Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

(Nhân chuyện lùm xùm bà Ngân ra Luật Thanh niên và bộ trưởng y tế đề xuất tên mới Đại học Sức khỏe)

Hồi này chị chủ tịch quốc hội và chị bộ trưởng y tế lại nổi danh như chị Lon và chị Lu cách đây ít lâu. Chị Ngân quảng cáo cho Luật Thanh niên rằng nó sẽ khiến thanh niên nhớ lời bác tổng thống Hoa kỳ dạy dỗ và chuyển biến ngay. Chị Tiến ra tối hậu thư bằng miệng khăng khăng đòi Đại học Y Dược Sài Gòn - Hồ Chí Minh phải đổi tên là "Đại học Sức khỏe" (còn các Đại học Y và Dược Hà Nội và nơi khác thì bỏ qua cũng được ?).

ngontu1

Chị Tiến ra tối hậu thư bằng miệng khăng khăng đòi Đại học Y Dược Sài Gòn - Hồ Chí Minh phải đổi tên là "Đại học Sức khỏe"

1. Ngôn từ chính trị

Ngôn từ chính trị, như một trò chơi chính trị kéo dài liên miên, như một căn bệnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tên Nước vài lần thay đổi tùy tiện, duy ý chí, tùy theo ngẫu hứng chính trị.

Rất nhiều tỉnh thành bị đổi tên sau khi nhập, tách và bây giờ có dịp liên hoan kỷ niệm ngày tách rời như kỷ niệm những chiến công oanh liệt (!)

Tên làng quê tôi bị đổi bất ngờ sau 1954, nhằm xóa ký ức nghìn năm của dân chúng.

Xã Đông La quê tôi ngoại thành Hà Nội 1954 bỗng nhiên bị đổi thành "Hoàng Văn Thụ" tên một người dân tộc Tày chống Pháp bị giết. Các xóm ở xã tôi mang tên nghìn năm là Xóm Chùa, Xóm Đình, Xóm Chợ, Xóm Giếng, Xóm Cây Thị… bỗng bị đổi thành xóm x Độc Lập, x Tự Do, x Dân Chủ, x Hạnh Phúc, x Hòa Bình. Người xa quê ít năm nhớ về quê như bị tước đoạt ký ức. Chế độ "dân chủ, cộng hòa" này muốn xóa sạch ký ức làng quê, coi như đã đổi đời dân chúng. Từ một xóm làng bé nhỏ còn phải đổi tên theo chế độ mới, thì thành phố Sài Gòn nổi tiếng toàn quốc và thế giới bỗng nhiên mang tên người mới chẳng có gì lạ. (Chưa kể hàng nghìn con phố thành thị đã thân quen bỗng nhiên vô lý đổi với cáí tên lạ hoắc).

2. Trích dẫn danh ngôn nhân loại cũng cần có qui tắc

Nếu là văn bản viết thì mở ngoặc đơn hoặc chú thích chân trang (footnote) : "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".

Điển cố xưa ghi rõ rằng "Tể tướng Quản Trọng nước Tề thời Xuân Thu Chiến quốc từng lập kế hoạch canh tân đất nước, ông nói "Vì lợi ích một năm trồng lúa, vì lợi ích mười năm trồng thụ (cây lấy gỗ), vì lợi ích trăm năm trồng người".

Tuy nhiên lời nói trên được ghi ở khắp mọi nơi trang trọng "Hồ chủ tịch nói rằng/dạy rằng…".

Nếu quên nguồn gốc xuất xứ danh ngôn thì ông Cụ có thể nói "Cổ nhân từng nói rằng…".

Đây nhé, trang "tapchicongsan.org.vn" đăng lá thư của ông Nguyễn Phú Trọng gửi cho Hội Khuyến Học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập của hội này, thư có đoạn viết : "...Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", Đảng và Nhà nước ta luôn hết lòng chăm lo..." (trích).

Thế là vô tình buộc ông Cụ vào tội đạo văn.

Học và làm theo gương Bác, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng theo đó mà mắc lỗi không dẫn nguồn, dù là diễn ngôn. Đáng lẽ chị Ngân phải nói "cố tổng thống Mỹ Kennedy đã nói trong dịp Lễ nhậm chức ngày 20/01/1961 rằng : "Đừng hỏi đất nước của bạn làm được gì cho bạn- hãy hỏi bạn làm được gì cho đất nước của mình".

Nhân đây chúng tôi nhắc lại nguồn gốc danh ngôn "Trong lễ nhận chức ngày 20/1/1961, tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã có mệnh đề bất hủ : "Và như vậy, các bạn Mỹ của tôi : Đừng hỏi đất nước của bạn làm được gì cho bạn, hãy hỏi bạn làm được gì cho đất nước của mình. Các bạn công dân toàn thế giới của tôi : đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm được gì cho bạn, mà hãy hỏi chúng ta cùng nhau sẽ làm được gì cho tự do của con người" (1).

Câu nói trên đối thoại với hai đối tượng : người Mỹ và các nước khác.

Về người Mỹ, ông tổng thống đang nói về các hoạt động dân sự và tổ chức dân sự. Ông ta phụ trách lãnh đạo chính quyền, về việc của chính phủ, ông ta chỉ đọc lời thề là đủ. Diễn văn nhậm chức của John F. Kennedy đã truyền cảm hứng cho trẻ em và người lớn để thấy tầm quan trọng của hành động dân sự và dịch vụ công cộng. Câu nói lịch sử của ông là thách thức mọi người Mỹ đóng góp theo cách nào đó cho lợi ích công cộng, bằng hoạt động dân sự và xem xét cách áp dụng hoạt động tổ chức dân sự vào cuộc sống của chính họ.

Vậy là, hoàn cảnh và mục đích của câu khuyến cáo, khích lệ trên trong diễn văn của tổng thống Kennedy hoàn toàn khác biệt với sự học lại (không dẫn nguồn) của Nguyễn Thị Kim Ngân nói về sửa đổi "Luật Thanh niên" hôm 10/09/2019.

"Ra Luật này thanh niên đọc, nghiên cứu thì phải thấy chúng ta phải làm gì cho Tổ quốc, chứ không phải Tổ quốc phải làm gì cho ta" (Thanh Niên, 10/09/2019).

Cần lưu ý rằng đây không phải là lần đầu bà chủ tịch quốc hội đòi hỏi người khác "Làm được gì cho Đất nước" ; bà chủ tịch quốc hội sử dụng cách diễn tả của tổng thống Kennedy ngang nhiên coi như "lời vàng ý ngọc" của chính bà !

Bà Ngân nói những câu ấy là nhằm tranh cãi trả treo với dư luận chỉ trích Đảng và Chính phủ của bà.

Bà Ngân phạm tới hai lỗi : vận dụng danh ngôn không phù hợp hoàn cảnh và không dẫn nguồn. Coi như lời nói ấy là của mình. Hai lỗi khá nặng đối với một chính khách.

3. Không theo truyền thống ngôn ngữ

Bộ giáo dục tự đẻ ra từ ngữ "kỳ cục". Bất chấp hình mẫu quốc tế và truyền thống đã có, Bộ ta quyết không theo !

Điều kiện tiên quyết là gạt bỏ mặc cảm chính trị "nước chậm tiến" muốn tự mình định danh cho khác lạ với thiên hạ. Những người chiếm được miền Nam sau cuộc chiến 20 năm cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt không cần học tập chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước đây.

Thực ra việc chia hai loại trường đại học đã có truyền thống phương Tây lâu đời và ngay ở chế độ Việt Nam cộng hòa đã thực hiện (trước 1975).

- Giúp người Việt gọi tên cho thuận lợi, tránh rối rắm.

- Giúp cho phiên dịch tiếng nước ngoài thuận tiện trong giao dịch quốc tế.

Đặt tên trường theo hai mẫu. "Trường đại học" và Viện đại học". Trường hợp nói "trường thuộc viện" thì thêm tên Viện kèm theo. Bởi người Việt khi nói, viết, chúng ta đều nói quen "trường đại học xyz"…

"Viện" không giỏi hơn, cao hơn, uy tín hơn "trường" mà chỉ có nghĩa "một cụm trường".

Cũng như "University" không cao, không giỏi hơn "College", chỉ khác nhau về cấu trúc và quản lý phù hợp thực tế.

Khi dùng tiếng nước ngoài thì chọn University tương ứng "Viện đại học", College, School tương ứng "trường đại học".

Và đây là sự vẽ vời tự "lạ hóa", theo quy định mới nhất ở Điều 7, Luật Giáo dục Đại học 2012 sửa đổi 2018, cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm :

- Đại học

- Trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác 

Bởi thế báo Vietnamnet chạy bài báo với tựa đề ngạc nhiên hay là mỉa mai : "Mở đường cho nhiều "trường đại học" lên "đại học" !

Một số trường đại học "lớn" đang hoàn thiện đề án nâng cấp, chờ nghị định hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 để cắt bỏ chữ "trường", vươn thành "đại học" (Vietnamnet, 23/09/2019)

Ô hay, bỗng nhiên "đại học" trở nên cao quí hơn, giỏi hơn "trường đại học" ?

"Trong số này, một số trường đại học được tổ thức theo mô hình "đại học", trực thuộc 2 đại học quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 3 đại học vùng : Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng" (tuy nhiên chữ "vùng" chỉ để hiểu ngầm chứ không viết ra, không ghi tên chính thức biển hiệu hay trong văn bản, giấy tờ. 

"Đại học Vinh, Đại học An Giang…" thực chất là đại học đa ngành, đa khoa, chứ không hẳn là "vùng", càng không phải "Đại học quốc gia", cũng có thể dùng University, chẳng nên thắc mắc rằng ở đó lạm dụng. Khi dịch ra tiếng nước ngoài thì các loại trường trên đều có thể dùng University.

ngontu2

Hiện nay có những Trường Đại học cắt bỏ tên "trường" ở biển hiệu (dù trong con dấu vẫn có chữ "trường" : "Trường Đại học Bách khoa Hà Nội".

"Đại học bách khoa Hà Nội" chuyên đào tạo kỹ sư các ngành kỹ thuật, là một trường lớn hàng đầu. Trong Quyết định vẫn ghi là "Trường Đại học Bách khoa Hà Nội" (tương ứng College), nhưng trên bảng hiệu cổng trường tự cắt phứt chữ "trường" vì nghĩ mình là trường lớn (Đại học), và tùy tiện viết University như trên bảng hiệu.

Sẽ có thêm nhiều "đại học" không "trường" !

Đây là điều có thể thấy trước bởi việc sửa luật giáo dục đại học sẽ mở đường cho chuyển đổi mô hình trường đại học, nhất là trong bối cảnh các nhà làm chính sách đang nỗ lực tháo gỡ cơ chế "bộ chủ quản" với mục tiêu tăng tự chủ đại học.

Hãy nghe xem Bộ giải thích rất mơ hồ "các đơn vị trong Trường đại học khi chuyển thành Đại học phải có năng lực tự chủ cao hơn, năng lực quản trị, quản lý của cả trường và từng đơn vị phải tốt và hiệu quả hơn. Về nguyên tắc, sau khi chuyển đổi chất lượng đào tạo của toàn "đại học" phải được nâng cao trên cơ sở phát huy nguồn lực dùng chung để đào tạo và nghiên cứu liên ngành ; đủ để thực hiện sứ mệnh của Đại học là giải quyết những nhiệm vụ lớn để phục vụ cộng đồng, vùng và đất nước…".

Trường Đại học Khoa học Khoa học xã hội và Nhân văn, một thành viên của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Muốn cho bản thân mình phình to thêm, thậm chí còn trình đề án nâng cấp 2 khoa Giáo dục và khoa Ngoại ngữ thành Trường Giáo dục và Trường ngoại ngữ ; theo kiểu "trường trong trường trong đại học". Lẽ nào nâng cấp chỉ để cán bộ quản lý được nâng chức danh, phụ cấp, lương bổng ?

Trường đại học nào cũng muốn "lên đại học", cái danh để làm gì ?

Chỉ có một quan chức phản biện lẻ loiông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT (trường tư), "mô hình hệ thống giáo dục đại học chia thành 3 cấp : đại học, trường đại học trong đại học, trong trường đại học có trường đơn ngành... là rối rắm".

Ông Tùng cho hay khi "trường đại học" nâng cấp lên "đại học" thì các trưởng khoa sẽ có cơ hội nâng cấp thành các hiệu trưởng, và hiệu trưởng thì có thể thành giám đốc, tuy nhiên việc thay đổi chức danh không quan trọng bằng thay đổi chất lượng. 

"Câu hỏi đặt ra là chuyển thành đại học sẽ mang lại lợi ích gì cho người học. Hiện nay, dường như nhiều trường muốn chuyển thành đại học và cho rằng như vậy là lớn hơn. Nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ"

Bộ trưởng Y tế đòi đổi tên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thành "Đại học Sức khỏe" để theo kịp Lào và Campuchia" (!?).

Bên cạnh đòi đổi tên, khi nhà báo vặn hỏi, bà ta nêu lý do "Thanh tra Bộ đã quyết định như thế, bên Bộ Giáo dục và đào tạo cũng nói thế". Nghe lý luận của bà rất buồn cười, như hàng tôm hàng cá cãi lộn.

Có thể đổi tên Bộ Y tế thành "Bộ Sức khỏe" luôn thể được không ?

