Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/12/2018

Điều gì dữ dội hơn Chiến tranh thế giới ?

Phùng Hoài Ngọc

Kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất tưởng niệm 19 triệu người mất mạng.

Đây là cuộc chiến tranh bao trùm khắp Châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc Châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến với số người chết trên 19 triệu người với sức tàn phá vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài. 

worldwar1

Verdun, chứng tích của sư thiệt hại khổng lồ về nhân mạng trong Đệ nhất thế chiến : chỉ riêng năm 1916, đã có hơn 700.000 nạn nhân, trong đó 306.000 người chết (Pháp 163.000, Đức : 143.000 ) và khoảng 406.000 người bị thương (Pháp : 216.000, Đức : 190.000)

Hơn 70 triệu quân nhân được huy động ra trận tiền, trong số đó có 60 triệu người Châu Âu, kể cả lính từ các thuộc địa (trong đó có Việt Nam). Trong cuộc chiến tranh kinh hoàng này, Pháp là nước chịu tổn thất nặng nề hơn cả và hoàn toàn bị khánh kiệt, dẫn tới thất bại của họ trong các cuộc chiến tranh về sau. Những trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc Chiến tranh Thế giới I cũng diễn ra trên đất Pháp. Chiến dịch quân sự lớn nhất là Cuộc tổng tấn công của Brusilov, khi quân Nga đánh bại liên quân Áo - Hung và Đức.

Tất cả những chính phủ đế quốc quân chủ (trừ đế quốc Anh) đều sụp đổ trong cuộc chiến tranh này. Đảng Bolshevik Nga chớp thời cơ nước Nga tổn hại, tiến hành cuộc "cách mạng" tháng Mười lật đổ chính phủ tư sản mới, lên nắm chính quyền.

Không có một nước Châu Âu nào thật sự chiến thắng cuộc chiến tranh này, tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của. Sau chiến tranh, Châu Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và những cao trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy ở các nước bại trận. Nước duy nhất không bị tàn phá từ cuộc chiến này là Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nước này vượt trên các nước Châu Âu về kinh tế kể từ sau cuộc chiến.

Không ai ngờ, nhân cơ hội chiến tranh bối rối (cũng như tang gia bối rối), như kẻ trộm lẻn vào ăn trộm, Lênin và đảng Bolshevik rắp tâm hoạt động lam thay đổi thế giới đang ngổn ngang vì cuộc chiến tranh này.

Nền kinh tế Nga không chịu nổi sức nặng chiến tranh, dân chúng khốn cùng, thất nghiệp, chết đói... Nước Nga chịu những thất bại nặng nề trước quân Đức trên mặt trận, tất cả những cái đó gây bất mãn cao độ trong nhân dân và quân đội. Quân lính đã quá khổ vì chiến tranh, không còn lòng ái quốc ban đầu khi mới chiến đấu.

Nền kinh tế của Nga vốn yếu hơn Đức, Anh, Pháp nên không chịu được cường độ cao của cuộc chiến tranh. Lệnh tổng động viên của Nga hoàng khiến 10 triệu người tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng nên ngày càng suy thoái.

Những người cộng sản Nga (Bolshevik) ra vẻ nhân đạo, đã kêu gọi người dân "chống chiến tranh đế quốc", "Biến chiến tranh đế quốc thành Nội chiến cách mạng". Nhân dân và binh sĩ đã không thể chịu nổi gian khổ, nên muốn theo Đảng Bolshevik của Lenin tiến hành cách mạng. Đến tháng 3 năm 1917, Cách mạng tháng Hai (lịch Nga) đã nổ ra, Sa hoàng thoái vị. 

Biến cố lịch sử liên tiếp đưa Bolshevik lên ngôi và nắm giữ chính quyền Nga trong suốt hơn 70 năm, dưới tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (1917 - 1991).

Thế nhưng, cảm hứng cách mạng xã hội chủ nghĩa do Liên Xô gây dựng nên, cùng với dàn pháo đài xã hội chủ nghĩa trên khắp thế giới mà Liên Xô hỗ trợ trong thế kỷ XX ấy, đã trực tiếp khiến hàng triệu con người ra đi vì chết đói, đấu tố, cách mạng văn hóa... Hàng triệu giá trị văn hóa, hàng hàng triệu nhân phẩm - danh dự con người bị vứt bỏ.

worldwar2

Có khoảng 85 đến 100 triệu người đã bị giết dưới chế độ cộng sản vì nhiều lý do khác nhau.

Trong cuốn sách "Le Livre noir du communisme" (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), nhà sử học Martin Malia ước tính rằng có khoảng 85 đến 100 triệu người đã bị giết dưới chế độ cộng sản vì nhiều lý do khác nhau. Việt Nam chỉ tính riêng thời Dân chủ Cộng hòa có khoảng 50.000 người bị giết do bị xử oan trong cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Chưa kế con số ước tính 4 triệu người chết trong Nội chiến Bắc - Nam Việt Nam (1954-1975). Trung Quốc chưa kể hơn 30 năm Nội chiến Quốc-Cộng, chỉ tính "10 năm Đại cách mạng văn hóa vô sản" đã làm chết ít nhất chục triệu người.

Lịch sử các nước xã hội chủ nghĩa bị kéo lùi nhiều chục năm so với đà tiến bộ chung của nhân loại. Và đó chính là điều "dữ dội" hơn cả hậu quả Chiến tranh thế giới I !

Rõ ràng, cái giá phải trả cho sự nôn nóng cách mạng thực là vô giá. Và nếu còn bảo thủ trì trệ nữa thì thảm họa sẽ còn là vô tận.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 02/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 972 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)