Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/04/2017

Chiến lược "Made in China 2025" và cuốn sách "Death by China"

Xuân Dương

Cảnh báo về "bãi rác công nghệ cũ từ Trung Quốc" xuất khẩu sang các nước khác đã xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chiến lược "Made in China 2025".

Không có bạn - thù, chỉ có lợi ích dân tộc

Cụm từ tiếng Anh "Made in…" thường được dịch với nghĩa "sản xuất tại…", tuy nhiên nếu dịch "Made in China 2025" là "sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" sẽ không đúng ý đồ chiến lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh. 

"Sản xuất tại Trung Quốc", "sản xuất tại Việt Nam" hay sản xuất tại một nước nào đó không có nghĩa là nước sở tại hoàn toàn làm chủ từ nhân lực, công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm.

Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam nhưng linh kiện và công nghệ lại của Hàn Quốc.

"Made in China 2025" được giới lãnh đạo Trung Quốc đề xuất nhằm mục đích đến năm 2025 hàm lượng công nghệ cao có nguồn gốc Trung Quốc trong sản phẩm hàng hóa của quốc gia này phải chiếm 70% thay vì 40% như hiện tại. 

made1

"Made in China 2025" nên dịch là "sản xuất bởi Trung Quốc từ năm 2025". (Ảnh : The Huffington Post)

Vì lý do đó, để phù hợp với ý đồ chiến lược của Trung Nam Hải, cụm từ "Made in China 2025" nên dịch là "sản xuất bởi Trung Quốc từ năm 2025".

Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam (Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam), ông Eric Sidgwick hy vọng : "Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc" [1].

Cảnh báo về "bãi rác công nghệ cũ từ Trung Quốc" xuất khẩu sang các nước khác không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chiến lược "Made in China 2025". 

Chiến lược của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Liên Hiệp Châu Âu, bởi "các nhà sản xuất ô tô điện và các sản phẩm khác của nước ngoài đang bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho nước này" và "việc (Trung Quốc) đặt ra chỉ tiêu thị phần cho các thương hiệu nội địa" [1].

Đến năm 2025 nghĩa là chỉ còn 8 năm nữa, khi mốc thời gian cận kề thì cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ dồn tổng lực thay thế hàng loạt thiết bị lạc hậu bằng các hệ thống thông minh, tiêu thụ ít nguyên, vật liệu nhưng giá trị thương phẩm cao. 

Đó là cách người Trung Quốc học người Thụy Sĩ chế tạo đồng hồ hay người Nhật Bản, Hàn Quốc chế tạo thiết bị điện tử.

Tham vọng xa hơn là cạnh tranh trong thị trường trí tuệ thế giới với Microsoft, Google, hay các hãng công nghệ hàng đầu khác.

Cùng với quá trình đó sẽ là một chiến dịch xuất khẩu nhà máy, thiết bị lạc hậu thuộc diện cần thanh lý sang các nước khác hoặc là dưới hình thức đầu tư nước ngoài hoặc bán giá rẻ với những điều kiện kèm theo. 

Chiến lược của Bắc Kinh chắc chắn sẽ đi kèm với sự dịch chuyển lao động toàn cầu, các chuyên gia ưu tú nước ngoài, người gốc Hoa và chuyên gia trong nước có trình độ học vấn cao sẽ làm việc tại Trung Hoa đại lục, lao động phổ thông hoặc học vấn trung bình sẽ được xuất khẩu "ăn theo" các nhà máy, thiết bị mà Trung Quốc tuồn ra nước ngoài. 

Không khó để thấy Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và lâu dài chịu ảnh hưởng của chiến lược này.

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón nhập từ Trung Quốc đều có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

Đi theo các dự án này là lực lượng lao động phổ thông Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, có nơi đã xuất hiện các "phố Tàu" như tiêu đề bài viết trên Tienphong.vn : "Phố Tàu mọc giữa Bình Dương" [2] hoặc "Khu 'phố Tàu' tái xuất sát 'nách' Thủ đô" [3].

Về chủ đề này, nhiều năm trước người viết từng đề cập qua bài : "phố người Hoa ở Việt Nam - chính sách hay tầm nhìn", bài viết này có thể tìm thấy tại địa chỉ [4] hoặc [5].

Bên cạnh chủ trương chiến lược "Made in China 2025", chủ nghĩa dân tộc cực đoan được khích lệ công khai hoặc ngấm ngầm đã từng bùng phát thành các chiến dịch tẩy chay hàng hóa và hoạt động kinh doanh của các hãng nước ngoài (như từng xảy ra với Nhật Bản, Hàn Quốc…) khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á hoặc các vùng lãnh thổ "yên bình" hơn. 

