Một câu hỏi hơi quá khả năng trả lời của chính người đặt ra câu hỏi, bởi chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh thế giới là câu chuyện lắc léo chính trị, kinh tế, xã hội của cả đại cầu. Nhưng, trong thời đại công nghệ mạng bao phủ toàn cầu, vấn đề xã hội học lại chiếm vị trí hàng đầu trong các cuộc chiến tranh, xã hội học chi phối cả chính trị và kinh tế, thay vì trước đây kinh tế, chính trị chi phối xã hội. Có thể nói rằng nhân loại đang đứng rất gần bờ vực thế chiến và muốn thoát khỏi nó, không phải là những điều chỉnh chính trị hay những sách lược kinh tế nhằm vãn hồi tình thế.
Thế giới muốn thoát khỏi chiến tranh, cần có một cuộc phục hưng xã hội học...
Không, thế giới muốn vãn hội tình thế, muốn thoát khỏi chiến tranh, cần có một cuộc phục hưng xã hội học. Và đây là một nan đề bất khả giải !
Nguyên nhân từ đâu ?
Người ta có quyền đặt câu hỏi do đâu mà xã hội loài người trở nên tệ hại, hung hăng, cay cú và bất chấp như hiện nay ? Mà đáng sợ hơn cả là cả xã hội loài người trên mặt địa cầu chứ không riêng gì quốc gia nào, dường như mọi thứ đang nóng lên một cách khó có thể kiềm chế và các chính phủ, nhà nước của các quốc gia có thể vỡ trận bất kỳ giờ nào. Vậy nguyên nhân do đâu ? Do các nền dân chủ trở nên cũ kĩ, nhàm chán ? Do vấn đề dân chủ bị định nghĩa lệch lạc ? Do ý thức dân chủ kém ? Do nhu cầu mở rộng cương vực kinh tế biển của các nước lớn ? Do yêu cầu sống còn về xác lập chủ quyền biển nhằm thao túng hàng hải và độc quyền, nhằm thủ đắc tài nguyên biển gồm dầu khí, đất hiếm và hải sản ? Do sách lược của các siêu cường ngày càng trở nên bảo thủ bởi yếu tố dân tộc tính được nhấn mạnh ? Do các ràng buộc quốc tế ngày càng trở nên lỏng lẻo bởi nó đã lạc hậu so với nhu cầu thực tế của các nước phát triển ? Do các điều luật quốc tế chồng lấn với lợi ích quốc gia của các nước lớn ? Do một vài nước lớn trỗi dậy và nuôi mộng bá chủ ?... Có thể nói có hàng ngàn câu hỏi được đặt ra trước tình hình hiện tại.
Tình hình như một cái chảo lửa đang ngày càng tăng nhiệt bởi trước dịch cúm Vũ Hán thì mối quan hệ giữa các nước khối Ả Rập, các nước Trung Đông dường như chẳng có gì là tốt đẹp, hòa hảo mà có vẻ như các mũi tấn công luôn hướng vào nhau, có thể khai hỏa bất kỳ giờ nào. Dịch cúm xảy ra cùng lúc với hàng loạt mối quan hệ giữa các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương trở nên căng thẳng ; mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xấu đi, đã có đụng chạm và tổn thất nhân mạng ở đường biên giới giữa hai nước ; quan hệ giữa Nam - Bắc Triều Tiên cũng trở nên căng thẳng hơn bao giờ ; quan hệ biên giới đất liền và biển giới biển đảo giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng xấu đi, Trung Quốc lấn lướt ra mặt, xây dựng một cách bất chấp trên các đảo tranh chấp… Đáng nói hơn cả là mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã chính thức trở thành đối đầu kể từ cuộc thương chiến vào năm 2019, sau đó đến dịch cúm Vũ Hán và gần đây là mối quian hệ quân sự ở Biển Đông, mọi thứ rất khó lường.
Nếu như cấp độ toàn cầu thì các nước, các khu vực đều trở nên nóng nảy, khó lường thì mối quan hệ giữa người với người trong mỗi quốc gia đều có vấn đề đáng bàn. Nếu như tại Hoa Kỳ, cuộc nổi dậy nhằm kêu gọi chống phân biệt chủng tộc (và rất có thể bên trong những cuộc nổi dậy này là một sự đầu cơ chính trị và là một thứ âm mưu chính trị không liên quan gì đến chủ trương gốc của nó) thì tại Trung Quốc, các thế lực đối trọng với Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang nổi dậy một cách đáng sợ. Tại Việt Nam, vấn đề nổi dậy của các thế lực đối trọng với Đảng cộng sản không đáng kể nhưng mối nguy loạn mười hai sứ quân ngay trong nội bộ đảng là quá cao. Biểu hiện của sự loạn lạc này là các nhóm lợi ích nổi dậy và mượn tay xã hội đen, hoạt động trên phương thức cò cuốc, lách luật một cách manh động, sẵn sàng thanh toán nhau bằng dao búa chỉ vì một chút tư lợi hết sức nhỏ. Và những nhóm cò cuốc kèm dao búa này đang phục vụ cho các đầu sỏ lợi ích nhóm, sẵn sàng đổ máu vì lệnh của "bề trên". Điều này gây ra một sinh quyển xã hội hết sức lộn xộn và mọi thứ quyền lợi cơ bản của người dân bị các nhóm cò thò tay chọc khuấy, thao túng, quậy phá…
Hệ quả của tình trạng nổi dậy của các đám cò là nhìn bề ngoài thì tình hình an ninh, chính trị của Việt Nam rất ổn định, nhất là sau đợt dịch cúm khủng khiếp, thế giới tổn thất không biết bao nhiêu nhân mạng, tiền của nhưng Việt Nam vẫn trụ vững, không có tình trạng chết do dịch xảy ra, Việt Nam trở nên hấp dẫn vô cùng trong mắt giới đầu tư, giới kinh doanh lữ hành và các lĩnh vực khác. Điều này là một hứa hẹn phát triển toàn diện nếu chính phủ Việt Nam biết tranh thủ cơ hội.