Rất giống đàn chị Kim Ngân (ra luật để thanh niên hiểu nghĩa vụ), cô em Kim Tiến cũng nói đổi tên để "đại học phát triển" !

Còn vô số chuyện ngôn từ chính trị tùy tiện bừa bãi, kể sao cho hết.

Đó là chuyện trớ trêu chỉ có ở thời vận nước gãy khúc. Nó báo hiệu một sự đổi ngôi tất yếu phải đến.

Bệnh "đổi tên" xã hội chủ nghĩa càng ngày càng trọng !

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 27/09/2019

(1) Nguyên văn : And so, my fellow americans : ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country. My fellow citizens of the world : ask not what America will do for you, but what together we can do for the freedom of man (John F. Kennedy).

Published in Diễn đàn

Bàn về hiện tượng khủng hoảng Phật giáo quốc doanh và đời sống âm nhạc qua ca khúc nhái "Độ Ta Không Độ Nàng"

Tình trạng "âm nhạc xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hiện nay đang dở cười dở khóc trong sự đa dạng nhưng đã chứa mầm bệnh hoạn và sự cưỡng cầu, áp đặt. 

phatgiao1

Khủng hoảng Phật giáo quốc doanh và đời sống âm nhạc qua ca khúc nhái "Độ Ta Không Độ Nàng"

Có điều lạ là tình trạng bệnh hoạn rối loạn xu hướng này cũng giống như Trung Quốc, giống từ nền chính trị bế tắc hoảng loạn giống đi.

Nhạc "cách mạng truyền thống" thì không ai chịu hát. Lễ hội, kỷ niệm nhà cầm quyền phải bỏ tiền catse lớn ra thì ca sĩ mới nhận sô. Nếu tiền ít họ sẽ cáo bệnh, cáo bận không nhận lời. Ai chịu hát thì được tính điểm để xét "nghệ sĩ ưu tú, nhân dân".

Mốt hát nhạc tiếng Anh vừa hát ca vừa học tiếng nghe còn hợp lý. Tuy nhiên đôi khi cũng đã quá đà trong các cuộc thi âm nhạc. Âm nhạc trong bản chất là tiếng nói trực tiếp của tâm hồn. Có khi người ta còn cất tiếng hát cả trong vô thức.

Cách đây mấy năm Trung Quốc nổi lên bài hát "Con bướm xinh" lời Việt (nguyên tác : China chachacha) 60 năm bị bỏ quên theo điệu nhạc Tây rất vớ vẩn, từ nhạc sến đến ca từ sáo rỗng. Vậy mà người Việt cũng học mót cho được, mấy kẻ dư luận viên còn dắt nhau đem ra Bờ Hồ hát trước tượng đài Lý Thái Tổ để cản phá người biểu tình yêu nước… Vậy mà nhà cầm quyền văn hóa Hà Nội toét miệng cười hềnh hệch, không hề khuyến cáo ngăn cản.

Trước khi đổ bộ về Việt Nam, ca khúc "Độ ta không độ nàng" đã làm mưa làm gió tại Trung Quốc, trở thành trào lưu hát lại, phổ lại (cover) của cộng đồng mạng xứ này.

Tác giả có nghệ danh Cô Độc Thi Nhân, cũng là người hát đầu tiên. Kế tiếp do ca sĩ Tô Đàm Đàm và Giai Bằng song ca, quảng bá mạnh hơn trên mạng. 

Bài hát được sáng tác dựa trên cảm hứng nhớ về thời thơ ấu làm đệ tử ở chùa Thiếu Lâm. Anh được đưa tới chùa để tu tâm dưỡng tính, được sư phụ rèn luyện để trở thành người nhân hậu.

Nhiều người phê phán rằng : những câu chữ đầy vẻ ngôn tình trong bài hát như "vạn dặm tương tư", "không thể quay đầu", "mộng này tan theo bóng Phật, trả lại người áo cà sa"trái với hình tượng một người tu sĩ theo Phật pháp.

Cũng có nhiều ý kiến bênh vực cho rằng bài hát trong phần nhạc phim (Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh) nói lên nỗi lòng của nhân vật, chứ không có ý báng bổ gì Phật pháp. Hiện tại bài hát vẫn đang là xu hướng (trend) trên mạng xã hội Việt và tạo nhiều bình luận.

Ở Việt Nam, quá nhiều những bản cover của các ca sĩ nổi tiếng, khiến nhiều người không biết nguồn gốc củabản này là từ đâu. Bản "Độ ta không độ nàng" lời Việt đã được đăng tải trên YouTube vào cuối tháng 4/2019.

Trào lưu Độ ta không độ nàng trở thành hiện tượng chưa từng có. Mỗi ngày, có đến hàng chục bản cover được ra đời. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng tổng số bản hát lại ca khúc nhạc Hoa lời Việt này đã lên con số hàng trăm và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Phật giáo Trung Quốc phát triển mạnh hơn mặc dù không sớm hơn nước ta. Sau đó trở thành nguồn quảng bá lâu dài sang Việt Nam do các yếu tố địa lý, lịch sử, ngôn ngữ. Tuy nhiên yếu tố mê tín phát sinh từ Đạo Phật cũng mạnh hơn Việt Nam. Và bây giờ dường như trong tình trạng bế tắc lý tưởng xã hội, lý tướng "cách mạng", Phật giáo cơ hồ lại bùng phát cao trào mới ở cả hai nước. Đức Phật vốn là nhà triết học, nhà tâm lý học, nhà giáo dục, đã tìm ra lối sống tu hành và thực hành được coi là ổn định nhất, căn bản nhất. 

Tuy nhiên vì quá mê tín, Phật giáo đã nâng cấp ngài lên thành bậc siêu nhân có năng lực siêu phàm có thể "độ" con người vượt qua mọi khó khăn, đạt nguyện vọng. (độ : nghĩa hẹp : đưa người từ bờ này qua bờ kia. Nghĩa rộng : giúp đỡ người đạt mục tiêu trong cuộc sống). Theo quan điểm Đạo Phật gốc thì : lời dạy của đức Phật tổ giúp phật tử thấu hiểu và tự thực hành. Thực hành được là tự "độ" mình. Cho nên mọi sự "cầu xin" mà thụ động ngồi chờ thì không thể đạt. Một số giáo hội xứ này xứ kia có xu hướng lợi dụng mê tín để trục lợi, đã bị công luận chí trích phê phán. Cũng có giáo hội, nhà chùa thiên về làm từ thiện và giáo dục đạo đức sớm cho trẻ em, đó là điều tốt đáng biểu dương. Công việc đó có ích, nhất là trong tình trạng nền giáo dục chính thống lơi là việc giáo dục đạo đức cho học sinh dưới "mái trường xã hội chủ nghĩa" ở các nước cộng sản.

Với những tâm tư vương vấn "tiếng mõ xưa rối loạn" thì bản cover của Phương Thanh sửa lại là :

"Cuộc đời nay mai hợp tan

Tiếng mõ câu kinh chớ loạn

Bồ đề chuyên tâm hỡi nàng

Hồng trần thoáng chốc rồi qua

Oán tình xin đừng tiếp

Phàm trần này đâu mãi đâu

Nguyện thầm tay chuông tay mõ/Phá nát si mê cõi đời

Hỉ nộ ái ố sẽ qua

Cố tĩnh tâm hơn nhé nàng

Lạy phật con xin kiếp này

Ngày ngày chánh pháp tịnh tu

Tự thân nàng hãy cứu độ nàng"…

Sau thời gian ca khúc "Độ ta không độ nàng" làm mưa làm gió trên mạng xã hội, nhiều tăng ni, Phật tử đã bày tỏ những quan điểm không đồng tình với lời của ca khúc. 

Độ Ta Không Độ Nàng (渡我不渡她) - Hamlet Trương, Lyrics Video

Lời Việt bài hát "Độ ta không độ nàng" do Tuyên Chính viết tạo hình ảnh quá tiêu cực, bi quan, chán chường và tuyệt vọng của một tu sĩ mới tu (tiểu tăng, 小僧) đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết hoàng tử kẻ tạo ra cái chết tự tử của người mình yêu là quận chúa bằng một lưỡi kiếm. Hành vi hận tình, trả thù tình của vị tu sĩ mới tu, dù chỉ là hư cấu trong nhạc khúc, trong phim là vi phạm luật phật. Việc phổ biến lời ca bạo lực, phạm pháp là "vẽ đường cho hươu chạy". Rất nhiều chàng trai, cô gái mới lớn thất tình nếu bị cuốn vào lời ca sẽ trở thành bản sao của lời ca đó và bắt chước lối ứng xử tiêu cực, bí lối và đầy bạo lực".

Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đặt lời mới cho ca khúc này với tựa sửa đổi hẳn "Đời ta từ nay không lụy sầu" do Quách Tuấn Du thể hiện. Theo đó, Thượng toạ Thích Nhật Từ cho hay : "Tôi dịch ca khúc Độ ta không độ nàng sát với nguyên văn để độc giả có thể thấy bản nguyên tác tiếng Trung không ngôn tình da diết, bi quan, bế tắc như phiên bản Việt do Tuyên Chính viết lời, có thể tạo ra nhiều tác hại đối với giới trẻ Việt Nam.

Thực ra thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ nhận xét chưa thích hợp. Chúng tôi dịch sát nguyên văn ca từ sau đây để thấy bản gốc Trung Hoa cũng sướt mướt, oán trách Đức Phật như các bản nhái Việt Nam :

渡我不渡她

"Độ ta, không độ cô ấy"

nhạc và lời : Cô Độc Thi Nhân

我前几世种下,不断的是牵挂 小僧回头了嘛诵经声变沙哑 这寺下再无她菩提不渡她 几卷经文难留这满院的冥

Tôi đã vương giống tình mấy kiếp trước, không cắt được sự nhớ nhung. Sư trẻ quay đầu nhìn lại, giọng tụng kinh rè rè khàn khàn Chùa này lại không bóng nàng, Bồ đề không độ nàng. Mấy quyển kinh sách khó nhớ, những giấc mơ nở đầy nhà chùa.

你离开这个家爱恨都无处洒 还能回头了嘛看你微笑脸颊 怎能脱下袈裟来还你一个家 为何渡我不渡

Nàng rời khỏi ngôi nhà này, yêu và hận không có nơi nhỏ lệ. Còn có thể quay đầu lại không ?

Nhìn vào đôi má nàng cười  Làm sao cởi áo cà-sa, trả cho nàng một căn nhà. Vì sao độ tôi, không độ nàng ?

(người dịch lược bỏ 6 đoạn quanh quẩn như vậy)

钟再敲几下不渡世间繁花 我也低头笑着再不见你长发 问佛祖啊 :渡千百万人家 为何渡我不渡

"Chuông sớm lại buông mấy tiếng, chẳng độ cho thế giới phồn hoa.

Ta cũng cúi đầu cười, lại chẳng thấy mái tóc dài của nàng

Cười hỏi : Đức Phật độ cho cả thiên hạ

vì sao không độ nàng ?"

Kết

Hãy đánh giá bản nhạc gốc. Đó là một ca khúc nhạc nhẹ mà ca từ quá dài dòng đã là kém chất lượng rồi, chưa bàn đến nội dung tư tưởng thẩm mỹ.

Suốt nửa năm qua, hàng trăm ca khúc dịch lời và nhái ở Việt Nam bám theo bản gốc đã đi vào thương mại, kể cả bản lời ca đầy thiện chí của Thích Nhật Từ và ca sĩ Phương Thanh cũng đều phạm luật bản quyền.

Giới showbiz Trung Quốc đã gửi công hàm phán đối và đòi Việt Nam thực hiện bản quyền. Nhà cầm quyền Việt Nam đã phát thông báo cho các cơ sở kinh doanh băng đĩa và biểu diễn thực hiện trả bản quyền tất cả bản nhái và bản cover.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 23/07/2019

Published in Diễn đàn

Tất Thành Cang xuất thân từ một sinh viên sau 30/4, làm công tác Đoàn và hiểu mau chóng căn bệnh xã hội chủ nghĩa, anh ta chớp những thời cơ vàng và thăng tiến chóng mặt. Căn bệnh quyền lực xã hội chủ nghĩa lập tức nhiễm sâu vào cốt tủy của một kẻ cơ hội cách mạng. Leo lên áp chót ghế quyền lực của thành phố lớn nhất nước. Y bắt đầu gặt hái thành quả và sống trong ảo tưởng quyền lực ấy.

tat1

Tất Thành Cang phạm những tội "rất nghiêm trọng" gì ?

Không cần kể hết các chức vụ anh ta trải qua. Hai chức vụ lớn nhất, thực ra chỉ là MỘT : Ủy viên trung ương Đảng và Phó bí thư thành ủy thành Hồ. Thực chất chỉ là Phó bí thư thường trực. Chức vụ Ủy viên trung ương kia như một sợi dây lỏng lẻo, co giãn tùy nghi, mang tính hình thức và biểu hiện cái phi chính danh và mơ hồ của cơ cấu bộ máy Đảng, có cũng như không.

Tất Thành Cang phạm những tội "rất nghiêm trọng" gì ?

Cang "vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm. Dự án 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm giao cho Công ty Đại Quang Minh theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp" (tóm tắt thông báo kỷ luật của UBKT trung ương).

Cộng chung : Tất Thành Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.

