Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc đã và đang dùng tổng hợp ba quyền lực đối với thế giới, đặc biệt với Việt Nam. Đó là các quyền lực nóng, cứng vàmềm để xâm chiếm từng bước Việt Nam.

soft1

Học viện Khổng Tử tại Hà Nội.

1. Quyền lực nóng là chiến thuật truyền thống của bao đời phong kiến Trung Hoa từ nhà Ân trước công nguyên đến nhà Mao hiện đại

Đó là chiến thuật xua quân xâm chiếm lãnh thổ bằng bạo lực với kỹ thuật đơn giản nhất : vũ khí nóng và biển người nóng máu ăn cướp.

Đến thời hiện đại, quyền lực nóng buộc phải sử dụng hạn chế. Mở đầu là cuộc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa 1974 chớp nhoáng, bất ngờ. Kế đó là cuộc chiến tranh Biên giới 1979 kéo dài gần 1 tháng, rồi lai rai giằng co mấy điểm cao biên giới cho tới 1989 trong đó cuộc cướp 1 nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chưa kể âm mưu dẫn dụ Khmer đỏ gây cuộc chiến biên giới Tây nam.

Chiến thuật quyền lực nóng tấn công thường bị quốc tế phản đối, vả lại, bản thân họ cũng chịu thiệt hại khó lường, họ chuyển chiến thuật khác.

Chuyển qua thủ thuật quyền lực nóng kiểu đe doạ : họ ngăn cản khai thác dầu khí biển Đông như cắt cáp tàu thăm dò của đối phương và ngăn cản ngư dân ta đánh cá ngày càng gia tăng. Trung quốc còn đơn phương ra lệnh cấm đánh cá theo mùa vụ do họ ấn định trên vùng biển Việt Nam, xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong hải phận chủ quyền nước ta.

Thủ thuật quấy rối, chọc tức, khiêu khích cũng thuộc phạm vi quyền lực nóng.

Vài năm nay một số đoàn du khách Trung Quốc sử dụng hướng dẫn viên lậu người Hán trà trộn thay thế HDV người Việt để trâng tráo phản tuyên truyền chủ quyền biển đảo và lãnh thổ ngay trên đất nước ta. Du khách Trung Quốc cố tình mặc áo in hình "lưỡi bò" nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh hôm 13 Tháng Năm, 2018. Mang tên lửa và tàu bay quân sự ra đảo Trường Sa. Đối đầu với giàn tên lửa Việt Nam.

2. Quyền lực cứng là hành động xâm lấn dễ nhận thấy bằng mắt thường

Thể hiện rõ nhất trên Mặt trận kinh tế : đó là việc tận dụng đường biên giới dài và khó kiểm soát tuồn hàng buôn lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào nội địa nước ta.

Thả cho thương lái Trung Quốc mua vét những thứ sản vật không có giá trị hàng hóa nhằm phá hoại và kìm hãm phát triển kinh tế đời sống của Việt Nam (Thương lái lỗ nhưng nhà nước hẳn đã bao cấp cho họ thực hiện ý đồ phá hoại).

Mua những thứ sản vật có vẻ tầm thường nhưng trả giá cao nhằm phá hoại sản xuất, hủy hoại môi trường như móng trâu, móng bò, đuôi trâu, đỉa, ốc bươu vàng, lá điều, rễ hồ tiêu…

Bán thực phẩm bẩn và rẻ, thượng vàng hạ cám, từ đồ chơi có hóa chất độc gây tác hại lâu dài đến thị trường điện tử giá rẻ. Chỉ mua những thứ quí hiếm như gỗ sưa…

Móc nối, thương lượng với quan chức Việt để chiếm được các Dự án rải khắp Việt Nam. Nhân đó họ xuất khẩu công nghệ lạc hậu, tiêu biểu như đường sắt Cát Linh- Hà Đông và các nhà máy thép, điện khắp ba miền.

Ba "đặc khu kinh tế" cho thuê đất 99 năm, đang chờ quốc hội bấm nút nhưng đã có lệnh ngầm từ Bộ chính trị (ngày xưa cách đây hơn 100 năm, Từ Hi thái hậu, hoàng đế Đạo Quang và đế quốc Mãn Thanh thua trận trong chiến tranh Nha phiến, đế quốc Anh phải đổ máu mới giành được quyền nhượng địa, thực chất cũng là thuê đất 99 năm). Ngày nay "hai đồng chí láng giềng hữu hảo" chỉ cần gặp mặt ngầm, Việt Nam đã sắp sửa hai tay dâng đất ở ba điểm bắc- trung- nam cho ngoại bang 99 năm.

3. Quyền lực mềm, đây là thủ đoạn đa dạng và tinh vi nhất bao gồm :

Nhóm quyền lực mềm giáo dục.

Việt Nam có nhiều du học sinh đại học và trên đại học ở khắp các trường đại học Trung Quốc từ Quảng Tây giáp biên tới Nội Mông xa xôi.

soft2

Bà Đàm Tiểu Hòa, Viện trưởng Viện Khổng Tử tại trường Đại học Hà Nội phát biểu tại cuộc thi. (Ảnh: PM)

Bên cạnh nhu cầu nghiên cứu Trung văn tự nhiên của một bộ phận tuy không lớn như nhu cầu tiếng Anh, họ biết đa phần học sinh, sinh viên và cả công chức, nhất là giáo viên khả năng kinh tế thấp. Đi du học là cơ hội lấy được cả bằng cấp và cải thiện kinh tế gia đình, làm vốn đáng kể.

Phần lớn sinh viên, công chức với tiếng Anh không đủ khả năng thi đầu vào du học phương Tây và Mỹ theo diện học bổng. Bên cạnh đó một nhóm người có khả năng du học tự túc đại học Âu Mỹ chiếm tỷ lệ khá lớn.

Trung Quốc cạnh tranh với thế giới tiếng Anh bằng cách tung học bổng thu hút du học như một quyền lực mềm (không kể Đài Loan cũng cạnh tranh vụ này với Trung Quốc nhưng chỉ với mục tiêu kinh tế).

Mỗi năm hiện diện ở Trung Quốc với số lượng 15.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam (đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Trung Quốc và Đài Loan đều gọi chung là nghiên cứu sinh như vậy là chính xác về thuật ngữ), số mới tuyển liên tục thay thế bù vào số tốt nghiệp về nước. Trung Quốc móc nối kết hợp với Bộ Giáo dục Việt Nam tuyển sinh và xét duyệt. Một số em nghiên cứu sinh phàn nàn rằng Bộ ngầm đòi chia sẻ học bổng cho Bộ với luật bất thành văn.

Trung Quốc tranh đua với Đài Loan giành giựt sinh viên, nghiên cứu sinh chủ yếu đi học các ngành khoa học xã hội nhân văn và ngôn ngữ, nhưng cơ bản là truyền bá tiếng Trung. Tốt nghiệp về nước không được trọng dụng chuyên môn, du học sinh khoa học cơ bản trở thành phiên dịch và làm các dịch vụ tiếng Trung. Khoa học tự nhiên kỹ thuật công nghệ của Trung Quốc thì rõ ràng thua kém phương Tây và Mỹ nên số du học sinh Việt Nam đi học Trung Quốc theo nguyện vọng tự nhiên rất ít. Một số không nhỏ chọn Trung Quốc mục đích chỉ là đi kiếm học bổng đạt thu nhập cao hơn trong nước, lại khỏi đóng học phí.