Mối nguy bùng nổ tai họa...
Nhưng, nếu như nhìn từ bên ngoài, Việt Nam hấp dẫn bởi nhiều thứ thì, nhìn từ bên trong, đụng đâu tại Việt Nam cũng thấy lắm vấn đề, từ nhân tâm cho đến cơ chế hoạt động kinh tế sau dịch cúm và các phát sinh xã hội, dường như đụng đâu cũng thấy có chuyện để bàn, mà toàn chuyện đáng sợ. Việt Nam phát triển công nghiệp du lịch đồng thời với phát triển dịch vụ nhà đất, có thể nói rằng giá đất tại Việt Nam tăng vùn vụt, tăng nhanh vào bậc nhất nhì khu vực. Và kéo theo giá đất tăng là hệ lụy tình cảm giữa người với người càng lúc càng xấu đi. Nếu như vài năm trở lại đây, tình cảm anh em, xóm làng bị sứt mẻ vì đất đai thì gần đây, câu chuyện tình cảm sứt mẻ như nó vốn có vẫn tiếp tục diễn ra song hành với tình trạng nổi lên và cát cứ một vùng của các nhóm cò đất. Mà nói chính xác hơn là các nhóm cò này chỉ đóng vai trò bình phong, đóng vai trò chó săn cho các nhóm lợi ích. Để phục vụ cho bề trên của họ, họ sẵn sàng đạp qua mọi luật chơi về mua bán, sẵn sàng lừa đảo khách hàng và sẵn sàng chém người chỉ vì một chút tiền nhỏ nhoi.
Và không riêng ở bất kì tỉnh nào, nếu như trước đây hầu hết các tỉnh đều có hàng loạt nhóm cò đất hoành hành dựa trên cơ chế xã hội đen thì dạo gần đây, các nhóm cò đất hoạt động trên nguyên tắc bất chấp nguyên tắc. Nghĩa là để đạt được mục đích lấy tiền từ túi người khác, họ không từ bỏ bất kì thủ đoạn hay chiêu trò nào, kể cả bịp bợm, lừa gạt và đe dọa tính mạng. Thử nghĩ, với một nhóm nghành nghề, nhóm kinh doanh có liên quan trực tiếp đến ngành du lịch, hay nói khác, nhóm kinh doanh đặt nền móng cho dịch vụ du lịch là dịch vụ đất đai, nhà cửa, mà cung cách hành xử của những người có liên quan đều rất gấu, rất đáng sợ, đáng tránh như vậy thì liệu có bao nhiêu nhà đầu tư dám dịch chuyển, dám đặt bút ký một giao dịch nào đó để chuẩn bị cho tương lai kinh doanh ? !
Chuyện nghe đơn giản là những nhóm cò nổ dậy, nhưng trên thực tế, nó phản ánh bề mặt và căn cốt văn hóa của xã hội. Một xã hội không thể phát triển được dựa trên nền tảng lừa bịp, đe dọa, léo hánh và cò cuốc. Một xã hội không thể thu hút bất kì nhà đầu tư nào một khi hành trạng con người trong xã hội đó đầy manh động và áp chế, hồ đồ.
Từ chỗ mối quan hệ xã hội Việt Nam hiện tại, hay nói khác đi là hiện trạng hoạt động kinh tế của Việt Nam đầy tính manh mún và manh động như vậy, rất khó để hi vọng vào một nền kinh tế phát triển trong tương lai. Có thể nói rằng sau đại dịch, không riêng gì Việt Nam mà hầu hết các quốc gia đều có những biến động, thậm chí náo loạn và bạo loạn. Nhưng, sau đại dịch, cơ hội khép lại với quốc gia này thì nó lại mở ra với quốc gia khác. Việt Nam là một quốc gia mà tương lai phát triển có rất nhiều cơ hội. Rất tiếc là người Việt không nhìn ra cơ hội để phát triển nhưng số đông những người có liên quan đến lĩnh vực phát triển mạnh như đất đai lại chỉ thấy thời cơ để đục tiền người khác và bất chấp danh dự, uy tín, tình người để lấy cho được đồng bạc, bằng mọi giá lấy nó và không suy nghĩ gì thêm cho bản thân cũng như cộng đồng, quốc gia.
Từ một quốc gia đầy tiềm năng như Việt Nam hiện tại, nhìn rộng ra các quốc gia khu vực, các siêu cường, chỉ thấy toàn những mâu thuẫn và để giải quyết nó, hình như là cần một cuộc thay máu toàn triệt về mặt xã hội học. Nghĩa là cần một cuộc tổng sắp xếp các qui chuẩn đạo đức, thậm chí có tính áp đặt, chế tài để vãn hồi tình thế. Bởi với đà hiện tại, khi mà người trong nước tự mâu thuẫn với nhau, các quốc gia trong khối tự mâu thuẫn với nhau và hình như mượn mâu thuẫn bên ngoài để đề cao dân tộc tính nhằm cứu vãn tình thế là lựa chọn của không ít quốc gia… Tất cả đều đang làm một việc chung, đó là đổ thêm dầu vào chảo lửa chiến tranh. Thế giới trở nên bất an và con người trở nên hoang mang, khó lường !
