Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 01 mai 2017 20:03

"Death by China"

Suy cho cùng, trong một thế giới "cá lớn" ngày càng lớn, "cá bé" bị tận diệt thì đặt niềm tin vào bất kỳ "người bạn" nào cũng đều là sai lầm phải trả giá.

Nếu chỉ nhìn nhận về tiềm lực quốc phòng và kinh tế, thế giới có nhiều "nước lớn" như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức,… tuy nhiên thế giới hôm nay chỉ có hai nước thực sự được xem là "lớn" : Mỹ và Trung Quốc.

Truyền thông hay dùng từ "đi đêm" để nói về quan hệ giữa các nước lớn, ngày nay có lẽ nói "đi đêm" là không hoàn toàn chính xác. 

Những gì gọi là "đi đêm" giữa Mỹ và Trung Quốc thời Donald Trump - Tập Cận Bình có thể dự đoán thông qua các món quà mà hai nguyên thủ này dành cho nhau. 

Mỹ và Trung Quốc chẳng cần "đi đêm", họ công khai mặc cả với nhau giữa ban ngày, công khai nêu đích danh những "cái lưng" họ định dẫm lên cũng như những đối tượng, sự việc, thậm chí là cả các cá nhân họ muốn dìm xuống. 

Thậm chí có những cuộc gọi là "đi đêm" chỉ hôm sau cả thế giới đều biết.

Thái Bình Dương là tài sản chung của nhân loại song cả người Mỹ và Trung Quốc chẳng cần che giấu khi tuyên bố "Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc".

Nếu Thái Bình Dương chỉ "đủ" cho Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Úc, Indonesia,… sẽ được bao nhiêu phần khi hai cường quốc này nhăm nhe chia nhau ảnh hưởng ?

death1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh : The Huffington Post)

 

Gần đây, Mỹ tảng lờ Biển Đông trong hầu hết các phát biểu trước và sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, không còn thấy ngôn từ mạnh mẽ của ngoại trưởng và tướng lĩnh Hoa Kỳ về đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp tại vùng biển này. 

Họ đang chĩa mũi dùi vào Syria và Bắc Triều Tiên, thậm chí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley còn mạnh miệng tuyên bố với CNN rằng "việc loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi quyền lực là một ưu tiên". 

Đây một sự thay đổi quan điểm gần như 180 độ của chính quyền Donald Trump đối với vấn đề Syria.

Đổi lại, ngày 13/4/2017 Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên và tạm ngưng các chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng từ ngày 17/4/2017.

Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc hôm 12/4/2017 về vụ tấn công bằng khí độc ở Syria (Nga phủ quyết) cho thấy Nga không phải là đối tượng được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Phòng Đông Nhà Trắng hôm 12/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi Trung Quốc vì đã bỏ phiếu trắng bằng những lời "có cánh" : 

"Thật tuyệt vời khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Tôi không ngạc nhiên vì họ làm vậy. Mỹ cũng cảm thấy vinh dự vì cuộc bỏ phiếu này". 

Mới đây việc Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn không cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án vụ thử tên lửa (mới nhất) của Triều Tiên trong khi Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ phần nào cho thấy Nga đã nhận thức và có hành động cụ thể trong chiến lược hướng Đông, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương. 

Trong bài "Làm chủ cuộc chơi khi nước lớn đi đêm" người viết đã nêu ý kiến :

"Suy cho cùng, các nước nhỏ không thể trách nước lớn "đi đêm" trên lưng mình, chỉ có thể trách bản thân biết người ta "đi đêm" mà vẫn cam chịu" [1].

Cách tốt nhất để nước lớn không "đi đêm" trên lưng mình là hãy đừng tự biến mình thành nước nhỏ, nếu chưa thể thành nước lớn thì ít nhất cũng phải làm sao để không phải là nước nhỏ.

Nước Pháp diện tích gần gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 70 triệu người, nước Đức hoàn toàn tương đương Việt Nam về dân số (82 triệu người) và diện tích (357.021 km²), nước Nhật diện tích chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút (377.973 km2), dân số khoảng 127 triệu người.

Cả ba quốc gia nếu trên đều không phải là nước nhỏ.

Hơn ai hết, người Việt hiểu rất rõ cái giá mà những cuộc đi đêm của nước lớn mang lại. 