Thí sinh dự tuyển đi học Trung Quốc đầu vào mù chữ Hán cũng được chấp nhận, họ sẽ dành cho 1 năm đầu rèn ngoại ngữ.

Nhóm quyền lực mềm quảng bá nghệ thuật giải trí.

Hầu hết các kênh Đài truyền hình VTV, VTC và các đài địa phương tỉnh thành đều chiếu phim Tàu quanh năm suốt tháng. Thực là một sự kỳ lạ !

Trung Quốc biết rõ cái gu văn nghệ cổ trang của người Việt gắn bó mật thiết với văn hóa Tàu đã cả nghìn năm… nay thực khó dứt bỏ. Các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương vẫn lẳng lặng chiếu phim Tàu, phải chăng chỉ vì họ ham bản quyền bán rẻ hoặc tặng biếu, giao hảo, đổi quảng cáo, dịch vụ mà mất cảnh giác ? Hay là có sự chỉ đạo từ trung ương ?

Giới cầm quyền Trung Quốc vừa tự hào về lịch sử dân tộc họ, nhưng cũng không khỏi mắc cỡ về những ấn tượng đen tối tàn bạo của lịch sử. Họ muốn tác phẩm văn nghệ phải "sửa chữa", tân trang, tô điểm lịch sử cho đỡ đen đúa. Họ chi tiền và cầm cân nảy mực khi kiểm duyệt đối với các nhà sản xuất tác phẩm nghệ thuật nhất là phim ảnh.

Trung Quốc một đất nước có bề dày lịch sử và cũng có khoa sử học lâu đời. Khoa Sử ở các trường đại học được chăm chút, từ cái cổng Khoa cũng được kiến trúc trang nghiêm cổ kính khác hẳn những khoa khác trong trường. Ít nhất là về hình thức, sử học được coi trọng, còn thực chất thì chưa hẳn là vậy. Với một thể chế cộng sản, thực và ảo dường như mơ hồ khó phân định.

Ở Trung Quốc dường như có một chỉ đạo xuyên suốt khi xây dựng tác phẩm văn nghệ kinh điển để xuất ra ngoài bờ cõi. Những tác phẩm ấy phải được ý thức là "quyền lực mềm", khiến cho người xem nước ngoài phải thấy lịch sử Trung Quốc đáng trọng đáng yêu đáng quí sau sự hấp dẫn giải trí (!).

Sửa chữa lịch sử qua tác phẩm văn nghệ Trung Quốc là một khuynh hướng quá rõ ràng. Trong các phim cổ trang lịch sử, những hoàng đế hào hoa phong nhã, những ông vua vì hoàn cảnh mà phải tàn bạo, phải bất nhân. Những ông vua bà chúa cố gắng chăm lo cho đoàn kết dân tộc, sắc tộc, v.v…

Văn nghệ sĩ có bản lĩnh thì viết theo kiểu "trung dung" khôn ngoan của Khổng phu tử (thành bại ai quyết được/thịnh suy đâu phải vu vơ). Đồng thời dùng thủ thuật giep rắc chủ nghĩa hư vô lịch sử. Đó cũng là một thứ "hiện sinh chủ nghĩa mới". Từ đây dẫn đến một triết lý hiện sinh : hãy vui sống với bây giờ, trước mắt, đừng bận tâm quá khứ và tương lai ra sao.

Chúng ta thử đánh giá quyền lực mềm chỉ với một bộ phim Tam quốc diễn nghĩa. Qua hai ca khúc lồng trong bộ phim là "Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông" và "Bầu trời lịch sử", khán giả sẽ nhận thấy ý đồ ngoài nghệ thuật của họ.

Ca khúc "Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông" lặp đi lặp lại đầu mỗi tập phim. Chuyển ngữ :

"Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông

Bọt sóng rửa trôi hết anh hùng.

Phải-trái, thành-bại cũng như không.

Non xanh vẫn cứ thế,

Ngày tháng qua bao nhiêu ?

Ngư ông, tiều phu tóc bạc trên bãi sông

Đã quen ngắm trăng thu gió xuân

Một vò rượu đục vui gặp bạn

Bao nhiêu việc xưa nay

đều bỏ vào trong câu chuyện mà cười".

Nhạc sĩ triết lý đầy ẩn ý : "Bọt sóng rửa trôi hết anh hùng/Phải- trái, thành-bại cũng như không" và sau đó hạ câu kết để xí xóa tất cả phải trái : "Bao nhiêu việc xưa nay, đều bỏ vào trong câu chuyện mà cười".

Kết thúc bộ phim sử thi Tam quốc diễn nghĩa là ca khúc "Bầu trời lịch sử" (nguyên văn "Lịch sử đích thiên không") gọi "phiến vĩ khúc". Một bài hát cho giọng nữ, khúc hát của nàng chinh phụ, cũng là suy ngẫm của một nhà triết học lịch sử bất lực và ngập ngừng. "Bầu trời lịch sử" là giọng hát buồn bã nao lòng của nữ nhi, ngược chiều với giọng điệu bi hùng cảm khái của ca khúc chủ đề mở đầu phim.

Chuyển ngữ :

"Mờ mịt rồi ánh đao bóng kiếm,

Đã xa rồi kèn trống đua vang

Trước mắt vẫn hiển hiện từng khuôn mặt hiên ngang tươi tắn.

Đã chôn vùi những đường xưa cát bụi,

Đã hoang sơ những thành quách biên cương

Mặt trời mặt trăng vẫn mang theo những cái tên người quen thuộc.

Thành bại ai quyết được ?

Thịnh suy đâu phải vu vơ !

Một trang sử gió mây vung vãi

Vũ trụ biến đổi, có cũng như không.

Hợp tan đều bởi duyên

Ly tán thảy do tình.

Gánh vác việc đời trước

Mặc kệ đời sau bàn luận.

Trường Giang đau lòng tuôn dòng lệ

Trường Giang chứa tình phát lời ca

Bầu trời lịch sử sao nhấp nháy

Trong nhân gian khí thế bao anh hùng

vó ngựa vẫn dọc ngang".

(chuyển ngữ 2 ca khúc : Phùng Hoài Ngọc)

Khó mà kể hết các chiến thuật Trung Quốc sử dụng ba quyền lực, cũng có thể kể thêm chiến thuật "hội nghị quốc tế".

Tham gia Hội nghị "đối thoại Sangri-La" hàng năm, nơi đây các thuyết khách Trung Quốc gian ngoan trổ tài hùng biện, câu giờ.

Kết

Viện hàn lâm khoa học xã hội nhân văn nước ta có nhiều chuyên gia nghiên cứu khoa "Trung quốc học" nhưng thiếu phòng nghiên cứu "Âm mưu Trung Quốc học". Bởi vì họ đã được/bị chỉ đạo bởi tư tưởng "16 vàng 4 tốt" - cái khóa chân tay nhà nghiên cứu.

Nhà cầm quyền Việt Nam mặc cho mạng xã hội với người dân yêu nước tự nguyện chống ngoại xâm với những video-clip tự chế cảnh báo ba quyền lực Trung Quốc và kêu gọi đồng bào cảnh giác phòng chống.

