Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan về chính trị lẫn y tế

Tại Trung Quốc, 13 triệu người dân thành phố Tây An đã bị phong tỏa hoàn toàn vì số ca nhiễm mới gia tăng, một minh họa mới về chiến lược "zero covid" của Bắc Kinh. Nhưng với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, dễ lây lan hơn, chính sách này ngày càng khó thực thi. Thách thức về cả y tế và chính trị đang được đặt ra cho Trung Quốc trước thềm Thế Vận Hội Mùa đông 2022 và Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 20. 

zero1

Chiến lược zero-Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến Thượng Hải phải hủy hàng trăm chuyến bay và đóng cửa một số trường học.  STR AFP

Năm tuần trước khi Thế Vận Hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc, Trung Quốc phải đối phó với một đợt dịch bùng phát mạnh đo tác động của biến thể Omicron. Báo l’Opinion, số ra ngày 28/12/2021, nhận định : "Giới chức Trung Quốc không chỉ đau đầu vì số ca nhiễm gia tăng, mà còn lo ngại về khả năng duy trì chiến lược zero covid" được thực hiện từ đầu dịch vào tháng 01/2020.

Chiến lược "không khoan nhượng" 

Trong hai năm qua, và nhất là những tháng cuối năm, với sự xuất hiện của các biến thể mới, chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay can thiệp nhằm ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh, không ngần ngại xét nghiệm toàn dân, cô lập các vùng có ca nhiễm, ngay cả khi cái giá của việc này là làm tê liệt nhiều hoạt động của quốc gia.

Không vùng nào "thoát khỏi" chiến lược này, gần đây nhất là thành phố Tây An, ở phía tây bắc của Trung Quốc : 13 triệu dân đã bị phong toả. Ca nhiễm đầu tiên được báo cáo vào ngày 9/12, ngay sau đó số ca nhiễm liên tục gia tăng và lây lan trong cộng đồng. Đến ngày thứ tư 29/12, Tây An ghi nhận thêm hơn 150 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1100. (Trong cùng một ngày, tại Pháp, số ca nhiễm mới lên đến 200 000). Các biện pháp được thực hiện ở Tây An được cho là quyết liệt nhất kể từ khi thành phố Vũ Hán bị cô lập hoàn toàn từ đầu dịch. Không ai có thể ra vào thành phố, mỗi hộ chỉ một người được phép rời khỏi nhà đi mua nhu yếu phẩm cứ ba ngày một lần. Tất cả các cửa hàng không thiết yếu đã bị đóng cửa và hàng chục nghìn cư dân được yêu cầu xét nghiệm. Hôm thứ Hai, 27/12, chính quyền thông báo việc áp dụng các biện pháp mới, nghiêm ngặt hơn, nhưng chưa nêu cụ thể những biện pháp nào.

Niềm an nủi nhỏ nhoi 

Bắc Kinh cũng đã xử phạt 6 quan chức địa phương, bị buộc tội xử lý chậm trễ, gây bùng phát dịch, liên quan đến 6 ca nhiễm mới ở Tây An bắt nguồn từ hành khách đến từ Pakistan. Chính quyền địa phương nhanh chóng nói rằng không ai trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính ở Tây An mang biến thể Omicron. Nhưng theo nhà virus học Jon Dong Yan, được báo South China Morning Post trích dẫn, đây chỉ là một "niềm an ủi nhỏ nhoi" cho Bắc Kinh, vì đợt bùng phát này, trên tất cả, chứng minh rằng "ngay cả khi việc phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc rất tốt, những sơ hở trong kiểm soát biên giới vẫn cho phép virus lây lan". 

Pháo đài bất khả xâm phạm bị rạn nứt 

Kênh truyền hình Pháp France 24 nhận xét, cách đây một tháng, Trung Quốc vẫn còn tự "vỗ ngực dương oai" về chiến lược "zero covid" này, được thực hiện trên cả nước và có thể ngăn chặn dịch lây lan trong vòng một tháng. Đối với Bắc Kinh, đây là bằng chứng cho thấy chiến lược "không khoan nhượng" là biện pháp đúng đắn khi đối mặt với sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm. Kênh truyền hình quốc gia, thời điểm đó, đã mô tả Trung Quốc như một "pháo đài bất khả xâm phạm". Tờ báo Hoàn Cầu Thời Báo nhận định rằng "mọi người phải tự hỏi rằng liệu chiến lược zero covid của Trung Quốc có kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn không, vì các quốc gia khác cũng đang bắt đầu đối mặt với các làn sóng dịch mới, áp đặt lại các hạn chế do số ca nhiễm với biến thể Omicron gia tăng". 

Thế nhưng, kể từ giữa tháng 12, "pháo đài" Trung Quốc dường như bị rạn nứt. Ngày 13/12, Bắc Kinh thông báo đã phát hiện ra hai ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trên chuyến bay trở về từ Canada. Gần 10 ngày sau đó, 9 ca nhiễm biến thể mới, có độ lây can cao đã chính thức được xác định trên lãnh thổ Trung Quốc. Con số này không có gì đáng nói so với các nước phải đối mặt với hàng chục, trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng đối với quốc gia không "khoan dung" đối với bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào, thì con số này là rất lớn.

