Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2017

"Death by China"

Xuân Dương

Suy cho cùng, trong một thế giới "cá lớn" ngày càng lớn, "cá bé" bị tận diệt thì đặt niềm tin vào bất kỳ "người bạn" nào cũng đều là sai lầm phải trả giá.

Nếu chỉ nhìn nhận về tiềm lực quốc phòng và kinh tế, thế giới có nhiều "nước lớn" như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức,… tuy nhiên thế giới hôm nay chỉ có hai nước thực sự được xem là "lớn" : Mỹ và Trung Quốc.

Truyền thông hay dùng từ "đi đêm" để nói về quan hệ giữa các nước lớn, ngày nay có lẽ nói "đi đêm" là không hoàn toàn chính xác. 

Những gì gọi là "đi đêm" giữa Mỹ và Trung Quốc thời Donald Trump - Tập Cận Bình có thể dự đoán thông qua các món quà mà hai nguyên thủ này dành cho nhau. 

Mỹ và Trung Quốc chẳng cần "đi đêm", họ công khai mặc cả với nhau giữa ban ngày, công khai nêu đích danh những "cái lưng" họ định dẫm lên cũng như những đối tượng, sự việc, thậm chí là cả các cá nhân họ muốn dìm xuống. 

Thậm chí có những cuộc gọi là "đi đêm" chỉ hôm sau cả thế giới đều biết.

Thái Bình Dương là tài sản chung của nhân loại song cả người Mỹ và Trung Quốc chẳng cần che giấu khi tuyên bố "Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc".

Nếu Thái Bình Dương chỉ "đủ" cho Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Úc, Indonesia,… sẽ được bao nhiêu phần khi hai cường quốc này nhăm nhe chia nhau ảnh hưởng ?

death1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh : The Huffington Post)

 

Gần đây, Mỹ tảng lờ Biển Đông trong hầu hết các phát biểu trước và sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, không còn thấy ngôn từ mạnh mẽ của ngoại trưởng và tướng lĩnh Hoa Kỳ về đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp tại vùng biển này. 

Họ đang chĩa mũi dùi vào Syria và Bắc Triều Tiên, thậm chí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley còn mạnh miệng tuyên bố với CNN rằng "việc loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi quyền lực là một ưu tiên". 

Đây một sự thay đổi quan điểm gần như 180 độ của chính quyền Donald Trump đối với vấn đề Syria.

Đổi lại, ngày 13/4/2017 Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên và tạm ngưng các chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng từ ngày 17/4/2017.

Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc hôm 12/4/2017 về vụ tấn công bằng khí độc ở Syria (Nga phủ quyết) cho thấy Nga không phải là đối tượng được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Phòng Đông Nhà Trắng hôm 12/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi Trung Quốc vì đã bỏ phiếu trắng bằng những lời "có cánh" : 

"Thật tuyệt vời khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Tôi không ngạc nhiên vì họ làm vậy. Mỹ cũng cảm thấy vinh dự vì cuộc bỏ phiếu này". 

Mới đây việc Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn không cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án vụ thử tên lửa (mới nhất) của Triều Tiên trong khi Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ phần nào cho thấy Nga đã nhận thức và có hành động cụ thể trong chiến lược hướng Đông, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương. 

Trong bài "Làm chủ cuộc chơi khi nước lớn đi đêm" người viết đã nêu ý kiến :

"Suy cho cùng, các nước nhỏ không thể trách nước lớn "đi đêm" trên lưng mình, chỉ có thể trách bản thân biết người ta "đi đêm" mà vẫn cam chịu" [1].

Cách tốt nhất để nước lớn không "đi đêm" trên lưng mình là hãy đừng tự biến mình thành nước nhỏ, nếu chưa thể thành nước lớn thì ít nhất cũng phải làm sao để không phải là nước nhỏ.