Năm 1972, sau cuộc "đi đêm" với Trung Quốc, Mỹ dội bom tàn phá Thủ đô Hà Nội.

Cũng nhờ những cuộc đi đêm ấy mà Trung Quốc chiếm nốt Tây Hoàng Sa, Gạc Ma và một số thực thể tại Trường Sa, tung quân xâm lược Việt Nam năm 1979... 

Ngày nay, sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập, liệu Mỹ có dám dội bom xuống Bắc Triều Tiên mà không sợ ảnh hưởng đến các đồng minh Nhật, Hàn cũng như chính bản thân mình ? 

Không chỉ Trung Quốc phải điều động quân đội đến biên giới Trung-Triều mà Nhật cũng phải chuẩn bị kế hoạch sơ tán 60 nghìn công dân khỏi Hàn Quốc.

Triều Tiên có thể thiếu lương thực, thuốc men, có nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng nhưng họ có ý chí sắt đá về độc lập, tự chủ. 

Sự hà khắc trong chính sách đối nội, sự kiểm soát gắt gao quyền con người bị thế giới phê phán song lại giúp chính quyền Bình Nhưỡng tập trung nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, cái giá phải trả không hề rẻ song không phải vô nghĩa.

Lịch sử thế giới cho thấy, các nước trở nên "lớn" không phải bằng cách mua đất (như Mỹ mua vùng Alaska của Nga năm 1867) hay lấp biển (như cách Singapore đang làm) mà qua các cuộc chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ. 

Sau thời các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn sangChâu Âu là thời các tàu chiến Anh Quốc, Tây Ban Nha, Pháp… tràn sangChâu Á,Châu Mỹ,Châu Phi,Châu Úc và gần đây là những cuộc chiến do Mỹ và NATO thực hiện dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc. 

Ngày nay, xâm lược bằng quân sự chưa hề lỗi thời, song mục đích kinh tế mới là hàng đầu và vì thế nhiều trường hợp người ta ưa dùng các biện pháp dễ "hóa trang" hơn, ít gây sốc hơn và thế giới chắc chắn phải học tập Trung Quốc - bậc thầy về điều này. 

Chính sách cai trị được thực hiện không phải bằng các Toàn quyền hiện tại hay Thái thú ngày xưa mà bằng việc mua chuộc các chính quyền "thân hữu". 

Hình thức bóc lột thuộc địa được ngụy trang dưới vỏ bọc "viện trợ phát triển" và những đạo quân gươm giáo được thay bằng đạo quân trá hình dưới dạng công nhân, thương gia, cố vấn…

Không khó để nhận thấy những "người Mỹ thầm lặng", những công dân "viết chữ tượng hình" hiện diện không từ hang cùng ngõ hẻm nào trên mọiChâu lục.

Người ta không chỉ giành quyền khai thác tài nguyên mang về chính quốc mà còn bằng mọi cách tận hưởng những thứ không thể chất lên tàu chuyển về đại lục. 

Những tour du lịch 0 đồng mà người nước ngoài thực hiện trên khắp Việt Nam, Thái Lan,.., chính là cách khai thác, tận hưởng tài nguyên tại chỗ, vừa không mất tiền đầu tư vừa mang lợi về cho người "dắt mối".

Tỉnh Quảng Ninh được lợi ích gì từ dòng người dài hàng cây số ở của khẩu Móng Cái chờ đợi sang Việt Nam du lịch ? 

Điều lạ lùng là chỉ khi báo chí vào cuộc thì chính quyền sở tại mới lên tiếng. 

Phải chăng đang tồn tại một tâm lý sợ ảnh hưởng đến tình hữu nghị cho dù có thiệt hại về kinh tế khi địa phương thất thu rất nhiều từ những đoàn khách xô bồ này. 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Trung Lương - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - nêu ý kiến : 

"Dù số lượng khách Trung Quốc đến tăng đột biến nhưng với các "tour du lịch không đồng" sẽ không mang lại lợi ích cho ngành du lịch Việt Nam bởi du khách Trung Quốc đến các nơi mua sắm đã thỏa thuận trước, số tiền đó lại quay về Trung Quốc hoặc rơi vào túi cá nhân nào đó" [2].