Chính vì vậy, ngay trong lúc này, một người, nhiều người, một tộc người, nhiều tộc người cần phải giữ bình tĩnh. Bởi sự bình tĩnh không chỉ có lợi cho bản thân mà có tính đảm bảo cho tương lai cộng đồng, đất nước. Thậm chí sự bình tĩnh và suy nghĩ nhiều hơn về giá trị yêu thương có thể giải cứu thế giới khỏi một cuộc chiến tranh toàn diện có thể nổ ra bất kỳ giờ nào ! Bĩnh tĩnh, đó là câu thần chú của loài người lúc này, khi mà mọi giá trị đã bị đánh tráo bằng khả năng xung đột và lấn lướt thay vì giá trị thật của con người là yêu thương và khám phá khoa học, tu bổ tri thức của mình ! Hãy yêu thương, hãy tập yêu thương khi chưa muộn !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 17/06/2020 (VietTuSaiGon's blog)
1. Trật tự thế giới bị đặt lại
Nếu ta tìm hiểu các nguyên nhân gây ra Thế chiến thứ II, ta thấy nguyên nhân "trật tự thế giới bị đặt lại" là một điều quan trọng mà ít thấy các sử gia Việt Nam nói tới.
Dấu hiệu manh nha của chủ nghĩa phát xít là hô hào sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp.
Trật tự thế giới đã bị "đặt lại" qua nhiều hình thức :
Hội Quốc liên đã "im lặng" trước hành vi xâm lược của Nhật đối với các vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Mở đầu là Mãn Châu 1931, sau đó là toàn lãnh thổ Trung Quốc 1937. Định chế quốc tế này cũng bất lực trước sự xâm lược của Đức đối với các quốc gia (Áo và Đông Âu...)
Song song đó ở Châu Âu, Đức rút khỏi Hội Quốc liên (1934) đồng thời tuyên bố vô hiệu lực hiệp ước Versailles ký năm 1919. Những điều khoản trong hiệp ước Versailles như bồi thường chiến tranh, hay buộc Đức phải ký nhận trách nhiệm hoàn toàn về hệ quả gây ra Thế chiến thứ nhứt, đã khiến cho nước Đức suy sụp về kinh tế trong khi lòng dân khao khát "phục thù".
Nếu ta đối chiếu với các sự hiện hôm nay, ta cũng thấy "trật tự thế giới" bị đặt lại.
Liên Hiệp Quốc đã bất lực trước các vụ xâm lấn lãnh thổ (Nga đối với Ukraine, Do Thái đối với Palestine, Thổ đối với Syrie, Trung Quốc đối với Việt Nam (Hoàng Sa và các bãi đá Trường Sa...)
Luật lệ quốc tế cũng bị thách thức, nhiều hiệp ước quốc tế không được các quốc gia thi hành... Trung Quốc không nhìn nhận phán quyết của tòa Trọng tài thường trực 2016 về nội dung "giải thích và cách áp dụng Luật Quốc tế về Biển 1988 (UNCLOS), Mỹ ủng hộ Do thái trong những quyết định đi ngược lại nội dung của Liên Hiệp Quốc về các vấn đè Palestine. Mỹ cũng đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris COP 21 về biến đổi khí hậu...
Còn "lòng dân", dân Trung Quốc cũng khao khát phục thù "thế kỷ nhục nhã" do các đại cường gây ra cho Trung Hoa.
2. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa "phát xít"
Chủ nghĩa "phát xít" thể hiện đầy đủ qua các "hiện tượng" thấy được ở Đức, Ý, Nhật (và trong chừng mực Tây Ban Nha) trong thời kỳ 1930-1945.
Dấu hiệu manh nha của chủ nghĩa phát xít là hô hào sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp. Các phương pháp ngoại giao, thỏa hiệp, hay các nguyên tắc dân chủ đều bị đả phá, hay loại bỏ. Lãnh tụ được "suy tôn". Lòng "hận thù" được kích động, qua các hình thức "kỳ thị chủng tộc", hận thù chủng tộc, hay đề cao chủng tộc. "Quốc gia" được đề cao. Những người theo chủ nghĩa này chống lại phe "hòa bình", cho rằng phe này "hèn nhát".
Nếu ta nhìn nước Mỹ thời Tổng thống Trump, đã có những dấu hiệu của "phát xít", tuy còn "rụt rè" vì luật pháp nước Mỹ không cho phép. Nhưng các hiện tượng "tôn sùng lãnh tụ", "kỳ thị chủng tộc", đả phá nền tảng dân chủ, đề cao vũ lực và coi nhẹ ngoại giao...
Với Trung Quốc ta cũng thấy hiện tượng tương tự, như thi đua vũ trang, chủ trương sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, tôn sùng lãnh tụ, đề cao "dân tộc chủ nghĩa"...
3. Khủng hoảng kinh tế
Sách sử ký của Việt Nam đặt nặng vấn đề "ý thúc hệ", do đó nguyên nhân Thế chiến thứ II thường qui kết cho cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 ở Mỹ.
Thật vậy, hầu như tất cả các cuộc chiến tranh đã xảy ra trên địa cầu đều bắt nguồn từ "kinh tế". Tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tranh chấp lợi ích "địa chiến lược"... đều có nguyên nhân từ "kinh tế".
Nhưng nếu đơn thuần chỉ nói "khủng hoảng kinh tế" là không nói lên được chuyện gì.
Nhưng nếu nhìn nhận khủng hoảng kinh tế 1929 bắt nguồn từ Mỹ là "nguyên nhân" Thế chiến thứ II, thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sắp tới sẽ đặt lại "trật tự thế giới" từ lâu đã rất lỏng lẽo.