Quan điểm đối ngoại chính thống và công chúng tự do ở Việt Nam đi theo hai hướng trái chiều, đất nước rơi vào bi kịch vì thiếu sức cố kết. Thất bại là điều khó tránh khỏi.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 05/06/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 08 avril 2018 21:37

Bi kịch dân chủ học đường

Cô giáo im lặng 4 tháng, nữ sinh tố cáo đành chạy thoát thân !

Sau khi nữ sinh lớp 11A1 Phạm Song Toàn mạnh dạn báo cáo việc cô giáo Châu im lặng không giảng bài chỉ viết bảng suốt 4 tháng tại một hội nghị Sở giáo dục. Học sinh phải tự học, tự làm bài chật vật và rất sợ cô. Mặc dù các em đã từng cầu cứu đến giáo viên chủ nhiệm nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. 

giaoduc1

Nữ sinh lớp 11A1 Phạm Song Toàn mạnh dạn báo cáo việc cô giáo Châu im lặng không giảng bài

Báo chí và lãnh đạo các cấp Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc xác minh xử lý. Công luận cả nước ồn ào sửng sốt bàn ra tán vào. 

Câu chuyện đến hôm nay tưởng như kết thúc có hậu nhưng lại là một cái kết cay đắng không ngờ. 

Tưởng cũng nên nhắc lại vài sự kiện chủ yếu của câu chuyện bi đát này. 

Cô giáo Trần Thị Minh Châu, giáo viên toán trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè) không giảng bài trên lớp suốt 4 tháng, sau khi bị truy vấn đã nhận lỗi "Tôi đã sai, tôi rất tiếc nuối". 

Trong bản tường trình với nhà trường, cô Châu giải thích, sở dĩ không giảng bài cho lớp 11A1 là "có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo". 

giaoduc2

Cô giáo "quyền lực". Ảnh : Lao Động

Giáo viên chủ nhiệm của lớp đã từng biết và tự mình cố gắng giải quyết, nhưng không thành công. GV chủ nhiệm không dám báo cáo hiệu trưởng khi sự việc đã kéo dài. 

Tại sao vậy ? Vì anh ta không tin tưởng vào quyền hạn và khả năng hiệu trưởng ? Hay vì bệnh háo thành tích muốn giấu chuyện xấu của lớp mình ? 

Ông Bùi Minh Bình hiệu trưởng nói không nắm được tình hình. 

Trong ngành giáo dục Việt Nam có thuật ngữ "học sinh khác thường" (bên Âu Mỹ cũng có loại này, gọi là "abnormal pupil"). Nói cá biệt là nhận xét thận trọng, không vội kết luận xấu hẳn, chỉ coi đó là con người dị thường. Còn người cá biệt có khi rất vô tư, không có ý xấu, hoặc do một hoàn cảnh đặc biệt nảy sinh con người cá biệt như thế. Xác định được rồi thì áp dụng biện pháp giáo dục hay điều chỉnh cũng phải mang tính đặc biệt. 

Bây giờ ngành giáo dục nước ta có lẽ phải thêm thuật ngữ mới "giáo viên khác thường" (abnormal teacher). Cô giáo dạy toán tên Châu là một "Giáo viên cá biệt", (cũng như cô giáo tiểu học bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng). Cá biệt vì nó là rất hiếm hoi, không phổ biến tràn lan. Nó chưa mang tính bản chất của nghề nghiệp. 

Tuy nhiên, những hiện tượng cá biệt ấy khi đối diện với cộng đồng và làm bật ra những cách ứng xử thì lại mang tính bản chất. Cô giáo dạy Toán câm 4 tháng là hiện tượng cá biệt, nhưng cách ứng xử của cộng đồng quanh cô lại là hiện tượng mang bản chất xã hội đáng e sợ và cảnh giác. 

Hiệu trưởng tổ chức buổi hoà giải giữa cô giáo và học trò tại lớp. Nhìn chung buổi chuyện trò đối thoại giữa cô và trò theo chiều hướng xuê xoa dĩ hoà vi quý. Trước học sinh ghét cô, sợ cô, bây giờ nghe cô nói chuyện các em nhẹ lòng và lại thương cô. 

Nhưng cô giáo thâm niên 19 năm giảng dạy vẫn cố trách em Toàn một câu : "Tôi ước sao em Song Toàn nói với tôi thôi, chứ không phải nói trên diễn đàn Sở như vậy. Bởi điều này ảnh hưởng đến ngành giáo dục, người ta đang nhìn vào ngành". Cô giáo cố quật lại học sinh một cú đòn cuối. Cô không ngờ rằng lời trách oán này lại gây thêm hệ lụy mới. 

"Chúng em không muốn chuyện này đi quá xa, chúng em muốn tiếp tục học cô như bình thường, học tới năm sau nữa", em Lê Tuấn Thông, học sinh lớp 11A1 trường Trung học phổ thông Long Thới (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ. 

Lúng túng trước vụ việc khó ăn nói nhưng chiều 3/4, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có báo cáo gửi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về sự việc cô giáo Trường Trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè. 

Trong báo cáo này, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá hành vi im lặng, không giảng bài khi lên lớp của cô Trần Thị Minh Châu ảnh hưởng trực đến quyền lợi học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội, ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo nên cần xử lý nghiêm. 

Ngoài ra, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá nhà trường đã thiếu sót trong công tác quản lý, để sự việc xảy ra trong thời gian dài mà không phát hiện. Phía Sở Giáo dục và đào tạo sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý hiệu trưởng sau khi có báo cáo đầy đủ từ trường và các cá nhân liên quan (Tintuc.vn 5/4/2018). 

Ông Bình, hiệu trưởng bí thư chi bộ, nói trường "đã họp chi bộ, lấy phiếu kín đề xuất hình thức kỷ luật cô Châu" (vậy ra cô Châu cũng lại là đảng viên cộng sản). 

Tuy nhiên câu chuyện chưa phải đã mang lại cái kết có hậu. Em Phạm Song Toàn rất buồn bã, suy sụp, nói với cha mẹ xin chuyển đi trường khác. 

giaoduc3

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh : 3 tháng "câm lặng là bạo hành tinh thần học sinh"

Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu chủ trì họp khẩn yêu cầu Sở gấp rút chuyển em Toàn đi trường khác, dù sắp hết năm học. Có lẽ họ phòng xa một kết quả xấu bất ngờ có thể xảy ra thì lãnh đạo đổ nợ. Ý thức thường trực của giới lãnh đạo ngày nay là chạy chọt vá víu mỗi khi nghe "có chuyện". 

Vì sao hậu sự cố trở nên nghiêm trọng ? 

Gia đình cho biết, sau khi sự việc xảy ra, em Toàn đã gặp nhiều áp lực khi Nhà trường và Giáo viên cho rằng em đã "nói không đúng chỗ" trong buổi đối thoại tại Sở Giáo dục và đào tạo vừa qua, làm ảnh hưởng đến bộ mặt nhà trường. 

Bạn học xa lánh, cô lập, hắt hủi ghẻ lạnh với nữ sinh Toàn dũng cảm. 

Đám trẻ 11 A1 này đã "biết buồn" vì danh dự cô giáo dạy Toán và nhà trường bị "mất mát" hay sao ? 

Sự đời khó lường, lòng người khó ngờ. 

