Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sáng kiến mới của Tổng thống Marcos

Phát biểu tại Hawaii trong một sự kiện được phát trực tiếp vừa qua, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. giải thích rằng căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và nhiều nước láng giềng để duy trì hòa bình an ninh cho các tuyến đường hàng hải rất quan trọng trong khu vực [1] . Cũng tại sự kiện ở Hawaii, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khẳng định nước ông sẽ không từ bỏ "một inch vuông lãnh thổ của mình" trong nỗ lực chống lại thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo ông, tình hình ở Biển Đông đã trở nên "tồi tệ hơn bao giờ hết", đồng thời cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc đã "bắt đầu thể hiện sự quan tâm" với việc xây dựng căn cứ ở các bãi đá vốn đang "ngày càng gần bờ biển của Philippines hơn".

phi1

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu của Philippines ở gần bãi Scarborough hôm 22/9/2023 - AFP

Ngoài ra, Tổng thống Philippines cũng cho biết nước này đang tiếp cận các nước láng giềng gồm Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử riêng liên quan đến Biển Đông, với lý do tiến triển còn hạn chế trong việc đạt được một hiệp ước khu vực rộng lớn hơn với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines thừa nhận rằng căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng "với những mối đe dọa và thách thức bất hợp pháp dai dẳng đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi". Ông nói : "Chúng tôi vẫn đang chờ đợi COC giữa Trung Quốc và ASEAN và đáng tiếc là tiến độ khá chậm".

Nhà lãnh đạo Philippines lưu ý : "Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có tranh chấp lãnh thổ, Malaysia là một quốc gia khác và xây dựng quy tắc ứng xử riêng của chúng tôi. Hy vọng rằng điều này sẽ phát triển hơn nữa và mở rộng sang các nước Châu Á khác". Ông nói thêm rằng căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông đòi hỏi Manila "phải hợp tác với các đồng minh và bạn bè trên khắp thế giới để đạt được một số giải pháp và duy trì hòa bình".

Những nhận xét này của ông Marcos được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/11, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco (Mỹ), trong bối cảnh dự thảo văn bản đàm phán duy nhất về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) mà Trung Quốc và ASEAN thương lượng trong suốt 2 thập niên qua vẫn tiến triển chậm chạp, cho dù các bên liên quan cam kết thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về COC.

Giới phân tích nhiệt tình ủng hộ

Sáng kiến trên của Tổng thống Marcos Jr. đã được giới phân tích nhiệt tình đón nhận. Trên tờ The Diplomat, nhà phân tích Sebastian Strangio nhận định lời kêu gọi của Tổng thống Philippines về một sự hợp tác mới trong khu vực phản ánh rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông [2] . Bất chấp các nỗ lực từ 2002, khả năng ASEAN đạt được một thỏa thuận về COC mang tính ràng buộc sau các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất thấp. Một mặt là vì ASEAN khó dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông ; mặt khác, Trung Quốc không thực tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc.

Còn theo ông Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford (Mỹ), đối với Trung Quốc, các cuộc đàm phán bị kéo dài đóng vai trò là vỏ bọc chính trị trong khi nước này trên thực tế vẫn tiếp tục mở rộng thêm nhiều yêu sách biển [3] . Hơn nữa, một số nước Đông Nam Á chưa giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền và tranh chấp với nhau tại Biển Đông, cản trở việc hình thành một mặt trận thống nhất phản đối các đòi hỏi quá mức của Bắc Kinh.

Với những phân tích trên, ông Raymond Powell cho rằng : "Một COC không chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể là khúc dạo đầu cho một giải pháp đối với những tranh chấp giữa các nước này, cho phép đặt nền tảng cho một trong những sự thống nhất rộng lớn trong khu vực về những tranh chấp ở Biển Đông" [4] .