Trung Quốc vừa ra khỏi đại dịch cúm, trên đường hồi phục, trong khi Mỹ và các quốc gia Châu Âu bắt đầu bước vào khủng hoảng. Hầu hết (nếu không nói là tất cả) các dụng cụ y tế, thuốc men... mà Mỹ và Châu Âu sử dụng đều sản xuất từ Trung Quốc.
Nước Mỹ và Châu Âu hiện đang khủng hoảng nặng nề về y tế, nguyên nhân do thiếu chuẩn bị.
Mỹ và Châu Âu mặc dầu "biết trước" dịch sẽ đến (ngoại trừ ông Trump do dốt hay do lạc quan tếu). Tất cả đều thấy những tai hại của dịch và thấy rõ sư thiếu thốn dụng cụ y tế của quốc gia, nếu đại dịch bùng phát.
Tức là trong cơn khủng hoảng y tế, Trung Quốc, phía sản xuất dụng cụ y tế, là phe nắm "kèo trên". Kinh tế của Trung Quốc trên đường hồi phục. Quốc phòng của Trung Quốc hiện dư sức giữ chân Mỹ đứng ngoài các xung đột Đài Loan và Biển Đông.
Qua cuộc "hội thảo" của G20 hôm qua, ta không thể không đặt vấn đề là Tập Cận Bình đã "ép" được Trump nhượng bộ.
4. Chiến tranh thế giới, giữa hai phe Mỹ và Trung Quốc, có xảy ra hay không ?
Nếu không có dịch Covid-19, trước sau gì nó cũng tới. Nhiều học giả thế giới đã tiên đoán việc này.
Nhưng đại dịch Covid-19 có thể làm "khó" nước Mỹ.
Đài Loan hay Biển Đông sẽ là "lợi ích" mà Mỹ phải nhượng cho Trung Quốc để nước này cung cấp thiết bị y tế cần thiết cho Trump ?
Điều lo ngại là Trung Quốc "thừa thắng xông lên", khuynh đảo để thâu tóm nền ninh tế thế giới.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 28/03/2020)
*******************
Chiến tranh thế giới có thể xảy ra hay không ?
Trương Nhân Tuấn, 26/03/2020
Hôm qua tôi viết "tút" ngắn, phân tích "ý đồ" của Trung Quốc (nếu có thể gọi như vậy) qua việc thu mua gạo của Việt Nam, bất kể giá cả ra sao (1). Tôi có kết luận rằng Trung Quốc có thể đang "chuẩn bị lương thảo" để mở ra một cuộc chiến tranh. Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan và nhân tiện chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc có thể đang "chuẩn bị lương thảo" để mở ra một cuộc tiến chiếm Đài Loan và nhân tiện chiếm các đảo Trường Sa còn lại của Việt Nam.
Có rất nhiều người không thuyết phục ý kiến này. Vấn đề là trong lịch sử cận đại về chiến tranh của nhân loại, đa số, nếu không nói là hầu hết, có nguyên nhân bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng sâu xa về kinh tế, xã hội.
Cuộc "đại dịch" Covid-19 sẽ gây khủng hoảng sâu xa về kinh tế và xã hội, trên khắp thế giới, làm nghiêm trọng thêm hiện tượng "dân tộc chủ nghĩa" trong xã hội ở các quốc gia giàu mạnh.
Thế chiến thứ II ở Châu Âu, nguyên nhân sâu xa là Đức không thể "trả nợ chiến tranh" do Thế chiến thứ I. Phe "thắng trận" đã buộc Đức phải trả những món nợ mà nếu trả, dân Đức sẽ "làm mọi suốt đời"! Việc buộc phải trả nợ và sự "nhực nhã" vì thua trận, Hitler đã dễ dàng kích động tinh thần "dân tộc chủ nghĩa" bài Do thái trong nước. Khi nắm được quyền lực Hitler đổ dồn mọi tài nguyên quốc gia vào việc "hiện đại hóa" quốc phòng. Lý do chiến tranh (của Đức) ở đây là "kinh tế" và "danh dự dân tộc".
Trong khi Nhật, cũng là một "đế quốc quân phiệt", sử dụng "dân tộc chủ nghĩa" để củng cố quốc phòng. Mục đích dế quốc Nhật là "bành trướng lãnh thổ", với tham vọng xây dựng khối "Đại Đông Á", mục đích "hùng phong đại quốc" và tranh đoạt tài nguyên. Nhật không thể "phát triển bền vững" nếu không có nguồn nguyên liệu cung ứng dồi dào từ bên ngoài. Nguyên nhân chiến tranh của Nhật là khẳng định vị thế "đế quốc", thâu tóm và bảo vệ nguồn nguyên liệu cần thiết để phart triển.
Nhìn qua các dữ kiện này, so sánh với tình hình thế giới hiện thời, có những điều gì "tương đồng" ?
Qua trận "thư hùng" Mỹ và Trung Quốc về "chiến tranh thương mại". Ta thấy Mỹ (và đồng minh) không thể thắng vì tất cả, địch và chúng ta, đều "liên thuộc" chặt chẽ về kinh tế. "Đập" Trung Quốc "tan nát" đầu này thì cũng làm nát bét đầu kia của "phe mình". Trung Quốc "yếu" hơn nhiều lần nhưng "không thua", vì phía đối thủ "phụ thuộc" quá nhiều vào Trung Quốc.
