Hải quân Mỹ cử chiến hạm đến ‘xông đất’ ở Biển Đông
Trân Văn, VOA, 29/01/2020
Stars and Stripes – cơ quan truyền thông chuyên cung cấp thông tin, bình luận liên quan đến hoạt động của quân đội Mỹ - vừa cho biết : Chiến hạm USS Montgomery vừa "xông đất" ở Biển Đông.
USS Montgomery tại căn cứ Changi Naval Base, Singapore. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 2nd Class Tristin Barth)
Hôm 25 tháng 1 (mùng 1 tháng Giêng âm lịch), USS Montgomery đã dạo một vòng quanh Johnson Reef (bãi đá Gạc Ma) và Fiery Cross Reeef (bãi đá Chữ Thập). Đây là hai trong số bảy bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam vào cuối thập niên 1980 và đã bồi đắp thành bảy hòn đảo nhân tạo.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, USS Montgomory là chiến hạm đầu tiên thực hiện cuộc tuần tra trong năm 2020 ở Biển Đông nhằm chứng minh, Mỹ sẽ không từ bỏ quyền tự do hàng hải ở vùng biển này. Những cuộc tuần tra như thế ở Biển Đông còn nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Đại tá Joe Keily, Phát ngôn viên của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, nói thêm, ngoài Trung Quốc, những yêu cầu tương tự của Việt Nam, Đài Loan về việc phải được cho phép hoặc phải thông báo trước khi chiến hạm của quốc gia nào đó chỉ băng qua lãnh hải hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đó cũng là lý do USS Montgomery không xin phép, cũng không thông báo với bất kỳ quốc gia nào khi tiến vào quần đảo Trường Sa, băng ngang bãi đá Gạc Ma và bãi đá Chữ Thập. Đại tá Keily nhấn mạnh, cả Công ước về Biển lẫn luật pháp quốc tế đều không giới hạn quyền qua lại một cách ôn hòa trong lãnh hải của quốc gia nào đó.
Trong email trao đổi với Stars and Stripes, Đại tá Keiley chú thích, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan cùng đòi chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Còn Philippines, Malaysia và Brunei thì đòi chủ quyên trên một phần quần đảo này. Mỹ không công nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào trên quần đảo này.
Trước nay, các chuyến hải hành băng ngang Biển Đông, dạo quanh các đảo ở cả quần đảo Trường Sa lẫn quần đảo Hoàng Sa của những chiến hạm thuộc Hải quân Mỹ đều nhằm khẳng định, Mỹ không từ bỏ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Riêng đối với quần đảo Trường Sa, năm ngoái, Mỹ đã từng cử ba chiến hạm USS Spruance, USS Preble và USS Chung Hoon dạo quanh các căn cứ hỏa lực mà Trung Quốc xây dựng trên những đảo nhân tạo (bồi đắp trên những bãi đá đã cưỡng đoạt của Việt Nam) tại quần đảo này.
Sự kiện USS Montgomery "xông đất" ở Biển Đông có vài điểm đáng chú ý : Diễn ra ngay vào ngày đầu tiên – ngày đặc biệt nhất của năm âm lịch. Không biết có phải vì vậy mà không thấy Trung Quốc phản đối USS ngay lập tức hoặc cảnh cáo, bám theo nhằm răn đe như thường thấy (?). Một yếu tố khác với thường lệ nữa là đại diện Hải quân Mỹ nhấn mạnh yếu tố "thách thức" cả Việt Nam và Đài Loan như những thực thể ngang hàng với Trung Quốc trong yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/01/2020
Chú thích
********************
Tàu chiến Mỹ đi gần đảo tranh chấp ở Biển Đông lần đầu trong năm 2020
VOA, 29/01/2020
Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ Ba 28/1 cho biết họ điều một tàu chiến đi gần quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp ở Biển Đông vào hôm 25/1. Đây là nơi có các đảo đã được Trung Quốc xây kiên cố.
Tàu chiến đấu duyên hải biến thể độc lập USS Montgomery (LCS 8) hoạt động ở Biển Đông. Ảnh hải quân
Động thái của Mỹ được xem là cuộc hành quân vì tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên trong năm 2020.
Người phát ngôn của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, nói với tờ Japan Times rằng tàu USS Montgomery, một tàu chiến đấu tiên tiến, đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Hạm đội 7, Trung úy Joe Keiley, cho biết cuộc FONOP mới nhất này "giữ vững các quyền pháp lý, quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển", đồng thời nói thêm rằng tàu Montgomery đã thách thức những hạn chế mà Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đặt ra đối với việc qua lại vô hại.
