phường Tân Thành, quận Dương Kinh và thôn Phù Lưu, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên do tại đây có những người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Chính quyền hỗ trợ mỗi người dân trong khu vực bị phong tỏa 60.000 đồng/ngày, và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Chính quyền Hải Phòng cũng quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học trở lại để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân xác nhận vì chương trình thi cử chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông chấp nhận để các học sinh khối lớp 12 trở lại trường học kể từ ngày 9-3, và Thành phố Hồ Chí Minh không dạy học trong ngày đầu trở lại trường. Theo đó, ngày đầu tiên học sinh đi học lại các trường không tổ chức hoạt động học tập ; chỉ tổ chức rà soát, kiểm tra tình trạng sức khỏe, tình hình đi lại, lưu trú trong 14 ngày trước đó của học sinh, giáo viên, nhân viên. Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ tập huấn, hướng dẫn các biện pháp tự phòng chống dịch Covid-19 và triển khai kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường cho học sinh…
Tính đến 18g hôm 7-3, đã có 5 tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học dù trước đó đã thông báo đi học lại từ ngày 9-3 sau diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 : Đắc Lắc, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Định.
Những câu hỏi đang được nhiều phụ huynh chờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời : Học sinh nghỉ học để tránh dịch Covid-19, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp phổ thông trung học có lùi lại không ? Quy chế thi như thế nào ?
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân là người từng ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, song thật đáng tiếc trong tình cảnh mà người kế nhiệm của ông là Phùng Xuân Nhạ tiếp tục chọn im lặng, thì lẽ ra bằng trải nghiệm của người từng đứng đầu ngành giáo dục, cùng bản lĩnh chính trị của một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, ông Nguyễn Thiện Nhân phải đưa ra được những quyết sách phù hợp về giáo dục ; hay ít ra cũng là các giải pháp tình thế phù hợp bối cảnh chung trong hoàn cảnh mà như tuyên bố của Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống lây lan dịch Covid-19.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 08/03/2020
Gió vẫn dập, sóng vẫn vùi ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Việt Nam, bất kể ông đã nhận trách nhiệm về những trục trặc trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018…
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Từ giữa tháng 7 đến nay, ông Nhạ tiếp tục là một trong vài nhân vật “nổi” nhất trên mạng xã hội Việt ngữ. Tiếc rằng đó không phải là “nổi bật”, nhiều người dựa vào thực tế lưun ý, yếu tố “nổi” liên quan tới ông Nhạ là “nổi… lều bều” !
***
Theo báo giới Việt Nam, tại cuộc họp diễn ra hôm 30 tháng 7, giữa ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Việt Nam với các chuyên gia, viên chức ngành giáo dục về những vấn nạn liên quan tới cách thức tổ chức các Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia, làm sao ngăn chặn gian lận thi cử,… ông Nhạ đã chính thức thừa nhận : Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 có nhiều thiếu sót, đề thi chưa phù hợp, phần mềm chấm thi trắc nghiệm bộc lộ nhiều điểm yếu, tuy có giám sát song quy trình chấm thi chưa ổn… và xin nhận trách nhiệm.
Giống như nhiều facebooker khác, sự kiện ông Nhạ “xin nhận trách nhiệm” không làm facebooker điều hành trang facebook Hà Tĩnh 24h vui mà chỉ khiến facebooker này thở dài thêm một lần nữa : Cuối cùng người đứng đầu ngành Giáo dục cũng đã lên tiếng ! Nguyệt Liễu Trần Hoàng xem chuyện ông Nhạ “xin nhận trách nhiệm” giống như một lời xin lỗi và vì vậy, giống như nhiều facebooker khác, Nguyệt Liễu Trần Hoàng thắc mắc : Xin lỗi nhưng sẽ sửa thế nào.Xin lỗi mà không sửa cũng như không !...
Liệu những người Việt sử dụng mạng xã hội có khe khắt quá không ? Dường như là không !