Ở điểm này ta thấy Mỹ sẽ không thể giữ vị thế "đại cường" lâu dài nếu không sớm "thoát" khỏi cảnh "lệ thuộc" về kinh tế vào Trung Quốc. Điều "phụ thuộc" về kinh tế này khiến Mỹ khá giống với Nhật, phụ thuộc về tài nguyên, trong thời Đệ nhị Thế chiến. Chủ trương "da trắng ưu việt" của Trump từ mấy năm nay cũng khá tương đồng với hiện tượng "chủng tộc ưu việt" ở Đức.
Mỹ khó có cách nào "thoát" một cách êm thắm mà không bị đối phương bắt chẹt.
Về phía Trung Quốc, Tập Cận Bình hiện thời đang bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích về cái cách quản lý bịnh Covid-19. Nhiều tin tức báo chí cho biết Tập có thể bị Trung ương "khiển trách" và "lột" bớt quyền hành trong thời gian tới (nếu may mắn không bị thanh trừng). Ngoài ra qua hệ quả của "chiến tranh thương mại" với Mỹ, người ta thấy rằng nguyên nhân cuộc chiến là do chính sách "đe dọa bành trướng" của Tập qua các chương trình đầy tham vọng như "vành đai con đường", "made in china 2025"... Tức là Tập Cận Bình bỏ qua lời khuyên "thao quang dưỡng hối", ép mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình.
Nếu so sánh "công tội", "tội" của Tập lớn so với "công lao"...
Ở Mỹ, Trump hiện lâm vào tư thế hết sức bất lợi. Thành quả phát triển kinh tế gặt hái được từ ba năm qua bỗng chốc tiêu tan. Kinh tế trên đà sa sút và viễn tượng cả nước Mỹ bị Covid-19 tàn phá. Cách quản lý khủng hoảng y tế của Trump cho thấy là "tệ", nước Mỹ lý ra có thể trách được dịch, hoặc có thể phòng dịch với tư thế "mạnh" vì đầy đủ dụng cụ y tế. Trump đã quá "lạc quan", hay quá "tin tưởng" trên những điều không thật. Tức là hy vọng thắng cử tháng 11 sắp tới của Trump là "mong manh".
Nước Nga, Putin đang lúng túng vì chỉ một tuần giá dầu giảm 75%, chỉ còn hơn 25 đô la. Nước Nga sẽ nhanh chóng bước vào suy thoái, lòng dân vốn đã phẫn uất, Putin có thể sẽ mất quyền nếu ông này không kịp thời có "giải pháp".
Về cá nhân "lãnh tụ" của 3 "đế quốc", tức các quốc gia có thể gây chiến tranh trên toàn thế giới, tất cả đều lâm vào "thế kẹt". Cả ba đều muốn tạo một "biến cố" quan trọng để người dân không còn chăm chú vào khuyết điểm của mình nữa. Biến cố đủ lớn để dân chúng thấy rằng sự tiếp tục lãnh đạo quốc gia của lãnh tụ là "cần thiết".
Yếu tố "thống nhứt đất nước" từ bao thập niên nay là nguồn "ám ảnh" của tất cả các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình vì muốn xoa dịu những chống đối trong dân chúng và trong nội bô, đã tiếp tục gây chiến tranh với Việt Nam trong hơn thập niên. Họ Đặng chiếm một số bãi đá Trường Sa của Việt Nam, mục đích gây "căng thẳng thường trực" để dễ dàng áp đặt các chương trình đổi mới "tứ hiện đại" của mình.
Vì vậy ta không thể loại trừ viễn ảnh Trung Quốc sẽ đánh chiếm Đài Loan trong tương lai gần, mục đích dĩ nhiên để họ Tập củng cố quyền lực trong nội bộ.
Nước Mỹ của ông Trump, vốn luôn "vĩ đại". Ông Trump đề ra khẩu hiệu tranh cử "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Hiển nhiên khẩu hiệu chỉ nhằm mị dân. Vì thực tế nước Mỹ chưa bao giờ không vĩ đại.
Bây giờ, đối diện với những "rắc rối" nội tại lẫn ngoại tại, nước Mỹ "nhỏ bé" lại. Dân Châu Âu, vốn là "bạn bè truyền thống" của dân Mỹ, không tới 10% ủng hộ các chính sách của Trump. Trong nước, với chủ trương "da trắng ưu việt", Trump đã gây ra một sự chia rẽ, nếu không nói là "thù nghịch" chưa từng thấy trong lịch sử cận đại của Mỹ. Trump thắng hay thua trong kỳ bầu cử tới, nước Mỹ vẫn thua, vẫn yếu đi vì chia rẽ nội bộ.
Trump chỉ có thể thắng cử nếu vẫn giữ nguyên đà phát triển kinh tế. Việc này xem ra khó khăn vì viễn ảnh đen tối về dịch Covid-19 đe dọa toàn nước Mỹ.
Trump rất muốn "thoát" ra khỏi lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Mà việc này chỉ có thể thực hiện nếu cả thế giới đảo lộn vì một "biến cố trọng đại" nào đó.
Còn Nga, một quốc gia có nền kinh tế đặt trên dầu hỏa. Giá dầu xuống kinh tế lụn bại theo. Nhưng Nga có khả năng "làm lay động" thế giới, vì khả năng quốc phòng.
Tất cả các dữ kiện hợp lại cho thấy một "biến cố lớn lao" có thể xảy ra. Những "ông lớn" trên thế giới đều muốn như vậy. Những "mâu thuẩn", khó khăn chính trị trong nội bộ, những ràng buộc, lệ thuộc chồng chéo về kinh tế... cần phải được giải tỏa.
"Ông" nào sẽ "ra tay" trước ? Trung Quốc đánh Đài Loan ? Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa ? Làm các vụ này ngôi vị của Tập sẽ được củng cố lại.