Quản lý nhiều lỗ hổng trước thềm Thế Vận Hội 

Theo South China Morning Post, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát Omicron lớn hơn, mặc dù chiến lược "zero covid" vẫn có thể có hiệu quả chống lại biến thể mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải xử lý các lỗ hổng và phân bổ nguồn lực để ứng phó với thách thức lớn hơn. Thế Vận Hội Mùa đông cận kề đồng nghĩa với việc một số biện pháp kiểm soát tại các cửa khẩu sẽ bị nới lỏng. Hàng nghìn vận động viên và đại biểu có thể vào Trung Quốc mà không cần qua kiểm dịch và cách ly nếu đã được tiêm chủng đầy đủ. Liều tăng cường được khuyến khích, nhưng không bắt buộc. 

Vac-xin Trung Quốc khó chống lại biến thể mới

Vấn đề tiêm chủng cũng là một vết nứt khác của "tường thành" Trung Quốc. Khoảng 80% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vac-xin, ngay cả với trẻ dưới 3 tuổi. Theo South China Morning Post, trích dẫn nghiên cứu chung của đại học Hồng Kông và đại học Hồng Kông Trung Quốc, hai liều vac-xin, chủ yếu được sử dụng trong chương trình tiêm chủng của Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, tạo ra rất ít kháng thể, "nếu không muốn nói là gần như không cung cấp kháng thể chống lại biến thể Omicron". Ngay cả với ba liều vắc-xin Sinovac cũng không mang lại "khả năng bảo vệ đầy đủ" đối với biến thể mới. 

Trên mạng Twitter, nhà virus học Tulio de Olivera, đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi, một trong những người đã phát hiện ra biến thể mới nhất của Covid-19, nghi ngờ rằng "Trung Quốc sẽ khó có thể duy trì chiến lược zero covid". 

Trung Quốc có nên từ bỏ "zero covid", sống chung với virus ? 

Đối với biến thể Omicron, số lượng ca nhiễm "thường tăng gấp đôi cứ sau hai hoặc ba ngày, điều này khiến việc truy tìm ca bệnh - cần thiết nếu chúng ta muốn áp dụng chính sách 'zero covid' - rất khó khăn", theo Kwok Kin-on, nhà dịch tễ học từ Đại học Hồng Kông Trung Quốc, trả lời trên báo South China Morning Post. Và để đạt được điều này, chính phủ Trung Quốc "sẽ buộc phải phân bổ nhiều nguồn lực tài chính hơn nữa để chống lại sự lây lan của virus, có thể làm chậm nghiêm trọng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc", theo nhận định của Financial Times. 

Theo Lawrence Gostin, chuyên gia về các vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Đại học Georgetown ở Washington, trả lời trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), đây là lý do tại sao Bắc Kinh "sẽ phải tự liên kết với các nước khác và áp dụng chính sách sống chung với virus hơn là diệt trừ nó". 

"Nếu từ bỏ, đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại" 

Theo ông Lee Poon, nhà virus học Hồng Kông, được Financial Times trích dẫn, lựa chọn đầu tiên mà chính phủ Trung Quốc từ chối xem xét, đó là lý do chính trị. Trước thềm Thế Vận Hội Mùa đông, Đảng cộng sản Trung Quốc muốn duy trì hình ảnh của chiến lược "zero covid", hiện vẫn đang được thi hành. Chanel News Asia thì lại cho rằng không có chuyện Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách y tế vào năm sẽ diễn ra đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản - được cho là sẽ tán thành nhiệm kỳ thứ ba của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trên thực tế, vị lãnh tụ tối cao của quốc gia này chính là người đã thúc đẩy chính sách zero covid, và "từ bỏ chính sách thì chẳng khác gì thừa nhận thất bại". 

Hệ thống y tế chưa sẵn sàng 

Theo các chuyên gia y tế được France 24 trích dẫn, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc "chưa sẵn sàng" cho chính sách "sống chung với virus" theo kiểu phương Tây. Vào cuối tháng 11/2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu dự đoán "sự bùng nổ thảm khốc" các ca nhiễm mới, nếu nước này từ bỏ đường lối cứng rắn để hạn chế sự lây lan của virus corona. Nghiên cứu chỉ ra việc phải đối mặt với hàng trăm nghìn ca mới mỗi ngày và sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống y tế. Theo chuyên gia về chính sách y tế, thuộc đại học Yale, được Voice of America trích dẫn, "Trung Quốc không đủ khả năngxử lý một lượng lớn bệnh nhân". Ví dụ cụ thể là số y tá trên 1000 dân ở Hoa Kỳ cao gấp bảy lần so với Trung Quốc. 

Vì lý do trên, mà theo Capital Economics, công ty phân tích kinh tế của Anh, được Washington Post trích dẫn, việc duy trì chiến lược "zero covid" không chỉ là một lựa chọn chính trị để chứng minh rằng Trung Quốc đang làm tốt hơn hầu hết các quốc gia khác. Điều này cũng thể hiện "sự cấp thiết y tế trong khi chờ đợi chiến dịch tiêm chủng - cho phép dân số đạt được miễn dịch cộng đồng". 

Do đó, Bắc Kinh dường như bị mắc kẹt giữa chiến lược "zero covid" có vẻ không phù hợp với các biến thể rất dễ lây lan và sự chuyển hướng sang cách tiếp cận "phương Tây" trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh có thể dẫn đến "thảm họa y tế" ở Trung Quốc. France 24 kết luận rằng, những thách thức đó đang được đặt ra với Bắc Kinh vào lúc sắp chuyển qua một năm mới rất nhạy cảm về mặt chính trị đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Chi Phương

Nguồn : RFI, 30/12/2021

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Diễn đàn

Bài viết này chỉ rõ 3 đặc khu kinh tế không nằm trong chiến lược phát triển của Việt Nam, lại nhằm phục vụ chiến lược "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc.

badackhu1

Sáng 10/06/2018, hàng chục ngàn người Việt tại Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nghệ An, Hải Dương và nhiều nơi khác đã xuống đường phản đối Dự Luật về ba Đặc khu

Trước phản ứng chống lại việc thành lập 3 đặc khu của người dân, khuya 8/6/2018 Bộ Chính trị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và 3 giờ sáng 9/6/2018, nhà cầm quyền cộng sản phải ra thông báo lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp Quốc hội lần tới.