Hồi hạ tuần tháng 6, chẳng riêng học sinh, phụ huynh mà nhiều người, thuộc nhiều giới đã chỉ trích đề thi nhiều môn trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 phản sư phạm, phi giáo dục vừa vì quá khó, vừa vì đầy thiếu sót không thể chấp nhận được. Thay vì xem xét những ý kiến này một cách cẩn thận và trả lời thật khách quan, thỏa đáng thì thượng tuần tháng 7, ông Nhạ đưa ra những tuyên bố giống như tát vào mặt mọi người, rằng năm nay, đề thi đã… “khắc phục được những hạn chế của đề thi năm ngoái, đặc biệt là tăng tính phân hóa (giữa các loại học sinh : giỏi, khá, trung bình, yếu)”. Còn kỳ thi thì… “đạt được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng”. Chỉ đến khi công chúng phát giác có dấu hiệu gian lận thi cử ở Hà Giang, Bộ Giáo dục – Đào tạo phải tổ chức thanh tra, sửa – nâng điểm thi cho hàng trăm thí sinh dự Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 bùng lên thành scandal, chỉ đạo : Không để việc lợi dụng sai phạm gây tâm lý hoang mang trong học sinh, giáo viên và phụ huynh” vẫn chẳng thể đậy điệm đủ loại bê bối càng lúc càng có vẻ rộng hơn, tính chất – mức độ càng ngày càng có vẻ nghiêm trọng hơn, ô ng Nhạ mới thẽ thọt phủ nhận… chính mình (đề thi chưa phù hợp, từ giám sát đến chấm đều không ổn).
Sự bất nhất của ông Nhạ là lý do facebooker Phuc Dinh Kim nhận định nửa đùa, nửa thật : Làm Bộ trưởng Giáo dục phải biết nói ngược, nói xuôi,miễn sao bảo toàn được ghế. Với mạch nghĩ tương tự, Tiến Nguyễn Vũ than : Ngày xưa, đánh - chiếm trụ sở của Quân lực Việt Nam Công hòa, tôi rất ấn tượng với khẩu hiệu : Tổ Quốc – Danh dự - Trách nhiệm… Phải chi trên bàn làm việc của ông Phùng Xuân Nhạ có một trong ba khái niệm đó ! Tuy nhiên theo Giai Trinh : Chẳng ai làm Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo được đâu. Bộ trưởng nào cũng phải dùng nghị quyết của đảng “gối đầu” nên luôn ráng giữ thân, giữ cho toàn vẹn chữ “nguyên” để khi về hưucòn được ít “cơm thừa, canh cặn” chứ !
Phân tích sâu hơn, facebooker Nguyễn Tiến Tường cho rằng, trước khi ông Nhạ trở thành Bộ trưởng, ngành giáo dục Việt Nam vốn đã có rất nhiều sai sót. Sở dĩ ngành này có thêm nhiều sai sót dưới thời ông Nhạ vì ông “thiếu cả năng lực, tâm lực lẫn uy lực”. Cho đến giờ, ông Nhạ chỉ nỗ lực bảo vệ chính mình, cố xua trách nhiệm ra xa mình. Đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ đang là tấm gương ích kỷ, tư lợi, thủ đoạn. Bởi cố mang một cái áo quá rộng nên ông liên tục vấp ngã, ngành giáo dục vấp ngã, sẽ có những thế hệ mục ruỗng, tổn thương cả xã hội. Nguyễn Tiến Tường khuyên ông Nhạ nên dừng lại vì mình và mọi người. Đó là tâm thế của người làm giáo dục, người có nhân cách. Tường nhấn mạnh, không hề ác cảm với ông Nhạ nhưng thật sự lo lắng cho những đứa trẻ phải trải qua môi trường giáo dục dưới tay ông Nhạ, trong đó có con của Tường. Bởi càng ráng trì níu, tương lai càng hỗn loạn, tăm tối nên tốt nhất theo Tường : Ông Nhạ nên từ chức. Đó là yêu nước !