Hậu quả của làn sóng này có thể dẫn đến hàng vạn công nhân Trung Quốc mất việc, đóng góp vào đội quân lao động mà Trung Quốc tìm đủ mọi cách ép các nước khác phải tiếp nhận thông qua việc trúng thầu các công trình công nghiệp, giao thông, xây dựng… tại các quốc gia kém hoặc đang phát triển.

Bất kỳ nơi nào có công trình do Trung Quốc đầu tư hoặc trúng thầu, ở đó lao động phổ thông Trung Quốc hoặc được phép hoặc làm "chui" với số lượng không thể kiểm soát.

Chỉ cần lướt qua tít một số bài báo là có thể cảm nhận được thực trạng này :

Năm 2009, có 35.000 lao động Trung Quốc tại Việt Nam (Vietnamnet.vn, 30/7/2009). 

"Lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ : Phần lớn không có bằng cấp" (Tuoitre.vn, 11/8/2011).

"Gần 2.500 lao động Trung Quốc tại Vũng Áng chưa được cấp phép" (Vnexpress.net, 9/10/2014)…

Trung Quốc từng được mệnh danh là "công xưởng thế giới…" nhưng họ đang phải trả giá rất đắt về ô nhiễm môi trường, ngay tại thủ đô Bắc Kinh có ngày không thấy ánh mặt trời vì khói bụi, chính quyền thành phố phải chiếu cảnh bình minh trên màn hình led cho dân chúng chiêm ngưỡng.

made2

Khói bụi bao phủ, dân Bắc Kinh đón bình minh trên màn hình led. (Ảnh : ChinaPressFoto)

Thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công thương, trong số 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Tại các dự án này mức độ nội địa hóa là 0% [6].

Lấy gì đảm bảo rằng khi Trung Quốc quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện trong nước thì các nhà máy cũ không được tân trang để đưa sang Việt Nam, vừa bán được sắt vụn, vừa thu được ngoại tệ và nguy hiểm hơn, đẩy sự ô nhiễm môi trường sang quốc gia láng giềng ?

Tại Việt Nam, không chỉ khói bụi và tiếng ồn, người dân thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang còn phải chịu mùi hôi thối khủng khiếp từ nhà máy giấy Lee & Man xả vào môi trường khiến đi ngủ cũng phải bịt khẩu trang.

Cũng nên biết chủ đầu tư nhà máy Giấy Lee & Man là Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Công - Trung Quốc.

Xét về chiến lược quốc gia, không ai có thể trách cứ Trung Quốc, ngay cả người từng mạnh miệng tuyên bố về một "Trung Quốc thao túng tiền tệ" như Donald Trump cũng phải xuống giọng, thậm chí là quay ngoắt 180 độ trong một số vấn đề với chính quyền Bắc Kinh.

Nếu có trách thì phải trách những người hoạch định chính sách ở các nước đã không đủ trí để đoán định và lực để chống đỡ nước cờ mà Trung Quốc tung ra.

Nhân loại từng chứng kiến một thảm họa tồi tệ trên con đường tiến tới văn minh khi giới cầm quyền một quốc gia với sự hậu thuẫn của quốc gia khác tiến hành diệt chủng chính dân tộc mình.

Vì những ý đồ chính trị, phải nhiều thập kỷ sau người ta mới đưa bọn diệt chủng ra tòa án quốc tế nhưng những phiên tòa đó cũng chỉ dừng ở vài kẻ đầu sỏ bản địa, vẫn chưa thể vạch trần tội ác của những kẻ mà "ai cũng biết là ai" góp phần tạo nên nạn diệt chủng dân tộc này.

Ngày nay khi giới cầm quyền sở tại vẫn xem những kẻ "giúp" tạo nên nạn diệt chủng là người bạn tốt nhất của đất nước mình thì đủ thấy chân lý bị bóp méo khủng khiếp thế nào bởi sức mạnh đồng tiền.

Không có gì là bí mật trong cuộc chơi toàn cầu, để trở thành bá chủ thì phải đồng thời làm mình mạnh lên và làm cho thiên hạ - kể cả bạn và đối thủ - yếu đi. 

Triết lý này đã trở thành cẩm nang, thành tư tưởng chỉ đạo đường lối đối nội, đối ngoại từ thời Tôn Tử viết binh thư, Khổng Tử nêu triết lý cho đến ngày nay. 

Để có thể đối nghịch với triết lý, với hệ tư tưởng đó không thể không có triết lý của riêng mình. Học theo triết lý đó một cách hời hợt để hy vọng đương đầu với nó là điều không thể.