Phản ứng của Bắc Kinh

Trước phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines, Trung Quốc tuyên bố không ủng hộ động thái của Manila trong việc đưa ra COC riêng ở Biển Đông với một số nước láng giềng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 20/11 rằng "mọi sự rời xa" nào khỏi DOC, khuôn khổ cho COC, cũng như tinh thần của nó, "đều vô hiệu" [5] . Bà Mao Ninh khẳng định việc xây dựng COC "là một nhiệm vụ quan trọng đối với Trung Quốc và các nước ASEAN" trong nỗ lực thực thi DOC hiện có, văn bản đã được Bắc Kinh và khối khu vực ký vào năm 2012.

Trong một bài báo mới đây, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã trích lời của Chuyên gia Tống Trung Bình (Song Zhongping) : Có những trở ngại nào không thể giải quyết được trong đàm phán COC ? Rắc rối lớn nhất ở Biển Đông không đến từ các quốc gia trong khu vực mà đến từ sự xáo trộn của các thế lực bên ngoài, nhằm biến Biển Đông thành biển xung đột, biển chiến tranh" [6] .

Đây là cách mà Trung Quốc luôn muốn đẩy quả bóng trách nhiệm của mình ra ngoài, cụ thể là ám chỉ Mỹ.

Thậm chí, tờ báo tuyên truyền của Bắc Kinh này còn viết : "Với COC đóng vai trò quan trọng, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã trở thành ví dụ thành công và năng động nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ký kết hiệp định thương mại tự do và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau, đầu tư song phương tiếp tục mở rộng, trao đổi nhân sự tích cực. Các báo cáo cho thấy Biển Đông đã trở thành một trong những vùng biển an toàn và tự do nhất cho hàng hải trên thế giới hiện nay. Đây là đóng góp đáng kể của Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cho cộng đồng quốc tế, đồng thời thể hiện những tác động tích cực mà COC mang lại" [7] .

Trong khi trên thực tế, kể từ năm 2002 khi hai bên ký kết DOC, một văn bản không có tính ràng buộc mà chỉ thể hiện ý chí chính trị của các bên tham gia, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hoá hàng loạt thực thể trên vùng biển này, và hung hăng đối đầu với các nước nhỏ hơn bằng cách áp dụng chiến thuật "vùng xám". Điều này khiến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp bởi yêu sách của Trung Quốc, tỏ ra chán nản với triển vọng về việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử với cường quốc số hai thế giới, không những thế, hành xử của Trung Quốc trên thực địa, cũng đặt dấu hỏi lớn về việc liệu nước này có tuân thủ cam kết ngay cả khi một bộ quy tắc ứng xử đã được ký kết.

phi2

Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra trên biển. AFP

Việt Nam và Malaysia cần hưởng ứng

Cho đến nay, cả Việt Nam và Malaysia vẫn chưa đưa ra bất cứ phát biểu gì về sáng kiến của Tổng thống Marcos Jr. Có thể cả hai quốc gia này vẫn còn lo ngại lập trường không ổn định của Philippines, khi liên tục "xoay chiều", nhưng cũng có thể hai quốc gia này đang e ngại Bắc Kinh.

Malaysia từ khi Thủ tướng Anwar nắm quyền, đã thể hiện rõ xu hướng "xoay trục về Trung Quốc", điều này đã được nhiều nhà phân tích chỉ ra [8] .

Đối với Việt Nam, chính sách của Việt Nam với Biển Đông khá mơ hồ. Mặc dù Việt Nam luôn tuyên bố giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông, nhưng Việt Nam dường như rất nhún nhường trước Trung Quốc. Đã có tin tức cho biết, đầu tháng 12 sắp tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm để "phủ dụ" Hà Nội, nhằm cân bằng và thể hiện vai trò "trên cơ" của Bắc Kinh trước Washington, trong quan hệ với Việt Nam, sau khi Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất hồi tháng 9 vừa qua.

Đã có một số ý kiến cho rằng các nước Đông Nam Á trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần thiết lập một số cơ chế phối hợp như tuần tra chung chẳng hạn, điều này sẽ tạo áp lực trước Trung Quốc. Chính vì vậy, với sáng kiến này của Philippines, cả Việt Nam và Malaysia phải nhiệt tình hưởng ứng, chứ không nên để Philippines "lẻ loi", cho dù ASEAN luôn kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên.