Đảng Cộng sản chỉ lùi thời gian thông qua chứ không phải bỏ ý định thành lập 3 Đặc khu. Khi Đạo luật về đặc khu được thông qua sẽ chính thức công nhận di dân kinh tế từ Trung Quốc.

Vì thế không phải thời gian cho thuê đất 10, 20, 50 hay 99 năm mà chính là Đạo Luật cho phép di dân Trung Quốc sẽ là nỗi đe dọa đến quyền lợi dân tộc Việt Nam.

Chiến lược Việt Nam

Mục tiêu thành lập 3 đặc khu được biết là xây dựng 3 nơi này (và chỉ 3 nơi này) thành khu vực có nền kinh tế thị trường hoàn toàn tự do, hiện đại, hội nhập có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Ngày 9/3/2018, Việt Nam và 10 quốc gia khác chính thức ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP). Mục tiêu của Hiệp định là gỡ bỏ mọi rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hiệp định chính là mục tiêu chiến lược của Việt Nam. Vì thế luật pháp và hành chính Việt Nam cần điều chỉnh theo hướng bảo đảm kinh tế thị trường có thể phát triển, đủ hấp dẫn thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam, để Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh thương mãi quốc tế và nhất là để tuân thủ các điều khoản Hiệp Định vừa được ký kết.

Tại sao chỉ tập trung vào 3 đặc khu mà không phải cả nước ? Rõ ràng dự luật đã mâu thuẫn với Hiệp Định và với chiến lược Việt Nam đang đeo đuổi.

Chiến lược Trung Quốc

Chiến lược "Một vành đai - Một con đường" được biết là sáng kiến của Tập Cận Bình cho đổ vốn đầu tư xây dựng một vòng đai chạy dọc bờ biển Á, Âu và Phi nhằm bảo đảm an ninh hàng hải, bảo vệ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu và hàng hóa xuất nhập Trung Quốc.

Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng chi ra những ngân khoản thật lớn lên đến cả ngàn tỷ Mỹ Kim đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các đặc khu tại các nơi dọc theo con đường chiến lược này.

Tại sao Việt Nam xây dựng 3 đặc khu cùng một lúc ? Vì cả ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều nằm trên con đường chiến lược "Một vành đai, Một con đường" này.

Không tiền để xây dựng hạ tầng cơ sở cho 3 đặc khu cùng một lúc, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đi vay, và nguồn vốn vay được sẽ đến từ Trung Quốc.

Việt Nam trong cảnh nợ quốc tế vượt mức báo động, nay chồng thêm nợ vay xây dựng đặc khu. Không tiền trả nợ dẫn đến nguy cơ cả 3 đặc khu trở thành những nhượng địa cho Trung Quốc.

Chiến lược bá quyền Trung Quốc

Cụm từ bá quyền Trung Quốc do chính Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra và ghi rõ trong Hiến pháp 1980.

Chiến lược bành trướng được biết đã có từ thời Mao Trạch Đông bằng mọi cách phải chiếm biển, chiếm đất, di dân bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chiến tranh biên giới, chiếm thác Bản Giốc, nhiều phần lãnh thổ, đường 9 đoạn chữ U, việc xây dựng các căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liên tục tấn công ngư dân Việt trên biển Đông là những bằng chứng không thể chối cãi mộng bành trướng bá quyền Trung Quốc.

Ba đặc khu trải dài từ biên giới phía Bắc xuống tận miền Nam khi di dân Trung Quốc tràn ngập 3 nơi này xem như Trung Quốc đã hoàn toàn khống chế biển Đông mặt tiếp giáp với Việt Nam.

Bài học đặc khu tự trị người Hoa trên đất Lào

Với kỳ vọng xây dựng một khu công nghệ kỹ thuật cao, Lào ký hợp đồng cho một doanh nhân Hong Kong thuê đất trong vòng 30 năm để xây dựng Đặc khu Boten bắt đầu từ năm 2003.

Nhưng Đặc khu biến thành một Casino chỗ chơi cờ bạc, chứa chấp thành phần bất hảo, tệ nạn xã hội, cuối cùng Casino bị chính nhà cầm quyền Trung Quốc ra lệnh đóng cửa.

Đặc khu Boten điều hành theo luật lệ của Trung Quốc, sử dụng tiền Trung Quốc, nói và viết tiếng Hoa… Ai muốn sống trong đặc khu phải học tiếng Hoa và sống theo tập tục của người Hoa. Hầu hết dân Lào phải rời đi nơi khác vì không phù hợp với văn hóa, với lề luật, với môi trường sống quá đắt đỏ và phức tạp tại đây.

Mặc dầu Đặc khu Boten hoàn toàn thất bại, di dân Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại và chỉ trong một thập niên Boten đã trở thành một khu tự trị của di dân từ Trung Quốc.

Đầu cơ đất và thu hồi đất

Việc thành lập 3 đặc khu đang trong vòng tranh cãi thì giá đất tại Phú Quốc tăng vọt và việc cưỡng chế đất cũng gia tăng.

Khi Quốc hội thông qua luật về 3 đặc khu giá đất sẽ tiếp tục tăng. Mặt khác diện tích đất tại 3 đặc khu vốn có giới hạn, các dự án sẽ cần đất để phát triển cơ sở hạ tầng và để cho thuê dài hạn, vì thế việc thu hồi, cưỡng chế đất cũng sẽ gia tăng.