Có tờ báo đã giật tít "Ngán ngẩm du khách Trung Quốc : Tàu đến khiến Tây đi" nhưng vì sao chuyện này không có chiều hướng cải thiện [3] ?

Du lịch là ngành công nghiệp không khói để thu ngoại tệ nhưng phải chăng hiện nay lượng khách du lịch đông đảo nhất đến Việt Nam chỉ "giúp" chúng ta thu về rác sinh hoạt và sự bực mình ?

Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam (Ngân hàng Phát triển Châu Á), ông Eric Sidgwick khi cảnh báo Việt Nam cần chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc chỉ mới đề cập được một nửa vấn đề.

Người viết muốn nói đến nửa còn lại, đó là báo động về "rác sinh hoạt" và "rác văn hóa" từ dòng khách du lịch theo đường bộ nhập cảnh vào Việt Nam. 

Tìm kiếm cụm từ "Hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam" trên Google nhận được 344.000 kết quả liệu có khiến chúng ta giật mình ?

Chuyện không ít hướng dẫn viên người Trung Quốc nói xấu lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, đốt tiền Việt Nam ngay tại Việt Nam có phải chỉ là "rác văn hóa" nhập lậu hay còn là cách xuất khẩu "văn hóa bẩn" qua biên giới đã được hoạch định kỹ lưỡng ?

Liệu các nhà hoạch định chính sách có nên tỉnh ngộ trước một thực trạng, có hai dòng chảy trên "con đường tơ lụa mới", dòng chảy tài nguyên giá rẻ từ các nước nghèo về các nước giàu và dòng người từ đó tỏa đi khắp thế giới, nếu không phải để thành lập các khu phố mới thì cũng là để tận hưởng những thứ mà "ở nhà" dẫu có tiền cũng chưa chắc đã mua được ?

Những người mơ ước "lối sống Mỹ", "văn hóa Mỹ" liệu có sửng sốt khi một công dân Mỹ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay dù đã trả tiền mua vé, bị dập mũi, gãy răng, chảy máu mồm vì hành động thô bạo của cảnh sát Mỹ ? 

Những người sùng bái Đạo Khổng có tự hỏi ngày nay bao nhiêu "chính nhân quân tử" làm theo đúng những điều Khổng Tử truyền giảng, rằng "những điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác" ?

Suy cho cùng, trong một thế giới "cá lớn" ngày càng lớn, "cá bé" bị tận diệt thì đặt niềm tin vào bất kỳ "người bạn" nào cũng đều là sai lầm phải trả giá. 

Tổ quốc phải bảo vệ bằng máu chứ không phải bằng những lời hứa viển vông. 

Không cần thiết phải đao to búa lớn kiểu Bắc Hàn, song cũng nên cân nhắc giữa sân gôn và các công binh xưởng. Nhắc lại một lần nữa lời dạy của tiền nhân chắc không thừa "không có Thực thì đừng nói đến Đạo".

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 01/05/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lam-chu-cuoc-choi-khi-nuoc-lon-di-dem-post161388.gd

[2] http://dulich.tuoitre.vn/tin/20170326/bung-no-khach-trung-quoc-o-ha-long/1286822.html

[3] http://viettimes.vn/ngan-ngam-du-khach-trung-quoc-tau-den-khien-tay-di-32928.html

Additional Info

  • Author Xuân Dương
Published in Diễn đàn

Cảnh báo về "bãi rác công nghệ cũ từ Trung Quốc" xuất khẩu sang các nước khác đã xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chiến lược "Made in China 2025".

Không có bạn - thù, chỉ có lợi ích dân tộc

Cụm từ tiếng Anh "Made in…" thường được dịch với nghĩa "sản xuất tại…", tuy nhiên nếu dịch "Made in China 2025" là "sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" sẽ không đúng ý đồ chiến lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh. 

"Sản xuất tại Trung Quốc", "sản xuất tại Việt Nam" hay sản xuất tại một nước nào đó không có nghĩa là nước sở tại hoàn toàn làm chủ từ nhân lực, công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm.

Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam nhưng linh kiện và công nghệ lại của Hàn Quốc.