Nhưng chắc chắn cách nào thì Mỹ cũng nhân dịp này "thanh toán sòng phẳng" với Trung Quốc để không còn bị "liên thuộc về kinh tế" với nước này nữa. Có vậy Trump mới có thể "thắng cử" vẻ vang tháng 11 tới.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 26/03/2020
(1) Sáng nay (25/03/2020) tôi viết tút dự đoán nguyên nhân vì đâu Trung Quốc thu mua lương thực dữ thần, giá mắc mấy cũng ô kê. Tôi nêu hai lý do, một là kho lương của Trung Quốc bị cạn vì mấy tháng khủng hoảng Covid-19. Hai là chuẩn bị chiến tranh.
Điều tôi chưa nói là khi Mỹ bước vào khủng hoảng y tế (đầu tháng ba cho tới hết tháng tư) sẽ tạo cho Trung Quốc "thời cơ vàng" để đánh Đài Loan. Biển Đông vì vậy cũng sẽ "bỏ ngõ". Trung Quốc cũng có thể chiếm luôn Trường Sa. Một công hai chuyện.
Chớ không thì Trung Quốc mua gạo cho cố để làm chi ?
Kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất tưởng niệm 19 triệu người mất mạng.
Đây là cuộc chiến tranh bao trùm khắp Châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc Châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến với số người chết trên 19 triệu người với sức tàn phá vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài.
Verdun, chứng tích của sư thiệt hại khổng lồ về nhân mạng trong Đệ nhất thế chiến : chỉ riêng năm 1916, đã có hơn 700.000 nạn nhân, trong đó 306.000 người chết (Pháp 163.000, Đức : 143.000 ) và khoảng 406.000 người bị thương (Pháp : 216.000, Đức : 190.000)
Hơn 70 triệu quân nhân được huy động ra trận tiền, trong số đó có 60 triệu người Châu Âu, kể cả lính từ các thuộc địa (trong đó có Việt Nam). Trong cuộc chiến tranh kinh hoàng này, Pháp là nước chịu tổn thất nặng nề hơn cả và hoàn toàn bị khánh kiệt, dẫn tới thất bại của họ trong các cuộc chiến tranh về sau. Những trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc Chiến tranh Thế giới I cũng diễn ra trên đất Pháp. Chiến dịch quân sự lớn nhất là Cuộc tổng tấn công của Brusilov, khi quân Nga đánh bại liên quân Áo - Hung và Đức.
Tất cả những chính phủ đế quốc quân chủ (trừ đế quốc Anh) đều sụp đổ trong cuộc chiến tranh này. Đảng Bolshevik Nga chớp thời cơ nước Nga tổn hại, tiến hành cuộc "cách mạng" tháng Mười lật đổ chính phủ tư sản mới, lên nắm chính quyền.
Không có một nước Châu Âu nào thật sự chiến thắng cuộc chiến tranh này, tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của. Sau chiến tranh, Châu Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và những cao trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy ở các nước bại trận. Nước duy nhất không bị tàn phá từ cuộc chiến này là Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nước này vượt trên các nước Châu Âu về kinh tế kể từ sau cuộc chiến.
Không ai ngờ, nhân cơ hội chiến tranh bối rối (cũng như tang gia bối rối), như kẻ trộm lẻn vào ăn trộm, Lênin và đảng Bolshevik rắp tâm hoạt động lam thay đổi thế giới đang ngổn ngang vì cuộc chiến tranh này.
Nền kinh tế Nga không chịu nổi sức nặng chiến tranh, dân chúng khốn cùng, thất nghiệp, chết đói... Nước Nga chịu những thất bại nặng nề trước quân Đức trên mặt trận, tất cả những cái đó gây bất mãn cao độ trong nhân dân và quân đội. Quân lính đã quá khổ vì chiến tranh, không còn lòng ái quốc ban đầu khi mới chiến đấu.
Nền kinh tế của Nga vốn yếu hơn Đức, Anh, Pháp nên không chịu được cường độ cao của cuộc chiến tranh. Lệnh tổng động viên của Nga hoàng khiến 10 triệu người tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng nên ngày càng suy thoái.
Những người cộng sản Nga (Bolshevik) ra vẻ nhân đạo, đã kêu gọi người dân "chống chiến tranh đế quốc", "Biến chiến tranh đế quốc thành Nội chiến cách mạng". Nhân dân và binh sĩ đã không thể chịu nổi gian khổ, nên muốn theo Đảng Bolshevik của Lenin tiến hành cách mạng. Đến tháng 3 năm 1917, Cách mạng tháng Hai (lịch Nga) đã nổ ra, Sa hoàng thoái vị.
Biến cố lịch sử liên tiếp đưa Bolshevik lên ngôi và nắm giữ chính quyền Nga trong suốt hơn 70 năm, dưới tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (1917 - 1991).
Thế nhưng, cảm hứng cách mạng xã hội chủ nghĩa do Liên Xô gây dựng nên, cùng với dàn pháo đài xã hội chủ nghĩa trên khắp thế giới mà Liên Xô hỗ trợ trong thế kỷ XX ấy, đã trực tiếp khiến hàng triệu con người ra đi vì chết đói, đấu tố, cách mạng văn hóa... Hàng triệu giá trị văn hóa, hàng hàng triệu nhân phẩm - danh dự con người bị vứt bỏ.
Có khoảng 85 đến 100 triệu người đã bị giết dưới chế độ cộng sản vì nhiều lý do khác nhau.