Người dân địa phương vốn đã nghèo khổ nay lại mất nhà, mất đất, lại phải hy sinh cho phát triển kinh tế, hy sinh cho người giầu, hy sinh cho các nhóm lợi ích và lợi ích Trung Quốc.

Bài học bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều

Năm 1976, khi Đảng cộng sản Việt Nam áp dụng chính sách cải tạo công thương nghiệp tại miền Nam, Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối và "nhân danh Tổ Quốc (Trung Quốc) đứng ra bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều".

Họ cho tàu thuyền sang tận Việt Nam đón Hoa kiều hồi hương. Rồi gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc, chiếm đóng nhiều phần lãnh thổ Việt Nam và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam.

Tại Việt Nam ngày nay nhiều phố Tầu mới xuất hiện từ Bắc xuống Nam. Bên trong những khu vực như Formosa Vũng Áng cũng toàn công nhân và gia đình người Hoa. Mọi sinh hoạt không khác mấy bên Tàu, xem ra chẳng khác gì những khu vực tự trị của người Hoa.

Khi Đạo luật về đặc khu được Quốc hội thông qua sẽ chính thức công nhận di dân kinh tế từ Trung Quốc xem như chiến lược của Trung Quốc đã thành công tại Việt Nam.

Vì thế không phải thời gian cho thuê đất 10, 20, hay 99 năm mà chính là Đạo Luật cho phép di dân Trung Quốc là nỗi đe dọa đến quyền lợi quốc gia, quyền lợi dân tộc Việt Nam.

Kết Luận

Sáng nay 10/06/2018, hằng chục ngàn người Việt tại Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nghệ An, Hải Dương và nhiều nơi khác đã xuống đường phản đối Dự Luật về 3 Đặc khu và Dự luật an ninh mạng với nhiều biểu ngữ đòi Trưng Cầu Dân Ý việc thành lập 3 đặc khu.

Riêng ở Sài Gòn con số quá đông nên lực lượng công an không thể nào dập tắt. Cuộc đấu tranh gìn giữ lãnh thổ Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Đảng Cộng sản đã thụt lùi nhưng chỉ lùi thời thông qua chứ không phải bỏ ý định thành lập 3 Đặc khu. Và như đã trình bày trong bài đây là vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, về an ninh, có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam.

Vì thế đảng cộng sản không thể đơn phương quyết định việc thành lập, nếu không đây sẽ là ngọn lửa khai mồi cho cuộc Trưng Cầu Dân Ý Truất Phế Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nguyễn Quang Duy

Úc Đại Lợi, 10/06/2018

Published in Diễn đàn

Theo thỏa thuận của Bộ quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ, một đoàn tàu chiến Hoa Kỳ sẽ ghé thăm cảng Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 3 này.

biendao1

Tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ cập cảng Đà Nẵng ngày 5/3/2017. Ảnh : Hải quân Mỹ

Đây là một đoàn tàu chiến đặc biệt, trung tâm là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thuộc loại hiện đại nhất chạy bằng sức nguyên tử, có sức chở 74 máy bay các loại, có 6.000 sĩ quan, viên chức và quân nhân phục vụ, đi cùng là tàu tuần dương USS Lake Champlain, tàu khu trục tên lửa Wayne E. Meyer và một số tàu các loại khác.

Trước đây đã có những tàu chiến ghé thăm cảng Cam Ranh và Đà Nẵng, nhưng đây là đoàn tàu chiến mạnh, hiện đại nhất, đông nhất về số tàu cũng như về số người trong đoàn. Sẽ có những cuộc trao đổi, thăm viếng, liên hoan, đấu thể thao giao hữu, hội hè giữa chủ và khách trên bến, dưới tàu.

Trong tình hình quan hệ quốc tế hiện nay, đây rõ ràng là một hành động đặc biệt của Hoa Kỳ theo chiến lược xoay trục quân sự sang phía Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để ngăn chặn sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc. Hành động này còn có ý nghĩa khi tổng thống Donald Trump có vẻ tập trung vào việc thương mại quốc tế sao cho có lợi cho Hoa Kỳ, ngập ngừng việc xoay trục sang vùng Thái Bình Dương dưới thời ông Obama. Nhưng các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump vẫn sáng suốt chủ trương xoay trục, cuối cùng ông Trump cũng khẳng định Trung Quốc và nước Nga của Putin là 2 đối thủ quan trọng nhất của Hoa Kỳ cần cảnh giác ngăn chặn.

Các nhà bình luận coi hành động quân sự to lớn này có ý nghĩa nâng cao quan hệ toàn diện và chiến lược Việt - Mỹ lên một bước, ngăn chặn có hiệu quả mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển Đông đang căng thẳng.

Ở trong nước, chưa thấy có bài bình luận nào của báo ‘lề phải’ nêu bật ý nghĩa quan trọng về chiến lược trong quan hệ Việt - Mỹ, trong khi có nhiều viện chuyên nghiên cứu về chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại giao. Tại sao có sự thờ ơ, nhạt nhẽo vậy ? Có vẻ như Bộ chính trị, ban Tuyên huấn trung ương đã có chỉ thị không nên tỏ ra vui mừng ca ngợi ồn ào về sự kiện này.