Thời thế thay đổi và thủ đoạn cũng thay đổi, để làm suy yếu "thiên hạ" mà trước hết là lân bang người ta không chỉ tìm cách biến các nước thành bãi rác công nghiệp mà còn tảng lờ làm như không biết việc làm hàng nhái, xuất khẩu thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, kể cả đồ chơi trẻ em nhiễm chất độc ra ngoài biên giới. 

Không thể thống kê chính xác nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật, rằng những chất độc ấy đã góp phần làm còi cọc cả một thế hệ, khiến bệnh ung thư tại Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới.

Một trong những bằng chứng về việc "làm cho thiên hạ - kể cả bạn và đối thủ - yếu đi" là quan hệ Trung - Triều.

Khi Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân thì những giọng điệu đe nẹt xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều khắp nơi trên thế giới, trong trào lưu ấy có người khuyến cáo không xem quốc gia này là bạn dù nhiều năm "môi hở răng lạnh" ! 

Trong bài giảng tại một trường đại học ở thành phố Đại Liên, nhà sử học Thẩm Chí Hoa nói :

"Trung Quốc nên ngả về phía Hàn Quốc và từ bỏ những câu chuyện huyễn hoặc đã giúp củng cố sự ủng hộ của nước này với Triều Tiên từ xưa cũ.

Nếu đánh giá tình hình hiện tại, Triều Tiên là đối thủ tiềm tàng, còn Hàn Quốc có thể là bạn với Trung Quốc" [7].

Phát biểu trên kênh BBC Radio 4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói :

"Chúng tôi khẳng định rõ ràng rằng trong các điều kiện cấp bách thì không nên loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân như là đòn tấn công phủ đầu" [8].

Trong số những nước hùa nhau bắt nạt Triều Tiên, bao nhiêu nước lên án lời đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Anh ?

Đòi tước bỏ quyền bảo vệ tổ quốc của dân tộc khác, dọa đánh phủ đầu bằng vũ khí hủy diệt có phải là cách hành xử của loài người văn minh hay vẫn chỉ là thói hoang dã khoác tấm áo văn minh ?

Cổ nhân đã dạy, không có "thực" thì đừng nói đến "đạo". Người Việt không thể mang tổ quốc mình đặt sang chỗ khác và vì thế đời này qua đời khác phải chiến đấu để tồn tại, khi nội lực khỏe thì ngoại bang rình rập, chờ đợi, khi yếu thì chúng cất quân xâm lược. 

Trong và sau chiến tranh chống Mỹ, chính vì chúng ta yếu nên bị mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa, nếu chúng ta yếu tiếp thì cái họa bị đô hộ trực tiếp hoặc gián tiếp không phải là không nhìn thấy. 

Ngôn từ mà những cái loa như Hoàn Cầu thời báo thay mặt các ông chủ Trung Nam Hải dùng với bắc Triều Tiên hôm nay chỉ là lặp lại những gì mà họ từng nói với Việt Nam những năm bảy mươi thế kỷ trước. 

Cắt viện trợ, rút chuyên gia, đình chỉ giao thương qua biên giới,… những gì đã làm với Việt Nam nay lại được đem ra sử dụng với Bắc Hàn cho thấy thế giới ngày nay không còn phân biệt bạn - thù, chỉ có lợi và hại.

Kết quả các chính sách đa dạng mà Trung Quốc thực hiện mấy chục năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã khiến thế giới đối diện với nguy cơ mà Peter Navarro và Greg Autry viết nên cuốn sách : "Death by China" (dịch : Chết dưới tay Trung Quốc hoặc Chết bởi Trung Quốc).

Về cuốn sách "Death by China", người viết xin đề cập trong phần sau của loạt bài này. 

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 30/04/2017

Tài liệu tham khảo :

 [1] http://nld.com.vn/kinh-te/adb-canh-bao-viet-nam-dung-thanh-bai-rac-cong-nghe-cua-trung-quoc-20170410115649315.htm

[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-tau-moc-giua-binh-duong-634828.tpo

[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khu-pho-tau-tai-xuat-sat-nach-thu-do-319389.html

[4] http://tuanvietnam.net/2011-06-29-pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-

[5] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-28039.html

[6] http://vov.vn/kinh-te/du-an-dien-do-trung-quoc-lam-tong-thau-ty-le-noi-dia-rat-thap-365230.vov

[7] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chinh-sach-cua-trung-quoc-voi-trieu-tien-gay-tranh-cai-o-trong-nuoc-3573832.html

[8] http://infonet.vn/noi-bo-anh-bat-dong-trong-van-de-vu-khi-hat-nhan-post226119.info

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Dương
Read 896 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)