Lê Thiếu Nhơn cũng tin rằng ông Nhạ nên từ chức. Blogger này lưu ý : Người làm giáo dục cần có phẩm chất đặc biệt vì họ gánh vác sứ mệnh đặc biệt. Thành quả giáo dục không phải tính bằng điểm số hiện tại mà gửi gắm kỳ vọng cho tương lai. Bài giảng hôm nay có thể không còn phù hợp ở ngày mai nhưng cốt cách người làm giáo dục vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Bằng cấp bây giờ có thể ngày mai không đắc dụng nữa nhưng hình ảnh người làm giáo dục vẫn vững bền, tỏa sáng. Danh vọng và quyền lợi của người làm giáo dục không quan trọng bằng phẩm chất của người làm giáo dục : Biết xấu hổ và biết tự trọng ! Vào lúc này, tại Việt Nam, ngành giáo dục không còn là ốc đảo bình yên của cộng đồng vì chính những người làm giáo dục tạo ra sóng gió thành tích ảo bằng các thủ đoạn phản giáo dục. Qui chế thi cử và kỹ thuật chấm bài có thể mô phỏng các quốc gia khác nhưng con người giáo dục phải dựa vào chính nội lực hun đúc của mỗi xứ sở. Né tránh sự thật, vuốt ve thị phi, không phải cách kiến thiết một nền giáo dục tiến bộ và văn minh ! Cho nên theo Nhơn, với ông Nhạ,chỉ có một cách giữ gìn liêm s ỉ là… từ chức !
Giữ gìn liêm sỉ bằng cách từ chức có thể là chuyện rất bình thường ở nhiều xứ nhưng tại Việt Nam thì không dễ. Hien Ha Ngoc – một thân hữu của Nguyễn Tiến Tường – cho rằng khả năng ông Nhạ sẽ từ chức như mong muốn của Tường và nhiều người Việt khác sẽ không thể xảy ra bởi, chức là thứ mua bằng tiền. Phải cố dùng chức để thu hồi vốn, chẳng lẽ chết đói vì quốc gia, dân tộc( ?). Đó cũng là lý do cấp trên luôn luôn thông cảm, nhẹ tay với cấp dưới.
Cho dù có rất nhiều người bày tỏ suy nghĩ như Hien Ha Ngoc nhưng chưa rõ cách giải thích ấy chính xác tới đâu. Chỉ có một điểm rất rõ là tường thuật về cuộc tọa đàm hồi đầu tuần này giữa ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng với các chuyên gia, viên chức ngành giáo dục về những vấn nạn nghiêm trọng tiếp tục bôi bẩn bộ mặt vốn đã nhem nhuốc của ngành giáo dục – cho thấy có nhiều điểm đúng là… hết sức kỳ cục. Chẳng hạn một ông Tiến sĩ tên là Lê Thống Nhất ca ngợi ông Đạm “không ngồi ở vị trí… long trọng như các phiên họp thường kỳ” mà ngồi chung với mọi người quanh bàn tròn. Sau khi ca ngợi ông Đam, ông Nhất chuyển sang ca ngợi ông Nhạ “cầu thị”, người đứng đầu ngành giáo dục “không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà trong thời gian nghỉ trưa cũng tranh thủ trao đổi với một số nhóm và cá nhân”. Cuộc họp vì những vấn nạn liên quan tới Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia đã không xác định được bất kỳ giải pháp đáng tin cậy nào. Phó Thử tướng, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, các chuyên gia, viên chức ngành giáo dục chỉ đề ra những cách thức mà ai cũng ngơ ngác, ngậm ngù i như : Thí sinh phải dùng bút mực tô lại những câu mình chọn để chống tẩy xóa. Tăng thêm thời gian dành cho việc quét (scan) bài. Phải rọc phách. Phải tổ chức chấm tập trung theo cụm, không để các tỉnh tự làm và quan trọng nhất vẫn là… con người !