Điều này cũng dễ hiểu, vì trong số các tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam từ sự kiện Mật đàm Thành Đô (tháng 9/1990) đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư thân Trung Quốc nhất. Ông là đồ đệ trung thành nhất của chiến lược "nhất biên đảo", nghĩa là chiến lược ngả hẳn sang một bên, sang phía Trung Quốc, trong khi giả vờ tuyên bố "làm bạn với mọi nước" để lừa dối dân Việt và lừa dối thế giới.

Tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng là của một ông đồ gàn, gàn rất nặng, "gàn bát sách" của những ông đồ Nho cực kỳ bảo thủ của thế kỷ trước.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều anh chị em dân chủ trong nước gọi ông tổng Trọng là Tập Cận Bình phẩy ('). Ông Trọng đang theo gót chân ông Tập để hòng kiêm luôn chức Chủ tịch nước cho gọn và sẽ giữ chức đứng đầu cả Nhà nước và Đảng thêm một nhiệm kỳ, đến khi gần 80 tuổi. Ông Tập muốn trở thành một Minh Vương, một Hoàng đế đỏ như ông Mao. Gần đây, ông Tập theo quan điểm của nhà chiến lược Vương Hỗ Ninh, phủ định nền dân chủ phương Tây, ca ngợi chế độ Tần - toàn trị, "lấy đảng để trị nước", một kiểu phát xít trá hình thời mới, thì ông Trọng cũng theo chân, đàn áp rất mạnh các chiến sĩ đòi dân chủ nhân quyền.

Cứ xem hành trình đối ngoại của ông Trọng. Nơi ông xuất ngoại nhiều nhất xưa nay là Bắc Kinh, sau khi học ở Nga và học ở bên Tàu. Ông đi thăm Cuba là một chuyến thất bại, tuyên truyền vô duyên cho học thuyết Mác - Lê, bị Cuba chối bỏ, rồi bị Brazil đóng cửa tuyệt giao dù đã có chương trình thăm viếng.

Ông mù hoàn toàn tiếng Anh, tiếng Pháp, không đọc sách nước ngoài, còn tệ hơn cả ông Nguyễn Tấn Dũng, chào hỏi bắt tay cũng phải có phiên dịch. Ông cứ như anh nhà quê ra tỉnh, hãnh tiến dỏm khi được đón tiếp lịch sự : ‘ta phải như thế nào người ta mới đón tiếp như thế’ ! Đúng là anh lý Toét vác ô ra thủ đô.

Mặt khác cũng cần nhìn nhận Bộ chính trị và ông tổng Trọng không dám xem nhẹ dư luận quần chúng. Các ông đó hiểu rõ là lòng dân không muốn cái chiến lược lẩm cẩm "nhất biên đảo", ngả hẳn vào lòng Tập Cận Bình của quý vị.

Theo thống kê 3 năm liền của PEW - cơ quan thăm dò dư luận hàng đầu của Hoa Kỳ, có 80 đến 82% nhân dân Việt Nam muốn kết bạn thân, muốn liên minh với Hoa Kỳ, Liên Âu và các nước dân chủ khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc… Chỉ có 10 đến 12% là muốn kết thân với Trung Quốc. Lòng dân rõ ràng là thế. Do đó nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa không bao giờ cho phép làm những cuộc thăm dò dư luận. Hồi trước có Ban thăm dò dư luận thuộc Ban tuyên giáo nhưng đã chết yểu vì cực kỳ nguy hiểm cho chế độ chính trị hiện hành. Rất mong lỗ hổng này sẽ được bổ cứu khi một tổ chức xã hội dân sự đứng ra đảm nhận nhiệm vụ lý thú công khai thăm dò ý dân.

Cho nên việc để một đoàn tàu chiến hùng mạnh của Hoa Kỳ vào Đà Nẵng đông dân còn là một hành động đóng kịch để xoa dịu dư luận quần chúng, nhân thể làm mình làm mẩy với Trung Quốc để tự nâng cao giá đôi chút.

Cho nên chắc chắn đã có xin phép ông bạn 16 chữ vàng, thanh minh rằng sự thể phải làm như thế, để tìm hiểu về Hoa Kỳ và sẽ báo cáo tường tận với ông anh Lớn, cũng là học tập ông anh Lớn từng để tàu chiến Mỹ ghé thăm Hồng Kông.

Cũng do các lý do trên nên các tổ chức xã hội dân sự tự do lên đến hơn 40 đơn vị ở trong nước cũng không mặn mà vui sướng hy vọng gì về sự kiện này. Các tổ chức xã hội dân sự sẽ đấu tranh mạnh hơn đòi đảng và Nhà nước phải thực hiện chiến lược "nhất biên đảo" - ngả hẳn về một bên, nhưng bên đó phải là bên các nước dân chủ do Hoa Kỳ dẫn đầu, có lực lượng quốc phòng áp đảo, đặc biệt là có hải quân vượt rất xa Trung Quốc. Hoa Kỳ có 10 hàng không mẫu hạm, Anh có 4, Pháp có 2, Nga có 1, Trung Quốc chỉ có một chiếc cũ kỹ mua lại của Ukraine - chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh chỉ để huấn luyện.

Người xưa luôn dạy con cháu : chọn bạn mà chơi, và ‘gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ ! Quyền chọn bạn là quyền tự do thiêng liêng của mỗi con người, mỗi dân tộc. Chọn bạn tâm giao đáng tin cậy, kết liên minh chiến lược là quyền tự do tuyệt đối dựa vào chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm.

Bộ chính trị, Tổng bí thư, Quốc hội hãy nghe theo tiếng nói của nhân dân, của trí thức, của đại đa số cử tri, của quân đội để "nhất biên đảo", ngả hẳn về phía các nước dân chủ văn minh, xa lìa sự gắn kết phi nghĩa với bọn miệng hùm gan sói vốn từng là kẻ xâm lược và chiếm đóng nước ta.