"Made in China 2025" được giới lãnh đạo Trung Quốc đề xuất nhằm mục đích đến năm 2025 hàm lượng công nghệ cao có nguồn gốc Trung Quốc trong sản phẩm hàng hóa của quốc gia này phải chiếm 70% thay vì 40% như hiện tại. 

made1

"Made in China 2025" nên dịch là "sản xuất bởi Trung Quốc từ năm 2025". (Ảnh : The Huffington Post)

Vì lý do đó, để phù hợp với ý đồ chiến lược của Trung Nam Hải, cụm từ "Made in China 2025" nên dịch là "sản xuất bởi Trung Quốc từ năm 2025".

Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam (Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam), ông Eric Sidgwick hy vọng : "Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc" [1].

Cảnh báo về "bãi rác công nghệ cũ từ Trung Quốc" xuất khẩu sang các nước khác không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc công bố chiến lược "Made in China 2025". 

Chiến lược của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Liên Hiệp Châu Âu, bởi "các nhà sản xuất ô tô điện và các sản phẩm khác của nước ngoài đang bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho nước này" và "việc (Trung Quốc) đặt ra chỉ tiêu thị phần cho các thương hiệu nội địa" [1].

Đến năm 2025 nghĩa là chỉ còn 8 năm nữa, khi mốc thời gian cận kề thì cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ dồn tổng lực thay thế hàng loạt thiết bị lạc hậu bằng các hệ thống thông minh, tiêu thụ ít nguyên, vật liệu nhưng giá trị thương phẩm cao. 

Đó là cách người Trung Quốc học người Thụy Sĩ chế tạo đồng hồ hay người Nhật Bản, Hàn Quốc chế tạo thiết bị điện tử.

Tham vọng xa hơn là cạnh tranh trong thị trường trí tuệ thế giới với Microsoft, Google, hay các hãng công nghệ hàng đầu khác.

Cùng với quá trình đó sẽ là một chiến dịch xuất khẩu nhà máy, thiết bị lạc hậu thuộc diện cần thanh lý sang các nước khác hoặc là dưới hình thức đầu tư nước ngoài hoặc bán giá rẻ với những điều kiện kèm theo. 

Chiến lược của Bắc Kinh chắc chắn sẽ đi kèm với sự dịch chuyển lao động toàn cầu, các chuyên gia ưu tú nước ngoài, người gốc Hoa và chuyên gia trong nước có trình độ học vấn cao sẽ làm việc tại Trung Hoa đại lục, lao động phổ thông hoặc học vấn trung bình sẽ được xuất khẩu "ăn theo" các nhà máy, thiết bị mà Trung Quốc tuồn ra nước ngoài. 

Không khó để thấy Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và lâu dài chịu ảnh hưởng của chiến lược này.

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón nhập từ Trung Quốc đều có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

Đi theo các dự án này là lực lượng lao động phổ thông Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, có nơi đã xuất hiện các "phố Tàu" như tiêu đề bài viết trên Tienphong.vn : "Phố Tàu mọc giữa Bình Dương" [2] hoặc "Khu 'phố Tàu' tái xuất sát 'nách' Thủ đô" [3].

Về chủ đề này, nhiều năm trước người viết từng đề cập qua bài : "phố người Hoa ở Việt Nam - chính sách hay tầm nhìn", bài viết này có thể tìm thấy tại địa chỉ [4] hoặc [5].

Bên cạnh chủ trương chiến lược "Made in China 2025", chủ nghĩa dân tộc cực đoan được khích lệ công khai hoặc ngấm ngầm đã từng bùng phát thành các chiến dịch tẩy chay hàng hóa và hoạt động kinh doanh của các hãng nước ngoài (như từng xảy ra với Nhật Bản, Hàn Quốc…) khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á hoặc các vùng lãnh thổ "yên bình" hơn. 

Hậu quả của làn sóng này có thể dẫn đến hàng vạn công nhân Trung Quốc mất việc, đóng góp vào đội quân lao động mà Trung Quốc tìm đủ mọi cách ép các nước khác phải tiếp nhận thông qua việc trúng thầu các công trình công nghiệp, giao thông, xây dựng… tại các quốc gia kém hoặc đang phát triển.

Bất kỳ nơi nào có công trình do Trung Quốc đầu tư hoặc trúng thầu, ở đó lao động phổ thông Trung Quốc hoặc được phép hoặc làm "chui" với số lượng không thể kiểm soát.