Tập thể lớp 11 A1 được hưởng lợi từ sự can đảm của bạn Phạm Song Toàn. Sau bốn tháng bức xúc, cực nhọc tự học và loay hoay làm bài tập không được cô gợi ý dẫn giải… Cô giáo lại giảng bài bình thường. Đám học sinh khoan khoái cất bỏ gánh nặng. Bây giờ bỗng dưng học sinh quay ra thương xót cô giáo bị rày rà và kỷ luật. Cảm xúc của họ là ảnh hưởng theo truyền thống nhân ái người Việt. Tuy nhiên, được thể, cô giáo câm 4 tháng dù đã biết sai, cô vẫn nói lời oán trách em Toàn trước lớp khiến các bạn học bỗng dưng động lòng trắc ẩn, quay ra hắt hủi thù ghét bạn Toàn. Bỗng nhiên đi đâu Toàn cũng bắt gặp những đôi mắt gườm gườm ghẻ lạnh của bạn bè. 

Hóa ra thủ phạm gây phiền toái và tổn thất cho cô giáo và nhà trường bây giờ lại là bạn nữ sinh Phạm Song Toàn can đảm ! 

Bây giờ em Phạm Song Toàn 17 tuổi cô độc trở thành con thú bị săn đuổi đến bước đường cùng bởi chính bầy đàn của mình : Bạn học và thầy cô của mình. Bầy đàn muốn "ăn thịt" thành viên đặc biệt vì nó dám nói lên sự thật, làm sứt mẻ danh dự hão của bầy đàn ! Ai đã từng nghe câu chuyện và xem bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Con vịt xấu xí" hẳn còn nhớ. Nữ sinh Toàn đã bị biến thành con vịt xấu xí (mang màu lông khác lạ) bị đàn vịt khác màu lông tẩy chay xua đuổi. Mặc dù em đích thực là một con thiên nga lạc bầy. 

Vô số học sinh trung học vẫn còn lẫn lộn giữa tình cảm và lý trí. Ghét và yêu sớm nắng chiều mưa. 

Không ai dạy họ ý thức và truyền cảm hứng đấu tranh và tôn trọng sự thật. Không ai dạy họ kỹ năng sống. 

Thực sự học sinh 11A1 là sản phẩm trọn vẹn của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. 

Họ chính là thế hệ tương lai đất nước. 

Chúng sẽ xây dựng đất nước "sánh vai các cường quốc năm châu" như thế nào đây ?

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 08/04/2018

Published in Diễn đàn

Ngành giáo dục, nhất là dân làng Văn, sững sờ nghe tin Ban tuyên giáo trung ương gửi công văn "yêu cầu đảng đoàn Bộ giáo dục rút tất cả sáng tác của các thành viên Văn đoàn độc lập ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn". Ban tuyên giáo không hể chỉ ra các tác phẩm đó sai trái như thế nào, chỉ nhằm vào tên các tác giả. 

cong1

Tượng đại thi hào Nguyễn Du - Ảnh minh họa

Chuyện xưa : vua ghét văn đòi đánh người 

Nhớ một giai thoại xưa về vua Tự Đức, tên thực là Nguyễn Phúc Thì (1829 - 1883). Vua Tự Đức đọc Truyện Kiều gặp câu này "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai", vua bực bội. À tay văn sĩ này không biết trên đầu thảo dân thì có nhà vua sao. Bực quá, sao lại có văn sĩ như rứa chứ… Rồi đến hai câu thơ sau thì Vua không chịu nổi. Nguyễn Du lôi cả tên cúng cơm "thì" của Tự Đức mà đay nghiến không cần kỵ húy : 

"Ra tuồng trên bộc trong dâu

Thì con người ấy ai cầu làm chi".

…"Thôi thì thôi có tiếc gì,

Sẵn dao tay áo, tức thì giơ ra".

Vua Tự Đức cho người đi tìm hỏi Nguyễn Du mới biết thi hào đã mất 9 năm trước khi ông ta chào đời, cách đó vài chục năm rồi. 

Cơn giận bồng bột qua đi, vua Tự Đức bình tâm lại, vẫn mê mải đọc Kiều, và cũng chẳng ra lệnh thu hồi hay cấm đoán "Đoạn trường tân thanh" bất hủ. Quả xứng đáng là một ông vua thông minh và hay chữ nhất trong 13 vua triều Nguyễn. 

Nhà Nguyễn bắt chước phong kiến nhà Minh, nhà Thanh mở "ngục văn tự" bên kia biên giới. Sử sách Trung Hoa ghi lại bao câu chuyện đáng sỉ nhục của vua chua phong kiến nước này. 

Nhà Việt Cộng hòa xã hội chủ nghĩa cũng theo truyền thống đó và học theo nhà Trung Quốc Cộng hòa nhân dân biên giới bên kia. 

Ghét văn nhốt người 

Đó là các vụ án "Nhân văn - Giai phẩm" nhức nhối đời sống văn hoá tinh thần người Việt hơn nửa thế kỷ qua. 

Đó là vụ án "xét lại chống đảng 1967" nhắm vào chính khách, tướng lĩnh và văn nghệ sĩ. Đối với riêng văn nghệ sĩ thì đó cũng là "ghét văn nhốt người (đọc hồi ký "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên. Tiểu thuyết hồi tưởng của cố tác giả Bùi Ngọc Tấn"Chuyện kể năm 2000" in tháng 2 năm 2000 thì ngày 16 tháng Ba Bộ Văn hóa - Thông tin đã thu hồi và tiêu hủy cuốn này do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành). 

Và còn nhiều vụ lẻ tẻ khác. 

Ghét người nhốt văn 

Mới năm ngoái, Cục Biểu diễn nghệ thuật (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) nghe lời xúc xiểm của Phòng Biểu diễn nghệ thuật (Sở văn hóaThành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, liền ra lệnh rút/cấm 5 bài hát cũ trước 1975… 

Nhưng Vụ sau đây độc đáo nhất trong lịch sử văn học nghệ thuật hai nước cộng sản. 

Ngành giáo dục, nhất là dân làng Văn, sững sờ nghe tin Ban tuyên giáo trung ương gửi công văn "yêu cầu đảng đoàn Bộ giáo dục rút tất cả sáng tác của các thành viên Văn đoàn độc lập ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn". Ban tuyên giáo không hể chỉ ra các tác phẩm đó sai trái như thế nào, chỉ nhằm vào tên các tác giả. 

Phó Ban tuyên giáo Võ Văn Phuông có lẽ còn trẻ không biết hoặc đã quên nỗi nhục "thay quốc ca" hồi xưa. 

Ghét nhạc sĩ thay quốc ca 

Sự thể như sau : Năm 1976 đổi tên Nước xong, thừa thắng xông lên, tới đầu những năm 80 định thay cả thủ đô, chuyển lên Xuân Hòa hoặc Xuân Mai. Nhưng mà ngân sách cạn kiệt, nghèo quá chưa chuyển được. 

Bởi còn hận nhạc sĩ Văn Cao "Nhân văn Giai phẩm", họ muốn "rút quốc ca" thay bài mới và cuối cùng thất bại ! 

Đầu năm 1981 Đảng vẫn còn thù ghét "Nhân văn - Giai phẩm", trong đó có nhạc sĩ Văn Cao. Nhạc sĩ vốn đã bị đẩy ra ngoài biên chế công chức, chật vật với cây bút vẽ kiếm sống tự do. Nhưng các lãnh đạo vẫn còn tức anh ách bài Tiến quân ca của Văn Cao đã làm Quốc ca bao năm nay. Ông Trường Chinh bèn phát động cuộc sáng tác thay quốc ca. Tố Hữu đã nghỉ hưu còn được cho làm Trưởng ban chỉ đạo, ông Huy Cận làm chủ tịch hội đồng giám khảo. Hầu hết các nhạc sĩ danh tiếng đều háo hức viết ca khúc dự thi. Có người bỏ âm nhạc đã lâu như Nguyễn Đình Thi, nay cũng hăm hở viết một bài dự tuyển. 