Tàu Montgomery đã đi qua gần bãi Chữ Thập do Trung Quốc nắm giữ, nơi có đường băng đạt chuẩn quân sự dài 3.000 mét và bãi Gạc Ma, các ảnh của Lầu Năm Góc cho thấy.
Người phát ngôn nói rằng Hoa Kỳ "giữ vững nguyên tắc về quyền tự do hàng hải", và các cuộc hành quân "được tiến hành một cách ôn hòa và không thiên vị có lợi hay bất lợi cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào".
"Tự do đi lại hàng hải ở Biển Đông là một phần trong các hoạt động hàng ngày của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ trên toàn khu vực", ông nói thêm.
Sau đó trong cùng ngày 28/1, quân đội Trung Quốc nói lực lượng không quân và hải quân của họ đã "đuổi" tàu chiến Mỹ khi tàu đi gần quần đảo.
Hải quân Hoa Kỳ lâu nay làm Bắc Kinh tức giận khi thường xuyên tiến hành các FONOP gần một số hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở vùng biển, bao gồm các đảo nhân tạo nhỏ của Trung Quốc. Việc làm của Mỹ khẳng định rằng tự do ra vào vùng biển là điều rất quan trọng đối với tuyến đường thủy quốc tế này.
(Japan Times, South China Morning Post)
*******************
Tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông ngày đầu năm mới
RFA, 29/01/2020
Tàu chiến của Hải quân Mỹ vừa thực hiện chuyến tuần tra trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông lần đầu tiên trong năm 2020.
Hình chụp tàu USS Montgomery đang hoạt động trên Biển Đông. Hình minh họa. Pinterest
Trang tin NHK của Nhật trích nguồn tin từ Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu USS Montgomery vừa đi qua khu vực quần đảo Trường Sa hôm 25/1 vừa qua.
Người phát ngôn Hạm đội 7 Joseph Keiley nói với NHK rằng “Hoa Kỳ sẽ cho máy bay và tàu đi qua, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, dù địa điểm đó có phải là vùng đòi chủ quyền trên biển quá mức hay không”.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra khu vực này.
Từ năm 2015, Hoa Kỳ đã tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải nhằm thách thức các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu chiến của Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Năm 2019, Hải quân Mỹ đã thực hiện khoảng 8 chuyến tuần tra ở Biển Đông, chuyến cuối cùng là vào tháng 11 khi tàu USS Wayne E. Meyer đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động của tàu chiến mỹ ở Biển Đông, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và làm mất ổn định trong khu vực.
********************
Mỹ điều tầu chiến tuần tra "khai xuân" ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 28/01/2020
Tầu khu trục USS Montgomery thuộc Hạm Đội 7 của Mỹ đã thực hiện một chuyến tuần tra gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vào ngày 25/01/2020. Thông tin được phát ngôn viên Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, đại úy Joe Keiley, xác nhận với trang Japan Times của Nhật Bản ngày 28/01.
Ảnh minh họa chụp ngày 04/09/2019 : Tàu chiến USS Montgomery của Hải quân Hoa Kỳ trong một cuộc tập trận hàng hải Mỹ-ASEAN. Alexandra SEELEY / US NAVY / AFP
Đây là chuyến tuần tra đầu tiên trong năm 2020 tại Biển Đông của Hải Quân Mỹ và nằm trong khuôn khổ chiến dịch FONOP vẫn được Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện nhằm "khẳng định các quyền và quyền tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Phát ngôn viên Hạm Đội 7, đóng tại Yokosuka (Nhật Bản), nhắc lại "các hoạt động vì tự do lưu thông ở Biển Đông nằm trong các chiến dịch thường xuyên của lực lượng quân sự Mỹ ở khắp khu vực". Chuyến tuần tra của tầu khu trục Montgomery còn nhằm "phản đối mọi sự hạn chế về việc qua lại vô hại mà Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt".
Theo nhận định của Japan Times, chuyến hải trình đầu tiên trong năm 2020 ở Biển Đông được Hải quân Mỹ tiến hành trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc trên tuyến đường thủy chiến lược và Trung Quốc đang phải chống chọi với nạn dịch virus corona mới.
Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, khủng hoảng ở Hồng Kông…, nhưng Bắc Kinh sẽ không hoàn toàn từ bỏ việc gây sức ép và gia tăng các hoạt động khiêu khích với các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông, theo nhận định của ông Collin Koh, chuyên gia về hải quân, thuộc Chương trình An ninh Hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, ở Singapore. Nhiều chuyên gia dự đoán Biển Đông có thể sẽ trở thành điểm nóng trong năm 2020.
Thu Hằng