Chỉ cần lướt qua tít một số bài báo là có thể cảm nhận được thực trạng này :

Năm 2009, có 35.000 lao động Trung Quốc tại Việt Nam (Vietnamnet.vn, 30/7/2009). 

"Lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ : Phần lớn không có bằng cấp" (Tuoitre.vn, 11/8/2011).

"Gần 2.500 lao động Trung Quốc tại Vũng Áng chưa được cấp phép" (Vnexpress.net, 9/10/2014)…

Trung Quốc từng được mệnh danh là "công xưởng thế giới…" nhưng họ đang phải trả giá rất đắt về ô nhiễm môi trường, ngay tại thủ đô Bắc Kinh có ngày không thấy ánh mặt trời vì khói bụi, chính quyền thành phố phải chiếu cảnh bình minh trên màn hình led cho dân chúng chiêm ngưỡng.

made2

Khói bụi bao phủ, dân Bắc Kinh đón bình minh trên màn hình led. (Ảnh : ChinaPressFoto)

Thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công thương, trong số 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Tại các dự án này mức độ nội địa hóa là 0% [6].

Lấy gì đảm bảo rằng khi Trung Quốc quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện trong nước thì các nhà máy cũ không được tân trang để đưa sang Việt Nam, vừa bán được sắt vụn, vừa thu được ngoại tệ và nguy hiểm hơn, đẩy sự ô nhiễm môi trường sang quốc gia láng giềng ?

Tại Việt Nam, không chỉ khói bụi và tiếng ồn, người dân thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang còn phải chịu mùi hôi thối khủng khiếp từ nhà máy giấy Lee & Man xả vào môi trường khiến đi ngủ cũng phải bịt khẩu trang.

Cũng nên biết chủ đầu tư nhà máy Giấy Lee & Man là Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Công - Trung Quốc.

Xét về chiến lược quốc gia, không ai có thể trách cứ Trung Quốc, ngay cả người từng mạnh miệng tuyên bố về một "Trung Quốc thao túng tiền tệ" như Donald Trump cũng phải xuống giọng, thậm chí là quay ngoắt 180 độ trong một số vấn đề với chính quyền Bắc Kinh.

Nếu có trách thì phải trách những người hoạch định chính sách ở các nước đã không đủ trí để đoán định và lực để chống đỡ nước cờ mà Trung Quốc tung ra.

Nhân loại từng chứng kiến một thảm họa tồi tệ trên con đường tiến tới văn minh khi giới cầm quyền một quốc gia với sự hậu thuẫn của quốc gia khác tiến hành diệt chủng chính dân tộc mình.

Vì những ý đồ chính trị, phải nhiều thập kỷ sau người ta mới đưa bọn diệt chủng ra tòa án quốc tế nhưng những phiên tòa đó cũng chỉ dừng ở vài kẻ đầu sỏ bản địa, vẫn chưa thể vạch trần tội ác của những kẻ mà "ai cũng biết là ai" góp phần tạo nên nạn diệt chủng dân tộc này.

Ngày nay khi giới cầm quyền sở tại vẫn xem những kẻ "giúp" tạo nên nạn diệt chủng là người bạn tốt nhất của đất nước mình thì đủ thấy chân lý bị bóp méo khủng khiếp thế nào bởi sức mạnh đồng tiền.

Không có gì là bí mật trong cuộc chơi toàn cầu, để trở thành bá chủ thì phải đồng thời làm mình mạnh lên và làm cho thiên hạ - kể cả bạn và đối thủ - yếu đi. 

Triết lý này đã trở thành cẩm nang, thành tư tưởng chỉ đạo đường lối đối nội, đối ngoại từ thời Tôn Tử viết binh thư, Khổng Tử nêu triết lý cho đến ngày nay. 

Để có thể đối nghịch với triết lý, với hệ tư tưởng đó không thể không có triết lý của riêng mình. Học theo triết lý đó một cách hời hợt để hy vọng đương đầu với nó là điều không thể.

Thời thế thay đổi và thủ đoạn cũng thay đổi, để làm suy yếu "thiên hạ" mà trước hết là lân bang người ta không chỉ tìm cách biến các nước thành bãi rác công nghiệp mà còn tảng lờ làm như không biết việc làm hàng nhái, xuất khẩu thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, kể cả đồ chơi trẻ em nhiễm chất độc ra ngoài biên giới. 