Sau gần 1 năm, Ban tổ chức thu được gần trăm bài hát, chọn 84 bài sơ khảo, rồi rút lại 17 bài vào chung kết ứng tuyển "quốc ca". Đài Truyền hình Việt Nam hăm hở dàn dựng thu băng phát ồn ĩ suốt ngày này qua ngày khác trên làn sóng duy nhất độc quyền. 

Và sau khi nhận được nhiều ý kiến phản đối, Ban tổ chức đành bỏ cuộc, vứt sọt rác gần cả trăm ca khúc "mới" ! Có người nói các vị Ban giám khảo đều có bài dự thi như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du… tranh cãi không ổn, bèn thảy sang tuỳ quốc hội lựa chọn. Quốc hội tranh cãi lần nữa và bó tay tuyên bố hủy. 

Khi phát động viết, Ban tuyên giáo cũng nghĩ ra lý do tha thiết hùng hồn để công bố. Chẳng hạn như thời đại thay đổi, đất trời đổi mới thì phải thay quốc ca cho phù hợp. Và khi hủy bỏ cuộc sáng tác cũng có lý do để thanh minh ngụy biện. 

Bộ Giáo dục sẽ phải làm gì để tuân lệnh "ghét người rút văn" ? 

Đích ngắm đầu tiên của Ban tuyên giáo hẳn là là tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" và thiên truyện ngắn "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc trước nay dù bao lần đổi sách vẫn còn đó. Nhưng hai tác phẩm kinh điển ấy còn ở trong giáo trình văn đại học, sách lịch sử văn học,.v.v... liệu có phải "đục bỏ" nữa không ? Hai bộ phim truyện hiếm hoi "Đất nước đứng lên" và "Rừng xà nu" lại phải yêu cầu Hội điện ảnh Việt Nam rút khỏi kho phim ?

Rồi đây Bộ giáo dục nếu theo lệnh Ban tuyên giáo sẽ phải rút bỏ "Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh" vì người chủ biên dịch và chỉnh lý là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thành viên Ban vận động Văn đoàn độc lập. Bộ lại phải tìm ê kip khác dịch lại Nhật ký trong tù để cho vào sách giáo khoa... Nhiêu khê rắc rối lắm đây chẳng phải cứ bực lên ký cái lệnh là xong. 

Bài thơ "Tre Việt Nam" kinh điển, hai bài thơ "Đò Lèn" và "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" sách Văn 12 của Nguyễn Duy cũng phải "rút bỏ" chăng ? Vở kịch hát múa tổng hợp "Hạn hán và con mưa" của biên đạo múa Ea Sola Thủy trên sàn diễn Paris nhạc nền minh họa cho những bài thơ của Nguyễn Duy đã trao tặng Nhà hát ca múa nhạc kịch Việt Nam. 

Vậy thì Ban tuyên giáo còn phải "gửi công văn" cho Hội điện ảnh yêu cầu "cắt đục" hai bộ phim truyện kịch bản Nguyên Ngọc nữa kia. 

Bài hát "Quê hương" quen thuộc (tên bài thơ "Bài học đầu cho con") và ca khúc Phượng hồng (tên bài thơ "Mối tình đầu") của nhà thơ Đỗ Trung Quân (hội viên Văn đoàn độc lập) rải rắc trong thiên hạ, trong đời sống showbiz và trong nhiều loại hình sản phẩm khác nữa thì sao đây ? 

Nữ nhà báo nhà thơ Giáng Vân (hội viên Văn đoàn độc lập) với bài thơ "Yên tĩnh" được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành "Đâu phải bởi mùa thu". Cắt đục được không ? 

Nhà thơ Đoàn Thị Tảo hội viện Văn đoàn độc lập có bài thơ "Cho một ngày sinh" do nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc thành bài hát "Chị tôi" gắn liền bộ phim "Người Hà Nội" rất quen thuộc với làng âm nhạc và công chúng điện ảnh. Làm thế nào mà Ban tuyên giáo "đục cắt" được bài thơ bất hủ của Đoàn Thị Tảo ra khỏi bộ phim "Người Hà Nội" ? Sẽ "rút" sao đây khi nó gắn chặt với bộ phim và ca khúc nổi tiếng" ? 

cong2

Tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc trong sách giáo khoa 

Ban tuyên giáo còn phải gửi "công văn" cho Hội nhạc sĩ, Hội điện ảnh nữa kia ! Chưa kể những bức tranh cũng gắn liền với các tác giả Văn đoàn độc lập… rút sao đây ? Còn nhiều phiền phức, tréo ngoe, éo le… không ngờ được, không lường được sẽ ập đến. Nên chăng các anh Ban tuyên giáo, hãy rút kinh nghiệm tiền bối, đừng nông nổi quá ! Nên chăng Ban tuyên giáo rút bỏ hạ sách "ghét người rút văn" ấy đi. 

Mong là ông Võ Văn Phuông, phó trưởng Ban tuyên giáo đừng quên "nỗi thất vọng Trường Chinh" với Tiến quân ca hồi xưa. 

Dư luận mạng xã hội thì than thở "Bia ghi nhớ tội ác của giặc Tàu cộng với binh đoàn Khánh Khê sư đoàn 33 ở biên giới Việt -Trung họ còn đục được, thì chuyện đục sách giáo khoa ăn nhằm gì !". Bài thơ của Dương Soái "Gửi em ở cuối sông Hồng" đoạn nhắc cuộc chiến biên giới 1979 chỉ còn lại ba chấm (...) rồi giao cho nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. Nhà thơ đạp xe đi trên đường nghe đài ca bài thơ của mình mà vừa thích vừa choáng váng. 

Bộ Giáo dục nên tranh luận với Ban tuyên giáo, hay là nhắm mắt chấp hành ? Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết được giao trọng trách chủ biên sách Ngữ văn sẽ nói gì, làm gì ? 

Theo chỉ đạo của Bộ giáo dục chỉ bắt buộc 1 bài Tuyên Ngôn Độc Lập trong phần văn học hiện đại, và 5 bài văn học trước cách mạng. Ngoài ra là tự chọn. Nghe có vẻ tự do dân chủ. Nếu nhà soạn sách mà không hỏi trước (duyệt trước) thì bản thảo vẫn"chết" như thường. 

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 01/04/2018

Published in Diễn đàn

Do đặc điểm lịch sử và chức năng như trên, nên Văn Nghệ là tờ báo từng có nhiều độc giả qua mọi thời kỳ, dù khi thăng hay trầm. Nhiều người còn nhớ những năm 1986 đến 1994 mọi tầng lớp độc giả Hà Nội chỉ mua và đọc báo Văn Nghệ, đè bẹp các tờ báo Nhân Dân, Quân Đội, Hà Nội mới… ế ẩm dài dài. Không ai quên vị tổng biên tập lúc ấy là nhà văn Nguyên Ngọc.

van1

Về báo Văn Nghệ Hội nhà văn

Khai sinh từ 1948 với tên Tạp chí Văn nghệ, tập hợp hầu hết văn nghệ sĩ tên tuổi thời tiền chiến và một số mới gia nhập. Người mới nhất là Tố Hữu nhưng lại mau chóng trở thành thủ lĩnh không chính thức do trung ương ủy nhiệm.