Không dằn được lòng, facebooker Chanh Tam bỡn cợt : Quá nhiều phát hiện vĩ đại. Phát hiện Phó Thủ tướng ngồi ở bàn tròn có tính thách thức với các giáo khoa kinh điển về hình học. Những phương thức chống gian lận thi cử như dùng bút mực, thi trắc nghiệm có phách, chính yếu vẫn là con người… là những phát hiện cỡ “tiến sĩ ní nuận, ní nẽ rất niền nạc”.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/08/2018
Ông Nhạ sau khi được cho là tự đạo văn mình thì đã có một giáo sư Pháp gốc Việt và cộng sự bỏ công viết một bài phân tích tỉ mỷ các bài báo khoa học của vị "tư lệnh ngành giáo dục" Việt Nam. Trong đó có hai điểm mà không phải chỉ ông Nhạ mà e rằng có rất rất nhiều người trong số hàng vạn thạc sĩ – tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam đã mắc phải mà chưa bị ai khui ra như trường hợp ông Nhạ đó là hành vi trích dẫn khống và viết tiếng anh không chính xác.
Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ do Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cùng các đồng sự thực hiện.
Trích dẫn khống
Về hành vi "trích dẫn khống", Giáo sư Dũng đã nêu rõ là không có ghi rõ nguồn của các trích dẫn và phải trích dẫn đúng để cho người đọc tiện bề theo dõi hoặc tra cứu. Theo giáo sư Dũng thì " Ông Phùng Xuân Nhạ đã không biết đến hoặc không tôn trọng những chuẩn mực khoa học tối thiểu này trong các bài báo của mình".
Trong các bản hướng dẫn cách viết luận văn thạc sĩ có hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng tài liệu tham khảo vào bài viết và cách trích dẫn ra sao. Người viết được yêu cầu phải ghi rõ ý tham khảo trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tham khảo. Bản hướng dẫn còn nêu rõ "Nếu sử dụng tài liệu của người khác và của đồng tác giả (bảng biểu, hình vẽ, ý tưởng..) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận văn không được duyệt để bảo vệ."
Bên cạnh đó còn có hướng dẫn cần phải làm gì khi trích dẫn ý kiến hoắc tài liệu của một người khác như thế nào để không bị vướng vào lỗi đạo văn khi trích dẫn ít hơn 2 câu hay 4 dòng đánh máy hoặc dài hơn.
Quy định rõ ràng là như vậy, nhưng dường như lại ít được tuân thủ nghiêm túc. Không hiếm trường hợp các thạc sĩ hay tiến sĩ học miền Bắc sẽ lấy bài của một ai đó từ trong Nam mang ra Bắc để nộp mà không bị phát hiện. Hoặc họ sẽ sao chép từ bài của một ai đó có sẵn trên mạng để không phải mất công nghiên cứu hay tra cứu nhiều như trường hợp luận văn tiến sĩ trở thành luận văn thạc sĩ ; hoặc luận văn của học sinh sẽ trở thành bài nghiên cứu khoa học của thầy sau khi được thầy xào nấu.
Khi bị phát hiện họ có thể biện hộ một cách khó tin là quên trích nguồn, còn báo chí lại nương tay để gọi đó là hành động sao chép từ nhiều nguồn khác mà tránh không nhắc đến từ đạo văn. Nhưng với những người làm công tác khoa học như vậy thì chỉ có thể nói hoặc người ta cố tình quên hoặc họ không có chút liêm sỷ của một người trí thức cũng như không có đạo đức nghề nghiệp. Và tất cả chỉ vì hướng tới một cái danh hão khi không có thật lực và lại dựa trên nền tảng của sự trí trá.
Còn phần giáo viên/ giáo sư hướng dẫn họ có phát hiện ra những những lỗi hiển nhiên về phương pháp luận mà không nỡ đánh rớt học viên vì đã lỡ hứa nâng đỡ hướng dẫn ; hay bản thân họ cũng không có đọc hết bài nghiên cứu hay là do họ không được trang bị phần mêm hỗ trợ trên máy tính ?