Trong cuốn sách "Le Livre noir du communisme" (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), nhà sử học Martin Malia ước tính rằng có khoảng 85 đến 100 triệu người đã bị giết dưới chế độ cộng sản vì nhiều lý do khác nhau. Việt Nam chỉ tính riêng thời Dân chủ Cộng hòa có khoảng 50.000 người bị giết do bị xử oan trong cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Chưa kế con số ước tính 4 triệu người chết trong Nội chiến Bắc - Nam Việt Nam (1954-1975). Trung Quốc chưa kể hơn 30 năm Nội chiến Quốc-Cộng, chỉ tính "10 năm Đại cách mạng văn hóa vô sản" đã làm chết ít nhất chục triệu người.
Lịch sử các nước xã hội chủ nghĩa bị kéo lùi nhiều chục năm so với đà tiến bộ chung của nhân loại. Và đó chính là điều "dữ dội" hơn cả hậu quả Chiến tranh thế giới I !
Rõ ràng, cái giá phải trả cho sự nôn nóng cách mạng thực là vô giá. Và nếu còn bảo thủ trì trệ nữa thì thảm họa sẽ còn là vô tận.
Phùng Hoài Ngọc
Nguồn : VNTB, 02/12/2018
Hôm nay, ngày 11/11/2018 gần 70 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tề tựu về Paris, Pháp để long trọng kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I. Cuộc chiến này diễn ra từ tháng 7/1914 đến 11/11/1918 làm chết gần 20 triệu người và tàn phá nhiều quốc gia.
Một cuộc tiến công của phe Hiệp ước trên mặt trận Notre-Dame-de-Lorette, tại Ablain-Saint-Nazaire (Pas-de-Calais), ngày 15/04/1915 - Ảnh minh họa (AFP)
Đây là cuộc chiến giữa phe Hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga và sau đó là Mỹ và Brasil với phe Liên minh gồm Đức, Áo-Hung, Bulgaria và đế quốc Ottoman. Tuy nhiên Pháp và Đức là hai nước chủ chốt trong cuộc chiến này và đồng thời cũng là hai nước chịu nhiều thiệt hại nhất. Gần 6 triệu người Pháp đã chết hoặc bị tàn phế trong cuộc chiến trên một dân số 39 triệu. Phía Đức con số này là 6 triệu rưỡi trên 65 triệu dân.
Đức là nước thua cuộc và phải bồi thường chiến tranh cho Pháp rất lớn. Chính vì thiếu tinh thần hòa giải nên Pháp đã dồn Đức vào đường cùng, và chính điều này đã góp phần đưa Hitler và Đảng quốc xã Đức lên nắm quyền nhờ khai thác tâm lý bất mãn của người dân. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra như là sự tiếp nối cuộc Chiến tranh lần I.
Cùng với Đức, đế quốc Nga, Áo-Hung và đế quốc Ottoman cũng sụp đổ theo. Đáng nói nhất là sự sụp đổ của đế quốc Nga đã khai sinh ra nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới do Lenin lãnh đạo. Cuộc cách mạng mùa xuân tháng 2/1917 do giai cấp tư sản Nga khởi xướng đã lật đổ được chế độ quân chủ của Nga hoàng Nicolas II. Tuy nhiên chính phủ lâm thời Nga do Alexander Kerensky lãnh đạo đã sai lầm khi quyết định tiếp tục tham gia Thế chiến I khi nước Nga đã hoàn toàn kiệt quệ, 2 triệu người lính Nga đã tử thương và 5 triệu người bị thương. Tâm lý chống chiến tranh lan rộng khắp nước Nga từ nông thôn đến thành thị và đặt biệt là trong giới binh sĩ. Nước Đức cũng muốn chấm dứt chiến tranh với Nga để rảnh tay đối phó với Anh-Pháp nên đã hậu thuẫn Lenin về nước làm cách mạng (1). Lê-nin, một chuyên gia khủng bố thượng thặng đã thành công trong việc cướp chính quyền từ tay chính phủ lâm thời của Kerensky và lập nên nhà nước Xô-viết.
Sau khi liên quân Anh-Pháp với sự trợ giúp của Mỹ từ năm 1917 đánh bại Đức, nhưng vì thiếu ý thức hòa giải sau các cuộc chiến tương tàn nên phe thắng cuộc đã áp đặt nhiều điều khoản bất lợi cho phe thua cuộc khiến tinh thần quốc gia của nhiều dân tộc bị tổn thương nặng, và đây là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy tại Đức, Ý, Nhật…
Trải qua bao đau thương mất mát loài người mới nhận ra rằng mọi dân tộc đều phải có trách nhiệm kiến tạo và bảo vệ hòa bình.
Cũng vì thiếu tinh thần hòa giải cộng thêm việc bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi xem việc chinh phục các nước khác để mở mang bờ cõi là đương nhiên, vì hành động tự nhiên của mọi quốc gia là phải chinh phục để mở rộng lãnh thổ và thiết lập trật tự thế giới mới. Chủ nghĩa sô-vanh (chauvin) của Hegel xem sự xung đột giữa các dân tộc là tự nhiên, vì mọi dân tộc đều phải bảo vệ và mở rộng không gian sinh tồn của mình. Chủ nghĩa quốc gia quá khích này đã không giải quyết được những mâu thuẫn của Thế chiến I mà còn mở đường cho Thế chiến 2.
Thế chiến 2 diễn ra sau đó với sự thảm khốc và đẫm máu còn hơn cả Thế chiến I. Trải qua bao đau thương mất mát loài người mới nhận ra rằng mọi dân tộc đều phải có trách nhiệm kiến tạo và bảo vệ hòa bình. Cần tôn trọng các giá trị căn bản của con người trên khắp hành tinh, khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc trong mọi quốc gia. Đề cao tư tưởng và các giá trị đạo đức nền tảng như dân chủ, tự do, bao dung, liên đới, hợp tác, thỏa hiệp và nhân nhượng lẫn nhau.