Chỉ nhìn sơ qua, bất cứ một luật sư bình thường nào cũng thấy rõ tội hình sự của Cang khá rõ và nặng nề.

Tuy nhiên Cang đã chịu kỷ luật gì ?

Tất Thành Cang có hai ba lớp chức vụ Đảng :

1. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương

có nghĩa : anh ta phục vụ công tác của trung ương (?)

Thực chất anh ta chỉ làm công việc của Đảng bộ thành Hồ.

Bị "cách" cái chức ấy, anh ta vẫn làm công việc như vậy. Không có gì thay đổi. Cắt cái chức mơ hồ đi thôi.

Thực ra nó có nghĩa rằng từ nay Cang không tham dự việc của Trung ương. Nhưng Cang đâu có làm việc trung ương ! Có chăng là đi dự họp trung ương. 

Tuy nhiên, thực tế Cang đâu có vi phạm trong công tác trung ương (đi họp, phát biểu và biểu quyết). Cang đã vi phạm công việc lãnh đạo ở thành Hồ "rất nghiêm trọng" kia mà !

2. Phó bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Có nghĩa : thôi lãnh đạo công việc cụ thể của đảng bộ thành Hồ với chức danh Phó bí thư, nhưng mà chức Ủy viên thường vụ coi như tự động cắt theo mà không công bố ? ! Mơ hồ lộn xộn trong chức vụ đảng là khá rõ ràng.

3. Vẫn còn giữ Thành ủy viên ?

Tuy nhiên, thành ủy viên là một chức vụ cụ thể, thường là cầm đầu một ban ngành cụ thể và quan trọng (hơn hẳn các ban ngành khác).

Trước khi Ủy ban Kiểm tra kết luận tội trạng "rất nghiêm trọng" của Cang, người đồng nghiệm "phó bí thư" Nguyễn Thị Quyết Tâm còn cố bảo vệ Cang rằng "vụ công ty Tân Thuận không ảnh hưởng lợi ích tài sản của Đảng bộ" (!) - Xin họi chị thế thì ảnh hưởng lợi ích của ai ?

Đám ông Nguyễn Thiện Nhân vì lẽ gì mà tiếc rẻ vẫn giao cho Cang chức vụ "Trưởng ban hòa giải khiếu nại"- một chức vụ mới mẻ lần đầu tất cả đảng viên thành Hồ nghe nói đến. Tréo ngoe thay, chính Cang là đối tượng bị nhân dân Thủ Thiêm khiếu nại tố cáo trách nhiệm vụ án Thủ Thiêm ! Tuy vậy, chẳng được mấy tuần, Cang lại thôi chức vụ hữu danh vô thực đó mà chuyển ngoắt sang cái mới "phụ trách công trình viết Lịch sử đảng bộ thành Hồ". Ô hay, viết lịch sử Đảng bộ có ban chuyên môn rồi. Ít ra là cái Trường đảng chính trị Lê Hồng Phong kìa và v.v… đảng bộ muốn có ban bệ nào thì lập ra ngay thôi, nào có khó khăn chi, ngân sách Dân cứ xài thoải mái. 

Ông Nhân mấy lần hứa cuội với dân Thủ Thiêm về việc xử lý Cang và đồng bọn. Quyền lực trong tay nhưng ông vẫn phải chờ ngọn gió của Trung ương coi thổi chiều nào !

Rõ ràng là các người đảng lúng túng không biết đặt Cang ngồi ghế nào. 

Vì sao vậy ?

Vì nhóm lợi ích mạnh chống lưng Cang, cố bảo vệ Cang ?

Vì không thể để Cang cùng đường tung hê tất cả ?

Vì tình đồng chí quen thuộc chung lưng với nhau đó giờ ?

Vì sự an toàn vớt vát phần nào cho cái "bình cổ quí" nhãn hiệu đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh ?

Thôi thì hoãn binh chi kế, phó mặc số phận Cang cho trung ương gõ nhát búa cuối cùng.

tat2

Về tài sản Cang không công khai, người dân thành Hồ phát hiện Cang có hàng chục biệt thự rải rác. Dẫn chứng vài cái được cho là của gia đình Cang.

Nếu quả đúng như vậy thì Cang còn phạm tội không kê khai tài sản trong bao năm qua nữa.

Chỉ cần chất vấn nguồn gốc tài sản : từ một sinh viên bạch diện thư sinh khoa đại học xã hội nhân văn, lao vào con đường chính trị vài chục năm sẽ làm gì để tạo ra khối tài sản lớn ấy ?

Đông cơ "vi phạm quản lý, buông lỏng… làm thất thoát tài sản đảng và nhà nước" của Cang là gì nếu không phải là trở thành đại gia bất động sản ? 

tat3

Từ một sinh viên bạch diện thư sinh khoa đại học xã hội nhân văn, lao vào con đường chính trị vài chục năm sẽ làm gì để tạo ra khối tài sản lớn ấy ?

Vấn đề Thủ Thiêm- món nợ nhức nhối của Đảng bộ thành Hồ

Cho dù NHÓM LỢI ÍCH với nhiều cựu lãnh đạo nay đã hạ cánh vốn chủ trì tước đoạt đất đai Thủ Thiêm, trong đó riêng Cang đã phạm tội rất cụ thể. Hàng ngàn dân chúng căm thù Cang đã chỉ đạo chà đạp quyền sống của người dân sẽ rất khó mà nguôi được trừ phi Cang ra vành móng ngựa và đền bù vật chất và tinh thần thoả đáng cho hàng nghìn dân hiện nay vẫn kiên trì khăn gói thay nhau đi Hà Nội đội đơn thưa sau hai chục năm có dư.

Kết

Cấu trúc hệ thống lãnh đạo của Đảng là một thứ sáng tạo kỳ quặc trong nền chính trị thế giới. Nó mang đậm tính tùy tiện, thiếu chính danh.

Theo đó, qui trình kỷ luật đảng viên cũng mơ hồ tùy tiện.

Khi nào cần kỷ luật theo kiểu gì thì có một ngụy biện sinh ra tương ứng.

Đảng thiếu chính danh và thiếu dân chủ là như thế đấy.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 25/05/2019

Published in Diễn đàn

Nhà trường không biết, không được dạy hai chữ ấy.

Mặt khác, nhà cầm quyền sợ hãi kiêng tránh hai chữ ấy.

Khi có hành vi vi phạm nhân quyền, pháp luật xử nhẹ hều.

Việt Nam bạo lực và bạo hành tràn lan, gồm nhiều nguyên nhân.

humanrights1

Hội nghị tập huấn "Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam".

Cái ác và bạo lực diễn ra tràn lan trên các mặt

Bạo hành gia đình

Phần lớn người phụ nữ và trẻ em phải chịu đựng, án mạng đã xảy ra đây đó. Cái giá phải trả cho đàn ông vũ phu là án mạng giết chồng. Con giết bố mẹ ông bà. Bà giết cháu vì mê tín dị đoan,v.v…

Bạo lực nhà trường

Nhiều năm nay. Còn bao nhiêu hiện tượng thầy - trò đánh nhau. học trò đập nhau, học trò đánh và hạ nhục và hành hạ bạn yếu hơn, thầy cô hành hạ học trò… chưa bao giờ nở rộ như bây giờ.

Trong khi đó, mọi nhà trường không hề biết đến hai chữ "nhân quyền".

Bạo lực xã hội 

Lỡ đụng va quệt nhẹ trên đường giao thông, nhẹ nhất là chuyệ người này nhắc nhở người kia đừng vượt đèn đỏ, thế là có đánh lộn, thậm chí án mạng hoặc thương tật còn nặng nề hơn tai nạn giao thông. Tài xế lái xe bạt mạng giết người hàng ngày.

Chủ nhà giàu nuôi cả chục con chó dữ, thả rông bất chấp pháp luật đã từng có. Một em bé 8 tháng ở Hà Nội (2018) và cậu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị chó xé xác cách đây 3 ngày. Ngyên nhân sâu sa bền vững ổn định là các nhà cầm quyền địa phương bỏ mặc không phạt chủ chó được tự do vi phạm nhân quyền.

Bạo lực công an

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Thành phố Đà Nẵng) cho biết, hành động ném chất bẩn vào nhà Nguyễn Hữu Linh là "không nên và pháp luật không cho phép", rằng "có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167", rằng "có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015". Tuy nhiên, chưa có đại diện pháp luật nào đã lên tiếng cho những tiền lệ trước đó : không phải một mà là rất nhiều lần, nhà của những nhân vật đấu tranh đã từng bị tạt chất bẩn, từng bị khóa trái cửa, từng bị ném đá làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc… 

Trong vài trường hợp, chất bẩn được ném vào nhà "những người tranh dấu nhân quyền" là phân trộn nhớt hoặc phân pha với sơn ; cửa nhà họ không chỉ bị khóa trái mà ổ khóa còn bị xịt keo dán sắt ; cổng nhà họ cũng bị một nhóm "lạ mặt" nào đó đến quấy nhiễu, trước sự chứng kiến của con cái họ. Thủ phạm là những kẻ "khẩu trang"- không báo chí nào dám lên án.

Trong bất kỳ xã hội nào, người dân cũng có khuynh hướng chỉ trích chính quyền, từ thuế má đến bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, chỉ trích chính sách nhà nước khác với tâm lý thù hằn chế độ. Ở nước nào đó đôi khi cũng có cảnh sát đánh dân nhưng chỉ "ở đây"- Việt Nam mới có chuyện "thanh niên tự đập mặt vào gậy cảnh sát giao thông khiến hốc mắt bị lún" hoặc "thanh niên nhập viện cấp cứu sau khi tự va vào dùi cui và súng của công an", hoặc chết trong đồn công an khi té và đập đầu dưới chân công an, tự đâm vào cổ hay tự treo cổ…

Câu chuyện trung tá đảng viên Nguyễn Chí Kiều đứng bên lề đường nhìn kẻ ác sắp đâm chết cô gái nhưng chỉ giơ cái que lên và ú ớ.

humanrights2

Việt Nam xã hội chủ nghĩa : "Trung tá Nguyễn Chí Kiều, Cảnh sát giao thông tỉnh Ninh Bình đứng nhìn kẻ ác đâm chết người yêu, không can ngăn".

Và đây là đối chứng ở một nước hiểu rõ hai chữ NHÂN QUYỀN

Eric - cảnh sát trẻ Phòng cháy chữa cháy ở thủ đô Đan Mạch huy động toàn đơn vị đi khắp thành phố tìm cứu một bà già bị nạn gọi điện kêu cứu mà không thể nói được địa chỉ. Cái kết có hậu.

Cả một hệ thống nguyên nhân 

Nguyên nhân lịch sử

Nước ta trải qua chiến tranh quá dài, khắc nghiệt và tàn bạo. Lòng người chai sạn. (Nhạc sĩ Văn Cao quá vui mừng ngày chấm dứt chiến tranh, nhưng ông chẳng phải nhà khoa học nên hạn chế về nhận thức. Ông có tài nắn trên cung đàn những giai điệu du dương, chọn khéo những hợp âm và nhịp điệu thổn thức lòng người). Hậu quả chiến tranh vô cùng dai dẳng, không thể lường hết được. Chất độc màu da cam có thể đo được bằng máy móc hiện đại. Chất độc da "người", "chất độc tâm hồn người" phải chờ nó bộc phát khi có dịp. Bởi vì, giới khoa học xã hội- nhân văn nước ta không làm tròn phận sự, họ chỉ mắc bận những công trình nghiên cứu mì ăn liền và phần nào bưng bô vuốt ve chế độ để lấy kinh phí, lành hơn một chút là những công trình tầm chương trích cú tầm phào kiểu mọt sách, chẳng có hiệu quả gì cho cuộc sống này.

Nguyên nhân chính trị tư tưởng

Cụm từ "công cụ chuyên chính vô sản" là bài học chính trị cho nhiều lớp học trò chúng tôi. Nó chính là sự bảo đảm về lý luận cho chế độ cai trị gần một thế kỷ tự tung tự tác. Cả một hệ thống tuyên giáo nửa thế kẻ cổ vũ quyền độc tào và bạo lực.

Nguyên nhân giáo dục & văn học nghệ thuật

Sách giáo khoa hơn nửa thế kỷ qua phần lớn cổ vũ bạo lực chiến tranh dưới các kiểu bình phong, vỏ bọc hình tượng yêu nước (với những câu thơ tiêu biểu Chế Lan Viên : "Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất" được gọi là "Cạm bẫy ca"). Tình trạng đó vẫn kéo dài hàng chục năm sau khi chấm dứt chiến tranh 1975 và thỉnh thoảng báo đài truyền thông lại "khuấy đục bạo lực" vô giới hạn.

Kết

Đỗ Mạnh Hùng 200k và Nguyễn Hữu Linh, và… và…

Hãy so sánh Đỗ Mạnh Hùng ở huyện An Lão, Hải phòng, người nêu tấm gương "ép hôn" cô sinh viên 21 tuổi trong thang máy Hà Nội và hành động tương tự của Nguyễn Hữu Linh vừa nghỉ hưu ở Thành phố Đà Nẵng. 

Với Hùng một người kinh doanh bình thường, công an phạt 200k, người dân chỉ chê cười và hài hước. 