Việc gì mà viên tướng Nguyễn Chí Vịnh sang Tàu luôn mồm cam kết chủ trương 3 không "không có căn cứ nước ngoài, không có quân đội nước ngoài trên lãnh thổ, không liên minh với nước này để chống nước khác".

Ô hay ! Ai chủ trương dại dột tự trói mình như thế ? Quốc hội có ý kiến chưa ?

Giữa thế giới thông tin nhanh nhậy ngày nay, ai cũng thấy ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là kẻ thân Trung Quốc hết mình nhất. Chả vậy mà khi Trung Quốc làm mưa làm gió trên vùng biển nước ta, ông chủ tịch quốc hội hồi đó Nguyễn Phú Trọng tỉnh bơ tuyên bố : "tình hình biển Đông không có gì mới". Và gần đây nhất là mời riêng Tập Cận Bình lên nhà sàn của ông Hồ, trà đàm khen rằng trà Việt ngon nhưng không bằng trà quý quốc ! Hèn đến thế là cùng, nhục đến thế là cùng. Lại còn ra tuyên bố chung hội nhập 6 tỉnh biên giới với khu tự trị Choang (Quảng Tây).

Lòng dân và ý đảng khác nhau, xung khắc nhau, mâu thuẫn nhau là như vậy. Bên nào là sáng suốt, thông minh, khôn ngoan ? Bên nào là cổ lỗ, lẩm cẩm, mê muội, ươn hèn ? Bên nào là vì dân tộc, vì nhân dân, bên nào là phản dân tộc, phản nhân dân ? Hãy làm một cuộc thăm dò dư luận thật trung thực, khách quan.

Rất mong Bộ chính trị, Tổng bí thư, Quốc hội và ông tướng Vịnh nhìn xung quanh nước ta, Miến Điện,Thái Lan, Ấn Độ… đều có biên giới liền Trung Quốc nhưng họ đâu có sợ Trung Quốc ; Nam Hàn ở khu vực gần giáp Trung Quốc, nhất là Hông Kông và Đài Loan thuộc dân tộc và lãnh thổ Trung Quốc hẳn hoi mà liên minh quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ và phương Tây, "nhất biên đảo" một cách vững chắc. Bà Thái Anh Văn dựa vào Hoa Kỳ củng cố sức mạnh quân sự, anh thanh niên Hoàng Chí Phong không sợ tù đầy, dám kết tội ông Tập Cận Bình là "gian dối, lừa bịp" khi vi phạm quy chế "một quốc gia hai chế độ" từng cam kết long trọng từ thế kỷ trước với Anh quốc và thế giới.

Rất mong ông tổng Trọng có dịp khăn gói lên đường thăm Nam Hàn, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện… sẽ học được khối điều hay lẽ phải về "nhất biên đảo", để có đường lối đối ngoại chuẩn xác hiện đại và văn minh.

Bùi Tín

(04/03/2018)

Published in Diễn đàn

Cảnh báo về "bãi rác công nghệ cũ từ Trung Quốc" xuất khẩu sang các nước khác đã xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chiến lược "Made in China 2025".

Không có bạn - thù, chỉ có lợi ích dân tộc

Cụm từ tiếng Anh "Made in…" thường được dịch với nghĩa "sản xuất tại…", tuy nhiên nếu dịch "Made in China 2025" là "sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" sẽ không đúng ý đồ chiến lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh. 

"Sản xuất tại Trung Quốc", "sản xuất tại Việt Nam" hay sản xuất tại một nước nào đó không có nghĩa là nước sở tại hoàn toàn làm chủ từ nhân lực, công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm.

Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam nhưng linh kiện và công nghệ lại của Hàn Quốc.

"Made in China 2025" được giới lãnh đạo Trung Quốc đề xuất nhằm mục đích đến năm 2025 hàm lượng công nghệ cao có nguồn gốc Trung Quốc trong sản phẩm hàng hóa của quốc gia này phải chiếm 70% thay vì 40% như hiện tại. 

made1

"Made in China 2025" nên dịch là "sản xuất bởi Trung Quốc từ năm 2025". (Ảnh : The Huffington Post)

Vì lý do đó, để phù hợp với ý đồ chiến lược của Trung Nam Hải, cụm từ "Made in China 2025" nên dịch là "sản xuất bởi Trung Quốc từ năm 2025".

Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam (Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam), ông Eric Sidgwick hy vọng : "Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc" [1].

Cảnh báo về "bãi rác công nghệ cũ từ Trung Quốc" xuất khẩu sang các nước khác không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chiến lược "Made in China 2025". 

Chiến lược của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Liên Hiệp Châu Âu, bởi "các nhà sản xuất ô tô điện và các sản phẩm khác của nước ngoài đang bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho nước này" và "việc (Trung Quốc) đặt ra chỉ tiêu thị phần cho các thương hiệu nội địa" [1].

Đến năm 2025 nghĩa là chỉ còn 8 năm nữa, khi mốc thời gian cận kề thì cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ dồn tổng lực thay thế hàng loạt thiết bị lạc hậu bằng các hệ thống thông minh, tiêu thụ ít nguyên, vật liệu nhưng giá trị thương phẩm cao. 

Đó là cách người Trung Quốc học người Thụy Sĩ chế tạo đồng hồ hay người Nhật Bản, Hàn Quốc chế tạo thiết bị điện tử.

Tham vọng xa hơn là cạnh tranh trong thị trường trí tuệ thế giới với Microsoft, Google, hay các hãng công nghệ hàng đầu khác.