Trước một Trung Quốc chọn "vũ lực" để khẳng định các yêu sách của mình, việc các nước khác phải đầu tư mọi nguồn lực ngoại giao trong đàm phán đa phương ở quy mô thu hẹp dường như hợp lý hơn là trong một khuôn khổ ASEAN vận hành theo cơ chế đồng thuận. Tuy nhiên, liệu Việt Nam và Malaysia có đủ "can đảm" để nắm lấy cơ hội này hay không, đó là một câu chuyện khác.

Hà Lê Chi

Nguồn : RFA, 22/11/2023

Tham khảo :

[1] https://www.pna.gov.ph/articles/1214037

[2] https://thediplomat.com/2023/11/philippines-seeks-greater-regional-cooperation-on-south-china-sea-disputes/

[3] https://thediplomat.com/2023/11/a-south-china-sea-code-of-conduct-cannot-be-built-on-a-foundation-of-bad-faith/

[4] https://thediplomat.com/2023/11/philippines-seeks-greater-regional-cooperation-on-south-china-sea-disputes/

[5] https://x.com/MFA_China/status/1726569617752273394?s=20

[6] https://www.globaltimes.cn/page/202311/1302261.shtml

[7] https://www.globaltimes.cn/page/202311/1302261.shtml

[8] https://www.iiss.org/en/online-analysis/online-analysis/2023/05/anwars-trip-to-china-and-the-direction-of-malaysias-foreign-policy/

Additional Info

  • Author Hà Lệ Chi
Published in Diễn đàn

Campuchia kêu gọi ký kết COC

Mới đây, Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN năm nay, đồng thời là một "đồng minh thân thiết", luôn bảo vệ cho các lợi ích của Trung Quốc trong các hội nghị tại ASEAN, lại cho rằng đã đến lúc phải chuyển Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thành "quy tắc ứng xử" (COC) nhằm đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.

coc1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tham dự Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Washington DC hôm 13/5/2022 - AFP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được hãng tin AKP (Hãng thông tấn quốc gia Campuchia) công bố ngày 21/7, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhom cho rằng cần phải có "quy tắc ứng xử" ở Biển Đông để tránh xảy ra vi phạm và đối đầu giữa tất cả các nước liên quan, bao gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam (1 ).

DOC được ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 11/2002, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận đa phương về vấn đề này.

Ngoại trưởng Prak Sokhom khẳng định, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia cam kết giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong khu vực liên quan đến Biển Đông. Theo ông, năm nay đánh dấu 20 năm DOC được ký kết tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia : "DOC này đã đủ lâu để biến thành quy tắc ứng xử’ vì hòa bình và ổn định của khu vực. Quy tắc ứng xử’ có thể đã được thống nhất trong những năm trước, nhưng đã bị trì hoãn vì các quốc gia đang bận rộn với cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19". (2 )

Campuchia có thực tâm ?

Điều Ngoại trưởng Campuchia nói nghe thật nực cười, vì Campuchia - nước đã hai lần chặn các tuyên bố chung của ASEAN khi nêu ra các vấn đề bất lợi cho Trung Quốc, nay lại nói về COC.

Thậm chí gần đây, sau nhiều lần phủ nhận, chính quyền Hun Sen đã chính thức thừa nhận việc quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream nằm trên Vịnh Thái Lan.

Nhiều người đã cho rằng Campuchia đã hành động theo lệnh của Trung Quốc khi nước này cản trở tuyên bố chung của ASEAN năm 2012 vì đề cập các hành động theo chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh ở trên biển – lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, tổ chức này đã không ra được tuyên bố chung. Xu hướng cản trở vào thời điểm quan trọng này đặt các nước ven Biển Đông của ASEAN vào thế bất lợi với Trung Quốc. Bắc Kinh vốn ngay từ đầu đã tìm cách cô lập các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này trong các cuộc đàm phán song phương thay vì giao thiệp với một khối thống nhất.