Với Linh viện kiểm sát nhân dân kiêm bí thư đảng ủy ép hôn bé gái 7 tuổi trong 58 giây, người ta căm ghét tới mức kéo tới tận nhà bôi bẩn và viết, vẽ, chưa kể sự chửi rủa trên mạng kéo dài tới mức người ta quên thảm cảnh cậu bé 7 tuổi bị một đàn chó dữ 10 con cắn xé rách nát và chết trên sân vận động thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên.

Tương tự, người ta có thể chia buồn trước cái chết của một ông Đỗ Văn Mười nào đó nhưng tại sao "dân mạng" lại hả hê trước cái chết của "đồng chí Đỗ Mười" ?... Người dân thù ghét chính quyền là "hiện tượng" có thực, chẳng phải như chị phó bí Sài Gòn-Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm suýt ăn một cái dép bay sau khi nói "nhân dân ta vẫn tin Đảng", "con cán bộ làm cán bộ là hạnh phúc của dân tộc" (thực ra học mót câu nói của ông sư Thích Thanh Quyết biệt danh Thích Cúng Sao). Sẽ không có một phân tích tâm lý nào đúng với bản chất vấn đề trước "hiện tượng" xã hội này nếu nguồn gốc dẫn đến hiện tượng bị phớt lờ đi (Fb Phạm Lưu Vũ).

Trước khi lên án những hành động và phát biểu "vô văn hóa" của "dân mạng", hãy đặt câu hỏi tại sao người dân thù ghét chính quyền ; tâm lý đặc biệt này đến từ đâu và nguyên nhân đích thực ?

Tại áo giới truyền thông, ngành giáo dục né tránh hai tiếng nhân quyền ?

Mỗi khi có vụ nổi cộm bạo hành trẻ em, bạo hành học trò, các nhà báo lại vác máy đi phỏng vấn một số nhà nghiên cứu, nhà giáo, học giả, cán bộ lãnh đạo ngành hoặc bàn tròn thảo luận trên ti vi, kể cả thảo luận nghị trường quốc hội, v.v… Mỗi vị đều tung ra lý luận nghề nghiệp của mình. Nào là con người bây giờ vô cảm, cán bộ thiếu trách nhiệm, nào là nhà trường không dạy kỹ năng sống, không có tổ tư vấn tâm lý cho học trò. v.v…

Thực ra, lý do đơn giản hơn nhiều. 

Nhà trường không biết, không được dạy hai chữ ấy. 

Mặt khác, nhà cầm quyền sợ hãi kiêng tránh hai chữ ấy.

Khi có hành vi vi phạm nhân quyền, pháp luật xử nhẹ hều.

Đề nghị 

Giới nghiên cứu xã hội-nhân văn hãy lập đề cương nghiên cứu đi. Đề tài cấp thiết và nóng hổi đấy.

Hãy bắt đầu từ hai chữ NHÂN QUYỀN, mặc dù đề tài này rất cũ, có tuổi thọ 230 năm kể từ năm 1789.

"Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966" chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết.

Các giới nghiên cứu và giáo dục hãy bắt đầu từ ba bản tuyên ngôn sau đây, lần lượt theo thời gian lịch sử.

Bắt đầu từ một văn bản cột mốc, đưa loài người vào thời kỳ hiện đại :

Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1) là văn bản nền tảng của Cách mạng Pháp, được chấp thuận bởi Quốc hội Pháp ngày 26 tháng 8 năm 1789, trong đó quy định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả các giai cấp là bình đẳng. Chịu ảnh hưởng bởi học thuyết các quyền tự nhiên, các quyền con người là bình đẳng : có giá trị tại mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với bản chất con người. Dù văn bản này thiết lập các quyền cơ bản cho tất cả công dân Pháp và tất cả con người không ngoại lệ, dù chưa kịp đề cập đến vị trí của phụ nữ cũng như nô lệ ; dù vậy, nó vẫn là tiền thân của các phương thức nhân quyền quốc tế.

Tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt..

Đây văn bản mới nhất : Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị 1966, Chính phủ Việt Nam đã ký kết.

Công ước chỉ có 53 điều. Nếu giáo viên làm biếng thì chỉ cần nhớ một điều 7 của Công ước và giảng bài minh họa là đủ. Điều 7 nói về quyền sống và bất khả xâm phạm của cá nhân.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 09/04/2019

(1) Nguyên bản tiếng Pháp : Déclaration des droits de l’Homme et du citoyen

Published in Diễn đàn

Kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất tưởng niệm 19 triệu người mất mạng.

Đây là cuộc chiến tranh bao trùm khắp Châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc Châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến với số người chết trên 19 triệu người với sức tàn phá vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài. 

worldwar1

Verdun, chứng tích của sư thiệt hại khổng lồ về nhân mạng trong Đệ nhất thế chiến : chỉ riêng năm 1916, đã có hơn 700.000 nạn nhân, trong đó 306.000 người chết (Pháp 163.000, Đức : 143.000 ) và khoảng 406.000 người bị thương (Pháp : 216.000, Đức : 190.000)

Hơn 70 triệu quân nhân được huy động ra trận tiền, trong số đó có 60 triệu người Châu Âu, kể cả lính từ các thuộc địa (trong đó có Việt Nam). Trong cuộc chiến tranh kinh hoàng này, Pháp là nước chịu tổn thất nặng nề hơn cả và hoàn toàn bị khánh kiệt, dẫn tới thất bại của họ trong các cuộc chiến tranh về sau. Những trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc Chiến tranh Thế giới I cũng diễn ra trên đất Pháp. Chiến dịch quân sự lớn nhất là Cuộc tổng tấn công của Brusilov, khi quân Nga đánh bại liên quân Áo - Hung và Đức.

Tất cả những chính phủ đế quốc quân chủ (trừ đế quốc Anh) đều sụp đổ trong cuộc chiến tranh này. Đảng Bolshevik Nga chớp thời cơ nước Nga tổn hại, tiến hành cuộc "cách mạng" tháng Mười lật đổ chính phủ tư sản mới, lên nắm chính quyền.

Không có một nước Châu Âu nào thật sự chiến thắng cuộc chiến tranh này, tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của. Sau chiến tranh, Châu Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và những cao trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy ở các nước bại trận. Nước duy nhất không bị tàn phá từ cuộc chiến này là Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nước này vượt trên các nước Châu Âu về kinh tế kể từ sau cuộc chiến.

Không ai ngờ, nhân cơ hội chiến tranh bối rối (cũng như tang gia bối rối), như kẻ trộm lẻn vào ăn trộm, Lênin và đảng Bolshevik rắp tâm hoạt động lam thay đổi thế giới đang ngổn ngang vì cuộc chiến tranh này.

Nền kinh tế Nga không chịu nổi sức nặng chiến tranh, dân chúng khốn cùng, thất nghiệp, chết đói... Nước Nga chịu những thất bại nặng nề trước quân Đức trên mặt trận, tất cả những cái đó gây bất mãn cao độ trong nhân dân và quân đội. Quân lính đã quá khổ vì chiến tranh, không còn lòng ái quốc ban đầu khi mới chiến đấu.

Nền kinh tế của Nga vốn yếu hơn Đức, Anh, Pháp nên không chịu được cường độ cao của cuộc chiến tranh. Lệnh tổng động viên của Nga hoàng khiến 10 triệu người tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng nên ngày càng suy thoái.

Những người cộng sản Nga (Bolshevik) ra vẻ nhân đạo, đã kêu gọi người dân "chống chiến tranh đế quốc", "Biến chiến tranh đế quốc thành Nội chiến cách mạng". Nhân dân và binh sĩ đã không thể chịu nổi gian khổ, nên muốn theo Đảng Bolshevik của Lenin tiến hành cách mạng. Đến tháng 3 năm 1917, Cách mạng tháng Hai (lịch Nga) đã nổ ra, Sa hoàng thoái vị. 

Biến cố lịch sử liên tiếp đưa Bolshevik lên ngôi và nắm giữ chính quyền Nga trong suốt hơn 70 năm, dưới tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (1917 - 1991).

Thế nhưng, cảm hứng cách mạng xã hội chủ nghĩa do Liên Xô gây dựng nên, cùng với dàn pháo đài xã hội chủ nghĩa trên khắp thế giới mà Liên Xô hỗ trợ trong thế kỷ XX ấy, đã trực tiếp khiến hàng triệu con người ra đi vì chết đói, đấu tố, cách mạng văn hóa... Hàng triệu giá trị văn hóa, hàng hàng triệu nhân phẩm - danh dự con người bị vứt bỏ.

worldwar2

Có khoảng 85 đến 100 triệu người đã bị giết dưới chế độ cộng sản vì nhiều lý do khác nhau.

Trong cuốn sách "Le Livre noir du communisme" (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), nhà sử học Martin Malia ước tính rằng có khoảng 85 đến 100 triệu người đã bị giết dưới chế độ cộng sản vì nhiều lý do khác nhau. Việt Nam chỉ tính riêng thời Dân chủ Cộng hòa có khoảng 50.000 người bị giết do bị xử oan trong cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Chưa kế con số ước tính 4 triệu người chết trong Nội chiến Bắc - Nam Việt Nam (1954-1975). Trung Quốc chưa kể hơn 30 năm Nội chiến Quốc-Cộng, chỉ tính "10 năm Đại cách mạng văn hóa vô sản" đã làm chết ít nhất chục triệu người.

Lịch sử các nước xã hội chủ nghĩa bị kéo lùi nhiều chục năm so với đà tiến bộ chung của nhân loại. Và đó chính là điều "dữ dội" hơn cả hậu quả Chiến tranh thế giới I !

Rõ ràng, cái giá phải trả cho sự nôn nóng cách mạng thực là vô giá. Và nếu còn bảo thủ trì trệ nữa thì thảm họa sẽ còn là vô tận.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 02/12/2018

Published in Diễn đàn

Tối ngày 30/10/2018, cả Trung Hoa Đại Lục và những người mến mộ rung động nghe tin cha đẻ của hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết và điện ảnh chuyển thể thành phim quen thuộc nhất Châu Á qua đời.

kimdung1

Một quan điểm về Kim Dung

Truyền thông các vùng lãnh thổ tiếng Hoa bàng hoàng trước tin Kim Dung qua đời ở tuổi 94. Ông được giới hâm mộ đánh giá là "minh chủ võ lâm", "đại hiệp của các đại hiệp" trong tiểu thuyết và điện ảnh, là người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 khó quên với một gia tài tác phẩm nghệ thuật khủng. Không ít tờ báo Việt Nam cũng đưa tin và viết bài ca tụng.

Kim Dung quả là tiểu thuyết gia có tài xuất chúng, người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 sang đầu thế kỷ 21. Đặc biệt với một gia tài tác phẩm chuyển thể thành phim đã từng gây sốt hết lần này đến lần khác, có phim được chuyển thể đến 9 lần như Thần điêu đại hiệp. Đến tận đầu thế kỷ 21 phim chuyển thể Kim Dung vẫn tiếp tục hút khách.

Kim Dung được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất các vùng đất Hoa ngữ. Con số 300 triệu bản in (chưa tính một lượng lớn những bản in lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông này đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Bỏ Trung Quốc ra đi và Kim Dung thành công

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung sinh ngày 6 tháng 2 năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Năm 1941, Kim Dung học Luật quốc tế tại Học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh, bị đuổi học, sau chuyển sang học viện Pháp lý thuộc Đại học Đông Ngô gần đó, học tiếp về luật quốc tế.

Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó.

Cột mốc 1949, nhà nước cộng sản Trung Hoa chiếm lãnh toàn lãnh thổ đaị lục. Và Kim Dung không quay về đại lục nữa, lập nghiệp luôn ở Hongkong, trở thành chủ báo và nhà văn nổi tiếng và ăn khách nhất châu Á (cho đến ngày Bắc Kinh trải thảm đỏ mời ông như thượng khách).

Năm 1950, trong cuộc Cải cách thổ địa do Trung Quốc tiến hành ở đại lục, gia đình ông còn ở cố hương bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình. 

Ở Hongkong, Kim Dung làm việc tại Thư viện trung ương. Ngoài đọc sách sử học, khoa học, ông còn mê đọc những cuốn võ hiệp phương Tây như Ivanhoe, tiểu thuyết của Walter Scott, Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas (cha). Những truyện này đã ảnh hưởng mạnh mẽ và quyết định đến văn chương của ông trên nền tảng võ hiệp Nguyên, Minh, Thanh xứ sở. Tại đây ông bắt đầu sáng tác truyện võ hiệp.

Thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc và Hà Nội với Kim Dung

Ban đầu Trung Quốc ngăn chặn tác phẩm của Kim Dung không cho lọt vô đại lục.

Truyện Kim Dung tuy không chống Cộng, nhưng họ sợ truyện Kim Dung hấp dẫn hơn văn học "cách mạng", sẽ khiến tuổi trẻ mê say rồi quay lưng với văn học chính thống. (Hà Nội đương nhiên cũng chặn theo).

Thập kỷ 80 sách Kim Dung từ Hongkong xâm nhập vào đại lục, nhà cầm quyền lúc này buông thả cửa, vì họ thấy cũng có thể lợi dụng sự mê muội Kim Dung với lớp trẻ. Họ biết văn học "cách mạng" cũng hết hơi và chẳng còn tác dụng với thanh niên rồi.