Năm 1946 Hội văn hóa cứu quốc tập hợp văn nghệ sĩ toàn quốc (chủ yếu hoạt động ở miền Bắc) với diễn đàn là Tạp chí Văn nghệ. Tháng 4/1957 Hội nhà văn Việt Nam tách ra khỏi Hội văn hóa cứu quốc, đổi tên là tờ báo Văn Nghệ mang tên như hiện nay. Tuy nhiên do tờ báo này ra đời đầu tiên, nó nghiễm nhiên bao trùm sang các hội nghệ thuật khác lần lượt ra đời sau. Và ngay cả khi các Hội nghệ thuật khác (âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh) lần lượt ra đời và có báo riêng, báo Văn Nghệ vẫn có khả năng bao quát tất cả vì đặc điểm ngôn ngữ phản ánh thuận lợi của nó, dù không lấy đúng tên là báo Văn học.

Do đặc điểm lịch sử và chức năng như trên, nên Văn Nghệ là tờ báo từng có nhiều độc giả qua mọi thời kỳ, dù khi thăng hay trầm. Nhiều người còn nhớ những năm 1986 đến 1994 mọi tầng lớp độc giả Hà Nội chỉ mua và đọc báo Văn Nghệ, đè bẹp các tờ báo Nhân Dân, Quân Đội, Hà Nội mới… ế ẩm dài dài. Không ai quên vị tổng biên tập lúc ấy là nhà văn Nguyên Ngọc.

Công bằng mà nói, hơn nửa thế kỷ qua, báo Văn Nghệ, dù sao cũng giữ được thể diện kẻ sĩ hơn tất cả báo chí chính trị khác, mặc dù nó vẫn nêu cao khẩu hiệu trên vách tường "Vì chủ nghĩa xã hội". Trong lĩnh vực văn nghệ, bên cạnh "nhiệm vụ chính trị", báo Văn Nghệ còn có hoạt động mang tính hàn lâm văn nghệ thuần tuý, xen kẽ những đóng góp nghệ thuật nhất định cho nền văn hóa dân tộc. (Khác hẳn với Xưởng Phim Truyện chủ yếu và tuyệt đối làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị). Tuy vậy giới lãnh đạo tuyên giáo tư tưởng vẫn để mắt cảnh giác canh chừng tờ báo này sát sao hơn các báo chí nghệ thuật "hiền lành"khác (nhạc, hoạ, sân khấu, điện ảnh).

Giai đoạn tổng biên tập nhà văn Nguyên Ngọc mở đầu cởi trói tưng bừng đã lặng lẽ đi qua. Báo Văn Nghệ bây giờ không hẹn ngày phục hưng tinh thần văn nghệ tiên phong nữa. Bây giờ lãnh đạo chỉ lo "tồn tại hay không tồn tại", nói chi đến phục hưng.

Rơi vào thảm cảnh

Cũng nên nhắc qua các tên tuổi Ban chấp hành hiện tại (kể từ Đại hội nhà văn IX, ngày 8-11/7/2015).

Tham dự Đại hội có 542 hội viên, bầu được 6 nhà văn vào ban chấp hành Hội. Tái đắc cử gồm : Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, cựu tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, Tbt Khuất Quang Thụy. Hai ghế mới là Trần Đăng Khoa (đài VOV) và Nguyễn Bình Phương (tạp chí Văn Nghệ quân đội). Ngộ nhất là cả 6 vị đều xuất thân hoặc hiện tại là cây bút quân đội và an ninh (ngẫu nhiên hay hữu ý qui hoạch thì không biết nữa !).

Tuy vậy, đến năm 2016 - số phận báo Văn Nghệ đang điêu tàn, sợ hãi nhìn Xưởng phim truyện Hà Nội bị khai tử bằng nhát đao "cổ phần hóa". May mà báo Văn Nghệ không có Cty nào mua cổ phần, nếu không thì cũng khó thoát bị chính phủ khai đao.

van2

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Hữu Thỉnh

Vào dịp báo Văn Nghệ thượng thọ bảy chục tuổi (1956-2016), xảy ra tình trạng nợ nần, không thể trả lương cán bộ. Xảy ra mâu thuẫn mất đoàn kết từ chủ xị hai cấp Hữu Thỉnh liên thủ Trần Đăng Khoa phó chủ tịch Hội kiêm bí thư đảng đoàn Hội, với bên kia là Ban lãnh đạo tờ báo. Câu chuyện liên quan đến các nạn nhân là thư ký tòa soạn Lương Ngọc An và một số công chức bị "Thành Đức Trinh Bảo, bí thư chi bộ kiêm phó tổng biên tập đánh" cho nghỉ việc. Tổng biên tập Khuất Quang Thụy bênh vực nạn nhân, các phó tổng biên tập và một số người cùng phe phản đối tổng biên tập và lãn công. Báo in ra thường bị ế, lỗ.

Lại xảy ra sự cố tờ Văn Nghệ trẻ, do nhà thơ Lương Ngọc An phụ trách, đăng bài "Xe công Đà Nẵng trùng biển số xe". Đó là cái xe sang trọng vượt qui định của bí thư Nguyễn Xuân Anh (do Vũ Nhôm tặng nhưng lúc ấy cả đảng bộ giấu nhẹm). Bí thư Xuân Anh hung hăng phản pháo doạ kiện. Bộ 4T hăm hở phạt báo 30 triệu, bắt đổi tên miền. Chủ Liên hội Hữu Thỉnh hốt hoảng gửi công văn mắng mỏ Ban biên tập Văn Nghệ trẻ. Về sau, khi vụ Xuân Anh thất sủng vỡ lở bị đảng trừng phạt cách chức, bộ 4T tảng lờ không hoàn trả tiền phạt cho khổ chủ đang nghèo rớt mùng tơi, Hữu Thỉnh thì im lặng, vì khó ăn nói lại với báo Việt Nam trẻ.

Vấn đề nhân sự mờ ám : việc bổ nhiệm Lã Thanh Tùng làm phó tổng biên tập báo Văn Nghệ cũng không lành mạnh, thiếu minh bạch và nhiều khuất tất. Anh này lập công trong việc nhận kinh phí của Tập đoàn TKV đi Tây Nguyên viết bài cổ vũ Bauxite. Lã Thanh Tùng vốn là một công nhân gò hàn, mới về báo Văn Nghệ, chưa có cống hiến gì cho văn học và tờ báo, uy tín trong văn đàn thấp, mới tham gia làm báo đã được "qui hoạch" phó tổng biên tập. Sự việc này gây mất đoàn kết nội bộ khá trầm trọng.

Mỗi năm Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 4,8 tỉ đồng từ Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên năm 2016 Hội chỉ nhận được 2,4 tỉ đồng, dành 2/3 số tiền đó phải chi ra để trả nợ cho báo Văn nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt (mỗi số báo ra, Hội Nhà văn đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình, nay không thanh toán được).

Ngày nay các văn nghệ sĩ chân chính Việt Nam không thể cam tâm làm "tuyên truyền" nữa. Làm tuyên truyền như xưa thì độc giả quay lưng ngay lập tức. Mà trước hết các nhà văn nhà thơ cũng ngượng tay bút, không thể gõ những dòng thơ văn theo khẩu hiệu "Vì chủ nghĩa xã hội" to tướng trên đầu trang 1 như xưa nữa.