Hôm nay, sau buổi tưởng niệm các Chiến sĩ Vô danh tại Khải Hoàn Môn, tổng thống Pháp và các vị nguyên thủ từ 70 quốc gia đã cùng nhau khai mạc Diễn Đàn Hòa Bình trong ba ngày, từ 11/11/2018 đến 13/11/2018, nhằm rút ra những bài học từ Thế chiến I và thảo luận về hợp tác quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho hành tinh của chúng ta.
Diễn Đàn Hòa Bình diễn ra tại Paris trong ba ngày, từ 11/11/2018 đến 13/11/2018
Một sự kiện đặc biệt và quan trọng mà không thể không nói đến nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I là sự chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ được thiết lập từ sau Thế chiến 2. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp hôm 10/11/2018, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tổng thống Pháp Macron thì Trum đế quốc "ngồi chơi xơi nước" trong đại sứ quán Mỹ suốt buổi chiều hôm đó. Sáng 11/11/2018, Trump tham gia buổi kỷ niệm ở Khải Hoàn Môn, trong đó ngay trước mặt ông, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án chủ nghĩa quốc gia (nationalism) mà Donald Trump vừa đề cao vài ngày trước như là nguyên nhân của hai cuộc thế chiến. Buổi chiều Donald Trump đi thăm một nghĩa trang, nơi yên nghỉ của hơn 1.500 lính Mỹ hy sinh trong Thế chiến I, rồi ra về. Ông cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự Diễn Đàn Hòa Bình cùng với 70 nguyên thủ quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là việc chưa từng xảy ra trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.
Sau Thế chiến 2 thì Mỹ, một quốc gia hùng mạnh và dân chủ bậc nhất thế giới được thừa nhận như là quốc gia lãnh đạo phe dân chủ và gần như là cả thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Mỹ đóng quân ở 170 quốc gia và liên minh quân sự với hơn 60 nước, trong đó đặc biệt nhất là với Liên Hiệp Châu Âu gồm 28 nước thành viên. Khối quân sự NATO cũng do Mỹ lãnh đạo. Mọi quyết định lớn nhỏ từ trước đến nay đều do Mỹ quyết định, các nước khác chỉ việc tuân theo. Tất cả đều đồng thuận để Mỹ làm lãnh đạo. Nay vai trò đó của Mỹ đã kết thúc với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" của Trump.
Thật ra thì Mỹ đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới khi bầu Bill Clinton, một tổng thống đắc cử với khẩu hiệu "chỉ làm kinh tế" mà sẵn sàng bỏ qua các giá trị về nhân quyền và tự do. Sau Clinton các tổng thống như Bush con hay Obama đều theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn, đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị đạo đức và nhân quyền. Trump là người đẩy mạnh quá trình này và đặt dấu chấm hết cho vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ. Tất nhiên là Mỹ vẫn muốn lãnh đạo thế giới (ai mà chẳng muốn) nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm gì. Trump luôn đặt vấn đề là Mỹ phải gánh quá nặng chi phí để đảm bảo an ninh thế giới với ngân sách quốc phòng khoảng 650 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên cùng với việc chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ thì cả thế giới đã chấp nhận dùng đồng tiền đôla Mỹ như là đồng tiền chung. Chính việc chấp nhận sử dụng đồng tiền của Mỹ làm đồng tiền thanh toán chung thì cả thế giới đã chia sẻ và gánh vác trách nhiệm chung với Mỹ khi phải chịu nạn lạm phát của đồng đôla Mỹ. Chưa kể Châu Âu đã đóng góp rất nhiều trí tuệ, phát minh và cung cấp một nguồn nhân lực cao cấp cho nền kinh tế Mỹ. Mỹ được lợi rất nhiều khi được làm lãnh đạo thế giới.
Đương nhiên Mỹ vẫn là quốc gia có tiếng nói và trọng lượng lớn trên thế giới trong nhiều năm nữa, nhưng Mỹ không còn là tiếng nói duy nhất và áp đảo hoàn toàn như trước đây. Các liên minh quân sự và kinh tế sẽ sớm ra đời để thay thế vào chỗ của Mỹ bỏ trống. "Món quà" đầu tiên cho Trump là liên minh quân sự gồm 10 nước Châu Âu vừa được hình thành song song bên cạnh NATO theo sáng kiến của tổng thống Pháp. Có ý kiến lo ngại rằng Nga và Trung Quốc sẽ nổi lên để trám vào chỗ của Mỹ. Theo tôi sự lo lắng này không có cơ sở. Nga đã bị kiệt quệ sau cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine và cưỡng chiếm bán đảo Crimea. Trung Quốc đã lên tới đỉnh của sự phát triển và giờ đang hạ cánh cứng. Khủng hoảng kinh tế đang làm tan biến "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình.
Phong trào dân túy trên thế giới sẽ nhanh chóng qua đi khi không thể đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp của thời đại công nghệ 4.0. Tư duy con người tuy vẫn còn khác biệt nhưng đa số đều đồng thuận với nhau trên những giá trị chung như hòa bình, dân chủ, nhân quyền, tự do, hợp tác, bao dung và liên đới. Những giá trị này là không thể nào thay thế và xóa bỏ.
Việt Hoàng
(11/11/2018)
(1). https ://thongluan2016.blogspot.com/2018/11/su-that-ve-lenin-va-cuoc-cach-mang-nga.html