Trước 1975, tiểu thuyết Kim Dung đăng báo hàng ngày Hongkong, Đài Loan và Sài Gòn.

Hà Nội sau 1975 ban đầu vẫn ngăn chặn dòng chảy Kim Dung từ Nam ra Bắc, khi thấy Trung Quốc thả giàn thì họ cũng thả theo.

Mấy chục năm ngăn chặn các loại sách ngoài luồng đã chán rồi, vả nay nhà cầm quyền Hà Nội cũng thấy không cần ngăn chặn nữa. Lãnh thổ toàn quốc nắm trọn trong tay, họ chả còn sợ gì nữa. Nói chung, tâm thế và ứng phó của nhà cầm quyền hai nước rất giống nhau. Kẻ trước người sau.

Nhà cầm quyền Trung Quốc xả cảng cho truyện và phim võ hiệp Kim Dung vào đại lục vì thấy nó có lợi nhiều mặt. Lợi rõ rệt nhất là ru ngủ thanh thiếu niên.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn ve vãn thỉnh mời Kim Dung sang Đại học Bắc Kinh ; làm lễ phong tặng "Giáo sư danh dự", "Tiến sĩ danh dự". Họ không ngại "nhổ rồi lại liếm" mà quên rằng trước đó họ mở máy cho giới phê bình chửi bới Kim Dung mệt nghỉ.

Khi phong trào làm phim chuyển thể Kim Dung lên cao, Trung Quốc cũng thả cửa cho các hãng phim chạy đua chuyển thể.

Từ phim bộ ăn khách, người Hoa khai thác sang Game-online dựa trên các hình tượng nhân vật nổi tiếng trong phim.

Tháng 2 năm 2006, Kim Dung được độc giả Hoa ngữ bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhận thấy sản phẩm Kim Dung trở thành một thứ "quyền lực mềm" chiếm lĩnh người dân hâm mộ khắp vùng châu Á nhất là khu vực đồng văn Hán tự. Chẳng những tuổi trẻ đa số mà một lớp ngừơi cao tuổi có học (chưa hẳn trí thức) cũng tìm thấy ở Kim Dung một nguồn thư giãn, vô hại để vùi đầu giết thời gian. Nhìn chung có thể nói là căn bệnh "nghiện Kim Dung" dành cho những người ưa thích chủ nghĩa cá nhân.

Truyện Kim Dung tuy xoáy vào ca tụng nhu cầu Tự do cá nhân nhưng quay mặt hoàn toàn với nhu cầu Dân chủ , mà đây mới thực là nhu cầu thời đại.

Sản phẩm truyện và phim võ hiệp Kim Dung chỉ có thể là sản phẩm trên một đất nước đa nguyên, tự do như Hongkong thuộc Anh và Đài Loan độc l ập.

Các nhà sách và nhà xuất bản Việt Nam ào ạt ăn theo, dịch và in, quảng bá rầm rộ.

Các kênh TV nước ta cũng đua nhau mua rẻ bản quyền phim bộ Kim Dung chiếu lai rai suốt hàng chục năm qua.

Họ bất kể tác hại âm thầm của loại quyền lực mềm của Kim Dung. Họ vốn đã coi thường phim cổ trang lịch sử Trung Quốc mà chiếu ròng rã vài chục năm qua thì còn tiếc gì, lo gì phim Kim Dung nữa.

Nhà cầm quyền còn bao nhiêu điều sát sườn phải lo cho sự an toàn của quyền lực thống trị. Cần chi phải lo cho an toàn văn hóa Việt !. Hình thành cả một phong trào nghiên cứu phê bình Kim Dung ở châu Á, chủ yếu là thưởng thức, tán dương.

Có thể, tiểu thuyết gia Kim Dung cũng nhận ra tác hại của phim chuyển thể. Giá trị văn học nghệ thuật ngôn từ sẽ chẳng thể đọ được với hình ảnh và xảo thuật điện ảnh và dễ bị nó đè bẹp lấn át. Ngôn ngữ điện ảnh dù ly kỳ đến đâu, anh hùng giang hồ tài năng xuất chúng cỡ nào, nhân vật nữ xinh đẹp cuốn hút tới đâu vẫn là nghèo nàn so với ngôn ngữ văn học.

Kim Dung xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp, với những mỹ nhân quyến rũ, ông được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp.

Công chúng say mê đắm chìm vào một thế giới trượng nghĩa, độc đáo, đậm bản sắc Hán tộc và những triết lý nhân sinh trung dung.

Mười bốn tiểu thuyết và 1 truyện ngắn lấy bối cảnh từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 19 trên đất nước rộng lớn đầy biến động lịch sử và vô vàn bất trắc (1. Bạch mã khiếu tây phong, 2. Bích huyết kiếm, 3. Hiệp khách hành, 4. Liên thành quyết, 5. Lộc Đỉnh ký, 6. Phi hồ ngoại truyện, 7. Thiên long bát bộ. 8. Thư kiếm ân cừu lục, 9. Thần điêu hiệp lữ, 10. Tiếu ngạo giang hồ, 11. Tuyết Sơn phi hồ, 12. Uyên Ương đao, 13. Việt nữ kiếm (truyện ngắn), 14. Xạ điêu anh hùng truyện, 15. Ỷ thiên Đồ long ký).

Văn hóa Việt Nam vẫn cần thận trọng với sản phẩm Kim Dung

Việt Nam nằm sát nách Đại Hán cũng như ảnh hưởng về văn hóa - chính trị của họ quá nặng nề lâu dài nên không phải tự nhiên mà các Đài truyền hình trong nước hiện nay ưu tiên phát sóng dày đặc các bộ phim cổ trang (truyền hình nhiều tập) của Trung Quốc.

Bởi chính quyền thân Tàu xứ này họ vẫn ngầm chấp nhận gieo rắc tư tưởng phong kiến vào người Việt Nam và chỉ biết tôn sùng bái lãnh tụ.

Họ không muốn người dân ở "vùng trũng" này mở mang và hiểu về những giá trị Dân Chủ cũng như Tự do Ngôn luận của những nước văn minh phương Tây mà các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai... đang áp dụng

Loại phim ru ngủ này thường hay ngụy biện cho sự an phận và hèn nhát khi đề cập đến việc đấu tranh cho Dân chủ cũng như quan tâm về các vấn đề chính trị của đất nước. Mặt khác, hậu quả của việc xem phim cổ trang Tàu là người Việt sẽ rành Lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà. Một chất men say văn hóa Hán càng ngày càng tăng nồng độ.

Kim Dung là một chương mới của văn học Trung Hoa miệt mài đề cao dân tộc của họ, với khát vọng bá chủ thế giới.

Về mặt đề cao sĩ diện cá nhân giang hồ, nghệ thuật Kim Dung chẳng những có hại cho chính dân chúng Hoa ngữ, còn có hại cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta không phủ nhận những giá trị tư tưởng nền tảng của truyện Kim Dung, như : Khát vọng tự do, tính nhân văn, ca ngợi tình yêu chân chính, v.v... Tuy nhiên, tựu trung, nó vẫn tuyên truyền cho văn hóa Hán, mê hoặc dân tộc khác, lệ thuộc vào nó một cách vô hình. Như thế, người Hán vươn tay thống trị từ xa mà không cần viễn chinh cai trị. Các nước láng giềng thì vô hình trung coi mình là chư hầu, thần phục Trung Hoa mà không biết.

Văn tài Kim Dung dẫu vô tình hay cố ý vô hình trung đã xâm lăng tư tưởng, xâm lăng văn hóa sang nước khác, khiến các dân tộc đó bị nô dịch êm đềm về tư tưởng, văn hóa và thẩm mỹ Trung Hoa, không hề băn khoăn cảnh giác. 

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 01/12/2018

Published in Diễn đàn

Vì sao Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải mở kỳ họp thứ 10 "bất thường" ? Vì thời hạn quá gấp gáp chăng ? Ai ấn định ra cái thời hạn ấy ?

Có gì đó không bình thường, rất bất thường, chứa đầy nghi ngờ cho cuộc họp Hội đồng nhân dân vội vã này.

xay1

Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở kỳ họp thứ 10 "bất thường" - Ảnh minh họa

Dự án xây nhà hát khủng ở ngay cái nơi dân oan còn ngổn ngang, những kẻ thủ ác vẫn chưa dứt khoát bị trừng phạt và bồi thường. Ngoại trừ một hai "con dê tế thần" chịu trận thay cho đích danh thủ phạm.

Bà Quyết Tâm nêu ra 2 lý do chính cần phài xây Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch Thủ Thiêm rằng :

- Để nâng cao đời sống người dân

- Được người dân thành phố chờ đợi từ lâu.

Một lý do là nâng cao đời sống vật chất người dân ( !).

Một lý do là đáp ứng lòng mong mỏi, thiên về thỏa màn tinh thần người dân (!).

Nghe có vẻ hoàn hảo quá rồi. Chu đáo quá rồi !

Nhưng mà cái điệp khúc "lòng dân" ấy nghe quen quen lắm.

"Lòng dân" loại nào trong 10 triệu người cần xây nhà hát ? Số lượng ước chừng bao nhiêu ?

Nhà hát bao giờ thì thu lợi và thu được bao nhiêu để nâng cao "đời sống người dân" ?

Trong khi bệnh viện thiếu giường nằm, trường học thiếu bàn ghế và nhiều tiện nghi cần thiết. Trợ cấp sinh xã hội cho nhóm người yếu thế xã hội chỉ bôi bác ra vài trăm ngàn một người chưa đủ ăn cháo cầm hơi. Vân vân…

Cách đây hơn hai chục năm, tôi được mời tham gia khảo sát cho Dự án xây Nhà máy cấp nước hiện đại ở tỉnh A. do chính phủ Úc tài trợ. Chuyên gia Úc tuyển dụng một số giáo viên ở địa phương biết tiếng Anh tham gia giúp họ khảo sát. Đọc bảng câu hỏi (questionaire) gần 100 câu chúng tôi vô cùng ngạc nhiên lạ lùng. Bảng câu hỏi bộc lộ toàn bộ mức sống, thu nhập, nhu cầu, thói quen sử dụng nước của từng hộ gia đình, từng cá nhân trong nhà. Người dân nào chả muốn dùng nước sạch và máy công suất lớn, còn việc gì phải hỏi. Thế mà họ vẫn hỏi cặn lẽ … Liệu đã có đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nào đi hỏi "người dân" thành phổ về cái nhà hát giao hưởng hay chưa ?

Tôi chỉ xin hỏi bà chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm phó bí thư thành ủy, luận chứng kinh tế xã hội ở đâu ? Khảo sát tiền khả thi ở đâu ?

Để nói được hai câu xanh rờn ấy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải dày công tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát thực tế. Một đội ngũ cán bộ điều tra XHH phải được triển khai đi điều tra theo mẫu thống kê và bảng câu hỏi (questionaire). Đó là một công việc khoa học nghiêm túc.

Vụ án đất đai Thủ Thiêm còn sờ sờ ra đó, phải chăng gượng ép xây nhà hát hát khủng để chứng minh chủ trương của Đảng bộ cần phải thu hồi vùng đất này là đúng ?

Bà Tâm chủ tịch còn chê ỏng chê eo mấy nhà hát cũ người Pháp xây để lại là nhỏ bé lạc hậu không đáp ứng nhu cầu "người dận" ! Xin hỏi đã có khảo sát nào chứng minh Nhà hát lớn thành phố quá tải khán giả mua vé xem nhạc giao hưởng vũ kịch ? Hay là thực tế Nhà hát này thường xuyên nghỉ chơi nhạc giao hưởng mà chỉ cho thuê sự kiện văn nghệ tả pí lù của các thương gia thương hiệu với giá vé cao hoặc miễn vé vì kẻ thuê chỉ cần quảng cáo ?

Nói thực đi, có phải vì các ông bà lãnh đạo Đảng bộ muốn ghi "dấu ấn nhiệm kỳ" để lại một cái gì "gây tiếng vang" ? Hay là muốn chứng minh "Hòn ngọc Viễn Đông" đã tái sinh ? Hay là muốn chơi trội hơn thủ đô Hà Nội ?

Biểu quyết giơ tay và nhìn mặt ?

Sự bất thường vội vã còn thể hiện ở chỗ "biểu quyết giơ tay" ncho mau. Khỏi cần bỏ phiếu kín lại mất công kiểm phiếu. Thậm chí thời đại công nghiệp 4.0 chưa áp dụng "bấm nút xanh/đỏ" cho "thành phố thông minh dự kiến".

Những người giơ tay hầu hết là đảng viên, họ đã có thời gian thăm dò nguyện vọng cử tri quận huyện phường xã của họ hay chưa ? Chủ tọa nhìn mặt đại biểu trân trân xem ai giơ tay, ai buông thõng là cái kiểu thị uy thủ đoạn xưa rồi. Người giơ tay biết thừa ý đổ của lãnh đạo, họ phải giơ tay theo chiều gió thôi. Lại còn phải diễn tươi cười phấn khởi cho ăn hình trước ống kính nữa.

Kết luận

Thi hào dân tộc Nguyễn Trãi từng được vua Lê khi được mời soạn nhạc thiều cho cung đình cùng với một hoạn quan khác. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức trai thi tập, Nguyễn Trãi đã dâng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ được giao phó vì không tán thành quan điểm của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính, một quan chức cao cấp đối với nền âm nhạc dân tộc :

"Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là căn cốt của nhạc, hài hòa là tính chất của nhạc. Thần mong rằng bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là bệ hạ đã đánh mất một cái gốc của nhạc".