Đảng Nhà nước cũng chẳng cần các anh "như ngày xưa" nữa. Thủ tướng bây giờ cần tiền để cứu Ngân sách luôn luôn khủng hoảng. Ai làm ra tiền thì thủ tướng mới coi trọng, không thì cho"cổ phần" luôn. 

Nhà nước đã cắt giảm dần kinh phí chỉ để tờ báo sống cầm hơi, khỏi chết ngay tức khắc. Sau đó các anh chị tự lo liệu. (Bên sân khấu, các nhà hát, đoàn văn công đã khôn hồn đi trước một bước rồi).

Kinh tế thị trường đích thực (không có cái đuôi giả định hướng xã hội chủ nghĩa) đang phát huy tác dụng. Văn Nghệ lao đao vì thực ra vẫn chưa vượt qua thói quen tự trói mình.

Nhà văn Trương Vĩnh Tuấn sau khi rời khỏi báo Văn Nghệ than thở :

"Báo Văn Nghệ giờ đây ai cứu,

Việc làng văn ai liệu ai lo ?

Hội trường lặng ngắt như tờ

Một câu hỏi lớn đến giờ còn treo !

Dở chứng đăng truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" 

Truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" tác giả Trần Quỳnh Nga đăng trên báo Văn Nghệ số 50 ra ngày 16 - 1 - 2017. Truyện ngắn đã gây bão dư luận lập tức trên công luận và mạng xã hội từ suốt gần hai tuần qua, làm bùng nổ các trao đổi trong và ngoài học thuật. 

Báo Đại Đoàn Kết nhanh tay đăng bài của nhà văn Trần Bảo Hưng "Hư cấu hay là xuyên tạc lịch sử ?". Các báo nhà nước khác im re tránh né đề tài nhạy cảm. Báo điện tử Việt Nam Thời Báo đăng bài "Sự liều mạng của báo Văn Nghệ : truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc" của Giang Nam.

Chịu nhiều truy vấn từ mọi phía, chủ liên Hội Hữu Thỉnh bực bội uất nghẹn vì hoảng sợ vội yêu cầu tổ chức Toạ đàm tại báo Văn nghệ. Tâm trạng uất ức của Hữu Thỉnh là "làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại".

Chiều 19/01/2018, đúng ngày kỷ niệm 44 năm Trung Cộng dùng vũ lực cướp Hoàng Sa, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Ban Sáng tác của Hội đã tổ chức một cuộc tọa đàm ở phạm vi hẹp về truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của tác giả Trần Quỳnh Nga.

Chủ trì tọa đàm là Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Sáng tác kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Một số nhà văn, chuyên gia về lý luận văn học đã có mặt: Hoàng Quốc Hải, Trần Đình Hiến, Trần Đình Sử, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Văn Chinh, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Khuê, Trịnh Bá Đĩnh, Trần Bảo Hưng, Khuất Quang Thụy, Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Bình Phương, Lê Thành Nghị... Ông nhà văn Trần Văn Tuấn, chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đầy tai tiếng vì "phò chính trị" và lùm xùm chấm giải thưởng tao lao vừa qua cũng lò dò bay ra dự tọa đàm. Có lẽ ông bay ra hi vọng nạp thêm chút năng lượng khí phách kẻ sĩ Hà thành... Được biết, báo Văn Nghệ có ghi chép tại chỗ và hứa đăng tường thuật trong số tới (thứ Bảy 27/1/2018). 

Rất tiếc số báo "hứa tuần sau" không dám tường thuật. Chúng tôi sử dụng ghi chép của một PV giấu tên tường thuật sơ lược như sau đây. 

"Mở đầu là phát biểu của Ban tổ chức về việc cần thiết của cuộc tọa đàm. Sau đó nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu về vấn đề sáng tác về đề tài lịch sử, về hư cấu văn học trong thể tài lịch sử và nhấn vào trường hợp truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga.

Tiếp theo là các phát biểu của hầu hết các khách mời và Ban chấp hành Hội Nhà văn. Ý kiến của các nhà văn xoay quanh hai nội dung :

- Làm rõ sự khác nhau giữa văn và sử. Những góc khuất của lịch sử được văn học tái hiện bằng nghệ thuật ngôn từ. Văn học viết về đề tài lịch sử thì hư cấu như thế nào, mức độ nào là chấp nhận được. 

- Truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của Trần Quỳnh Nga viết về Trần Ích Tắc đã tái hiện một Trần Ích Tắc vượt ra ngoài tâm thức dân tộc và sử sách. Ca ngợi một kẻ bán nước, và thi vị hóa "tình yêu" của An Tư công chúa và tuướng giặc Thoát Hoan là điều khó có thể chấp nhận. An Tư công chúa xả thân vì nước lại hóa ra kẻ phản bội tổ quốc, bảo vệ Thoát Hoan cùng đào thoát.

van3

"Bắt đầu và kết thúc" của Trần Quỳnh Nga ca ngợi Trần Ích Tắc

Không cần quy chụp chính trị cho tác giả trẻ Trần Quỳnh Nga, cũng không ai mạt sát nhau và mạt sát tác giả. Không có không khí đấu tố xảy ra trong hội trường tọa đàm. Nhưng hầu hết các phát biểu đều rất nghiêm khắc và thẳng thắn.

Có tới 4 nhà văn lên tiếng bênh vực và ca tụng tác giả Trần Quỳnh Nga và truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc". Biên tập viên Văn Chinh ào đến phòng họp như một cơn gió. Vội vàng phát biểu hết lời ca tụng truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc' và cho đây là truyện ngắn sáng giá về đề tài tình yêu, anh chàng Văn Chinh nói xong vội thoát ra khỏi phòng họp, sợ phải đối mặt với các cây đa cây đề lý luận. 

Hai phó chủ tịch Hội Nhà văn là Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa (những người khéo ăn nói) đã khen tác giả Trần Quỳnh Nga là có văn tài. Rồi lúng túng, không phân tích được tài năng như thế nào. Cây bút Nguyễn Văn Thọ (Thọ muối) cũng khen cô nhà văn này có tài, nhưng ông này cũng nói nếu là biên tập viên, ông sẽ gác lại chưa đăng truyện ngắn này, mà dành để đến dịp 8/3 mới đăng (pha trò ngu xuẩn hết biết !). Thọ "muối" cũng ú ớ nước đôi, sợ mất lòng phe báo Văn Nghệ và cũng sợ mất lòng phe lý luận gia phủ nhận cây bút Quỳnh Nga.

Ông nhà văn Khuất Quang Thụy cựu chiến binh, tổng Biên tập báo Văn Nghệ cũng có mặt. Ông ta đứng lên phát biểu, ngơ ngác và xa lạ đến tội nghiệp, dường như ông vẫn không hiểu sự việc ra làm sao mà để đến nỗi Hội Nhà văn Việt Nam phải mở cuộc tọa đàm nghiêm trọng thế này (!).

Hữu Thỉnh, chủ tịch 2 Hội xuất hiện khi cuộc họp đã diễn ra được một lúc. Ông đến, ông ngồi xuống, ông đọc tài liệu (ông dẫn bài của nhà văn Trần Bảo Hưng, Tiến sĩ Chu Mộng Long và Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết) và ngồi nghe các phát biểu. 