Không thể thống kê chính xác nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật, rằng những chất độc ấy đã góp phần làm còi cọc cả một thế hệ, khiến bệnh ung thư tại Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới.

Một trong những bằng chứng về việc "làm cho thiên hạ - kể cả bạn và đối thủ - yếu đi" là quan hệ Trung - Triều.

Khi Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân thì những giọng điệu đe nẹt xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều khắp nơi trên thế giới, trong trào lưu ấy có người khuyến cáo không xem quốc gia này là bạn dù nhiều năm "môi hở răng lạnh" ! 

Trong bài giảng tại một trường đại học ở thành phố Đại Liên, nhà sử học Thẩm Chí Hoa nói :

"Trung Quốc nên ngả về phía Hàn Quốc và từ bỏ những câu chuyện huyễn hoặc đã giúp củng cố sự ủng hộ của nước này với Triều Tiên từ xưa cũ.

Nếu đánh giá tình hình hiện tại, Triều Tiên là đối thủ tiềm tàng, còn Hàn Quốc có thể là bạn với Trung Quốc" [7].

Phát biểu trên kênh BBC Radio 4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói :

"Chúng tôi khẳng định rõ ràng rằng trong các điều kiện cấp bách thì không nên loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân như là đòn tấn công phủ đầu" [8].

Trong số những nước hùa nhau bắt nạt Triều Tiên, bao nhiêu nước lên án lời đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Anh ?

Đòi tước bỏ quyền bảo vệ tổ quốc của dân tộc khác, dọa đánh phủ đầu bằng vũ khí hủy diệt có phải là cách hành xử của loài người văn minh hay vẫn chỉ là thói hoang dã khoác tấm áo văn minh ?

Cổ nhân đã dạy, không có "thực" thì đừng nói đến "đạo". Người Việt không thể mang tổ quốc mình đặt sang chỗ khác và vì thế đời này qua đời khác phải chiến đấu để tồn tại, khi nội lực khỏe thì ngoại bang rình rập, chờ đợi, khi yếu thì chúng cất quân xâm lược. 

Trong và sau chiến tranh chống Mỹ, chính vì chúng ta yếu nên bị mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa, nếu chúng ta yếu tiếp thì cái họa bị đô hộ trực tiếp hoặc gián tiếp không phải là không nhìn thấy. 

Ngôn từ mà những cái loa như Hoàn Cầu thời báo thay mặt các ông chủ Trung Nam Hải dùng với bắc Triều Tiên hôm nay chỉ là lặp lại những gì mà họ từng nói với Việt Nam những năm bảy mươi thế kỷ trước. 

Cắt viện trợ, rút chuyên gia, đình chỉ giao thương qua biên giới,… những gì đã làm với Việt Nam nay lại được đem ra sử dụng với Bắc Hàn cho thấy thế giới ngày nay không còn phân biệt bạn - thù, chỉ có lợi và hại.

Kết quả các chính sách đa dạng mà Trung Quốc thực hiện mấy chục năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã khiến thế giới đối diện với nguy cơ mà Peter Navarro và Greg Autry viết nên cuốn sách : "Death by China" (dịch : Chết dưới tay Trung Quốc hoặc Chết bởi Trung Quốc).

Về cuốn sách "Death by China", người viết xin đề cập trong phần sau của loạt bài này. 

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 30/04/2017

Tài liệu tham khảo :

 [1] http://nld.com.vn/kinh-te/adb-canh-bao-viet-nam-dung-thanh-bai-rac-cong-nghe-cua-trung-quoc-20170410115649315.htm

[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-tau-moc-giua-binh-duong-634828.tpo

[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khu-pho-tau-tai-xuat-sat-nach-thu-do-319389.html

[4] http://tuanvietnam.net/2011-06-29-pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-

[5] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-28039.html

[6] http://vov.vn/kinh-te/du-an-dien-do-trung-quoc-lam-tong-thau-ty-le-noi-dia-rat-thap-365230.vov

[7] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chinh-sach-cua-trung-quoc-voi-trieu-tien-gay-tranh-cai-o-trong-nuoc-3573832.html

[8] http://infonet.vn/noi-bo-anh-bat-dong-trong-van-de-vu-khi-hat-nhan-post226119.info

Additional Info

  • Author Xuân Dương
Published in Diễn đàn