Khả năng ngôn ngữ có hạn ?
Người ta cũng hết sức nghi ngờ khả năng tiếng Anh của ông Nhạ, môt người đã nhận được học bổng Fullbright và tốt nghiệp thạc sĩ ở Manchester tức là cả hai trường đều có tiếng tăm chứ không phải trường bèo như trường của Phạm Xuân Anh đã từng theo học và bị đánh tơi bời là bằng không đủ tiêu chuẩn hay thậm chí là bằng giả.
Ông Nhạ đã từng là tâm điểm của sự đàm tiếu của cộng đồng mạng khi phát biểu lẫn lộn "n,l". Với sự lẫn lộn như vậy trong tiếng mẹ đẻ thì khi nói tiếng Anh cũng sẽ không tránh khỏi nói ngọng. Nhưng nói ngọng có thể cho qua và thông cảm được, còn viết sai ngay cả lỗi đơn giản thì giờ đây lại phải nghi ngờ chất lượng bằng của ông Nhạ.
Với tiếng Anh như vậy thì làm sao ông Nhạ có thể học và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ ở Manchester ? Nếu là thực chất đủ để bảo vệ thành công luận án thạc sĩ ở Anh thì cho dù giọng Manchester có hơi khó nghe hơn giọng London chút ít nhưng mà văn viết vùng Manchester, vùng London hay ở Mỹ thì lại không khác gì nhau là mấy.
Đó là chưa kể đến việc dịch bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách gượng gạo. Giáo sư Dũng đã chỉ ra các " cấu trúc câu lủng củng" khi dịch từ Việt sang Anh. Phần lớn với những người không có khả năng viết trực tiếp bằng tiếng Anh thì họ sẽ phải viết tiếng Việt trước và sao đó cho dịch sang tiếng anh với yêu cầu phải dịch sát. Người làm biếng họ sẽ cho google dịch, người ít làm biếng hơn thì dịch từng từ một ; người giỏi hơn cũng sẽ cố gắng dịch nhưng vẫn sẽ không thoát ra được lối nói tiếng Anh của người không được tiếp xúc, tiếp cận với người chính quốc nhiều.
Với người đã từng học thạc sĩ ở Anh và ở Mỹ thì tiếng Anh của ông Nhạ phải "tây" hơn người chưa bao giờ có cơ hội ngồi nghe thầy Anh ở Anh và thầy Mỹ ở Mỹ trực tiếp truyền thụ kiến thức. Nếu không nói là phải lên được đến mức gần như người chính quốc mà đã vậy lại còn bị những lỗi ngô nghê trong bài báo khoa học tiếng Anh thì quả là chuyện khó tin. Vậy thì giờ có cần phải đi thẩm định lại bằng cấp ở Manchester và Fullbright của ông Nhạ cho rộng đường dư luận như báo chí đã truy ra tới tận nơi cấp bằng cho ông Nguyễn Xuân Anh ?
Với mấy vạn thạc sĩ - tiến sĩ trên cả nước có bao nhiêu người đã từng "học tập và làm theo gương" ông Nhạ ? Trong số đó ai dám nhìn lại các luận văn, bài báo khoa học hay công trình nghiên cứu của chính họ để thừa nhận công khai họ đã từng mắc những lỗi như trên cho lòng được thanh thản ? Hay lại tặc lưỡi, " Tại ổng xui do đấu đá nên mới bị đưa ra cho dân cư mạng moi móc, chớ làm người thường, không đụng chạm gì thì đâu ai bới móc ra ?"
Phương Thảo
Nguồn : VNTB, 25/02/2018
* Ở nước ngoài, sinh viên nếu bị phát hiện đạo văn khi làm bài khoá luận sẽ bị đánh rớt ngay lập tức môn học đó mà không được phân bua biện hộ gì cả.