Cùng với quá trình đó sẽ là một chiến dịch xuất khẩu nhà máy, thiết bị lạc hậu thuộc diện cần thanh lý sang các nước khác hoặc là dưới hình thức đầu tư nước ngoài hoặc bán giá rẻ với những điều kiện kèm theo. 

Chiến lược của Bắc Kinh chắc chắn sẽ đi kèm với sự dịch chuyển lao động toàn cầu, các chuyên gia ưu tú nước ngoài, người gốc Hoa và chuyên gia trong nước có trình độ học vấn cao sẽ làm việc tại Trung Hoa đại lục, lao động phổ thông hoặc học vấn trung bình sẽ được xuất khẩu "ăn theo" các nhà máy, thiết bị mà Trung Quốc tuồn ra nước ngoài. 

Không khó để thấy Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và lâu dài chịu ảnh hưởng của chiến lược này.

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón nhập từ Trung Quốc đều có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

Đi theo các dự án này là lực lượng lao động phổ thông Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, có nơi đã xuất hiện các "phố Tàu" như tiêu đề bài viết trên Tienphong.vn : "Phố Tàu mọc giữa Bình Dương" [2] hoặc "Khu 'phố Tàu' tái xuất sát 'nách' Thủ đô" [3].

Về chủ đề này, nhiều năm trước người viết từng đề cập qua bài : "phố người Hoa ở Việt Nam - chính sách hay tầm nhìn", bài viết này có thể tìm thấy tại địa chỉ [4] hoặc [5].

Bên cạnh chủ trương chiến lược "Made in China 2025", chủ nghĩa dân tộc cực đoan được khích lệ công khai hoặc ngấm ngầm đã từng bùng phát thành các chiến dịch tẩy chay hàng hóa và hoạt động kinh doanh của các hãng nước ngoài (như từng xảy ra với Nhật Bản, Hàn Quốc…) khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á hoặc các vùng lãnh thổ "yên bình" hơn. 

Hậu quả của làn sóng này có thể dẫn đến hàng vạn công nhân Trung Quốc mất việc, đóng góp vào đội quân lao động mà Trung Quốc tìm đủ mọi cách ép các nước khác phải tiếp nhận thông qua việc trúng thầu các công trình công nghiệp, giao thông, xây dựng… tại các quốc gia kém hoặc đang phát triển.

Bất kỳ nơi nào có công trình do Trung Quốc đầu tư hoặc trúng thầu, ở đó lao động phổ thông Trung Quốc hoặc được phép hoặc làm "chui" với số lượng không thể kiểm soát.

Chỉ cần lướt qua tít một số bài báo là có thể cảm nhận được thực trạng này :

Năm 2009, có 35.000 lao động Trung Quốc tại Việt Nam (Vietnamnet.vn, 30/7/2009). 

"Lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ : Phần lớn không có bằng cấp" (Tuoitre.vn, 11/8/2011).

"Gần 2.500 lao động Trung Quốc tại Vũng Áng chưa được cấp phép" (Vnexpress.net, 9/10/2014)…

Trung Quốc từng được mệnh danh là "công xưởng thế giới…" nhưng họ đang phải trả giá rất đắt về ô nhiễm môi trường, ngay tại thủ đô Bắc Kinh có ngày không thấy ánh mặt trời vì khói bụi, chính quyền thành phố phải chiếu cảnh bình minh trên màn hình led cho dân chúng chiêm ngưỡng.

made2

Khói bụi bao phủ, dân Bắc Kinh đón bình minh trên màn hình led. (Ảnh : ChinaPressFoto)

Thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công thương, trong số 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Tại các dự án này mức độ nội địa hóa là 0% [6].

Lấy gì đảm bảo rằng khi Trung Quốc quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện trong nước thì các nhà máy cũ không được tân trang để đưa sang Việt Nam, vừa bán được sắt vụn, vừa thu được ngoại tệ và nguy hiểm hơn, đẩy sự ô nhiễm môi trường sang quốc gia láng giềng ?

Tại Việt Nam, không chỉ khói bụi và tiếng ồn, người dân thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang còn phải chịu mùi hôi thối khủng khiếp từ nhà máy giấy Lee & Man xả vào môi trường khiến đi ngủ cũng phải bịt khẩu trang.

Cũng nên biết chủ đầu tư nhà máy Giấy Lee & Man là Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Công - Trung Quốc.

Xét về chiến lược quốc gia, không ai có thể trách cứ Trung Quốc, ngay cả người từng mạnh miệng tuyên bố về một "Trung Quốc thao túng tiền tệ" như Donald Trump cũng phải xuống giọng, thậm chí là quay ngoắt 180 độ trong một số vấn đề với chính quyền Bắc Kinh.

Nếu có trách thì phải trách những người hoạch định chính sách ở các nước đã không đủ trí để đoán định và lực để chống đỡ nước cờ mà Trung Quốc tung ra.

Nhân loại từng chứng kiến một thảm họa tồi tệ trên con đường tiến tới văn minh khi giới cầm quyền một quốc gia với sự hậu thuẫn của quốc gia khác tiến hành diệt chủng chính dân tộc mình.

Vì những ý đồ chính trị, phải nhiều thập kỷ sau người ta mới đưa bọn diệt chủng ra tòa án quốc tế nhưng những phiên tòa đó cũng chỉ dừng ở vài kẻ đầu sỏ bản địa, vẫn chưa thể vạch trần tội ác của những kẻ mà "ai cũng biết là ai" góp phần tạo nên nạn diệt chủng dân tộc này.