Hà Nội là đất văn vật, đất văn nghệ xưa nay. Nhạc giao hưởng một trăm năm qua được truyền bá vào xứ này cũng vẫn chưa bén rễ xanh cây đến thân phận"người dân". Nhạc giao hưởng hiện nay vẫn được bao cấp duy trì chờ một ngày được bình dân hóa. Các thầy trò nhạc viện, nhạc công một số đoàn nhà hát Hà Nội nghĩ ra sáng kiến biểu diễn nhóm nhạc đường phố để "kích cầu" quanh Bờ Hồ vào một số chủ nhật đẹp trời. Đám đông dừng lại tò mò coi một chút, chín chục phần trăm lặng lẽ lui gót dời đi sau ít phút. Lâu lâu mới có buổi công diễn nhà hát lớn thì vé mời hết 1/3 quan chức. Quan chức thì khổ nỗi không hiểu nhạc cổ điển, lại ngại bụng to ngồi mệt, nên quẳng vé cho con cháu đi thay.

Mặt khác ngày nay mạng internet có sẵn nhạc giao hưởng vũ kịch nước ngoài đặc sắc, nêu những ai hiểu biết hay ghiền quá thì nằm ở nhà mở máy coi. Ra đường kẹt xe, nạn cướp giật hoành hành và trăm thứ rủi ro khác.

Mong rằng các quan chức thành phố Hồ Chí Minh suy nghĩ đắn đo, đừng để nhóm lợi ích nào đó chèo lái dẫn dắt ra nghị quyết.

Xin mượn một bức biếm họa viễn tưởng trên mạng về buổi công diễn khánh thành Nhà hát khủng Thủ Thiêm năm 2022 mà vị nhạc trưởng là người đứng đầu thành phố.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 12/10/2018

Published in Diễn đàn

Mấy năm gần đây người Việt ngày càng yêu bóng đá hơn. Bởi các lẽ sâu xa. Đó là hỏat động giaỉ trí mang tính cộng đồng náo nhiệt, gắn kết người này với người khác. Đội ta thắng thì dân có dịp đổ ra đường ra quán, tuổi trẻ thì chạy xe "đi bão", mạng xã hội có đề tài chung bàn tán ầm ì ngày đêm. Mặt khác cổ vũ đội bóng nhà ít nhiều thể hiện lòng yêu nước cố hữu của dân chúng vốn đang bị ức chế bởi mặc cảm bị nước lớn chèn ép, lãnh đạo nhu nhược về đối ngỏai khiến người dân phát uất lên không có cách gì giải tỏa.

vov1

VTV đã làm mất thể diện quốc gia, là nước chót thứ 76/76 từ bỏ cuộc chơi lớn của Châu lục - Ảnh minh hỏa

Những cái "lễ hội chính trị" qui mô do nhà nước tổ chức chủ yếu ở trên truyền hình. Bởi vì khi họ tổ chức trên hiện trường thì hầu như không được công chúng tham gia tự nguyện.

Cuộc truyền hình AFC Cup U23 năm 2017 mà đội U23 Việt Nam thắng ỏanh liệt ở sân bóng Giang Tô Trung Quốc năm ngỏai còn dư âm mãi.

hật là chính đáng, thiên hạ nóng lòng muốn tiếp tục theo dõi U23 năm nay trong ASIAD 2018 trên sân Indonesia.

Hồi đầu năm, người ta đã hồi hộp chờ đợi và ngày càng bực bội vì VTV ngỏan cố muốn ăn rẻ bản quyền TV cúp bóng đá thế giới tại Nga 2018. VTV đã gan lỳ đến phút cuối cùng, Việt Nam là nước cuối cùng chịu mua (may nhờ Cty Vingroup tài trợ 5 triệu USD)…

Kỳ này dân ta lại hồi hộp lo âu. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Châu Á cho đến thời điểm ngày 14/8 sau 1 tuần khai cuộc mà vẫn chưa có bản quyền phát sóng ASIAD ?

Đài truyền hình quốc gia VTV ngốn kinh phí ngân sách khủng nhất đã phụ lòng nhân dân nuôi dưỡng họ.

VTV đã làm mất thể diện quốc gia, là nước chót thứ 76/76 từ bỏ cuộc chơi lớn của Châu lục.

Vậy thì người hâm mộ Việt đành phải ăn gian bản quyền. Đã xấu hổ thì xấu luôn một thể. Trên các diễn đàn công nghệ, nhiều người đã chia sẻ cách xem trộm các môn thi đấu của ASIAD qua mạng Internet, qua các App OTT của nước ngỏai, cũng như hướng dẫn cách xem "chùa" từ vệ tinh nước ngỏai.

Ai đó đã lập kênh XOILAC.TV trên kênh Youtube để cho dân ta "xem chùa". "Xoilac" nghĩa là bán hàng ăn sáng món "xôi lạc" bình dân. Đối đầu chơi chua với VTV Khi bị báo chí "hỏi thăm sức khoẻ", VTV vẫn cố nại lý do rằng bị ép giá quá đắt (15 triệu đô) nên không mua ? Cuối cùng đến ngày 22/4 đài VOV và VTC (mới sáp nhập vào) đã tìm được người đồng hành góp vốn : Vingroup, Viettel và Vietnam Airlines góp cổ phần.

vov2

Kênh XOILAC.TV trên kênh Youtube để cho dân ta "xem chùa".

Liệu đây có phải là một đòn tranh chấp ảnh hưởng chính trị giữa hai ủy viên trung ương đảng đứng đầu 2 bộ máy truyền thông lớn nhất nước ?

VOV đã tát vào mặt đồng nghiệp VTV và lật tẩy thói gian manh của VTV. Họ thương lựơng thành công với giá 3,5 triệu USD… Trước đó VTV nói 15 triệu đô đắt quá nên không mua. Dư luận rộ lên tin VTV thương lượng đòi Indonesia cho "gửi giá" (ghi giá khống) cao quá nên họ từ chối.

VTV là cái đài to nhất quốc gia, ngốn ngấu kinh phí bao cấp khủng của quốc gia, với nhiều chương trình tào lao tốn tiền. Đám này chỉ lo kiếm chác tối đa có thể, bất chấp trách nhiệm phục vụ giải trí đông đảo công chúng.

Than ôi cuộc chơi thể thao lớn nhất Châu Á mà Việt Nam là nước cuối cùng duy nhất 1/76 nước từ chối mua bản quyền.

Hậm hực bỏ mất cuộc thi đấu Châu lục sau hơn 1 tuần, dân chúng ngơ ngác, chửi bới VTV, mạng xã hội không thể nào tả nổi sự giận dữ và khinh bỉ. Người hâm mộ tiếc rẻ không được xem đội U23 đá thắng đội Nhật bản và hai đội khác ở vòng bảng.

Tại sao thế giới cứ nhè mỗi VTV để "ép giá" bản quyền truyền hình cho đến nỗi phải bỏ chạy đến tận 7 ngày sau khi khai mạc mới mua ?

Và tại sao người dân Việt cũng cứ nhè VTV (trong số gần 100 kênh TV) mà chê trách từ năm này qua năm nọ, mức độ ngày càng nặng nề gay gắt ?

Bóng đá và thể thao truyền hình quốc tế đã lấn át những lễ hội "tưng bừng" kỷ niệm chính trị trên VTV theo kế hỏach hàng năm. 

Năm nay các tổ chức thể thao quốc tế quyết dạy dỗ cho đài VTV một bài học văn minh.

Nhân cơ hội VTV lúng túng đối phó công luận, giải thích không xuôi về việc từ bỏ mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018, bỗng nhiên mâu thuẫn nội bộ VTV bùng lên.

Một "trái bom tố cáo" nổ tung trong khi mặc cả bản quyền truyền hình ASIAD : thư tố cáo Nặc danh chỉ đích tên Tổng biên tập Trần Bình Minh và ê kíp tham nhũng triền miên với nhiều dẫn chứng sinh động cụ thể, ký tên CBCNVC đài VTV, đã tung lên mạng xã hội suốt tuần qua, gây xôn xao dư luận.

Giới thạo tin chính trị và hiểu chuyện dự đỏan "mấy khúc củi tươi VTV" đã làm rát mặt ông Tổng và bôi nhọ nhà cầm quyền, sắp phải vào "lò" (uy tín của giới dự đỏan này được khẳng định, trước đây họ dự đỏan số phận các vị "quan chức, tướng lĩnh vào lò" đều đúng cả).

vov3

Thủ tướng ký Quyết định 516/QĐ-TTg, bổ nhiệm lại ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam ngày 19/04/2017.

Bộ máy VTV công cụ tuyên truyền lợi hại nhất của nhà cầm quyền đã đến lúc bộc lộ "gót chân asin" của họ. "Lợi" bao nhiêu thì "hại" bấy nhiêu

Cuộc tranh tài thể thao ASIAD 2018 đang diễn ra ngày càng gay cấn, nội bộ VTV và những ung nhọt của họ bung ra ắt phải được mổ xẻ.

Có lẽ khá đau đầu cho cụ Tổng và nhà cầm quyền : VTV cái Lỏa to nhất, phủ sóng rộng nhất, tuyên truyền lợi hại nhất… giờ phải xử làm sao đây ?

Kết

Nhiều người Hà Nội đã nêu ra một sáng kiến "cảnh cáo VTV".

Khi đội tuyển Olympic Việt Nam mang nhiều huy chương bay về nước, chính quyền hẳn sẽ tổ chức mừng công, dân chúng Hà thành sẽ kéo đến cổng đài VTV hò reo nhiệt liệt chúc mừng, sau đó sẽ là hàng lỏat chương trình ăn theo ngỏan mục nữa.

Phùng Hỏai Ngọc

Nguồn : VNTB, 26/08/2018

***********************

Xoilac.tv mang tiếng "trộm", còn tiếng "nhục" mang tên VTV (CaliToday, 25/08/2018)

Trong vòng nữa tháng qua, báo đài và mạng xã hội ở Việt Nam tranh luận gay gắt về việc "mua" và "trộm" bản quyền Đại hội Thể thao Châu Á 2018 (gọi tắt là ASIAD 2018). Đài truyền hình Việt Nam VTV và mạng xã hội Xoilac.tv là hai cái tên được chọn làm tâm điểm chú ý của dư luận…

vov4

Ảnh : Xoilac

ASIAD 2018 chính thức khai mạc vào ngày 18/8/2018 tại Jakarta, thủ đô của nước Indonesia, có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á tham dự bao gồm cả Việt Nam, Lào, Campuchia… là những nước quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể nói đây là kỳ thể thao có quy mô lớn nhất trong năm của Việt Nam với sự góp mặt của hơn 500 vận động viên. Thế nhưng, gần trăm triệu người dân Việt Nam nhận được thông tin là đài truyền hình Việt Nam VTV và các đài truyền hình khác của nhà nước Việt Nam không thể mua được bản quyền phát sóng ASIAD 218 bởi vì mức giá do phía đối tác Kjsmworld Corp, đơn vị mua lại từ Ban tổ chức ASIAD 2018 đưa ra với mức giá lên đến 3-4 triệu USD, biến Việt Nam là nước duy nhất trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ cho đến thời điểm ASIAD 2018 khai mạc được hai, ba ngày mà vẫn thể đạt được thỏa thuận về việc mua bản quyền phát sóng.

Trong khi hàng tỷ người dân Châu Á đang đắm chìm trong men say hào hứng lẫn cảm xúc vui buồn khi theo dõi trực tiếp tòan bộ các vận động viên của quốc gia mình thi đấu tại đấu trường ASIAD 2018, thì gần 100 triệu người dân Việt Nam phải cam phận xem những bản tin vắn tắt đầy giận dữ.

vov5

Ảnh : Xoilac

Câu chuyện bản quyền ASIAD 2018 lần này nó như tiếp nối câu chuyện Đại hội bóng đá World Cup 2018, khán giả là người dân Việt Nam nói chung trước thông tin không thể xem được các trận đấu bóng đá World Cup 2018 vì đài truyền hình Việt Nam VTV và các đài truyền hình khác của nhà nước Việt Nam không mua được bản quyền nên không thể phát sóng trực tiếp. Không chỉ dừng lại ở chổ giận dữ đơn thuần, gần trăm triệu dân Việt Nam nổi cơn thịnh nộ ngay sau đó, gây sức ép liên tiếp nhiều ngày liền nhắm vào các đài truyền hình nhà nước Việt Nam, bắt buộc sau đó VTV phải lên tiếng là đã mua được bản quyền phát sóng World Cup 2018 để làm nguội cơn thịnh nội ngày càng lớn của người dân Việt Nam.

Và lần này là kỳ Đại hội ASIAD 2018, đài truyền hình Việt Nam và các đài truyền hình của nhà nước Việt Nam một lần nữa thông báo đến với khán giả Việt Nam là không thể xem trực tiếp các trận đấu thể thao của các vận động viên Việt Nam thi đấu tại đấu trường này vì các đài không thể mua được bản quyền phát sóng.