Cuối cùng, Hữu Thỉnh đứng lên nói mấy lời dường như để tổng kết cuộc tọa đàm. Điều gây sửng sốt đã đến, khi vừa đứng dậy ông đã cầm ngay văn bản bài viết của TS. Chu Mộng Long trên mạng và dõng dạc trích đọc bài . Ông đọc nguyên cả câu này trong bài của Chu Mộng Long như đồng tình: "Đọc đi đọc lại "Bắt đầu và kết thúc", tôi thấy không có gì đáng viết. Tốt nhất hãy để tờ báo văn nghệ này chết hẳn trong lòng bạn đọc sau những vụ lùm xùm đấu đá, những nợ nần và những cầu cứu các nguồn tài trợ trong lẫn ngoài nước. (…) nên đành phải viết, coi như giúp cho tờ báo mình thích một thời sống thêm". 

Hữu Thỉnh khen ngợi bạn đọc trong nước (rất hiếm khi Hữu Thỉnh khen công chúng, quả đây là sự lạ): "Bạn đọc họ thông minh và hiểu biết lắm. Họ thông minh hơn chúng ta, và hơn chúng ta tưởng. Đây, những bài viết ấy đây. Tờ báo Văn Nghệ của chúng ta không thể quay lưng với bạn đọc, không thể vô trách nhiệm với bạn đọc và với lịch sử được. Chúng ta không thể nào và không bao giờ có thể ủng hộ những khuynh hướng sáng tác như truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga. Phải làm rõ đúng sai. Không hy sinh chân lý được! Không hy sinh lịch sử được. Có gì quý hơn dân tộc, có gì quý hơn sự thật mà phải hy sinh ?! Chúng ta không quy chụp vội vã tác giả, nhưng phải chuyển đến tác giả về những nhận thức sai sót của mình về lịch sử". 

Hữu Thỉnh yêu cầu phải có cuộc họp giữa Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với Ban biên tập Báo Văn Nghệ để kiểm điểm, để đăng tải các ý kiến, và để có một lời cáo lỗi chân thành với bạn đọc. 

Tôi nhớ "Tăng tử từng nói :

Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương

Con người sắp chết thì lời nói phải".

Tăng tử thuyết : Điểu chi thương tử, kỳ minh dã ai ; Nhân chi thương tử, kỳ ngôn dã thiện- sách Luận ngữ). Ẩn dụ cổ nhân nói chữ "chết" nhưng chúng ta đều hiểu danh ngôn chỉ nói về mặt tinh thần thôi (mong ông Hữu Thỉnh đứng hiểu lầm chúng tôi thì may lắm).

Cuộc tọa đàm bắt đầu lúc 14g và kết thúc lúc 18g ngày 19 tháng 1 năm 2018 khi thành phố đã lên đèn. Lúc ấy, trong dư luận còn đang cảm xúc : vừa đau buồn tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày này 44 năm trước ; vừa phẫn nộ khi Bộ Văn hóa Việt Nam đã mời đoàn nghệ thuật Nội Mông của Tàu múa hát tại Nhà hát lớn vào đêm 19/01/2018 và công luận đang hồi hộp theo dõi xem đêm diễn có bị hủy như Bộ Văn hóa đã nói với báo chí không (sau đó đã hủy)".

Dư luận trái chiều yếu ớt

Tuy nhiên trên mạng xã hội, những cuộc tranh cãi vô hồi kỳ trận, rõ ràng phần mạnh vẫn nghiêng về phủ nhận truyện ngắn Quỳnh Nga. Tinh thần văn học và tinh thần dân tộc trùng hợp bùng lên. Nhưng vẫn có những hiện tượng kỳ quái bất ngờ.

Nhà văn Phạm Lưu Vũ vốn là cây bút phản biện sắc sảo ở Hà Nội, chả hiểu sao lần này "ma dẫn lối quỉ đem đường", ông lại bị cô Quỳnh Nga hút hồn. Ông bệnh vực "tự do sáng tác" của cô Nga.

Người bênh vực thứ hai là Bảo Thương nữ vũ công múa bút hội viên Hội văn nghệ Bắc Giang, hẳn cũng có giao tình với nữ tác giả Trần Quỳnh Nga Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Có lẽ hai cô đồng bệnh tương liên, đều thuộc loại thích "đốt đền" để nổi tiếng. Hãy nghe lý luận sống sít chưa tiêu hóa, rất sến súa của Bảo Thương. Cô này thích tỏ ra ta đây hiện đại :

"Chúng tôi ghét (văn) Minh Họa rồi, Ta thắng Địch thua, ai xấu, xấu cả chiều dài lịch sử, ai tốt, tốt cả ngàn năm hậu thế. Hãy để văn học về đúng là văn học của nó.

Máu giặc cũng như máu ta…

Lâu lắm rồi, mới đọc một truyện viết về lịch sử hay thế, chạm sâu đến thăm thẳm lòng người, tinh tế, giàu chất văn học, đầy tâm trạng, đầy trăn trở, đầy đấu tranh giữa chung và riêng, giữa nghĩa và tình, phá toang cái minh họa cũ kĩ; rất người, rất đời, chứ không phải là chàng Đăm San trong sử thi oai phong lẫm liệt, chứ không phải tướng giặc mặt đen, mắt dữ, râu vểnh ngược, hung tàn...

Tơ lòng tôi ngân lên đến giọt cuối cùng khi đọc nó".

van4

Nhà văn Bảo Thương lên tiếng ủng hộ tác giả và tác phẩm

Không thể kể những lời dân FB chửi mắng Bảo Thương cây bút làm xấu mặt các hội văn nghệ tỉnh lẻ.

Tôi có cảm tưởng hai cô văn sĩ này "lột quần áo" giống như các fan nữ U23 tự lột đêm 23/1 vậy. Yêu quí U23 thì ít, muốn làm nổi hình ảnh mình thì nhiều.

À, hóa ra ông Hữu Thỉnh đã khôn ngoan vào giờ chót. 

Phen này không nhanh tay thì mất tất cả. 

Bên đảng chính phủ thì ghét bỏ vì tuyên truyền ngu gây phản ứng ngược, mà bên công chúng bạn đọc cũng nguyền rủa và tẩy chay. 

Mất cả hai thì sống với ai đây !

Ông Hữu Thỉnh cứu nguy báo Văn Nghệ

Đáng lẽ viết bài tổng thuật cuộc Toạ đàm như lời hứa thì báo Văn Nghệ ngày 27/1 chỉ đăng gọn hai bài. 

Một là, tham luận "Về truyện Bắt đầu và kết thúc" của nhà văn Hoàng Quốc Hải cây bút chuyên viết tiểu thuyết lịch sử.

van5

Diễn đàn báo Văn Nghệ cũng có những ý kiến trái chiều về truyện ngắn của nhà văn Quỳnh Nga

Hai là, lời tòa soạn coi như bản tổng kết toạ đàm ngắn gọn và nhận lỗi của Ban biên tập.

Vì vậy chúng tôi bổ sung phần "tổng thuật" lược gọn như trên để bạn đọc hiểu rõ tình trạng mâu thuẫn loạn xà ngầu của ban chấp hành (những ý kiến kém chuyên môn và vô trách nhiệm của 2 phó Hội Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa và tay Biên tập viên Văn Chinh).

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 28/01/2018

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2