Giờ đây, trong vai trò chủ tịch ASEAN lần thứ ba, Campuchia tiến tới làm phức tạp vấn đề bằng cách mở cửa cho các lực lượng Trung Quốc hoạt động ngay trước cửa ngõ các quốc gia láng giềng. Mặc dù đường bờ biển ngắn của Campuchia không đem lại cho nước này khả năng tiếp cận trực tiếp với Biển Đông, nơi những đòi hỏi chủ quyền rộng lớn trên biển của Trung Quốc không được công nhận theo luật pháp quốc tế và đang có tranh chấp giữa các quốc gia ven biển, nhưng vị trí của Campuchia có thể vẫn được sử dụng để hỗ trợ Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong các sứ mệnh của họ ở Đông Nam Á.

Mặc dù căn cứ Ream hầu như không làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, song một điểm tựa cho hải quân Trung Quốc bên trong khu vực Đông Nam Á đem lại cho Bắc Kinh lợi thế đáng kể trong việc thúc đẩy các yêu sách trên biển của Trung Quốc trong khu vực. Sự hiện diện của Trung Quốc gần tiền đồn của các quốc gia thành viên ASEAN ở Biển Đông - hiện được hỗ trợ bởi các căn cứ được Trung Quốc xây dựng trên các bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa - sẽ được củng cố đáng kể bằng việc tiếp cận một cảng ven biển phát triển với các cơ sở bảo dưỡng và nguồn tiếp tế đảm bảo cho các tàu được triển khai của họ.

Mặc dù Campuchia có thể đang hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của chính họ, điều quan trọng là phải xem những hành động của họ có thể được diễn giải như thế nào ở các quốc gia láng giềng, và tác động đối với an ninh hàng hải của khu vực có thể sẽ như thế nào nếu căn cứ này được mở cho các hoạt động của Trung Quốc. Xét về bản thân ASEAN, động thái của Campuchia là một bước đi nữa trong xu hướng gây bất an. Việc nhà lãnh đạo Hun Sen xích lại gần hơn Trung Quốc trong nhiều năm qua không có gì là bí mật. Gạt sang một bên những khuynh hướng độc tài của ông, Hun Sen lãnh đạo một nhà nước bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và bạo lực đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực đầu tư và phát triển để phục hồi. Đó là lý do ông tìm kiếm sự hỗ trợ, và Bắc Kinh đã chìa tay ra. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai Campuchia đã sử dụng năm làm chủ tịch ASEAN của mình để tiến hành một động thái đơn phương làm xói mòn lợi ích của các đối tác khu vực.

Các nhà lãnh đạo Campuchia luôn kín tiếng về việc các lực lượng Trung Quốc sẽ được tiếp cận Ream như thế nào, vì vậy ở giai đoạn này, rất khó để biết được mức độ ảnh hưởng của việc này đối với các quốc gia láng giềng của Campuchia. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Campuchia đã thiết lập một tiền lệ đáng lo ngại cho việc tạo điều kiện cho các nỗ lực của Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông. Động thái đó được Campuchia thực hiện với tư cách là Chủ tịch ASEAN có lẽ nên được các quốc gia thành viên khác của tổ chức này xem xét một cách thận trọng.

Nếu các lực lượng trên biển của Bắc Kinh tiếp cận được Ream, chính quyền Jakarta phải đề phòng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc gần các khu vực tuyên bố chủ quyền trên biển của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, nơi các lực lượng trên biển của Trung Quốc ngăn cản một cách trắng trợn các nỗ lực thực thi pháp luật của Indonesia nhằm tuần tra khu vực này. Những thách thức tương tự có thể xảy ra ở bãi cạn Luconia do Malaysia quản lý và Bãi Tư Chính – một rạn san hô ngoài khơi bờ biển Nam Trung Bộ của Việt Nam.

coc2

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở tỉnh Preah Sihanouk. Hình : AFP

Thực chất sau tuyên bố của Campuchia

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây đưa tin rằng, trong một hội nghị ngày 25/7, các quan chức Trung Quốc và những nước thuộc ASEAN đã ca ngợi DOC là một văn kiện quan trọng mang tính bước ngoặt đóng vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong 20 năm qua. Các bên đã nhất trí rằng Trung Quốc và các thành viên ASEAN cần tập trung vào hợp tác, tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận song phương trong giải quyết vấn đề Biển Đông và mong muốn sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) (3) .