Theo người viết tìm hiểu, thực ra câu chuyện bản quyền ASIAD 2018 có thể nói là bắt nguồn từ thời điểm năm 2012, Việt Nam công bố giành quyền đăng cai ASIAD 2018 tại buổi lễ bốc thăm diễn ra tại Macao-Trung Quốc. Khi đó, các quan chức trong Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch Việt Nam dự kiến chỉ bỏ ra kinh phí đầu tư khoảng từ 150-200 triệu USD nhưng đổi lại Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công, thắng lợi chí ít trong lĩnh vực thể thao và nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại toàn diện cũng như tìm hiểu kinh phí tổ chức của các kỳ ASIAD mà các quốc gia, vùng lãnh thổ tổ chức trước đó thì thấy con số tối thiểu phải bỏ ra là từ mấy tỷ USD cho đến hàng chục tỷ USD. Ngay lập tức, Việt Nam gửi đơn xin rút việc đăng cai ASIAD 2018. Thời điểm này, người dân Việt Nam và khán giả xem truyền hình Việt Nam nói chung chẳng mấy quan tâm đến việc Việt Nam có đăng cai được ASIAD 2018 hay là không? Bởi vì thể thao Việt Nam từ mấy chục năm nay chưa thoát khỏi cái dớt của khu vực Đông Nam Á thì chỉ là vật "lót đường" cho các nền thể theo hùng mạnh Châu Á, cho đến khi "cơn địa chấn Thường Châu-Trung Quốc" hồi đầu năm 2018 diễn ra, đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam thi đấu khá thành, đã vào đến trận chung kết của giải bóng đá U23 Châu Á.

Và đến thời điểm thi đấu ASIAD 2018 diễn ra, những tin tức về chiến tích của đoàn thể thao Việt Nam vang dội từ Jakarta về đến Việt Nam như : đội bóng đá nam Olympic Việt Nam dẫn điểm đầu bảng với thành tích toàn thắng ba trận ở vòng loại trong đó có trận thắng lịch sử tỉ số 1-0 trước đội Olympic Nhật Bản (hiện 2 đội đã giành quyền vào thi vòng tứ kết), đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hạ đội tuyển nữ Thái Lan để giành quyền vào vòng tứ kết giải đấu và hy hữu là chiến thắng của đội bóng chuyền nam Việt Nam trước đội bóng chuyền nam Trung Quốc… nhưng hàng triệu khán giả Việt Nam không thể xem trực tiếp trên các đài truyền hình Việt Nam nên làn sóng giận dữ trở thành làn sóng phẫn nộ cực độ, những lời chỉ trích nặng nề nhắm vào đài truyền hình Việt Nam VTV và các đài truyền hình nhà nước Việt Nam.

Vào lúc hàng triệu khán giả xem truyền hình Việt Nam đang lên "cơn khát" ASIAD 2018 thì một trang mạng xã hội tên Xoilac.tv, có máy chủ đặt ở nước ngoài đã "ra tay" giải khát cho hàng triệu khán giả xem truyền hình Việt Nam khi "phát trộm" lên kênh Youtube các trận đấu vòng loại ASIAD 2018 của đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam. Các trận đấu mà Xoilac.tv "phát trộm" được đánh giá là chất lượng kém, đường truyền internet chậm và lời bình luận tiếng Việt giống "bụi đời xã hội" nhưng vẫn được hàng triệu lượt truy cập, điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu khán giả Việt Nam "xem trộm", tiếp tay cho hành động "trộm" bản quyền của Xoilac.tv. Những người làm truyền hình ở Việt Nam cho rằng hành vi của Xoilac.tv gây nhiều huệ lụy về sau cho các đài truyền hình nhà nước Việt Nam, khuyến gọi khán giả Việt Nam không nên tiếp tay cho hành vi của Xoilac.tv. Nhưng vô nghĩa…

Vì khán giả xem truyền hình Việt Nam, họ đang trong cơn khát ASIAD 2018, một nhu cầu cấp thiết cần được đáp ứng còn chuyện bản quyền có "trộm" hay không không quan trọng. Và mạng xã hội Xoilac.tv tuy "phát trộm" nhưng đã "giải khát" được phần nào nhu cầu cấp thiết của khán giả xem truyền hình Việt Nam. Xoilac.tv mang tiếng là "trộm" nhưng "trộm" được lòng của khán giả xem truyền hình Việt Nam, còn đài truyền hình Việt Nam VTV và các đài truyền hình khác thuộc nhà nước Việt Nam vì sợ tốn mấy triệu USD nhưng đã làm mất lòng hàng triệu khán giả trong mấy ngày qua. Thật không hiểu, một đài truyền hình tầm cỡ quốc gia như VTV lại không làm nổi nhiệm vụ đưa ASIAD 2018 đến khán giả Việt Nam mà lại để cho một trong mạng xã hội Xoilac.tv làm thay nhiệm vụ này đây không phải là một sự yếu kém, nặng lời hơn là một nỗi nhục mang tên VTV hay sao, một câu hỏi mà đông đảo dư luận quan tâm trong mấy ngày qua đặt ra? Cần phải nói thêm, hiện nay ở Việt Nam đa số người dân muốn xem truyền hình là phải trả tiền và câu chuyện ASIAD 2018 cho thấy dù phải trả tiền nhưng nhu cầu xem của người dân đã không được các nhà đài đáp ứng.

Trước cơn thịnh nộ của khán giả xem truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam VOV, đơn chủ quản của đài truyền hình cáp VTC đã đứng ra mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018, kể từ ngày 23/8/2018 khán giả xem truyền hình Việt Nam mới được xem trực tiếp các môn thi đấu của ASIAD 2018 cho đến khi kết thúc là vào ngày 2/9/2018.

Quê Hương

Published in Diễn đàn

Năm trước tôi đã viết bàn luận về "Huế tháng Tám", bài thơ duy nhất do Tố Hữu viết ngay sau khi sự biến xảy ra. Bài đã đăng trên VNTB. Tóm tắt trong vài chữ "Tố Hữu tưởng tượng ra một viễn cảnh tương la từ gợi ý sâu xa của học thuyết Mác-Lê, anh ta phát điên và gào lên theo thể thơ Mới". Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là "cơn- điên- quyền - lực- bộc- phát" (1).

cmt81

Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ.

Bữa nay bàn tiếp về vài sáng tác khác viết sau sự kiện, số lượng vừa ít ỏi, cảm xúc gượng gạo, qua loa, lầm lẫn cố tình gây nhiễu về đề tài Cách Mạng Tháng 8.

Nào hãy đọc bài thơ "Đất Nước" của Nguyễn Đình Thi viết về "cách mạng tháng Tám".

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

(nháp 1948, hoàn thành 1955, xuất bản trong tập Người chiến sĩ, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1956)

Thực tế "Ngày Cách Mạng Tháng 8" không có tiếng súng nổ nào cả, không cả la hét giận dữ. Thiên hạ chỉ ngỡ ngàng ngạc nhiên và "cuốn theo chiều gió" thôi.

Ông nhà thơ đại tá Chính Hữu viết bài "Ngày về" :

"Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"

Thực tế là, Hà Nội không tự đốt cháy mình bao giờ. Chính Hữu đã copy cảnh nhân dân thành phố Matskva đốt cháy thành phố của họ rồi rút chạy trước khi quân Napoleon kéo vào chiếm đóng (theo tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình - Lev Tolsoi).

Kim Lân và truyện ngắn "Vợ nhặt"

Với truyện ngắn "Vợ nhặt" tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", nhà văn Kim Lân viết về nạn đói cuối 1944, đầu năm 1945 để khẳng định sức sống và tình yêu của người cùng khổ. Không liên quan đến Cách Mạng Tháng 8. Truyện ngắn in trong tập "Con chó xấu xí" (xuất bản 1962). Truyện ngắn thì được viết sau khi "Cách mạng tháng Tám" xảy ra. Do vậy Kim Lân đã thêm tý đuôi bẻ ngoắt cho hợp thời thế.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra khắp nơi, người chết như rạ. Tràng là một người xấu xí thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Tràng kéo xe bò thuê và sống với một mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái bốc vác. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ.

Bà cụ Tứ mẹ Tràng đón nhận người con vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hi vọng nhưng không hề tỏ ra rẻ rúng người phụ nữ đã theo không con mình. Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với cái nhà của mình và thấy mình nên người, người vợ đúng là một phụ nữ hiền hậu đúng mực dù nghèo khổ. Bà cụ Tứ đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ về chuyện phá kho thóc Nhật, Tràng dần dần nhớ hai chữ "Việt Minh" và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới.

"Im lặng một lúc, thị lại tiếp :

- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chiụ đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi,cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm.

Miếng cám ngậm trong miệng hắn bã ra, chát xít…".

Quân Nhật hoang mang chỉ còn đóng trại chờ ngày thi hành hiệp định rút về nước. Kho thóc đóng cửa để đó, lính canh giữ trễ nải. Dân đói thì phải đi phá kho thóc. Đó là lẽ tự nhiên sống còn của con người lâm vào bước đường cùng. Chẳng có cái gì gọi là yêu nước hay là giác ngộ cách mạng. Những người viết sử và viết chính trị sau này cố tình bôi son trát phấn lên sự kiện để "giáo dục" dân chúng, nhất là thế hệ trẻ sinh sau chẳng biết gì lại còn bị bưng bít thông tin.

Hai mươi năm sau Cách Mạng Tháng 8, Chế Lan Viên viết :

"Rồng năm móng vua quan thành bụi đất

Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười !"

Chế độ phong kiến nhà Nguyễn dù gì cũng xây dựng đất nước mấy trăm năm, đã có công lao khai phá miền Nam rõ ràng. Nhà thơ sỉ mắng "vua quan nhà Nguyễn thành bụi đất"- - một câu thơ thô lỗ, bất nhân, bạo lực, ăn cháo đá bát. Lịch sử không bao giờ "chết", sao lại có thể trở thành bụi đất ? Chế viết một câu thơ của người nông dân mù chữ.

Còn sau đây là câu thơ lộng ngôn, hỗn hào nhất với tổ tiên dân tộc, phi lý nhất về quan niệm lịch sử... Nhớ hồi xưa chẳng có thầy giáo Văn hay nhà phê bình nào bình giảng được câu thơ dưới đây :

"Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn

Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ

Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng".

Một câu văn viết theo thể điều kiện (conditional) ngớ ngẩn, uốn éo "cha ông đến sớm" tức là mắc lỗi "sinh ra sớm quá", và "con cháu đến muộn" thì thực ngớ ngẩn khó tả.

Câu thứ 3 thì nịnh hót trơ tráo vô cùng "buổi Hùng vương có đảng".

Thương ôi một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ bại hoại, rồi nhiều thế hệ suy thoái nhân cách, không thể ngờ được !

Nhét "Cách Mạng Tháng 8" vào tiểu thuyết "Vỡ bờ"

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cố nhét "Cách Mạng Tháng 8" vào tiểu thuyết "Vỡ bờ".

"Vỡ bờ" tạm coi là bộ tiểu thuyết sử thi bề thế, gồm 2 tập, dày tới trên ngàn trang in, nội dung đề cập tới cuộc sống, đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của các đảng viên cộng sản trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám "long trời lở đất". Tên bộ tiểu thuyết và cảm hứng chủ đạo là tiếp nối câu thơ được chính tác giả viết trước đó nhiều năm :

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

("Đất nước", viết trong kháng chiến chống Pháp)

Ông Thi cố viết tiếp tiểu thuyết "Vỡ bờ" thực ra đã ăn cắp ý tưởng, nhân vật và kết cấu của tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình" của Lev Tolstoi.

Hai nhân vật chính "Khắc đảng viên" và "Quyên con nhà gia giáo". Được xây dựng theo mô hình hai nhân vật Andrey Bolkonski và Natasa của Lev Tolsoi. Bối cảnh 3 thành phố Việt Nam cũng theo kiểu ba thành phố nước Nga. Thứ đồ giả, nhái không thể lừa được độc giả. Cuốn tiểu thuyết duy nhất tái hiện Cách Mạng Tháng 8 đã bị vứt vào sọt rác.

Cùng với thời gian, bộ sách đã chứng minh cho ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân, rằng trong văn học không phải cứ "to tổ bố" là có thể trụ vững.

Đối chiếu với những dòng văn chân thực về Cách Mạng Tháng 8

Những ngày tháng 8 năm 1945 dưới ngòi bút chân thực của nhà văn Duyên Anh : "Cướp chính quyền ở thị xã Thái Bình".

"Ngày phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng, quân Nhật đồn trú ở thị xã Thái Bình buồn bã cúi đầu hạ cờ. Lá cờ Nhật từ từ tụt xuống, tựa hồ mặt trời lặn vào buổi chiều. Một thanh niên tên Huy rút ra một lá cờ màu vàng quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim lao nhanh đến cột cờ định giương lên. Nhưng chưa kịp làm gì thì anh đã bị hàng chục người áo nâu từ đâu ào ra xô ngã. Họ lấy ra một lá cờ đỏ, buộc vào dây rồi kéo lên. Một người áo nâu đeo súng lục hô khẩu hiệu : "Cách mạng thành công muôn năm !".