Nước Pháp diện tích gần gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 70 triệu người, nước Đức hoàn toàn tương đương Việt Nam về dân số (82 triệu người) và diện tích (357.021 km²), nước Nhật diện tích chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút (377.973 km2), dân số khoảng 127 triệu người.

Cả ba quốc gia nếu trên đều không phải là nước nhỏ.

Hơn ai hết, người Việt hiểu rất rõ cái giá mà những cuộc đi đêm của nước lớn mang lại. 

Năm 1972, sau cuộc "đi đêm" với Trung Quốc, Mỹ dội bom tàn phá Thủ đô Hà Nội.

Cũng nhờ những cuộc đi đêm ấy mà Trung Quốc chiếm nốt Tây Hoàng Sa, Gạc Ma và một số thực thể tại Trường Sa, tung quân xâm lược Việt Nam năm 1979... 

Ngày nay, sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập, liệu Mỹ có dám dội bom xuống Bắc Triều Tiên mà không sợ ảnh hưởng đến các đồng minh Nhật, Hàn cũng như chính bản thân mình ? 

Không chỉ Trung Quốc phải điều động quân đội đến biên giới Trung-Triều mà Nhật cũng phải chuẩn bị kế hoạch sơ tán 60 nghìn công dân khỏi Hàn Quốc.

Triều Tiên có thể thiếu lương thực, thuốc men, có nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng nhưng họ có ý chí sắt đá về độc lập, tự chủ. 

Sự hà khắc trong chính sách đối nội, sự kiểm soát gắt gao quyền con người bị thế giới phê phán song lại giúp chính quyền Bình Nhưỡng tập trung nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, cái giá phải trả không hề rẻ song không phải vô nghĩa.

Lịch sử thế giới cho thấy, các nước trở nên "lớn" không phải bằng cách mua đất (như Mỹ mua vùng Alaska của Nga năm 1867) hay lấp biển (như cách Singapore đang làm) mà qua các cuộc chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ. 

Sau thời các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn sangChâu Âu là thời các tàu chiến Anh Quốc, Tây Ban Nha, Pháp… tràn sangChâu Á,Châu Mỹ,Châu Phi,Châu Úc và gần đây là những cuộc chiến do Mỹ và NATO thực hiện dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc. 

Ngày nay, xâm lược bằng quân sự chưa hề lỗi thời, song mục đích kinh tế mới là hàng đầu và vì thế nhiều trường hợp người ta ưa dùng các biện pháp dễ "hóa trang" hơn, ít gây sốc hơn và thế giới chắc chắn phải học tập Trung Quốc - bậc thầy về điều này. 

Chính sách cai trị được thực hiện không phải bằng các Toàn quyền hiện tại hay Thái thú ngày xưa mà bằng việc mua chuộc các chính quyền "thân hữu". 

Hình thức bóc lột thuộc địa được ngụy trang dưới vỏ bọc "viện trợ phát triển" và những đạo quân gươm giáo được thay bằng đạo quân trá hình dưới dạng công nhân, thương gia, cố vấn…

Không khó để nhận thấy những "người Mỹ thầm lặng", những công dân "viết chữ tượng hình" hiện diện không từ hang cùng ngõ hẻm nào trên mọiChâu lục.

Người ta không chỉ giành quyền khai thác tài nguyên mang về chính quốc mà còn bằng mọi cách tận hưởng những thứ không thể chất lên tàu chuyển về đại lục. 

Những tour du lịch 0 đồng mà người nước ngoài thực hiện trên khắp Việt Nam, Thái Lan,.., chính là cách khai thác, tận hưởng tài nguyên tại chỗ, vừa không mất tiền đầu tư vừa mang lợi về cho người "dắt mối".

Tỉnh Quảng Ninh được lợi ích gì từ dòng người dài hàng cây số ở của khẩu Móng Cái chờ đợi sang Việt Nam du lịch ? 

Điều lạ lùng là chỉ khi báo chí vào cuộc thì chính quyền sở tại mới lên tiếng. 