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng "nhắc nhở" các nước ASEAN chống lại sự can thiệp của các "thế lực bên ngoài" trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đây là chủ trương Bắc Kinh luôn luôn đưa ra để thúc giục các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích một số nước lớn vì liên tục gia tăng sự can dự của họ vào khu vực Biển Đông nhằm duy trì quyền bá chủ, cố tình leo thang căng thẳng và kích động các cuộc đối đầu, đồng thời gây nguy hại cho các quyền và lợi ích hợp pháp của những quốc gia ven biển cũng như trật tự hàng hải thông thường ; kêu gọi Trung Quốc và các thành viên ASEAN thể hiện rõ thái độ : "Nếu bạn đến vì hòa bình và hợp tác, chúng tôi hoan nghênh bạn. Nếu bạn đến đây để gây rắc rối hoặc gây thiệt hại, xin hãy rời đi !" (4).

Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc và các thành viên ASEAN nên duy trì giới hạn chót vì hòa bình. Biển Đông không phải là một "bãi săn" cho các quốc gia bên ngoài khu vực, càng không nên trở thành một "đấu trường" cho cuộc chơi giữa các nước lớn. Cần kiên quyết phản đối bất kỳ lời nói và việc làm nào gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực.

Trước đó, ngày 11/7, phát biểu khi đến thủ đô Indonesia, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thúc giục các nước ASEAN "tránh trở thành những quân cờ của các cường quốc thế giới" mà ông cáo buộc có mục đích nhằm biến đổi địa chính trị ở khu vực.

Những lời nói của ông Vương Nghị không gì khác hơn là nhắm vào quốc gia đối thủ mạnh nhất mà Trung Quốc luôn e dè, đó là Hoa Kỳ.

Như vậy, tuyên bố thúc đẩy COC của Campuchia không gì khác hơn là việc quốc gia này đã "phối hợp" với Trung Quốc để "diễn sâu" trong câu chuyện COC, nhưng với mục đích quan trọng là dùng COC để đẩy ảnh hưởng và vai trò của các cường quốc như Mỹ ra khỏi cuộc chơi này.

Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông và Đông Nam Á tại Chatham House (Anh Quốc) trước đó đã cảnh báo : "Với việc Campuchia làm chủ tịch ASEAN vào năm 2022, lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận được cơ hội vì trong thời gian Campuchia làm chủ tịch trước đó mười năm, họ đặc biệt thân thiện với các lợi ích của Trung Quốc…" (5).

Cho đến nay, sau các cuộc đàm phán, COC mới chỉ đạt được một bản dự thảo cơ bản vào năm 2019, dự kiến phải đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2021, nhưng đến giờ vẫn không có. Trong khi đó, khi bị thúc giục đàm phán ký kết COC, Bắc Kinh đã hơn một lần nói sẽ ký khi tới lúc "chín muồi", nhưng thực ra là cố tình trì hoãn để nhân cơ hội biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo và xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, tân tiến.

Nguyễn Vân Anh

Nguồn : RFA, 28/07/2022

Tham khảo :

1. https://theasiatoday.org/china/cambodia-calls-for-code-of-conduct-to-avoid-south-china-sea-conflict/

2. https://theasiatoday.org/china/cambodia-calls-for-code-of-conduct-to-avoid-south-china-sea-conflict/

3. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271383.shtml

4. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271383.shtml

5. https://www.chathamhouse.org/2022/01/new-alignments-are-looming-south-china-sea

Additional Info

  • Author Nguyễn Vân Anh
Published in Diễn đàn