Thoạt đầu, chỉ độ vài chục người hô theo. Dần dần, đám đông hò reo "Muôn năm" theo. Hai đứa trẻ tên Vũ và Côn chứng kiến diễn biến đó ngơ ngác không hiểu tại sao anh Huy, người trước đó đã dám phanh ngực thách thức kiếm Nhật, người bảo trái tim mạnh hơn súng, người làm Vũ mến phục và làm Côn hãnh diện là dân Thái Bình lại bị những người áo nâu xô ngã và trói gô lại".

Đó là vài dòng tóm tắt nội dung chương 3 của cuốn tiểu thuyết "Con Thúy" trong series tiểu thuyết "Những đứa trẻ Thái Bình" (các nhân vật Vũ, Côn, Vọng, Thúy, Khoa, Luyến) của nhà văn quá cố Duyên Anh trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Chỉ trong một chương truyện ngắn, với bối cảnh thị xã Thái Bình nhỏ bé, cùng với sự lần lượt thay ngôi đổi vị chớp nhoáng của 3 lá cờ (cờ Nhật, cờ chính phủ Trần Trọng Kim, cờ Việt Minh) dưới ánh mắt ngơ ngác của những thiếu niên 14 – 15 tuổi, ngòi bút của Duyên Anh đã tái hiện thành công bức tranh phác thảo toàn cảnh của nước Việt Nam trong những ngày mùa thu tháng 8 năm 1945 với những diễn biến thời cuộc quá nhanh mà nội các Trần Trọng Kim đang cầm quyền lúc bấy giờ gồm những trí thức thừa lòng yêu nước nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị đã không kịp trở tay.

Duyên Anh viết tiếp : "Dân thị xã đã nhập vào cuộc chơi lớn. Tất cả vui mừng, hớn hở như trẻ con trong cuộc chơi cướp cờ. Trong cuộc chơi này, ai nhanh chân, mưu mẹo, cướp được cờ chạy về bên mình là người ấy được vỗ tay, khen ngợi. Kẻ thua cuộc luôn luôn là kẻ chụp hụt lá cờ hay chụp cờ rồi mà bị đuổi theo xô ngã khi chưa về đến đích".

Thế là trong cuộc cuộc chơi cướp cờ của người lớn trong những ngày tháng 8 năm 1945, Bảo Đại nhu nhược và nội các Trần Trọng Kim chậm chân đã là người thua cuộc.

Kết

Bây giờ chúng ta cùng bình tâm suy ngẫm.

Vậy, sau khi giành được chính quyền thì chính quyền đó có về tay nhân dân không ?

Có lẽ câu trả lời đã rõ sau 70 năm. Đến ngày hôm nay, nhân dân Việt Nam vẫn không có đủ những quyền cơ bản. Nhân dân Việt Nam không được bầu cử một cách thực sự, không được sở hữu đất đai, không có quyền phúc quyết hiến pháp và những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các quyền cơ bản trong Hiến pháp 1946 ngày nay vẫn bị trì hoãn.

Và vì thế, cuộc cách mạng "giành chính quyền về tay nhân dân", 73 năm qua vẫn chưa xong.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 22/08/2018

(1) Nhớ lại hồi tuổi trẻ nhẹ dạ cả tin, đám học trò chúng tôi từng nghe các thầy giáo, các nhà phê bình say sưa bình phẩm các biện pháp nghệ thuật "kỳ thú, tài hoa" của nhà thơ. Chuyện đó nay không bàn thêm nữa.

Published in Diễn đàn

Thế kỷ 20 Việt Nam bầm dập tả tơi trong hai cuộc chiến tranh lớn và 2 cuộc xung đột biên giới.

Hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm liên tục đã bào mòn sức sống dân tộc đến cạn kiệt, tình cảm con người bị giằng xé biến dạng. Hai cuộc chiến biên giới tuy ngắn nhưng mức độ tàn bạo man rợ cấp tập gay gắt khiến người ta không khỏi sững sờ.

Bốn cuộc chiến đẫm máu ấy đều có vai trò chủ đạo của Đảng cộng sản Đông dương và Việt Nam.

hoa1

Hoa phượng bầm dập tả tơi - Ảnh minh họa.

Giới sử học quốc doanh viết sử dưới sự chỉ đạo định hướng của nhà cầm quyền khó đạt được sự đồng thuận của người tôn trọng sử Việt trong và ngoài nước. Trong pho sử hiện đại còn nhiều điều tồn nghi gác lại mặc cho tương lai giải quyết.

Giới văn nghệ sĩ trải qua chiến tranh có cách viết sử riêng của họ. Đó là trang sử tâm hồn người Việt. Và những “trang sử” ấy ngay lập tức cuốn hút công chúng nhiều lứa tuổi.

Trang sử ngắn nhất và sinh động nhất là thi ca. Chỉ cần một bài thơ là đủ đánh dấu một cột mốc lịch sử tâm hồn dân tộc.

Trong số hàng nghìn bài thơ ca qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương, nổi bật lên hai bài “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan) và “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng. “Màu tím hoa sim” đánh dấu cuộc chiến Đông dương lần 1, còn gọi là chiến tranh Việt- Pháp. “Thời hoa đỏ” ghi dấu cuộc chiến dài hơn, thế giới gọi là “chiến tranh Việt Nam”, Nội chiến Việt Nam 1954- 75.

Bài thơ Thời Hoa Đỏ được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972.

Đây là khổ thơ trung tâm của bài thơ :

“Mỗi mùa hoa đỏ về

hoa như mưa rơi rơi

cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

như máu ứa một thời trai trẻ”

4 câu thơ vẽ ra bối cảnh chung rộng lớn của bài thơ : thời trai trẻ và máu đổ - thời chiến tranh khốc liệt.

4 câu thơ vẽ ra bối cảnh chung rộng lớn của bài thơ : thời trai trẻ và máu đổ - thời chiến tranh khốc liệt.

Bài thơ đưa chúng ta giật lùi lại mấy chục năm quá khứ. Những người bây giờ tuổi trung niên, cao niên đều đã đi qua cái “thời hoa đỏ” như thế. Bài thơ của Thanh Tùng khuấy lên ở họ cái chất thơ nao lòng, thậm chí thắt lòng của ký ức xưa hàng năm cứ hiện về dẫu ta không mong muốn !. 

Thời hoa đỏ



1

 “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên.

2 

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê của một thời thiếu nữ.

3

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ.

4

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót.

5

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say.

6

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vết đỏ

Như vết xước của trái tim.

7

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa.

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.

Bài thơ chỉ nhắc một hình ảnh là hoa đỏ không tên, có thể hiểu là hoa phượng vĩ đặc sản thành phố biển Hải Phòng. Tuy nhiên hình tượng thi ca không đơn giản như vậy. Đó thực là đóa hoa tuổi trẻ, mùa hoa thanh xuân một đi không trở lại.

Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng (**) một người bạn tri âm tri kỷ phổ nhạc năm 1989.

hoa2

Bản nhạc Thời hoa đỏ

Nhạc sĩ đã chọn cung Mi thứ làm âm hưởng chủ đạo. Cung này còn được mệnh danh là "nữ chúa của nhạc buồn". Nhạc sĩ đã gọt sửa lại vài ca từ trong khổ thơ thứ 3 có lẽ để tránh né yếu tố nhạy cảm tư tưởng chính trị. Tiếc thay, đó là những từ ngữ chứa sức nặng ngàn cân.

Nhà thơ trút sức nặng bài thơ vào khổ thứ 3 :

Mỗi mùa hoa đỏ về,

hoa như mưa rơi rơi 

cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi 

như máu ứa một thời trai trẻ .

Nhạc sĩ viết đoạn 3 giảm nhẹ (thay hai từ : tan tác thành xao xác, máu ứa thành nuối tiếc) :

3

Mỗi mùa hoa đỏ về,

hoa như mưa rơi rơi, 

cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi 

như nuối tiếc một thời trai trẻ.

Lời thơ lột tả cái không khí dữ dội, tàn bạo, uất nghẹn của chiến tranh vùi dập tuổi trẻ trong hai từ cốt lõi. Tiếc thay nhạc sĩ đã thay thế bằng hai ca từ nhẹ hều khiến lời hát chỉ còn là bản tình ca dang dở bình thường.

Ba câu thơ sau miêu tả tinh tế tình yêu tan vỡ bằng hình ảnh “anh không có mặt”.

“Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết”

Bởi người thiếu nữ phải từ bỏ tình yêu người lính vô vọng, tìm đường đi kiểu phụ nữ của mình. Tục ngữ dạy “đời người con gái có thì”. Anh không thể và không nỡ đòi em chờ đợi, như đài báo tuyên truyền, như đám văn nghệ sĩ cam tâm cổ vũ ca tụng những “chinh phụ ngâm hiện đại” hoặc những tình yêu con nít như khẩu hiệu ca từ “Trường sơn đông, Trường sơn tây”.

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say.

Và điệp khúc xây bằng hình ảnh sinh động hóa những mảnh ký ức đau xót không bao giờ xóa được : “mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi”…

Ngày nay, trong khi người ta tổ chức tuyên truyền kiểu “ăn mày quá khứ” như đàn ve kêu ồn ào, những người thương tích về chiến tranh và tình yêu thời chiến chỉ có thể bước lặng đi trong hồi tưởng. Họ đành sống bằng ký ức ngọt ngào mà thời gian đồng tình không xóa bỏ.

“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Bước lặng trên con đường vắng năm nao”

Hiệu ứng ca khúc của hai tác giả

Bài thơ của Thanh Tùng được phổ nhạc khiến người nghe tinh tế cảm nhận được cái chất thơ nao lòng, thậm chí là thắt lòng của ký ức xưa. Một thời chiến tranh quá dài và bền bỉ tàn phá nhiều thế hệ người Việt, nhất là tuổi trẻ tuổi “hoa đỏ”... Nhạc sĩ soạn ba bè hòa âm cho điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về /Hoa như mưa rơi rơi…" diễn tả đến tận cùng chiều sâu cảm xúc pha trộn ký ức ngọt ngào với sự tiếc nuối ngẩn ngơ trong lòng những ai đã từng một lần đi qua “thời hoa đỏ”, “thời trai trẻ”, "thời thiếu nữ say mê" giữa chiến tranh. Nhạc sĩ đã chắp cánh thăng hoa cho bài thơ thâm trầm day dứt khôn nguôi của Thanh Tùng.

Lọt thỏm và cô đơn giữa những tình khúc đương đại đổi màu nhạc trẻ dành cho tuổi teen, tình khúc "Thời hoa đỏ" lập tức tạo được tiếng vang sâu xa và trở thành bài hát không thể thiếu trong sổ tay công chúng yêu âm nhạc, nhất là lứa tuổi trung niên, kế đến học sinh sinh viên. Ca khúc Thời hoa đỏ nằm trong tốp đầu những bản tình ca hay nhất thế kỷ... Giới ca sĩ đều muốn thử sức mình với đa dạng cách thể hiện khác nhau. Gõ trên Youtube, thấy hàng trăm bản ca khúc “Thời hoa đỏ” khác nhau, từ ca sĩ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Ca khúc này thử thách khả năng cảm thụ âm nhạc và thẩm mỹ nông, sâu của ca sĩ và nhạc sĩ thời nay. Hình tượng thi ca nhiều tầng lớp, tương ứng với khả năng đồng cảm và khám phá của công chúng. 

Ca sĩ Lệ Thu người đầu tiên thu âm bài hát này và được thính giả cho là người thể hiện thành công nhất. Phiên bản Lệ Thu từng lấy đi nước mắt của nhiều người sau khi được phát trên sóng. Rất nhiều phiên bản khác được biểu diễn chứng tỏ sức cuốn hút của kiệt tác tình ca hậu chiến này.

Sau 1975 nếu chỉ được chọn hai tác giả tiêu biểu cho văn nghệ thời hậu chiến, tôi xin chọn hai văn thi sĩ. Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn quê hương tàn phá và bi kịch tình yêu”. Và nhà thơ Thanh Tùng với bài thơ tình bi luỵ đệ nhất “Thời Hoa Đỏ”.

Hai kiệt tác nghệ thuật kể trên là tiếng nói phản biện lạnh lùng của văn nghệ sĩ, là hai trang sử không thể tranh cãi và hai cột mốc lịch sử tâm hồn dân tộc.

Chú thích

1. Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh 1935, quê quán Nam Định, trưởng thành ở Hải Phòng. Theo tâm sự Thanh Tùng, khi ấy cuộc hôn nhân của ông cùng người vợ ở Hải Phòng vừa đổ vỡ, ông bắt đầu viết để kỷ niệm mối tình với người vợ đầu của ông ở Hải Phòng đã chia tay ông. Tuy chia tay nhau nhưng Thanh Tùng vẫn yêu thương người vợ này. .. Nhưng thơ không chỉ có đơn giản vỏn vẹn như vậy. Cả không khí biến động thời cuộc với những bể dâu đẫm máu đã hắt bóng vào thơ ông. Chuyện riêng là điểm tựa cho nhà thơ ký thác tâm sự lớn của trí thức trước thời cuộc. Bài thơ in trong tập "99 bài thơ tình hay" (Nhà xuất bản Văn hóa). Ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995, tái hôn ở tuổi 60, Thanh Tùng qua đời ngày 12/9/2017 thọ 83 tuổi.

2. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1978 làm việc ở Nhà xuất bản Âm nhạc cho đến nghỉ hưu năm 2002.

Ghi chú : xem ca sĩ Thanh Thảo :

Published in Văn hóa
Trang 1 đến 2