Phải chăng đang tồn tại một tâm lý sợ ảnh hưởng đến tình hữu nghị cho dù có thiệt hại về kinh tế khi địa phương thất thu rất nhiều từ những đoàn khách xô bồ này. 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Trung Lương - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - nêu ý kiến : 

"Dù số lượng khách Trung Quốc đến tăng đột biến nhưng với các "tour du lịch không đồng" sẽ không mang lại lợi ích cho ngành du lịch Việt Nam bởi du khách Trung Quốc đến các nơi mua sắm đã thỏa thuận trước, số tiền đó lại quay về Trung Quốc hoặc rơi vào túi cá nhân nào đó" [2].

Có tờ báo đã giật tít "Ngán ngẩm du khách Trung Quốc : Tàu đến khiến Tây đi" nhưng vì sao chuyện này không có chiều hướng cải thiện [3] ?

Du lịch là ngành công nghiệp không khói để thu ngoại tệ nhưng phải chăng hiện nay lượng khách du lịch đông đảo nhất đến Việt Nam chỉ "giúp" chúng ta thu về rác sinh hoạt và sự bực mình ?

Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam (Ngân hàng Phát triển Châu Á), ông Eric Sidgwick khi cảnh báo Việt Nam cần chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc chỉ mới đề cập được một nửa vấn đề.

Người viết muốn nói đến nửa còn lại, đó là báo động về "rác sinh hoạt" và "rác văn hóa" từ dòng khách du lịch theo đường bộ nhập cảnh vào Việt Nam. 

Tìm kiếm cụm từ "Hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam" trên Google nhận được 344.000 kết quả liệu có khiến chúng ta giật mình ?

Chuyện không ít hướng dẫn viên người Trung Quốc nói xấu lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, đốt tiền Việt Nam ngay tại Việt Nam có phải chỉ là "rác văn hóa" nhập lậu hay còn là cách xuất khẩu "văn hóa bẩn" qua biên giới đã được hoạch định kỹ lưỡng ?

Liệu các nhà hoạch định chính sách có nên tỉnh ngộ trước một thực trạng, có hai dòng chảy trên "con đường tơ lụa mới", dòng chảy tài nguyên giá rẻ từ các nước nghèo về các nước giàu và dòng người từ đó tỏa đi khắp thế giới, nếu không phải để thành lập các khu phố mới thì cũng là để tận hưởng những thứ mà "ở nhà" dẫu có tiền cũng chưa chắc đã mua được ?

Những người mơ ước "lối sống Mỹ", "văn hóa Mỹ" liệu có sửng sốt khi một công dân Mỹ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay dù đã trả tiền mua vé, bị dập mũi, gãy răng, chảy máu mồm vì hành động thô bạo của cảnh sát Mỹ ? 

Những người sùng bái Đạo Khổng có tự hỏi ngày nay bao nhiêu "chính nhân quân tử" làm theo đúng những điều Khổng Tử truyền giảng, rằng "những điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác" ?

Suy cho cùng, trong một thế giới "cá lớn" ngày càng lớn, "cá bé" bị tận diệt thì đặt niềm tin vào bất kỳ "người bạn" nào cũng đều là sai lầm phải trả giá. 

Tổ quốc phải bảo vệ bằng máu chứ không phải bằng những lời hứa viển vông. 

Không cần thiết phải đao to búa lớn kiểu Bắc Hàn, song cũng nên cân nhắc giữa sân gôn và các công binh xưởng. Nhắc lại một lần nữa lời dạy của tiền nhân chắc không thừa "không có Thực thì đừng nói đến Đạo".

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 01/05/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lam-chu-cuoc-choi-khi-nuoc-lon-di-dem-post161388.gd

[2] http://dulich.tuoitre.vn/tin/20170326/bung-no-khach-trung-quoc-o-ha-long/1286822.html

[3] http://viettimes.vn/ngan-ngam-du-khach-trung-quoc-tau-den-khien-tay-di-32928.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Dương
Read 4376 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)