Ngày nay khi giới cầm quyền sở tại vẫn xem những kẻ "giúp" tạo nên nạn diệt chủng là người bạn tốt nhất của đất nước mình thì đủ thấy chân lý bị bóp méo khủng khiếp thế nào bởi sức mạnh đồng tiền.

Không có gì là bí mật trong cuộc chơi toàn cầu, để trở thành bá chủ thì phải đồng thời làm mình mạnh lên và làm cho thiên hạ - kể cả bạn và đối thủ - yếu đi. 

Triết lý này đã trở thành cẩm nang, thành tư tưởng chỉ đạo đường lối đối nội, đối ngoại từ thời Tôn Tử viết binh thư, Khổng Tử nêu triết lý cho đến ngày nay. 

Để có thể đối nghịch với triết lý, với hệ tư tưởng đó không thể không có triết lý của riêng mình. Học theo triết lý đó một cách hời hợt để hy vọng đương đầu với nó là điều không thể.

Thời thế thay đổi và thủ đoạn cũng thay đổi, để làm suy yếu "thiên hạ" mà trước hết là lân bang người ta không chỉ tìm cách biến các nước thành bãi rác công nghiệp mà còn tảng lờ làm như không biết việc làm hàng nhái, xuất khẩu thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, kể cả đồ chơi trẻ em nhiễm chất độc ra ngoài biên giới. 

Không thể thống kê chính xác nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật, rằng những chất độc ấy đã góp phần làm còi cọc cả một thế hệ, khiến bệnh ung thư tại Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới.

Một trong những bằng chứng về việc "làm cho thiên hạ - kể cả bạn và đối thủ - yếu đi" là quan hệ Trung - Triều.

Khi Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân thì những giọng điệu đe nẹt xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều khắp nơi trên thế giới, trong trào lưu ấy có người khuyến cáo không xem quốc gia này là bạn dù nhiều năm "môi hở răng lạnh" ! 

Trong bài giảng tại một trường đại học ở thành phố Đại Liên, nhà sử học Thẩm Chí Hoa nói :

"Trung Quốc nên ngả về phía Hàn Quốc và từ bỏ những câu chuyện huyễn hoặc đã giúp củng cố sự ủng hộ của nước này với Triều Tiên từ xưa cũ.

Nếu đánh giá tình hình hiện tại, Triều Tiên là đối thủ tiềm tàng, còn Hàn Quốc có thể là bạn với Trung Quốc" [7].

Phát biểu trên kênh BBC Radio 4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói :

"Chúng tôi khẳng định rõ ràng rằng trong các điều kiện cấp bách thì không nên loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân như là đòn tấn công phủ đầu" [8].

Trong số những nước hùa nhau bắt nạt Triều Tiên, bao nhiêu nước lên án lời đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Anh ?

Đòi tước bỏ quyền bảo vệ tổ quốc của dân tộc khác, dọa đánh phủ đầu bằng vũ khí hủy diệt có phải là cách hành xử của loài người văn minh hay vẫn chỉ là thói hoang dã khoác tấm áo văn minh ?

Cổ nhân đã dạy, không có "thực" thì đừng nói đến "đạo". Người Việt không thể mang tổ quốc mình đặt sang chỗ khác và vì thế đời này qua đời khác phải chiến đấu để tồn tại, khi nội lực khỏe thì ngoại bang rình rập, chờ đợi, khi yếu thì chúng cất quân xâm lược. 

Trong và sau chiến tranh chống Mỹ, chính vì chúng ta yếu nên bị mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa, nếu chúng ta yếu tiếp thì cái họa bị đô hộ trực tiếp hoặc gián tiếp không phải là không nhìn thấy. 

Ngôn từ mà những cái loa như Hoàn Cầu thời báo thay mặt các ông chủ Trung Nam Hải dùng với bắc Triều Tiên hôm nay chỉ là lặp lại những gì mà họ từng nói với Việt Nam những năm bảy mươi thế kỷ trước. 

Cắt viện trợ, rút chuyên gia, đình chỉ giao thương qua biên giới,… những gì đã làm với Việt Nam nay lại được đem ra sử dụng với Bắc Hàn cho thấy thế giới ngày nay không còn phân biệt bạn - thù, chỉ có lợi và hại.

Kết quả các chính sách đa dạng mà Trung Quốc thực hiện mấy chục năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã khiến thế giới đối diện với nguy cơ mà Peter Navarro và Greg Autry viết nên cuốn sách : "Death by China" (dịch : Chết dưới tay Trung Quốc hoặc Chết bởi Trung Quốc).

Về cuốn sách "Death by China", người viết xin đề cập trong phần sau của loạt bài này. 

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 30/04/2017

Tài liệu tham khảo :

 [1] http://nld.com.vn/kinh-te/adb-canh-bao-viet-nam-dung-thanh-bai-rac-cong-nghe-cua-trung-quoc-20170410115649315.htm

[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-tau-moc-giua-binh-duong-634828.tpo

[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khu-pho-tau-tai-xuat-sat-nach-thu-do-319389.html

[4] http://tuanvietnam.net/2011-06-29-pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-

[5] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-28039.html

[6] http://vov.vn/kinh-te/du-an-dien-do-trung-quoc-lam-tong-thau-ty-le-noi-dia-rat-thap-365230.vov

[7] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chinh-sach-cua-trung-quoc-voi-trieu-tien-gay-tranh-cai-o-trong-nuoc-3573832.html

[8] http://infonet.vn/noi-bo-anh-bat-dong-trong-van-de-vu-khi-hat-nhan-post226119.info

Additional Info

  • Author Xuân Dương
Published in Diễn đàn